Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1377508

LÊN TRỜI

Lên trời

Qua Phúc Âm, chúng ta biết: sau khi sống lại, Chúa Giêsu còn ở trần gian bốn mươi ngày. Trong suốt quãng thời gian này, Ngài đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Các ông có diễm phúc được nhìn thấy Ngài, được ăn uống với Ngài. Tất cả những sự việc ấy đã tạo nên cho các ông một niềm xác tín: Ngài đã phục sinh.

Cũng trong thời gian ấy, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình. Ngài nói với các ông:

- Ta sẽ trở về với Cha Ta, cũng là Cha của các con, về với Thiên Chúa của Ta, cũng là Thiên Chúa của các con.

Thế nhưng, các ông đã không hiểu được lời nói mầu nhiệm này. Sau cùng, Ngài đã gặp các ông trong phòng tiệc ly, tâm sự với các ông và khi bữa ăn kết thúc, theo thông lệ, Ngài dẫn các ông lên núi Cây Dầu.

Các ông đi qua đường phố Giêrusalem, xuống thung lũng Cêdron, theo con đường Ngài đã bước đi trong cuộc tử nạn. Chắc hẳn khi đi lại con đường ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đã nói chuyện, đã hàn huyên với nhau rất nhiều.

Khi tới núi Cây Dầu, Chúa Giêsu và các môn đệ đã đưa mắt nhìn chung quanh và đã thấy được toàn cảnh thành phố Giêrulem với miền đất hứa. Chúng ta hãy cùng các tông đồ đứng trên đỉnh núi Cây Dầu và đưa mắt nhìn: Gần đấy là Bêtania, nơi ba chị em Martha, Maria và Lagiarô sinh sống. Họ là những người được Chúa yêu và cũng là những người yêu Chúa.

Về phía bên trái là Bêlem, nơi Ngài mở mắt chào đời. Rồi sau đó là những vệt trắng. Đó là những con đường từ Giêrusalem đi tới những thôn làng, những thị trấn của xứ Giuđêa. Hẳn rằng các tông đồ đã nhớ tới biết bao nhiêu kỷ niệm trên những nẻo đường quen thuộc này: nào là những việc kỳ diệu Chúa đã làm, nào là những lời lẽ khôn ngoan Chúa đã dạy. Xa hơn một chút là dòng sông Giócđan, nơi các tông đồ sống lại những kỷ niệm đầu tiên, khi gặp Chúa và được Ngài kêu gọi.

Còn về phía bên phải: xa xa là biển cả. Những con tàu nhổ nheo đi về Rôma, cũng như đi về những miền khác nhau của dân ngoại. Có lẽ chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ:

- Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Trong thâm tâm, Ngài muốn bảo các ông rằng:

- Hy lễ của Ta đã hoàn tất. Công việc của Ta đã kết thúc. Bây giờ đến lượt các con. Vậy các con hãy đi loan truyền Tin mừng cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Có lẽ các tông đồ đã trả lời:

- Vì tình yêu và vinh quang của Chúa, chúng con sẽ làm tất cả.

Sau đó, Chúa Giêsu đã lên trời. Còn các tông đồ thì ngạc nhiên nhìn theo cho đến khi thiên thần hiện ra và bảo:

- Các ngươi đứng nhìn làm chi. Đức Kitô đã về trời thế nào thì Ngài cũng sẽ trở lại như vậy.

Hẳn chúng ta đã biết: Ngài sẽ trở lại vào ngày tận thế. Rồi sau đó lại sẽ về trời. Nhưng về trời lần này, thì cùng với Ngài còn có tất cả những người đã tin theo và yêu mến Ngài.

Chính vì thế, các tông đồ không hề buồn phiền, vì các ông biết rằng đây chỉ là một cuộc tạm biết, chứ không phải là một cuộc ly biệt, vĩnh viễn chia cắt đôi ngả. Ngài sẽ trở lại và các ông sẽ lại được xem thấy Ngài. Trong lúc chờ đợi, các ông ra sức chu toàn sứ mạng Ngài đã trao phó, đó là rao giảng Tin mừng, làm chứng về Ngài.

