Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 58
Tổng truy cập: 1379471
KHI TÔI YẾU CHÍNH LÀ LÚC TÔI MẠNH
''Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh''
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Ở đời trong mọi lãnh vực đâu có ai thích cùng mong muốn mình yếu đâu. Nhưng Thánh Phaolo lại có suy nghĩ khác: Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh! ( 2Cr. 12, 10 ).
Vậy đâu là ý nghĩa cùng xác tín của Thánh Phaolô qua câu nói này?
Ai cũng muốn tỏ ra mình mạnh khoẻ thể xác, cũng như tinh thần. Ai cũng muốn tỏ cho người khác thấy mình thắng thế hơn trội, thế nào là sức mạnh thế nào là yếu thế.
Trong đời sống ta thấy mạnh đâu phải là bị khuất phục bị làm nhục, nhưng mạnh là người yếu bị bắt tù tội như một Tổng Thống Mandela bên Nam Phi Châu. Mạnh đâu phải là những đạo quân đi xâm chiếm thuộc địa như người Anh, nhưng mạnh là người dân yếu thế như một Mahatma Gandhi bên Ấn Độ.
Mạnh đâu phải là những người kỳ thị người khác với sức mạnh lấn lướt, nhưng mạnh là người yếu như Mục sư Martin Luther King. Mạnh đâu phải là những vua chúa thống trị với nhiều quyền hành, nhưng mạnh là những vĩ nhân yếu mềm như Thánh Phanxico Assisi, Mẹ Á Thánh Têrêxa.
Mạnh không phải là tảng khối đá cứng, nhưng mạnh là dòng nước yếu mềm. Mạnh không phải là lưỡi gươm thanh kiếm, nhưng là cây thập gía.
Mạnh không là những lời to tiếng đanh thép, nhưng là những lời nhỏ nhẹ từ tốn không làm người khác bị mất thể diện. Mạnh không phải là sự hận thù, nhưng là tình yêu. Mạnh cũng không là sự chết, nhưng là sự sống.
Thánh Phaolô do lòng xác tín đã đặt lại thang gía trị dựa trên thành tích, trên và dưới, mạnh và yếu, vốn gây ra lẫn lộn hoang mang không rõ ràng và cũng tương đối thôi. Người mạnh sức, mạnh miệng lấn át, người giầu có, nghĩ tưởng đó là thước đo gía trị đời sống con người.
Rất nhiều trường hợp trong đời sống, ai đó vượt qua mặt được người khác, cho rằng mình đã thắng, mình là người mạnh, đang khi người khác yếu thế sống âm thầm yên lặng. Nhưng cái gì cũng có diễn biến trong thời gian lịch sử của nó. Một thời gian sau, người nghĩ rằng mình mạnh đã chiến thắng lại trở thành người yếu thua thiệt về danh dự. Trong khi đó, người sống yếu thế yên lặng lại trở thành người mạnh được kính phục, vì sống cư xử là người có tư cách lễ phép tình người.
Chúa Giêsu người đã trở nên yếu thế trước tòa án xét xử bị kết án ở dinh quan tổng trấn Philato. Nhưng Người đã trở thành sức mạnh đức tin tinh thần ngay nơi chính gia đình quan Philato cùng cho muôn người qua sự chết trên thậy gía.
Thánh Phaolo trong cơn cùng quẫn cảm thấy yếu đuối khi phải chịu đựng đau khổ, đã than thở xin Chúa cho thoát khỏi cảnh này, và Chúa đã nói với Thánh nhân: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi” (2Cr. 12,9).
Trong cuộc sống làm người ở đời, ta không chỉ cần cơm ăn áo mặc, kiến thức học hành làm việc tốt thành công để trở thành người mạnh khoẻ. Nhưng còn cần đến ơn Chúa trợ giúp nhiều hơn nữa để có sức mạnh vượt qua những khó khăn thử thách, nhất là trong đời sống tinh thần, đời sống đức tin hôm nay và ngày mai.
30. Thành kiến - Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
Ông là ai vậy? Bởi đâu ông ta đã làm được những chuyện lạ lùng như thế? Ông ta không phải là con ông Giuse và bà Maria sao? Họ hàng anh chị em của ông ta không phải là những người láng giềng của chúng ta sao? Ông ta không phải là người đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở đây với chúng ta sao?
