Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1376811

KHIÊM NHƯỜNG, HIẾU KHÁCH VÀ LUẬT LỆ

Khiêm nhường, hiếu khách và luật lệ

(Suy niệm của Lm. Đào Quang Chính)

Bài phúc âm chúng ta nghe trong tin mừng theo thánh Luca Chúa nhật tuần 22 này không đơn giản như đôi khi chúng ta nghĩ. Nếu đọc trọn đoạn thánh kinh của Luca (Lc 14 1; 7-14), chúng ta thấy trước khi dậy dỗ về sự khiêm hạ, Chúa đã chữa lành một bệnh nhân bị phù thũng ngay tại nhà đó (Lc 14: 2-6).

Một cách đơn sơ, chúng ta đồng ý với sự can đảm của Chúa khi Người, tuy được mời đến dự bữa ăn nơi nhà của người Pharisêu, can đảm lên tiếng chỉ trích thói quen của các vị "vọng tộc" giầu có -trong đó có người Pharisêu- thường thích ngồi chỗ quan trọng nhất nơi bữa ăn hoặc bàn tiệc. Chúng ta nhấn mạnh đến lời dậy dỗ của Chúa về hai nhân đức: khiêm tốn và hiếu khách.

Tuy nhiên, nơi đây, Chúa không chỉ nhằm đến hai nhân đức trên mà còn thách đố cả lề luật và lối sống Do thái thời đó.

Như nhiều tôn giáo khác, Do thái giáo không hẳn chỉ là một chuỗi những luật lệ về Yahweh - Chúa, nhưng còn là một tổng hợp những tập quán, cách thực hành, liên quan và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống con người.

Luật điều Torah

Năm cuốn sách đầu trong cựu ước gọi là sách luật hoặc sách Torah. Tổng cộng có 613 điều luật. Sách đề cập đến những gì người Do thái phải tuân theo khi thức dậy buổi sáng, những gì được ăn và không được ăn, những gì phải làm để tuân giữ ngày Sa-bat và lễ trọng, những điều phải theo khi liên hệ với Chúa và với tha nhân..Tiếng Do thái gọi những điều luật này là Halakhah. Mục đích của Halakhah là để tăng thêm chiều kích tinh thần của đời sống, tránh đi các việc làm quá vật chất, nhờ đó, họ dễ giao tiếp với Chúa hơn. Thí dụ như sau khi ăn, hãy nhớ tạ ơn. Tạ ơn sau khi ăn (birkat ha-mazon) là một trong những lời kinh quan trọng nhất của người Do thái. Sách Đê nhị Luật đoạn 8:10 dậy rằng "Khi con đã ăn xong, nhớ tạ ơn Chúa, Chúa của con, vì Ngài đã ban cho con quốc gia đẹp tốt này". Tạ ơn Chúa sau bữa ăn gồm 4 loại:

1. Birkat Hazan: tạ ơn Chúa đã ban thức ăn cho thế giới

2. Birkat Ha-Aretz: tạ ơn Chúa đã mang dân Do thái ra khỏi Ai cập, thiết lập giao ước và ban cho dân Do thái đất làm gia nghiệp.

3. Birkat Yerushalayim: tạ ơn Chúa đã tái lập Giêrusalem và hứa ban đấng Me-si-a

4. Birkat Ha-Tov v'Ha-Maytiv: tạ ơn Chúa cho sống đẹp và làm việc thiện.

Trong số 613 luật điều Torah, có những luật điều ghi chép rõ ràng và minh bạch, như chớ giết người. Có luật điều nửa minh bạch nửa không, như giữ ngày Sa-bát, không làm việc xác ngày Sa-bát, mà không nói rõ phải giữ như thế nào.

Luật điều từ các tư tế.

Để giải thích luật, nhất là những luật không minh bạch, các thầy Rabbi đưa ra điều luật gọi là Rabbanan. Luật Rabbanan cũng mang tính cách ràng buộc như luật Torah. Thí dụ luật Rabbi giải thích điều luật chớ làm việc xác ngày Sa-bát bằng cách nói rằng trong ngày Sa-bát, không được nhấc búa, nhấc bút, nhấc tiền, vì những động tác này chứng tỏ rằng người đó đang làm việc. Điều luật Rabbanan giúp người Do thái khỏi vô tình mắc lỗi gọi là gezeirah. (Do đó, khi Chúa thách đố các người Pharisêu có nên chữa bệnh trong ngày Sa-bát hay không, họ đã không thể và không dám trả lời.)

Còn loại điều luật khác nhằm giúp dân sống và nhớ luật thường xuyên, gọi là takkanah. Takkanah buộc người Do thái phải đọc sách luật các ngày thứ hai và thứ năm.

Từ các luật buộc trên phát sinh ra các hệ quả không lường trước. Để đọc sách luật và đọc lời tạ ơn Chúa sau bữa ăn, người ta cần có những người thạo luật và những chỗ dành riêng. Từ đó nhiều người thích được ở chiếu nhất, chỗ quan trọng hầu dễ nghe và dễ đọc sách luật, đồng thời cũng chứng minh cho người khác thấy mình luôn lưu tâm và kính trọng lề luật.

Chúa Giêsu, khi dậy dỗ người nghe khiêm nhường và hiếu khách đã thách đố cả lề luật Rabbanan. Có lẽ nhờ vậy chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Chúa nói "ta đến không để phá hủy mà để làm trọn lề luật (Mt 5: 17)."