Với chúng ta cũng vậy. Mổi khi tham dự thánh lễ, chúng ta có diễm phúc được ở gần Chúa, được lắng nghe lời Ngài. Thế nhưng, trước khi thánh lễ kết thúc, qua môi miệng của vị linh mục, Chúa cũng nói với chúng ta:

- Lễ xong, chúc anh chị em ra về bình an.

Điều đó có nghĩa là: hãy ra về để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó. Hãy ra về để rao giảng Tin mừng. Hãy ra về để làm chứng cho Chúa giữa lòng cuộc đời.

 

47. Hạnh phúc đích thực

Đã là người chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có nhiều khao khát tự trong cõi lòng. Khao khát có được ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, khao khát có được vợ đẹp con ngoan, khao khát được yêu thương... Nhưng có một khao khát lớn hơn, nó bao trùm tất cả. Đó là khao khát được sống hạnh phúc. Quả thật, khao khát ấy hết sức chính đáng. Cách riêng với niềm tin kitô giáo, hạnh phúc đích thực là khi con người có được sự liên hệ thân thiết với Thiên Chúa. Từ thuở ban đầu, con người đã được Thiên Chúa ban cho điều ấy. Tiếc thay, do sự bất tuân mà tổ tông ta đã đánh mất. Dù vậy, do tình thương nên Thiên Chúa đã tìm nhiều cách để cho chúng ta tìm lại được tình trạng ấy.

Hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên. Đây là ngày Chúa Giêsu được trở về ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Đấy là hạnh phúc tuyệt vời và cao đẹp. Đoạn Tin Mừng mà Giáo hội cho chúng ta suy niệm hôm nay cho thấy khi Chúa Giêsu chia tay các Tông đồ để về trời thì các ông: "Trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa" (Lc 24, 52b - 53).

Có thể, chúng ta sẽ lấy làm lạ vì thông thường khi chia tay người ta hay khóc lóc, buồn bã. Còn ở đây các ông lại vui mừng. Không vui sao được vì các ông tin rằng: "Thầy đi dọn chỗ cho anh em" (Ga 14, 1), "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20), "Thầy sẽ không để anh em mồ côi" (Ga 14, 18) và "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi" (Ga 14, 16)... Như vậy, qua lời Chúa Giêsu hứa các ông tin rằng Người vẫn luôn hiện diện bên họ. Mặc dù với cặp mắt bình thường các ông không thấy được. Vì thân xác Người lúc bấy giờ đã trở nên vinh hiển và không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian.

Do đâu mà Chúa Giêsu đã được Chúa Cha ban cho hạnh phúc đích thực như thế? Về bản tính Thiên Chúa thì Chúa Giêsu đương nhiên phải được. Còn về bản tính con người thì Chúa Giêsu đã đi con đường mà Chúa Cha đã vạch sẵn cho Người. Đó là con đường thập giá. Và Người đã đi trọn vẹn con đường ấy trong vâng phục và yêu mến. Chúa Giêsu cũng đã mời gọi chúng ta hãy đi theo Người bằng con đường ấy (Mt 16, 24). Khi chúng ta biết chấp nhận đi con đường thập giá, chắc chắn Người sẽ cùng đồng hành với chúng ta. Người đồng hành với chúng ta qua Giáo hội. Người đồng hành và ban sức cho qua Lời cũng như Mình Máu Người...

Đường thập giá không giống với những suy nghĩ và cách sống ích kỷ của con người. Những suy nghĩ và cách sống ấy chắc chắn không phải là điều Thiên Chúa muốn. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà người người chạy theo những hạnh phúc ảo mà họ chẳng hay biết. Hạnh phúc ảo ấy là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, địa vị, danh vọng, thỏa mãn xác thịt... Càng lún sâu vào những hạnh phúc ảo ấy, nó sẽ đưa con người chúng ta tới sự mất bình an và tâm hồn trống rỗng, mất phương hướng.

Mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên hôm nay, mỗi người chúng ta hãy xin Chúa Giêsu Phục sinh cho ta biết cùng đi như Người để có được hạnh phúc đích thực.

