Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1377073

LỄ CHÚA KITÔ VUA

Lễ Chúa Kitô Vua

"Hoàng tử và người hành khất" là câu chuyện của Mark Twain về hai em bé sống cách đây 300 năm ở nước Anh. Hai em bé không chỉ là bạn tốt của nhau, mà chúng còn giống nhau như như anh em sinh đôi. Một em là Edward, hoàng tử xứ Wales, em kia là Tom Canty, một chú bé nghèo khổ.

Một ngày kia, thật là trò vui, hai em quyết định chuyển địa vị, chúng thay đổi quần áo. Edward mặc quần áo rách tả tơi của đứa trẻ nghèo khổ và đi lang thang khắp các khu nhà ổ chuột ở London, sát cánh với những người hành khất và thấp kém.

Sau một thời gian hai chú bé mệt mỏi vì trò chơi của chúng. Trong bộ quần áo rách rưới, Edward cố gắng nói cho người cảnh sát biết rằng chú là hoàng tử. Nhưng chú bị tống giam. Ngay khi Tom sắp sửa được phong vương, Edward tỏ lộ và thuyết phục các viên chức chú là hoàng tử thật. Do kết quả kinh nghiệm của mình, Edward trở thành một nhà lãnh đạo công minh và nhân ái.

Tình cảnh giữa Chúa Kitô và chúng ta cũng có cái gì giống như thế. Chúa Kitô là hoàng tử, Con thật của Thiên Chúa. Ngài đã chuyển địa vị với chúng ta, những kẻ nghèo khó. Ngài mang lấy thể xác nghèo hèn chúng ta. Rồi Chúa Kitô làm cho mỗi chúng ta thành hoàng tử bằng cách mặc cho chúng ta áo ân sủng của Ngài, chia sẻ chính sự sống thần linh của Ngài cho chúng ta.

Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết những thống khổ của loài người. Nhờ trở thành con người, Ngài thực sự chịu đau khổ như mọi người phải chịu. Như hoàng tử trong câu chuyện, Chúa Giêsu học biết yêu thương những người nghèo khổ, Chúa Giêsu học biết yêu thương những người thiếu thốn mọi sự.

Bạn đừng ngạc nhiên vì Chúa Kitô, Vua của chúng ta, đặt để thử thách này cho được vào nhà vĩnh cửu của Ngài: Bạn có giúp đỡ những người thiếu thốn không? Tin Mừng hôm nay là một trong những truyện quan trọng nhất của Chúa Kitô - Tin Mừng cho những người giúp đỡ những ai thiếu thốn, tin buồn cho những ít hay không chú ý đến những nhu cầu của người khác.

Hôm nay bạn hãy xét mình đi. Bạn có bao giờ cung cấp của ăn cho người túng đói không? Có lẽ bạn chưa bao giờ gặp mầu nhiệm chết đói. Tuy thế ai cũng biết có hàng triệu người đang phải chịu cảnh đói. Bạn có giúp đỡ gì qua các cơ quan từ thiện không? Có khi nào bạn thăm viếng tù nhân không? Không phải chỉ là những người ở sau hàng giậu sắt, nhưng còn là những người ở sau hàng giậu cô đơn, dốt nát, sầu khổ.

Bạn đã làm gì cho những người chết đói về tinh thần, bệnh tật về tinh thần, xa lạ về tinh thần, bị giam hãm về tinh thần? Nếu bạn mới chỉ làm ít hay chưa làm gì, thì bạn hãy nghe lệnh truyền "Khởi hành".

Tin Mừng còn đi xa hơn, những gì bạn làm cho người túng thiếu là bạn làm cho chính Chúa Kitô. Hãy lưu ý: "Ta đói... khát... ốm đau... là khách lạ". Những gì các con làm hay không làm, là các con đã làm hay không làm cho chính Ta. Chúa Kitô tự đồng hóa với những người túng thiếu, Vua chúng ta đói, Vua chúng ta khát, Vua chúng ta là khách lạ, Vua chúng ta trần trụi, Vua chúng ta yếu đau. Vua chúng ta bị cầm tù.

Phải, chúng ta phụng sự và tôn thờ Chúa Giêsu Kiô Vua chúng ta trên bàn thờ này, nhưng chúng ta cũng phải phụng sự và tôn thờ Ngài trong những người túng thiếu của Ngài. Rồi Ngài sẽ gọi chúng ta vào buổi tận cùng. "Hãy đến".

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.


 

42. Lễ Chúa Kitô Vua.

Chúng ta hãy tưởng tượng giả sử ngày hôm nay có một người khách lạ nào đó chưa bao giờ nghe đến Kitô giáo là gì, và người đó đang ở giữa chúng ta, cùng tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay với chúng ta, khi nghe chúng ta tung hô "Chúa Giêsu là Vua vũ trụ". Ngỡ ngàng, người đó hỏi chúng ta: "Quí vị có một vị Vua à? Ngài ở đâu? Làm sao có thể gặp Ngài được?". Lúc đó có lẽ đức tin sẽ soi sáng giúp chúng ta tìm ra những câu trả lời thật hay, thật ý nghĩa. Nào là Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha kể từ khi Ngài từ cõi chết sống lại. Nào là Ngài đang hiện diện với cộng đoàn các tín hữu. Nào là Ngài là Vua của vũ trụ, vì Ngài đã tạo dựng vũ trụ này cho con người.

Đó là những câu trả lời đúng nhưng chưa đủ, vì chưa trả lời câu hỏi: "Làm sao để gặp được Ngài?. Trong đời sống cụ thể của chúng ta, Chúa Giêsu đang ngự trị ở đâu? Lúc nào và thế nào? Ngài hiện diện ở bất cứ nơi nào của một con người, bất luận nam hay nữ, màu da hay sắc tộc hoặc ngôn ngữ nào. Bởi thật, tất cả những ai đang khao khát muốn tìm gặp được Ngài và muốn yêu mến Ngài, chúng ta phải cố gắng thực hành đức bác ái huynh đệ đối với những người anh chị em ấy.

Với niềm tin đích thực của người Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Kitô Vua vũ trụ đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống, nhưng Ngài đang bị xã hội ruồng bỏ và quên lãng. Sự hiện diện của Chúa Kitô luôn ở bên những người nghèo khổ, rách rưới bị mọi người bỏ rơi. Ngài hiện diện nơi những ngươi bệnh hoạn tật nguyền đang mất hết ý vị của đời sống mà hằng ngày phải chết dần, chết mòn bởi sự cô đơn buồn tủi. Ngài hiện diện nơi những người bị bạc đãi và bị hiểu tầm, vì là nạn nhân của tranh giành ganh tị, chỉ vì khác ý thức hệ, đang lủi thủi chịu số phận hẩm hiu mà không biết than thở cùng ai. Ngài hiện diện nơi những trẻ em bạc phúc bị ruồng rẫy, lầm lạc, đang tìm kiếm một cách vô vọng một chút lương tâm, một chút yêu thương của người khác để lớn lên và phát triển.

Thật vậy, nước Ngài sẽ bao trùm cả nhân loại, vương quốc của Ngài sẽ rạng rỡ huy hoàng khi người khó nghèo được chia cơm sẻ áo, khi con tim người bệnh hoạn tật nguyền buồn đau khổ sầu được an ủi nâng đỡ, khi nhân loại mở rộng vòng tay đón nhận những đứa trẻ chưa bao giờ được yêu thương. Nước Ngài sẽ đến khi công bình và bác ái ngự trị, cho nên vương quốc của Ngài là vương quốc của "Tình Yêu". Tình yêu đó được thể hiện qua từng hành động, từng lời nói của Đức Giêsu Kitô, Vị Vua Chí Tôn Chí Thánh.

Khi đọc Tin Mừng của Ngài, chúng ta chỉ thấy sứ điệp của Ngài là sứ điệp "Yêu Thương", một vị Vua luôn chăm sóc và dạy dỗ thần dân con đường hạnh phúc thật, để cùng nhau sống yêu thương hạnh phúc ở đời này như là một tiền nghiệm của hạnh phúc trường sinh đời sau, nơi nước tình yêu không bao giờ tắt.

Là con dân của nước Thiên Chúa, nước của tình yêu, chúng ta hãy cùng nhau làm tròn bổn phận công dân của mình là góp phần xây dựng cho tình yêu được ngự trị lên mặt đất này. Nếu tôi yêu mến Chúa, tôi không thể nào ngồi yên để hưởng tiện nghi trong đời sống của tôi, trong lúc bao nhiêu người lầm than cực khổ xung quanh tôi đang cần đến tình yêu thương chia sẻ. Tôi biết rằng, tôi không thể làm được gì thêm cho Chúa cả, vì Người là Đấng trọn tốt trọn lành. Nhưng tôi là thần dân trong nước của Chúa, tôi không mang lại cho anh chị em của tôi một cái gì và đó chính là điều tôi bị xét đoán. Sự xét đoán ấy là xét đoán về tình yêu đối với đồng loại.

Vì thế, nếu tôi chỉ biết thu mình trong cái vỏ ốc ích kỷ, tôi cũng sẽ nghe Chúa tuyên phán với tôi rằng: "Ta đói các ngươi không cho ăn, Ta khát các ngươi không cho uống. Ta rách rưới các người không cho áo mặc. Ta không có nơi cư ngụ, các ngươi không cho nơi nương tựa. Ta là người nghèo khó vô sản, ngươi đã không thiết tập lại công bình". Rồi còn bao nhiêu án nữa sẽ tuôn xuống trên con người không biết thương xót.

Yêu ai thì giống người ấy. Tôi không thể yêu Thiên Chúa là Vua Tình Yêu, khi tôi không giống Người là Đấng hay thương xót. Tình yêu của con người đối với Thiên Chúa là chiêm niệm và cầu nguyện, nhưng đối với tha nhân là linh hoạt và hay phân phát. Cho nên khi đã nhận Đức Giêsu Kitô là Vua chúng ta phải cố gắng sống xứng đáng là công dân của nước Người, nước của tình yêu.


 

43. Chúa Giêsu là vua

Vào năm 1925, Đức Thánh Cha Piô XI đã thiết lập lễ Đức Kitô vua, mục đích là để xác định vai trò và chỗ đứng đặc biệt của Chúa Giêsu trong đời sống riêng tư của mỗi người, cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng Giáo hội. Trong một vài phút ngắn ngủi này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về tước hiệu cao cả này.

Trước hết là trong Cựu Ước.

Với những thánh vịnh, vua Đavít đã cho chúng ta thấy Đức Kitô chính là vua, một vị vua hòa bình sẽ đến để cai trị trong yêu thương:

- Ta sẽ đặt một vị vua ở Sion, trên núi thánh của Ta.

Trong khi đó, tiên tri Isaia lại giới thiệu với chúng ta một vị vua đầy quyền năng:

- Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu Đavít tổ phụ Ngài, Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Ngài sẽ không bao giờ cùng.

Tiếp đến là trong Tân Ước.

Qua Tin Mừng, chúng ta thấy được nơi Đức Kitô hình ảnh ánh sáng của Thiên Chúa, Ngài là một vị vua vinh hiển, điều khiển cả vũ trụ. Và trong ngày sau hết, Ngài sẽ đến trên mây trời để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Chính Đức Kitô, trong những giây phút cuối cùng, đối diện với cái chết, Ngài vẫn xác quyết trước mặt Philạô:

- Phải, tôi là vua.

Chính vì thế, bản án của Ngài đã được ghi:

- Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái.

Thế nhưng, tước hiệu Kitô vua nổi bật hơn cả trong bầu khí phụng vụ. Đúng thế, chúng ta có thể nói: Tất cả niên lịch phụng vụ đều xoay quanh chủ đề này.

Thực vậy, trong Mùa Vọng, chúng ta mong đợi một vị vua sẽ đến. Với lễ Giáng sinh, chúng ta không chỉ mừng kính một hài nhi bé nhỏ nơi máng cỏ Bêlem, mà còn mừng kính một vị vua hòa bình. Nhất là với lễ Hiển linh, chúng ta nhìn thấy vị vua ấy xuất hiện và tỏ lộ vinh quang cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ Phương Đông. Và chúng ta có thể tóm kết tinh thần của mùa giáng sinh, đó là Đức Kitô đến để thiết lập một vương quốc của ánh sáng và tình thương.

Bước vào mùa phục sinh, Giáo hội không phải chỉ dừng lại ở những đau khổ của Đức Kitô, nhưng qua những đau khổ ấy, Giáo hội còn nhìn thấy cả chiến thắng vinh quang của Ngài. Trong ngày lễ lá, chúng ta tưởng nhớ biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, một cách long trọng như một vị vua và chúng ta không ngừng tung hô:

- Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô Chúa trên các tầng trời.

Tiếp đến, ngày thứ sáu tuần thánh, ngày u buồn nhất của năm phụng vụ, chúng ta thấy Giáo hội đã nhìn thập giá như ngai tòa, như lá cờ của một vị vua đang tiến lên, như bước khởi đầu cho vương quốc của Chúa, như lời Ngài đã phán:

- Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.

Rồi trong ngày lễ Phục sinh và lên trời, chúng ta mừng kính cuộc khải hoàn của Đức Kitô, để rồi từ đó Ngài vĩnh viễn thiết lập vương quốc và trở thành vua của cả vũ trụ.

Tóm lại, niên lịch phụng vụ luôn nhìn ngắm Đức Kitô như một vị vua. Đó cũng là điều mà toàn thể thế giới Công giáo ngày hôm nay tuyên xưng.

Thế nhưng tuyên xưng mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải sống điều chúng ta đã tuyên xưng, nghĩa là, chúng ta phải trung thành với Chúa bằng cách khử trừ tội lỗi, bằng sống một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó góp phần làm cho vương quốc của Đức Kitô được mở rộng trên trần gian này.

home Mục lục Lưu trữ