Nghe luật, đọc luật, đọc kinh tạ ơn trước và sau bữa ăn như luật dậy là điều nên làm và phải làm, nhưng từ đó biến thành những lo lắng quá độ về tôn ti, trật tự trong bữa ăn, chỗ ngồi ở hội đường, cộng đoàn hoặc nhà thờ, thì hành động đó lại trở nên sai trái. Chúa đã dùng cơ hội chỗ ngồi trong bữa ăn dậy dỗ cho mọi người biết đâu là sự khiêm hạ và đâu là sự hiếu khách thực. Khiêm hạ là người biết rõ vị thế của mình -không phải chỉ với người khác- mà nhất là với Chúa. Biết mình chẳng là gì trước mặt Chúa. Đằng khác, cũng đừng nên đi đến thái cực khác. Nhiều người ra vẻ khiêm nhường để chủ nhà phải mời đôi ba lần mới dời lên bàn trên. Tuy nhiên, nếu chủ nhà "quên" mời thì về nhà giận dữ..

Hiếu khách là người "khi con đãi khác ăn trưa hoặc ăn tối, đừng kêu bạn bè, anh em hay bà con hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại con.. Trái lại, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ. Như vậy con mới thật có phúc (Lc 14: 14)." Hiếu khách như trên đúng như lời cổ nhân ta thường nói "làm phúc tay phải, đừng cho tay trái biết."

Để xã hội có trật tự, cần có tôn ti, nhưng đừng quá quan trọng "chiếu trên, chiếu dưới." Hãy thấy Chúa trong những người hèn kém. Hãy nhìn đến tương giao của mình với Chúa. Có như vậy mới là làm trọn lề luật.

 

37. Hãy ngồi chỗ cuối - Lm. Giuse Nguyễn An Khang

Đức Giêsu được một người Pharisiêu (trong hàng ngũ lãnh đạo) mời đến nhà dùng bữa. Khi đến, Người cảm thấy mình đang bị dò xét. Bởi các đối thủ đang theo dõi Người sát sao, hy vọng tìm ra lý do, để vu cáo chống lại Người. Đức Giêsu cũng thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, họ tranh giành, tỏ ra kiêu căng tự đắc và ích kỉ. Đức Giêsu đưa ra hai giáo huấn khá ngắn:

Giáo huấn thứ nhất nói với khách được mời.

"Đừng ngồi cỗ nhất". Điều Đức Giêsu nói đây là một quy luật, một châm ngôn đã có từ lâu đời trong nhân gian. Sách Châm Ngôn viết: "Trước mặt vua, ngươi chớ làm bộ bệ vệ, đừng ngồi vào chỗ các quan lớn, được người ta mời: "Hãy lên đây" tốt hơn là bị hạ xuống trước mặt bá quan" (Cn 25,6-7; St 7,4). Sách Lêvi cũng dạy khách ngồi bàn ăn bằng những lời: "Hãy ngồi tụt xuống hai hay ba cấp, dưới chỗ ngươi đáng ngồi, để người ta mời: Hãy ngồi lên "hơn là" đi xuống dưới ngồi".(Lv 7,1-5). Bởi thế, những luật sĩ, các biệt phái không tự ái, khi nghe Đức Giêsu nói "Đừng ngồi cỗ nhất", cho dù họ đang tìm cỗ nhất, bởi họ cho Đức Giêsu chỉ nhắc lại Kinh Thánh.

Tuy nhiên, theo Noel Quesson, lời Đức Giêsu đây, không đơn giản chỉ là những lời dạy về phép lịch sự ở bàn ăn... song còn đưa chúng ta sang bình diện Nước Thiên Chúa. Trong nước Thiên Chúa: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên". Thực vậy, không phải tội lỗi chống lại ơn cứu độ nhiều nhất, chính là tình cảm về sự công chính bản thân mới là bước cản chúng ta đến gặp Đấng Cứu chuộc. Kiêu ngạo là tội nặng nhất trước mặt Thiên Chúa, mọi tội khác người ta phạm chỉ vì yếu đuối, nhưng tội kiêu ngạo là cố tình loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, không cần Ngài, không muốn có Ngài. Đức Maria trong kinh Magnificat đã nói: "Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường". Đó là việc Thiên Chúa ưa thích, đó là việc Thiên Chúa thường làm. Lời Chúa còn đó: "Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường thật lòng".

Giáo huấn thứ hai nói với chủ nhà.

Theo lẽ thường, ta chỉ mời những người có liên hệ với mình: Bà con, họ hàng, thân hữu, những người gần gũi do yếu tố tinh thần, vật chất hay một cách nào đó. Những người đó đến lượt, họ sẽ mời lại, để đáp lễ theo luật có đi có lại: Ông mất chân giò bà thò chai rượu. Còn những người nghèo khổ, tàn tật, đui mù, thường bị ta bỏ qua.

Luật Dothái dạy: Những người điếc lác, thọt chân, cụt tay, mắt hỏng không được tham dự các sinh hoạt tế tự trong đền thờ (2Sm 5,8; Lv 21,18). Những người Étsênien ở Qumrân còn quả quyết: "Những người đui mù, khuyết tật, thọt chân, què tay không được tham dự hội đường các ngày Sabbát, cũng không được ở giữa hội đoàn của những người danh tiếng".

Giờ đây, Đức Giêsu lại nói với chủ nhà: "Khi ông mở tiệc, đừng mời bạn bè, anh em hay bà con hoặc láng giềng giầu có. Ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì trả lễ và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ chết sống lại". Thực ra, đây không phải là những lời mới mẻ.

Sách Khôn Ngoan Aram của người Dothái viết: "Hãy nhận vào nhà bạn kẻ thấp hơn bạn và kẻ nghèo hơn bạn, nếu anh ta ra đi và không trả ơn bạn, Chúa sẽ trả cho bạn". Sách Đệ Nhị Luật dạy: "Ba năm một lần, anh em hãy đưa ra tất cả thuế thập phân của năm ấy, và đặt ở cửa thành anh em, để Thầy Lêvi, người không được chung phần và hưởng gia nghiệp với anh em, người ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong thành của anh em sẽ đến, họ sẽ ăn và được no nê, để Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em chúc phúc cho mọi công việc tay anh em làm" (Đnl 14, 28).

Điều lề luật dạy làm cứ ba năm một lần. Đức Giêsu bảo: Hãy làm bất cứ lúc nào. Khi luật pháp bảo cứ để sẵn cổng thành cho người ta đến dùng, Đức Giêsu bảo hãy đi mời người ta lại. Cuối cùng luật pháp hứa đền bù ở đời này, Đức Giêsu bảo sẽ được báo đáp ở đời sau. Đức Giêsu đã chẳng lặp lại y nguyên luật pháp, Người đã triển khai, kiện toàn và đưa luật pháp lên bình diện đạo đức, thiêng liêng hơn.

Để kết luận, tưởng cũng nên kể đây một câu chuyện: Một chủ nông giầu có nọ mời các tá điền và những người làm công dùng bữa cơm tối tại nhà ông. Đây phải gọi là một yến tiệc mới đúng, bởi vì tất cả các món ăn đều được dọn trên các đĩa bằng sứ hay mạ bạc quý giá, còn rượu ngon hảo hạng được rót vào những ly thủy tinh đắt tiền. Bàn ăn được trải toàn khăn bằng vải và một bát nước rửa tay. Có một anh nông dân kia, vì trong đời anh chưa bao giờ được dự một bữa tiệc sang trọng và thịnh soạn đến thế, nên sau khi ăn uống no nê, anh đã bưng bát nước dùng để rửa tay uống cạn. Một vài thực khách sành điệu bắt đầu cười thầm, rồi tiếng cười bỗng bật thành tiếng. Thấy vậy, người chủ tiệc lập tức với tay bưng lấy bát nước trước mặt mình uống cạn. Cử chỉ này làm tắt ngay những tiếng cười chế nhạo sự quê mùa của anh nông dân kia.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng làm như vậy.

 

38. Khiêm hạ – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Vào một buổi sáng mùa hè, tôi thả bộ chung quanh công viên Devoe, bên cạnh nhà thờ. Quan sát cảnh sinh hoạt xuất hiện có người già, thanh niên, thiếu nữ, người Mỹ, Tây, Ta và Tầu. Đây đó mấy người còn đang ngủ trên những chiếc ghế gỗ. Vài người đi lượm long. Có người dẫn chó đi dạo buổi sáng. Người tập thể dục, người ngồi đọc báo và đám trẻ chơi banh bóng rổ. Có những kăn mặc đẹp hơn vội vã tắt ngang qua công viên đi làm việc. Một nhóm chàng trai trẻ vô gia cư, di dân bất hợp pháp và đang ngồi tãn gẫu. Một vài người thu dọn làm sạch công viên. Xem ra cảnh vẻ thật êm đềm, họ không dứt lác và không quấy rầy. Họ là những người thấp cổ bé miệng. Những người nghèo khó ăn mặc đơn sơ chỉ chăm lo kiếm sống mỗi ngày. Họ không la hét, vênh váo, đua đòi hay ăn xài hoang phí. Đa số thuộc thành phần lao động khiêm tốn.

Tôi chỉ biết dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi sự. Tôi có khác gì những người đang có mặt trong công viên. Đã có lúc cả gia tài của tôi vỏn vẹn chỉ một bộ đồ trên người. Tôi cũng thuộc thành phần di dân, ngoại kiều và được chấp nhận như một công dân. Tôi được may mắn có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm và có mọi thứ cần thiết. Thầm cám tạ ơn Chúa. Chẳng phải vì công lao hay sức lực riêng mà chỉ do lòng thương xót của Chúa ban. Tác giả sách Huấn Ca giúp chúng ta nhận được thân phận yêu hèn và thấp bé của mình. Lời khuyên răn rất chân tình: Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng (Hc 3, 17). Nhìn những người chung quanh, tôi cảm thấy thật thương họ. Một người mẹ trẻ đi lượm long để kiếm thêm chút tiền cho bữa ăn gia đình. Mọi công việc họ làm đều đáng tôn trọng. Họ không ngại ngùng, không sợ dơ dáy, bẩn thỉu hay hôi hám. Họ kiếm sống bằng đôi bàn tay tinh sạch qua công khó và mồ hôi nước mắt. Họ rất đáng được tôn trọng.

Buông bỏ lớp vỏ ngoài, ai cao trọng hơn ai chứ! Danh dự hay chức vị là để phục vụ. Sách Huấn Ca dậy rằng: Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa (Hc 3, 18). Hạ mình là cách thế tốt nhất để gặp gỡ và đến với tha nhân. Con đường khiêm hạ là con đường của Chúa đến với nhân loại. Không bao giờ chúng ta học hết được bài học về nhân đức khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng trở nên vĩ đại. Qua sự khiêm hạ, chúng ta có thể đến với mọi người và mọi nơi. Khiêm hạ như dòng nước chảy xuống thấm nhuần vào đất. Nước bao giờ cũng chảy xuống thấp nên có thể đến mọi nơi. Nước thấm tới đâu thì làm đất đai thêm mầu mỡ và phì nhiêu.

Sự kiêu căng là bức tường ngăn cách với tha nhân. Kiêu căng là tự đặt mình lên trên người khác. Người kiêu là người luôn tỏ vẻ trí thức, hiểu biết, quyền lực và tốt lành thánh thiện hơn người. Thùng càng rỗng, càng kêu to. Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết (Hc 3, 28). Sự kiêu ngạo đã len lỏi vào đời sống của con người ngay từ thuở ban đầu. Ông Adong và bà Evà đã bị ma quỉ gạt gẫm và muốn được hiểu biết mọi sự giống như Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ đã vụt mất tất cả hồng ân. Sự kiêu ngạo đã thấm nhập vào nhiều tâm hồn, họ đã chối từ tôn thờ chính Đấng ban nguồn sự sống. Cậy dựa vào sự hiểu biết nông cạn của mình để cả dám giơ tay thách thức quyền năng Vua vũ trụ. Nhạo cười Đấng đã được sai đến. La Fontaine kể ngụ ngôn này: Cây sồi tự đắc thân to, rễ nhiều, cao ráo và miệt thị cây lau nhỏ tí yếu ớt. Cây lau trả lời rằng: Tuy thân mình nhỏ nhưng nếu gặp phong ba thì chưa chắc ai thua ai. Một hôm, trời chuyển gió và phong ba nổi dậy… cây sồi vì cao, tàn lớn nên bị gió thổi trốc gốc đổ xuống. Còn cây lau mềm uốn mình theo chiều gió, nhờ thế mà vẫn đứng yên.

Chúa Giêsu đã nhắc nhở: Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên (Lc 12,11). Đứng trước quyền năng vô biên của Thiên Chúa, con người là chỉ loài thụ tạo xuất hiện đó rồi tan biến đó. Sự kiêu ngạo làm con người tự cất nhắc mình lên và chiếm hữu đạt quyền của kẻ khác. Chúa phán rằng ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Chân lý này có thể áp dụng cho hết mọi người sống trong xã hội. Càng làm lớn, càng biết hạ mình thì càng được tôn trọng và quí mến. Người sống khiêm nhu không phải là người yếu đuối hay tiêu cực. Chúng ta thường nói lấy nhu thắng cương là thế. Không ai chê bai, phản đối hay khinh thường những người biết sống khiêm nhường. Chỉ những ai có tính kiêu ngạo đã không nhận ra được giá trị trân quí của nhân đức này.

Suy niệm bài phúc âm. Một thí dụ cụ thể chọn chỗ ngồi nơi bữa tiệc. Trong hoàn cảnh văn hóa hiện tại, có nhiều thay đổi theo phong tục văn hóa cho hợp lẽ. Chủ hôn sẽ xếp đặt chỗ ngồi cho khách hoặc để tự do cùng bạn bè chọn lựa nơi chỗ thích hợp. Ngày xưa, Chúa Giêsu chỉ dẫn: Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc (Lc 12, 10). Chúa muốn nói về sự khiêm hạ trong lòng. Thực thế, trong bất cứ đám tiệc đều có nhiều người tham dự gồm kẻ có chức quyền, có địa vị hoặc là thành viên của gia đình, chúng ta nên trông trước ngó sau để cư xử hợp tình hợp lẽ. Không nên gây khó xử cho gia chủ. Người ta thường nói rằng: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Vì để giữ mặt mũi, nên đôi khi chúng ta lại bị mất mặt.

Thơ Do-thái nói về cứu cánh cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta không tìm đến những nơi gây khiếp sợ như lửa cháy, gió lốc, mây mù và bão táp nhưng là tiến về Nhà Chúa: Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời (Dt 12, 22). Tất cả mọi sự đều được qui tụ về một mối là Chúa Giêsu Kitô. Đấng làm trung gian vạn vật. Chúa Giêsu đã mở cửa ngõ dẫn dắt chúng ta bước vào con đường khiêm hạ theo thánh ý Chúa Cha. Chúa đã học vâng phục và vâng phục cho đến chết. Vâng lời là học sự khiêm tốn. Chúa phán: Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hòa và khiêm nhượng, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ yên bồi dưỡng (Mt 11, 29).

Tất cả mọi sự đều chung qui về một cùng đích là sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu mời gọi mọi người vào Nước Trời qua nhiều cửa ngõ khác nhau. Con đường bác ái yêu thương là lối vào gọn nhẹ nhất. Vì chính Chúa Giêsu hiện thân nơi những kẻ đơn sơ bần cùng nghèo khó. Ai đón tiếp họ là đón tiếp chính Chúa. Chúa Giêsu căn dặn: Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại (Lc 12, 13-14). Chúng ta thường nghĩ những kẻ đui mù, tàn tật, què quặt và nghèo khó là những người bất hạnh làm gánh nặng cho xã hội. Nhiều khi chúng ta ngoảnh mặt, giả điếc làm ngơ và tránh những ánh mắt van nài xin bố thí của họ. Cửa xe gài kỹ và đóng kín để tránh sự phiền hà. Chúng ta không muốn tiếp cận với những kẻ cùng khốn tật nguyền. Vì sợ bị quấy rầy, chúng ta đã chối từ giúp đỡ họ. Chúng ta đang mất nhiều cơ hội chia sẻ bác ái và làm phúc.

Lạy Chúa, con đã có rất nhiều cơ hội để chia sẻ giúp đỡ tha nhân, nhưng lòng con qúa hẹp hòi và ích kỷ. Con đã từ chối giúp đỡ họ. Con không muốn nhìn thấy Chúa nơi những người đau khổ và cô thế cô thân. Xin cho con học biết sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng để con biết chia sẻ tình bác ái với anh chị em.

 

39. Suy niệm của Lm. Ignatiô Hồ Thông

Hc 3, 17-21, 30-31

Bài đọc I, trích từ tác phẩm của hiền nhân Ben Xi-ra, là lời khuyên thực hành đức khiêm tốn, đó là con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Dt 12, 18-19, 22-24

Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái nêu bật sự tương phản giữa Giao Ước Cũ, ở đó Thiên Chúa tỏ mình ra trong quang cảnh kinh thiên động địa, và Giao Ước Mới, ở đó Thiên Chúa hành động trong nội tâm, tất cả đều xảy ra trong trật tự tinh thần. Con đường khiêm hạ này dẫn đến thành đô Giê-ru-sa-lem thiên quốc.

Lc 14, 1, 7-14

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra bài học về đức khiêm tốn trong một bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh người Pharisêu khi ngỏ lời với các vị khách mời.

BÀI ĐỌC I (Hc 3, 17-21, 30-31)

Ông Ben Xi-ra, một bậc vị vọng thành Giê-ru-sa-lem và là một hiền nhân, sống vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Ông ghi lại giáo huấn và kinh nghiệm của ông vào năm 180 trước Công Nguyên. Khoảng năm mươi năm sau đó, tác phẩm của ông được người cháu trai của ông dịch sang tiếng Hy-lạp.

1. Ý hướng của Tác Phẩm:

Sau cuộc chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê (336-325 trước Công Nguyên), vùng Cận Đông mở cửa đón văn hóa Hy-lạp. Miền Pa-lét-tin không tránh khỏi trào lưu này (nhất là vào hậu bán thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên). Những môi trường của giới quý tộc Giê-ru-sa-lem cũng như vài giáo sĩ cho thấy sẵn lòng đón nhận ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp. Ben Xi-ra không phải không nhạy bén với tư tưởng Hy-lạp, ông biết trường phái triết học Khắc Kỷ, nhưng ông tiên cảm một mối nguy hiểm đối với Do thái giáo. Ông để hết tâm trí vào việc phục hưng những giá trị truyền thống. Theo ông, sự khôn ngoan đích thực là sự khôn ngoan của dân Israel, vì Thiên Chúa là mẫu mực khôn ngoan của dân Ngài và Lề Luật là cách thức diễn tả sự khôn ngoan của Ngài.

Sách của hiền nhân Ben Xi-ra là loại cẩm nang thực hành cho người Do thái trung thành. Sách chứa đựng những lời khuyên cho cuộc sống hằng ngày. Tất cả mọi đề tài đều được đề cập đến. Trong đoạn trích hôm nay, đề tài được bàn đến là đức khiêm tốn. Đây là một đức hạnh tiêu biểu Kinh Thánh, mà người ta không gặp thấy ở nơi nền luân lý ngoại giáo.

2. Ca ngợi đức khiêm tốn:

“Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm tốn”. Ông Ben Xi-ra ngỏ lời với môn đệ của mình, hiện tại hay trong tương lai, như một người cha với đứa con của mình. Đây là cách xưng hô quen thuộc của thầy đối môn đệ của mình được xem như đứa con tinh thần của mình.

Đây không là lòng quý mến dành cho đức khiêm tốn một cách trừu tượng, nhưng lời khuyên thực hành nhân đức này, việc thực hành phải thấm đẩm mọi hành vi của cuộc sống. Sách Châm Ngôn cũng được điểm xuyến bằng những lời khuyên tương tự, không kể đến các Thánh Vịnh, sách Gióp, vân vân. Xa hơn nữa, không phải là ông Mô-sê được ca ngợi như là “một con người rất đổi khiêm nhu, không ai như thế trong mọi người có trên mặt đất” (Ds 12,3) sao? Mặt khác, ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã tiên báo hành động của Đức Chúa theo chiều hướng này: “Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa các ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nơi nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3,11-12).

3. “Con sđược mến yêu hơn người hào phóng”:

“Con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng”, có nghĩa“con sẽ được sủng ái trước nhan Thiên Chúa”. Cách nói Kinh Thánh kinh điển này sẽ được củng cố trong Tin Mừng hôm nay khi gia chủ nói với người ngồi ở chỗ cuối: “Xin mời ông bạn lên chỗ trên cho”.

4. Lên án thói kiêu ngạo:

Tiếp đó tác giả cho thấy rằng kẻ kiêu ngạo dẫn đến thảm họa. Lời kết án chỉ được gói gọn trong một câu: “Thảm trạng của người kiêu căng thật vô phương cứu chữa, vì sự ác đã đâm rễ vào lòng họ”. Hình ảnh thật mãnh mẽ: thói kiêu ngạo đã nhiễm độc kẻ ấy tận căn rồi, không tài nào có thể cứu chữa được.

5. Đức khiêm tốn: biết lắng tai nghe:

“Ước nguyện của hiền nhân là biết lắng tai nghe”. Nghệ thuật của hiền nhân là biết lắng nghe, như lời cầu nguyện của vua Salômon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan bậc nhất: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9). Suy cho cùng, thái độ này là thái độ khiêm tốn, thái độ lành thánh, vì nó dẫn đến việc gẫm suy và học hỏi sự khôn ngoan.

BÀI ĐỌC II (Dt 12, 18-19, 22-24a)

Bản văn này là đoạn trích dẫn cuối cùng thư gởi các tín hữu Do thái trong Phụng Vụ Chúa Nhật năm C này. Tác giả ngỏ lời với những Kitô hữu gốc Do thái, những người này luyến nhớ những buổi phụng tự hoành tráng và uy nghi của Giao Ước Cũ so với các nghi thức Kitô giáo quá giản dị. Tác giả khuyên họ bằng những lời lẽ đầy hình tượng. Trong một bức tranh rất song đối, ông sẽ đối lập những nét đặc trưng của Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới.

1. Phẩm chất của người Kitô hữu thuộc trật tự tinh thần:

Tác giả phác họa bức tranh bộ đôi tương phản giữa dân Giao Ước Cũ tiến đến núi Xi-nai hữu hình và dân Giao Ước Mới tiến đến thành đô Thiên Chúa hằng sống là Giê-ru-sa-lem thiên quốc. Việc gia nhập vào Tân Ước qua việc hoán cải thuộc trật tự tinh thần, và phép Rửa biến đổi con người từ phàm nhân sang con cái Thiên Chúa cũng hoàn toàn thuộc nội tâm.

2. Khía cạnh trần thế của Giao Ước Cũ:

Giao Ước Cũ được ký kết trên núi Xi-nai giữa những dấu chỉ khả giác và trong quang cảnh kinh thiên động địa: lửa, sấm chớp, mây mù, bóng tối, giông tố trong tiếng kèn vang dậy và tiếng nói thét gào đến nổi con cái Israel phải kinh hoàng sợ hãi đến mức hồn xiêu phách lạc.

3. Khía cạnh thiên quốc của Giao Ước Mới:

Núi Xi-nai đối lập với núi Xi-on, núi này cũng là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng là thành đô thiên quốc với muôn vàn thiên sứ.

Dân của thành đô Giê-ru-sa-lem thiên quốc sống trong bầu khí hân hoan chứ không trong tâm trạng run rẩy sợ hãi: “Anh em đến dự hội vui giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời”. Diễn ngữ “những kẻ đã được ghi tên trên trời” là hình ảnh Kinh Thánh Cựu Ước (Xh 32, 32; Is 4, 3; Đn 12,1; Tv 69,29), được sách Khải Huyền lấy lại dưới tên gọi “Sổ Trường Sinh” (Kh 3,5; 13,8, v.v…). Thuật ngữ “con đầu lòng” ở Israel hàm chứa những người được hưởng những đặc quyền và được thánh hiến cho Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, con đầu lòng tuyệt vời là Đức Kitô. Chính ở nơi Ngài mà “những người công chính đã được nên hoàn thiện” được dự phần vào những đặc quyền của Ngài. Để chỉ cuộc hội tụ các thánh này, tác giả sử dụng từ Ekklesia, nghĩa là Giáo Hội, Giáo Hội thiên quốc, Giê-ru-sa-lem trên trời.

Đó là bức tranh mà tác giả phác họa nhằm gởi đến các Kitô hữu gốc Do thái này mà đức tin của họ bị chao đảo, thậm chí có vài người có ý định quay trở lại quá khứ xưa kia. Đức Giêsu Kitô là đích điểm mà họ tiến đến. Khi trở thành người Kitô hữu, họ tiến bước về Chúa Kitô, Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới và Ngài sẽ dẫn họ về Thiên Chúa, “Đấng xét xử mọi người”.

TIN MỪNG (Lc 14, 1. 7-14)

Thánh Lu-ca là vị thánh ký duy nhất kể ra ba lần những người Pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà mình dùng bữa (Lc 7,35; 11, 27; 14, 1-14). Vì thế, chúng ta nhận ra rằng những người Pharisêu mở rộng cửa đón tiếp Chúa Giêsu để dò xét Ngài rõ hơn. Chúng ta đã có dịp đọc một trong ba câu chuyện này rồi, đó là tại nhà một người Pharisêu ở đó đã diễn ra tình tiết về một người phụ nữ tội lỗi được thứ tha (Chúa Nhật XI).

Chúa Giêsu của Tin Mừng Luca là Chúa Giêsu của mọi người, Ngài sẵn sàng đến với mọi người, dù chống đối hay dò xét Ngài, để hy vọng đưa họ về đường ngay nẻo chính. Vì thế, Chúa Giêsu thường không bỏ lỡ những cơ hội như vậy để gởi đến cho những người Pharisêu những bài học nhớ đời, vừa mang tính xã hội vừa đầy ý nghĩa tôn giáo.

1. Một ngày sa-bát:

Vào ngày sa-bát, phụng vụ trong hội đường đã diễn ra vào ban sáng. Bữa ăn trưa, thường long trọng, được định vị sau phụng vụ tại hội đường. Vào dịp này, một viên trưởng hội đường long trọng đón tiếp Ngài. Những khách được mời rất đông. Chúa Giêsu quan sát thái độ của họ. Chính những khách mời này mà Ngài ngỏ lời trước tiên về đức khiêm tốn: hãy khiêm tốn chọn chỗ ngồi cho mình trong bàn tiệc để sau này được Chúa sắp chỗ trong Nước Trời. Tiếp đó, Ngài quay về gia chủ để cho ông một lời khuyên Đức Ái về việc mời người dự tiệc trong hoàn cảnh xã hội cụ thể ở đó có những người bất hạnh.

2. Bài học vđức khiêm tốn:

Chúa Giêsu lên tiếng như một hiền nhân. Ngài nhắc lại đạo xử thế của các khách mời dự tiệc. Sách Châm Ngôn đã dạy đạo xử thế này theo cùng một cách tương tự: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25, 6-7).

Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến thái độ của khách mời dự tiệc, nhưng gián tiếp nhắm đến thái độ của những người Pharisêu mà Ngài quở trách “ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” (Lc 20, 46). Từ đó, Chúa Giêsu rút ra một câu kết luận: “Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu cũng sẽ lập lại lời cảnh báo này khi kết thúc dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18, 14).

Đây là câu kết luận của bài học về đức khiêm tốn về mặt xã hội nhưng cũng là chìa khóa để hiểu bài học về mặt thiêng liêng. Chủ từ của thể thụ động được dùng ở đây chính là Thiên Chúa và thì tương lai được dùng ở đây để chỉ về ngày sau hết, ngày chung thẩm. Như thế bài học về đức khiêm tốn không chỉ dạy về phép đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày nhưng còn mang tính tôn giáo nữa: những người Pharisêu tự cho mình là dân Chúa chọn, được hưởng những đặc ân, thì hãy coi chừng, có thể sẽ ngồi vào chỗ rốt hết (Lc 13, 28-30).

Thật là có ý nghĩa biết bao khi mà những lời đầu tiên của Đức Giêsu là: “Khi anh được mời đi ăn cưới…”. Hình ảnh tiệc cưới trong Tin Mừng là hình ảnh bữa tiệc cánh chung, tự nó biểu tượng hạnh phúc của những người công chính trong Nước Thiên Chúa, đặc biệt Mt 22, 1-10 ở đó những khách được mời lại không được tham dự bàn tiệc trong khi những kẻ bé mọn lại được dự phần vào tiệc cưới.

3. Bài học phục vụ trong khiêm tốn:

Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến những người Pharisêu; Ngài đã ngạc nhiên và sẽ còn ngạc nhiên khi gặp thấy những thái độ như thế tại các môn đệ của Ngài. Thánh Lu-ca tường thuật chính xác vào buổi chiều Tiệc Ly các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu phải nên người phục vụ” (Lc 22, 24). Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giêsu cũng đưa ra cho các môn đệ Ngài bài học như thế, nhưng trong một bối cảnh khác: “Trong anh em, người nào lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 11-12).

4. Bài học vĐức Ái:

Bài học Chúa Giêsu gởi đến cho gia chủ cũng mạnh mẽ không kém. Bài học này không mang giọng điệu của phép xử thế. Hoàn toàn trái với thông lệ của người Do thái vốn khinh chê những người bất hạnh này, Chúa Giêsu mời gọi gia chủ mời vào bàn tiệc những kẻ bị loại ra ngoài xã hội: những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lý do mà Ngài đưa ra: không tìm kiếm những phần thưởng trần thế cho những cử chỉ bác ái, nhưng chờ đợi những phần thưởng của Nước Trời: “Họ không có gì trả lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”. Hành động một cách vô vị lợi, cho một cách hoàn toàn nhưng không.

Tiếp đó, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn của Ngài bằng một dụ ngôn khác: dụ ngôn“khách được mời xin kiếu, thay vào đó là “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (14: 21). Cũng một bài học tương tự.

 

40. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Nội dung bài Tin Mừng tuần trước khẳng định nếu muốn vào Nước Thiên Chúa, ta phải phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào. Tỉ dụ thực tiễn này chuẩn bị đưa ta đến một thái độ cần thiết để ta được thuộc về vương quốc ấy, đó là sự khiêm nhượng. “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Để nói lên bài học khiêm nhượng, Chúa Giêsu lợi dụng ngay một hoàn cảnh sống trong xã hội: khung cảnh khách dự tiệc lựa chỗ trọng vọng nhất mà ngồi.

1) “Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”

Không phải mọi người Pharisêu đều là kẻ thù của Chúa, điển hình là ông thủ lãnh nhóm Pharisêu trong câu truyện hôm nay đã mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông chắc phải là một người bạn của Chúa. Bữa ăn đông người, vì có Chúa là thượng khách. Quang cảnh nhộn nhịp của bữa tiệc cũng không che nổi hình ảnh nhiều người đến dự tiệc đã dành chỗ ăn trên ngồi trốc, một thái độ không thể chấp nhận đối với những người được mời đến dự tiệc Nước Trời.

Khách được mời đến dự tiệc cưới là do lòng tốt của người mời, chứ không phải họ có quyền muốn đến là đến. Do đó, được mời đến là một ân huệ khách nhận được từ người mời và mục đích họ đến là để đáp lại ân huệ của người mời chứ không phải để tìm vinh dự chỗ cao trọng cho mình. Việc sắp xếp chỗ ngồi hoàn toàn do người mời, không phải do đòi hỏi của khách dự tiệc. Một ngày kia, anh em ông Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho các ông được ngồi hai bên tả hữu của Chúa, Người đã trả lời: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được” (Mc 10,39-40).

Cũng vậy, Thiên Chúa Cha là chủ tiệc cưới Nước Trời và Chúa Giêsu là chàng rể, còn toàn thể nhân loại là khách được mời. Khi ta đáp lời mời cứu độ của Chúa, đến gia nhập vào Vương quốc của Người, điều kiện trên hết ta phải có là có lòng khiêm nhượng. Khiêm nhượng để nhận biết đây là một ân huệ vô cùng lớn lao Chúa ban cho ta. Nếu không khiêm nhượng, ta sẽ lầm tưởng mình xứng đáng được mời vào và sẽ coi thường ân huệ mà không hết lòng hết sức làm bất cứ gì để đền đáp ân huệ ấy. Lãnh nhận ơn cứu độ là để cho mình được biến đổi, như cục đất sét mặc cho bàn tay thợ gốm uốn nắn. Vì thế lời đầu tiên Chúa Giêsu rao giảng khi Người khai mở Triều Đại Thiên Chúa là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), hoặc: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Làm sao sám hối và đón nhận ơn cứu độ như trẻ em được, nếu ta không có lòng khiêm nhường?

2) “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sđược tôn lên”

Châm ngôn người xưa nói về cách xử sự khôn ngoan của người được mời đi ăn cưới là hãy chọn chỗ thấp để được chủ mời lên chỗ cao hơn. Nhưng Chúa Giêsu không dạy ta làm điều ấy, mà Người chỉ mượn hình ảnh người khách được chủ tiệc mời ngồi lên cỗ trên và người khách bị mời xuống cỗ dưới để nói lên một chân lý: phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Thực vậy, trước mặt Chúa ta có là gì đâu. Tác giả Thánh Vịnh đã nhận thức thân phận mình: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Vậy mà Ađam và Evà những tưởng mình là quan trọng, còn muốn được như Thiên Chúa nên đã bất tuân mệnh lệnh Người. Thế là đang được ở trong Vườn địa đàng bị đuổi ra và thân phận trở nên khốn nạn và đau khổ. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống”.

Tuy nhiên trong kế hoạch cứu độ Thiên Chúa muốn phục hồi thân phận làm con cái cho A-đam bằng một nguyên lý ngược lại: ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Vậy để thực hiện kế hoạch theo nguyên lý này, Thiên Chúa đã sai Con Một xuống trần gian. Chúa Kitô, Con Một Thiên Chúa, đã hạ mình xuống làm người (Ga 1:14) và nhận lấy thân phận tôi đòi và vâng phục Thiên Chúa hoàn toàn đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Chính nhờ hạ mình và khiêm nhượng tuyệt đối, Chúa Kitô đã được Thiên Chúa siêu tôn (Pl 2,7-9).

Chúa Kitô đã vạch sẵn con đường cứu độ để những ai theo Người và tin vào Người thì sẽ không phải hư mất đời đời. Nhiều người Do-thái đã không tin vào Chúa Kitô, nhưng hãnh diện vì có Lề Luật và tin rằng việc giữ Lề Luật sẽ cứu độ họ. Họ đặt việc giữ Lề Luật lên trên việc sống theo Tin Mừng của Chúa Kitô cho nên họ sẽ bị hạ xuống, nghĩa là không được cứu độ. Trái lại, dân ngoại đã khiêm nhượng đón nhận Tin Mừng và đáp lại lời gọi của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nói với người Do-thái về thực trạng này: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại...” (Cv 13:46).

Não trạng của người Do-thái vẫn còn nằm trong nhiều người Công giáo hôm nay. Họ nghĩ rằng họ mang danh là Công giáo thì thế nào cũng tốt hơn người không có đạo. Có những người Công giáo khác thì cho rằng họ làm những việc đạo đức trong giáo xứ, như làm thừa tác viên cho rước lễ, đem Mình Thánh Chúa cho người già cả, điều khiển ca đoàn... thì chắc chắn họ là những người đạo đức hơn những người khác. Đúng là một cách “tôn mình lên” thật kín đáo và nguy hiểm.

3) “Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó”

Chỉ một bữa ăn cũng đủ là đề tài để Chúa dạy nhiều bài học. Bài học cho những kẻ được mời là hãy khiêm nhượng nhìn nhận việc mình được mời là một ân huệ. Nhưng cũng thêm một bài học cho chủ nhà là người mời. Tuy Chúa Giêsu kêu gọi chủ nhà hãy tỏ lòng hào hiệp đối với kẻ nghèo khó, nhưng Người cũng mở cho ta thấy một khía cạnh khác của bữa tiệc Nước Trời. Được mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ và đáp trả không chỉ là việc cá nhân, nhưng mang chiều kích cộng đồng. Nếu chính ta đã được Thiên Chúa mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ thì ta cũng phải chia sẻ ơn cứu độ ấy với nhau. Mỗi Kitô hữu phải là người đãi tiệc, giúp đem ơn cứu độ đến với những anh chị em nghèo khó, tức là những người đang cần được cứu độ.

Ta có trách nhiệm đối với phần rỗi của anh chị em, nhất là đối với những người ta có trách nhiệm. Linh mục là người đãi tiệc. Cha mẹ cũng là những người đãi tiệc. Thầy cô dạy giáo lý cho các em cũng đóng vai trò đãi tiệc. Triều Đại Thiên Chúa là thời gian Người đãi tiệc. “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25:6). Ta tiếp tay với Thiên Chúa để giúp cho bữa tiệc cứu độ càng thêm đông, bằng cách kêu mời anh chị em đến. Ta làm công việc ấy khi ta cho họ thấy cuộc sống của ta đang được ơn cứu độ biến đổi và ta đang sống như con cái Thiên Chúa.

4) Suy nghĩ và cầu nguyện

Được Chúa mời gọi đến dự tiệc cánh chung, tôi đã đáp lại như thế nào? Từ chối vì bận rộn? Lần lữa nói với Chúa để ít nữa sẽ lo lắng phần hồn? Khiêm tốn và vui mừng đến để thi hành ý Chúa muốn cứu độ tôi?

Có khi nào tôi vỗ ngực cho mình là người Công giáo tốt không? Việc “tôn mình lên” thường biểu lộ bằng những cách nào nơi tôi? Lời nói? Thái độ khinh người? Thích so sánh hơn thiệt?

Nếu tôi là bậc làm cha mẹ, tôi nghĩ gì khi nghe người bạn phàn nàn về con cái rồi kết luận: “Thôi, kệ xác nó. Nó lớn rồi, có linh hồn thì phải lo mà giữ!”?

Cầu nguyện

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhđó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khđau. A-men.” (Trích RABBOUNI, lời nguyện 14)

 

 

home Mục lục Lưu trữ