 

48. Nhân danh Thầy mà rao giảng

1. Đức Giêsu có thể thực hiện bất cứ điều gì nếu Người muốn, thế nhưng Người vẫn luôn tôn trọng quy luật tự nhiên do Thiên Chúa thiết lập. Khi còn ở trần gian Người đã vất vả rao giảng Tin Mừng. Sau khi hoàn thành sứ vụ, Người trở về cùng Thiên Chúa Cha, việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh được trao bancho các môn đệ, cũng là trao ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đã làm gì để góp phần mở rộng Nước Chúa, làm chứng cho Đức Giêsu?

2. Trước hết , chúng ta nên hiểu như thế nào về việc Chúa lên trời? Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca ghi rằng sau khi hiện ra với các môn đệ, Người có những lời dạy bảo sau cùng, sau đó đang khi chúc lành cho các ông, thì Người được đem lên trời.

- Ở đây thánh sử Luca đã dùng cách thông thường của loài người để diễn tả việc Chúa Giêsu siêu thăng. Người "lên trời", chúng ta thường hiểu là Người bỏ một nơi trên trái đất nầy để đến một nơi khác là "trời", mà nên hiểu là:

- Người thay đổi tình trạng, không còn ở tình trạng mang thân phận loài người hèn hạ nữa, mà trở về tình trạng vinh quang của một vị Thiên Chúa cùng Thiên Chúa Cha trước khi Người nhập thế.

- Người cũng thay đổi cách hiện diện, từ nay Người không hiện diện giữa chúng ta bằng thân xác hữu hình nữa, nhưng vẫn hiện diện bằng thiên tính của Người cho dù mắt chúng ta không thấy. Người hiện diện khi Lời Người được công bố, các bí tích được cử hành... Hay Người xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần đến để dạy dỗ chúng ta, đó cũng là một cánh hiện diện.

- Và khi nói về việc Chúa lên trời, các sách Tin Mừng chỉ ghi lại rất vắn tắt 'Chúa lên trời' vậy thôi, chứ không nói rõ Người lên trời sau khi sống lại bao lâu. Nhưng theo sách Công Vụ Tông Đồ, mà Luca ghi lại, Đức Giêsu 'lên trời' sau khi sống lại được 40 ngày. Vậy Chúa 'lên trời' chính xác là thời gian nào?

Có thể trả lời tóm gọn là Chúa 'lên trời' ngay khi Người phục sinh. Nhưng sau đó Chúa còn hiện ra với các tông đồ, môn đệ nhiều lần để củng cố lòng tin của họ, trong một khoảng thời gian mà sách Công Vụ Tông Đồ cho rằng là 40 ngày. Sau cùng, Người chấm dứt việc hiện ra, bằng cách công khai về cùng Chúa Cha trước mặt các ông như trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe.

Đức Giêsu về trời đó là một điều chắc chắn, đó cũng là niềm phấn khởi cho chúng ta, vì chính Người nói Người đi để dọn chỗ cho chúng ta, nếu chúng ta trung thành tin giữ những điều Người dạy, chúng ta cũng sẽ được hưởng vinh quang trong nhà Cha Người.

3. Kế đến, làm sao loài người có thế biết Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu đã phục sinh? Chính vì ưu tư này, mà trước khi về trời, Đức Giêsu đã ra chỉ thị cho các môn đệ:" Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội..." (Lc 24,47).

"Phải nhân danh Thầy mà rao giảng": Thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh , các thế hệ Kitô hữu kế tiếp nhau không ngừng rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Giáo hội như đôi tay nối dài của Chúa để đem ơn cứu rỗi con người.

Nhìn lại toàn cầu, sau 2000 năm Tin Mừng được rao giảng, hơn 2 tỉ người tin vào Đức Giêsu, trong đó có hơn 1 tỉ người Công giáo, con số này làm cho chúng ta vui mừng, nhưng còn hơn 4 tỉ người chưa biết Chúa, thì sao? Tại Việt Nam, sau hơn 470 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi, Giáo Hội Việt Nam khá vững mạnh. Thế nhưng 470 năm trước, cánh đồng truyền giáo thật bao la, 470 năm sau, thời chúng ta đang sống đây, cánh đồng truyền giáo cũng còn rộng khắp! Rồi nhiều người, ngay cả chúng ta nữa mang danh là Kitô hữu mà đời sống còn nhiều bất xứng, cho nên không những truyền giáo mà còn phải tái truyền giáo nữa. Thật là điều đáng làm cho chúng ta suy nghĩ và cấp bách thực hiện.

