Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1378701
Kiếp sau xin chớ làm người
Kiếp sau xin chớ làm người
(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)
“LAO NHỌC LÀ CUỘC SỐNG CỦA CON NGƯỜI”
Khi gặp những khổ đau, vất vả, bội bạc… trong cuộc sống, cha ông chúng ta có câu:
“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm con chim nhạn tung trời mà bay…”
Hoặc: “Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”
Khi gặp những khổ đau chồng chất, Ông Gióp cũng phải kêu lên: “Lao nhọc là kiếp sống của con người!” Đó là tư tưởng chúng ta đọc thấy trong Bài Đọc I, Chúa Nhật này (Giop 7, 1-4, 6-7). Trong Bài Phúc Âm (Mc. 1,29-39), Thánh Matcô ghi lại việc Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, và họ kéo đến thật đông đảo để xin được chữa lành. Còn trong Bài Đọc II (1Cr. 9, 16-19, 22-23), Thánh Phaolô nói đến bổn phận rao giảng Phúc Âm Ngài đã lãnh nhận mà Ngài đã chu toàn, và để công cuộc rao giảng được kết quả, “Ngài đã trở nên yếu đuối với người yếu đuối… trở nên mọi sự cho mọi người.”
Cuộc sống của mỗi người đều phải trải qua những lúc khổ đau, bệnh hoạn; đó là kiếp người qua những giai đoạn “sinh, lão, bịnh, tử.” Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận kiếp sống như vậy để trở nên ‘giống con người chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi…” Mặc dầu công việc chính của Ngài trong thời gian sống công khai là rao giảng Tin Mừng cứu độ, nhưng Ngài cũng không quên chú ý an ủi và nâng đỡ những con người đau khổ, bịnh hoạn kéo đến với Ngài.
Noi gương Chúa Giêsu, ở mọi thời đại, Giáo Hội cũng luôn làm những gì có thể để giúp đỡ những con người nghèo khó, bệnh tật trên khắp thế giới. Đó là nhờ sự dấn thân hy sinh của các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngoài việc lập các trường học, các xưởng dạy nghề để mở mang văn hóa và huấn nghệ, Giáo Hội cũng mở các trại phong cùi, các nhà thương, viện tế bần, viện dưỡng lão v.v… ở các vùng hẻo lánh bên Phi Châu, Á Châu, Nam Mỹ và ngay tại Việt Nam chúng ta trước đây, dù hiện nay thì gặp nhiều khó khăn và hạn chế hơn.
Chúng ta đã đọc nhiều sách, nghe nhiều bài chia sẻ về ý nghĩa của sự đau khổ. Chính Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, ở giữa chúng ta, Ngài cũng dạy chúng ta giá trị của sự đau khổ trong công cuộc cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống, chịu đóng đinh, và chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta, trước khi sống lại, lên trời vinh hiển. Hiểu được giá trị của đau khổ là để thanh luyện và đem lại ơn cứu rỗi, chúng ta sẽ không chán nản, bi quan, uất ức khi gặp đau khổ, bội bạc; trái lại, chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Nhờ ơn Chúa toàn năng nâng đỡ, chúng tôi có thể vui mừng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho cuộc đời chúng tôi.” (Cl 1, 11). Khi các Thánh Tông Đồ bị bắt, bị sỉ nhục và đánh đòn, các Ngài ra về và “lòng rất vui mừng vì đã được coi là xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu (Cv. 5,40). Thánh Phêrô cũng căn dặn chúng ta “được chịu đựng mọi đau khổ vì Chúa Kitô, anh chị em hãy vui mừng...” (1Pr 4, 13). Ông Gióp cũng là một gương mẫu để cho mọi người hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ và lòng can đảm của những người tin kính Chúa khi chịu đựng đau khổ.
Rồi mọi sự cũng qua đi mau chóng. Mọi khổ đau cũng tiêu tan. Rồi cuộc đời của mỗi người cũng qua đi.
Những người biết noi gương Chúa chấp nhận những biến cố đau thương của cuộc đời mới có thể “bỏ mình đi, vác Thánh Giá hàng ngày theo chân Chúa” (Mt. 16,24…) đi đến ngày sống lại và về trời vinh hiển. “Qua Thánh Giá mới có thể đến Ánh Sáng!”
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho những người đang phải chịu nhiều đau khổ ở khắp nơi trên thế giới: đau khổ tinh thần, đau khổ thể xác, đau khổ vì chiến tranh, vì thiên tai, vì già yếu, bệnh hoạn. Cũng xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá, suy gẫm cuộc tử nạn của Chúa, để chính chúng ta cũng biết chấp nhận mọi đau khổ hàng ngày, trong khi vẫn cố gắng để nâng đỡ những con người đau khổ chung quanh chúng ta.
59. Con đã viếng thăm Ta - Athur Tonne
Vị linh mục dừng lại nghé thăm một gia đình nghèo ở vùng núi Kentucky. Vừa khi linh mục chào bà mẹ. Bà ứa nước mắt kêu lên: "Ôi thưa cha, con vừa được biết cha đến thăm hôm nay. Con tin cha có thể giúp con." Bà dốc bầu tâm sự; bao lo âu, bao rắc rối. thỉnh thoảng vị linh mục chêm vào một vài lời khích lệ; nhưng ngài cảm thấy hoàn toàn bất lực trước khổ tâm của bà. Kể xong, bà ngừng một lát rồi kêu lên: "Ôi thưa cha, cha giúp con nhiều quá. Cha đã giải quyết cho con mọi vấn đề". Vị linh mục bối rối, ngài chẳng giải quyết vấn đề nào cả. Rồi ngài bắt đầu hiểu ra: Bà chỉ cần và mong được thông cảm.
Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng; Chúa Giêsu chữa nhiều bệnh nhân, những chứng bệnh khác nhau. Người làm được vì Người là Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể làm đuợc như Chúa? Chúng ta không thể làm phép lạ, không thể chữa bệnh đụng tới bệnh nhân, bằng lời nói hay bằng cử chỉ. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự phần vào việc chữa bệnh của Đức Kitô.
Chúng ta có thể thăm người bệnh, như vị linh mục trong câu chuyện, chúng ta cảm thấy bất lực, đến ngớ ngẩn trước sự đau đớn, khổ tâm, thiếu thốn mà chúng ta không thể làm thuyên giảm hay chữa bệnh.
Đức Giêsu hứa Thiên đàng cho những ai viếng thăm người bệnh. "Ta đau các con đã viếng thăm… Hãy đến. " Ngay Cựu ước cũng thúc dục chúng ta: "Đừng chậm trễ thăm người bệnh vì nhờ thế con được quí mến." Thăm viếng người bệnh một cách thân tình, vui vẻ tại nhà hay trong bệnh viện; có thể xoa dịu tinh thần, trợ lực thể xác. Chúng ta có thể làm gì cho người bệnh; lắng nghe khi họ cần biểu lộ tâm sự. Thông cảm khi lắng nghe là một nghệ thuật cần trau dồi, phát triển, một người đến thăm biết thông cảm khi họ đem nổi đau của nạn nhân vào lòng mình. Họ biết chia sẻ niềm đau xót dẫu rằng họ đã nghe câu chuyện cả ngàn lần.
Chúng ta có thể đem đến một tin vui một sự kiện xây dựng hoặc nụ cười, một câu chuyện trên Tivi hay báo chí. Cắt một bài vắn trong báo hay tạp chí và đọc cho bệnh nhân nghe. Nhưng nhớ, bạn phải chuẩn bị trước, bạn sẽ nói gì và nói làm sao.
Bông, trái cây, các loại đồ ăn cũng giúp bệnh nhân mạnh tinh thần. Khi chọn quà bạn cần dùng óc tưởng tượng cố gắng để món quà thích hợp với tư cách, khung cảnh, nghề nghiệp và sở thích của bệnh nhân. Món quà đơn giản, không xa xỉ lại thường là quí giá.
Bạn đừng nói suông: "Tôi sẽ cầu nguyện cho." Tốt hơn nên nói; "Tôi sẽ cầu nguyện cho anh (chị) trong Thánh lễ hôm nay… "Sáng mai tôi sẽ cầu nguyện cho anh (chị)". Đừng nói dài dòng. Hãy giữ giờ thăm, nội qui của bệnh nhân. Hãy tế nhị, hãy biết quan tâm lo lắng cùng Chúa Kitô trong giới hạn của bạn, nhưng đầy tình thương.
Xin Chúa chúc lành cho bạn.
60. "Người đến gần cầm tay nâng bà dậy".
(Suy niệm của Noel Quesson)
Bác sĩ Tissot người Thuỵ sĩ rất nổi tiếng. Ông theo đạo Tin Lành nhưng luôn tôn trọng nếp sống của người Công Giáo. Một hôm ông tới chữa bệnh cho một bà ngoại quốc, bà đang sốt nặng và tỏ ra hoảng hốt cáu kỉnh. Là người Công giáo, bà đòi gặp một linh mục trước rồi mới chịu để bác sĩ chích thuốc chữa bệnh. Sau khi được giải tội và xức dầu, bác sĩ Tissot thấy bệnh nhân bình tĩnh dịu dàng khác thường. Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot trở lại, thấy bà giảm sốt và bắt đầu bình phục bác sĩ Tissot thường nói chân thành: "Nhiều bệnh nhân Công giáo đã lành bệnh nhờ bí tích xức dầu."
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy Chúa đến giường bà mẹ vợ ông Simon đang sốt nặng, cầm tay đỡ bà dậy. Được khỏi ngay, bà chỗi dậy lo việc phục vụ Chúa và các môn đệ. Chúng ta có thể nghĩ tới Chúa Giêsu đã thực hiện bí tích xức dầu cho bà. Mọi bí tích đều do Chúa thiết lập và cử hành trước. Cử hành bí tích là làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Kèm theo một lời của Chúa hay lời cầu nguyện của Giáo hội. Hai yếu tố ấy làm thành bí tích, đem lại ơn ích cho người lãnh nhận. Riêng bí tích xức dầu chủ yếu giúp người tín hữu trong cơn đau yếu, để họ trung thành với niềm tin không nao núng trong thử thách cả và thể xác lẫn tinh thần, vì xác hồn liên hệ mật thiết với nhau.
Khi thiết lập bí tích này, Chúa để ý tới những bệnh nhân, Chúa cảm thông nỗi đau buồn của họ. Chúa muốn chữa lành tâm hồn tội tình con người "bệnh" bằng bí tích Hoà giải, chữa lành và tăng sức con người đau yếu bằng bí tích xức dầu. Chỉ khi nào con người trải qua cái chết, đi vào vinh quang phục sinh, lúc đó mới hết những khuyết tật nơi thân xác và tinh thần. Chúa đã đến với những người đau khổ để nhắc cho họ nhớ chuyện đó.
Bà mẹ ông Simon được chữa lành bệnh. Bà chỗi dậy và phục vụ mọi người. Hậu quả của căn bệnh phần xác là nằm liệt, không làm việc được, không phục vụ được ai. Thế mà Chúa lại luôn đòi chúng ta phải phục vụ anh em, làm đầy tớ, hy sinh vì người khác. Để giúp chúng ta có lại khả năng phục vụ, Chúa đã ban cho ta bí tích Xức Dầu. Có những lúc thân xác ta không mang bệnh nạn, nhưng mất khả năng phục vụ, chính là lúc chúng ta thiếu tinh thần phục vụ, thiếu tinh thần bác ái, ta phải mau mắn chạy đến cầu xin Chúa chữa trị.
Tương đương với bệnh tật là những ám ảnh do tà thần được phép Chúa, thử thách lòng trung kiên của chúng ta với Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa xức dầu Thánh Thần cho chúng con, chữa lành tâm hồn và thân xác chúng con, cho chúng con luôn luôn có đủ khả năng và lòng nhiệt thành phục vụ anh chị em chúng con.
61. Nghỉ ngơi và yên tĩnh – Lm. Mark Link
Chủ đề: "Giữa những bận rộn của cuộc sống, Chúa Giêsu vẫn tìm thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện. Chúng ta cũng nên làm như thế"
Tạp chí Thế Giới Bên Ngoài (Outdoor World) có đăng một bài rất hay của Barry Lopez.
