Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1379482

HỢP NHẤT

Hợp nhất

Nhìn vào xã hội, chúng ta nhận thấy con người thời nay đang bị giằng co, đang bị lôi kéo bởi hai ước muốn, đều tích cực, đều hợp lý như nhau nhưng chưa bao giờ được dung hòa một cách tốt đẹp.

Thực vậy, từ thẳm sâu cõi lòng, chúng ta đều mong muốn người khác biết đến những tư tưởng, những tài năng của mình, đòi hỏi họ phải tôn trọng và giúp đỡ để chúng ta phát triển được toàn diện con người. Khuynh hướng này có tính cách cá nhân.

Đằng khác, con người lại ước muốn hợp nhất, để xã hội này trở thành một cộng đồng hợp nhất và thương yêu, trong đó, con người không còn phải trải qua những sự trống vắng và cô đơn. Ước mơ này ngày càng trở nên mãnh liệt trong một thế giới bị phân hóa trầm trọng. Đây là một khuynh hướng có tính cách cộng đồng.

Hai ước mơ trên đây càng mãnh liệt bao nhiêu thì lại càng va chạm dữ dội bấy nhiêu, và cho đến nay chưa ai có thể dung hòa được một cách tốt đẹp.

Riêng với những người Công giáo, những người có đức tin, thì sự dung hòa ấy khả dĩ có thể tìm thấy được nơi Đức Kitô và lời Ngài phán dạy. Thực vậy, qua bài đọc thứ nhất, tiên tri Giêrêmia đã mô tả cái quang cảnh hùng vĩ: Dân Chúa tụ tập để lắng nghe lời Ngài. Esdras đọc và chú giải lời Chúa, còn dân Chúa thì vui mừng đến rơi lệ bởi vì Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài. Cảnh tượng trên đây đã được chính Đức Kitô thực hiện trong Tân ước. Đúng thế, Ngài đến để thực hiện sự hiệp nhất giữa muôn người. Ngài đến để thực hiện những lời hứa đã được tiên báo. Ngài đến để phá vỡ những bức tường ngăn cách, như nghèo đói, bệnh tật và dốt nát. Công cuộc hợp nhất này, cho đến ngày hôm nay, vẫn không ngừng được thực hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần…

Thực vậy, Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy chúng ta tìm về gặp gỡ để tạo thành một thân thể, tuy một mà nhiều, tuy duy nhất mà lại đa diện, trong muôn ngàn sắc thái của ơn Chúa. Nếu suy nghĩ chúng ta cũng sẽ nhận thấy nhân loại tự bản tính vốn đa diện: Có Do Thái, có Hy lạp, có nam có nữ, có trắng có đen, nhưng nhờ bí tích Rửa tội, con người đã gặp gỡ, đã hiệp nhất và trở nên một.

Vì thế sự hiệp nhất không phải chỉ là kết quả của những cố gắng giữa người với người, mà hơn thế nữa còn là một ơn Thiên Chúa trao ban. Bởi vì, nếu chỉ cậy dựa vào sức người, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại, hay nếu có đạt được thì đó chỉ là một sự hiệp nhất dổm, một sự hiệp nhất giả hiệu mà thôi.

Sự hiệp nhất đích thực chỉ được tìm thấy trong việc lắng nghe và thực thi lời Chúa. Nó là kết quả của một công trình lâu dài, của một nỗ lực không ngừng để tẩy rửa, để tinh luyện tư tưởng dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, hiệp nhất không có nghĩa là phải dẹp bỏ, phải bóp chết các tài năng, các ơn thánh cá nhân. Vườn hoa chỉ đẹp, khi mỗi cánh hoa đều phô diễn trọn vẹn cái sắc thắm của mình. Cũng thế, tất cả các ơn Chúa ban, đều phải được xử dụng để làm vinh danh Chúa và góp phần đem lại lợi ích chung.

Thế nhưng trở ngại vẫn còn đó, nào ích kỷ, nào tự ái, nào kiêu căng. Con đường tiến về hiệp nhất vẫn còn nhiều chông gai và sỏi đá, tuy nhiên, chúng ta chắc chắn sẽ đạt tới đích, nếu như chúng ta luôn trung thành với lời Chúa và với Kinh Thánh.

Ước chi hôm nay chúng ta bắt đầu sống sự trung thành ấy trong chính cuộc sống của mình, bằng cách chấp nhận người khác, để cộng đồng nhân loại sẽ là một vườn hoa đủ màu đủ sắc của Thiên Chúa.

 

18. Phải nghe bằng ba lỗ tai

Vào thời Chúa Giêsu, tại Israel có hai nơi dành cho việc phụng tự, là Đền thờ và Hội đường. Đền thờ thì chỉ có một, tức là Đền thờ tại Giêrusalem, nhưng có tới hàng trăm hội đường, hầu như mỗi làng đều có một cái. Đền thờ là nơi dân Do thái dâng hy lễ cho Chúa, chẳng hạn chiên, cừu, bồ câu… Còn hội đường là nơi dành cho việc giảng huấn, nơi dân chúng lắng nghe Lời Chúa và cố gắng áp dụng lời ấy vào cuộc sống của họ. Như chúng ta thấy, nghi thức phụng tự trong hội đường và trong Đền thờ tương ứng với nghi thức phụng tự trong thánh lễ của chúng ta. Nửa phần đầu của thánh lễ tương ứng với nghi thức trong hội đường được gọi là phần phụng vụ Lời Chúa, bao gồm việc nghe đọc các bài Kinh Thánh và áp dụng chúng vào cuộc sống giống như Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho dân Nagiarét trong Phúc Âm hôm nay. Nửa phần sau của thánh lễ tương ứng với nghi thức phụng tự trong đền thờ, được gọi là phụng vụ Thánh Thể, liên quan đến việc dâng hy lễ, giống như Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa Tiệc ly: “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20)

Giờ đây chúng ta hãy xét một cách sâu sát hơn phần đầu của thánh lễ, tức phần phụng vụ Lời Chúa. Trong phần này nhiệm vụ chính của chúng ta là lắng nghe Kinh Thánh. Vấn đề then chốt ở đây là ‘lắng nghe’. Cách đây nhiều năm có một vở kịch ở Broadway tựa là ‘Hoàng gia đi săn mặt trời’ (The Royal Hunt of the Sun). Vở kịch kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Kinh Thánh và bảo ông ta: “Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”. Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Kinh Thánh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất. Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ: “Vậy thì chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa thế nào đây?” Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng cả ba cách thức: bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn.

Trước hết, thế nào là nghe bằng lỗ tai tâm trí?

Đó là cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và hơn nữa, làm cho lời ấy sống động y như chúng ta đang nghe chính Chúa nói. Chẳng hạn, thánh Ignatiô Loyola thường nghe Lời Chúa theo kiểu này bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang có mặt trong hội đường Do thái để nghe Chúa Giêsu nói. Thánh nhân tưởng tượng ra niềm xúc động khiến giọng nói của Chúa Giêsu nghẹn ngào khi Chúa đọc đến câu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”, và thánh nhân còn tưởng tượng ra nỗi phấn kích như điện giật lan truyền nơi cộng đoàn tham dự khi Chúa Giêsu tuyên bố “Hôm nay, lời Kinh Thánh trên đã được ứng nghiệm khi anh chị em nghe đọc nó”. Như thế, nghe bằng tâm trí tức là không những chỉ hiểu Lời Chúa, mà còn làm cho Lời ấy trở nên sống động như thể nghe từ miệng Chúa nói ra.

Cách thứ hai là lắng nghe Lời Chúa bằng lỗ tai trái tim, nghĩa là ghi tạc Lời Chúa vào trái tim và cố gắng tìm cách áp dụng lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống chúng ta. Cách đây nhiều năm, Charlie Pitts là chủ nhân một công ty xây dựng chuyên xây đường điện ngầm ở Toronto, Canada. Công việc làm ăn của ông càng khuếch trương bao nhiêu thì đời sống cá nhân và gia đình ông càng khốn đốn bấy nhiêu. Ngày nọ, vì thấy tình thế tồi tệ quá, Charlie phải cầu cứu tới việc đọc Kinh Thánh. Tình cờ trong lúc đọc Kinh Thánh, một câu nói đập mạnh vào mắt ông: “Nào người ta được ích gì khi được lời lãi tất cả thế gian, mà lại mất hay thiệt chính mình?” (Lc 9,25). Những lời này như nói trực tiếp với Charlie, như hàm ý bảo ông: “Này Charlie, chính điều ấy đang xảy đến cho ông đó!”. Như thế, nghe bằng trái tim tức là ghi khắc Lời Chúa vào trái tim và xét xem có thể áp dụng lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của chúng ta như thế nào.

Và cách thức lắng nghe Lời Chúa sau cùng là lắng nghe bằng lỗ tai của linh hồn, nghĩa là ngoài việc ghi khắc Lời Chúa vào trái tim, chúng ta còn chuyện vãn với Ngài về lời ấy, đồng thời làm những gì mà Charlie Pitts đã làm. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta thực hiện những bước cần thiết để làm cho cuộc sống chúng ta phù hợp với Lời Ngài. Chẳng hạn, sau khi Charlie Pitts cầu nguyện về tình trạng sống của ông và bàn luận với vợ xong, ông liền bán toàn bộ công ty của ông trước khi nó huỷ diệt đời sống của ông. Tiếp đó, Charlie bỏ tiền ra mua một khách sạn có bãi sân gôn rồi quản trị nó. Lợi tức của công việc kinh doanh này ông dùng để truyền bá Phúc Âm.

Như thế bước thứ ba trong việc lắng nghe Lời Chúa là tâm sự với Ngài để xem Ngài muốn chúng ta làm gì khi nghe lời đọc trên. Dĩ nhiên, chúng ta không mong Chúa dùng lời nói để đáp trả lại lời nói của chúng ta, vì Ngài thường nói với chúng ta một cách thiêng liêng từ thâm sâu linh hồn ta. Và hơn nữa, không phải là Ngài sẽ luôn luôn đáp lời chúng ta ngay lập tức trong giờ cầu nguyện, mà Ngài thường đáp lời chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, ngoài giây phút chúng ta cầu nguyện. Chẳng hạn, Ngài làm cho chúng ta từ từ cảm nghiệm được niềm ước muốn đang lớn mạnh, khiến ta phải làm một điều gì đó để cải tạo hoàn cảnh hiện tại; Ngài khiến chúng ta tìm ra những ý tưởng về cách thức cải tạo cảnh ngộ chúng ta; hoặc Ngài khiến chúng ta cảm thấy nghiêng chiều về một trong những ý tưởng trên. Nói rõ hơn, nhưng chuyển biến tâm linh này có thể là do Lời Chúa đang âm thầm nói với chúng ta từ sâu thẳm của linh hồn.

Tóm lại, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức: Bằng lỗ tai tâm trí, bằng lỗ tai trái tim và bằng lỗ tai linh hồn. Nói cách khác, chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta; phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta; và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Ngài muốn nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy.

 

19. Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Ngày 21 tháng 1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Obama và “phó tướng” Biden đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2. Hình ảnh “bộ đôi quyền lực” này đặt tay lên cuốn Kinh Thánh và đọc lời tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp là một hình ảnh rất đặc biệt, gây sự chú ý mạnh mẽ.Báo chí đưa tin, khi thực hiện nghi thức tuyên thệ, ông Obama giơ tay phải lên và tay trái đặt lên 2 cuốn Kinh Thánh lịch sử của nhà lãnh đạo nhân quyền huyền thoại Luther King Jr và cố Tổng thống Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Mỹ. Chánh án Toà Tối cao John Roberts chủ trì nghi thức này. Phó Tổng thống Biden đặt tay lên cuốn Kinh Thánh mà dòng họ của ông sử dụng từ năm 1893. Thẩm phán tòa tối cao Sonia Sotomayor chủ trì lễ tuyên thệ của Biden. (Antoine Nguyễn).

