Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1378462

KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

Khoa học và đức tin

Trong một cuộc hội thảo về tôn giáo, viên kỹ sư thao thao bất tuyệt chứng minh tôn giáo chỉ là thuốc phiện mê hoặc dân chúng. Thế nhưng khi bàn bạc và trao đổi, thì một cụ già đã phát biểu như sau: – Theo tôi thì khoa học chỉ là chuyện bịa đặt và láo khoét. Viên kỹ sư ngạc nhiên hỏi cụ già tại sao nói thế, thì cụ già đã trả lời: – Ngài chẳng biết gì về tôn giáo, nhưng lại lên tiếng chỉ trích tôn giáo, thì tôi đây, tôi chả biết gì về khoa học, thì liệu tôi có quyền phê bình khoa học như tôi vừa phát biểu hay không?

Khoa học và đức tin, phải chăng là hai thái cực đối nghịch. Làm thế nào để dung hòa đức tin và khoa học.

Từ những ý nghĩ trên, chúng ta đi vào đoạn Tin mừng sáng hôm nay và chúng ta có thể nói: Thánh Tôma, nếu không phải là thánh tổ của các nhà khoa học thì cũng là một vị thánh có tinh thần khoa học, bởi vì các nhà khoa học chỉ tin, chỉ công nhận là thật những gì mình có thể kiểm chứng được. Nhà khoa học trước khi tin, thường nghi ngờ. Cái đó gọi là óc phê bình.

Jean Guitton đã nói: Tôi luôn hoài nghi. Chính vì hoài nghi mà tôi có được óc phê bình, nhờ đó mà tôi có thể tin vững chắc. Tuy nhiên, liệu chúng ta có quyền xử dụng óc phê bình trong lòng tin hay không? Dẫu muốn hay không, thì trong quá trình của lòng tin, chúng ta thường gặp rất nhiều nghi ngờ như Bernanos đã nói: Tin là hai mươi bốn giờ nghi ngờ trong một ngày, trừ những giây phút trông cậy. Làm sao chúng ta có thể dung hòa được giữa khoa học và tôn giáo, giữa lý trí và đức tin. Nếu phân tích, chúng ta sẽ thấy điểm cuối cùng của khoa học và đức tin nhằm tới chính là Thiên Chúa, tuy nhiên phương pháp xử dụng thì khác biệt nhau.

Phương pháp của khoa học là phương pháp thực nghiệm, đi từ những sự việc cụ thể, để rồi dần dần tiến đến cùng Thiên Chúa, là tác giả của những sự việc cụ thể ấy. Trong khi đó, đức tin thì xuất phát từ Thiên Chúa dựa vào những điều Ngài mạc khải, Ngài tỏ lộ để tìm biết về Ngài. Cũng theo Jean Guitton, thì phải làm sao cho lý trí biết tin và nhất là làm cho lòng tin trở nên có lý. Đó là chuyện của các nhà chuyên môn.

Còn đối với chúng ta, những người tín hữu bình thường thì không đặt vấn đề như thế. Chúng ta thường nói tin yêu. Càng yêu mến nhiều, thì càng tin tưởng vững chắc. Và những người có lòng kính mến Chúa thì thường không cần phải tin, vì họ đã thấy.

Đây là trường hợp của Gioan, khi nhìn thấy bóng người đi trên mặt biển, trong khi các tông đồ bảo là ma, thì chỉ mình Gioan đã kêu lên: Thày đấy.

Rồi trong ngôi mộ rỗng, với những dây băng và khăn liệm được xếp gọn ghẽ, thì Gioan đã tin rằng Chúa đã sống lại. Sở dĩ Gioan đã thấy, đã tin chỉ vì ông có lòng yêu mến. Bởi đó, chúng ta hãy xin Chúa thắp lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến, nhờ đó mà lòng tin nhỏ bé của chúng ta sẽ được củng cố và trở nên vững vàng.

 

7. Niềm tin có tính toán cẩn thận

 (Barbara E. Reid, O.P – Nữ Tu Đaminh thuộc cộng đoàn Đaminh ở Grand Rapids, Michigan, Giáo sư môn Tân Ước tại Đại Học Công Giáo ở Chicago, Illinois, và là phó trưởng khoa tại Đại Học này. – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Ngài thổi hơi vào các ông và nói với họ: Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22)

Để xác định một người đã chết, ngày xưa người ta thường đặt một tấm gương dưới hai lỗ mũi của thi hài người chết để xem người đó còn thở hay không. Ngày nay, với phương pháp đo điện tâm đồ và kiểm tra hoạt động của phổi, người ta sẽ kết luận một người đã chết thực sự khi họ ngưng thở hoàn toàn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh đã “thổi hơi sự sống” vào buồng phổi nhỏ bé của cộng đoàn những người tin, giải thoát họ khỏi sợ hãi, làm cho họ được lưu thông huyết mạch đức tin để họ có thể cùng nhau “thở” và sống cách sung mãn cho sứ mệnh được gửi trao.

Các môn đệ đầy sợ sệt đang co rúm lại với nhau trong căn phòng đóng kín cửa vì “sợ người Do Thái”. Sau khi Đức Giêsu bị hành quyết, nỗi khiếp sợ này cũng dễ hiểu, vì họ sợ sẽ đến lượt mình. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, từ ngữ “Người Do Thái” đồng nghĩa với những con người không tin vào Đức Giêsu, và chống đối Ngài, cho dầu chính Đức Giêsu và những học trò đầu tiên của Ngài cũng là người Do Thái. Đối tượng sự sợ hãi nơi các môn đệ, chính là những người cũng giống họ về người gốc dân tộc, nhưng khác họ ở niềm tin vào Đức Giêsu.

Đôi khi, điều làm chúng ta khiếp sợ nhất là phải trực diện những gì chúng ta không muốn xảy ra cho mình như đã từng xảy ra cho người khác. Giữa lúc sợ hãi cao điểm như thế nơi các tông đồ, Chúa Giêsu đã hiện ra và đến với họ, mời gọi họ đón nhận sự bình an mà Ngài mong muốn đem đến cho họ. Đó không phải là sự bình an cất giấu đi sự tàn bạo hằn sâu nơi thân thể Ngài, khi Ngài vạch mở cho họ thấy những vết thương lồ lộ vẫn còn nguyên trạng nơi xác thân Ngài. Nhưng đó là sự bình an với nhận thức đầy đủ về sự khủng khiếp đối với những gì đã xảy ra nơi cái chết của Chúa, nhưng bình an sẽ đến trong tiến trình chữa lành những vết thương đó, trong tinh thần tha thứ và hoà giải chứ không phải là bạo lực hay oán thù. Ngắm nhìn những vết tích nơi thân thể Chúa, phải có một cái nhìn khác. Không phải là một cái nhìn mang tính hận thù, nhưng là một cái nhìn được Chúa Kitô khởi dẫn để chữa lành, với tinh thần và bình an của Ngài, để giúp các môn đệ thoát vượt sợ hãi, vươn tới niềm vui thực sự.

Kết quả, chính là sự hồi sinh của cộng đoàn. Cũng giống như Đấng Tạo Hoá ban đầu đã thổi hơi vào lỗ mũi của nguyên tổ để trao ban sinh khí (St 2,7), Đức Kitô Phục Sinh cũng đem lại sự sống cho cộng đoàn những kẻ theo Ngài, đang trong cơn khiếp sợ. Đây không phải là một tiến trình dễ dàng, không gây nhức nhối.

Tôi có một người bạn bị viêm phổi nặng, sự đau đớn ghê gớm mà người bạn đó đã kinh qua khi buồng phổi đang bị tàn phá khủng khiếp, làm tôi liên tưởng gần sát với những khó khăn mà những học trò của Đức Giêsu đã trải qua trong tiến trình biến đổi đức tin. Trước khi thụ nạn, Đức Giêsu đã nói với họ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).

Đối với vài người trong nhóm họ, sự tái sinh này xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng không phải tất cả đã hiện diện ngày hôm ấy và đã cảm nghiệm được giai điệu huyền nhiệm này. Tuần sau, vài người trong họ vẫn còn sợ và đóng kín cửa. Họ vẫn đưa ra những điều kiện dường như bất khả thi để có thể tin. Tôma đã lên tiếng bộc lộ sự nghi ngại “Tôi cần phải thấy tận mắt, sờ tận tay, mới tin.” Đây không phải là một sự phản kháng ngoan cố trước những gì các bạn hữu khác đã trải nghiệm và truyền đạt lại, nhưng thực sự Tôma muốn nói lên rằng mọi người và từng mỗi người cần được tiếp cận trực tiếp với Đức Kitô để có thể tin.

Ở đây, không có chuyện Tôma đã thể hiện một thứ đức tin hạng hai. Chứng tá của các bạn khác dẫn ông đến với Đức Giêsu, nhưng không thay thế cho kinh nghiệm của chính bản thân ông để có thể thấy được nhãn tiền, khi ông cần phải gặp gỡ Đức Giêsu một cách trực tiếp, cũng như từng người một trong nhóm họ. Tin Mừng cho phép người ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để có được đức tin. Một vài người có thể thủ đắc đức tin bằng việc nhìn thấy, những người khác có thể không cần. Cả hai thái độ này đều tốt và được Chúa chúc lành. Cách thức đến với đức tin, điều đó không quan trọng, trong một cộng đoàn mà đức tin luôn được toan tính cẩn thận, nhưng trong đó mọi người cùng “thở” chung với nhau bằng hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đẩy lùi mọi sợ hãi bằng khí cụ của bình an, của sự tha thứ và của sự giao hoà.

 

8. Lòng từ bi – Lm. Giuse Trần Việt Hùng.

Truyện kể: Một võ sĩ đã trở lại đạo. Ngày kia, người bạn của anh gặp mặt và hỏi: Tôi nghe anh mới tòng giáo, thật tức cười. Võ sĩ nói: Sao lại tức cười, đó là điều tốt mà anh. Người bạn nói thêm: Nếu vậy, liệu anh xoá nổi chân tướng du côn cao bồi trước chăng? Những vết sẹo trên mặt anh sẽ tố cáo tung tích của anh. Võ sĩ trả lời: Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo kia, nay trở thành cửa sổ cho ơn Chúa chảy vào hồn tôi. Cũng vậy, những tội của chúng ta đã được tha, tuy còn dấu vết, nhưng là dấu vết của tình thương Chúa vậy.

Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu còn giữ những vết sẹo trên lòng bàn tay, bàn chân và cạnh sườn từ khi bị đóng đinh thập giá? Vì khi Chúa Phục Sinh, Chúa có thể chọn bất cứ hình hài và thân xác hoàn hảo như các thiên thần. Khi xuất hiện, Chúa đã giữ nguyên những vết sẹo để các môn đệ có thể thấy và có thể sờ chạm. Tông đồ Tôma tỏ ra nghi ngờ, đã được Chúa mở lòng: Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27). Sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh sẽ không hoàn toàn thuyết phục, nếu không có những vết sẹo trên tay, chân và cạnh sườn của Chúa. Chúng ta biết khi con người mơ ước, ai trong chúng ta cũng ước mong có khuôn mặt tươi tắn, hàm răng đẹp, làn da mịn màng và thân hình thon đẹp. Chúng ta mong ước một thân xác hoàn hảo không vết nhăn. Nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đã xuất hiện một cách ngoại thường, trên thân mình vẫn mang những vết sẹo hằn sâu để nhắc nhớ chúng ta sự hy sinh đau khổ để cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta đặt niềm hy vọng vào những vết sẹo nơi thân xác Chúa Kitô. Trong các nhà thờ Công giáo, nơi gian cực thánh, treo hình tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá với mạo gai trên đầu, chân tay và mình mẩy đầy thương tích loang máu đào. Vết sẹo nơi cạnh sườn như còn rướm máu. Giáo Hội không lùi bước chỉ nhìn vào đau khổ và chết chóc, nhưng Giáo Hội muốn mọi tín hữu cùng chia sẻ, cảm thông và lãnh nhận ân sủng cứu độ qua giá máu châu báu của Chúa. Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô đã trao ban sứ mệnh cho các Tông đồ: Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21). Các Tông đồ là những nhân chứng sống động và chân thành. Với ơn trợ giúp và quyền năng của Chúa Thánh Thần, các ngài đã can đảm ra đi truyền rao ơn cứu độ. Ra đi với hai bàn tay trắng, các tông đồ không có tiền bạc, địa vị, học vị hay cơ sở vật chất. Các ngài đã lãnh nhận nhưng không và giờ đây cũng đem Tin Mừng biếu không: Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông đồ (Cv 5,12).

Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện với các Tông đồ qua quyền năng của Ngài. Chúa trao cho các ngài uy quyền chữa lành tất cả các bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ ma quỷ. Rất nhiều người đã tuôn đến xin ơn lạ và lãnh nhận ơn cải đổi tâm hồn: Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành (Cv 5,16). Hạt giống đức tin được gieo vào lòng người. Từng tâm hồn hối cải trở về với Chúa. Họ đã được lãnh nhận ơn sủng chữa lành phần xác và tô điểm tâm hồn. Họ là những tín hữu nồng cốt xây dựng Hội Thánh sơ khai trên trần thế. Giáo Hội bắt đầu nẩy mầm và phát triển sinh hoa kết trái: Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông (Cv 5,14).

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia. Điều vô cùng quan trọng là Chúa Giêsu trao ban quyền tháo cởi và cầm giữ cho các tông đồ. Các tông đồ nhận lãnh ơn chữa lành và thực hành các phép lạ để đặt nền móng cho Giáo Hội sơ khai. Nhưng chìa khoá của sự tháo cởi và cầm buộc tinh thần được lưu truyền qua ngàn muôn thế hệ. Thánh Gioan diễn tả rằng Chúa Giêsu trực tiếp ban ơn: Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23). Chúa Giêsu thấu tỏ sự ương ngạnh cứng cỏi cũng như sự yếu đuối thấp hèn và tội lỗi của con người. Chúa đã lập Bí tích Hoà Giải để mọi người có cơ hội hối lỗi trở về với lòng nhân từ của Chúa. Chúa tin tưởng vào quyền tài phán của các tông đồ và những người kế vị. Chúa đã trao quyền cho Giáo Hội qua biểu tượng của chiếc chìa khoá Thánh Phêrô. Biết rằng trao chìa khoá cho ai là đặt niềm tin tưởng nơi người đó.

Trong Sách Khải Huyền, Gioan đã được thị kiến sự lạ lùng vượt trên lòng trí, Chúa Kitô đã mạc khải: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ (Kh 1,18). Sau khi phục sinh từ cõi chết, Chúa Kitô là chủ của sự sống và không còn chết nữa. Chúa đã chiến thắng tử thần và tội lỗi. Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha và mọi đầu gối sẽ quỳ phục dưới chân Ngài. Chúa Kitô có uy quyền trên hết mọi loài, mọi vật, sự sống và sự chết. Niềm tin vào Chúa Kitô sống lại là niềm hy vọng vào sự sống viên mãn đời đời. Thánh Gioan được linh hứng để viết sách Khải Huyền: Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này (Kh 1,19). Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng của bộ Tân Ước. Có rất nhiều chi tiết cao siêu như trên các tầng trời, chúng ta chẳng thể hiếu thấu. Chúng ta chỉ có thể nhận diện được phần nào những điều đã qua hoặc đang diễn ra trong cuộc sống mà thôi. Tương lai ngày mai phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nhắc nhở các Tông đồ: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Các Tông đồ đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa Phục Sinh nhãn tiền. Các ngài được gặp gỡ, ngồi chung bàn bẻ bánh, đàm thoại, ăn uống và được Chúa ban bình an chúc lành. Các Tông đồ sẵn sàng ra đi làm nhân chứng. Làm nhân chứng là phải đối diện với sự sống sự chết. Tất cả mười một vị Tông đồ đã đổ máu đào chứng minh niềm tin sắt son vào Chúa Kitô Phục Sinh. Thánh Gioan là nhân chứng sống động cho tình yêu Chúa. Mọi lời rao giảng dạy dỗ của Thánh Gioan đều quy về tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Các Tông đồ đã can đảm sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Mỗi ngày chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô qua việc ghi dấu thánh giá trên mình. Chúng ta tuyên xưng Chúa là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Thầy và là Chúa. Tin vào Chúa là lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chúa đã mở cửa rộng rãi đón nhận và chúc phúc cho mọi người: Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21). Nước Chúa rộng mở đón nhận mọi thành phần, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần tin tưởng vào tình yêu của Chúa và tuân giữ lời Ngài. Vì đức tin không có thực hành thì đức tin chỉ là những triết thuyết viển vông và trống rỗng.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta cử hành mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ loan truyền ơn cứu độ cho tới khi Chúa lại đến. Lạy Chúa, những vết sẹo nơi thân mình đã nhắc nhở chúng con về lòng thương xót vô bờ của Chúa. Xin nguồn bình an và ân sủng của Chúa Kitô Phục Sinh tràn đổ trên tâm hồn mỗi người chúng con. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