Vào một buổi sáng mưa phùn, Barry thức dậy một mình đi dạo trong rừng trước buổi điểm tâm. Vừa rảo bước giữa những dãy thông và bá hương. Barry vừa nhớ lại một buối sáng y hệt sáng hôm nay, khi còn là chú bé con, chàng đã được nhìn thấy ông nội một mình bước ra khỏi nhà đi dạo ngang qua chính những hàng cây này. Khi ông nội trở về chú bé Barry hỏi thăm nội đã đi đâu và đã làm gì. Ông nội mỉm cười, ôm choàng Barry rồi nói:
"Nào chúng ta hãy cùng đi dùng điểm tâm, cháu nhé!"
Tiếp tục bước đi dưới cơn mưa phùn, Barry gặp một quãng rừng trống. Chàng liền quỳ xuống và đặt đôi tay lên mặt đất ẩm ướt. Điều này gây cho chàng cảm giác rằng chàng đang hiệp nhất với toàn thể vũ trụ. Barry nhớ lại lời ông nội đã từng dạy bảo chàng: Khi nào cảm thấy cô đơn thì nên đi bách bộ vào rừng tìm yên tĩnh, đoạn làm bất cứ điều gì đang được thôi thúc trong lòng, chẳng hạn như quì gối xuống đặt tay lên mặt đất.
Nửa giờ sau, khi Barry trở về nhà, ông cảm thấy như được đổi mới, được hồi phục sức lực. Bấy giờ ông mới hiểu được lý do ông nội thường hay đi dạo trong rừng vào buổi sớm mai. Bà của Barry có lần nói cho ông hay đấy chính là cách thức ông nội cầu nguyện. Ông ấy luôn luôn đi sang tận mé rừng bên kia, đứng trên bờ biển, tay thọc vào túi, lắng nghe đại dương reo.
Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy Đức Giêsu cũng thường một mình đi đến nơi vắng vẻ để cầu nguyện như vậy. Lý do khiến Đức Giêsu làm điều này cũng chính là lý do Barry thường làm điều ấy, là tự đổi mới chính mình, tự hồi phục lại năng lực cho chính mình.
Phúc Âm thánh Maccô thuật lại Đức Giêsu đã chữa bệnh cho dân chúng suốt ngày hôm trước khiến Ngài như kiệt lực về mặt tâm linh. Về sau trong Phúc Âm của mình, thánh Maccô giúp cho chúng ta có một cái nhìn về giá trị tâm linh mà Đức Giêsu phải trả để có thể chữa bệnh cho dân chúng. Một phụ nữ bệnh đã 12 năm xô lấn đám đông để chạm cho được Chúa Giêsu. Ngay khi đụng được vào Ngài, bà ta lập tức được chữa lành, tức thì, theo lời kể của thánh Maccô Chúa Giêsu biết được năng lực ấy đã xuất ra khỏi mình (Mc 5: 30)
Việc chữa lành bệnh đã làm cạn đi năng lực của Chúa Giêsu. Tương tự như thế, khi làm việc cho tha nhân, chúng ta cũng bị hao tổn sinh lực, thế nên chúng ta cần phải làm như Chúa Giêsu, tức là cần phải biết hồi phục sức lực cho mình về mặt tâm linh. Có thể chúng ta không thể làm được vịêc này bằng cách đi một mình vào rừng. Có thể chúng ta cũng thể kiếm được chỗ yên tĩnh để ở một mình ngay trong nhà chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm một điều gì đó; ít là thỉnh thoảng chúng ta dừng lại nghỉ ngơi khỏi dòng công việc để hồi tâm và lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn chúng ta. Tôi xin chứng minh điều này quan trọng như thế nào.
Một con tàu của hải quân Anh bị tai nạn. Trong khi bị nạn, con tàu vang lên một tín hiệu được gọi là tín hiệu "Lặng Yên". Tín hiệu này có nghĩa là: "Hãy ngưng tất cả những gì bạn đang làm. Hãy nghỉ ngơi và xem xét lại tình hình của mình, và chuẩn bị làm những gì thật khôn ngoan".
Trước khi tín hiệu vang lên, ít có thuỷ thủ nào biết được điều nào là điều khôn ngoan để mà làm đây. Nhưng trong thời gian nghỉ ngơi, họ đã biết được điều gì cần làm. Tín hiệu "Lặng Yên" đã cứu được hàng ngàn mạng sống quân Anh và hàng triệu bảng Anh.
Trong đời sống thường nhật chúng ta thường bị rơi vào tình trạng khẩn cấp và chúng ta cũng chả biết làm gì ngay lúc đó. Thế rồi chúng ta la toáng lên; "chúng ta có thể làm gì đây?". Thực sự, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nghỉ ngơi và yên lặng. Sự nghỉ ngơi thường tạo nên điều kiện để ta thành công và tránh cho ta những thất bại.
Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem chúng ta có biết noi theo những gương Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta khi Ngài còn ở dương trần không? Chúng ta có biết thỉnh thoảng nghỉ ngơi để hồi tâm xét mình lại không? Thỉnh thoảng chúng ta có biết dừng lại để lắng nghe tiếng Chúa trong lòng chúng ta không?
Một hôm, nhạc sĩ André Kostelanetz đến thăm nghệ sĩ Pháp Henri Matisse. Khi Kostelanetz đến nhà Matisse, thần kinh ông bị suy nhược và ông gần như kiệt sức. Matisse nhận ra tình trạng sức khoẻ người bạn, ông vừa đùa vừa nói; "Này ông bạn, ông phải tìm ra những cây Áctisô cho đời sống của ông." Nói xong, ông ta nắm tay dẫn Kostelanetz ra khu vườn nhà ông. Khi cả hai đến gần một đám cây Áctisô, Matisse dừng lại. Ông nói với Kostelantz là mỗi buổi sáng sau khi làm việc một lúc ông thường đến với đám Astisô này để nghỉ ngơi yên tĩnh. Ông chỉ đứng đó ngắm nhìn đám Acstisô. Đoạn Matisse nói thêm: "Dầu tôi đã vẽ được trên 200 bức tranh tôi cũng vẫn luôn luôn nghiên cứu tổng hợp những màu sắc mới cũng như tìm những bức mẫu tân kỳ. Không ai được phép quấy rầy tôi khi tôi lặng yên đứng ngắm… điều này mang lại cho tôi nguồn hứng mới, một sự xả hơi cần thiết cũng như một triển vọng mới cho công việc của tôi".
Mỗi người chúng ta nên ghi vào lòng lời Matisse khuyên nhủ André Kostelanetz. Chúng ta phải tìm những đám Actisô cho đời chúng ta, hoặc nói cách khác chúng ta phải làm giống như Barry Lopez đã làm. Chúng ta cũng phải thỉnh thoảng một mình đi dạo vào rừng buổi sáng. Chúng ta nên làm điều các thủy thủ Anh Quốc đã làm trong những tình trạng khẩn cấp, nghĩa là phải nghỉ ngơi và yên lặng. Chúng ta nên làm điều Đức Giêsu đã thường làm. Thỉnh thoảng chúng ta phải dậy sớm dùng lời cầu nguyện để tăng cường sức mạnh cho mình.
Đó là sứ điệp của bài Phúc Âm hôm nay. Sứ điệp này thực là quan trọng. Chúng ta có thể tóm tắt như sau;
Dù bận rộn rất nhiều trong cuộc sống, Chúa Giêsu vẫn tìm thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện. Chúng ta cũng nên làm như thế.
Chúng ta hãy kết thúc với lời khẩn nguyện:
Lạy Chúa,
Xin dừng bước chân con,
Xin dừng bước chân con;
Xin cho trái tim con trĩu nặng được thư thái,
Tâm trí xôn xao được lặng yên.
thần kinh rã rời được dịu lại
gân cốt mệt nhoài được giãn ra.
Xin dạy cho con nghệ thuật
Dùng những lúc nghỉ ngơi đôi ba phút,
trở lại tiếp xúc với lòng mình,
lắng nghe tiếng Chúa và từ đó rút ra
nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng dũng cảm mới.
lạy Chúa,
xin hãy dừng bước chân con,
xin hãy dừng bước chân con.
62. Suy niệm của Anmai, CSsR
KHỐN THÂN TÔI NẾU TÔI KHÔNG RAO GIẢNG TIN MỪNG
Thánh lễ hôm nay, bài đọc thứ nhất đưa ta về hình ảnh rất quen thuộc, rất dễ thương trong Cựu Ước đó là ông Giob. Nếu có giờ, chúng ta đọc lại toàn bộ tác phẩm của ông, chúng ta sẽ thấy ông thật dễ thương trước mặt Chúa. Tại sao gọi là dễ thương trước mặt Chúa? Là vì, dù cuộc đời ông "ba chìm - bảy nổi - chín lênh đênh nhưng ông đã tin tưởng vào Chúa một cách lạ lùng. Cảm xúc của ông Giob chắc có lẽ cũng là xúc cảm của mỗi người chúng ta.
Ông Giob giới thiệu về nhân thân của ông: "Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp. Ông là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác.2 Ông sinh được bảy người con trai và ba người con gái. Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giàu có nhất trong số các con cái Phương Đông. Các con trai ông có thói quen luân phiên tới nhà nhau tiệc tùng và cho người đi mời ba cô em gái đến ăn uống với họ. Mỗi khi hết vòng tiệc tùng, ông Gióp cho gọi họ đến để thanh tẩy họ; rồi ông dậy thật sớm, dâng lễ toàn thiêu cho mỗi người trong họ, vì ông tự nhủ: "Biết đâu các con trai ta đã chẳng phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong lòng! " Lần nào ông Gióp cũng làm như thế. (G 1, 1-5)
Cuộc sống của ông là như thế nhưng có mãi được như thế đâu? Chúng ta chờ xem:
"Vậy một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả của họ, thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp: "Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay." Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: "Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay." Người này còn đang nói thì một người khác về thưa: "Người Can-đê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay." Người ấy còn đang nói, thì một người khác về thưa: "Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay." (G 1, 13-19)
Cuộc đời nó không như người ta tưởng, người ta nghĩ. Mà cũng đúng, vì có những lúc lòng chúng ta cảm thấy trống rỗng và chán ngán. Thi thoảng chúng ta cũng thấy cuộc đời này nó vô nghĩa như ông Giob vậy. Nhất là mỗi khi chúng ta bị thiệt hại, bị mất mát về tiền của, về vật chất như ông Giob.
Buồn tủi, đau đớn nên ông Giob đã bộc bạch:
Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả
đâu khác gì đời kẻ làm thuê?
Tựa người nô lệ mong bóng mát,
như kẻ làm thuê đợi tiền công,
cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.
Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng? "
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: "Bao giờ chiều buông? "
Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.
Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
và chấm dứt, không một tia hy vọng.
Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài nhớ cho,
cuộc đời con chỉ là hơi thở,
mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ. (G 7, 1-4.6-7)
Nhìn lại sao mà chúng ta giống ông Giob quá. Thế nhưng ông Giob không chỉ bị tổn thương về vật chất nhưng còn tổn hại về tinh thần, về lòng tin nữa. Ông cam chịu mất mát, tưởng chừng người thân thương nhất của ông, người chung chia với ông những đau khổ của cuộc đời sẽ an ủi, sẽ nâng đỡ ông, nhưng nào ngờ vợ ông lại bảo ông nguyền rủa Thiên Chúa vì Thiên Chúa mà ông tin theo sao mà kỳ thế! Thiên Chúa đã để cho cuộc sống của ông ra nông nổi này. Kèm thêm bà vợ cay nghiệt còn có ba người "hàng xóm tốt bụng" khuyên ông hãy rời bỏ Thiên Chúa mà suốt cuộc đời ông đã theo. Thế nhưng, chúng ta thấy giữa biết bao nghịch cảnh của cuộc đời ông Giob vẫn một mực tin tưởng vào Thiên Chúa mà ông suốt cuộc đời đi theo.
Nhìn lại cuộc đời của ông Giob, quả là một bản trường ca về tin mừng. Cuộc đời ông đã cao rao về tình thương của một Thiên Chúa mà ông tin tưởng theo.
Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta công việc của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." (Mc 1, 38) Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ cũng như chúng ta đó là Chúa đến để đi rao giảng Tin mừng của Nước Trời, Tin mừng của Thiên Chúa.
Thoáng nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu, trong hành trình rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng của cây Thập Tự cứ đi theo cuộc đời của Chúa Giêsu. Và thực tế là như thế, cuộc đời của Chúa Giêsu buồn nhiều hơn vui. Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu lại hăng say, mạnh mẽ lên đường loan báo Tin mừng như vậy? Bởi lẽ Chúa Giêsu, suốt cuộc đời đã tin tưởng, đã tín thác vào Thiên Chúa nên cho dù cuộc đời của Chúa thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn loan báo Tin mừng.
Và rồi, qua thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Ngài khẳng định cho chúng ta lập trường của Ngài về Tin Mừng: "Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi."
"Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng." (1 Cr 9,16-19.22-23)
Nhìn lại một chút cuộc đời của Phaolô chúng ta cũng thấy na ná như ông Giob, như Chúa Giêsu vậy. Cuộc đời của ông cũng đã quá đau khổ, ông phải trả một giá quá đắt khi tin theo Chúa. Thoạt đầu, ông là người Pharisiêu "chính hiệu Con Nai Vàng" nên ông nào tin vào Chúa và thậm chí ông con bắt, còn bách hại những người theo Chúa nữa. Thế nhưng, chính khi ông "giác ngộ" ra Đấng mà xưa nay ông bắt bớ chính là Đấng Cứu Độ của ông cũng là lúc mà người ta khinh bỉ ông, người ta không tin tưởng ông nữa vì ông xoay hẳn 1 góc 180o. Từ người ghét, bách hại, bắt bớ nhưng nay lại trở thành người nhiệt thành rao giảng Tin mừng thì làm sao mà người ta có thể tin được. Thế nhưng, vì lòng tin son sắt vào Chúa, Phaolô vẫn miệt mài rao giảng Tin mừng, bất chấp mọi thành kiến, mọi dị nghị, mọi lời đàm tiếu của người đời.
Phaolô đã "ngộ" ra cuộc đời của ông từ cái ngày ngã ngựa trên đường Đa-mát rằng: có một Thiên Chúa yêu thương ông, quan phòng, chăm sóc ông nên cuộc đời của ông thay đổi từ đấy.
Chúng ta là những người luôn luôn mở miệng tin Chúa và đọc Kinh Tin Kính mỗi Thánh Lễ Chúa nhật, mỗi khi có dịp, nhưng lòng tin vào Chúa của chúng ta như thế nào? Chúng ta có can đảm rao giảng Tin mừng, rao giảng về một Thiên Chúa yêu thương cho những người xung quanh chúng ta hay không?
Thật sự, đây không phải là chuyện dễ vì lẽ cuộc đời của chúng ta có quá nhiều đau khổ như ông Giob, như Chúa Giêsu, như Thánh Phaolô vậy. Thế nhưng, chúng ta lại nhớ đến lời của Thánh Phaolô "chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh." Thánh Phaolô xác tín điều ấy vì chính khi cuộc đời của Ngài gặp phong ba bão táp, gặp khó khăn, yếu đuối, Ngài phó thác vào tay Chúa thì Chúa sẽ nâng Ngài dậy như Chúa đã từng nâng đỡ Ngài trên đường Đa-mát vậy.
Rơi vào hoàn cảnh bi đát của cuộc đời như ông Giob, như Chúa Giêsu, như thánh Phaolô đấy nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ai cả. Chuyện quan trọng là chúng ta có tin để phó thác hay không mà thôi? Sau khi tin tưởng, phó thác Thiên Chúa đã ban cho ông Giob và thánh Phaolô không biết bao nhiêu ân huệ của Ngài và khi nhận ra ân huệ mà Thiên Chúa ban đấy, ông Giob và thánh Phaolô đã cao rao tình thương của Chúa.
Thật sự ra, trong cuộc đời chúng ta, chúng ta thấy Chúa ban cho chúng ta quá nhiều ơn lành như Chúa đã ban cho ông Giob và thánh Phaolô nhưng chúng ta không nhận ra để chúng ta cứ khư khư giữ ơn lành và thậm chí còn chôn kín ơn lành đó để cất giấu một mình chúng ta xài thôi. Xin Chúa mở lòng chúng ta để chúng ta nhìn thấy những ân huệ mà Thiên Chúa đã trao ban để rồi chúng ta cũng cao rao Tin mừng của Chúa cho anh chị em đồng loại như Phaolô, như ông Giob trong mọi hoàn cảnh của chúng ta.
63. Chúa Nhật 5 Thường Niên
Cả 3 bài đọc hôm nay đều nói đến việc lao động. Con người sinh ra trong trần gian này và chấp nhận qui luật của nó. Đó là phải lao động. Cuộc sống này quả là vất vả: ai nấy phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, làm cực khổ hết ngày này sang ngày khác, làm quần quật hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Người thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải lao động vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm. Làm - ăn, ăn - làm như một cái vòng lẫn quẫn trói buộc con người, cho tới khi con người làm không nổi, ăn không vô thì cũng là lúc con người sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp sống làm người.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một ngày làm việc vất vả của Chúa Giêsu: Người vừa giảng dạy trong Hội đường Do Thái và cứu chữa một người bị quỉ ám xong, Người vừa mới đi ra thì hay tin bà nhạc mẫu của Phêrô đang sốt nặng. Lập tức, Người liền đến nhà bà ấy và chữa lành cho bà. Rồi cũng liền sau đó có cả đám đông đang tụ họp trước cửa nhà, trong đó có nhiều người đau bệnh, cần tới Chúa Giêsu chữa trị. Mãi cho đến chiều tối Người mới có thời giờ nghỉ ngơi.
Chúng ta đã thấy đó, Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn phải làm việc vất vả từ sáng đến chiều tối. Người không phải làm việc để có lợi cho bản thân mình, nhưng Người làm việc để giúp đỡ cho người khác. Người không những chữa lành, là lo cho họ phần xác mà còn lo về phần thiêng liêng, là rao giảng, dạy dỗ cho họ, cứu giúp linh hồn người ta. Qua công việc đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của công việc lao động: lao động là cần thiết, lao động là bổn phận của mọi người, lao động chẳng những giúp ích cho bản thân mà còn giúp đỡ cho tha nhân, lao động sinh ích lợi cho cả phần xác lẫn phần hồn nữa.
Từ các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay vạch ra cho chúng ta thấy phương hướng sống:
Trước các công việc làm, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những công việc lao động của chúng ta.
Chúng ta hãy xin Chúa chúc phúc cho công việc chúng ta làm. Khi làm việc chúng ta ý thức mình làm vì sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi tha nhân
Xin Chúa cho chúng ta có sức khỏe thể xác và tinh thần để ta hoàn thành công việc cách tốt đẹp
Xin Chúa cho chúng ta biết sống hết mình và làm việc hết mình vì lòng mến Chúa, để góp phần cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ. Và xin Chúa nâng đỡ những công lao vất vả của chúng ta. Amen.
CÂU CHUYỆN MINH HỌA VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN
Vào cuối thế kỷ 19, nhà hoạt động nổi tiếng người pháp tên Frédéric Ozanam, đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin rất là nghiêm trọng. Một hôm,để tìm chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi nhà thờ ở Paris. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện một cách sốt sắng ở hàng ghế đầu. Anh đứng lặng lẽ trong góc Nhà Thờ theo dõi cử chỉ của người này. Và khi người này vừa đứng lên để ra khỏi Nhà Thờ, thì anh nhận ra ngay đó chính là nhà bác học Pascal. Lòng đầy thắc mắc, anh theo nhà bác học về đến phòng làm việc của ông. Thấy anh đứng trước cửa phòng với vẻ rụt rè, nhà bác học lên tiếng hỏi:
Bạn đang cần gì? Tôi có thể giúp bạn giải một bài toán vật lý phải không? Chàng ta đáp: Thưa ông, tôi là sinh viên khoa văn, tôi dốt khoa học lắm. nhưng xin ông cho tôi hỏi một vấn đề đến đức tin.
Nhà Bác học trả lời:Đức tin là môn tôi yếu nhất. Nhưng nếu giúp anh được việc gì tôi sẳn sàng. Thưa ông có thể vừa là bác học vĩ đại vừa là tín hữu nhiệt thành cầu nguyện không?
Nhà Bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh. Ông ta trả lời: Anh ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện thôi.
Nhà bác học kiêm triết gia nổi tiếng Pascal nói một câu rất thời danh: " con người chỉ vĩ đại khi họ cầu nguyện".
Vậy cầu nguyện tức là thiết lập mối tương quan mật thiết với Chúa. Sự cầu nguyện làm cho con người vĩ đại vì nó thể hiện đúng đắn đạo làm người. Sự cầu nguyện làm cho con người nhìn thấy những giá trị của chính mình, thấy những yếu đuối, bất toàn trong đời sống của mình. Biết mình bởi đâu mà có, biết mình sống để làm gì, biết mình sẽ đi về đâu và biết mình phải sống làm sao cho tốt đẹp!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam