Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 38

Tổng truy cập: 1376732

KHI CON NGƯỜI BẠC TÌNH

KHI CON NGƯỜI BẠC TÌNH

(Suy niệm của Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)

Thời gian vừa qua, một vụ kiện khiến dư luận vô cùng phẫn nộ là việc cụ Nguyễn Thi Th. (SN 1922, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bị chính người con trai cả đòi công nuôi dưỡng trong những ngày cụ ở nhà anh ta.

Cụ Th. từ khi chồng mất vào năm 1997 đã về sống cùng với người con trai cả là Đỗ Xuân Thuận. “Nói là ở cùng vậy nhưng tôi vẫn ăn riêng với gia đình con. Mọi việc trong sinh hoạt cá nhân, tôi đều tự làm lấy cả”, cụ Th. nói.

Đến một ngày năm 2005, trong nhà xảy ra mâu thuẫn, bức xúc, ông Thuận quay sang cạn tình, cạn nghĩa làm đơn kiện cụ Th. ra tòa và đòi công nuôi dưỡng trong những ngày cụ Th. sống cùng với vợ chồng ông.

Tổng số tiền này là hơn 146 triệu đồng. Ông còn đòi tiền công trông nom nhà cửa, vườn tược của cha mẹ và bộ đỉnh đồng trị giá 4 triệu đồng mà cụ Th. đang dùng thờ cúng chồng và con trai út đã hy sinh.

Tuy nhiên, hành động bất hiếu đó của ông Thuận đã bị cả hai cấp xét xử huyện Tam Đảo bác đơn và bị dư luận lên án.

Có phải vì nghèo đói mà con người thành ra bỉ ổi đánh mất tình người? Có phải vì tiền mà con người trở thành kẻ ti tiện tiểu nhân? Có lẽ cái nghèo hay giầu sang không phải là nguyên nhân gây nên khổ đau mà tất cả đều bắt đầu từ khi tình người đã mất. Vì khi tình người đã cạn thì họ dễ dàng vô cảm và vô tâm với nhau. Đây là thảm kịch không chỉ xảy ra cho gia đình bà cụ Th ở Tam Đảo mà dường như cho rất nhiều gia đình quanh chúng ta.

Có biết bao gia đình cạn tình nên cũng cạn nghĩa với nhau, vợ chồng bỏ nhau, con cái ly tán. Có biết bao người đã vô cảm trước nỗi thống khổ của các thành viên trong gia đình nên vẫn vô tâm chơi bời, nghiện ngập, lười biếng thiếu trách nhiệm với gia đình. Có biết bao phận người vẫn cô đơn thất vọng ngay trong mái nhà của mình. Họ bị bỏ rơi, bị khinh khi ngay giữa những người thân của mình.

Có một bà mẹ đã tâm sự với tôi: cha biết không, chỉ vì nghèo đói mà con cái chẳng đứa nào về thăm bao giờ! Có một người chồng bại liệt đã than: con nằm đây như là một cái gai trong mắt vợ con, chẳng ai muốn chăm sóc con.

Ky-tô giáo là đạo của yêu thương. Người ky-tô hữu không thể vô cảm và càng không bao giờ được phép vô tâm trước nỗi thống khổ của tha nhân. Giầu sang – nghèo khó không quan trọng, điều quan yếu là biết sống tình liên đới sum họp với nhau. Đừng vì giầu có mà bỏ rơi đồng loại, và cũng đừng vì nghèo khó mà sống hèn hạ với tha nhân.

Thời Chúa Giê-su, có lẽ cũng không thiếu những loại người vô cảm trước nỗi thống khổ của tha nhân. Họ vô cảm đến nhẫn tâm bước qua một phận người lây lấy trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-cô. Họ có “rất nhiều của cải”  nhưng lại không dám “bán những gì (họ) có mà cho người nghèo”. Sự vô cảm đó còn len lỏi đến cả những môn đệ của Chúa khi họ xin Chúa giải tán đám đông để tự đi mua thức ăn.

Có lẽ để đánh thức sự vô cảm nơi con người thời đại của mình, Chúa Giê-su đã dạy cho họ một bài học qua dụ ngôn: “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” .Ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó tuy “rất gần mà lại xa”! Họ rất gần nhau, gần đến nỗi chỉ cách “một cái cổng nhà”, thế nhưng lại rất xa, xa bởi chính “sự-vô-cảm” nơi ông nhà giầu.

Sự vô cảm đến độ hằng ngày ông vẫn ăn mặc lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình và để mặc cho anh Lazaro nghèo khó: “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà của ông” sống lây lất từng ngày.

Thế nhưng, cuối câu chuyện là một sự đảo ngược lạ thường. Ông nhà giàu lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta ! Trước kia Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay ông “thèm” được Lazaro: “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông cho mát, vì ở đây ông bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Như vậy, sự giầu có không là tội mà sự vô cảm mới chính là nguyên do dẫn ông nhà giầu chịu cảnh đau khổ ở đời sau. Ông đã bỏ rơi đồng loại trong khi ông có khả năng giúp đỡ họ. Ông đã phớt lờ những mảnh đời bất hạnh bên cạnh sự giầu có xa xỉ của ông. Hậu quả là ông cũng bị mọi người lương thiện nhân ái bỏ rơi ông trước cửa Nước Trời.

Thiên Chúa tạo dựng con người có một trái tim để yêu thương, để cảm nhận nỗi thống khổ của tha nhân mà chạnh lòng thương xót. Đừng vô cảm trước phận đời bất hạnh. Đừng bàng quan trước nỗi đau của anh em. Ngày phán xét Chúa sẽ không hỏi chúng ta giầu có hay nghèo đói. Chúa cũng không hỏi chúng ta chức tước địa vị gì, mà Chúa sẽ hỏi về tình yêu liên đới của chúng ta với tha nhân. Chúng ta có bác ái với tha nhân hay không? Chúng ta có quá vô cảm đến vô tâm với anh em không?

Nguyện xin Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương xót mọi phận người, xin giúp chúng con luôn biết sống chia sẻ với những anh em nghèo khó. Xin đừng để chúng con vô cảm mà bàng quan trước những phận người khổ đau. Amen.

 

8. Chia sẻ – Lm. Giuse Trần Việt Hùng.

Truyện kể: Nhà Vua kia không có con nối dòng, đã niêm yết mời những bạn trẻ điền đơn dự xét để được nhận làm con nuôi trong hoàng tộc. Hai phẩm chất cần có là mến Chúa và yêu tha nhân. Có một cậu bé nhà nghèo muốn điền đơn, nhưng cậu không có thể, vì cậu ăn mặc rách rưới nghèo nàn. Được tin, cậu đã cố gắng làm việc chăm chỉ kiếm tiền mua bộ đồ mới và vội vã lên đường tìm dịp may để được nhận nuôi trong gia đình của vua. Tuy nhiên, đi dọc đường, khi gặp một người nghèo bên vệ đường đang chết lạnh. Anh bạn trẻ tỏ lòng cảm thương và tráo đổi bộ quần áo cho lão ăn xin. Thật khó khăn cho anh bạn trẻ này để được diện kiến nhà vua, vì bây giờ anh chỉ có bộ quần áo rách tả tơi. Vì đã đi được quãng xa, anh nghĩ phải cố gắng hoàn thành được hành trình. Khi anh tới dinh thự của nhà Vua, mặc dầu bị khinh rẻ và cười chê bởi các cận thần của vua. Cuối cùng anh được diện kiến Vua. Anh thật ngạc nhiên thấy vua chính là người ăn xin bên vệ đường và đang mặc bộ quần áo mà anh đã tặng cho ông. Nhà Vua bước xuống khỏi ngai vàng, ôm lấy anh bạn trẻ và nói: Chào đón, hỡi con của ta.

Sự giầu sang phú túc là ân phúc Chúa ban. Người sang giầu hay nghèo hèn cũng chẳng khác gì nhau về sứ mệnh. Người giầu có nỗi khổ của người giầu, kẻ nghèo có nỗi đau của kẻ nghèo. Cách thế tìm kiếm và sử dụng của cải đời này mới là điều quan trọng. Người đời thường chúc nhau làm ăn được phát tài phát đạt, của cải đầy dư, an cư lạc nghiệp và gia đình hạnh phúc. Của cải sinh lợi là dấu hiệu được chúc phúc. Giầu có không phải là cái tội, cái tội do tâm ý con người. Tiên tri Amos đã lên tiếng cảnh cáo những người giầu sang phú quí tự kiêu đã hoang phí tài sản: Đây Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion và tự kiêu trên núi Samaria”(Am 6, 1a). Những người giầu có hay lạm dụng quyền thế để chèn ép những người bé nhỏ thấp kém. Chúng ta nhận biết Thiên Chúa luôn đứng về phía những người nghèo bị đối xử bất công.

Người giầu được hưởng thụ mọi sự sung sướng trên đời. Một số người giầu còn dung dưỡng xác thịt thỏa mãn mọi nhu cầu đòi hỏi của bản năng. Họ được hưởng nếm mọi của ngon vật lạ. Sự thụ hưởng qúa độ sẽ làm cho thân xác ươn lười, tinh thần yếu đuối và con người hư hỏng. Amos vạch trần những thói đời xa hoa: Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn (Am 6, 4). Chúng ta biết rằng không phải ăn nhiều, uống nhiều và hưởng thụ nhiều là hạnh phúc. Bất cứ cái gì cũng có cái giá phải trả. Ăn nhiều sẽ béo phì, uống quá độ sẽ xay sưa và hưởng thụ nhiều sẽ gây bệnh hoạn yếu liệt. Thật vậy, chẳng béo bở gì khi ngày nào cũng có yến tiệc linh đình. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng cần có những bữa tiệc vui, những món ngon và rượu nồng để vui thỏa lòng người.

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn ông Phú hộ giầu có và người hành khất Ladarô nghèo đói để giúp chúng ta suy nghĩ về cách đối xử với đồng loại. Ông phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, còn Ladarô bệnh hoạn đói khổ ngồi cạnh cổng và chẳng ai đoái hoài. Một người thì sung sướng, tiệc tùng vui vẻ và hưởng phước cuộc đời. Một người cô thân cô thế, không nơi cậy dựa và chịu thiệt thòi khổ đau. Khi mãn cuộc đời dương thế, mỗi người đi theo một hướng. Kẻ được chúc phúc, người bị luận phạt. Vậy cuộc sống của người giầu và người nghèo có liên đới với nhau. Không ai có thể nói rằng tôi chỉ có nhiệm vụ lo cho chính tôi và người hàng xóm thì mặc kệ họ. Không phải thế, chúng ta sống là sống cùng, sống với và sống hỗ tương nhau. Cùng giúp nhau hoàn thành sứ mệnh của đời người.

Nhìn xem gương của người phú hộ, dụ ngôn không nói về cách thế làm giầu của ông. Cũng không nói ông phạm tội ức hiếp, khinh bỉ người nghèo hay làm thiệt hại ai điều gì. Ông xây tường cao vui hưởng cuộc sống trong sang giầu cho riêng mình. Có một điều là ông thiếu trách nhiệm với người hàng xóm. Mắt ông không nhìn thấy được sự khổ đau của người khác. Tâm ông không cảm được nỗi cô đơn sầu khổ của người bên cạnh. Ông đã không đoái hoài đến số phận đen đủi hẩm hiu của tha nhân. Kết qủa của cuộc đời, khi phải đối diện với sư thật: Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ (Lc 16, 25). Phần thưởng không nằm ở sự giầu sang hay nghèo hèn, mà là thái độ đối với tiền của và trái tim biết cảm thông chia sẻ với tha nhân.

Sự giầu có tiền bạc của cải có thể làm chúng ta bị mù lòa. Khi giầu có, chúng ta dễ quên mất sự nghèo khổ. Khi chúng ta đi ngang qua người ăn xin, tại sao chúng ta thường ngó sang hướng khác? Có lẽ vì chúng ta sợ tiếng nói của lương tâm làm phiền. Chúng ta giả vờ như không nhìn thấy họ. Thường thì người nghèo không van xin, nhưng họ có đôi mắt với cái nhìn rất tha thiết. Có khi người ăn xin giơ tay van nài và chúng ta phải rất tôn trọng khi bố thí. Đừng quăng ném tiền cắc vào cóng long của người ăn xin như là vất bỏ một vật gì. Thái độ cho đi quan trọng hơn qùa được cho. Có lần mẹ Terêxa đã nói: Bệnh ghê tởm nhất của thế giới hôm nay là cảm thấy bị bỏ rơi và sự dữ lớn nhất trong thế giới là thiếu vắng tình yêu và tỏ ra dửng dưng với những nhu cầu cần thiếu của tha nhân.

Chúng ta không cần đợi người chết hiện về để nói với chúng ta cách thế sống đạo. Lời Chúa dạy quá đủ để chúng ta học hỏi và thi hành. Ông phú hộ xin Abraham cho người đã chết về loan tin. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. (Lc 16, 29). Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng dù chỉ một bát nước, chúng ta làm cho người nghèo vì danh Chúa, chúng ta sẽ không mất phần thưởng. Đôi khi chúng ta dửng dưng và nghĩ rằng dụ ngôn Chúa nói là để dành cho những người giầu sang phú quí. Còn chúng ta là những người nghèo, người lao động đầu tắt mặt tối và còn đang hưởng tiền trợ cấp của chính phủ, lấy đâu ra mà giúp đỡ người này người kia chứ. Biết rằng chúng ta không giầu có về tiền tài của cải, chúng ta vẫn có cái để chia sẻ mà. Chúng ta có một trái tim đấy ắp tình thương. Chia sẻ sự cảm thông, sự hiểu biết và tình người còn quan trọng hơn. Một nụ cười, một lời nói nhẹ nhàng, một thái độ khoan dung và sự cảm mến cũng đủ nguôi lòng người đang trong cơn sầu khổ.

Mang danh là Kitô hữu, chúng ta là mộn đệ của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành (1Tm 6, 11). Các nhân đức là những bông hoa thơm hương tô điểm cho đời sống đức tin. Các đức tính tốt làm cho đời sống đạo được trổ sinh hoa trái. Đức ái là cao trọng vì đức ái sẽ mở cửa tâm hồn giúp chúng ta đến với tha nhân. Tha nhân giúp chúng ta tiến tới trên con đường trọn lành. Không phải những người giầu có đưa chúng ta tới cửa thiên đàng, nhưng nhờ chính những người bé nhỏ, thấp kém, nghèo hèn và khổ đau. Họ là những ân nhân quí báu nhất của chúng ta trong cuộc hành trần thế này.

Bước vào cuộc đua, chúng ta không thể bỏ cuộc. Phải chiến đấu anh dũng cho đến cùng đường. Đừng khi nào nản chí về việc bác ái giúp người. Bao lâu Thiên Chúa còn ban ân huệ cho chúng ta, bấy lâu chúng ta còn có cơ hội chia sẻ khả năng, thời giờ và của cải của chúng ta với người chung quanh. Người nghèo là hiện thân của Chúa Giêsu giữa dòng đời. Chúng ta đừng khinh rể họ, vì họ đang được chia sẻ sự nghèo hèn thiếu thốn của Chúa Kitô. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng (1Tm 6, 12).

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con quá nhiều hồng ân. Nhiều khi chúng con cứ khư khư giữ lại làm giầu cho chính mình mà quên những nhu cầu cần thiết của anh chị em chung quanh. Xin cho con biết mở mắt, mở tai và mở rộng tâm hồn để cùng chia sẻ niềm vui với mọi người.

 

9. Người nghèo Thiên Chúa chọn – An Phong

Tin mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên C là dụ ngôn về người giàu có và ông Lazarô nghèo khó. Tin mừng gồm hai phần: phần thứ nhất nói về số phận của con người sau khi chết (c. 19-26); phần thứ hai là cuộc đối thoại của Abraham và người giàu có. Trong phần thứ nhất, số phận của người giàu có cả một đời được sung sướng “vận toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình”, bên cạnh một Lazarô “mình đầy ghẻ chốc” đã bị đảo lộn sau khi chết. “Trong hỏa ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng ngài”. Người giàu có ích kỷ là hình ảnh người không lắng nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa. Họ “lòng chai dạ đá”, không quan tâm đến những bất hạnh của người khác. Trong phần thứ hai, cuộc đối thoại cho thấy con người phải tự nguyện và tự do để hoán cải, chứ không cần đến bất cứ một áp lực nào từ bên ngoài. Hơn nữa, Thiên Chúa đã dự liệu những phương tiện cần thiết để con người có thể hoán cải.

Dụ ngôn này không có ý an ủi những người nghèo khó: “Anh em là những người nghèo ở đời này, hãy can đảm lên, một ngày kia anh em sẽ được lên trời và anh em sẽ được đền bù những khốn khó đời này như Lazarô”. Thật vậy, bài Tin mừng hôm nay không chỉ khích lệ người nghèo khổ hãy cam chịu nghèo khổ hiện tại để được hưởng hạnh phúc đời sau. Chỉ vì lý do nghèo khó vật chất thôi vẫn chưa đủ, cần có nghèo khó tâm hồn “phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5).

Dụ ngôn này cũng không chỉ nói đến cuộc sống bị đảo lộn sau cái chết của hai nhân vật chính: người giàu và người nghèo, nhưng còn nói đến số phận của con người tùy thuộc vào cách sống, cách cư xử với người khác ngay tại trần thế này. Đúng hơn, chỉ có một nhân vật chính là người giàu. Người nghèo Lazarô đã chẳng nói một lời nào từ đầu đến cuối. Cuộc đối thoại giữa Abraham và người giàu cho thấy số phận bi đát của người giàu, nếu họ không chịu hoán cải. Hoán cải ở đây tức là quan tâm và giúp đỡ người nghèo. Đóng cửa lòng mình lại trước những khốn khó của những người chung quanh là một tội lớn. “Khi tôi nghèo, các anh đã không cho ăn, không cho quần áo mặc, không thăm viếng, không giúp đỡ tôi” (Mt 25,41-46).

Hình ảnh Lazarô trong câu chuyện là một hình ảnh đẹp. Ông là một người nghèo hoàn toàn. Ông cần người giàu giúp đỡ. Nhưng, cũng cần phải nói thêm: người giàu cũng cần người nghèo “giúp đỡ”. Lazarô có thể “giúp đỡ” người giàu thoát khỏi tính ích kỷ của mình. Mở rộng tấm lòng, có được một tình yêu vô vị lợi. Thật vậy, con người “quên mình là lúc gặp lại bản thân” (thánh Phanxicô Assissi), cho đi là nhận được. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, Đấng đã tự hiến thân mình cho nhân loại. Thiên Chúa mời gọi con người hoàn thành đời mình theo hình ảnh Thiên Chúa. Bao lâu con người còn ích kỷ, còn đóng cửa lòng mình lại trước những người nghèo khổ, bấy lâu con người vẫn chỉ là một nhân loại “thui chột”, không theo hình ảnh Thiên Chúa.

Cho người nghèo khổ một chỗ đứng trong cuộc đời chúng ta, quan tâm đến họ là một cách thế làm cho đời mình trở nên “giàu có” trước mặt Thiên Chúa. “Mến Chúa yêu người” vẫn mãi là luật vàng Kitô giáo.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con đầy lòng ưu ái,

đầy tình thương cảm đối với tha nhân,

khởi đầu với những người gần chúng con nhất.

Xin dạy chúng con biết chia sẻ nỗi đau khổ

của những người gặp buồn phiền,

biết đỡ gánh nặng của họ,

nhờ vậy mà chúng con được gần gũi với Chúa.

Lạy Chúa,

xin dạy chúng con biết nhìn thấy những người đang đau khổ.

Chúa đang khóc với những giọt nước mắt của họ.

Biết bao tiếng nức nở đã trôi dạt vào đại dương của tình thương.

Xin dạy chúng con biết canh phòng

bên ngưỡng cửa đưa vào lãnh địa mênh mông của khổ đau. Amen.

 

10. Suy niệm của Vinh Sơn Dương Văn Đức

Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết… con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.

Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé trở thành vị bác sĩ nổi tiếng nhân hậu, được mọi người yêu thương và kính trọng.

Câu chuyện cho thấy người cha ở đây đã thật khéo léo để biết cách dạy con mình trở thành người biết yêu thương và nhờ đó người con đã thành nhân và được mọi người quí mến.

Quả thực tình yêu thương, lòng trắc ẩn là những đức tính làm cho chúng ta trở thành con người đúng nghĩa. Khi tâm hồn thiếu vắng tình yêu thì phải thấy rằng chúng ta đang tụt hậu. Còn ai biết sống yêu thương thì lại là những người đang cùng nhau tiến nhanh trên hành trình của ơn cứu độ. Đây chính là những người mà Chúa Giêsu nói đến trong bài giảng trên núi: “Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, sở dĩ người phú hộ không được vào Nước Trời, vì ông đã không tỏ lòng thương xót đối với Ladarô, cho dù đó chỉ là một chút nhỏ nhoi dành cho con người khốn khổ ngày ngày lê lết ăn mày trước cổng nhà ông.

Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông còn nhiều của cải, nhưng vì ông đã không biết “sử dụng của cải mà mua lấy bạn hữu Nước Trời”, mà bạn hữu ở đây không ai khác là chính Lazarô nghèo khó mà ông gặp hang ngày. Thực sự, tiêu chuẩn để vào Nước Trời không phải ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng hệ tại nơi việc sống bác ái với anh chị em.

Tội của người phú hộ chính là tội vô tâm, làm ngơ, phớt lờ, không nhìn, không nghe, không thấy người nghèo, Ladarô đang van xin cứu giúp trong cơn đói khổ. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho người đang cần mình trợ giúp. Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào.

Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: “Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cửu. Điều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em… Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu, để sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy”.

Là những người cần đến lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa, những người cầu nguyện với đôi bàn tay mở ra như những cái bát của người ăn mày, tôi và bạn đến lượt mình, ta phải cố gắng sống nhân từ, quảng đại và thương xót những người khác, bởi vì mức độ ta cho sẽ trở thành mức độ mà ta nhận.

Có một bạn sinh viên đã tâm sự trên Tuổi Trẻ Online như sau: “Dưới cái nắng của buổi trưa tháng 3, tôi đang vội vã đi bộ từ trường Đại học Nhân văn ra Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia. Trên đường, một cô bé chừng 16-17 tuổi kéo tôi lại với bịch tăm tre nhỏ xíu và nói: “Đây là sản phẩm của các em khuyết tật trường Chu Văn An, mời chị mua ủng hộ”. Chẳng cần suy nghĩ, tôi khoát tay từ chối và vội bước đi, tự nhủ: “Mình lạ gì mấy trò này nữa, chủ yếu là xin tiền chứ mua bán gì”. Tôi đã không ít lần bị lừa ở phòng trọ, cũng như được bạn bè cảnh báo về mấy người “giả mạo” này. Nhưng đi rồi, tôi vẫn cố ngoái lại nhìn xem cô bé đó còn ở đó không? Nắng giữa trưa, tôi bịt hai lớp khăn che mặt vẫn còn thấy rát, vậy mà cô bé tiếp tục đứng đầu trần và mời một bạn sinh viên khác và người ấy đã mua. Tôi thấy mình xấu hổ. Tôi nhớ thầy tôi từng nói: “Biết có thể bị lừa vì những người giả bộ bị móc túi, lỡ đường để xin tiền nhưng thầy vẫn cho. Biết đâu gặp người cần giúp đỡ, có vậy lòng mình mới thanh thản…”. Tôi định quay lại mua cho cô bé bịch tăm nhưng lại ngại, đành tiếp tục đi, lòng suy nghĩ bứt rứt. Chắc cô bé là học sinh tình nguyện hay đang là tình nguyện viên cho mái trường ấy. Vậy mà tôi…”

Tâm trạng của người bạn trẻ này chắc cũng phản ánh thái độ vô cảm mà chúng ta đôi khi vướng phải trong cuộc đời, khi chúng ta dửng dưng trước những con người đáng thương. Đó cũng là thực trạng nơi trái tim chai cứng của nhân loại thời nay trước những đau khổ của đồng loại quanh mình. Suy nghĩ của bạn sinh viên một lần nữa lại gợi lên trong chúng ta hình ảnh của Tin mừng Lc 16, 19-31: Người phú hộ giàu có, ngày ngày yến tiệc linh đình, cao lương mỹ vị, nhưng ngay bên lại tồn tại một anh Lazarô nghèo nàn chết trong đói khổ, không được trợ giúp.

Ở đây cho thấy, không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Khi mắt ta không để ý sự đau khổ, tâm hồn ta không chút xót thương đến những người phận nhỏ, lòng trắc ẩn không hề rung động trước bi thương của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố ngăn cách sâu thẳm giữa ta với tha nhân và với nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa. Và như cành nho không gắn liền với thân nho, nó sẽ bị khô héo mà chết đi, mất đi sự sống thần linh, sự sống viên mãn.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy cho chúng con biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo chúng con có biết yêu thương tha nhân hay không. Xin Chúa dắt chúng con luôn đi trên con đường dẫn tới ơn cứu độ: Biết nghe lời hướng dẫn của Môisê, các ngôn sứ, đặc biệt là Lời Chúa để sám hối, hoán cải và yêu thương mọi người nhất là những anh chị em nghèo khổ. Vì chúng con biết Thiên Đàng không dành riêng cho một mình con. Nhưng con chỉ có thể tiến vào cùng với anh chị em trong tình yêu thương – Amen.

 

11. Bạn hữu của Thiên Chúa – Pm. Cao Huy Hoàng

Chúa thương người giàu

Tôi không bênh vực cho những người giàu có, nhưng thiết nghĩ, trong Tin Mừng theo Thánh Luca 16,19-31 hôm nay, Chúa Giêsu không lên án người phú hộ, nhưng lên án lòng ích kỷ, không bác ái, không thương người của người phú hộ. Ngài có thương những người giàu có đấy chứ. Vì thương, Ngài mới dùng dụ ngôn để cảnh cáo họ, để dạy họ cách sống bác ái để được sống đời đời trong lòng tổ phụ Abraham, theo cách người Do Thái thường suy nghĩ.

Tiên tri Amos cũng đã từng được Thiên Chúa sai đến miền Bắc nước Do Thái, lên tiếng cảnh cáo một xã hội phân hóa trầm trọng giữa giàu và nghèo, mà những người giàu có toa rập với những người có chức có quyền “đang nằm trên giường ngà, thõng thượt trên sạp gụ” “ăn chiên cừu bê để sẵn, nghêu ngao theo cung điệu Davit, uống rượu tô, xức dầu thượng hạng thơm nức”. (Am 6,4-6). Họ đang sống cảnh phong lưu sa đọa mà như một thứ tôn giáo trá hình, thứ tôn giáo mượn danh nghĩa ích nước lợi dân để thu quén bao thành quả của dân nghèo vào tay những ông to ông lớn và ông tư sản. Cái cho đi của họ là một thứ đạo bác ái cho dân nước theo kiểu “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, hoặc “thả con tép bắt con tôm”. Thực ra, Tiên tri Amos trách họ chẳng màng đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc, của đồng bào nhân dân. Họ chỉ biết tiệc tùng say xỉn “chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” (Am 6,6). Lời cảnh cáo của Amos thật nặng nề dành cho những kẻ giàu có và quyền chức ăn chơi “Chúng sẽ bị lưu đày, đi đầu những kẻ lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phe phởn”.Lời cảnh cáo của Tiên tri Amos, như vẫn còn nghe đâu đây trong thế giới hôm nay:“ngàn năm mây trắng vẫn bay, mấy ngài lãnh đạo có ngày lãnh đao”. Người giàu có hôm nay cũng giống như thời tiên tri Amos, tập trung hầu hết vào những người có chức có quyền. Bởi vậy ngàn xưa đã có câu: “nhất thế, nhì thân, tam cần, tứ đức”. Giàu nhờ cậy quyền cậy thế nhiều hơn giàu nhờ đức.

Nhưng, dù thế nào đi nữa, thì tôi vẫn cho rằng, đây là những lời tình từ lòng yêu thương của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không muốn mất đi một con người nào. Thiên Chúa muốn con người làm giàu cách chân chính, vì những cách làm giàu bất lương, giàu trên xương máu, mồ hôi của kẻ khốn cùng là thứ giàu có tội lỗi, là con đường dẫn đến diệt vong. Người làm giàu chân chính thì cảm thông với người cùng khổ. Còn người làm giàu bất lương, thì tự họ đã bất lương trước khi làm giàu. Nói như Thánh Nicolas: “họ có thể đốt nhà bạn để luộc cho mình một quả trứng”, cũng vậy, “họ có thể hy sinh một dân tộc, miễn là họ được an thân”. Chúa yêu cầu người giàu thay đổi cách sống: bỏ đi tính ích kỷ nhỏ nhoi, hướng đến tha nhân với tương quan đồng vị, cùng sống với cuộc sống của tha nhân trong bất cứ tình huống nào.

Quả vậy, trong dụ ngôn Tin Mừng, không lẽ người giàu “lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc”, có mắt mà không thấy “Lazaro nghèo khó,mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông” ấy sao? Con chó nhà ông còn trông thấy chạy đến liếm ghẻ chốc cho anh ta kia mà! Quả thực người giàu có có thấy, nhưng không động lòng trắc ẩn, vì ông không có lòng trắc ẩn để động. Người nghèo không “khóc than kêu cứu” hay “làm đơn xin” gì cả, nhưng anh ta chỉ nằm đó thôi, đã đủ là một lời xin thống thiết; anh ta cũng không gõ cửa hay kêu gào, nhưng người giàu nếu giàu lòng quảng đại bác ái, giàu lòng trắc ẩn thì đã thấy cảnh tượng thương tâm, đã nghe tiếng gõ nhức nhối tận thâm sâu cõi lòng.

Vậy tôi có thể kính thưa với những người giàu có hôm nay rằng: Chúa không bỏ các bạn đâu, Chúa muốn các bạn làm giàu chân chính. Chúa không kết án các bạn đâu, nhưng qua lời Tiên tri Amos và dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa đang cho các bạn một cơ hội để mở mắt nhìn những bạn hữu nghèo khó của Thiên Chúa, để mở tai nghe nỗi đau của họ đang kêu gào mà nghẹn ngào không thành tiếng, để mở lòng đón nhận họ như đón nhận chính Đức Kitô, để mở bàn tay ra mà chia sẻ cho họ một cuộc sống đồng nhân vị ở đời nầy, để chính họ sẽ chia cho bạn một chỗ trong lòng tổ phụ Abraham và trong lòng Thiên Chúa mai sau.

Chúa cứu người nghèo

Với những người nghèo, nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, những người nghèo khổ túng thiếu trong cuộc đời, những cái bang, hiệp khách ăn mày, những người ở đất nước nghèo đội sổ như chúng tôi, thường phấn khởi lắm- phấn khởi vì được Chúa ủi an, nhưng cũng không thiếu cái phấn khởi do tâm lý thỏa mãn lòng ganh ghét bấy lâu nay với những người giàu có, quyền lực. Vì thế, tôi nghĩ trong dụ ngôn nầy, không chỉ những người giàu, mà cả những người nghèo cũng cần phải cảnh giác. Vì điểm chính của Lời Chúa dạy, không phải là giàu hay nghèo, mà là biết chia sẻ hay không biết chia sẻ, quảng đại hay ích kỷ, bác ái vị tha hay hà tiện vị kỷ.

Cái thói quen trả thù của người nghèo cơm áo gạo tiền, nghèo chữ nghĩa “thấy ai hoạn nạn thì vui mừng”, nhất là những người giàu có, quyền thế, thiếu đạo đức gặp hoạn nạn thì càng mừng hơn- cho là “ông trời có mắt”, “lưới trời lồng lộng” hoặc “Chúa phạt nhãn tiền” là không hợp với tinh thần bác ái Kitô Giáo. Hơn nữa, dụ ngôn Người Phú Hộ và Lazaro nghèo khó hôm nay, rất dễ đẩy chúng ta vào một xu hướng lạc đề: “chấp nhận cảnh nghèo khổ túng thiếu ở đời nầy để được hạnh phúc ở đời sau”, mà quên một điều quan trọng là: “chính trong cảnh nghèo khổ túng thiếu ấy, chúng ta cũng có bổn phận phải chia sẻ cho nhau”. Không đợi người giàu thực thi đức bác ái, mà chính người nghèo phải giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật giúp cho người khuyết tật, người tù lo cho người tù, người ổ chuột thương người ổ chuột… như thế mới là đúng tinh thần dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Người giàu có, có cách chia sẻ của người giàu có, người nghèo khổ cũng có cách giúp đỡ chia sẻ cho nhau; miễn là có một tấm lòng nghĩ đến tha nhân. Một điểm tâm lý khôi hài nữa là: ai cũng nghĩ mình nghèo, không thể giúp đỡ người khác. Họ chỉ có thể giúp đỡ tha nhân khi họ cảm thấy họ dư thừa. Đối với Chúa thì không phải như thế: đồng bạc cuối cùng của bà góa là đồng bạc giá trị. Vì bà đã cho đi chính sự sống còn của bà, và giao phó sự sống còn của bà cho Thiên Chúa. Vì những suy tư trên đây, tôi nghĩ, chúng ta nên sợ cảnh “nghèo lòng bác ái”, vì nghèo lòng bác ái cũng đồng nghĩa với nghèo ba nhân đức quan trọng “Tin Cậy Mến”.

Từ “Lazaro” tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp”. Nhân vật Lazaro là nhân vật hư cấu trong dụ ngôn, đại diện cho những người nghèo khổ, túng thiếu. Nhưng, qua hình ảnh Lazaro, không nên lầm tưởng rằng người nghèo được vui mừng hả dạ vì mấy người giàu “khó vào nước trời” hoặc bị phạt xuống hỏa ngục đời đời.. Ngược lại, là những người nghèo, hãy tạ ơn Chúa cho chúng ta sống trong cảnh nghèo khổ khốn khó, có cơ hội dễ cảm thông và sẻ chia với những người nghèo khổ khốn khó, có cơ hội nhận ra chính chúng ta và những con người nầy là Bạn Hữu Của Thiên Chúa. Hãy chia sẻ với các bạn của Chúa, như Đức Kitô đã chia sẻ đến tận cùng cuộc sống mình. Và khi không còn gì để chia sẻ, chúng ta sẽ là một Lazaro được “Thiên Chúa cứu giúp”, được ngồi gần các tổ phụ, giữa lòng Abraham và trong cung lòng của Thiên Chúa. “Thiên Chúa cứu giúp người nghèo”- không phải những người nghèo vì họ nghèo- nhưng là những người nghèo vì họ đã cho đi tất cả những gì mình có. Những người cho đi tất cả là Bạn Hữu của Thiên Chúa, được “Chúa thương cứu giúp”, được Thiên Chúa đền bù xứng đáng trong Nước Vinh Hiển của Người.

 

12. Hãy nghe các ngài

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Đoạn nầy có thể chia thành ba phần: – Cuộc sống của người giàu có và Lazarô trên trần gian (16,19-21); – Số phận của hai người sau khi chết (16,22-23); – Tình trạng cực hình của người giàu có (16,24-31). Ngoài việc chia sẻ chủ đề chung về việc sử dụng của cải, đoạn nầy bàn thêm về hậu quả của việc sử dụng ấy khi cuộc đời nầy qua đi. Số phận của người giàu có và Lazarô đảo ngược trong cuộc đời bên kia. Luca nhấn mạnh rất nhiều về việc Thiên Chúa đảo ngược số phận giữa người khiêm hạ và người quyền thế (1,46-55), giữa các Phúc Thật và Chúc Dữ (6,20-26), và ở đây giữa người giàu và người nghèo (16,19-31).

Cuộc sống của người giàu có và Lazarô trên trần gian

Trong hai câu dẫn nhập Luca mô tả hai con người với hai cuộc sống hoàn toàn tương phản nhau: một người giàu có (c. 19.21) và Lazarô nghèo khó (c. 20). Sự giàu có của người nầy được mô tả qua cách ăn mặc: áo đỏ tía, porphyra, chỉ dành cho vua (x. Mc 15:17.20; Kh 18:12) và hàng mịn, byssos. Cả hai thứ nầy được kể là những đồ quí giá chung với vàng bạc, đá quý và ngọc ngà (Kh 18:12). Động từ “mang” ở thì quá khứ chưa hoàn thành cho thấy ông thường ngày mang áo quần nầy, chứ không phải chỉ một dịp lễ lạc trọng thể nào đó. Việc ông “làm yến tiệc”, euphrain#, cũng kiên tục, và việc nầy nhắc đến thái độ tự hài lòng của người giàu có trên của cải ông đã kiếm được, ăn uống, hưởng thụ và chỉ dừng lại ở đó (12:19).

Tương phản với người giàu có là người nghèo Lazarô. Khi Luca dùng cách nói “tên là” (1:5.13.26.27.31…), ông muốn ám chỉ đó là người được ưu ái trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, tên “Lazarô” có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Sự nghèo khốn của Lazarô được diễn tả qua tình cảnh bệnh tật của ông: nằm liệt do bệnh, ball#, và nhức nhối (c. 20) do những vết thương lở loét của ông (c. 21). Đến lúc nầy, dụ ngôn không nêu lên một lỗi phạm nào của người giàu có. Chỉ trong câu 21, tình cảnh của Lazarô được mô tả thêm và sai lỗi của người giàu có mới được hình dung ra. Lazarô nằm ở trước cửa nhà người giàu có: đói lả và muốn được ăn no như tình cảnh của người con hoang đàng (15:16). Động từ “ước muốn” nầy ở thể phân từ hiện tại diễn tả tình trạng kéo dài. Như thế, Lazarô ở đó mỗi ngày và chờ đợi những mẩu bánh vụn từ trên bàn rơi xuống. “Cái bàn” gợi lên yến tiệc của người giàu có; qua đó, cho thấy người giàu có không nghĩ gì khác ngoài việc hưởng thụ cuộc sống giàu có của ông. Ông chỉ sống cho mình và không biết đến Lazarô nghèo khó trước cửa nhà ông. Bởi lỗi phạm đó mà ông sẽ chịu hậu quả sau nầy.

Số phận của hai người sau khi chết (16:22-26)

Đoạn nầy và đoạn kế tiếp (16:27-31) được trình bày dưới hình thức đối thoại giữa người giàu có và Abraham. Những gì được nói đến trong hai đoạn nầy không nhằm mô tả cuộc sống sau khi chết, mà sự khác biệt tận căn và sự đảo ngược giữa cuộc sống của người giàu có và Lazarô. Câu 22 là câu chuyển tiếp: người giàu có cũng như người nghèo khó đều chết như nhau (c. 22), nhưng số phận họ lại khác nhau. Lazarô được các thiên thần đem vào lòng Abraham; trong khi người giàu có “được chôn cất”. Abraham, tổ phụ của dân Do thái (1:55.73; 3:8). “Lòng Abraham” là phần trước ngực. Ngồi vào lòng ai có nghĩa là nằm dựa đầu vào ngực người ấy. Đây là vị trí cận kề và thân thiết (x. Gio 1:18; 13:23). Hình ảnh nầy gợi lên bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, trong đó có Abraham và tất cả các tổ phụ khác và các tiên tri (13:28). Như thế, Lazarô nghèo khó và thiếu thốn của ăn nuôi sống trên trần gian, nay được thông hiệp với Abraham. Và Thiên Chúa của Abraham là Thiên Chúa của sự sống (20:37-38). Trong khi đó, người giàu có “được chôn cất”, ám chỉ ông nằm giữa những kẻ chết (x. 9:59-60). Điều nầy được xác định rõ hơn trong cách nói “trong âm phủ” (c. 23). “âm phủ” là giang sơn của người chết và nơi của sự hủy diệt (x. Cv 2:27.31), hình phạt (Kh 20:14). Đối nghịch với “âm phủ” là trời, nơi cư ngụ của Thiên Chúa (x. 10:15).

Tình cảnh khốn khổ của người giàu có (16:24-31)

Nội dung của phân đoạn nầy được trình bày qua hình thức đối thoại với ba lần thỉnh cầu của ông (cc. 24.27-28.30) và ba lần từ chối của Abraham (cc.25-26.29.30). Qua cuộc đối thoại ngắn nầy, tình cảnh khốn khổ của người giàu có được trình bày thêm.

Lời thỉnh cầu thứ nhất (c. 24): “xin thương xót tôi” (c. 24). Lời nầy trong Luca chỉ xuất hiện trong trình thuật người mù thành Giêricô (18:38.39), và mười người phong cùi. Người giàu có đang ở trong tình trạng vô phương cứu chữa như những người nầy. Hai yếu tố khác cho thấy tình cảnh của ông đã bị đảo ngược. Trước đây ông chỉ mặc áo đỏ tía và lụa là, giờ đây ông đang chịu cực hình, odynaomai, giữa lửa cháy bao quanh ông, trong khi Lazarô ở nơi mát mẻ. Trước đây, ông nằm trên giường tiệc, Lazarô bên dưới và chờ mong những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn tiệc của ông. Giờ đây, ông phải nhìn lên mới thấy Lazarô, và nài xin một giọt nước từ ngón tay của Lazarô nhỏ vào liệng lưỡi ông.

Trong câu trả lời của Abraham (cc. 25-26) Luca nhắc lại quá khứ “hãy nhớ lại”. Ông nói đến “điều tốt” và điều xấu”, như là sự tương phản giữa hai người (c. 25). “Điều tốt” ở đây là của cải đời nầy (6:45; 12:18.19). Sau đó, Luca khẳng định điều đang xảy ra, “bây giờ” hai người. Động từ “an ủi” (c. 25) nhắc lại lời “Khốn cho các người giàu có, vì các người đang được an ủi” (6:24). Người giàu có đã được an ủi đời nầy, thì đời sau chịu khốn khổ; trong khi Lazarô được an ủi đời sau. Đây là một trong những cách hành động của Thiên Chúa (1:52). Tiếp theo Abraham nói đến sự phân cách tuyệt đối và khách quan giữa hai người (c. 26). Một “vực thẳm” “được đặt ra” (ở thể thụ động); không thể có hiệp thông giữa hai bên. Không thể qua lại với nhau được. Như thế người giàu có bị loại hẳn khỏi sự hiệp thông với Abraham.

Lời thỉnh cầu thứ hai (cc.27-28.29): trong lời thỉnh cầu nầy, ông không nghĩ đến bản thân nữa, vì ông đã ý thức tình trạng khốn khổ không thể cứu vớt của mình. Bởi đó, ông kêu xin Abraham hãy nghe lời ông xin. Ông nghĩ đến những người anh em của ông đang còn sống trên trần gian, và muốn tránh cho họ khỏi rơi vào nơi khốn khổ như ông. Lời đáp của Abraham là chỉ cho thấy phương thế cứu khỏi nơi ấy, chính là nghe lời Môsê và các ngôn sứ (c. 29; 24:44). Mệnh lệnh “Hãy nghe” phải dẫn đến việc làm theo điều đã nghe. Mệnh lệnh nầy cho thấy cách gián tiếp là người giàu có đã không nghe lời Môsê và các ngôn sứ nên đã không để ý đến những người nghèo (Lv 19:9-10; Đnl 14:29; 15:7-11). Ông đã không quan tâm nghe lời của Thiên Chúa, nên không biết ý muốn của Người. Ông chỉ quan tâm đến sự giàu có và sự thụ hưởng của ông.

Lời thỉnh cầu thứ ba (cc. 30.31): người giàu có cố gắng nài xin thêm một lần nữa cho anh em nhà của ông. Ông nghĩ anh em của ông sẽ “hoán cải” nếu như được người chết hiện ra. Tuy nhiên sự hoán cải không được thực hiện bởi phép lạ, mà bởi lời rao giảng về Chúa Giêsu (x. 11:32; Cv 2:36-38; 3:18-19). Hoán cải là mở lòng đón nhận, tin vào Thiên Chúa và thay đổi cuộc sống. Do đó, nếu không nghe lời Môsê và các ngôn sứ, không thể hoán cải được. Người chết có hiện ra chỉ vô ích mà thôi.

Luca sẽ không dừng lại ở việc mô tả hậu quả của việc sử dụng của cải không đúng theo ý Thiên Chúa. Ông sẽ nói đến cách hành động tích cực đối với của cải. Đó là phân phát cho người nghèo (4:18; 18:22; 19:8; 21:3). Cuộc sống ở trần gian không là tất cả. Số phận đời sau tùy thuộc cuộc sống hôm nay. Muốn được an ủi đời sau, phải thi hành ý Thiên Chúa hôm nay.

 

home Mục lục Lưu trữ