Rao giảng Tin Mừng muốn có hiệu quả phải đi đôi với việc làm cụ thể, quả đúng như thánh Giacôbê đã viết:"Đức tin không có việc làm là đức tin chết"(Gc 2,17). Đức Phaolô VI, cũng như Đức Gioan Phaolô II thường dạy với ý tưởng rằng: Thời nay người ta tin chứng nhân hơn thầy dạy, nếu người ta có tin ở thầy dạy bởi chính người đó là chứng nhân. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ 2006 cũng chỉ rõ:"Đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta" (TMV 2006,1). Trong phần hướng dẫn, các ngài cũng đã nêu những việc làm cụ thể như: Quan tâm giúp đỡ người thiếu thốn, bệnh tật, nạn nhân bão lụt ; tôn trọng luật giao thông, giữ môi trường sạch đẹp ; nhịn nhục, tha thứ, không báo thù, không gian tham, trộm cắp lỗi đức công bằng... Vậy mọi Kitô hữu hãy nhìn lại chúng ta đã là chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh như thế nào? Hay là những phản chứng khi đời sống ta còn quá lôi thôi thiếu sót!

4. Như một cuộc chạy tiếp sức, Đức Giêsu đã hoàn thành phận vụ của mình và trở về cùng Cha hưởng vinh quang thiên quốc, như kết thúc vai trò của Người ở trần gian. Giờ đây đến vai trò của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta tiếp tục làm chứng cho sự hiện diện, tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mệnh nầy mang tính cấp bách, liên lỉ và đòi hỏi chúng ta phải thật nhiều cố gắng để cộng tác với Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh mà Thiên Chúa Cha trao ban. Chắc chắn phần thưởng Nước Trời cách xứng hợp cho những ai không quản ngại nhân danh Đức Giêsu Kitô mà rao giảng.

 

49. Làm chứng

Chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời kết thúc một cách chính thức cuộc đời nhập thể của Chúa Giêsu trên trần gian, kể từ giây phút thụ thai, tức là khi Thiên Thần Truyền tin cho Đức Maria cho đến giây phút Chúa Giêsu từ giã các Tông đồ sau khi phục sinh và về trời để trở về cùng Thiên Chúa Cha.

Cuộc đời của Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Ngài Luôn thách thức, luôn mời gọi con người phải có một trong hai thái độ tin yêu chấp nhận hay kiêu ngạo chối từ. Xưa cũng như nay và qua mọi thời đại, con người phải chọn lựa một trong hai thái độ này. Đối với những ai kiêu ngạo chối từ Thiên Chúa và Chúa Kiô thì việc Chúa Lên Trời đối với họ có thể được so sánh như là việc Chúa rút lui, biến mất khỏi cuộc sống con người, không còn ý nghĩa gì nữa.

Con người được tự do quyết định về cuộc sống của mình theo những tiêu chuẩn riêng và thuận hoặc nghịch lại Lời Chúa. Họ không còn màng chi đến sự thật đã được Chúa mạc khải. Nếu không lên án kết tội Chúa thì họ cũng quên hẳn mất Chúa. Nhưng đối với những ai tin yêu chấp nhận Chúa, chẳng hạn như các Tông đồ và những đồ đệ của Chúa lúc đó và ngày hôm nay thì biến cố Chúa Giêsu Lên Trời khai mào cho một thời kỳ mới, thời kỳ trách nhiệm của các ngài là làm chứng cho Chúa, chia sẻ với anh chị em xung quanh về tình thương và sự thật của Chúa. Đây cũng chính là thời kỳ dấn thân cho sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô. Mặt khác, Chúa biết rõ sự yếu đuối của những đồ đệ thân yêu của Ngài, nên trước khi từ biệt các Tông đồ Chúa hứa ban một Đấng soi sáng đến an ủi là Chúa Thánh Thần để các ngài đủ sức mạnh cho toàn sứ mệnh đã lãnh nhận.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay hãy xét lại thái độ sống của mình như thế nào? tốt hoặc xấu, hay tệ hơn chúng ta đã chối bỏ Chúa, sống nghịch lại với những lời dạy của Chúa, làm cớ cho anh chị em xung quanh xa lìa Chúa, hoặc là chúng ta đang cố gắng hết sức mình cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Ngài.

Trong suốt tuần lễ tới này, chúng ta hãy luôn cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sống dấn thân cho Chúa và làm chứng cho Chúa ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

 

50. Chứng nhân

Dù chỉ là một nữ tu sáng lập đơn côi ban đầu, mẹ Têrêsa đã làm nên phép lạ cho dòng Thừa Sai Bác Ai của mẹ lên đến 4000 nữ tu, 450 sư huynh và hàng ngàn người ngoại giáo ngày đêm xuôi ngược tiếp tục công việc nhân ái của mẹ, với 600 cơ sở và 126 quốc gia trên thế giới. Từ ngày thành lập từ năm 1950 đến nay mỗi năm nhà dòng của mẹ đã giúp nuôi 50.000 gia đình nghèo, dạy dỗ cho 20.000 trẻ em và săn sóc cho 90.000 người mắc bệnh phong cùi trong các bệnh viện riêng ở 10 quốc gia. Các trẻ em mồ côi mà mẹ đã nuôi dạy từ hơn nửa thế kỷ nay nhiều không kể xiết.

Ngày mẹ qua đời, tổng thống pháp Jacques Chirac đã gởi một bức điện với lời lẽ đau buồn như sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít Tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và ít ánh sáng hơn trên thế giới này”.

Mẹ Têrêsa quả là một chứng nhân anh dũng. Mẹ không chỉ tin đạo mà còn sống đạo để làm chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa cho thời đại hôm nay.

Bài tin Mừng hôm nay kết thúc Tin Mừng thánh Luca, kể lại việc Chúa Giêsu dạy dỗ các tông đồ lần cuối cùng, sai các ông đi rao giảng và làm chứng cho Ngài rồi Ngài lên Trời.

Sách Công vụ tông đồ trình bày cho chúng ta biết biến cố lên trời là một sự hoàn tất gắn với một khởi đầu. Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng cứu độ trần gian và khởi đầu cho sứ mạng làm chứng nhân của Giáo Hội.

Điều mà bài tin Mừng hôm nay muốn nhấn mạnh, không phải là việc Chúa Giêsu được đem lên trời cách kỳ diệu mà là việc các tông đồ được sai đi để loan báo một Tin Mừng mới lạ, một Tin Mừng cho muôn dân. Đó là Tin Mừng về việc cứu độ.

Các Tông đồ đón nhận lời mời của Chúa Giêsu trong niềm tin tưởng và hân hoan. Tin vào Chúa Giêsu đã phục sinh và lên trời. Tin Ngài sẽ ban Thánh Thần để giúp các ông thi hành sứ mạng mới. Hân hoan vì mỗi người đều được Chúa Giêsu tin tưởng và sai đi.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ, những chứng nhân tích cực sẽ không ngừng làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, cho đến tận thôn cùng xóm vắng.

Đức Giêsu đã lên trời, nhưng bằng ngày vẫn có muôn vàn chứng nhân tiếp bước Ngài, đón nhận, sáng tạo và đi xây dựng cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

Họ cũng là những người gây phiền nhiễu như Chúa Giêsu. Họ không chấp nhận một trật tự bất công, một thế giới thiếu vắng tình thương trong đó một số người giàu có dư dật trong khi hàng vạn người phải lang thang đói rách. Họ là những kẻ gây phiền nhiễu như Chúa Giêsu, vì họ làm hết cách để người ta tin rằng, nhân loại có thể ngày một tiến gần hơn đến công bình, tha thứ và tình thương.

Để làm những việc ấy chính các Tông đồ và những chứng nhân tiếp nối các Tông đồ trong Giáo hội chấp nhận sự hiểu lầm, chống đối, đau khổ, tù đày và cả cái chết. Bởi họ luôn có sức mạnh của Chúa Thánh Thần và xác tín vào niềm tin Chúa Giêsu phục sinh.

Chính anh em là chứng nhân.

Hôm nay cũng như bao lần khác, chúng ta cùng nhau mừng lễ Chúa Giêsu lên trời và cũng đã nghe nhiều lần lời mời gọi của Chúa Giêsu “phải rao giảng cho muôn dân… chính anh em là chứng nhân”. nhưng chúng ta có đáp lại lời mời gọi đó với niềm tin tưởng và hân hoan không? hay chúng ta nghĩ đó là công việc của các linh mục, của tu sĩ nam nữ.

Hơn bao giờ hết cuộc sống của hôm nay đã có không ít những khó khăn đang đặt ra cho mỗi gia đình và cho mỗi người chúng ta. Những khó khăn đó đã làm cho chúng ta quên đi đời sống chứng nhân của mình. Tuy nhiên cũng có những người trong chúng ta sống dửng dưng, không quan tâm đến ai khác ngoài cái tôi của mình ngoài tiền bạc và tham vọng cá nhân.

Lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay một lần nữa Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân cho Ngài. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải lập nhà dòng hay xây dựng những cơ sở để làm việc từ thiện như Mẹ Têrêsa, điều Ngài chờ đợi nơi mỗi người chúng ta là hãy bỏ đi tính ích kỷ xâm chiếm cuộc sống của chúng ta để mở tâm hồn mở con tim mở miệng ra để sống cho Ngài và cho tha nhân.

Mở tâm hồn để lắng nghe, suy niệm và chiêm ngắm Chúa trong Thánh Kinh đó là cách thức để Lời Chúa trở thành ánh sáng và sức mạnh cho những lựa chọn và quyết định trong cuộc sống hằng ngày.

Mở con tim ra với tha nhân giúp nhau phát huy những tương đồng, chấp nhận dị đồng, vượt qua những bất đồng. Đặc biệt là biết người đau khổ… để mỗi người có thể nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu và là người xây dựng hòa bình.

Cuối cùng chúng ta hãy biết nói về Chúa Giêsu cho người khác khi có điều kiện.

Con người thời nay thường nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, cũng như họ đã xác tín vào điều đã trông thấy tận mắt hơn là chỉ thích chúng ta làm chứng bằng lời nói, nhưng là bằng chính cuộc sống xả thân, phục vụ và yêu thương.

 

51. Bài giảng của Lm. GB. Hiếu

NHẬP LỄ

Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Chúa định vị vào một nơi nào trên không trung, lệ thuộc thời gian như con người chúng ta thường nghĩ, nhưng đúng hơn là chấm dứt một giai đoạn hiện diện hữu hình, để khởi đầu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và để các tín hữu Chúa nhiệt thành nên chứng tá cho Chúa trong cuộc sống này. Xin cho mỗi người chúng ta nên chứng nhân tích cực hoạt động cho Chúa hằng sống.

- Lạy Chúa, lòng Chúa yêu thương chẳng khi nào lìa bỏ chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

- Lạy Chúa Kitô, Chúa là Đầu của toàn thể Hội Thánh, là niềm hy vọng của chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót …

- Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con nên chứng tá cho Chúa, kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội. Xin Chúa …

GIẢNG

Cũng như biến cố Chúa Giêsu phục sinh là sự kiện quan trọng cho nền tảng đức tin của Kitô giáo, lẽ ra phải được thuật lại hoặc tuyên truyền cách nào thật long trọng, rầm rộ để mọi người nhận ra, thế nhưng trong Thánh Ý Thiên Chúa, chúng ta thấy Chúa Giêsu phục sinh rất âm thầm, không ai biết; tác giả các sách Phúc Âm chỉ thuật lại những sự kiện hậu phục sinh rất bình thường: các bà đạo đức ra phần mộ Chúa, thấy ngôi mộ trống, người chạy về báo tin, kẻ chạy ra kiểm chứng, cùng lắm là toán binh lính lo âu về thông tin cho các thượng tế Do-thái giáo để nhận được những đồng tiền hối lộ với lời chứng gian: “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13).

Sự kiện Chúa thăng thiên cũng vậy, rất đơn giản: Sau khi căn dặn các Tông Đồ trong Nhóm Mười Một (Mc 16,14) cần đi rao giảng Phúc Âm đem ơn cứu độ đến cho mọi người, Thánh Máccô nhẹ nhàng tuyên cáo: “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (c.19).

Ý Chúa muốn gì qua những sự kiện đơn giản mà lẽ ra phải được tổ chức long trọng cho những biến cố quan trọng trong nền tảng niềm tin Kitô giáo như thế? Phải chăng Chúa muốn:

+ Niềm tin mang tính chất tự do, cần được đón nhận bằng cả tấm lòng yêu mến của mình, không mang tính chất bó buộc thúc ép? Tuy nhiên, vì yêu mến đón nhận sự kiện ngoài tầm hiểu biết, thì niềm tin đó sẽ đưa dẫn chúng ta vào nơi hạnh phúc của Thiên Chúa, bởi như Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), thì người đón nhận tin Chúa, không phải là đã liều mất mạng sống vì Lời Chúa hay sao?

+ Phục sinh chỉ là bước ngoặt cho một đoạn đường mới trong hành trình đi theo Chúa, để cuộc sống trong niềm tin Chúa mãi mãi là sức sống cho người tín hữu, thì việc Chúa thăng thiên cũng không phải là cắt đứt liên hệ với cuộc sống con người tại trần gian này; trái lại, về trời nhưng Chúa vẫn tiếp tục hiện diện cùng các môn đệ như Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b). Chính vì thế Chúa ban huấn lệnh cho các môn đệ “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” và mời gọi các ngài làm “chứng nhân” cho những việc Chúa thực hiện này (x.Lc 24,47-48), không phải chỉ đứng đó “nhìn trời” (Cv 1,11).

Chúa về trời để khởi đầu một giai đoạn mới cho Hội Thánh, từ nay chính các tín hữu Chúa sẽ hoạt động, có Chúa hỗ trợ qua tác động của Chúa Thánh Thần: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24,49). Chúa không hiện diện hữu hình, nhưng hằng “ở cùng” chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”.

Tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa, chúng ta cần sống làm chứng cho Chúa, để những người nhìn vào nếp sống của chúng ta, có thể nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc sống nhân loại, chờ đợi con người đón nhận Chúa để được hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúng ta có mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin là con cái Chúa, quyết tâm sống theo Lời Chúa, cho dẫu có bị người đời thù ghét hay làm thiệt hại vật chất hoặc tinh thần chăng?

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh hằng ở cùng chúng ta và giúp chúng ta chiến thắng mọi thử thách, để ngày kia cùng được chia sẻ hạnh phúc trên trời với Chúa. Amen.

 

52. Chứng nhân

Dù chỉ là một nữ tu sáng lập đơn côi ban đầu, mẹ Têrêsa đã làm nên phép lạ cho dòng Thừa Sai Bác Ai của mẹ lên đến 4000 nữ tu, 450 sư huynh và hàng ngàn người ngoại giáo ngày đêm xuôi ngược tiếp tục công việc nhân ái của mẹ, với 600 cơ sở và 126 quốc gia trên thế giới. Từ ngày thành lập từ năm 1950 đến nay mỗi năm nhà dòng của mẹ đã giúp nuôi 50.000 gia đình nghèo, dạy dỗ cho 20.000 trẻ em và săn sóc cho 90.000 người mắc bệnh phong cùi trong các bệnh viện riêng ở 10 quốc gia. Các trẻ em mồ côi mà mẹ đã nuôi dạy từ hơn nửa thế kỷ nay nhiều không kể xiết.

Ngày mẹ qua đời, tổng thống pháp Jacques Chirac đã gởi một bức điện với lời lẽ đau buồn như sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít Tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và ít ánh sáng hơn trên thế giới này”.

Mẹ Têrêsa quả là một chứng nhân anh dũng. Mẹ không chỉ tin đạo mà còn sống đạo để làm chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa cho thời đại hôm nay.

Bài tin Mừng hôm nay kết thúc Tin Mừng thánh Luca, kể lại việc Chúa Giêsu dạy dỗ các tông đồ lần cuối cùng, sai các ông đi rao giảng và làm chứng cho Ngài rồi Ngài lên Trời.

Sách Công vụ tông đồ trình bày cho chúng ta biết biến cố lên trời là một sự hoàn tất gắn với một khởi đầu. Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng cứu độ trần gian và khởi đầu cho sứ mạng làm chứng nhân của Giáo Hội.

Điều mà bài tin Mừng hôm nay muốn nhấn mạnh, không phải là việc Chúa Giêsu được đem lên trời cách kỳ diệu mà là việc các tông đồ được sai đi để loan báo một Tin Mừng mới lạ, một Tin Mừng cho muôn dân. Đó là Tin Mừng về việc cứu độ.

Các Tông đồ đón nhận lời mời của Chúa Giêsu trong niềm tin tưởng và hân hoan. Tin vào Chúa Giêsu đã phục sinh và lên trời. Tin Ngài sẽ ban Thánh Thần để giúp các ông thi hành sứ mạng mới. Hân hoan vì mỗi người đều được Chúa Giêsu tin tưởng và sai đi.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ, những chứng nhân tích cực sẽ không ngừng làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, cho đến tận thôn cùng xóm vắng.

Đức Giêsu đã lên trời, nhưng bằng ngày vẫn có muôn vàn chứng nhân tiếp bước Ngài, đón nhận, sáng tạo và đi xây dựng cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

Họ cũng là những người gây phiền nhiễu như Chúa Giêsu. Họ không chấp nhận một trật tự bất công, một thế giới thiếu vắng tình thương trong đó một số người giàu có dư dật trong khi hàng vạn người phải lang thang đói rách. Họ là những kẻ gây phiền nhiễu như Chúa Giêsu, vì họ làm hết cách để người ta tin rằng, nhân loại có thể ngày một tiến gần hơn đến công bình, tha thứ và tình thương.

Để làm những việc ấy chính các Tông đồ và những chứng nhân tiếp nối các Tông đồ trong Giáo hội chấp nhận sự hiểu lầm, chống đối, đau khổ, tù đày và cả cái chết. Bởi họ luôn có sức mạnh của Chúa Thánh Thần và xác tín vào niềm tin Chúa Giêsu phục sinh.

Chính anh em là chứng nhân.

Hôm nay cũng như bao lần khác, chúng ta cùng nhau mừng lễ Chúa Giêsu lên trời và cũng đã nghe nhiều lần lời mời gọi của Chúa Giêsu “phải rao giảng cho muôn dân… chính anh em là chứng nhân”. nhưng chúng ta có đáp lại lời mời gọi đó với niềm tin tưởng và hân hoan không? hay chúng ta nghĩ đó là công việc của các linh mục, của tu sĩ nam nữ.

Hơn bao giờ hết cuộc sống của hôm nay đã có không ít những khó khăn đang đặt ra cho mỗi gia đình và cho mỗi người chúng ta. Những khó khăn đó đã làm cho chúng ta quên đi đời sống chứng nhân của mình. Tuy nhiên cũng có những người trong chúng ta sống dửng dưng, không quan tâm đến ai khác ngoài cái tôi của mình ngoài tiền bạc và tham vọng cá nhân.

Lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay một lần nữa Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân cho Ngài. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải lập nhà dòng hay xây dựng những cơ sở để làm việc từ thiện như Mẹ Têrêsa, điều Ngài chờ đợi nơi mỗi người chúng ta là hãy bỏ đi tính ích kỷ xâm chiếm cuộc sống của chúng ta để mở tâm hồn mở con tim mở miệng ra để sống cho Ngài và cho tha nhân.

Mở tâm hồn để lắng nghe, suy niệm và chiêm ngắm Chúa trong Thánh Kinh đó là cách thức để Lời Chúa trở thành ánh sáng và sức mạnh cho những lựa chọn và quyết định trong cuộc sống hằng ngày.

Mở con tim ra với tha nhân giúp nhau phát huy những tương đồng, chấp nhận dị đồng, vượt qua những bất đồng. Đặc biệt là biết người đau khổ… để mỗi người có thể nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu và là người xây dựng hòa bình.

Cuối cùng chúng ta hãy biết nói về Chúa Giêsu cho người khác khi có điều kiện.

Con người thời nay thường nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, cũng như họ đã xác tín vào điều đã trông thấy tận mắt hơn là chỉ thích chúng ta làm chứng bằng lời nói, nhưng là bằng chính cuộc sống xả thân, phục vụ và yêu thương.

home Mục lục Lưu trữ