Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 63

Tổng truy cập: 1377577

LỀ LUẬT MỚI LÀ TIN MỪNG

LỀ LUẬT MỚI LÀ TIN MỪNG- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Những bộ luật của Torah

Bài đọc I trích trong sách Đệ nhị luật. Đnl là cuốn cuối trong bộ Ngũ Thư. Năm cuốn sách đầu của bộ Kinh Thánh gọi là Ngũ Thư.

Do thái giáo coi Ngũ Thư là Torah (Luật) vì trong đó gồm tất cả mọi lề luật và định chế chi phối toàn bộ sinh hoạt tôn giáo, phụng tự, đạo đức, xã hội của dân tộc Israel. Nét nổi bật là Luật do chính Chúa truyền qua trung gian Môisen và mọi điều khoản của Luật xuất phát từ những nhận thức tôn giáo của dân. Có thể nói đây là sưu tập và tổng hợp những luật dân sự, hình sự, tôn giáo, tế tự và xã hội được trình bày như hiến chương của Giao ước. Do đó, việc công bố Luật gắn liền với trình thuật các biến cố trong hoang địa, nơi ký kết Giao ước. Luật là cho con người, vì thế cần phải được thích nghi với những điều kiện thay đổi của môi trường và thời đại. Do đó, ta gặp thấy trong bộ luật những yếu tố cổ xưa đan kết với những điều khoản mới phát sinh về sau. Đàng khác, ta còn gặp thấy trong bộ luật những điểm tương tự với luật Lưỡng Hà. Điều ấy là tất nhiên, vì Do Thái sống chung đụng với chư dân; lại nữa một số pháp quy, tục lệ của miền ấy dần biến thành sản nghiệp chung của cả Cận Đông cổ thời. Torah gồm những bộ luật sau đây:

Thập điều: Mười Lời được ghi khắc trên bảng đá, làm thành Lề luật căn bản về luân lý và tôn giáo, được coi như điều khoản của Giao ước Sinai. Thập điều được trình bày hai lần (Xh 20,2-17 và Đnl 5,6-18). Chắc chắn hai bản văn đều xuất phát từ một nguồn nguyên thủy mà truyền thống gán cho Môisen.

Bộ luật giao ước (truyền thống E): Xh 20,24–23,9. Bộ luật này nằm xen kẻ giữa Thập điều và phần kết của trình thuật giao ước tại Sinai. Luật giao ước đáp ứng hoàn cảnh một xã hội sau thời Môisen, chuyên về canh nông trồng trọt; cho nên quan tâm đến súc vật cày bừa, công việc đồng áng, nghề trồng nho, nhà cửa (giả thiết dân đã định cư). Bộ luật thấm nhuần tinh thần tin vào Giavê, phản ứng lại nền văn minh Canaan.

Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 12,1–26,15) làm thành phần chính yếu của sách Đệ Nhị Luật. Bộ luật này lấy lại một phần bộ luật giao ước, nhưng thích nghi với cuộc sống kinh tế và xã hội đã đổi thay. Nét nổi bật trong Luật Đnl là quan tâm bảo vệ người yếu, tuyên xưng uy quyền Thiên Chúa trên đất và trên dân của Người, cổ vũ việc tuân giữ các điều khoản của lề luật.

Luật Lêvi. Sách Lêvi được hình thành dứt khoát sau lưu đày, gồm những luật về phụng tự, như của dâng tiến và việc tế lễ (1-7), cấp bậc Tư tế (8), các đại lễ (23), nơi thánh và các vật dụng thánh (25); luật về thức ăn (11), sự trong sạch (13-15), lễ xá tội (Yôm-Kippour) (16); luật về sự Thánh thiện (17-16).

Ngũ Thư vừa là một lịch sử và là luật pháp. Nếu các Thánh Vịnh ca tụng Thiên Chúa và kêu xin Người cứu giúp; các sách Khôn Ngoan nhằm giáo dục cá nhân về tôn giáo và luân lý; các Ngôn Sứ mạnh mẽ tuyên rao lòng thành tín của Chúa và hăng hái vạch trần tội lỗi của Israel … thì Ngũ Thư giới thiệu cho ta một dân tộc, cách thế Thiên Chúa thiết lập dân ấy, bảo vệ và dẫn đưa dân về một định mệnh kỳ diệu. Ý nghĩa của bộ sách này hệ tại mối liên lạc Thiên Chúa nối kết với dân của Người và qua đó với toàn thể nhân loại. Lịch sử mối tương quan ấy được tóm kết trong bốn điểm chính là Lời hứa – Tuyển chọn làm dân riêng – Giao ước – Lề luật. Đây là bốn chủ đề quan trọng được triển khai trong Ngũ Thư và suốt dọc dài Cựu ước. Chính Đức Kitô mới ban cho lịch sử cứu độ ý nghĩa trọn vẹn của nó, như Phaolô trình bày trong Gl 3,15-29. Ngài đến thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa, ký kết Giao ước mới với đoàn dân mới là miêu duệ của Abraham trong đức tin. Ngài ban lề luật mới là Tin Mừng và Thần Khí để dẫn đưa mọi kẻ tin về với Thiên Chúa.

Sách Đệ Nhị Luật là một lược tóm lịch sử tôn giáo của Israel khởi từ Sinai, trong đó điều then chốt là phải trung thành phụng sự Giavê, Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Nội dung của sách sưu tập lại luật Môisen, đồng thời kể lại một số biến cố xảy ra tại Môáp. Trình thuật mang hình thức ba bài diễn từ của Môisen phát biểu vào cuối đời, với dụng ý quả quyết: tư tưởng chủ yếu trong sách là của Môisen. Đệ Nhị Luật được coi như sách kỷ yếu: nhắc lại để nhớ, nhớ để rút bài học. Bài học chủ yếu của tác giả là: nhắc cho Israel quá khứ lịch sử của nó là một chuỗi hồng ân liên tục Chúa ban cho họ cách nhưng không. Nay ở ranh giới Hứa Địa, họ đừng quên mọi thành công xưa đều nhờ Giavê. Từ nhận thức đó, họ chuẩn bị vào Đất Hứa trước hết bằng lòng tin tuyệt đối vào Giavê.

Dân Do thái sắp đi vào đất Canaan, miền đất này nơi nào cũng có tà giáo. Các tôn giáo sơ khai của các dân tộc xung quanh luôn hấp dẫn. Đặc biệt là các thầy bói, bà đồng. Dân chúng mê tín luôn tìm đến với họ để được giao cảm với thần minh, để biết ý trời và hậu vận. Người có óc khoa học ngày nay coi đó là bịp bợm, người có đức tin chân chính nghĩ đó là những việc do ma quỉ bày đặt ra. Bởi đó, tác giả sách Đnl cảnh giác dân chúng, không được tin vào bói quẻ phù chú, lên đồng lên bóng, chiêm tinh chiêu hồn, phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Bù lại, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện giữa dân Người một tiên tri như Môisen. Bài sách Đnl còn nói về Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến, Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Đó chính là Chúa Giêsu sẽ khiến người ta kinh ngạc về cách giảng dạy và đầy quyền năng như câu chuyện kể của Phúc âm Chúa nhật hôm nay.

Lề Luật Mới là Tin Mừng

Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat. Vì là thành phần của dân giao ước nên mọi người trong hội đường đều có quyền đọc và bình giảng một đoạn sách Thánh nào đó. Chúa Giêsu đọc sách và giảng dạy dân chúng. Thánh Maccô không cho biết Chúa đọc đoạn sách nào, cũng không nhắc đến nội dung giảng dạy hôm ấy. Maccô chỉ kể “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Thiên hạ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi, phong thái giảng dạy như một Đấng có uy quyền khác với các kinh sư luật sĩ. Thiên hạ còn kinh ngạc về giáo lý của Người. Giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý Cựu ước. Họ sửng sốt kinh ngạc là phải, bởi lẽ Chúa Giêsu không giải thích truyền thống của cha ông nhưng là giáo huấn của Chúa Cha. Người không công bố lề luật nhưng công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người xuất hiện như Đấng mang lấy thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao và là Đấng ban lề luật mới là Tin Mừng và là Thần Khí.

Uy quyền trong hành động và trên tà thần

Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, Người còn thiết lập Nước Thiên Chúa bằng hành động thực hiện nội dung lời rao giảng. Trong hội đường hôm ấy có một người bị thần ô uế ám. Thấy Chúa Giêsu, satan run sợ. Đối diện với Đấng quyền năng, satan sợ hải: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng?”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Người dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân. Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.

Chúa Giêsu là Đấng đầy uy quyền trong lời nói và nhiều hiệu năng trong hành động. Người đã giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của bản năng và của sự ác để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng trong sạch vẹn tuyền đã đẩy lui và tiêu diệt sức mạnh satan.

Ma quỉ là một quyền lực cụ thể đang hoành hành trên thế giới. Người ta có thể gọi tên quyền lực này là Belzebuth, Lucifer, Belial, là con rắn xưa, là tên dối trá, tên cám dỗ… Tất cả đều chỉ thực tại duy nhất muốn phá vỡ kế hoạch Thiên Chúa và đưa con người vào nô lệ.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao hình thái nô lệ, biết bao xiềng xích của ác thần đang trói buộc con người. Điều kinh khủng là người ta không nhận ra mình đang bị nô lệ. Nô lệ cho quyền lực như Hitler, Pônpôt… Nô lệ cho tình dục, nô lệ cho ma túy, nô lệ cho cờ bạc rượu chè. Nô lệ cho mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, mọi thứ cuồng tín tôn giáo. Nô lệ là thứ tự do giả hiệu mà ma quỷ luôn quảng cáo và muốn mời mọc con người. Ma quỷ thường được vẽ như con vật xấu xí đáng sợ, nếu thế thì con người dễ nhận ra nó và nó khó cám dỗ được. Nhưng thực tế, ma quỉ mang dáng dấp xinh đẹp, hấp dẫn, sang trọng. Nó tấn công bằng những thủ đoạn tinh tế ngọt ngào. Nó nắm rõ yếu điểm từng cá nhân từng tập thể để tấn công và mong hạ gục. Người ta tin vào những ngôi sao số mệnh, cầu cơ, bói toán, lá số tử vi. Tin vào những cái vô tri dẫn đến mê tín dị đoan sẽ làm nô lệ cho ma quỷ. Ngày nay nhiều người không còn tin vào sự hiện hữu của ma quỉ, đó là thành công lớn của ma quỉ.

Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.

Mỗi ngày, chúng ta vẫn thành tâm nguyện xin: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Amen.

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- Năm B

CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI ÁC THẦN – Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Tiên tri là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để loan báo Lời Chúa cho mọi người, nhắc nhở mọi người biết sống theo lề luật và thánh ý Thiên Chúa, hướng dẫn dân chúng sống giao ước với Thiên Chúa. Trong Cựu ước, đời sống của dân Chúa luôn có sự hướng dẫn của các tiên tri mà Thiên Chúa luôn ban cho họ. Môisen là vị lãnh đạo và cũng là vị tiên tri đã lãnh đạo dân do thái từ đất Ai cập để đi đến đất hứa. Ông vừa là nhà lập pháp và cũng là nhà hành pháp. Chế độ các tiên tri vẫn tồn tại vào thời quân chủ khi những người do thái đã có vua cai trị. Các tiên tri vẫn là những người đồng hành với dân chúng để nhắc nhở họ, và trong thời gian ưu phiền sầu khổ vì bị lưu đày, các tiên tri là những người an ủi họ và nhất là củng cố tinh thần cho họ, làm cho họ được vững vàng trong những gian truân thử thách và biết tin tưởng hướng về tương lai. Chính các tiên tri loan báo cho họ những lời hứa cứu độ và giải thoát . Vào thời Môisen, những người do thái vẫn ghi nhớ cách đặc biệt lời tiên báo của ông về một vị tiên tri mà Thiên Chúa sẽ cho trỗi dậy từ giữa dân để ở với dân Chúa và nói cho họ những lời và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Vị tiên tri này cũng sẽ rất mạnh mẽ như Môisen trong lời nói và hành động.

Tin mừng theo Máccô thuật lại trong chương đầu một trình thuật cô đọng và ý nghĩa của hoạt động cứu độ của Đức Giêsu, vị tiên tri đầy quyền năng mà Môisen đã tiên báo. Chúa Giêsu khởi đầu rao giảng trong miền Capharnaum và theo thói quen những người do thái, người vào hội đường vào ngày thứ bảy là ngày hưu lễ và là ngày thánh hóa của họ. Trong hội đường có một người bị quỉ ô uế ám và nó la to lên: “Hỡi ông Giêsu Nazarét, phải chăng ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Trong thế giới cổ thời, người ta thường qui những bệnh tật cho quỉ thần. Ở đây, ma quỉ biết Đức Giêsu và kêu tên của người. Cũng trong thế giới cổ thời này, biết và kêu tên của ai cũng là có quyền năng trên người đó một cách nào đó. Ma quỉ kêu tên Chúa Giêsu, nhưng ngược lại nó cảm thấy không thể có quyền năng gì trên người cả, mà ngược lại nó còn cảm thấy rằng chính người đến để tiêu diệt nó, bởi vì người là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Quả đúng như vậy, Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa đầy quyền năng, người đến để kết thúc quyền lực của ác thần và ma quỉ trên con người. Vì thế, bằng một lời truyền khiến đầy uy quyền, người trục xuất ma quỉ ra khỏi người bệnh : “câm đi và ra khỏi người này”. Ở đây, theo cách thuật chuyện của thời xưa, việc xua đuổi ma quỉ ra khỏi một người được kể kèm theo những cảnh đáng sợ, “quỉ vật người đó và hét lên một tiếng lớn và thoát ra khỏi người đó”. Thật ra, điều chúng ta cần ghi nhận trong tường thuật của Tin mừng, đó là lời truyền khiến đầy uy quyền của Chúa Giêsu trên ác thần để xua trừ chúng ra khỏi con người. Người đã truyền khiến cho ma quỉ ra khỏi người bệnh một cách dứt khoát mạnh mẽ khiến cho dân chúng chứng kiến đều phải kinh ngạc và tự hỏi: “điều gì đây? một giáo huấn mới đầy uy quyền, người truyền khiến cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh người”.

Thực vậy, câu chuyện của bài Tin mừng thuật lại cho chúng ta một trong những chạm trán đầu tiên của Đức Giêsu với ác thần ma quỉ, cuộc đối đầu giữa sự thánh thiện và sự dữ. Loại trừ ác thần và sự dữ là công việc cứu độ mà Đức Giêsu được sai đến thế gian để thực hiện, và người đã thực hiện điều này với uy quyền Thiên Chúa bởi vì người là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Sự thánh thiện thì thuộc về Thiên Chúa , ác thần ma quỉ là những gì chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu có uy quyền không đơn giản bởi vì người thuộc về Thiên Chúa, nhưng còn bởi vì người chính là Thiên Chúa, là nguồn gốc của mọi quyền bính, mọi chân lý và mọi sự thiện. Quyền bính của Chúa Giêsu tuôn trào từ chính bản tính Thiên Chúa của người, là nguồn gốc của mọi sự sống và sự thánh thiện.

Người tín hữu cũng phải đối diện với nhiều cuộc chiến giữa thiện và ác trong cuộc đời của mình. Khi chúng ta càng lúc càng lớn lên và già đi, những cuộc chiến này càng lúc càng trầm trọng hơn. Chúng ta phải đối diện với những chọn lựa giữa những ơn Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đời sống thánh thiện và sự dữ tội lỗi mà ác thần lôi kéo chúng ta phạm tội làm  mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với người khác. Để chiến thắng những sức mạnh của sự dữ, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa,  phải là những người thánh thiện. Thực ra, người tín hữu vốn có uy quyền của chính Chúa Giêsu để tiêu diệt sự dữ trong lòng mình, bởi vì từ khi lãnh bí tích rửa tội, họ đã thuộc về Chúa và nhận lãnh những quyền bính của chính Chúa Giêsu, họ là những người thánh thiện của Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội, Chúa Giêsu ban tặng cho người tín hữu đời sống thần linh thánh hóa họ, và cũng ban tặng cho họ quyền năng để chiến thắng ác thần sự dữ.

Một cách cụ thể, thánh Phaolô trong bức thư gửi giáo đoàn Corintô, nói đến điều kiện của những người tín hữu. Họ là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, tức là họ đã được thánh hóa và lãnh nhận đời sống thần linh và dĩ nhiên là họ cần tìm cách để khai triển hiệu quả đời sống thần linh này. Có hai bậc sống được đặt ra mà họ cần suy xét để chọn lựa. Những người nam và nữ lập gia đình và những người không lập gia đình. Những người nam nữ không lập gia đình sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về Chúa và quan tâm làm đẹp lòng Chúa, trái lại những người nam nữ lập gia đình sẽ bị chi phối nhiều hơn về việc đời, làm sao để làm vừa lòng vợ hay chồng, và vì thế tâm hồn của họ bị chia sẻ, họ không còn có đủ thời gian để phục vụ Chúa và sống mật thiết với Chúa. Cái nhìn của thánh Phaolô thì chân thành và giúp chúng ta nhận ra những điều tốt đẹp của đời sống độc thân để dành nhiều thời gian tìm kiếm Thiên Chúa. Vào thời thánh nhân, trong Giáo hội chưa có những hình thức đời sống tu trì với những dòng tu như chúng ta ngày nay, thánh nhân chắc đã tiên cảm về lợi ích của đời sống này mà chúng ta sẽ thấy phát triển rất mạnh mẽ vào thế kỷ thứ IV trong Giáo hội với phong trào đan tu, nhiều người sẽ dấn thân vào đời sống đan tu với lý tưởng tìm kiếm Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa nhờ đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy ngắm Thánh Kinh.

Chúa Giêsu đã chứng tỏ người thực là uy quyền trong lời nói và việc làm và trong ý chí của người chống lại ma quỉ và ác thần. Những người trong hội đường đã rất ngạc nhiên về lời giảng dạy và uy quyền của người trên ma quỉ. Người tín hữu cũng được mời gọi cùng với Chúa Giêsu khai triển đời sống thần linh đã lãnh nhận để chiến đấu chống lại ma quỉ và ác thần. Qua đời sống hằng ngày, người tín hữu được mời gọi kết hợp với Chúa Giêsu nhiều hơn nữa bằng cách lắng nghe lời Chúa, bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh chu toàn công việc bổn phận cách trung tín và khiêm nhường. Người tín hữu luôn nhận thức là họ đã nhận đời sống thần linh và họ càng lúc càng phải làm cho đời sống thần linh này được lớn lên trong chính mình bằng những cố gắng để chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỉ luôn rình rập họ, lôi kéo họ lạc xa khỏi đời sống thần linh, làm cho họ mất đi tương quan sự sống thần linh với Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