Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1378921

LÀM CHỨNG

Làm chứng.

Trước khi xa rời các tông đồ, Đức Giêsu đã ủy thác cho họ việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới. Người còn hứa gửi Chúa Thánh Thần đến với họ, để giúp đỡ họ thực hiện được sứ vụ đó. Ngày nay, công việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới tùy thuộc vào chúng ta. Đây là một đặc ân vĩ đại, nhưng cũng là một công việc dễ làm nản lòng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Cách thế tốt nhất để rao giảng Tin Mừng chính là bằng cách sống đời sống Kitô hữu. Một câu hỏi mà mỗi người chúng ta đều có thể tự hỏi là: Nếu trở thành người Kitô hữu là một tội ác, và tôi bị thử thách, thì liệu có thể tìm ra đủ chứng cứ trong cuộc sống của tôi, để làm cho tôi nhận thấy rõ sự sai lầm không?

 

Christopher là một Kitô hữu ngoan đạo. Anh không bao giờ bỏ lễ ngày Chúa nhật. Anh sống cùng với gia đình trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, tại một khu vực hiện đại của thành phố. Với sức khỏe tốt, một công việc an toàn, có thu nhập cao, anh cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.

 

Tuy nhiên, có một điều làm cho anh bận tâm, liên quan đến người hàng xóm bên cạnh nhà anh. Đó là một người tự nhận mình là vô thần, và không bao giờ đến nhà thờ. Với tư cách là Kitô hữu, Christopher cảm thấy rằng anh có trách nhiệm trong việc cố gắng cải tạo người hàng xóm đó. Nhưng anh phải làm việc này như thế nào đây? Trong nhiều dịp nói chuyện với người đó, anh đã đưa đề tài tôn giáo ra một cách hết sức tích cực có thể được. Than ôi, anh chẳng đi đến đâu cả. Thế rồi một ngày kia, anh nảy ra một sáng kiến. Nếu anh chỉ làm sao cho người hàng xóm đó đọc được Tin Mừng, thì chắc chắn là anh thành công rồi. Ai có thể không được Tin Mừng lay chuyển? Vấn đề duy nhất là làm thế nào để gửi cho anh ta bản sao của sách Tin Mừng. Anh có thể gõ cửa nhà anh ta, và đưa tận tay cuốn sách đó. Nhưng chắc hẳn điều đó sẽ gây khó chịu cho anh ta. Anh phải tìm một cách nào tế nhị hơn. Vậy anh nên làm gì đây? Anh gửi cho anh ta một cuốn bản sao của sách Tin Mừng, mà không để tên người gửi. Sau khi làm công việc này, anh chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Nhiều ngày trôi qua, không có gì xảy ra cả. Không hề có một dấu hiệu nhỏ nhoi nào chứng tỏ rằng người hàng xóm đó đã đọc được ánh sáng Tin Mừng. Hai tuần sau, vợ của Christopher có dịp sang thăm nhà bên cạnh. Khi trở về, chị nói với chồng “Anh có biết gì về cuốn bản sao của sách Tin Mừng, mà anh đã gửi cho anh ta không?”

 

“Sao thế?” “Cuốn sách đó nằm trong thùng rác rồi!”. Christopher phẫn nộ. Quẳng sách Tin Mừng vào thùng rác là một việc không phải chút nào. Anh đi sang nhà bên cạnh, và khi đi ngang qua thùng rác, anh đã nhặt cuốn sách đó lên. Anh nói với người hàng xóm “Tôi hy vọng rằng tôi không xâm phạm gì đến anh. Nhưng tôi nhìn thấy cuốn sách này trong thùng rác của anh. Anh biết không, nếu anh chỉ đọc cuốn sách này thôi, thì anh có thể tìm thấy Thiên Chúa”.

 

Người kia trả lời một cách đáng ngạc nhiên: “Nhưng tôi đã đọc cuốn sách đó rồi. Mỗi ngày tôi đều đọc đấy chứ”. Christopher  nói: “Tôi không hiểu gì cả”. “Anh là một người tín hữu phải không?” “Đúng vậy. Mà tại sao anh lại hỏi tôi như thế?” “À, trong suốt 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh”.Câu chuyện kết thúc ở đây. Có một bài viết ngắn về điều này: “Tôi là cuốn sách Kinh Thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi. Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi, ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố. Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi. Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh Thánh qua cuộc đời của tôi”.

 


 

18. Kêu gọi.

Lần kia, một nhà lãnh đạo tinh thần gọi sáu môn đệ của ông lại, và nói “Anh em hãy ra đi và kêu gọi các môn đệ”. Cả sáu người đó liền ra đi ngay tức khắc. Thời gian trôi qua, từng người một đều trở về.

 

Người thứ nhất trở về cùng với 500 môn đệ. Nhà lãnh đạo hỏi “Anh xoay xở cách nào mà có được quá nhiều môn đệ vậy?” Người môn đệ kia thưa “Con đã đi đến giữa những khu vực có nhiều người nghèo khổ hơn. Ở đó, con nhận thấy có những người đau khổ, nghèo nàn và nhiều thèm muốn. Con hứa với họ rằng chúng ta sẽ chăm sóc tất cả các nhu cầu của họ”. Nhà lãnh đạo nói “Ta hiểu”.

 

Người thứ hai trở về với 400 môn đệ. Nhà lãnh đạo hỏi “Anh đã áp dụng phương pháp nào vậy?” Người đó trả lời “Con nói với họ về nước trời và phần thưởng lớn lao đang chờ đợi ở đó, dành cho những ai đi theo đường lối của chúng ta”. Nhà lãnh đạo nói “Ta hiểu”.

 

Người thứ ba trở về với 300 môn đệ. Nhà lãnh đạo hỏi “Anh đã áp dụng phương pháp nào vậy?” Người đó trả lời “Con không hề thuyết phục gì cả. Con chỉ nói với họ rằng họ sẽ bị sa hỏa ngục, trừ phi họ đi theo đường lối của chúng ta. Nhưng điều này vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được họ, cho đến khi con làm một phép lạ. Con nguyền rủa một con chó điên, và nó chết lăn ra. Phép lạ này đã chinh phục họ”. Nhà lãnh đạo nói “Ta hiểu”.

 

Người thứ tư trở về với 200 môn đệ. Nhà lãnh đạo hỏi “Anh đã áp dụng phương pháp nào vậy?”Người đó trả lời “Con quyết định đi đến giữa những kẻ vô giáo dục và có cuộc sống giản dị. Con đã thuyết phục họ bằng những lý lẽ. Con làm cho họ bị mờ mắt bằng kiến thức của mình”. Nhà lãnh đạo nói “Ta hiểu”.

Người thứ năm trở về với 100 môn đệ. Nhà lãnh đạo hỏi “Anh đã áp dụng phương pháp nào vậy?” Người đó trả lời “Con đến với giới trẻ. Con nói với họ về đường lối của chúng ta. Thế rồi con điều khiển họ một cách đơn giản, và kết quả là đây. Họ đang đứng chung quanh, chờ đợi người lãnh đạo. Nếu con không đến với họ, thì có một số vị cứu tinh khác sẽ đến chinh phục họ và khai thác họ”. Nhà lãnh đạo nói “Ta hiểu”.

 

Cuối cùng, người thứ sáu trở về, chỉ với 12 môn đệ. Nhà lãnh đạo hỏi “Điều gì đã giữ chân anh lại lâu như vậy?” Người đó đáp “Con không có khả năng gieo hạt giống ngay tức khắc được. Không thể nào gieo giống vào giữa mùa đông. Phải đợi cho đến khi tuyết tan và mặt đất trở nên mềm mại. Vì thế, con cứ chờ đợi. Trong khi chờ đợi, con kết bạn với họ, con cố gắng đưa ra cho họ một ví dụ về đường lối của chúng ta, bằng lối sống mà con đã sống. “Trong khi đang chia sẻ cuộc sống của họ, con phát hiện ra rằng tự do rất quan trọng. Khi tước đoạt tự do khỏi họ, sẽ làm xói mòn nhân phẩm của họ, và làm giảm rất nhiều giá trị nơi quyết định của họ, trong việc họ đồng ý đi theo chúng ta. Con cũng học hỏi được một số điều khác về họ. Con được biết rằng họ là những người rất quảng đại và không ngại hy sinh. Con nói với họ về cái giá của việc trở thành người môn đệ, nhưng con nhấn mạnh vào điều tốt đẹp mà với tư cách là môn đệ, họ có thể làm cho người khác và cho Thiên Chúa. Dường như điều này gây ấn tượng nơi họ. Tuy nhiên, đến lúc phải quyết định, thì chỉ có 12 người đồng ý đến với con mà thôi”.

 

Nhà lãnh đạo đã khen người môn đệ cuối cùng. Năm người đầu tiên khơi gợi sự yếu đuối và sợ hãi của con người. Thật dễ dàng trong việc khai thác nỗi sợ hãi của con người và lôi kéo họ. Nhưng điều này can thiệp vào sự tự do của họ, và vì thế, hủy hoại sự bằng lòng theo Chúa nơi họ. Người thứ sáu khơi gợi sức mạnh của họ. Anh kết bạn với họ, và cố gắng chinh phục họ bằng ví dụ.

 

Đó là điều mà đạo Công giáo thực hiện. Đây là một phương pháp chậm chạp hơn và khó khăn hơn, nhưng cuối cùng những người nào cải tạo sẽ được bén rễ sâu xa hơn. và sẽ được ủy thác nhiều hơn trong việc đi theo đường lối mới.

 


 

19. Tầm nhìn.

Người ta trình bày Đức Giêsu từ đỉnh núi Ô-Liu mà lên trời. Ngọn núi là một nơi chốn của tầm nhìn. Trên đỉnh núi, bằng cách này hay bằng cách khác, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta cảm thấy mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

Người ta kể một câu chuyện về người đàn ông đã sống trọn cuộc sống của mình trong khu rừng thưa. Khoảng rừng thưa đó chỉ rộng độ 100 mét Anh, và được bao bọc bằng nhiều cây cối. Thế giới của người đàn ông đó cực kỳ khép kín. Ông có rất ít khái niệm về không gian hoặc khoảng cách. Trong một thế giới như vậy, ngay cả những đối tượng tương đối nhỏ bé, vẫn có vẻ rộng lớn hơn cả cuộc sống, bởi vì sự gần gũi của con người đối với chúng. Ngày kia, có một người khai thác rừng đưa người đàn ông đó ra khỏi khu rừng, và dẫn ông ta đi lên đỉnh núi. Người đó có thể quan sát hết tất cả khoảng không gian rộng mở tồn tại bên ngoài khu rừng, sự mênh mông của bầu trời, và sự rộng lớn của đường chân trời. Ông ta kinh ngạc khi phát hiện ra có một thế giới tồn tại ở một nơi không hề có cây cối và có rất ít thực vật như vậy. Ông ta giống như một đứa trẻ lúc đang được phấn khích vậy. Ông quá đỗi vui mừng, đến nỗi chỉ mong muốn được ở lại đó mà thôi. Nhưng tất nhiên là ông ta phải trở về với cái thế giới nhỏ bé, khép kín, chật hẹp của mình. Tuy nhiên, không bao giờ ông quên được cuộc thăm viếng của mình tại đỉnh núi. Điều này để lại cho ông một hiệu quả tuyệt vời, giúp cho ông có được một tầm nhìn rộng rãi hơn về cuộc sống, đặc biệt khi các sự việc trở nên quá nhiều đối với ông, và thế giới đang khép lại trên ông ta.

 

Khi đến lúc sắp rời khỏi thế gian này, thì Đức Giêsu dẫn các tông đồ lên đỉnh núi Ô-liu. Người đang trở lại với Cha của Người. Người đang đi đến vinh quang. Trong khi lên trời, Người ngước mắt lên, hướng về nơi mà Người đang đi tới. Nhưng Người cũng hướng cặp mắt của Người ra bên ngoài. Người chỉ cho các tông đồ rằng có một thế giới vĩ đại đang chờ đợi được lắng nghe Tin Mừng. Người giao phó cho họ công việc đem Tin Mừng đến với thế giới rộng lớn đó, và hứa gửi Chúa Thánh Thần đến hỗ trợ cho họ trong công việc này. Các tông đồ quá thích thú phong cảnh trên núi, đến nỗi họ chỉ muốn được ở lại đó. Nhưng có một giọng nói kêu gọi họ trở về với thực tại “Hỡi người Galilê, tại sao các ngươi còn đứng đây nhìn lên trời?”. Mặc dù phải trở lại với thế giới thật, thì cuộc sống của họ sẽ không bao giờ như cũ nữa.

 

Ngày lễ này nói nhiều về Đức Giêsu. Sự lên trời của Người chứng tỏ cho chúng ta thấy được mục đích của cuộc hành trình dương thế của chúng ta ở đâu. Đây là một mục đích mà một số phận, thậm chí lại còn thách đố cả óc tưởng tượng của chúng ta nữa. Điều này đem đến cho chúng ta một tầm nhìn mới mẻ và rộng rãi hơn, thúc đẩy những chân trời của chúng ta vượt ra ngoài các biên giới của thế giới này, mang lại một chiều kích vĩnh cửu cho cuộc sống của chúng ta. Đức Giêsu trở lại với nguồn gốc, Alpha và Omêga. Đây là ý nghĩa Sự Lên Trời của Người. Đây không phải là một cuộc hành trình đi vào không gian, mà là một cuộc hành trình trở về nhà Cha. Sự lên trời của Người không nói lên việc Người rời khỏi mặt đất, nhưng lại chứng tỏ sự hiện diện liên lỉ của Người ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Trong suốt sứ vụ tại thế của Đức Giêsu, trong một thời điểm, Người chỉ có thể ở tại một nơi mà thôi. Nhưng bây giờ, do đã được kết hợp với Thiên Chúa, Người có thể hiện diện tại bất cứ nơi đâu có Thiên Chúa hiện diện, nghĩa là ở tất cả mọi nơi.

 

Chúng ta sống trong hy vọng rằng những lời nói của Đức Giêsu sẽ trở thành hiện thực đối với chúng ta: “Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ được ở đó”. Trong khi chờ đợi, chúng ta có một công việc phải thực hiện: rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Người trong thế giới này.


 

20. Hành trình.

Sách Tông đồ Công vụ kể rằng khi Đức Giêsu từ từ lên trời thì các môn đệ ngước mắt trông theo, và cứ ngây ngất đứng nhìn về trời như thế, mãi cho đến khi có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc cho các ông thì các ông mới hoàn hồn trở lại. Tại sao các môn đệ ngây ngất như vậy? Chắc hẳn là vì cảnh thiên đàng rất là hấp dẫn.

·         Cũng như một lần kia, ba tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê cũng được thoáng thấy một chút vinh quang thiên đàng khi Đức Giêsu biến hình trên núi. Ba ông đó cũng say sưa ngây ngất đến nỗi xin Chúa cho mình cất lều ở lại mãi trên ngọn núi đó.

·         Còn thánh Phaolô sau khi được Chúa cho ngất trí chiêm ngưỡng cảnh thiên đàng trong một khoảng khắc ngắn ngủi, đã mô tả lại kinh nghiệm ấy trong bức thư II gửi tín hữu Côrintô như sau “Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe…”

·         Ở Lộ Đức năm 1858, một người từ trời xuống là Đức Mẹ Maria đã hiện ra cho thánh nữ Bernadette. Sau đó thánh nữ đi tu. Một lần kia có một em bé đơn sơ hỏi thánh nữ “Thưa ma sơ, ma sơ đã được thấy Đức Mẹ, chắc là Đức Mẹ đẹp lắm nhỉ?” Thánh nữ trả lời với em bé bằng một lời diễn tả cũng rất đơn sơ “Đẹp lắm con ạ, đẹp đến nỗi ai đã thấy được một lần thì chỉ mong chết để lại được thấy nữa”.

·         Còn ở Fatima năm 1917, Đức Mẹ hiện ra cho ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta. Ba em đó cũng đơn sơ hỏi Đức Mẹ “Thưa Bà, Bà ở đâu đến vậy?” Đức Mẹ đưa tay lên cao và nói “Từ trời xuống”. Ba em liền xin “Vậy xin Bà cho chúng con cũng được lên trời đi”. Đức Mẹ mỉm cười đáp “Phanxicô và Giaxinta thì Ta sẽ cho về trời trong một ngày gần đây; còn Lucia thì hãy chịu khó ở lại trần thế này một khoảng thời gian nữa. Kể từ ngày đó hai em kia lúc nào cũng mơ ước tới ngày được lên trời. Dù sắp chết hai em cũng chẳng chút lo sợ, lại còn mừng vì mình sắp được lên trời.

 

Đó là một vài tia sáng yếu ớt giúp chúng ta thoáng thấy một phần nào cảnh tượng thiên đàng. Những chứng nhân vừa kể chỉ thoáng thấy một vài tia sáng yếu ớt ấy là đã say sưa ngây ngất, chỉ muốn sớm chết đi để được hưởng thiên đàng, huống chi khi thực sự hưởng thiên đàng và hưởng trọn vẹn còn hạnh phúc ngất ngây đến chừng nào!

 

Khi về trời, Đức Giêsu đã hứa rằng Ngài về trời là để dọn chỗ cho chúng ta, thiên đàng hạnh phúc vô biên ấy sẽ là quê hương vĩnh viễn của chúng ta. Thế nhưng không phải vì quê hương vĩnh viễn ấy của chúng ta hạnh phúc vô biên mà ta chỉ biết ngóng trông quê trời và sao lãng nhiệm vụ ở trần thế. Tất cả những chứng nhân vừa kể trên, sau một thoáng giây chiêm ngưỡng thiên đàng đều được nhắc nhở phải trở lại với nhiệm vụ trần thế:

·         Hai thiên thần đã hiện ra từ đám mây nhắc nhở các môn đệ “Hỡi những người xứ Galilê sao còn mải mê đứng đó nhìn trời, hãy trở lại Giêrusalem và bắt đầu nhiệm vụrao giảng Tin Mừng mà Chúa đã giao phó…”

·         Còn ba ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, sau những giây phút say sưa trên núi Tabôrê, đã được Chúa thức tỉnh dẫn xuống núi để tiếp tục nhiệm vụ.

·         Thánh nữ Bernadette, cũng như nữ tu Luxia sau khi được nhìn thấy Đức Mẹ thì được Đức Mẹ giao nhiệm vụ ở trần gian, Đức Mẹ còn cho biết trước; chúng con sẽ phải đau khổ nhiều.

Nghĩa là làm sao? Nghĩa là: Thiên đàng là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, nhưng trần thế chính là con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó. Chỉ đứng đó mà ngóng nhìn thiên đàng thì có lẽ không bao giờ ta tới thiên đàng được. Muốn tới được thiên đàng thì trước hết phải đi hết con đường dương thế bằng cách chu toàn những nhiệm vụ của mình ở đời này. Trong khi chờ đợi tới ngày hưởng phúc thiên đàng, chúng ta vẫn còn phải tiếp tục sống ở trần gian này. Mà trần gian thì vẫn còn biết bao đau khổ: Khổ về vật chất như nghèo đói, bệnh tật; khổ về tinh thần như ganh ghét hận thù đố kị nhau. Mà nguồn gốc của tất cả những khổ sở vật chất và tinh thần ấy là vì người ta còn tội lỗi, người ta còn chưa thực hành theo những lời Chúa dạy. Chuẩn bị đi về quê trời là hết sức cố gắng góp phần xóa đi bớt những đau khổ đó ở trần gian như: chia sớt cho những người túng thiếu, chăm sóc những kẻ bệnh tật, ủi an những người đau khổ, hòa giải những kẻ bất thuận với nhau, giúp cho người ta tránh bớt tội lỗi, làm cho người ta biết Chúa và thực hành những lời Chúa dạy. “Hỡi những người xứ Galilê, sao còn cứ đứng đó mải nhìn trời…” Khi các thiên thần nhắc cho các môn đệ trở về với nhiệm vụ hằng ngày, thì cũng là nhắc các ông làm những việc vừa kể trên. Những việc đó chính là nội dung của việc rao giảng Tin Mừng mà Đức Giêsu cũng đã căn dặn một lần nữa cho các môn đệ trước khi Người về trời “Chúng con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho nhân loại”.

 

Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta đã để ra ít phút ngước nhìn lên quê trời để nhìn ngắm hạnh phúc vô biên mà Chúa sẽ ban cho chúng ta. Những phút đó thật là quý giá, là niềm vui, là nguồn an ủi, là sự khích lệ cho chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không thụ động mải mê chiêm ngắm hạnh phúc tương lai ấy. “Hỡi những người xứ Galilê, sao còn đứng mải nhìn trời…” Chúa nhắc chúng ta hãy quay về với bổn phận của chúng ta trong cuộc hành trình nơi dương thế: Làm cho cuộc đời này bớt đau khổ hơn, giúp cho người đời biết thương nhau hơn, và góp phần cho cuộc sống này tươi đẹp hơn. Đó chính là bổn phận hiện tại của chúng ta trong khi chờ đến ngày ta được về quê trời hưởng hạnh phúc vô cùng với Chúa.

 


 

home Mục lục Lưu trữ