Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 57
Tổng truy cập: 1376842
KHIÊM NHƯỜNG
Khiêm nhường
Tối hôm ấy, ông nhà văn quyết định đem vợ và 4 đứa con của mình đi xem phim tại một rạp hát. Khi họ đến thì trong rạp mới chỉ có sáu người. Và khi họ bước vào thì cả sáu người trong rạp đều đứng lên vỗ tay. Ông nhà văn mỉm cười đáp lễ. Sau khi ngồi vào chỗ, ông nhà văn bèn quay sang bà vợ và nói: - Có lẽ họ đã nhận ra anh vì hình ảnh của anh được đăng trên báo và những tác phẩm của anh được quảng cáo một cách rộng rãi.
Ngay lúc đó, có một chàng thanh niên tiến đến bắt tay ông. Ông nhà văn bèn hỏi: - Làm sao anh nhận ra tôi.
Thế nhưng, chàng thanh niên đã trả lời:
- Tôi chẳng hề biết ông là ai cả. Sở dĩ chúng tôi vỗ tay khi ông và gia đình bước vào rạp là vì viên quản lý rạp hát đã bảo: Nếu không có thêm bốn khán giả cho đủ mười người thì ông ta không thể chiếu xuất phim này.
Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, bởi vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Ông nhà văn là một người nổi tiếng, cho nên cũng chỉ là điều thường tình, khi ông nghĩ rằng chàng thanh niên đến bắt tay ông đã nhận ra ông là ai. Và khi hay chàng thanh niên ấy cho hay chẳng hề biết ông là ai, thì tôi không hiểu phản ứng của ông nhà văn như thế nào? Hụt hẫng và chới với, hay là chấp nhận giới hạn nhỏ bé và khiêm tốn của mình.
Vậy sự khiêm tốn là gì? Chúng ta phải sống thế nào mới được gọi là người khiêm tốn? Phải chăng khiêm tốn là tự hạ mình xuống và cho rằng mình kém cỏi? Phủ nhận những giá trị đích thực của mình hay giảm thiểu nó đi?
Tôi xin thưa: Không phải là như thế. Đức khiêm tốn mang một chiều kích sâu xa và tốt đẹp hơn thế nhiều. Khiêm tốn không phải chỉ là ít nghĩ về mình, mà hơn thế nữa còn là không nghĩ gì về mình hết. Riêng với chúng ta, những người Kitô hữu, khiêm tốn cũng có nghĩa là trở nên giống hệt như Chúa, Đấng đã từng nói: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng… Và Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vu và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Như vậy khiêm tốn có nghĩa là bắt chước sống như Chúa, không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và lợi ích riêng của cá nhân, mà là cho người khác và những nhu cầu của họ.
Trong mối liên hệ với Chúa cũng như với người khác, chúng ta hãy sống khiêm tốn, từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm, nhờ đó mà chúng ta sẽ được người khác yêu mến và hơn nữa được chính Chúa chúc phúc. Bởi vì càng khiêm tốn, thì chúng ta cùng trở nên cao cả và càng được Chúa yêu thương.
7. Bài học khiêm hạ - Huệ Minh
Từ ngàn xưa và cho đến ngày nay, người khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo thì đều bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa”.
Ta thấy rằng quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó”(Hc 3,18.20.28) (bài đọc thứ nhất).
Câu chuyện hôm nay chúng ta nghe được Thánh Luca kể xảy ra tại nhà một người Pharisêu, ông này đã mời Chúa Giêsu đến dùng bữa trưa sau buổi cử hành phụng vụ ngày Sabát. Hẳn nhiên với quy luật thông thường của người Do Thái, vụ khách quan trọng nhất ngồi ở giữa, người chủ ở bên cạnh, còn những người khác cứ theo tuổi mà ngồi vào. Nhưng rồi cũng vẫn có người nào đó muốn ngồi vào chỗ cao hơn của ai đó, gần với trung tâm hơn.
Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Thật thế, rất dễ hiểu rằng con người vẫn thường bận tâm là đạt được vinh quang và danh tiếng, là xác định địa vị, đạt được các vị trí. Mỗi người cứ muốn ở cao hơn người khác, xa hơn người khác. Những người đồng bàn với Chúa Giêsu hôm ấy đã tỏ lộ khuynh hướng này ra qua việc muốn có những chỗ nhất. Chúa Giêsu hẳn là mỉm cười khi thấy cảnh tượng ấy, Người mới nói với họ một dụ ngôn.
Khao khát danh dự và uy thế, ra sức đánh bóng hào quang của mình đều không có giá trị gì trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta không được bận tâm về cái tôi của mình, vì đó là một thứ ích kỷ. Do đó, chọn chỗ cuối không phải để được người ta ca ngợi, nhưng để trở thành lớn trước nhan Thiên Chúa.
Khao khát danh vọng, chức tước, uy quyền là chuyện không đáng kể đối với Thiên Chúa. Chúng ta không được dành sức lực và thì giờ cho việc ấy. Tất cả những việc ấy đều là bận tâm lo cho cái tối của mình, là một dạng ích kỷ. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa phân phối các chỗ ngồi. Giá trị và tầm quan trọng của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, chứ không tùy thuộc tham vọng cua chúng ta. Đức Maria đã hiểu như thế khi hát: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Tuy nhiên, thật không dễ gì có được “não trạng” của Thiên Chúa!
Qua đó, ta thấy Chúa Giêsu chỉ một quy luật ứng xử khôn khéo, đó là: khi đi dự tiệc cứ chọn chỗ thấp, không phải do khiêm tốn, nhưng do tính toán, và cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ cho khách mời. Như thế, ta sẽ khỏi xấu hổ khi bị chủ nhà mời ngồi lùi xuống mà nhường chỗ cho người đáng trọng hơn, hoặc sẽ được nở mặt nở mày khi được chủ nhà mời ngồi lên trên. Hẳn là người ta nhớ đến đoạn sách Cn 25,6-7.
Thật ra, Chúa Giêsu muốn gợi lại quy luật ứng xử khôn khéo. Chúa nói theo kiểu dụ ngôn nhằm cho chúng ta hiểu rằng cứ lo tìm chỗ và tìm danh dự thì thất bại thôi; tốt nhất cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ ngồi. Điều này đúng với loài người, theo những quy luật họ đang theo. Nhưng Chúa Giêsu nói thế để đưa chúng ta đến khẳng định: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên” (c. 11). Chúng ta không thể không nghĩ tới dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế, với câu kết tương tự (Lc 18,14). Khi các môn đệ cãi nhau về chỗ nhất, Đức Giêsu đã dạy họ về sự phục vụ (22,24-27).
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Với tất cả tâm tình đó, ta được mời gọi nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (Ga 7, 29; 16, 28; 17, 1-26). Quanh ta, cạnh ta, ta vẫn thấy có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Giản đơn để trả lời đó là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo hay cuồng ngông.
Và rồi nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (Ga 6, 38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).
Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Ta được mời gọi nhìn lên Chúa Giêsu hạ mình và xả thân một cách quảng đại với anh chị em đồng loại. Và như vậy khi ta sống tinh thần khiêm hạ, xả kỷ không phải chỉ là lời khuyên nhưng trở thành nếp sống đạo mới của chúng ta theo gương Chúa Giêsu, Ðấng đã dạy chúng ta hãy học với Người mà ở khiêm nhường và hiền lành trong lòng; và đã mở cửa Nước Trời và bàn tiệc Nước Trời chỉ dành cho những người như vậy.
8. Chỗ cuối
(Trích dẫn từ ‘Manna’ – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh những chiếc ghế. Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng. Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình. Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường. Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu. Philatô cho đóng đinh Đức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc cứ chọn ghế nhất mà ngồi.
Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.
Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng. Ngày nay vẫn có những bạn trẻ cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương cao để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội.
“Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên.”
Đức Giêsu mời ta vượt qua thói háo danh, để sống khiêm tốn.
Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên.
Khiêm tốn không phải là coi thường mình hay sợ người khác.
Khiêm tốn không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm.
Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.
Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất.
Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được, nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.
Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.
Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình, họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định liệu.
Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên ghế của họ. Nhưng một người quét đường có lương tâm còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng phí.
Đức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn. Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh.
Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá, có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.
Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình, để đến với những người cần chúng ta hơn.
Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên. Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.
Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không tính toán vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều mình cho.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những hình thức khiêm nhường giả tạo? Một người khiêm nhường thực sự phải là người như thế nào?
Trong môi trường bạn sống, bạn có thấy những người bất hạnh, ít được nâng đỡ quan tâm không? Bạn đã làm gì để giúp họ?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa: “Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.
9. Khiêm tốn là nhận ra chính mình – Lm. An Phong
Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên C xoay quanh đề tài Đức Giêsu phê phán những người Pharisêu về thói đạo đức giả, thích phô trương, thích được người ta trọng vọng. Hôm nay, ngay tại bàn ăn trong nhà của chính họ, Người cũng phê phán sự cao ngạo của họ bằng một dụ ngôn.
Nội dung dụ ngôn đó là: Nếu các thực khách tự chọn chỗ ngồi rốt hết, thì ông chủ sẽ mời họ lên chỗ nhất và ngược lại.
Những người Pharisêu là những người thích chọn chỗ nhất. Họ luôn tự đánh giá mình là hạnh kiểm loại "A". Trước mặt Thiên Chúa, họ kể lễ dài dòng những "thành tích" đạo đức của mình. Trước mặt người khác, họ coi thường và cho mình "quyền được hơn người khác".
Nhưng trong vương quốc của Thiên Chúa thì khác: trật tự hiện nay sẽ bị đảo lộn; những chỗ tốt nhất là do Thiên Chúa ban như một quà tặng, chứ không do con người tự chọn cho mình. Như thế, con người có là chi trước mặt Thiên Chúa. Họ cần cúi mình xuống - khiêm tốn.
Khiêm tốn đích thực là nhìn nhận thực tế những gì mình hiện có và mình là. Khiêm tốn đích thực là dám chấp nhận những gì mình có chỉ là hồng ân của Thiên Chúa. Khiêm tốn đích thực sẽ mang lại niềm vui, bình an. "Tất cả là hồng ân" (thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu).
Đức Giêsu còn đưa ra một lời khuyên nghịch lý: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối... hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù". Không thể hiểu câu này theo nghĩa đen, nhưng cần hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn, tức là về các mối tương quan xã hội khác nhau của mỗi người chúng ta.
Thực vậy, mỗi người chúng ta thường được người khác đánh giá qua đẳng cấp xã hội, tiền tài, nghề nghiệp... Đó là "môi trường" bao chung quanh một người. Chính những "môi trường" này đã phân chia con người làm nhiều hạng, loại trong cùng một xã hội. Những người cùng một "môi trường" như nhau thường liên kết, giao du với nhau. Từ đó, sự phân cách trở nên ngày càng lớn. Chúng ta thường bị điều kiện hóa bởi "môi trường" của mình. Điều này thường ngăn cản chúng ta không mở rộng vòng tay, tấm lòng tới tất cả mọi người không phân biệt một ai. Đức Giêsu đến để phá đổ những bức tường ngăn cách giữa con người với nhau. "Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do" (Gl 3,28), không còn người giàu hay người nghèo, thánh nhân hay người tội lỗi. Tất cả mọi người đều phải có chỗ trong con tim của chúng ta, nhất là những người yếu đuối, bất hạnh, tàn tật... Sự khiêm tốn đích thực là nhìn nhận mình chẳng là gì hết trước mặt Thiên Chúa, cho dù mình có thuộc về một "môi trường sống" cao hay thấp; đồng thời nhìn nhận mọi người là anh chị em cùng một Cha trên trời.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể chúng ta tham dự mỗi ngày, không có chỗ nhất hay chỗ bét, chỗ ưu tiên, dành riêng cho tùy loại người. Tất cả đều được Thiên Chúa tiếp đón như những người con và như những người anh em của Đức Giêsu. Đời sống người kitô hữu là một bàn tiệc Thánh Thể, thánh lễ kéo dài. Thánh lễ là cuộc đời và cuộc đời là thánh lễ. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự bàn tiệc Thánh Thể cùng với anh chị em mình trong Đức Giêsu Kitô. Điều cần thiết là biết nhận ra chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Phải chăng chúng ta nhận ra chính mình chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng chúng ta nhìn nhận mọi người là anh chị em, cùng một Cha trên trời?
Lạy Chúa,
Chúng con hiểu rằng
tự sức mình chúng con chẳng làm được gì.
Tất cả những gì chúng con có được chỉ là hồng ân.
Xin cho chúng con khiêm tốn đủ
để cho phép người khác giúp đỡ mình,
đồng thời cũng cởi mở đủ
để người khác có thể tìm thấy nơi chúng con
một sự tương trợ khi họ cần đến.
10. Tự hạ & yêu thương phục vụ - Am Trần Bình An
Vào ngày Thứ Sáu, 28.11.2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến công du quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi máy bay hạ cánh tại phi trường Ankara-Esenboga, thay vì lên một chiếc xe limousine Mercedes bóng nhẫy, lộng lẫy, dành cho quốc khách, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại tự ý lên một chiếc xe Volkswagen Passat tầm thường, cùng ở trong đoàn xe đón ngài, khiến các quan chức Thổ bất ngờ, lúng túng không biết phải ứng xử ra sao.
Trước khi bắt đầu cuộc công du Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ ý không muốn đi xe sang trọng, nhưng chính phủ Thổ làm ngơ. Nhưng rồi họ cũng đành chấp nhận, khi ngài lên chiêc xe Volkswagen Passat không bọc sắt chống khủng bố. Khi đến thăm bảo tàng Hagia-Sofia-Museum, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng dùng xe Renault Clio rất nhỏ thay vì xe Mercedes sang trọng.
Quan sát viên cho rằng đây là một tấm gương khiêm nhường. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiện thân của sự khiêm nhường đạm bạc, muốn bày tỏ với Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan vừa cho xây xong dinh thự tổng thống tốn đến hơn 500 triệu Euro. TT Erdogan là người chuộng sang trọng, xa xỉ, hệt như chính trị gia ở nhiều nước khác. (Duong Hong-An, Tấm Gương Khiêm Nhường)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đầy Tớ các đầy tớ của Chúa, đã dứt khoát từ chối sự ưu ái đặc biệt dành cho quốc khách, để hoà mình vào công chúng, theo như huấn dụ Tin Mừng. Trình thuật Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu được mời dự tiêc trong ngày Sabat tại nhà một thủ lãnh Biệt phái. Thấy thực khách tranh giành nhau chỗ ngồi trên, Người giảng huấn về lòng khiêm nhường và yêu thương phục vụ.
Tự hạ
- “Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.” (Hc 3, 18) Lời giáo huấn của kinh sư Ben Xira sau này được Đức Giêsu tóm tắt cụ thể và súc tích hơn: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người." (Mc 9, 35) Lời Chúa không chỉ dành cho những người lãnh đạo có chức có quyền, mà còn dành cho tất cả mọi người, đều cần khiêm tốn, tự hạ đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Khiêm hạ trước Thiên Chúa, vì con người chỉ là tạo vật đầy khiếm khuyết, bất toàn, hữu hạn trước Đấng Tạo Hoá chí tôn toàn năng, vĩnh cửu. Tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Chúa trao ban nhưng không, từ thân xác, tinh thần, linh hồn, sở trường, trí tuệ, tài năng.”Tất cả là hồng ân,” như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm sống, tuy đời ngài ngắn ngủi, đầy gian nan, thử thách.
Trong tâm tình khiêm hạ, biết ơn, cảm tạ, nhạc sĩ Phanxicô đã thành tâm cảm nhận phận hèn con người, chẳng biết lấy gì báo đáp Đấng Tạo Hoá: "Lạy Chúa con chỉ là tạo vật, Chúa thật (í a) sang giàu. Có gì mà dâng Chúa đâu, có gì mà dâng Chúa đâu. Vì trước mặt Chúa Thái Sơn cũng mọn hèn, dòng sông cả mấy sâu có là mấy đâu. Giữa đời con đây nhỏ bé, biết tìm chi dâng tiến Ngài." (Ns Phanxicô, Con chỉ là tạo vật)
Tiếp đến, mỗi người còn cần khiêm tốn với đời, vì biết bao học thuật, nghệ thuật, kiến thức được chắt lọc, tích luỹ từ hàng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu công sức sáng tạo, tìm tòi, thử nghiệm, của các nhà thông thái, học giả, khoa học gia, nghệ sĩ. Chẳng qua, ai đó biết làm mới lại, đào sâu thêm, hay dựa vào đó sáng chế. “Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: Dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Gv 1, 9)
Cuối cùng, ai cũng thật cần khiêm nhường với tha nhân, vì chẳng ai tài sắc vẹn toàn. Người được cái này, thì mất cái nọ. Cũng chẳng ai nắm tay thâu đêm. Nên luôn phải hãm mình khiêm hạ, chớ tự cao, tự đắc, tự đại, kiêu căng, ngạo mạn, kinh rẻ, xúc phạm tha nhân, kẻo bị luận phạt. “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 22) Hơn nữa, có khiêm nhường mới có thể nhận ra cái sai, cái thiếu sót, lỗi phạm của mình, để học hỏi, canh tân, nhờ tha nhân giúp đỡ, chỉ dạy.
Tóm lại, khiêm nhường là đức tính thiết yếu của thân phận làm người, dám can đảm chấp nhận sự thật của chính mình, về những ưu khuyết điểm, về tài năng đức độ và cả giá trị của mình đối với người xung quanh, dẫu có bẽ bàng, yếu đuối, khiếm khuyết, tội lỗi, xấu xa, để biết ứng xử đúng đắn, lễ độ, cung kính, với Chúa và tha nhân. Với người Kitô hữu, càng nhất thiết phải sống thật khiêm hạ, vì Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), vì Người đã hết sức chân tình khuyên nhủ và mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hòa và khiêm nhượng, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ yên bồi dưỡng.” (Mt 11, 29. Nếu không thì “kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.” (Hc 3, 28)
Trước nhan Thánh Chúa, dù đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm cũng cần luôn khiêm nhường thân thưa:“Chúng con là những đầy tớ vô dụng, chúng con đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17, 10) Đừng vênh váo, kiêu căng kể lể, khoe khoang công đức, như dụ ngôn người Biệt phái và người thu thuế cầu nguyện trong Đền Thờ:“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 19, 10-14)
Yêu thương phục vụ
Bữa tiệc của một thủ lãnh Biệt phái hôm nay phục vụ thật chu đáo, nhằm phô trương thanh thế, bánh ít đi bánh qui lại, vừa có tiếng lẫn có miếng. Nên ngoài Đức Giêsu và các môn đệ, thực khách còn lại toàn là các bậc vị vọng, đáng kính, đồng trang lứa, đồng vai vế, chức sắc, quyền cao chức trọng, “phe ta” cả. Chẳng hề thấy bóng dáng một người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù, sứt mẻ nào dám bén mảng đến. Nếu ông chủ tiệc hào phóng, tha thiết mời cả những kẻ bần cùng khốn khó ấy vào chung vui, thì chắc hẳn “ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại." Nhưng sự khôn ngoan thế gian chẳng bao giờ dễ dàng chấp nhận như thế.
Tin Mừng luôn nghịch lý thế gian. Người thủ lãnh “không dùng quyền uy mà thống trị,” trái lại trở nên người phục vụ thân thương và chu đáo, như Đức Giêsu đã xác định công khai sứ vụ: “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22, 24-27). Vì thế, Người khuyên nhủ các môn đệ, các tín hữu Kitô hãy noi gương phục vụ: “Các con hãy biết rửa chân cho nhau.” (Ga 13, 1-15)
Theo Đức Giêsu, phục vụ tha nhân hoàn toàn vô vi lợi, thắm tình yêu thương, bác ái, nhân ái, không phân biệt hay loại trừ bất cứ ai. Dân Việt ta có câu: “Thương người như thể thương thân,” cũng giống với Tin Mừng: “Hãy yêu người thân cận như chính bản thân mình.” (Mt 22, 35-40) Người thân cận nghèo khổ, đói rách, bệnh hoạn cần được giúp đỡ, chính là Đức Giêsu ẩn mình: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; … (Mt 25, 35-36)
“Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật.” (Đường Hy Vọng, số 509)
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)
Khấn xin Mẹ Maria, cầu bầu và soi sáng chúng con nhận biết mình là "những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù" trước Thiên Chúa chí thánh, để chúng con luôn biết khiêm hạ với Chúa và với tha nhân. Xin Mẹ luôn nhắc nhủ chúng con luôn yêu thương phục vụ mọi người trong mọi nơi, mọi lúc. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam