Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1378950

LOAN BÁO THƯƠNG KHÓ LẦN HAI

Loan báo thương khó lần hai – R. Gutzwiller

Ở phần cuối những đoạn nói về cuộc thương khó lần nhất, Đức Kitô đã nói rõ rằng trong số những kẻ hiện diện, có một vài người không nếm biết cái chết trước khi thấy nước Thiên Chúa. Giờ đây điều ấy được thực hiện.

  1. Đức Kitô biến hình

Đức Kitô đã biến hình trên núi: y phục và dung nhan Ngài biến đổi hoàn toàn. Nhờ vinh quang chói ngời của Thiên Chúa mà y phục và dung nhan Ngài nên sáng chói; Môisen và Êlia (biểu hiệu cho lề luật và tiên tri), cùng là nhân chứng sự việc.

Việc biến hình này là sự tỏ hiện trong vinh quang Ngài cách hữu hình và thoáng qua nước Thiên Chúa. Lúc ấy, trong nước này, Cựu ước và Tân ước đều dự phần vào sự uy nghi của Chúa Kitô. Ánh sáng tràn ngập mọi nơi tăm tối, mọi khổ đau đều tan biến trong ánh vinh quang ấy.

Nhưng ở đây chưa phải là tình trạng vĩnh cửu mà chỉ là một sự chuẩn bị cho cuộc khổ nạn và thập giá vì các vị trên nói đến ‘việc ra đi Ngài sắp hoàn tất tại Giêrusalem’. Chỉ sau khi phục sinh và thăng thiên thì cuộc biến hình ấy mới kéo dài trường cửu. Bây giờ nó giống như một tiền xướng của một Thánh vịnh một loé sáng bất ngờ vụt tới từ xa, như một chặng nghỉ của cuộc hành trình đi về cái chết và như sự mặc khải nhãn tiền về những gì sắp xẩy ra.

  1. Các môn đệ.

Ở đây ta lại thấy ba tông đồ đã chứng kiến việc phục sinh con gái Giarô. Khi ấy, họ chứng kiến việc chiến thắng sự chết, còn ở đây, họ được chiêm ngắm sự biến hình theo sau đó; và họ đã quá sung sướng đến nỗi Phêrô muốn dựng lều và chỉ muốn kéo dài cái phút giây mau qua ấy.

Nhưng họ thiếu bước dứt khoát, bước đi trong đám mây. Vì một đám mây bao phủ Chúa và cả hai chứng nhân kia nữa. Đám mây này biểu hiệu sự tối tăm mà họ phải vượt qua và đồng thời biểu hiệu mầu nhiệm của Thiên Chúa mà chỉ cái chết mới mở cửa bí mật ấy được. Nên cuộc biến hình thiết yếu thuộc về tương lai.

Đức tin là sức mạnh sẽ dẫn đến mục tiêu vinh quang ấy qua con đường đau khổ. Điều này giải thích lời: ‘Ngài là Con Ta, Kẻ Ta đã chọn, các ngươi hãy nghe Ngài’. Vấn đề là các môn đệ phải lắng nghe sứ điệp về cuộc khổ nạn ấy, dầu họ nghe mà không hiểu. Đấng Cứu Thế dù tự tỏ mình là Đầy Tớ đau khổ của Giavê, nhưng lại thực là Con Thiên Chúa, là Kẻ được chọn. Đấy là lý do cho thấy, điều cốt yếu là phải lắng nghe lời tiên báo kỳ lạ đó.

Đoạn này trong Kinh Thánh kết thúc cách đầy ý nghĩa bằng một câu đơn giản: ‘Trong khi tiếng phát ra, thì chỉ còn gặp một mình Đức Giêsu ở đó’. Ánh sáng tan đi, sự chói sáng mờ tối, tiếng nói cũng hết. Chỉ có đức tin mới nói được Đức Giêsu là Ai, Ngài uy nghi làm sao, và Ngài tiến tới vinh quang nào. Các môn đệ bùi ngùi và xao xuyến; họ im lặng giữ kín bí mật.

Bởi thế, trong khung cảnh đặc biệt này, ánh sáng và tối tăm, rạng rỡ và khổ đau, sống đời đời và sống tạm gửi, phương tiện và mục tiêu, vĩnh cửu trong vinh quang và hạn hẹp trong đau khổ, lời Thiên Chúa và sự lặng im của con người, đều hoà nhập vào nhau bền chặt. Từ đây, đời sống Chúa Kitô nơi trần gian cũng diễn ra như thế. Tức là thiết yếu phải bước đi trong cảnh tranh tối tranh sáng, nhưng luôn hướng về ánh sáng đang loé lên ở đầu đường.

Đó là sự hiểu biết trong âm thầm một mầu nhiệm cao cả, nhưng lúc quyết định, chỉ xẩy ra trong tương lai.

 

53. Đau khổ và vinh quang.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên đỉnh Taborê, một ngọn núi cao khoảng 600 thước, và cho các ông được chiêm ngưỡng vinh quang rực rỡ của Ngài, cũng như một ngày kia cho các ông được chứng kiến cơn hấp hối thương đau của Ngài trong vườn Cây Dầu.

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đau khổ và vinh quang luôn gắn liền với nhau. Thực vậy, mỗi khi loan báo về cuộc khổ nạn, Ngài đều nói:

– Con Người sẽ bị nhiều khổ đau, sẽ bị giết chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại.

Trong những lời giảng dạy, Ngài cũng cho biết như thế:

– Hạt lúa có mục nát đi thì mới đem lại nhiều bông hạt.

– Người đàn bà khi sinh nở thì đau đớn, nhưng sau đó sẽ mừng vui vì đã đem lại cho đời một người con.

Và sự thực đã xảy ra như vậy. Chính Ngài đã phải trải qua những khổ đau của ngày thứ sáu tuần thánh, để rồi mới có được vinh quang của ngày Phục sinh. Chính vì thế, chúng ta có thể xác quyết:

– Đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới Phục sinh.

Nếu Chúa Giêsu đã đi con đường đau khổ, con đường thập giá để tiến tới vinh quang Phục sinh, thì chúng ta, những người môn đệ của Ngài, muốn tiến tới vinh quang, muốn tiến tới Phục sinh thì cũng không có một con đường nào khác ngoài con đường đau khổ, ngoài con đường thập giá.

Thực vậy, giáo lý nhà Phật đã bảo:

– Đời là bể khổ, mà mỗi người chúng ta là như một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Trong khi đó chúng ta lại bảo đời là một thung lũng nước mắt, như trong kinh Lạy Nữ Vương chúng ta vốn thường đọc:

– Chúng con ở nơi khóc lóc than thở.

Đứng trước vấn đề đau khổ, nhiều người đã chán nản và tuyệt vọng để rồi xa lìa Chúa, nhiều người đã phẫn uất để rồi chống đối Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân từ tại sao Ngài lại để cho tôi phải khổ đau? Thái độ này không giải quyết được gì hết, bởi vì đau khổ chúng ta vẫn phải chịu và nó còn trở nên nguyên nhân gây nên những bực bội và tức tối, những thất vọng và buồn phiền.

Với chúng ta, những người có đức tin thì khác, chúng ta luôn vui mừng và hy vọng, bởi vì đau khổ và thập giá sẽ là như những hạt giống nảy sinh ra cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không dừng lại ở những đau khổ với thái độ bi quan. Trái lại, chúng ta sẵn sàng chấp nhận khổ đau, và hơn thế nữa, chúng ta chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, bởi chúng ta biết rằng sau những khổ đau, sau những thập giá là vinh quang của sự phục sinh. Cũng như sau cơn mưa trời lại sáng, sau mùa đông lạnh giá là mùa xuân nắng ấm.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa những vất vả và khổ đau, những buồn phiền và cay đắng trong cuộc sống, vì mỗi hy sinh sẽ là một góp phần nhỏ bé của chúng ta vào vào thập giá Đức Kitô, nhờ đó, chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang Phục sinh với Ngài.

 

54. Biến hình

Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về biến cố Chúa Giêsu biến hình, đặc biệt riêng cho ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Biến cố Chúa Giêsu biến hình được thánh Luca kể lại liền sau những lời Chúa Giêsu mạc khải cho các tông đồ về cuộc thương khó mà Ngài sẽ phải chịu tại Giêrusalem và những lời Chúa loan báo về con đường thương khó mà những đồ đệ của Chúa phải đi qua: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

Những lời loan báo này có thể làm cho các tông đồ lúc đó chưa hiểu thấu về con người và sứ mạng của Chúa, làm cho các ông phải ngã lòng, nên biến cố Chúa Giêsu biến hình liền sau đó có thể hiểu như là một hồng ân đặc biệt Chúa cho các tông đồ và không phải cho tất cả, nhưng chỉ cho một nhóm nhỏ, cho những ai mà Ngài muốn mà thôi. Và để củng cố lòng tin của họ vào Thiên Chúa, Phúc âm thánh Luca ghi lại biến cố Chúa Giêsu biến hình như sau: Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, tức là những lời: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta… và Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện”.

Thân phụ của văn hào nổi tiếng người Anh là André Possa thuộc Hàn lâm viện Pháp là một người bạn thân của Đức Thánh Cha. Ông đã hơn một lần tự kiêu và tự mãn công bố: “Nếu có Thiên Chúa thì tôi khuyên ông ấy rút đi, vì không ai thích ông ấy nữa cả “. Rồi chính André Possa sau này trong cuộc đời thanh xuân cũng đã là thành viên của đảng cộng sản Pháp. Nhưng một hôm ông được đánh động bởi sự hiện diện của Thiên Chúa, nói được là đã gặp được Thiên Chúa biến hình trong cuộc đời ông, nên ông đã ăn năn trở lại và sốt sắng tuyên bố: “Thiên Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”.

Lời tuyên xưng này trở thành bất hủ vì được chính văn hào André Possa chọn làm tựa đề cho tập sách tự thuật kể lại chính đời sống và cuộc trở lại nổi tiếng của mình: “Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Ngài”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Paris số phát hành ngày 8.3.1988, André Possa đã nói về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của mình như sau: Khi người ta may mắn gặp được Thiên Chúa thì mọi sự khác chỉ là trò hề. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng không làm cho tôi thất vọng.

Chúng ta đã trải qua hơn một tuần lễ của mùa chay, đây chính là thời gian của ân sủng, của sự gặp gỡ Thiên Chúa, của sự canh tân đời sống. Nhưng trong thực tế, đôi khi chúng ta có thể có thái độ kiêu ngạo như thân phụ của văn hào André Possa mời Thiên Chúa đi chơi chỗ khác, mời Thiên Chúa rút lui khỏi cuộc sống của chính mình. Đó là những lúc chúng ta sống không theo lời dạy của Chúa mà theo cái bụng, theo cái lợi lộc ích kỷ của mình. Đó là nếp sống mà thánh Phaolô tông đồ phải buồn sầu mà nói ra với các tín hữu Philipphê sống nghịch lại với thập giá của Chúa Kitô, sống theo mệnh lệnh của cái bụng, của điều lợi lộc vật chất nghịch lại thập giá, sống trong tội lỗi.

Xin Chúa nhân từ cho chúng ta nhận ra được ân sủng của Ngài. Xin Ngài hãy đến đưa chúng ta lên núi và cho chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô biến hình như là Thiên Chúa vinh quang và đồng thời như là Đấng chịu treo trên thập giá để cứu chuộc con người. Xin cho chúng ta được gặp Chúa và khiêm tốn thốt lên như văn hào André Possa: “Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Ngài, và chứng minh rằng ta đã gặp Ngài bằng một đời sống thánh thiện. Lắng nghe lời dạy của Thiên Chúa, mệnh lệnh duy nhất Thiên Chúa Cha truyền cho ba tông đồ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô biến hình trước mặt các tông đồ đó là: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Một đời sống vâng phục Thiên Chúa, lắng nghe Chúa nói, đọc Kinh thánh, đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, chúng ta hãy để cho chính Lời Chúa biến đổi cuộc sống của mình. Chúng ta thử xét mình xem tôi đã đọc Lời Chúa như thế nào? Tôi đã gặp được Thiên Chúa Cha chưa? Xin Chúa thương đến với chúng ta và cho phép chúng ta được gặp Chúa để canh tân đời sống mình trở về với Chúa và với anh chị em xung quanh.

 

55. Yêu dấu

Lời kêu mời của Giáo hội hướng chúng ta sống chay tịnh trong mùa chay này đã bắt đầu được hai tuần lễ. Trong hai tuần lễ vừa qua, chúng ta cũng đã chuẩn bị tâm hồn mình để trở về với Chúa. Dấu hiệu đầu tiên của sự trở về đó là sự tha thứ. Chúng ta không thể nào tha thứ được, nếu chúng ta không có sự khiêm nhường trong đời sống. Trong thánh lễ này chúng ta hãy hợp ý với nhau để xin Chúa cho chúng ta biết sống chay tịnh, biết bắt chước những ngày chay tịnh của Chúa trước khi Chúa dâng hiến chính mình Ngài để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta đang ở vào Chúa nhật thứ II Mùa chay, chúng ta đã khởi sự mùa chay thánh này vào ngày thứ tư lễ tro. Điều gì chúng ta đã làm trong ngày thứ tư lễ tro này? Thưa rằng, chúng ta đã để cho vị đại diện của Giáo hội xức tro lên trên đầu của chúng ta với dấu hiệu là chúng ta từ bụi đất sẽ trở về đất bụi. Qua bài Phúc âm Chúa nhật thứ I mùa chay tuần qua, chúng ta đã nghe về cuộc hành trình của Chúa Giêsu trong sa mạc với những cám dỗ mà Ngài đã phải đương đầu. Những cám dỗ này chính là hình ảnh của những quyến dũ ma quỉ sẽ đặt trước chúng ta trong những ngày chay tịnh này khi chúng ta sống trong bầu khí của mùa chay. Việc Chúa Giêsu biến hình trước sự hiện diện của Phêrô, Gioan và Giacôbê trong bài Phúc âm hôm nay giúp chúng ta khám phá ra được một sự thực, sự thực đó được diễn tiến như sau: Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Cứ như cách diễn tả của thánh sử Luca chúng ta có thể thấy rằng, biến cố xảy ra vào lúc ban đêm, vì như chúng ta biết là sau khi giảng dạy và làm các phép lạ, Chúa Giêsu thường đi vào các nơi thanh vắng để cầu nguyện, ăn chay và nhất là căn cứ vào thái độ của các môn đệ khi sự việc xảy ra, đó là việc Phêrô và hai bạn của ông đang ngủ. Dù cho ban đêm, bài Phúc âm đồng hoá với bóng tối được diễn tả ở đây có thể biểu hiện cho khuynh hướng xấu để hiểu cho phần bóng tối trong tâm hồn của mỗi con người. Nó cũng là một trong những điều được thánh Luca diễn tả khiến cho quang cảnh dễ gây xúc động hơn cho người đọc. Đang khi cầu nguyện, diện mạo Chúa Giêsu biến đổi khác thường, ánh sáng chói loà, nhưng Ngài vẫn là Ngài, Ngài vẫn là Chúa Giêsu Con của Thiên Chúa Cha. Có khác chăng chỉ là diện mạo và sự biến đổi xung quanh, một quang cảnh huy hoàng của cuộc đàm đạo của Chúa Giêsu với Elia và Môisen đến nỗi khi được chứng kiến và chiêm ngắm, các môn đệ hốt hoảng như trong một cơn mê sảng: “Lạy Thầy, nếu chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, tôi sẽ dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Elia và một cho Môisen”. Quả thực, ba môn đệ đã được diễm phúc chứng kiến cuộc đàm đạo trong vinh quang của Thầy Chí Thánh. Khi đề cập đến biến cố này, các thánh sử khác chỉ nói rằng, cái chết của Chúa Giêsu thực hiện tại Giêrusalem, một cái chết không phải là kết thúc chương trình của ơn cứu chuộc, nhưng là một cái chết để sống lại trong vinh quang. Trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa thì sự chết, sự sống lại và lên trời của Chúa Giêsu Kitô là sự vinh quang của Thiên Chúa vẫn thể hiện trong chính cái sinh hoạt là ăn năn, tha thứ trong 40 ngày chay tịnh. Lời phán từ trong đám mây minh chứng rằng, qua những điều này, Chúa Giêsu Người đã lãnh nhận và thánh hoá Bí tích Rửa tội nơi sông Giócđan để trao ban cho chúng ta. Ngài là Con Thiên Chúa, là Con của Thiên Chúa nói với nhân loại và nhân loại hãy đón nhận Ngài. Chúng ta hãy cùng với thánh Phêrô và hai bạn ông chứng kiến việc Chúa Giêsu biến hình và cùng được dự phần vào việc đàm phán của Chúa với hai tiên tri. Từ đó, chúng ta có thể được dự phần vào cuộc Phục sinh của Chúa trong những ngày sắp tới. Đó là một diễm phúc, chúng ta tham dự trong bất toàn của nhân tính trong con người của Chúa Giêsu, để rồi chúng ta mới được tham dự vào nhân tính bất diệt là làm con Chúa trong ngày phán xét. Biến cố biến hình của Chúa Giêsu không chỉ là mạc khải cho chúng ta nhận biết được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa trong việc cứu rỗi con người. Nhưng biến cố này còn cho chúng ta thấy tính cách của nhân loại, tính cách tối hậu của đời sống hạn chế và ý nghĩa của sự chết và sự Phục sinh trong nhiệm vụ cứu rỗi. Biến cố biến hình còn nhắc nhở và vạch sẵn cho chúng ta một cách sống trong mùa chay. Đi sâu vào chay tịnh của mùa chay thánh, chúng ta cần phải nổi bật trong sự vinh quang của Thiên Chúa là nhờ vào việc chay tịnh và thống hối của chúng ta. Anh chị em chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho nhau để sao cho mỗi người sống xứng đáng với ý nghĩa trong mùa chay thánh này.

 

56. Đau khổ

Mỗi năm, vào Chúa nhật thứ II Mùa chay, Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor. Hiển dung là thế nào? Là thay đổi hình dạng. Chúa tỏ hình dạng Thiên Chúa, Chúa bộc lộ thần tính của Ngài cho các môn đệ thấy. Nói một cách đầy đủ và đúng nghĩa là Chúa Giêsu để cho rạng sáng lên trong giây lát cái vinh hiển của “hình dạng” Thiên Chúa, đã bị che giấu đi trong cái “hình dạng” con người của Ngài. Vì thế, Tin Mừng cho biết: ba môn đệ đã thấy “vinh quang” của Ngài.

Đó là ý nghĩa của việc hiển dung. Còn mục đích của việc hiển dung là gì? Có hai mục đích: Thứ nhất, Chúa Giêsu tỏ ra cho các môn đệ thân tín và mọi người biết rõ ràng Ngài là Thiên Chúa làm người. Bởi vì người Do thái nói chung và nhất là các môn đệ, đã sống gần Chúa ba năm rồi, đã nghe biết bao lời Chúa giảng dậy, và đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm, nhưng họ vẫn chỉ thấy Ngài là một người như mọi người khác, họ không thấy chân tướng đích thực của Ngài. Hôm nay, qua sự kiện hiển dung, Chúa cho họ thấy rõ Ngài là vinh quang của Thiên Chúa, là Thiên Chúa vinh quang.

Mục đích thứ hai là để củng cố đức tin của các môn đệ. Bởi vì Chúa thấy các ông quá sợ đau khổ, không muốn chấp nhận cuộc khổ nạn của Ngài, nên Chúa đã hé mở vinh quang của Nước Thiên Chúa cho các ông thấy để tăng thêm cho các ông niềm tin và hy vọng vào ngày mai. Như vậy, việc Chúa hiển dung cũng dạy bảo cho các môn đệ biết: phải trải qua đau khổ mới vào cõi phúc, cõi hằng sống được.

Cũng như Chúa Giêsu đã dùng sự kiện hiển dung để chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận biến cố Vượt Qua, thì Giáo hội cũng làm như thế: trong khi dẫn chúng ta đến chiêm ngắm và tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua như điểm tới của mùa chay, Giáo hội cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng này để khích lệ chúng ta, nghĩa là bảo cho chúng ta biết: khổ giá mà không có vinh quang Phục sinh thì khổ giá vô nghĩa. Vinh quang Phục sinh mà không có khổ giá thì vinh quang không bao giờ có được. Vì thế, mỗi lần loan báo về cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cũng nói đến Phục sinh vinh quang. Cũng vậy, sau khi nói về cuộc khổ nạn sắp xảy đến, Chúa Giêsu đã hiển dung cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài, để động viên khích lệ các ông và dạy cho các ông cũng như mọi người biết rằng: đau khổ chỉ là bước đường phải đi qua để đưa chúng ta tới quê trời, tới hạnh phúc đích thực mọi người mong đợi.

Sống trên đời, ai cũng có đau khổ, có mặt trên đời là có khổ: “Hữu sinh hữu khổ” là thế. Đời người là một chuỗi đau khổ đầy ứ. Nhà Phật thường nói: “Đời là bể khổ”. Kinh Thánh nói: “Đời là thung lũng nước mắt”. Một thi sĩ đã nói: “Đời là cây đàn thất huyền, có một dây vui và sáu dây sầu”. Như vậy, ai cũng có đau khổ, người khổ tinh thần, người khổ thể xác, có người khổ cả hai; người khổ lúc này, người khổ lúc khác, nên có người đã nói: “Đau khổ là một khách câm, không bao giờ bảo cho chúng ta biết tại sao nó đến phá rối đời chúng ta”. Không ai muốn đau khổ mà tại sao cứ gặp hoài? Vì đời trần gian là thế.

Chúng ta đều biết: đau khổ tự nó là một điều xấu, chẳng có giá trị gì cả. Nhưng cái làm cho đau khổ có giá trị, có công phúc, chính là cách thức chúng ta xử lý chúng. Nếu chúng ta chán nản, buông xuôi, thất vọng, thì đau khổ càng đè nặng trên chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta bắt chước Chúa Giêsu, can đảm cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ biến chúng thành năng lực tích cực, thành nguồn ban sức sống. Bởi vì chính những đau khổ ấy sẽ biến đổi chúng ta thành người tốt hơn, nhiệt tình hơn, khiêm tốn hơn, biết từ tâm hơn và biết thông cảm kẻ khác hơn.

Do đó, những khi gặp đau khổ, chúng ta đừng bao giờ kêu trách Chúa, Chúa đâu có gửi đau khổ đến cho chúng ta, Chúa đâu có muốn chúng ta phải đau khổ. Vì vậy, phàn nàn, kêu trách Chúa là oan cho Chúa và xúc phạm đến Chúa. Cũng thế, chúng ta đừng bao giờ rủa mình, than thân trách phận, chán nản, buông xuôi. Nhưng hãy gia tăng cầu nguyện để xin Chúa trợ giúp, vì Chúa đã nói: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi, tôi sẽ nâng đỡ, bổ sức cho”. Chúng ta nên nhớ: Chúa nói Ngài “nâng đỡ, bổ sức” cho chúng ta chứ Ngài không cất gánh nặng cho chúng ta đâu. Bởi vì Ngài xuống trần gian không phải để làm cho hết đau khổ, nhưng chỉ muốn đem lại cho đau khổ một giá trị của nước trời.

Nếu chúng ta biết nương nhờ vào Chúa, Chúa sẽ giúp chúng ta. Người ta kể rằng: một bác tiều phu kia đi lấy được một xe bò củi chất đầy. Nhưng khi đi tới một khúc đường sình lầy thì đôi bò đứng lại. Xe bò sụp lún xuống bùn. Bác ta ngồi khóc than. Khóc một hồi bác ta nhớ ra có một vị thần và bắt đầu van xin. Vị thần hiện ra phán bảo: “Thay vì ngồi khóc thì ngươi hãy ghé vai vào xe thử đẩy đi và ta sẽ giúp”. Bác tiều phu làm theo lời vị thần, cố gắng mọi cách, cuối cùng chiếc xe bò đã vượt qua khúc đường sình lầy. Đó là ngụ ngôn dạy chúng ta phải cộng tác với một sức mạnh hơn để làm việc, để giải quyết mọi việc. Trong công việc hàng ngày, chúng ta còn biết nhờ vả vào những người khoẻ mạnh hơn, uy quyền hơn, tài năng hơn, thì tại sao chúng ta lại không nhờ cậy vào Chúa, là Đấng toàn năng và hay cứu giúp? Ngài sẽ giúp chúng ta vượt thắng đau khổ nếu chúng ta tin tưởng, cậy trông và kêu xin Ngài.

 

57. Lên núi

Trong Thánh Kinh cũng như trong hầu hết các tôn giáo, núi thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi. Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho dân riêng. Elia đã ròng rã 40 ngày đêm lên núi Horeb để gặp gỡ Chúa. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện với Chúa Cha. Chúa Giêsu lên núi giảng dạy về các mối phúc.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng nói đến việc Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi với Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem: Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ba môn đệ lên núi với Chúa? Cuộc lên núi này có ý nghĩa gì đối với các môn đệ và có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta hôm nay?

Phêrô, Giacôbê và Gioan đã bỏ thuyền, bỏ lưới mà theo Đức Giêsu, sự sợ hãi ban đầu đã nhường chỗ cho lửa nhiệt tình và những lời hứa về Nước Trời đã chắp cánh cho họ. Cho tới lúc Phêrô đại diện cho anh em tuyên xưng niềm tin vào Thầy là: “Đấng Mêsia của Thiên Chúa” – tám ngày trước biến cố lên núi – thì hành trình theo Chúa của các ông quả là tràn ngập niềm vui: Thầy đi đến đâu dân chúng đi theo đến đó, để lắng nghe Thầy giảng dạy và để được Thầy chữa lành mọi bệnh tật. Thầy nổi tiếng trò cũng được thơm lây. Các nhà lãnh đạo tôn giáo như nhóm Biệt phái và Luật sĩ có lên giọng hạch sách, bắt bẻ ư? Lập tức Thầy liền khoá miệng họ bằng những lời lẽ thật khôn ngoan. Các môn đệ ngỡ rằng hành trình theo Chúa cứ thế mà xuôi chèo mát mái.

Nhưng chính lúc này đây, Thầy lại bảo rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục khai trừ, bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại”, và chính các ông sẽ phải “vác thập giá của mình để theo Người”. Rồi Thầy hứa thêm rằng: “Một số người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa”.

Từng say sưa với những thành công vang dội của Thầy làm sao các môn đệ có thể chấp nhận Thầy bị bắt bớ, bị giết chết. Từng tuyên xưng Thầy là Đấng Mêsia làm sao họ có thể chấp nhận Đấng Cứu Thế cũng phải trải qua đau khổ, sự chết. Từng mơ ước theo Thầy sẽ làm nên sự nghiệp lớn, làm sao họ có thể chấp nhận từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Thầy. Rồi còn lời hứa của Thầy? Không thể hiểu nổi, không thể chấp nhận, họ hoang mang, lo lắng, thất vọng. Chính lúc này đây, Chúa Giêsu đưa họ lên núi với Chúa.

Ba môn đệ đã được đưa lên núi biến hình với Chúa. Một khi đã leo lên trên đó, các ông được đi vào một thế giới khác xem ra vừa kỳ diệu vừa lạ lùng, một thế giới biến đổi ý nghĩa đời họ.

Từ trên núi, Chúa Giêsu đã tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ. Từ trên núi, Phêrô, Giacô bê và Gioan đã nhận ra được Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến và cao điểm sứ mệnh cứu độ của Người là đón nhận đau khổ và cái chết mà Ngài sắp trải qua tại Giêrusalem. Và các ông cũng phải vác thập giá mình mà theo Người, phải vâng nghe lời Người. Từ trên núi, các môn đệ đã thấy vinh quang của Chúa như một lời hứa được thực hiện, như thành tựu của một sứ mệnh, như đích điểm của một con đường – con đường thập giá dẫn đến vinh quang.

Nhưng tiếp đó, họ phải xuống núi trở về với cuộc sống thường ngày. Người ta không lên núi để ở lại đó mà là để nhìn rõ hơn con đường phải đi. Đối với Chúa Giêsu, con đường đó là đau khổ và cái chết đang chờ đợi Người và Người đã xuống núi để giáp mặt với đời, để tiếp tục hành trình qua đau khổ, thập giá đến vinh quang. Từ trên núi, Chúa Giêsu cũng muốn đưa các môn đệ xuống núi trở lại với đời thường, trở lại gian lao, thử thách đang chờ họ.

Như thế, từ những người mù mờ về con người và sứ mệnh của Thầy, các môn đệ đã được hé mở cho thấy Thầy chính là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian. Từ những người coi khổ nạn thập giá là cớ gây vấp phạm, các môn đệ đã nhận ra khổ nạn thập giá là con đường phải đi qua để đến được vinh quang.

Có thể nói rằng, cuộc lên núi với Chúa của các môn đệ đã thực sự biến đổi ý nghĩa cuộc đời họ. Còn mỗi người chúng ta thì sao? Cuộc lên núi với Chúa có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?

Có thể nói, ba môn đệ trong Tin Mừng hôm nay là hình ảnh của mỗi Kitô hữu chúng ta. Trong hành trình đức tin, cho dù có say ngủ và thổn thức bất an hay sa lầy trong thói tật xưa cũ trên đường, chúng ta vẫn được Chúa mời gọi lên núi với Chúa. Vẫn có những giây phút chúng ta được đưa lên núi với Chúa: Núi của thánh lễ, núi của những phút giây cầu nguyện, núi của những lần hồi tâm sám hối trở về, núi của những dịp tĩnh tâm mùa chay. Đối với chúng ta, đó là những giây phút lên núi vắn vỏi để gặp gỡ Chúa, để lắng nghe, để chiêm niệm, để biến hình, rồi sau đó xuống núi với niềm phó thác, dấn thân sâu xa hơn trong mịt mờ sương mù của những cái thường ngày.

Nếu việc Chúa đưa ba môn đệ lên núi với Chúa đã làm cho tâm hồn các môn đệ được bình an, từ đó Người đã cùng với các ông từng ngày một đến gần cuộc thương khó và tử nạn mà Chúa Cha muốn để cứu độ nhân loại. Đối với chúng ta đó là được an bình trong những thử thách cam go, đồng thời tăng thêm nghị lực để chúng ta đi tới với thập giá trên vai, tiến về vinh quang nước trời.

Vấn đề còn lại là chúng ta biết theo Chúa lên núi, ở với Người một đôi phút trong mỗi ngày sống, nhìn thấy Người trong những biến cố lớn nhỏ của đời mình, của dòng lịch sử cứu độ, và lịch sử con người. Người còn đó khuôn mặt Người rạng rỡ yêu thương, để chúng ta tin tưởng Người và làm hết những gì mà chúng ta có thể làm, để cho từng ngày sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

Chính vì biết các môn đệ yếu đuối mà Chúa Giêsu đã đưa các ông lên núi với Chúa, cho các ông được chiêm ngắm vinh quang của Người dù chỉ trong chốc lát, để củng cố niềm tin cho các ông trong bước đường khổ nạn sắp tới. Hôm nay, Chúa biết chúng ta cũng yếu đuối, dễ sa ngã. Và như ba môn đệ cũng sắp sửa cùng Chúa bước vào tử nạn, vì thế Chúa cũng mời gọi chúng ta lên núi với Chúa, để gặp gỡ Chúa, sống với Chúa và để Chúa củng cố đức tin cho chúng ta.

Ước mong mỗi thánh lễ Chúa nhật trong mùa chay này thực sự là một cuộc lên núi với Chúa của mỗi người chúng ta. Để nhờ đó, chúng ta có đủ sức mạnh và vững tin dấn bước vào đời, chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, chấp nhận vác thập giá mà không bỏ cuộc, chấp nhận bước theo Chúa trên con đường qua tử nạn – thập giá, đến Phục sinh – vinh quang.

 

home Mục lục Lưu trữ