Các nguyên thủ quốc gia, sau khi được toàn dân tín nhiệm qua lá phiếu bầu cử, thường đọc diễn văn quan trọng khởi đầu một nhiệm kỳ mới. Nội dung diễn văn trình bày hành động bao quát nhắm đến lợi ích của đồng bào đang mong đợi.

Tại quê hương Nazaret, Chúa Giêsu đã mượn bản văn của ngôn sứ Isaia để chính thức công bố với đồng hương chương trình hành động của mình: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Người nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Trước đó ít lâu, khi Gioan Tiền Hô nghe nói về hoạt động của Chúa Giêsu, từ trong tù ông đã sai môn đệ đến hỏi Ngài, có phải là Đấng thiên sai hay không? Chúa Giêsu thẳng thắn trả lời: “Các anh về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5). Qua câu trả lời gián tiếp này, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, dấu chỉ hiển nhiên của Đấng thiên sai là hành động chọn lựa đứng về phía những người nghèo khổ, bé mọn, tật nguyền và xấu số. Ngài tự đồng hóa với những người đói khát, rách rưới, trần truồng, bệnh tật, đau yếu, tù tội…Bất cứ những gì đụng chạm đến họ là đụng chạm đến bản thân Ngài. Tất cả những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính Ngài. Và tất cả những gì chúng ta không làm cho một trong những người bé mọn nhất của nhân loại khổ đau này là đã không làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-45). Sau Công Đồng Vaticanô II, một số thần học gia đã khai triển bản văn này và đặt nổi ba hình thức hiện diện đặc biệt của Đức Kitô: trong Thánh thể (Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25), trong cộng đoàn (Mt 18,20) và trong người nghèo (Mt 25,31-45).(x. ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Bước theo Đức Kitô, trang 32-33).

Chúa Giêsu thực hiện chương trình hoạt động cứu độ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sứ điệp đó, Giáo hội luôn thực thi suốt dòng lịch sử.

  1. Sứ điệp và hoạt động cứu độ của Chúa Giêsu

“Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.Người đã sai tôi đi công bố…”. Nội dung của sứ điệp nói lên đầy đủ sứ mệnh Chúa Giêsu sẽ thi hành gồm bốn hoạt động là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn, công bố sự giải thoát cho người tù đày, sự sáng mắt cho người mù loà, trả tự do cho người bị áp bức và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa.

Như vậy sứ điệp gồm hai điểm chính là loan báo Tin Mừng và đi công bố những gì Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại.

Tin Mừng được loan báo là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Sứ điệp công bố là những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại khốn cùng. Chúa Giêsu đã công bố bằng lời nói và bằng việc làm. Chính nơi Chúa Giêsu, người tội lỗi nhận được ơn tha thứ, người đau khổ gặp được nguồn an ủi, người chán nản gặp được niềm vui và người thất vọng tìm lại niềm hy vọng. Biết bao người tội lỗi đã “bị giam cầm” nay được thứ tha. Ánh sáng là một báu vật cho những người đang chìm trong tăm tối. Người mù thể lý được Chúa mở mắt. Người mù thiêng liêng được mở mắt đức tin để nhìn thấy và tin vào Chúa. Tự do là quà tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Những người bị áp bức, bị vùi dập, bị đè nén, những thống khổ nay được giải thoát. Những lo lắng, bệnh tật, bất công… làm cho con người trở nên nô lệ, mất đi phẩm giá, nay được Chúa chữa lành bệnh tật, bênh vực kẻ yếu, duy trì công bình xã hội và phục hồi phẩm giá cho họ. Đó là hồng ân Chúa Giêsu công bố và thực hiện. Đây là sứ mạng giải thoát con người hoàn toàn khỏi mọi cảnh bất công xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Trong Nước Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa. Hình ảnh lý tưởng ấy đang hiện diện một cách huyền nhiệm trong Giáo Hội (x. Lumen Gentium, 3).

  1. Chúa Thánh Thần, thúc đẩy và hướng dẫn.

Cơ chế xã hội bất công đã tạo nên bao thảm cảnh trong cuộc đời. Người nghèo chính là nạn nhân của những cơ chế bất công. Vấn đề muôn thuở đó vẫn luôn mang tính thời sự. Chúa Giêsu có sứ mạng giải thoát những người nghèo khổ và bị áp bức. Nhưng sứ mạng đó chỉ có thể thực hiện được khi có Thánh Thần hướng dẫn và Chúa Cha ủy thác.

Nhiều lần Tin Mừng nói, Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Từ ngày Truyền Tin, Thiên Thần đã loan báo: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Trong cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu, sách Tin Mừng nói rất ít về Người. Dù vậy, chắc chắn đó phải là những ngày Thần Khí Thiên Chúa giúp cho Chúa Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40); “ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,52). Khi Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, vai trò của Chúa Thánh Thần thường được nhắc tới dưới hình thức, Chúa Giêsu “được đầy Thánh Thần, được Thánh Thần dẫn đi, được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy”. Vào ngày chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Thánh Luca coi đây như là việc “xức dầu”, được tấn phong làm “Đấng được xức dầu” (Cv 10,37-38; Lc 4,18; x. Is 61,1). Xức dầu tấn phong là nghi thức trao ban sứ mệnh, không chỉ là sứ mệnh của ngôn sứ mà còn là sứ mệnh cứu độ của Đấng đến để chu toàn tất cả những gì Lề Luật và các Ngôn Sứ đã nói về Người.

  1. Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu xác định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” Trải suốt Tin Mừng Luca, từ “Hôm nay” xuất hiện tại những đoạn then chốt. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nghe các thiên thần loan báo “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” (2,11). Khi Chúa Giêsu gặp ông Giakêu, Người nói với ông “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (19,9). Chúa Giêsu hứa với người trộm bị đóng đinh bên phải rằng “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (23,43). Ý nghĩa của từ “Hôm nay” mà Chúa Giêsu công bố không chỉ là “ngày hôm nay” vào lúc Người tại thế, mà còn là “ngày hôm nay” của Giáo Hội nữa.

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục công cuộc cứu thế trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Người. Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình trong thế giới. Giáo Hội nối dài hoạt động của Đức Kitô. Qua dọc dài lịch sử, Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng đem Tin Mừng cho người nghèo hèn. Giáo Hội đã thiết lập các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, nhà dưỡng lão…Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã làm và đang tiếp tục làm:”Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ” (Lumen Gentium, 8). Thời đại hôm nay, sứ mạng của Giáo Hội còn quan trọng và thiết thực hơn nữa, liên quan đến tự do, công lý, nhân quyền, phát triển và hòa bình. Những hoạt động bác ái và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người nghèo hèn. Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do, đói khát nhân quyền. Giáo Hội quan tâm nhiều đến họ và trợ giúp cho họ. Phương tiện của Giáo Hội luôn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng là “sự thật giải thoát” (Ga 8,32).

“Có nhiều Kitô hữu hiến đời mình để yêu thương những người cô thế, bị gạt ra ngoài lề, bị loại trừ, coi họ là những người đầu tiên cần phải đến gặp và là những người chủ yếu phải được nâng đỡ, vì nơi họ phản chiếu gương mặt của chính Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra gương mặt Chúa phục sinh nơi những người đang mong được chúng ta yêu thương”. (Cánh cửa đức tin, số 13). Mỗi Kitô hữu tiếp nối công việc của Chúa Giêsu bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể xác và tinh thần, tẩy trừ sợ hãi, giải thoát người bị áp bức, xoa dịu các oán hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện tích cực của Chúa bằng những hoạt động bác ái của mình. Trung thành thực thi sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô, chúng ta góp phần làm cho lời tiên tri Isaia cũng được ứng nghiệm, năm hồng ân của Chúa được công bố và Nước Thiên Chúa hiện diện giữa lòng cuộc sống hôm nay.

 

20. Đường nẻo Chúa

Trong một vài phút ngắn ngủi này, tôi xin chia sẻ một vài ý tưởng đơn sơ chung quanh lời nói của tiên tri Isaia, mà thánh Luca đã nhắc lại qua đoạn Tin mừng hôm nay:

– Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy được rằng: tư tưởng và đường nẻo của Chúa thật khác với tư tưởng và đường nẻo của chúng ta. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Chúa cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo của chúng ta bấy nhiêu.

Thực vậy, chúng ta thường đánh giá người khác qua những biểu hiện bên ngoài, dựa trên quyền lực và giàu sang. Đúng thế, người có tiền thì được yêu mến:

– Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khác tầm. Có nghĩa là ngèo mà ở giữa phố chợ cũng chẳng ai thăm, còn giàu mà ở trên rừng trên núi, đèo heo hút gió cũng vẫn có kẻ chịu khó tìm đến. Hay: Thấy người sang bắt quàng làm họ. Miệng nhà giàu có gang có thép. Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

Còn người có quyền, thì được vị nể, trọng kính:

– Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.

Bởi đó, người đời thường mơ ước được giàu sang và quyền thế. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại đem Tin mừng đến cho những kẻ nghèo hèn. Trong bài giảng trên núi Ngài còn chúc phúc cho những người nghèo khó, đói khát, đau khổ và bị bách hại. Lần khác, Ngài cũng đã nguyện cầu:

– Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha, vì Cha đã dấu không cho những người thông thái biết những sự mầu nhiệm này, mà lại tỏ ra cho những kẻ bé mọn.

Chúa không phải chỉ nói, mà Ngài còn làm như vậy. Một Đavít nhỏ yếu với vóc dáng của một cậu bé chăn chiên, thế mà Chúa đã cho thắng được Golíat, lên ngai vàng và trở thành một vị vua hùng mạnh, dẫn đưa dân Do Thái tời một thời đại hoàng kim. Một Maria khiêm tốn với thân phận của một nữ tì, thế mà Chúa đã chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế. Và khi Chúa đến, thì ai là những người đầu tiên được diễm phúc đón nhận tin mừng giáng sinh, nếu không phải là những mục đồng, những kẻ chăn chiên vất vả nghèo túng. Rồi những môn đệ được Chúa mời gọi để cộng tác với Ngài trong việc rao giảng Phúc âm là ai nếu không phải là những bác tuyền chài quê mùa và dốt nát.

Chính Chúa cũng vậy. Ngài không đến với binh đội hùng hậu, nhưng đến dưới vóc dáng của một hài nhi bé nhỏ, nghèo túng, không một mái nhà ẩn náu. Vậy tại sao Ngài lại dành Tin mừng và phúc lành cho những kẻ khó nghèo và dành yêu thương cho những người bất hạnh?

Dĩ nhiên có nhiều lý do, nhưng hôm nay tôi chỉ xin đưa ra một lý do rất đơn giản mà thôi. Sở dĩ Chúa hành động như vậy là vì người giàu sang và quyền thế thường hay cậy dựa vào sức riêng của mình, nên rất dễ sinh ra kiêu căng. Mà đã kiêu căng, thì chắc chắn sẽ bị Chúa loại trừ. Trong Kinh thánh, Chúa đã phán:

– Ta chống lại kẻ kiêu căng.

Hay trong lời kinh ngợi khen, Mẹ Maria cũng đã nói:

– Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao nhưng người phận nhỏ.

Vì thế, thánh Gregorio đã nói:

– Kiêu căng là dấu chỉ rõ ràng nhất của kẻ đã bị Chúa loại trừ.

Trái lại, người nghèo hèn và bất hạnh sẽ cảm thấy mình yếu đuối, thấp hèn và thiếu thốn, nên dễ đặt trót niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa, dễ đón nhận Tin mừng và được Chúa chúc phúc.

Muốn bỏ một vật gì vào túi, thì chiếc túi phải rỗng. Nếu túi đã đầy thì làm sao nhét vào cho được. Cũng thế, kẻ kiêu căng chất đầy tâm hồn những tự phụ, tự mãn, tự cao thì đâu còn chỗ cho Chúa nữa. Trong khi đó người nghèo hèn và bất hạnh luôn cảm thấy tâm hồn mình trống để cho tình thương của Chúa hoạt động.

Từ đó, chúng ta đi tới kết luận: người nào coi mình chỉ là một con số không, thì sẽ có đủ chỗ cho Đấng vô cùng. Trái lại, kẻ nào coi mình là vô cùng, thì trước mặt Chúa chỉ là một con số không mà thôi.

 

21. Lời Chúa

Tác giả tập sách có tựa đề: “Cuộc Săn Đuổi Mặt Trời” kể lại cuộc mạo hiểm của những người lính Hoàng Gia Tây Ban Nha trong thế kỷ XIX đi chiếm thuộc địa bên Nam Mỹ, tại vùng đất mà ngày nay gọi là quốc gia Pe-ru.

Một người trong nhóm đem tặng cho viên tù trưởng trong bộ lạc da đỏ một quyển Kinh Thánh và nói: Đây là quyển sách Thánh, nơi Thiên Chúa nói với con người và ban cho con, những ai lắng nghe được lời Ngài, một sức mạnh phi thường vượt qua được mọi gian nan thử thách và được hạnh phúc trường sinh.

Đón nhận quyển sách,viên tù trưởng kia vui mừng vội mau tìm nơi vắng đưa sách lên tai để lắng nghe Thiên Chúa nói. Nhưng thật là vôi ích, ông cầm lên, đưa xuống đủ cách mà im lặng vẫn hoàn im lặng, không có tiếng Thiên Chúa nào phán cả. Bực mình, viên tù trưởng ném sách đi và lẩm bẩm: Ta bị gạt, ta đã bị gạt.

Có thể ta sẽ cười thái độ ngớ ngẩn của cả hai người, người cho cũng như kẻ nhận. Không chỉ cầm quyển sách Kinh Thánh trong tay là nghe được Lời Chúa. Người cho cũng như người nhận cần phải thực thi một vài điều kiện để giúp cho mình và kẻ khác được nghe Lời Chúa. Bài Phúc Âm của Chúa Nhật III Mùa thường niên được trích từ Phúc Âm thánh Luca, tác giả đã cẩn thận ghi lại như sau:

Kinh thánh là sách bán chạy nhất thế giới, vượt mọi kỷ lục từ xưa đến nay. Kinh thánh được ham mộ vì đó là một cuốn sách chứa đựng kho tàng Lời Chúa, chứa đựng đầy dẫy những bí quyết giúp con người sống ơn gọi làm người của mình, đứng đắn và hạnh phúc. Biết lắng nghe lời Chúa và để cho lời Chúa thấm nhập tấm lòng rồi đem ra thực hiện trong cuộc sống của mình là con người thành công trong nỗ lực sống ơn gọi làm người hạnh phúc. Cũng chính vì thế nên Mẹ Giáo Hội cống hiến Lời Chúa cho tín hữu qua các bài đọc phụng vụ mỗi ngày. Từ sau Công Đồng Vaticano II đến nay, các bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật được phân chia như sau: Hãy Ra Khơi

Chu kỳ A theo Phúc Âm thánh Matthêu.

Chu kỳ B theo Phúc Âm thánh Marcô.

Chu kỳ C theo Phúc Âm thánh Luca.

Còn Tin Mừng theo thánh Gioan thì đặc biệt dùng cho mùa Phục Sinh và mùa phụng vụ khác.

Trong số bốn thánh sử, thánh Luca là người có óc sử gia hơn cả. Trong những câu mở đầu đọan Tin Mừng hôm nay, thánh sử cho biết ngài đã sưu tầm, tra cứu kỹ lưỡng các loại tài liệu truyền miệng cũng như viết tay để viết ra sách Tin mừng.

Là người gốc Siry Antiôkia, thánh sử Luca không thuộc Do Thái giáo. Nghề bác sĩ y khoa khiến thánh sử đặc biệt chú ý đến các phép lạ chữa lành bệnh tật. Thánh sử đã từng là môn đệ của các Tông đồ, bạn đồng hành và cộng sự viên của thánh Phaolô. Vì là người ngoài Do Thái giáo theo Kitô giáo, thánh Luca chú ý viết Tin Mừng cho anh chị em không Do Thái giáo, nên hay cắt nghĩa các tập tục Do Thái để giúp họ hiểu dễ dàng hơn. Thánh sử không chủ ý viết lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu mà chỉ kể lại chứng tích lịch sử. Chứng tích lịch sử của Thánh sử Luca nhấn mạnh đến mấy mấu điểm thần học chính yếu sau đây:

Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu soi cho những người ngoài Do Thái thấy con đường ơn cứu độ. Ngài thuyết giáo lưu động nhưng là hiện thân tình yêu thương Thiên Chúa có đối với loài người, đặc biệt đối với những người tội lỗi, yếu đau, bé nhỏ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt ngoài lề xã hội, không tiếng nói, không quyền lợi, bị áp bức, chèn ép, bóc lột và đối xử tàn tệ nhất. Vì thế, ở đâu có bước chân và sự hiện diện của Ngài là ở đó bừng lên ánh sáng cứu độ, niềm an vui và tình yêu thương hòa hợp.

Chúa Giêsu cống hiến ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, không trừ một ai và ngay trong thời điểm của hiện tại, ngày hôm nay trong lúc này và ở đây. Qua Ngài, Thiên Chúa đến thăm và cứu rỗi con người, thế nên mọi người cần phải biết tỉnh thức, chăm chú lắng nghe, nhìn xem và nhận ra sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu, đón nhận Ngài và sống theo Ngài, vượt qua cái chết để đạt đến cuộc sống Phục Sinh vĩnh cửu mà Thiên Chúa muốn trao ban và dành để cho con người.

Nơi phần hai của bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa thường niên chúng ta thấy thánh sử Luca nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa trong cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu. Ngài chịu phép thanh tẩy của thánh Gioan Tiền Hô tại sông Giócđan và Thánh Thần Thiên Chúa đã hiện diện trên Chúa Giêsu trong những lúc bị cám dỗ. Thánh Thần Thiên Chúa đã hướng dẫn Chúa Giêsu và giờ đây trong bài giảng đầu tiên tại thành Nagiaréth, Chúa Giêsu cũng được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Đây là ngày Chúa Giêsu tỏ mình ra cho những người đồng hương của Ngài khi Ngài nói: “Đoạn Sách Thánh hôm nay đã được ứng nghiệm”. Chúa Giêsu muốn nói rằng, ơn cứu độc được Thiên Chúa hứa ban ngày xưa, hôm nay hiện diện trong con người của Ngài. Sự hiện diện của ơn cứu rỗi đó không theo quan niệm và tiêu chuẩn của loài người, nhưng là theo chương trình của Thiên Chúa. Ơn cứu rỗi đó nằm trên một bình diện cao cả hơn, rộng lớn hơn và sâu xa hơn. Nó không chỉ hạn hẹp trong một số người hay một dân tộc, lại càng không phải là sự giải phóng về chính trị, kinh tế, văn hóa cấp thời trần thế. Ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đem lại cho con người được dành để cho tất cả mọi người tin và chấp nhận Tin Mừng của Ngài, không phân biệt giai cấp, màu da và chủng tộc.

 

home Mục lục Lưu trữ