Phải, đúng lắm. Đó chính là Chúa Giêsu, con của ông Giuse và bà Maria, đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở Na-da-rét 30 năm rồi. Nhưng tại sao những người đồng hương lại ngạc nhiên và thắc mắc về Chúa như vậy? Bởi vì ít lâu nay họ đã nghe dư luận đồn thổi về những lời giảng dạy mới lạ, đầy uy quyền của Chúa, cũng như đã nghe dân chúng bàn tán xôn xao về những phép lạ Chúa đã làm ở nơi này nơi kia...Đó là những công việc, những phép lạ Chúa Giêsu đã làm trước khi Ngài về Na-da-rét, quê hương của Ngài. Nhưng những người đồng hương của Ngài không tin và không thể tin. Tin làm sao được ông Giêsu đang đứng trước mặt họ đây có thể làm được những điều lạ lùng như thế, nhất là tin làm sao được ông Giêsu đây là Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh, là Đấng mà dân tộc họ đang trông đợi cả ngàn năm?
Dân làng Na-da-rét không thể nào chấp nhận một người mà họ đã quá biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn. Biết cả họ hàng chẳng danh giá gì. Biết rõ quá như thế thì làm sao người đó có thể là vị cứu tinh, là Đấng Cứu Thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc họ được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giàu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Chúa Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Chúa làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác. Trước thái độ ít cởi mở và hoài nghi của họ, vì họ không tin, nên Chúa không làm phép lạ được. Không phải vì Ngài không thể làm, bằng chứng là Ngài cũng có đặt tay chữa cho mấy người bệnh, nhưng chính vì họ không tin.
Dân làng Na-da-rét không tin Chúa Giêsu. Không tin là vì bụt nhà không thiêng, như có lần Chúa đã nói: "Chẳng ngôn sứ nào được danh tiếng nơi quê hương mình "; hoặc tệ hơn, như Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi". Tại sao dân làng Na-da-rét không tin? Họ không tin vì thành kiến. Họ đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi, có sẵn của họ. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Chúa mở ra cho họ. Họ cũng không thể chấp nhận Chúa Giêsu là hiện thân của nước trời và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đối với người Do thái đương thời, Chúa Giêsu đến quá ư bất ngờ và quá khác xa với quan niệm họ sẵn có về Đấng Cứu Thế. Họ không biết rằng đường lối của Thiên Chúa có thể khác xa với sự toan tính của loài người.
Qua đó chúng ta rút ra được một bài học thực tế: Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự in trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả không hay, sai lầm hoặc nguy hại. Thật vậy, ai đeo kính đen thì nhìn cái gì cũng tối hết; lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu: "Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng". Lòng chúng ta có khuynh hướng mạnh về điều gì, thì mắt chúng ta hay tìm, trí chúng ta hay tưởng và rồi chúng ta phán đoán người khác cũng giống như chúng ta và hơi chút là chúng ta đoán về đàng đó liền.
Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hay căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Đánh giá một người theo bên ngoài có thể đúng nhưng cũng có thể sai lầm. Câu nói: "Trông mặt mà bắt hình dong". Khổng Tử cũng xác nhận: "Người tôi yêu chưa chắc đã tốt; người tôi ghét chưa chắc đã xấu". Phong dao cũng có câu: "Người xấu duyên lặn vào trong. Bao nhiêu người đẹp duyên rong ra ngoài". Lặn vào thì còn lại, bong ra thì mất đi rồi. Và hẳn chúng ta cũng không quên câu nói: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", "Xanh vỏ mà đỏ lòng". Cho nên, đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào bề ngoài có thể là nông nổi, thiển cận và nguy hiểm.
Tóm lại, thành kiến đã làm cho dân làng Na-da-rét phán đoán sai về Chúa Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Tinh. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì là thành kiến về bản thân để khỏi tự ti mặc cảm; cũng như thành kiến về những người chung quanh, để có được một cái nhìn đúng đắn hơn, một nhận xét chân thành hơn, một phán đoán khách quan hơn,và một đời sống yêu thương cởi mở hơn.
31. Trân trọng con người vì phẩm chất của họ.
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Tagore (1861-1941) là một đại thi hào của Ấn Độ, đoạt giải Nobel về văn chương năm 1913, có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi.
Lúc còn niên thiếu, thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do thân phụ của mình đảm trách phần biên tập. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con mình còn nhỏ dại thì biết gì thi ca.
Khi hiểu rõ sự tình, Tagore chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác rồi gửi lại cho toà báo.
Lần nầy, thân phụ của Tagore nhận thấy đây là những bài thơ có giá trị và cho đăng ngay lên báo mà không hề hay biết đó là những bài thơ của con trai mình, những bài thơ mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.
Đúng là: "Bụt nhà không thiêng", hay nói như Chúa Giêsu: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).
Ngay cả Chúa Giêsu cũng phải chịu cùng một số phận đó.
Mặc dù danh tiếng Chúa Giêsu đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều người bệnh tật và nhờ những phép lạ Người làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giêsu, nhìn đến anh chị em họ hàng của Người thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Người trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Người nữa.
Họ xì xào bàn tán với nhau: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người" (Mc 6,3).
Bấy giờ Chúa Giêsu nêu lên một nhận định có phần chua xót: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."
Thế là Chúa Giêsu chẳng làm được phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng hương. Người rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.
Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giêsu theo lớp vỏ bên ngoài, dân làng Na-da-rét đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho họ.
Việc đánh giá Chúa Giêsu dựa vào gia thế, nghề nghiệp mà không dựa vào phẩm chất của Người đã chứng tỏ cho thấy dân thành Na-da-rét đề cao giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần.
Có giai thoại kể rằng một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya. Y tháo gỡ miếng giấy ghi giá bán của những mặt hàng có giá trị cao, đem dán vào những mặt hàng rẻ mạt, rồi gỡ miếng giấy ghi giá bán những mặt hàng rẻ mạt gắn vào những món hàng quý báu. Thế là các món hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng cao giá trị gấp trăm lần. Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên đã mua lầm một cách tai hại (ý tưởng của Frère Phong trong cuốn "mắm muối cho bữa ăn hằng ngày")
Ngày nay, các giá trị của đời sống con người cũng đang bị đảo lộn y hệt như thế, khiến nhiều người đua đòi chạy theo những điều phù phiếm mà rời xa những giá trị tinh thần và văn hoá cao đẹp.
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay đua đòi ăn mặc hợp thời trang, dù phải mặc những loại y phục thiếu nết na và kỳ quái, và cho rằng có như thế mới khẳng định được giá trị của mình!
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm chất cao đẹp bên trong.
Trước thực trạng đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: "Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người"
Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng ta đừng theo vết dân thành Na-da-rét ngày xưa, đánh giá con người theo hình tướng bên ngoài, nhưng biết tôn trọng con người vì phẩm chất cao quý của họ và vì họ là chi thể của Chúa Giêsu và là hiện thân của Thiên Chúa.
Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.
32. Dán nhãn – Huệ Minh
Ta bắt gặp thời niên thiếu của chủ hãng Microsoft. Bill Gates chẳng biết học hành sao đó nhưng bị rớt vài môn còn các bạn thì đậu hết. Hẳn nhiên, các bạn của Bill rất coi thường vì học lực của Bill kém đến như thế.
Chắc có lẽ những người bạn học cùng thời với Bill vui vẻ dèm pha và chỉ trích cũng như trêu chọc với cái thành tích đó. Bill Gates bộc bạch: "Tôi rớt một vài môn cuối kì còn bạn tôi đậu hết. Hiện tại anh ấy là một kĩ sư của Microsoft còn tôi là chủ của Microsoft."
Còn với cựu tổng thống Mỹ George W.Bush chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng diễn đạt trước đám đông, nhưng ông cũng kịp thời ghi dấu ấn cho bản thân khi có một bài phát biểu khá sâu sắc và ý nghĩa lúc có mặt trong ngày lễ tốt nghiệp của các sinh viên trường đại học Southern Methodist.
Ông nói: "Đối với các bạn trẻ đã tốt nghiệp trong buổi lễ chiều nay với điểm số cao cùng học lực khá giỏi, tôi có lời khen, 'Làm tốt lắm.'
Và tôi cũng dành lời khen này cho các bạn học sinh trung bình: Các bạn nữa, cũng đều có thể trở thành tổng thống."
Với câu nói trên, cựu tổng thống Bush đang tự châm biếm bản thân khi chính ông cũng đã từng đạt được các điểm số rất lẹt đẹt khi còn học cao đẳng. Tuy vậy, cho đến ngày hôm nay - cựu tổng thống Hoa Kỳ lại là một trong những ví dụ kinh điển nhất về việc điểm số thời đi học sẽ không quyết định tương lai sau này của bạn, cũng như là minh chứng cho một cuộc sống luôn đầy ắp những khả năng vô hạn.
Và dù có thích Bush hay không, thì bạn vẫn không thể chối cãi rằng, những gì ông nói trong bài phát biểu trên đây là hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, còn nhiều cái tên khác trong lịch sử các tổng thống Mỹ cũng đã từng học rất tệ như John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson và cha của Bush - cựu tổng thống George H.W Bush. Bên cạnh danh sách các nhà lãnh đạo "học dở" của cường quốc số một thế giới này, chúng ta còn có thể kể đến những doanh nhân thành công; những con người đã không để dư âm trường học ngăn cản công cuộc chinh phục đỉnh cao vinh quang của mình.
Những cái tên nổi bật nhất đầu tiên có thể kể đến là Steve Jobs khi ông chưa bao giờ học xong đại học - cũng giống như Bill Gates và Mark Zuckerberg. Các trường hợp tương tự như nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới, Elizabeth Holmes, người vẫn đang là niềm cảm hứng cho cuộc cách mạng y học, cũng bỏ ngang đại học Stanford để theo đuổi ước mơ của mình. Theo sau có thể kể đến tỉ phú Richard Branson - người bị chứng khó đọc và đã bỏ học từ năm 15.
Ở đời, người ta vẫn thường hay dán nhãn cho nhau, nhìn nhau bằng ánh mắt khinh khi khi người khác thua kém mình, người khác không bằng mình.
Nảy giờ ta nghĩ chuyện ngoài đời, ta nói chuyện ngoài đời.
Ngay trong Giáo Hội cũng thế! Ngay thời Chúa Giêsu, người ta vẫn thường có thói quen dán nhãn cho một người nào đó mà như Chúa Giêsu lại chính là nạn nhân.
Hôm nay, trong trang Tin Mừng rất ngắn của Thánh Maccô ta bắt gặp: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" (Mc 6, 2-4)
Nhận định của dân hoàn toàn đúng chứ không sai! Thế nhưng, Thiên Chúa thường vẫn làm những chuyện mà con người xem ra là bất thường. Người ta đã dán cho Chúa Giêsu một cái nhãn bình thường và họ nhìn Ngài trong cái nhãn giới tầm thường của họ.
Những kiểu dán nhãn của họ có tính cách cố định. Dán nhãn đã làm trở ngại cho những cuộc tiếp xúc giữa Chúa Giêsu và người đồng hương. Chính những dán nhãn đó làm cản trở ơn thánh đến với họ. Họ nuôi quan niệm sai lầm về Đấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Đấng cứu thế, thì họ từ khước Người. Vì thế đối với họ, Chúa Giêsu không thể là Đấng cứu thế. Với sự dán nhãn, họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Do đó Chúa Giêsu nói với họ: Ngôn sứ có bị coi rẻ thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6, 4).
Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại: Người đã không thể làm phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6, 5). Sở dĩ Chúa Giêsu không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6, 6).
Ta có thể thầm trách đám đông trong Tin Mừng hôm nay vì họ đã khước từ Chúa, họ đã tẩy chay Chúa.
Tuy nhiên, trong cõi lặng của cuộc đời, ta có thể nhìn ra ta cũng giống như những người trong Tin Mừng hôm nay.
Nếu ta chỉ đi tìm Chúa nơi những người quyền cao chức trọng, hay ở những nơi nguy nga tráng lệ mà thôi, ta sẽ khó tìm thấy Chúa. Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bình thường mà ta thường gặp, cũng như những sự việc xẩy ra thường ngày. Ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa nơi người khác cũng như sự việc ta gặp hằng ngày nếu ta để cho thái độ quen quá hoá nhàm xâm chiếm đời sống tư tưởng của ta.
Thiên Chúa không những hiện diện ở những nơi tầm thường như phố nhỏ Nadarét, mà còn ở nơi dơ bẩn, hôi hám như trong máng cỏ Bêlem. Ta có thể tìm thấy Chúa nơi người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ và tù đầy. Đó là điều Chúa nói trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: Khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25, 35).
Để có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Nếu ta để cho thành kiến về đạo giáo làm mù quáng, thì những thành kiến có thể làm cản lối Chúa vào nhà tâm hồn. Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do và Chúa tôn trọng tự do của loài người. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ai theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.
Nếu ta để cho việc dán nhãn và tính ganh tị lấn át, ta sẽ không nhìn thấy những ưu điểm và khả thể nơi tha nhân. Nếu ta phán đoán lời nói hay việc làm của người khác chỉ dựa trên bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền và gia cảnh của họ là ta để cho việc dán nhãn len lỏi vào óc phán đoán của ta.
Lời nói hay việc làm có giá trị thường mang tính chất khách quan chứ không tuỳ thuộc vào bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền hay gia cảnh của người nói hay làm. Nghe những lời nói hay việc làm mang khuyết điểm của người khác mà đóng cửa lòng lại, không tìm đến với họ, không cho họ cơ hội để bầy tỏ lí do, thì có phải là quan niệm hẹp hòi chăng? Gặp người khác lướt qua một vài lần, nói mấy lời xã giao mà đã kết luận người đó tốt xấu, thì không phải là nhận xét nông cạn sao? Bỏ việc thờ phượng hay nghe lời giảng dậy ngày Chúa nhật chỉ vì thắc mắc về khả năng hoạt bát và trình độ học vấn của linh mục cử hành thánh lễ và rao giảng thì có phải là một quyết định không dựa trên đức tin chăng? Buồn giận một linh mục nào đó mà không tìm đến thờ phượng ở bất cứ nhà thờ công giáo nào khác thuận lợi, thì có phải là hành động giận cá băm thớt không?
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta bớt đi chuyện dán nhãn cho người khác nhưng hãy nhìn họ như họ là sự hiện diện của Chúa trong đời ta thật. Có như thế, ta mới vững vàng bước đi trong niềm tin là Chúa luôn luôn ở với ta trong mọi nẻo đường đời.
33. Cần xác định lại bậc thang giá trị
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya để tìm cách phá hoại.
Thấy trong cửa hàng có một bàn thờ bằng gỗ quý, chạm khắc rất mỹ thuật ghi giá bán 30 triệu đồng và một cái thùng rác ghi giá bán 10.000 đồng, người đột nhập gỡ miếng giấy ghi giá 30 triệu ở bàn thờ gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 10.000 đồng ở thùng rác dán vào bàn thờ. Thế là bàn thờ gỗ quý chạm khắc công phu chỉ có giá 10.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá trị lên đến 30 triệu đồng và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác.
Thế là các món hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng cao giá trị gấp trăm lần.
Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên đã mua lầm một cách tai hại. (Dựa theo ý tưởng của Frère Phong trong cuốn “Mắm muối cho bữa cơm hằng ngày”)
Các giá trị của đời sống con người hôm nay cũng đang bị đảo lộn y hệt như thế, khiến rất nhiều người tôn vinh tiền tài của cải mà xem thường luân thường đạo lý, đánh giá cao những gì phù phiếm bên ngoài mà coi rẻ phẩm chất cao đẹp của con người. Thế là những điều phù phiếm được lên ngôi trong khi những phẩm chất cao đẹp của con người bị đẩy xuống hạng thấp kém.
Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy người dân thành Na-da-rét cũng đánh giá Chúa Giêsu theo nhãn quan đó.
Mặc dù danh tiếng Chúa Giêsu đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Người làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giêsu, nhìn đến anh chị em họ hàng của Người thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Người trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Người nữa.
Họ xì xào bàn tán với nhau: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người" (Mc 6,3)
Bấy giờ Chúa Giêsu nêu lên một nhận định có phần chua xót: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."
Thế là Chúa Giêsu chẳng làm được phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng hương. Người rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.
Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giêsu theo lớp vỏ bên ngoài, dựa vào gia thế, nghề nghiệp… mà không dựa vào phẩm chất của Người nên dân làng Na-da-rét đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho họ. Cách đánh giá như thế khá phổ biến trong xã hội hôm nay.
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay đua đòi ăn mặc hợp thời trang, dù phải mặc những loại y phục thiếu nết na và kỳ quái, và cho rằng có như thế mới khẳng định được giá trị của mình!
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm chất cao đẹp bên trong.
Trước thực trạng đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người"
Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng ta “gắn lại bảng giá cho đúng với giá trị thật của mỗi món hàng”, nghĩa là đặt lại bậc thang giá trị của con người sao cho thỏa đáng. Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.
34. Lắng nghe Lời Chúa.
Trước thái độ cứng lòng của dân làng Nagiarét, chúng ta cùng tìm hiểu và chia sẻ về việc lắng nghe lời Chúa.
Giữa giòng đời huyên náo và quay cuồng, đôi lúc chúng ta cảm thấy vọng lên từ thẳm sâu cõi lòng lời thì thầm sau đây:
- Hãy dừng lại. Đừng chạy nữa và đừng nói nữa. Hãy để ngoài tai những âm thanh ồn ào. Vì lòng yêu mến Chúa, hãy dành lấy một khoảnh khắc thinh lặng. Hãy lắng nghe tiếng nói từ trời cao, vang lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
Thực vậy, hãy để ngoài tai những âm thanh ồn ào của thế gian, vì chúng chỉ nói với chúng ta những điều điên cuồng và dối trá, để rồi sẽ dẫn chúng ta tới chỗ diệt vong.
Thật là dại dột, nếu để cho cuộc đời vùi dập chúng ta như cánh hoa bị giòng nước cuốn trôi, vì nguy hiểm đang chờ sẵn. Hãy đề cao cảnh giác và hãy nhớ rằng tất cả những gì tốt đẹp đều xuất phát từ trời cao, đều do Chúa Cha, cội nguồn mọi ánh sáng, đổ xuống.
Chính Ngài đã ban cho chúng ta đời sống ơn sủng là như tấm áo cưới để được đón nhận vào quê hương nước trời. Chỉ mình Ngài mới có thể trao ban cho chúng ta một cuộc sống không bao giờ tàn úa.
Trong khi con người thì thay đổi và chóng qua như một làn khói tỏa, như một áng mây bay, thì chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng trung thành, trước sau như một. Trời và đất sẽ qua đi nhưng lời Chúa sẽ chẳng bao giờ qua đi. Ngài không bao giờ quên mất niềm hạnh phúc vĩnh cửu, như là phần thưởng Ngài hứa ban cho những kẻ yêu mến và phụng thờ Ngài.
Ngay từ thuở đời đời, Ngài đã tạo dựng chúng ta, chọn lựa chúng ta và yêu thương chúng ta, mặc dù chúng ta chẳng có công trạng gì. Bởi đó hãy cảm tạ Ngài không ngớt.
Lời ban sự sống, đó là Tin Mừng, mà chúng ta được nghe ít nữa là trong ngày Chúa nhật. Vậy thì chúng ta đã đón nhận lời Chúa như thế nào? Chăm chú lắng nghe? Hay qua lần chiếu lượt, như một bổn phận phải làm cho xong.
Lời đem chân lý đó là Kinh Thánh. Có bao giờ chúng ta mở ra để đọc và suy nghĩ, hay là chúng ta sẽ thầm bảo rằng: làm gì có thời giờ cho những công việc phù phiếm ấy.
Mỗi ngày chúng ta có biết bao nhiêu thời giờ để làm lụng, để ăn uống, để ngủ nghỉ, để giải trí, để cắm đầu vào những cuốn chuyện nhảm nhí như thuốc độc giết hại tâm hồn. Nhưng lại không có lấy một chút hứng thú cho những việc đạo đức, cho những sự thiêng liêng.
Hãy cầu xin với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn mỗi người, cho chúng ta biết yêu thích lắng nghe lời Chúa, để rồi sẽ ghi nhớ trong cõi lòng của mình, như lời thánh Phaolô khuyên nhủ:
- Hãy mau nghe nhưng chậm nói.
Đúng thế, hãy yêu thích lắng nghe lời Chúa, và lời Chúa sẽ dần dần uốn nắn sửa đổi chúng ta. Lời Chúa là ánh sáng đánh tan sương mù vây bủa cuộc đời. Lời Chúa là tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động. Lời Chúa sẽ đánh động tâm can và là một thứ khí giới bảo đảm cho chúng ta trước mọi cơn cám dỗ của thù địch.
Hãy mau nghe nhưng chậm nói, vì nói nhiều thì thường là nói bậy. Ai kiểm soát được lời nói của mình thì đã xóa bỏ được rất nhiều tội lỗi và sai phạm.
Ước chi lời Chúa được lắng nghe, sẽ đọng lại nơi tâm hồn và trở nên khuôn mẫu cho đời sống người Kitô hữu chúng ta.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam