Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1379219
LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA
LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA– Suy niệm Đức cố GM. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Chúa nhật hôm nay đáng gọi là là ngày phấn khởi và hy vọng. Bài sách Ezekiel cho chúng ta thấy một nhánh cây đã được trồng và mọc lên trở thành bá hương oai lẫm. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Yêsu kể cho chúng ta nghe câu truyện hạt giống gieo xuống đất âm thầm mọc lên một cách tự nhiên nhưng chắc chắn. Và nhất là chúng ta phải bỡ ngỡ khi thấy hạt cải nhỏ bé nhất trong mọi thứ hạt mà lớn cao đến nỗi “chim trời có thể nương náu dưới bóng nó”.
Những dụ ngôn và ví dụ ấy muốn nói gì với chúng ta về đời sống đạo đức? Có phải Lời Chúa hôm nay muốn khuyên chúng ta phấn khởi nhìn về tương lai, như thánh Phaolô nói trong bài thư không? Chắc chắn cả ba bài đọc đều phong phú, chúng ta không nên tổng hợp mau lẹ.
Nhánh cây bá hương
Bài sách Ezekiel đưa chúng ta trở về thời lưu đày của dân Dothái cách đây những 2,600 năm. Nhà tiên tri cũng ở trong số đám dân lưu lạc. Ông có chức tư tế nên càng thấm thía cảnh sống xa Đền thờ. Mọi nhân tố bên ngoài cho thấy chẳng còn hy vọng nào nữa cho đám người lưu vong này trở về quê cũ. Các tin tức bên nhà cho biết quê hương điêu tàn ngày nay đã có người khác đến ở. Họ không thờ Yavê và chẳng biết gì Luật pháp Môsê. Còn dân lưu đày, lúc đầu còn nhớ quê hương và noi giữ phong tục tổ tiên; nhưng dần dần đã muốn đồng hóa với dân ngoại, xây dựng cơ sở làm ăn và chẳng thiết gì việc trở về quê cũ nữa. Như vậy mọi lời hứa của Thiên Chúa Israel đã trở nên hão huyền sao? Người bỏ hẳn Dân được tuyển mãi ư? Niềm tin của những người chân chính như Ezekiel làm sao chịu được những ý nghĩ như vậy?
Nhưng cũng không vì vậy mà có thể lấy ước mơ làm sự thật. Thời gian đã cho thấy mọi kiểu mơ ước như vậy thật hão huyền và tai hại. Sấm ngôn của các tiên tri thì khác hẳn. Những người này không nói theo ước mơ của những kẻ bất lực và tuyệt vọng. Họ tuyên bố những điều phi thường nhân danh Thiên Chúa. Họ rất tỉnh và sáng suốt. Họ biết mình đang nói những điều không trí óc loài người nào nghĩ ra được. Họ chỉ tuyên bố những điều Chúa phán dạy.
Hôm nay Người nói qua miệng Ezekiel. Ông đến với đám dân lưu lạc không còn gì hy vọng. Ông nói với họ rằng: Chúa phán như sau. Người sẽ ngắt một nhánh trên ngọn bá hương cao ngất và đem trồng trên sơn lĩnh vòi vọi của Israel. Nó sẽ mang lá, sinh hoa và trở thành bá hương oai lẫm. Thú vật và chim trời sẽ đến núp bóng nó. Hơn nữa, người ta sẽ thấy nó vươn cao lên, đang khi cây gốc trước kia của nó sẽ cụp xuống và khô héo đi.
Thiên Chúa muốn nói gì vậy? Đám dân lưu đày thời bấy giờ đã hiểu ngay ý nghĩa. Ta có thể nhìn thấy mắt họ sáng lên và chân tay hồi sinh. Có thật như vậy không, bấy giờ họ hỏi nhau. Chúa đã dùng lời lẽ của loài người để nói với họ. Người mượn lại các quan niệm của họ quen sánh ví các dân tộc và các bậc vĩ nhân như các cây to lớn như giống bá hương. Do đó ở đây Lời Chúa muốn nói rằng, Người sẽ lấy một người hoặc một số ít người trên đất Babylon rộng lớn, vĩ đại này đem về trồng ở Israel. Tức là Người sẽ cho thiểu số dân lưu vong này được trở về Hứa Địa. Hơn nữa, nhóm dân nhỏ bé sẽ mang lá mang cành, mang hoa mang trái, trở thành cây bá hương oai lẫm, đang khi Babylon sẽ suy tàn héo hắt.
Rõ ràng phải hiểu Lời Chúa như vậy. Văn chương thời bấy giờ bắt phải cắt nghĩa như thế. Lời tiên tri hôm nay khẳng định Dân Chúa sẽ được hồi hương. Họ sẽ hồi sinh, họ sẽ trở thành chỗ tựa cho thú vật và chim trời tức là cho mọi thứ sinh linh. Đang khi ấy kẻ chiến thắng của họ trước đây sẽ bị quật xuống. Cây tươi (bây giờ) sẽ thành khô héo; và cây héo khô (lúc này) sẽ đâm chồi nẩn mầm. Vì chỉ có Thiên Chúa làm được như thế. Người hứa sẽ làm như vậy. Dân Chúa không thể nhận được lời hứa nào to lớn hơn. Tương lai quá sức huy hoàng. Mọi người phải phấn khởi. Tất cả phải hồi sinh. Hy vọng quá đỗi lớn lao!
Có chăng chỉ còn một thắc mắc: nhánh bá hương được Thiên Chúa ngắt và đem trồng trên Núi thánh Israel, là ai? Là một cá nhân được Thiên Chúa dùng để dựng lại nhà Đavít? Hoặc là cả thiểu số còn sót lại trong cuộc lưu đày sẽ được hồi hương và xây lại Dân Chúa? Bản văn không rõ ràng. Và lịch sử sau đó cho thấy, không phải một người nào -ngay cả trong hoàng tộc- đã dựng lại được cơ đồ cho Israel. Những người có công lớn trong việc trùng tu xứ sở như Ezra và Nêhêmya, cũng không đáng được coi như nhánh bá hương đã được ngắt từ Babylon đem về. Nhưng cũng không hoàn toàn đúng khi chúng ta hiểu nhánh cây lựa ấy ám chỉ toàn thể những con người hồi hương xây dựng lại Đất Hứa. Trước mắt thì đúng, vì công cuộc tái thiết quê hương là thành quả của cả dân còn sót lại sau thử thách lưu đày. Nhưng bảo rằng công việc của họ đã vươn lên trở thành bá hương oai lẫm khiến thú vật, chim trời đến núp bóng, tưởng không đúng với lịch sử. Israel sau lưu đày chẳng lúc nào được hoàn toàn quang vinh. Ngược lại, Dân Chúa lại mau chóng rơi vào lầm than khổ sở rồi lại bị ngoại bang đô hộ.
Như vậy lời sấm của Ezekiel đã đúng, nhưng chưa thực hiện hoàn toàn. Cây khô là Israel lưu đày có lúc đã được tươi tỉnh lại. Tuy nhiên người ta còn phải chờ xem khi nào cây mọc trên sơn lĩnh vòi vọi của Israel mới thật sự trở thành bá hương oai lẫm. Ngày nay nhờ đức tin chúng ta biết mọi lời tiên tri của Cựu Ước phải chờ thời Tân Ước mới hoàn thành. Và nhánh cây ưu tuyển mà Thiên Chúa lựa chọn trong Cựu Ước sẽ là một thực tại Tân Ước. Nó có phải là hạt giống và là hạt cải nói trong bài Tin Mừng hôm nay không? Chúng ta cứ thử tìm hiểu.
Hai dụ ngôn về hạt giống và hạt cải
Thoạt đầu, không ai thấy ngay có nét giống nhau nào giữa nhánh cây bá hương trong sách Ezekiel và dụ ngôn hạt giống. Tuy nhiên đọc lại người ta thấy bài Tin Mừng khẳng định: về Nước Thiên Chúa thì giống như khi người kia gieo giống xuống đất; dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ nảy mầm, lớn lên… cho đến lúc có hạt chắc, đợi đến mùa sẽ tra liềm hái.
Khi kể dụ ngôn này, Chúa Yêsu muốn nói đến tương lai chắc chắn của Nước Thiên Chúa. Người gieo có thức hay ngủ, ban đêm hay ban ngày, hạt giống vẫn cứ mọc lên cho đến ngày mang hạt chắc, sẵn sàng cho mùa gặt hái. Nói cách khác Nước Thiên Chúa sẽ lớn lên và đi đến chỗ thành tựu như Thiên Chúa đã dự định, dường như bất kể thái độ của con người. Đó là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Và Thiên Chúa đã dự định thế nào thì sẽ xảy ra như vậy.
Do đó ở đây cũng không khác trong sách Ezekiel: chính Yavê đã nói và sẽ làm. Người làm những việc không ai mường tượng được. Cây tươi, Người cho héo; cây héo, Người cho đâm chồi. Vậy nếu lời sấm của Ezekiel đã hồi sinh những tâm hồn héo hắt trong đám dân lưu đày, đem tin tưởng phấn khởi lại cho những kẻ đang rã rời, thì dụ ngôn hạt giống cũng muốn đem đến cho những người trong thời đại Tân Ước một niềm tin tương tự. Nhiều khi họ không tự hỏi về tương lai Nước Thiên Chúa và của Hội Thánh sao? Những hiện tượng bên ngoài lắm lúc khiến người ta phải tự hỏi: Nước Thiên Chúa đâu rồi? Ước gì những lúc ấy lại tự hỏi cũng nhận được câu trả lời của bài Tin Mừng hôm nay: hạt giống Nước Thiên Chúa đã gieo xuống rồi thì dù con người ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, nó vẫn một mực nảy mầm lớn lên như Thiên Chúa đã dự liệu. Mùa gặt sẽ đến, ngày tận thếsẽ xảy ra. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu trong vinh quang.
Nhưng bài Tin Mừng hôm nay còn ví Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất nó nhỏ tí; nhưng đã gieo xuống rồi nó mọc thành to lớn đến nỗi chim trời có thể nương náu dưới bóng nó. Chúng ta thấy dụ ngôn này gần với bài sách Ezekiel hơn. Như một nhánh bá hương ngắt trên đỉnh cao của cây bá hương to lớn, đã lớn lên thành bá hương oai lẫm, hạt cải nhỏ xíu ở đây khi gieo xuống bé hơn mọi thứ hạt; nhưng lớn lên nó to lớn hơn mọi thứ rau. Tương lai Nước Thiên Chúa cũng như vậy. Khởi sự nhỏ mọn thôi, nhưng rồi sẽ trở nên nơi nương tựa cho mọi người được cứu chuộc.
Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh như vậy, chúng ta chưa thấy vẻ đặc sắc của bài Tin Mừng. Có thể bảo bài sách Ezekiel còn phấn khởi và “hùng vĩ” hơn. Nhà tiên tri nói đến cây bá hương, trên đỉnh cao chót vót của núi đồi Israel. Ở đây, Chúa Yêsu lấy ví dụ hạt giống và hạt cải, không to lớn bằng. Ấy cũng do điều này mà nhiều người Dothái đã không muốn đón nhận ngay giáo lý của Đức Yêsu. Người ta thấy Người giảng dạy có uy quyền; nhưng những điều Người hé mở cho thấy lại không có vẻ hùng vĩ, oai lẫm. Người ví Nước Trời như hạt giống, hạt cải, hoặc như lưới vét và như men trong bột… Cách thức Người sống cũng không hứa hẹn phong cách triều đình. Nhất là những kẻ đi theo Người hầu hết là kẻ nghèo và thứ dân. Người Dothái ao ước Vị Thiên Sai phải lớn hơn các tiên tri và thời đại của Người sẽ cho thấy một nước Dothái bá quyền. Như vậy Người có thực hiện các lời tiên tri không? Cụ thể bài Tin Mừng hôm nay có giải đáp thắc mắc còn lại của bài sách Ezekiel không?
Đức tin khiến chúng ta trả lời không do dự. Ezekiel báo trước thời cực thịnh của Dân Chúa. Khi những người lưu đày trở về xây lại Israel, thì lời sấm của nhà tiên tri đã khởi sự thực hiện. Nhưng nó chỉ kiện toàn khi Đức Yêsu Kitô là mầm non của nhà Đavít đã trở nên thân nho ưu tuyển mà bất cứ kẻ nào muốn được cứu vớt cũng phải đến kết hiệp như cành phải gắn vào thân cây. Và Đức Yêsu Kitô Cứu thế hiện nay ở giữa chúng ta cũng là Hội Thánh mà Người đã thiết lập. Đó là dân Mới của Thiên Chúa. Dân đâm chồi trên cây héo là Israel xưa. Dân Mới khởi sự là một nhóm nhỏ, bé như hạt cải, thua mọi thứ hạt; nhưng đang lớn lên thành nơi cho chim trời đến nương bóng. Hội Thánh của Thiên Chúa sẽ thành tựu trong Thiên Chúa, sau khi trời đất này và mọi sự trong đó sẽ qua đi. Lúc đó lời sách Ezekiel mới hoàn toàn thực hiện. Bấy giờ người ta mới thấy rõ Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa. Chính Người hướng dẫn lịch sử Hội Thánh chứ không phải con người; Hội Thánh lớn lên ban ngày # ban đêm, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử loài người.
Qua bài Tin Mừng chúng ta còn nhận thấy nhiều hơn những điều Ezekiel muốn nói. Nhà tiên tri loan tin phấn khởi, nhưng có lẽ ông chưa cho người nghe thấy có thể cộng tác vào công trình của Chúa. Ông rao giảng một niềm tin chờ đợi. Còn Chúa Yêsu, trong khi kể dụ ngôn hạt giống và hạt cải, muốn cho người nghe phải tích cực hơn nhiều. Hạt giống gieo xuống, mọc lên, trổ bông, đậu quả, chờ đợi ngày gặt lúa, là hình ảnh Nước Thiên Chúa mà Đức Yêsu đang rao giảng. Thính giả của Người phải kiên trì. Đừng muốn có những kết quả thành tựu ngay. Phải chờ ngày gặt, mà theo Thánh Kinh, cũng là ngày Thiên Chúa xét xử. Như vậy thời gian trở nên giá trị. Đây là lúc Thiên Chúa có thể nói với người đã gieo xong. Người để cho các sự việc diễn tiến theo định luật của chúng. Ngày tận thế Người mới sai các thiên thần của Người tra liềm gặt hái: thóc sẽ được thu vào lẫm, cỏ sẽ bị đốt cháy trong khóc lóc nghiến răng. Và như vậy, đây cũng là thời gian để con người làm lành lánh dữ, xây dựng hay phá hoại hạnh phúc sau này.
Hơn nữa hạt giống Nước Thiên Chúa lại chỉ như một hạt cải. Nhưng nó sẽ thành cây rau lớn. Đức Yêsu và công việc của Người bề ngoài người ta chỉ thấy nhỏ mọn thôi, nhưng đừng vì vậy mà coi thường và không đón nhận. Phúc cho những ai không bị xúc phạm vì Người và cách sống của Người. Những kẻ không muốn trở nên bé nhỏ không thể vào Nước Thiên Chúa.
Những bài học ấy, ai bảo không còn cần thiết cho chúng ta?
Chỉ ao ước một điều: làm đẹp lòng Chúa
Chắc chắn cuộc đời của hết thảy chúng ta không giống như của thánh Phaolô, nhưng phương hướng phải như một, để chúng ta cũng thật sự có đức tin của các tông đồ.
Trong đoạn thư hôm nay, sau khi nhắc đến những gian truân thử thách xảy đến trong cuộc đời tông đồ, thánh Phaolô khẳng định lòng người luôn luôn vững vàng. Người ý thức rõ rệt cuộc sống hiện nay là lưu đày, không phải vì nhiều khổ sở, nhưng vì đang đi trong đức tin, chưa được ở bên Chúa như sau này ở trên trời. Chỉ ngày nào ra khỏi thân xác, mới ra khỏi nơi lưu lạc, mới không còn bước đi loạng choạng trong thứ ánh sáng nửa tối nửa sáng của đức tin, và mới được ở trước thiên nhan Chúa, diện đối diện, sáng tỏ hoàn toàn, không còn tranh tối tranh sáng nữa.
Do đó không phải chỉ khi gặp thử thách nặng nề, con người mới rơi vào chốn lưu đày. Nhưng bản chất của cuộc đời hiện nay là thời gian như không thấy Thiên Chúa hành động và các sức lực tự nhiên trong vũ trụ như cứ xảy ra theo định luật của chúng. Nước Thiên Chúa và sự công chính, nếu không hoàn toàn y như hạt giống đang nằm trong lòng đất, chẳng ai nhìn thấy, thì cũng chỉ giống như hạt cải đứng bên mọi thứ hạt khác, nhỏ bé đến nỗi người ta có thể không để ý đến nó. Chính vì vậy mà rất nhiều người hiện nay không quan tâm sống đạo đức và đi tìm Nước Thiên Chúa. Nhưng như hạt giống sẽ đi đến ngày gặt hái, hạt cải sẽ lớn thành cây, Nước Thiên Chúa cũng sẽ đi đến ngày tỏ hiện và sẽ bao trùm tất cả thế gian. Lúc ấy mỗi người sẽ lĩnh lấy thành quả đời mình khi còn sống trong thân xác , nơi chốn lưu đày. Thế nên điều quan trọng nhất cho chúng ta trong cuộc đời, là làm đẹp lòng Chúa, để khi Người đưa chúng ta ra khỏi chốn lưu đày, chúng ta được trở nên như nhánh bá hương oai lẫm; để khi mùa gặt đến, chúng ta là bông thóc chắc, để khi thời gian đã qua, chúng ta là cây rau to lớn… hoặc như khi chim trời được đến nấp bóng cây cải đã to là Hội Thánh trong thời viên mãn, là thân thể Chúa Kitô đã đạt tới tầm vóc kiện toàn.
Giờ đây mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được cử hành trong mầu nhiệm Thánh Thể. Bề ngoài chỉ có tấm bánh và chén rượu. Có là gì trước mắt thế gian và đối với lịch sử thế giới? Không như hạt giống hạt cải sao? Và cộng đoàn tín hữu này có hơn gì đám dân lưu đày thời Ezekiel? Nhưng đức tin dạy chúng ta nhìn thấy mầu nhiệm Chúa Cứu thế, mầu nhiệm Hội Thánh, mầu nhiệm cuộc đời nơi những sự bé nhỏ và thông thường kia. Chúng ta hãy đón nhận Chúa, hãy kết hợp với Hội Thánh , hãy quyết tâm sống đẹp lòng Chúa. Mọi sự trong cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa mới và có thể sẽ giống như hạt giống, hạt cải và nhánh bá hương nói đến trong ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- Năm B
HẠT CẢI, MEN BÁNH- Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Hạt cải, men bánh là biểu trưng con số nhỏ, hoặc hình ảnh con số còn lại.
Con số nhỏ bé nhưng quan trọng, bằng cách thuật chuyện, dụ ngôn diễn tả: như hạt cải gieo vào đất vườn, hạt ấy nhỏ bé, nảy mầm, thành cây, lớn lên, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ. Tiến trình lớn lên trong một hạt nhỏ bé, một mầu nhiệm của sự sống diễn ra trong từng ngày. Nhỏ bé mang tầm vóc vũ trụ, những người theo Đạo giáo [Tôn giáo cổ phát sinh từ tín ngưỡng dân gian thờ các vị thần tiên bất tử, nên còn gọi là Đạo Tiên. Hình thành trở thành tôn giáo chính thức vào thời Đông Hán (thếkỷ I – II sau Công Nguyên), tôn Lão Tử làm thuỷ tổ, nên còn gọi là Đạo Lão, lấy Đạo Đức Kinh làm kinh điển. Sau này có nhiều nhánh phát triển: Thần tiên, luyện đan, phong thuỷ, bói toán.], xem hạt cải là hạt mang dấu chỉ trường sinh bất tử, vì hạt này rất nhiều trong một quả. Hạt bất tử nằm nhỏ bé trong đời sống con người như hạt ước mơ trường sinh mà con người hằng đi tìm kiếm.
Hạt bé nhỏ này Đức Giêsu gọi là Nước Trời. Nước Trời có trong tâm hồn của mỗi con người mang tính nhỏ bé, có thể sánh ví như hạt giống được người đi gieo hạt, gieo vào cuộc sống, hạt có thể bị chim trời ăn mất, hạt có thể chịu bụi gai chèn ép, hạt có thể chịu rơi vào sỏi đá và hạt có thể trổ sinh những hạt khác. Nước Trời khi sánh ví như hạt nhỏ bé được gieo vào lòng người, Đức Giêsu muốn liên hệ với trách nhiệm bản thân của mỗi người.
Với sự nhỏ bé của hạt, gợi ý hình ảnh số còn sót lại thờ phượng Thiên Chúa, con số nhỏ của các môn đệ tiên khởi, con số nhỏ của những người sống theo Đức Kitô giữa lòng thế giới, con số nhỏ bé liên hệ tới men.
Như một ít men ở giữa khối bột, men làm dậy cả khối bột. Lên men là một quá trình biến đổi, tiệm tiến từ hạt – chết đi – thành cây – sinh hoa – kết trái. Men là nguyên nhân tác động tiến trình biến đổi. Như vậy khi nói men Tin Mừng, Đức Giêsu muốn nói tới chất xúc tác hướng dẫn sự biến đổi tiềm tàng bên trong. Quá trình lên men còn được nói là quá trình của sự thăng hoá, con người không chỉ bám víu vào trái đất, mỗi ngày sống cần thăng hoá hơn về tinh thần và đạt cao hơn về cõi trời. Giải nghĩa dụ ngôn hạt cải và men này soi sáng nhiều dụ ngôn khác.
Nếu nói theo Dịch học, men là nguyên nhân làm cho mọi vật chuyển động, chuyển động làm phát sinh, sinh hoài và sinh mãi. Yếu tố của men rất quan trọng, sự sinh hoá tuỳ thuộc vào men tốt xấu. Men xấu làm hư khối bột, làm thành hôi thối. Sự phân rã là một trong những bước tiến trình để biến đổi, chết là sự phân rã, sự phân rã làm nên hai cách tái sinh, men xấu làm phân rã dẫn đến tiêu huỷ đờiđời và men tốt dẫn đến sự phân rã tái sinh, làm nên cái mới.
Nước Trời khi sánh ví như hạt cải và như men, có ý nghĩa làm cho men Tin Mừng thấm nhuần vào các nền văn hoá. Tin Mừng ấy chính là Đức Giêsu, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã mang lấy xác phàm nhân để cứu độ con người phàm nhân về với Thiên Chúa. Như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa ưa thích đi lối nhỏ giữa cuộc đời, Con Thiên Chúa không sinh hạ trong hoàn cảnh của một gia đình quyền thế giàu sang, nhưng chọn một gia đình nghèo khó, sinh ra giữa những người nghèo.
Lối nhỏ, con đường nhỏ, những phận nhỏ là những nẻo đường Thiên Chúa đã dùng trong lịch sử. Để chọn một người làm tổ phụ dân tộc, Thiên Chúa chọn cụ già Abraham, đã gần đất xa trời mà chưa có đứa con nối dõi. Để đánh bại Goliat, Thiên Chúa dùng cậu bé Đavit, để chọn những người rao giảng sám hối Chúa đã chọn các bác nhà quê như Amốt, như Giêrêmia. Để chọn một bà mẹ làm mẹ Con Thiên Chúa làm người, Người đã chọn một thiếu nữ làng quê. Để chọn nơi cư trú cho Giêsu, Người đã chọn làng nghèo Nazareth, để chọn các tông đồ, Đức Giêsu đã chọn các bác làng chài, các bác nhà nông và người thu thuế và ngay cả Giuđa Iscariôt. Để chọn Đá Tảng xây dựng Hội Thánh, ngài đã chọn con người ba lần phản bội, Phêrô. Trong cách lựa chọn ấy, Chúa muốn chọn đi lối nhỏ, từ những gì xem ra hèn kém nhất, Thiên Chúa dùng để chinh phục những đỉnh cao. Từ đổ vỡ của thân phận, Chúa dùng kinh nghiệm bản thân ấy làm chứng tá. Có Giuđa bội phản kết liễu đời mình vì đã không tin vào lối nhỏ của Chúa dùng. Sự cứng lòng dẫn tới cái chết tự huỷ hoại.
Nếu bạn tin, niềm tin ấy nhỏ bé như hạt cải, nhưng hạt cải ngày kia sẽ mọc thành cây lớn và chim trời có thể đến cư trú. Nếu bạn tin, niềm tin ấy như nắm men, người đàn bà goá nọ đem trộn vào đấu bột, một ngày kia đấu bột dậy men. Lối nhỏ, phận nhỏ xem ra mong manh nhưng chẳng mong manh chút nào, bởi vì nơi ấy Thiên Chúa bày tỏ quyền năng. Tất cả chất liệu nỏ bé cuộc đời của bạn đều có thểtrở thành men thành hạt cải có giá trị nảy mầm hiến tế vô song để thánh hoá trần gian.
Lối đi nhỏ, con đường nhỏ và phận nhỏ đã hình thành con đường thơ ấu thiêng liêng của chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một bí quyết đơn giản để nên thánh và thánh hoá các thực tại bằng cách cho chúng một giá trị bền vững. Cách thức ấy là dù bất cứ làm việc gì cũng đều dâng lên Chúa như lễ vật, để từ lễ vật Thiên Chúa hiến thánh.
Một chiếc chìa khoá bé nhỏ so với một cánh cửa khổng lồ, thế nhưng chiếc chìa khoá sẽ mở được cánh cửa, nếu bạn tin điều bé nhỏ sẽ mở được điều lớn lao; từ hạt nhỏ trở thành cây lớn.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN- Năm B
HẠT GIỐNG MỌC LÊN- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hình ảnh cụ thể và dễ hiểu. Nước Thiên Chúa giống như người nông dân gieo hạt xuống đất. Hạt giống âm thầm nẩy mầm, phát triển và sinh bông hạt. Cũng vậy, hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng thế giới và gieo vào lòng người sẽ nảy mầm và sinh nhiều hoa trái tốt lành. Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu, của sự thật không ngừng tăng trưởng dọc dài thời gian của lịch sử nhân loại. Không ai có thể ngăn cản sự phát triển của Nước Thiên Chúa.
Dụ ngôn “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) chính là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá.
Hạt giống Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ.Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.
Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Đạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Tinh thần hiếu khách, lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.
Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái… khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.
Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng cao văn hóa giáo dục. Người truyền giáo cần phải sống giữa những anh chị em nầy và chia sẽ đời sống của họ. Đó là điều cần phải làm trước tiên và đó là chìa khóa thành công của một nhà truyền giáo thật sự. Cần huấn luyện những cá nhân trưởng thành và những tổ chức tự lập ngõ hầu những thành phần của địa phương có thể rao giảng phúc âm cho chính đồng bào của họ và cung cấp những giáo dân có đức tin vừng mạnh, có trình độ trí thức tốt, có khả năng làm việc cách hăng say giữa anh chị em mình.
Tôi vừa mới đi du lịch hành hương đất nước Hàn Quốc(10-15/6/2012). Theo linh mục Piero Gheddo, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano: “Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng xảy ra đối với Kitô giáo nữa. Thật thế, từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000”. (Nhật báo Avvenire (Tương lai), cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia số ra ngày 8-4-2012).
Với 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Hồi năm 2008, số tín hữu Công giáo đã vượt 10% tổng số dân Hàn Quốc và gia tăng 3% mỗi năm.
Theo thống kê của Giáo Hội năm 2009, số người lãnh nhận bí tích Rửa tội đã là 159.000, và đã có 149 phó tế được thụ phong linh mục, tức gia tăng 21 vị so với năm 2008. Trong năm 2009 có 69% người Hàn Quốc thuộc lứa tuổi 23 tới 40. Điều này cho thấy người dân Hàn Quốc rất trẻ trung và tràn đầy sức sống.
Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu, khiến cho Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.
Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu Công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay lên 10 triệu. (Sẽ chia sẻ thêm về Giáo hội Hàn Quốc trong những bài sau).
Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13).
Một Giáo Hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hòa mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một Giáo Hội không quyền lực dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo ra những “mô hình” mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào những cộng đồng xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo. Tục ngữ Việt Nam có câu: “có thực mới vực được đạo”. Giáo Hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội… nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không quan tâm đến những vấn đề ấy. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Người là “làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy” (Lc 7,22).
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, truyền giáo chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế, công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam