Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 40
Tổng truy cập: 1376739
HYÃ ĐI ĐƯỜNG HẸP
uy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
- Câu Kinh Thánh “Hãy đi đường hẹp… Đừng đi đường rộng” có thể áp dụng cho “những con đường nên thánh” không? Áp dụng thế nào?
- Nên thánh bằng con đường rộng, và bằng con đường hẹp là gì?
Suy tư gợi ý:
- “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”
Thông thường, ai cũng thích đi vào những con đường rộng rãi, cao cấp, vì tại đó có thể đi bằng những loại xe lớn, mắc tiền, tốc độ cao, có thể phóng xe thoải mái, đỡ mệt trí. Không mấy ai thích đi đường hẹp, nhỏ, vì chỉ có thể đi bằng xe nhỏ hay đi bộ, vừa mệt lại vừa chậm chạp.
Cũng vậy, để đạt tới sự thánh thiện, theo tâm lý tự nhiên, ai cũng thích đi con đường rộng, vừa làm những việc lớn lao, tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người coi là vĩ đại, tôn là thần thánh, vừa đỡ phải hy sinh, đỡ chịu thiệt thòi, vừa có danh, lợi, quyền, nhờ đó được hưởng biết bao ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mà thế gian dành cho… Biết bao người muốn nên thánh bằng con đường “siêu xa lộ”này. Người chủ trương nên thánh kiểu này chủ trương rằng phải nên thánh làm sao để được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Quả là một tính toán hết sức khôn ngoan… kiểu trần gian! Chẳng mấy ai muốn nên thánh bằng con đường hẹp, nhỏ, là con đường làm những việc nhỏ bé, tầm thường, âm thầm, vừa phải hy sinh nhiều mà chẳng được ai biết đến, lại chẳng được chút ưu đãi gì của trần gian. Quả là thiệt thòi nhiều chuyện!
Nhưng Đức Giêsu dạy chúng ta, đương nhiên ngay cả trong việc nên thánh, rằng hãy đi con đường nhỏ hẹp, khiêm nhu, ít người thích đi. Điều hết sức nghịch lý nhưng lại rất chí lý là con đường nhỏ hẹp ấy đem lại nhiều kết quả cho việc nên thánh đích thực hơn là con đường rộng rãi thênh thang. Vì đặc trưng của việc nên thánh là như vậy. Muốn nên thánh mà lại muốn đi vào đường lớn, muốn làm những việc to tát để ai cũng biết tiếng, để có được những thứ mà người trần gian thường ao ước! Coi chừng kẻo mình đang làm mọi sự vì mình, vì vinh danh mình, vì lòng kiêu ngạo, để làm phình to bản ngã, chứ không phải vì vinh danh Chúa hay vì yêu mến Chúa và vì lợi ích của tha nhân. Mang tiếng là vì Chúa, cho Chúa, nhưng thực ra là vì mình tất cả! Chúa chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục đích của mình! Chính vì thế, con đường thênh thang rộng rãi đầy “mầu mè thánh thiện” này nhiều khi lại dẫn đến đổ vỡ trước mặt Thiên Chúa. Sự đổ vỡ ấy được đề cập đến ngay trong bài Tin Mừng này.
- Một sự đảo ngược không ngờ
Những người muốn nên thánh kiểu “khôn ngoan”kia thường nghĩ rằng: đời này mình được thần thánh hóa, được mọi người tôn vinh, nể trọng, kính phục, ắt đời sau mình cũng là một nhân vật đáng kể ở trên trời. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy vào “ngày ấy”, có một sự đảo lộn không ngờ được: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Đứng chót cũng còn đỡ, bài Tin Mừng còn cho thấy một viễn ảnh đen tối hơn: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài”. Đương nhiên sẽ có biết bao người lấy làm lạ, vì thấy mình đã làm cho Chúa biết bao nhiêu điều to tát ở trần gian. Họ hỏi Chúa: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Hoặc “Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?”(Mt 7,22). Nhưng câu trả lời của Chúa thật như tát vào mặt họ một cách bất ngờ: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” Thật ít ai hiểu được tại sao những người mà trần gian tưởng rằng đầy công nghiệp trước mặt Chúa lại bị Chúa trả lời phũ phàng và “vô ơn” đến như vậy!
- Muốn nên thánh, hãy chọn con đường nhỏ hẹp mà đi
Bài Tin Mừng trên quả thật đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên và suy nghĩ, nhất là những người Ki-tô hữu đang theo lý tưởng nên thánh. Liệu sự đảo lộn ấy có áp dụng ngay trên chính bản thân ta không? Điều quan trọng là chúng ta cần xác định xem mình đang đi trên con đường loại nào để nên thánh? Đường nhỏ hay đường lớn? Đường mòn hay xa lộ? Nếu chúng ta thật sự muốn thành công trong việc nên thánh, hãy cẩn thận, đừng ham con đường rộng rãi, “vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó”(Mt 7,13). Hãy chọn con đường nhỏ hẹp, vì “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”(Mt 7,14). Nhưng thế nào là nên thánh bằng con đường rộng? Và thế nào là nên thánh bằng con đường hẹp?
Ta đang đi trên đường rộng, nếu ta vừa muốn nên thánh, mà lại vừa muốn và tìm cách dùng sự nên thánh ấy để hưởng được ít nhiều những thứ mà mọi người thế tục mong ước: quyền lực, tiếng tăm, địa vị, tiền bạc, được ca tụng, tôn vinh, quí trọng, được thần thánh hóa, được mọi người coi là đạo đức thánh thiện, được ưu đãi trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội bất chấp tài đức hèn mọn của mình, được ăn ngon mặc đẹp, và những thú vui trần tục khác. Những người nên thánh kiểu này có thể làm rất nhiều việc được coi là đạo đức, tốt đẹp, thậm chí dạy mọi người nên thánh nữa. Họ thường có vẻ bên ngoài rất thánh thiện, đạo mạo. Đức Giêsu nói về họ: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có (…) những kẻ bây giờ đang được no nê (…) những kẻ bây giờ đang được vui cười (…) được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,24-26). Các nhà tu đức thường nói về họ: “sanctus videtur sed non est”(có vẻ thánh mà thực ra không phải). Vì họ phải như thế thì mới được mọi người nghĩ họ là thánh! Đặc tính không dấu được của những người này là để lộ ra “cái tôi” rất lớn của mình! Họ khó có thể chấp nhận có ai xúc phạm đến họ. Và họ không bao giờ dám dấn thân vào những gì nguy hiểm đến sự sống còn, đến địa vị hay nồi cơm của họ, khi lý tưởng “vì Chúa vì tha nhân”và tư cách “thánh thiện” của họ đòi hỏi!
Ta đang đi trên đường hẹp, nếu ta muốn nên thánh mà không ham được ai biết đến, cũng không tìm cách dùng cái “vẻ thánh thiện” của mình để hưởng được những thứ “hấp dẫn” trần tục ấy. Đặc tính dễ nhận ra của những người này là họ coi “cái tôi” của họ rất nhỏ! Không cảm thấy có vấn đề gì lớn khi bị ai xúc phạm, hiểu lầm. Họ không thích làm ra vẻ thánh thiện, đạo mạo. Và họ cũng sẵn sàng hy sinh khi lý tưởng vì Chúa vì tha nhân đòi hỏi. Các nhà tu đức thường nói về họ: “sanctus non videtur sed est”(không có vẻ thánh nhưng lại là thánh).
- Hãy tự xét mình để đừng ảo tưởng về mình
Quả thật, nhiều khi chúng ta tưởng mình rất tốt lành trước mặt Thiên Chúa, chỉ vì ta đã làm được biết bao việc tốt lành, nhiều hơn biết bao người khác! Vì những việc tốt đẹp ấy, biết bao người đã nể phục, kính trọng ta, khen ta là thánh thiện, tốt lành, đạo đức. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: trước con mắt của Thiên Chúa, ta cũng được đánh giá tốt lành như người chung quanh ta đánh giá không? Ta làm được biết bao việc tốt lành, nhưng động lực gì thúc đẩy ta làm những việc ấy? Vì yêu Chúa thương người khác được bao nhiêu phần trăm? Hoặc làm để được tiếng khen, để tạo uy tín, để được kính nể, để nhờ đó ta được bề trên và nhiều người tín nhiệm hơn, được lên chức, được nắm nhiều quyền hơn, vì sự khôn ngoan trần gian đòi buộc như thế… bao nhiêu phần trăm? Nếu thành thực với lòng mình, nhiều khi ta thấy mình vì Chúa, vì người khác rất ít, mà vì mình thì rất nhiều. Hãy coi chừng kẻo ta đang muốn nên thánh bằng con đường rộng rãi thêng thang, tuy được người trần gian ca tụng là thánh thiện, được thế gian tôn trọng ưu đãi, nhưng trước mặt Chúa lại là con số không to tướng! Cần luôn tỉnh thức và hồi tâm xét lại những động cơ của mình!
Cầu nguyện
Lạy Cha, thế lực xấu ở ngay trong bản thân con thật tài tình! Nó có thể đánh lừa chính con ngay cả trong việc cao cả nhất là việc nên thánh. Nó làm con tưởng rằng mình đang tiến bộ rất nhanh trên con đường nên thánh, vì làm được biết bao việc tốt lành cho Chúa và tha nhân! Nhưng thực ra con đang xây dựng cho vinh quang của con trước mặt người đời. Con đã ăn cắp vinh quang của Cha để hưởng cho con. Xin cho con biết phản tỉnh sâu xa để nhận ra tình trạng tệ hại ấy, và trở lại với con đường nên thánh nhỏ bé mà Cha muốn con đi. Amen.
37. Hãy phấn đấu hết mình – Jude Siciliano
Thưa quý vị,
Có lẽ chúng ta thắc mắc về động lực của nhân vật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không?”Ông ta hỏi vì tò mò hay vì tự mãn mình là thành viên của dân Do thái, nên đương nhiên sẽ được cứu rỗi? Hoặc giả ông ta thuộc đám đông đi lên Giêrusalem với Chúa, cho nên cảm thấy đã an toàn về phần rỗi, không bị ném ra ngoài theo như lời rao giảng của Chúa Giêsu cách đó ít lâu? Thực đúng không hễ thuộc về nhóm môn đệ Chúa là tự động được chia phần Nước Trời, chẳng cần cố gắng thêm? Thân cận với Chúa Giêsu là đủ rồi chăng?
Mấy câu nói của Chúa lúc khởi đầu phúc âm hôm nay, làm người nghe khiếp sợ: “Ngài bảo họ: hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có người sẽ tìm cách vào mà không thể được!”Quả thực Chúa không trực tiếp trả lời câu hỏi ít hay nhiều người được chọn, việc đó thuộc mầu nhiệm nước Trời, không ai được biết. Nhưng điều kiện để được nhận vào thật khó khăn. Cứ như tình trạng hiện thời của mỗi người, liệu chúng ta có chắc nắm được phần rỗi? Chúng ta làm đầy đủ nghĩa vụ một kitô hữu, là thành phần của cộng đoàn đáng kính, là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tuân giữ lề luật Hội thánh, ăn chay kiêng thịt, làm công tác bác ái. Liệu đã đủ chưa? Theo tiêu chuẩn loài người thì có lẽ đủ. Nhưng trước mặt Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện vô cùng thì chưa bảo đảm. Chúa trả lời cho người chất vấn: Hãy quên đi vấn đề nhiều ít sẽ được vào dự tiệc cưới trên trời, nhưng xem xét lại phẩm chất sống đạo của mình. Thay vì đùa vui cho thoả mãn tính tò mò về con số thì hãy chú tâm vào những cố gắng của mình. Chúa dạy chúng ta phấn đấu hết mình để qua cửa hẹp. Từ phấn đấu ở đây trong tiếng Hylạp là Agonizesthe (hấp hối). Tiếng Anh là “agony”. Nó cho cảm tưởng là cạn kiệt sức lực, như các tay đua trong đấu trường thế vận hội Olympic. Họ luôn luôn phải mạnh hơn, cao hơn và nhanh hơn (forius, altius và citius), không ngừng phá kỷ lục cũ. Nhiều vận động viên đã tắt thở vì cố gắng quá sức. Nhiều năm tập luyện nghiêm khắc mới đưa họ được đến cuộc thi danh tiếng. Đúng là các vận động viên thể thao đã phải qua cửa hẹp, rất hẹp để đến vinh quang. Chúa Giêsu cũng kêu gọi các kẻ theo ngài có cùng thái độ nhân danh nước trời. Tuy nhiên Ngài biết rõ mục tiêu sẽ cân xứng với các cố gắng của họ. Và có thể là còn vượt xa hơn.
Trên bình diện siêu nhiên sự so sánh chỉ đúng một phần. Bởi lẽ chúng ta không cố gắng một mình. Và thành công không hẳn thuộc về loài người. Đã rõ nó đòi hỏi rất nhiều mồ hôi nước mắt, nghị lực và bền bỉ. Nhưng nằm dưới những cố gắng ấy là ơn thánh Chúa trợ giúp. Các câu truyện phúc âm đều nêu bật yếu tố quan trọng này. Cuộc đời thánh phaolô chẳng hạn. Các phấn đấu của ông luôn đi kèm với ơn thánh. Có lần ông than phiền vì khổ cực, Thiên Chúa trả lời: “Ơn ta đã đủ cho con rồi.”Khi hồi tâm Phaolô cảm nghiệm đúng như vậy. Cho nên sự vào qua cửa hẹp khởi đầu bằng lời mời gọi của Thiên Chúa. Khi lắng nghe và chấp nhận, tức khắc chúng ta sống trong vương quốc của ơn thánh, nguồn nghị lực chính yếu và cảm hứng sôi nổi của tiến trình phấn đấu thiêng liêng. Tín hữu nào trung thành với ơn gọi của mình thì là một “đại phúc”cho linh hồn. Viễn tượng thánh thiện không con bao xa.
Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Isaia: Đoạn nói về tái thiết Giêrusalem và đền thờ. “Đức Chúa phán như sau: Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.”Ngôn sứ báo trước một sự thay đổi lớn về tôn giáo thời cánh chung, mọi dân tộc sẽ thờ phượng Thiên Chúa. Cộng đồng Israel sẽ được phục hồi, bắt đầu giai đoạn lịch sử mới. Các dân tộc từ xa xôi như Tarsit (Bắc phi), Javan (Hylạp), put, lut đều được thi hành chức vụ tư tế như con cái Do thái: “Giống như con cái Israel mang lễ phẩm trên đĩa thanh bạch đến nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.”Như vậy từ nay nhà của Đức Chúa Trời mở cửa đón nhận mọi linh hồn, bất kể màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc. Tuy nhiên sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời khác với quan niệm của chúng ta về kẻ dữ người lành, kẻ trong người ngoài, kẻ trên người dưới. Chúa tuyên bố “kìa có những người đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”Chúng ta thật bối rối với lý luận của Chúa Giêsu. Chắc chắn thế giới của Ngài không phải là nơi chúng ta từng quen thuộc. Nó là thế giới hoàn toàn mới. Một đường lối khác lạ để thưởng phạt và thâu nhận vào nước trời qua cửa hẹp. Thực tế, Tin Mừng hôm nay đề nghị chúng ta cất bỏ mọi tính toán và tiêu chuẩn loài người vào kho và hãy để Đức Chúa Trời làm Thượng Đế trong việc thâu chọn. Hãy trở lại với bổn phận riêng và nhận ra sự khác biệt mà ơn thánh hoạt động trong mỗi thân phận. Lúc ấy chúng ta được khả năng phấn đấu vươn tới mục tiêu. Tạ ơn Thiên Chúa!
Để giúp đỡ nhận thức quan điểm chúng ta không nhìn vào Nước trời bằng khả năng riêng. Bài đọc hôm nay nhắc nhớ giai đoạn nào của Tin Mừng mà sự kiện xảy ra. Nó ở trên con đường Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Như vậy lời khuyên “cố gắng vào bằng cửa hẹp”thật là ý nghĩa. Nó liên kết chặt chẽ với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ngài không lên Giêrusalem để vui chơi, dự lễ mà để chịu hành xích, khổ hình và tử đạo, mang ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Ngài can đảm trung thành với sự vụ rao giảng và thực thi Tin Mừng. Ngay cả khi điều đó đòi hỏi đau khổ và tử nạn. Thánh Luca trong trình thuật hôm nay nhắc nhớ chúng ta: Đức Ki-tô là nguồn sống mới cho mọi tín hữu, khi Ngài làm hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Ngài ban cho mỗi người ước vọng phấn đấu qua cửa hẹp mà vào Vương quốc Thiên Chúa. Thời Chúa Giêsu, khi người ta đồng bàn ăn uống thì đương nhiên trở nên thân thiết với nhau, coi nhau như người trong gia đình. Vậy những người hãy còn ở ngoài khi cửa đã đóng có quyền đòi hỏi chủ nhà phải mở. Họ có quyền yêu cầu Chúa Giêsu cho mình vào bên trong, bởi lẽ đã từng ăn uống với Ngài, thuộc về nhóm môn đồ của Ngài. Theo tiêu chuẩn xã hội thông thường thì họ có lý. Nhưng Chúa Giêsu cho biết đồng bàn với Ngài còn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Những ai ăn uống với Ngài trong bữa tiệc Thánh Thể cần thánh thiện hơn nữa, chứ không chỉ là thành viên của cộng đồng, giáo xứ hay Hội thánh là đủ. Điều này đúng cho những người Do thái thời Chúa Giêsu. Họ giữ đạo hoàn toàn vụ hình thức và đã tẩy chay Chúa Giêsu. Nhưng càng đúng hơn đối với tín hữu thời nay, tính hoá đá có lẽ còn tế nhị và nặng nề hơn. Nhờ Lời Chúa hôm nay, chúng ta nên lượng định lại đời sống tôn giáo của mình, có đúng tiêu chuẩn Chúa Giêsu đòi hỏi không? kẻo lại được nghe lời khiển trách ghê sợ: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính: Ta không biết các ngươi từ đâu đến.”
Những khách ở ngoài lại đưa ra một bằng chứng khác. Họ đã được Chúa dạy dỗ trên các đường phố hoặc ngồi với họ trong các hội đường. Câu đáp trả của Chúa Giêsu bất ngờ: “Xéo đi, Ta không biết các ngươi”. Điều này cho chúng ta hay: Nghe suông không đủ, học thuộc lòng giáo lý của Ngài không đủ, Ngài đòi hỏi nhiều hơn nữa để xứng đáng mang danh hiệu Ki-tô hữu, tức phải đem lời Ngài ra thực hành. Nhưng trong phạm vi nào? Câu trả lời là mênh mông như bề mặt trái đất chúng ta đang sống. Lòng bác ái của chúng ta phải vươn tới mọi nơi, mọi người, bất kể châu lục, màu da, ngôn ngữ, văn hoá, hay nói như Kinh thánh: Từ đông sang tây, từ nam chí bắc, người tốt cũng như kẻ xấu. Bởi lẽ tất cả đều được mời gọi vào bàn tiệc của Chúa Giêsu: “Bấy giờ các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy các ông Abraham, Ixaác và Gia-cóp, cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình thì lại bị đuổi ra ngoài.”Cảnh tượng đó chắc hẳn làm cho thính giả của Chúa Giêsu ngạc nhiên, bởi lẽ họ vẫn nghĩ tưởng mình thân cận với Chúa và có thể tự phụ Ngài thuộc hàng nghĩa thiết của mình.
Tác giả Gustavo Gutierrez giải thích tại sao cửa lại hẹp? Ông viết: “cửa hẹp”không phải tương quan với chúng ta, nhưng với điều kiện để được cứu rỗi. Ơn giải cứu không phát sinh từ tính gần gũi với Chúa Giêsu về vật lý, nơi chốn, dòng họ. Cũng chẳng từ việc giao du, ăn uống với Ngài, hay nghe Ngài rao giảng nơi quảng trường công cộng. Cũng không phải là hệ quả đương nhiên của dòng máu Do thái. Bản văn không hề đả động đến những đặc ân đó. Hơn nữa, nếu trung thành với tinh thần câu trả lời của Chúa Giêsu thì phải nói thêm, ơn cứu chuộc không giới hạn vào một quốc gia nào, sắc da nào, văn hoá nào. Nó nảy sinh từ sự kiện chúng ta chấp nhận Ngài và đi theo đường lối Ngài chỉ dẫn. Đây chính là cửa hẹp, lối vào duy nhất đòi hỏi nhiều hy sinh, từ bỏ. Đôi khi thật gay go như trong bài đọc 2 hôm nay: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế, sẽ gặp được hoa trái là bình an và công chính.”
Theo suy nghĩ thường tình của mình, chúng ta hay có khuynh hướng ích kỷ, giới hạn ngặt nghèo sự hiện diện và hoạt động hoạt động của Thiên Chúa, không để cho Ngài là Thượng Đế mà phải theo ý muốn của mình. chúng ta nhìn chỉ trong phạm vi bốn bức tường của nhà thờ, và chỉ thấy các tín hữu của tôn giáo mình, các tôn giác khác là xa lạ hoặc rối đạo, đáng khinh bỉ và tránh xa, không nghe, không nhìn, không thấy họ. Chúng ta phân biệt rõ ràng kẻ tốt, người xấu, kẻ gian phi, người thánh thiện, người này hữu ích, kẻ khác vô dụng. Chúng ta nhanh chóng đi đến kết luận tuỳ vào tư cách ăn nói của tha nhân, việc làm, địa vị, thu nhập, học thức, nguồn gốc của họ. Thực tế, sự nhận định của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác hẳn: “Kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu. Người đứng đầu sẽ xuống hàng chót. Và thiên hạ sẽ từ đông tây, nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”Do đó, chúng ta nên vất bỏ lăng kính của mình và thay bằng cái nhìn của Kinh thánh. Khi ấy chúng ta sẽ thấy mọi sự khác hẳn, cuộc đời sẽ rộng rãi hơn, với bao nhiêu sự tốt đẹp, bao nhiêu sự thánh thiện. Chúng ta sẽ khởi sự “cố gắng”cùng với anh chị em mình bước vào Nước Trời. Cuối cùng, khi đã được nhận vào, Chúa Giêsu cho hay, mọi người sẽ rất đỗi ngạc nhiên về những thực khách cùng vui hưởng tiệc cưới thiên quốc. Cái nhìn và lòng thương xót của Thiên Chúa thật bao la. Con số những người qua cửa hẹp để được cứu rỗi không giới hạn. Họ đã thành công bỏ lại những hành lý, tài sản lỉnh kỉnh để qua được cửa Thiên Đàng. Chúng ta cần phải thay đổi lăng kính của mình, chấp nhận cái nhìn cánh chung các bài đọc hôm nay gợi ý, mặc lấy quan điểm của Chúa Ki-tô và bắt đầu tiến trình “phấn đấu”. Amen.
*Gương sáng: Trong một dịp phỏng vấn Đức Giám mục Rosales của địa phận Manila, Phi luật Tân, phóng viên tờ Rogate Ergo hỏi: Thưa Đức cha đời sống thiêng liêng của Ngài ra sao? Đức cha đưa bàn tay của mình ra trả lời: Chỉ có thế này: Tôi đặt cho ngón thứ nhất là Adoration (thờ phượng), ngón thứ hai: Love (yêu mến), ngón thứ ba: Thanksgiving (tạ ơn), thứ tư: Asking (cầu xin), thứ năm (Reparation (sửa mình). Các chữ đầu gom lại thành ALTAR (bàn thờ). Hàng ngày tôi cứ nhìn bàn tay mà sống! (số tháng 10, 2003).
38. Chọn cách sống phù hợp với Nước Trời
Cuộc sống chúng ta đang sống không trọn vẹn cho bất cứ ai. Điều này thích hợp cho người này lại bất lợi cho người kia. Do đó, cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Người sống bậc tu trì hay gia đình được mời gọi sống sao cho phù hợp với bậc sống của mình. Người sống nơi thành thị hay thôn quê cũng có cách sống phù hợp với nơi họ sống. Cũng vậy người kitô hữu chúng ta cũng được Chúa Giêsu kêu mời sống sao cho phù hợp với tư cách là một công dân nước trời.
Đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh những người Do thái quá ỷ lại vào mình. Họ có cái nhìn hơi cục bộ. Họ nghĩ rằng số người được cứu thoát rất ít. Dường như số đó chỉ dành riêng cho họ. Cho nên, ngày nọ trên đường Chúa Giêsu lên Giêrusalem thì có một người đến hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13, 23). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp mà Người nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13, 24.) Nghĩa là Nước Trời mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người chứ không dành riêng cho nhóm người nào. Những ai có cách sống phù hợp sẽ được gia nhập Nước Trời.
Cách sống phù hợp với Nước Trời mời gọi chúng ta chiến đấu. Chiến đấu không phải với ai mà chiến đấu với chính bản thân của mình. Bản thân chúng ta thường hay ích kỷ, ham mê những sự đời này hơn là những thực tại thiêng liêng.
Lối sống ích kỷ sẽ đưa con người chúng ta đến một con người nghèo nàn, khô khan và ngày càng đánh mất bản chất nguyên thủy của một con người. Vì bản chất nguyên thủy của chúng ta được dựng nên để sống chung, sống với, sống cho và sống vì người khác. Nói cách ngắn gọn con người nguyên thủy là con người biết mở ra.
Cách đây 3 tuần Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12, 15 – 16). Chúng ta hãy biết tích lũy cho mình kho tàng trên trời ngay trong cuộc sống hôm nay.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn được trở thành công dân Nước Trời. Muốn vậy, chúng ta hãy tự chiến đấu với sự ích kỷ của mình, chiến đấu với sự ham thích những thực tại đời này. Chúng ta hãy chọn cách sống mở ra vì người khác và ham thích những thực tại thiêng liêng cao quý. Đó là cách sống phù hợp với Nước Trời.
39. Hành trình đi tới niềm vui.
(Suy niệm của Lm FX. Vũ Phan Long)
Thời gian được dành cho chúng ta có giới hạn, nên chúng ta không thể sử dụng như là chủ thời gian. Ngay từ khi ý thức và mỗi ngày, chúng ta phải lên đường tiến về với Thiên Chúa.
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này bắt đầu phần thứ hai (Lc 13,22–17,10) trong hành trình lên Giêrusalem Tin Mừng Luca tường thuật (Lc 9,51–19,28), trong đó có những lời Đức Giêsu tuyên bố về ơn cứu độ và về việc được nhận hay không được nhận vào Nước Thiên Chúa. Riêng bản văn 13,22-30 có sự thống nhất bên trong nhờ những tuyên bố của Đức Giêsu; những tuyên bố này liên hệ rất chặt chẽ với hai dụ ngôn liên hệ đến Nước Thiên Chúa kết thúc phần thứ nhất (dụ ngôn Hạt cải, 13,18-19; dụ ngôn Men trong bột: 13,20-21).
Riêng về hình thức, dường như bản văn này đa tạp, quy tụ nhiều đoạn không cùng chiều hướng. Chẳng hạn, “cửa hẹp” (Lc 13,24) có ở Mt 7,13-14 (Bài Giảng trên núi); “cửa đóng” (Lc 13,25) kết thúc dụ ngôn mười người trinh nữ trong Mt (25,10-12). Câu trả lời của những người bị loại (Lc 13,26-27) lại đưa chúng ta về với Mt 7,22-23 (Bài Giảng trên núi). Còn chi tiết nói về bữa tiệc quy tụ mọi người (Lc 13,28-29) lại chính là cao điểm của truyện chữa lành người đầy tớ của viên sĩ quan có đức tin rất lớn (Mt 8,11-12).
Nhưng dù thế nào, khi đưa vào tác phẩm của mình, tác giả Luca đã làm cho các đoạn văn rời rạc ấy thành một khối có ý nghĩa (chi tiết “cánh cửa đã đóng” trở thành một dụ ngôn, và tất cả bản văn trở thành bài trình bày các đòi hỏi phải đáp ứng để được cứu độ.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Dẫn nhập vào hoàn cảnh địa lý và bài giảng (13,22-23);
2) Những lời đe dọa (13,24-29): Các ý tưởng được liên kết với nhau bằng từ móc “cửa” (cửa hẹp/cửa khóa):
– cửa hẹp (c. 24),
– cửa khóa (cc. 25-27),
– số phận của những kẻ làm điều gian ác (cc. 28-29),
– câu tục ngữ kết thúc (c. 30).
3.- Vài điểm chú giải
– Hãy phấn đấu để qua được cửa hẹp mà vào (24): “Qua được cửa hẹp” nghĩa là qua được cái cửa duy nhất của Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu dùng ngôn ngữ của cuộc tranh tài (agôn) hoặc chiến đấu để nhấn mạnh rằng cần phải cố gắng để vào được Nước Thiên Chúa. Chúng ta ghi nhận rằng ở Lc 13,3.5, Đức Giêsu kêu gọi hoán cải đúng lúc, còn ở đây Người lại diễn tả điều ấy bằng việc đi qua cửa hẹp.
– Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại (25): Dường như khung cửa hẹp lại còn bị chủ nhà kiểm soát. Đức Giêsu đã lưu ý về cửa hẹp, nay lại lưu ý là đừng để đến giờ chót. Ở đây, không rõ chủ nhà là Thiên Chúa hay là Đức Giêsu.
– Ta không biết các anh từ đâu đến (25) = Ta không biết các anh là ai.
– Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy(26): nghĩa là chúng tôi là những người quen biết và cùng thời với Ngài.
– đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (29): Đức Giêsu giới thiệu Nước Thiên Chúa theo kiểu Do Thái: Nước Thiên Chúa giống như bữa tiệc (x. Is 25,6), tại đó những người được chọn quy tụ chung quanh các tổ phụ và các ngôn sứ. Tuy nhiên, so sánh với Mt, ta thấy trong khi Mt gửi lời răn đe này đến toàn thể người Do Thái (Mt 8,12), Lc lại chỉ nhắm đến các thính giả cứng lòng tin mà thôi.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đứng về phương diện phê bình (quan điểm lịch đại), chúng ta thấy bản văn gồm những ý tưởng thuộc nhiều ngữ cảnh được liên kết với nhau một cách giả tạo. Tuy nhiên, về phương diện đồng đại, chúng ta vẫn có thể coi đây là một đoạn gồm những lời răn đe của Đức Giêsu.
* Dẫn nhập vào hoàn cảnh địa lý và bài giảng (22-23)
Tác giả Lc cho thấy Đức Giêsu vẫn rất lô-gích và cương quyết. Người vẫn đang thi hành nhiệm vụ và đi tới định mệnh của Người. Người loan báo sứ điệp từ làng này sang làng khác, đồng thời Người đến gần Giêrusalem, là nơi định mệnh đang chờ Người (x. Lc 13,33). Người không để mình bị lạc hướng trước những đe dọa của vua Hêrôđê (13,31-33). Người trả lời chắc nịch cho những cầu hỏi được đặt ra. Người nói lên cả những sự thật khó nghe. Người không hề muốn lừa dối hoặc đẩy ai vào ảo tưởng.
Câu hỏi “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” chạm thẳng vào tư cách của Người là Đấng Cứu thế (x. 2,11). Vậy có bao nhiêu người sẽ đạt được mục tiêu nhờ trung gian của Người? Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Người không nêu ra con số những người được cứu độ. Người muốn đưa cái nhìn của các thính giả về những gì cần phải làm. Người bảo cho chúng ta biết cách đi vào Nước Thiên Chúa, tức là lúc này phải trở thành môn đệ.
* Những lời đe dọa (24-29)
Chỉ có một cách duy nhất: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (c. 24). Khi nói về cửa hẹp, Đức Giêsu không có ý nói rằng tại “cửa ra vào” đời sống vĩnh cửu, có một đám đông huyên náo, và người ta đang chen lấn nhau. Người muốn nói rằng người ta phải cố gắng nhiều, phải chiến đấu. Không phải chỉ có ý muốn là đủ. Chắc chắn chúng ta không thể tự cứu mình bằng sức riêng, nhưng kết quả này không xảy đến nếu không có phần đóng góp của chúng ta, nếu chúng ta chỉ có một thái độ thụ động. Bởi vì làm thế nào để đi qua một cửa hẹp, nếu không phải bằng cách làm cho mình nhỏ lại? Một người to lớn không thể đi qua một cửa hẹp. Đức Giêsu đang bảo chúng ta rằng chúng ta không thể trở thành môn đệ của Người nếu chúng ta không buông ra cao vọng muốn thống trị kẻ khác. Nếu chúng ta không trở thành tôi tới mọi người, chúng ta sẽ không bao giờ vào được, cho dù chúng ta có cầu nguyện nhiều.
Rồi Đức Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn. Một người tổ chức moat bữa tiệc và mời mọi người, với điều kiện họ phải đi qua khung cửa hẹp. Mọi người cố gắng đi vào, có người thì lọt, có người thì không. Đến một lúc nào đó, chủ nhà cho đóng cửa. Dựa vào Isaia (Is25,6), có thể hiểu chủ nhà là Thiên Chúa. Khi nói về cái cửa đã đóng kín, Đức Giêsu muốn nói rằng chúng ta phải cố gắng đúng lúc. Chúng ta phải ý thức rằng thời gian của chúng ta có giới hạn. Chậm nhất là với cái chết, cánh cửa sẽ được đóng lại và số phận chúng ta sẽ được quyết định. Lúc đó, có muốn vào, có gọi, có gõ cửa, cũng đã muộn rồi.
Ở bên ngoài, có những người muốn được vào, họ nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (c. 26). Ông chủ đã gọi họ là “những quân làm điều bất chính”. Trong thực tế, họ biết Đức Giêsu, họ đã nghe Người giảng, đã ăn uống với Người. Họ không phải là những người ngoại giáo. Như vậy, chúng ta hiểu là chỉ mang tên “môn đệ” Đức Giêsu mà thôi thì không đủ; chúng ta còn cần có những hành vi tốt lành. Chỉ hiệp thông với Thiên Chúa ở bề ngoài mà thôi, thì không đủ. Chỉ đã biết Ngài, nghe các giáo huấn của Ngài, thì không đủ. Hiệp thông với Ngài trước tiên là hiệp thông với ý muốn của Ngài.
Sau đó, Đức Giêsu không nói đến con số những người được cứu, nhưng phác cho biết cộng đoàn những người được cứu độ thì như thế nào. Thuộc về cộng đoàn này là các tổ phụ Israel (Abraham, Isaác và Giacóp), các sứ giả của Thiên Chúa (các ngôn sứ) và những người đến từ bốn phương trời, từ mọi dân tộc. Các tổ phụ và các ngôn sứ tượng trưng tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho Dân được tuyển chọn (Israel); “thiên hạ từ đông tây nam bắc đến” tượng trưng Dân ngoại. Như vậy, trong Nước Thiên Chúa, có sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, thì cũng thể hiện sự hiệp thông với mọi người. Hình ảnh “ngồi đồng bàn” (= dự tiệc) gợi ý đến tính cách vui tươi lễ mừng của sự hiệp thông này. Hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với loài người trong một bầu khí vui tươi và lễ hội là những đặc điểm của ơn cứu độ trong Nước Thiên Chúa.
Ai không cố gắng đúng lúc với hành động công chính, thì tự loại mình, không nhận được ơn cứu độ. Hậu quả là phải “khóc lóc nghiến răng” (c. 28): khi nhận ra những gì mình đã mất, người ấy sẽ cảm thấy đau đớn khôn nguôi và giận dữ khủng khiếp.
+ Kết luận
Tin Mừng của Đức Giêsu không nói với chúng ta những điều làm cho chúng ta vui lòng, cũng không hứa với chúng ta một cuộc sống dễ dàng, không cần cố gắng. Tin Mừng ấy có hàm chứa một số chân lý gây phiền toái. Nhưng chính bởi vì Tin Mừng này không giấu giếm chúng ta điều gì cả, chính bởi vì Tin Mừng này trình bày chân lý trọn vẹn, Tin Mừng này mới chỉ cho chúng ta con đường thật đưa tới niềm vui. Cũng chính vì thế mà Tin Mừng này là Tin Mừng và chúng ta chỉ có thể đón nhận với lòng biết ơn và ngoan ngoãn.
5.- Gợi ý suy niệm
- Tuy Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng ta, nhưng Ngài coi trọng chúng ta là những nhân vị có tự do, có trách nhiệm. Do đó, chúng ta phải cố gắng, phải chiến đấu: Thiên Chúa cứu chúng ta, nhưng Ngài muốn rằng chúng ta cũng muốn chinh phục sự hiệp thông với Ngài. Chúng ta cố gắng có nghĩa là chúng ta ý thức và cương quyết đến gần Ngài, thắng vượt các trở ngại và để tất cả mọi sự khác sang một bên.
- Thời gian được dành cho chúng ta có giới hạn, nên chúng ta không thể sử dụng như là chủ thời gian. Ngay từ đầu, chúng ta phải lên đường tiến về với Thiên Chúa. Chúng ta không thể sống một cuộc đời theo sở thích riêng, rồi chờ đến tuổi già mới lo cho việc cứu độ linh hồn. Bởi vì không phải chúng ta là người đóng cửa, mà là Thiên Chúa; do đó phải luôn luôn sẵn sàng.
- “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”. Đây là lý do khiến chủ nhà không muốn liên hệ gì nữa với những người ở ngoài. Sự cố gắng, định hướng đúng thời đúng buổi về Thiên Chúa phải được diễn tả ra bằng hành động, bằng việc thi hành ý muốn của Ngài. Ai không quy hướng về ý muốn của Thiên Chúa bằng cách hành động thực thụ, ai từ chối hiệp thông lúc này với Ngài, thì đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, khỏi sự hiệp thông vĩnh cửu với Ngài, dù họ thuộc về cộng đồng tín hữu, đã nghe công bố Tin Mừng và chia sẻ bí tích Thánh Thể. Họ quên mất một điều, là đã không làm cho mình nên nhỏ bé đủ để đi qua cửa hẹp!
- Trong Nước Thiên Chúa, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, sự hiệp thông trọn vẹn với loài người cũng được thể hiện. Cuộc sống nhân loại viên mãn và phong phú của chúng ta hệ tại những tương quan viên mãn và sâu sắc của chúng ta với anh chị em loài người. Niềm vinh phúc của cuộc sống trong Nước Thiên Chúa hệ tại cả ở sự kiện các tương quan với loài người không bị cắt xén đi, nhưng lại được mở rộng và đưa đến chỗ thành toàn. Muốn thế, đang khi còn sống tại trần gian này, chúng ta cần nỗ lực. Buông trôi cuộc đời không chút cố gắng là con đường đưa tới tuyệt vọng sau này.
40. Suy niệm của Lm Augustine
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Anh Hướng đã chia sẻ kinh nghiệm anh sống liên quan tới “cửa hẹp”(c.24) trong bài Tin Mừng hôm nay như sau.
Hy sinh mười ngàn đô
Đã 32 năm nay anh vẫn làm cho một công ty. Trong những năm ấy, 5 lần anh được đề cử thăng chức. Nếu nhận, anh sẽ không có đủ thời giờ cho vợ và 4 con trai của anh vì anh sẽ phải làm các ngày cuối tuần nữa. Bù vào đó lương anh sẽ được tăng thêm mười ngàn đô. Nhưng anh Hướng đã khước từ vì tin rằng “tình yêu”mà anh dành cho vợ con quí giá hơn nhiều.
Cách đây hai năm ban điều hành của công ty một lần nữa, đề cử để anh được thăng chức. Lần này anh nhận, lý do vì các con anh đã khôn lớn mà vợ anh lại không thể đi làm được. Không may cho anh là vào đúng thời gian ấy, người chị ruột của anh qua đời khiến anh không chú tâm học hành được nên về cuối khóa anh đã thi rớt. Trở về công ty anh bị ông giám đốc quăng hồ sơ lên bàn rồi giận dữ nói: “Đáng lý tôi không cho anh đi học. Đáng lý ra tôi không nghe lời ai hết. Anh đánh mất cơ hội cuối cùng này của anh rồi, biết chưa!” Thật là ê chề nhục nhã cho anh Hướng. Anh chia sẻ nguyên văn như sau: “Lòng tôi tan nát. Điều đáng buồn là tôi đã để cho lời lẽ ông giám đốc hủy diệt tôi. Mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Ý chí quyết tâm phụng sự Chúa bấy lâu nay bỗng trở nên vô dụng. Tôi thấy tôi không thể nào bước theo Chúa trong tình trạng này. Tôi tự hỏi “Tại sao lại xảy ra việc này?”Có vẻ như tôi không còn có thể yêu thương được nữa. Tệ hơn nữa là tôi cảm thấy như Chúa đã bỏ rơi tôi. Cái chết của người chị làm tôi đau khổ nay lại đưa đến việc ông chủ hạ nhục tôi.” “Mọi sự như sụp đổ quanh tôi. Tôi thấy tôi không còn đối diện được với việc làm ở sở cũng như với gia đình và cuộc sống. Tôi ngại ra khỏi giường mỗi sáng và chỉ muốn thu mình để tránh né thế giới bên ngoài. Mỗi khi gặp mặt ông giám đốc, tôi càng thấy thêm phẫn uất tức giận. Tôi trở nên cay đắng thù hằn. Suốt đời tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với ai cả. Tôi thấy tôi có bổn phận yêu thương nhưng vẫn bướng bỉnh cãi lại.”
Chọn theo một con người bị bỏ rơi
“Ngày kia tôi phải thú thực với vợ tôi: Anh không thể sống nổi mãi thế này. Vợ tôi chú ý lắng nghe và đề nghị cùng nhau cầu nguyện để xin Chúa giúp sức. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện và khi ấy tôi biết mình phải chọn theo Chúa Giêsu, chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Tôi cảm thấy được bình an và mạnh mẽ hơn.”
“Ngày kia khi rời khỏi văn phòng ông giám đốc, tôi cảm thấy có sức thôi thúc tôi quay lại nói với ông: “Tôi xin thưa là không phải tôi muốn lên án ai hoặc xin xỏ điều gì. Sau khóa huấn luyện khi ông nói chuyện với tôi, tôi bị mất tinh thần đối với công ty. Tôi trở nên oán hờn và nhiều lần tôi đã có những thái độ không tốt đối với ông.”
“Ông giám đốc ngắt lời anh Hướng khi nói: “Tôi chẳng bao giờ cố y làm cho anh buồn. Anh biết tôi giận thì la lối rồi sau lại quên ngay.”Khi anh Hướng xin ông giám đốc tha cho anh về cách anh đối xử với ông ta thì người đàn ông thường có vẻ lạnh nhạt ấy đã ứa đầy nước mắt. Ông thinh lặng một lúc rồi cất tiếng: “Tôi xin lỗi ông, tôi thật không ngờ việc tôi làm khiến ông phải buồn phiền.”Rồi ông bắt đầu thăm hỏi về tôi và gia đình tôi một cách thân mật. Tôi thấy chúng tôi đã nối lại được nhịp cầu đã đứt đoạn.”
Điều bất ngờ xảy ra là khi ông giám đốc về hưu, một người đàn ông trẻ hơn nhiều, đứng đầu công ty. Anh chỉ mới có 32 tuồi. Vì thiếu kinh nghiệm, anh gặp khó khăn. Anh đã xin gặp riêng tất cả các nhân viên trong công ty, mỗi lần bốn người. Chỉ có anh Hướng một mình được ông giám đốc mới mời riêng tới văn phòng để gặp. Kết quả là anh đã được gởi đi học một khóa huấn luyện rồi được thăng chức một cách ngon lành.
Câu chuyện kể trên gợi ý để ta suy nghĩ về cửa hẹp trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu khuyến cáo ta “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”(c.24). Nhưng lời dạy đó được nêu trong bối cảnh nào? Làm thế nào hiểu và áp dụng lời khuyên đó một cách chính xác? Nhất là ta được Chúa Giêsu khuyến cáo phải chiến đấu để qua cửa hẹp nhằm đạt tới điều gì đáng kể?
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy đây là lần thứ hai tác giả Luca nhắc nhớ ta về cuộc hành trình của Đức Giêsu nhắm tới đích điểm là Giêrusalem (c.27).
Luca cho thấy khó khăn và thử thách
Lần thứ nhất Luca gắn liền Giêrusalem dưới đất với Giêrusalem trên trời, dĩ nhiên ngang qua sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Đó là lúc Luca trịnh trọng loan báo: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem”(9,51). Ngay ở lần loan báo đầu tiên về cuộc hành trình đi Giêrusalem, Luca đã cho thấy khó khăn và thử thách. Thoạt tiên Đức Giêsu và các môn đệ bị một làng Samari từ khước (cc. 53-54). Kế đến chính Đức Giêsu muốn thách đố những ai muốn bước theo Người. Người thứ nhất xin theo liền được cho biết rằng “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”Người thứ hai xin về chôn táng cha già trước đã, thì đã không được phép vì “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa.”Người thứ ba cũng được yêu cầu phải có thái độ dứt khoát vì “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”(cc. 57-62).
Bây giờ là lần thứ hai, Luca cho biết Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (c. 22). Vấn đề được nêu trầm trọng hơn lần thứ nhất nhiều với câu hỏi “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”(c.23). Bởi lẽ ơn cứu thoát nói đây là chính sự sống còn của con người, tức là ơn cứu độ, chứ không phải chỉ là vấn đề từ bỏ mọi sự hoặc phải từ bỏ ngay như nói ở trên (Lc 9,56-62).
Chính Đức Giêsu là cửa hẹp
Và để trả lời, Đức Giêsu đòi hỏi một sự chính xác. Người muốn người ta nhắm thẳng bản thân Người theo bề sâu, tức là biết Người. Không có gì có thể thay thế được cái biết nội tâm đó. Cho nên cả những kẻ sống sát bên Người, “ăn uống trước mặt Người, và Người cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố”của họ (c.26), họ cũng vẫn bị loại ra ngoài nếu họ thực sự không biết Người.
Như vậy, chính Đức Giêsu là cửa như Người tuyên bố trong Tin Mừng của Gioan: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.”(Ga 10,9). Cửa hẹp trong Luca còn có ý nói về chính bản thân Đức Giêsu chứ không thể là ai khác. Điều này Tin Mừng của Gioan cũng nói rõ với lời tuyên bố của Đức Giêsu là “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6). Đức Giêsu còn là cửa hẹp theo nghĩa Tân Ước như lời tông đồ Phêrô lớn tiếng công bố trong ngày lễ Ngũ Tuần rằng: “Toàn thể nhà Israen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô”(Cv 2,36) và “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ.”(4,16).
Biết Đức Giêsu nơi con tim
Nhưng như vậy thì phải cắt nghĩa thế nào về Tin Mừng của Matthêu về cuộc phán xét chung? Nếu biết Đức Giêsu là điều kiện tiên quyết để vào hưởng Nước Thiên Chúa, theo bài Tin Mừng hôm nay, thì phải hiểu như thế nào về tình trạng hết sức sửng sốt của những người công chính chưa hề nhận biết Chúa khi họ thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, v.v… (Mt 25,37tt)? Thưa, những người công chính ấy đã được biết Đức Giêsu tận gốc do họ được đánh động bởi chính Thần Trí của Đức Giêsu phục sinh là Thần Trí luôn được ban cho họ để giúp họ làm việc lành. Họ không chỉ biết Đức Giêsu theo cái biết hời hợt nông cạn theo ý nghĩ mà thôi, nhưng còn biết Người thâm sâu nơi con tim mình. Quả thật, cũng chính cái biết nội tâm ấy đã giúp anh Hướng sống tinh thần chiến đấu để vào cửa hẹp. Anh và vợ anh đã cùng nhau cầu nguyện xin Chúa giúp sức để lướt thắng cơn khủng hoảng. Nhờ vậy anh nhận ra mình phải chọn theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Đó là lúc anh được bình an và có sức mạnh để giải quyết trực diện vấn đề khó khăn với ông giám đốc nơi sở làm việc của anh.
Một số câu hỏi gợi ý
- Trong câu chuyện anh Hướng chia sẻ, anh đã chọn dành thì giờ mỗi cuối tuần cho vợ con thay vì nhận làm việc thêm cuối tuần để lương được thêm 10 ngàn đô. Bạn nghĩ chọn lựa như anh Hướng, theo cái nhìn của bạn, có lợi hay có hại? Theo cái nhìn của những người cùng xóm ngõ của bạn thì chọn lựa ấy đúng hay sai?
- Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, bạn thấy anh Hướng đã phấn đấu để sống tinh thần “cửa hẹp”như thế nào?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam