Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1379971

LỜI BAN SỰ SỐNG

Lời ban sự sống.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Chẳng nên ngạc nhiên nếu có lúc đức tin gặp khủng hoảng.

Cả lịch sử Cựu Ước đong đưa giữa tin và không tin.

Khi Đức Giêsu đến, người ta phải đứng trước một lựa chọn: tin hay không tin vào Lời Ngài, vào con người Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một kinh nghiệm về khủng hoảng đức tin nơi chính các môn đệ. Kinh nghiệm ấy thật gần gũi với con người hôm nay.

Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?

Đó là phản ứng của các môn đệ ngày xưa khi nghe Thầy Giêsu vén mở căn tính của Thầy. Thầy khẳng định mình từ trời mà xuống (Ga 6,38), và Thầy sẽ trở lại nơi Thầy đã ở trước kia (c.62), sau khi hiến mình chịu chết cho nhân loại (c.51) và nuôi nhân loại bằng chính máu thịt mình (c.53).

Hôm nay chúng ta vẫn có thể thấy chúng chướng tai. Mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Tử nạn của Con Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Chúa về trời: đó vẫn là và mãi mãi là những mầu nhiệm khôn dò.

Phải yêu mến mới hiểu được, mới chấp nhận được.

Hôm nay vẫn có câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vì chướng tai, chướng cả với suy nghĩ và tình cảm của ta. Lời Chúa đòi tôi đi xa hơn và bắt tôi điều chỉnh lại mối tương quan đã có với Chúa.

Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Ngài nữa. Họ đã đi với Ngài một thời gian, đã tin và đã trở thành môn đệ. Nhưng họ không thể đi tới cùng cuộc phiêu lưu này.

Trở nên môn đệ hay trở nên một Kitô hữu không phải là một bảo đảm chắc chắn mình sẽ trung tín mãi mãi với Đức Kitô.

Trở nên môn đệ là bước vào cuộc phiêu lưu, là khám phá ra một Đức Kitô luôn luôn mới, là để Ngài từ từ đưa ta đi sâu vào mầu nhiệm hơn.

Cuộc phiêu lưu nào cũng có chút rủi ro, cũng đòi chút liều lĩnh, vì đây là cuộc phiêu lưu của tình yêu, của lòng tin.

Đã có những môn đệ không tin và bỏ đi. Ngay trong nhóm ở lại cũng có kẻ phản bội. Để khỏi bỏ cuộc, cần bỏ mình…

Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?

Đại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô bày tỏ thái độ ở lại. Không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy Giêsu, nhưng vì họ tin vào con người của Thầy, tin Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng đã cho dân ăn no nê, Đấng đã đi trên biển. Lòng tin này khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai.

Lời chướng tai là lời đem lại sự sống đời đời.

Nhiều bạn trẻ hôm nay cô đơn, nhưng không biết đến với ai. Hãy cùng nhau đến với và ở lại bên Thầy Giêsu, Ngài sẽ không làm chúng ta thất vọng.

Gợi Ý Chia Sẻ

“Giới trẻ hôm nay khó tin vào Thiên Chúa, vào Đức Kitô, vào tương lai tươi sáng, vào tình bạn bền lâu, vào tình yêu chung thủy…” Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Nhận xét này có đúng cho giới trẻ ở Việt Nam không?

Ở một số nước phương Tây, đang rộ lên cả ngàn giáo phái. Người trẻ bị mê hoặc đến độ cuồng tín bởi các vị tự xưng là giáo chủ. Bạn nghĩ gì về hiện tượng này? Đâu là nguyên nhân và cách giải quyết?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

14. Hành trình đức tin – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta tới Chúa. Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Đó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.

Đó là trường hợp của những người Do Thái và một số môn đệ hôm nay.

Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.

Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô. Dù chưa hiểu những điều Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Đó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đên những lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.

Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đã có khi nào bạn cảm thấy niềm tin chao đảo, lung lay? Bạn đã làm gì để vượt qua những giờ phút khó khăn đó?

2- Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Bạn có xác tín điều đó không?

3- Sau khi những khó khăn qua đi, bạn nhìn thấy tất cả đều là ơn Chúa. Bạn có kinh nghiệm đó không?

 

15. Trung thành theo Chúa.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Cha Maurice Zundel đã kể một câu chuyện: Trong căn phòng chỉ còn lại hai người: linh mục phụ trách tu viện và viên sĩ quan Xô Viết. Viên sĩ quan nói: Hiện giờ chỉ có hai chúng ta. Ông và tôi, không một ai chứng kiến. Vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả. Hãy nói cho tôi biết là ông không tin vào tất cả những chuyện về Chúa, Mẹ, trong tôn giáo mà ông vẫn tuyên xưng phải không?

Linh mục đáp: Có, tôi tin chứ!

Viên sĩ quan buông súng xuống, ôm chầm lấy người linh mục. Ông reo lên: Quả thật, đây là điều tôi trông đợi. Đây là người tìm kiếm. Vâng, thưa cha, bây giờ thì tôi cũng thế: Tôi tin Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Có lẽ vị linh mục trong tu viện đó đã từng xác định sự chọn lựa đi theo Chúa của mình, nên cha mới có được một phản ứng dứt khoát, kiên trung, điềm nhiên đến như thế. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta xác định lại sự chọn lựa của chúng ta.

Bài đọc 1 đã cho ta thấy, bốn mươi năm về trước, dân Do Thái đã cam kết chọn Thiên Chúa trong Giao Ước tại núi Sinai. Nhưng hôm nay họ đã đặt chân và Đất Hứa, nhưng năm tháng rong ruổi trong sa mạc đã qua, những ngày tháng đói khát thiếu thốn đã chấm dứt, và từ nay họ bắt đầu cuộc sống định cư, đất đai phì nhiêu, cuộc sống thoải mái. Trước hoàn cảnh mới này, niềm tin của họ có còn mạnh mẽ sốt sắng như xưa hay đã sớm bỏ quên Chúa để chạy theo các thần địa phương. Ông Giôsê, mà cả toàn dân đã nói lên sự chọn lựa dứt khoát: “Không đời nào chúng tôi bỏ Đức Chúa mà đi thờ những thần khác”.

Khi Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hoá nhiều, dân chúng theo Chúa rất đông. Nhưng từ phép lạ ấy, Chúa dẫn họ đến lương thực hằng sống: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời”. Nhưng họ cho rằng “lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Nên từ lúc đó, có nhiều người rút lui không còn theo Chúa nữa. Bấy giờ Chúa đặt thẳng vấn đề với nhóm Mười Hai: “Cả anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Nhưng Phêrô đã đại diện các Tông Đồ xác định sự chọn lựa của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh”.

Thưa anh chị em,

Sống trong một thế giới đổi thay không ngừng, con người dễ bị lôi kéo vào thái độ thay lòng đổi dạ. Ngày nay con người gặp nhiều thứ khủng hoảng, trong đó khủng hoảng về lòng trung thành là một vấn đề quan trọng. Các hợp đồng kinh tế bị vi phạm, giao ước hôn nhân bị đổ vỡ, tình bạn bị phản bội. Ngay cả các Kitô hữu nhiều lúc cũng bị cám dỗ bỏ Chúa hoặc không sống đúng ơn gọi của mình, nhất là khi đứng trước một biến cố hay một hoàn cảnh; một thử thách hay một cám dỗ; một nỗi buồn hay một niềm vui… Xã hội Việt Nam hôm nay đổi thay từng ngày, và sự đổi thay nhanh chóng ấy đang tác động mạnh trên đời sống đức tin của các Kitô hữu. Ảnh hưởng tích cực có, mà tiêu cực cũng nhiều. Khá nhiều Kitô hữu trước kia là những người đạo đức, nhưng nay không còn đứng vững trước sức tấn công của nền kinh tế thị trường, của tiền bạc, lạc thú, công việc kinh doanh. Có những người đang từ nghèo thành giàu mà quên Chúa. Và ngược lại, một số khác đang từ giàu thành nghèo cũng bỏ Chúa. Nhiều người không còn muốn bước theo Chúa vì không thể chấp nhận được những nỗi ô nhục của thập giá trong đời mình. Cũng như những người không còn muốn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh vì “lời này chói tai quá, ai mà nghe cho nổi?” Người môn đệ Chúa Kitô cần xác định lại để trung thành bước theo Chúa.

Từ lòng trung thành với Chúa sẽ dẫn đưa con người đến lòng trung thành với nhau, nhất là trong đời sống gia đình. Đời sống gia đình hôm nay của đang gặp khủng hoảng. Người ta cam kết thề hứa trung thành suốt đời, nhưng chỉ đi với nhau một đoạn đường ngắn để rồi sau đó chia tay nhau. Thánh Phaolô hôm nay mời gọi các bậc vợ chồng ngước nhìn lên mầu nhiệm Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh để trung thành trong tình yêu hôn nhân.

Anh chị em thân mến,

Chúa muốn chúng ta trung thành và chúng ta cũng muốn trung thành. Nhưng trung thành bước theo Chúa không phải là điều dễ dàng. Quả vậy, có những lúc ta cảm thấy mình quá yếu đuối, tầm thường, quá bé nhỏ mỏng manh trước sức tấn công của thử thách, của cám dỗ, của tiện nghi vật chất, tiền bạc, thú vui sắc dục, danh vọng, quyền lực…. Chỉ có ơn Chúa mới có thể giúp ta trung thành đi theo Chúa: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ huyết nhục chẳng có ích gì… không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơi ấy cho”. Thánh Phêrô đã nhìn lên Chúa, để tiếp tục chọn lựa đi theo Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh” Quả thực, Thánh Phêrô đã cảm nhiệm được Lời Chúa là ánh sáng, là niềm vui, là sự sống và Ngài đã an tâm tín nhiệm vào Chúa. Cũng thế, ở đại hội Sikem, dân Do Thái kiên quyết chọn Chúa vì đã nhận biết những việc kỳ diều Chúa đã làm khi giải phóng họ khỏi nô lệ Ai Cập và đưa về Đất Hứa.

Mỗi người chúng ta hôm nay phải đích thân nói lên lời cam kết trong ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi dâng hiến. Chúng ta muốn chọn lựa một cách dứt khoát và vĩnh viễn, dù hôm nay ta chưa biết hết được những gì sẽ đến trong ngày mai. Sự chọn lựa ấy đòi ta tín trung. Và để tín trung trong ơn gọi, ta cần bắt đầu lại mỗi ngày, chỗi dậy mỗi ngày để “trung thành với tình yêu ban đầu” (Kh 2,4).

Chúa Giêsu Thánh Thể tự hiến trên bàn thờ và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế chính là bằng chứng của tình yêu trung thành. Chúa là nguồn sự sống luôn luôn tươi mới và là nguồn động lực để ta mãi mãi trung thành đi theo Chúa.

16. Hãy làm điều bạn có thể – Gm. Arthur Tone.

John là một người thanh niên, chàng lần lần rời xa Giáo Hội. Chàng không đi lễ nữa, không chịu các bí tích. Trong thế chiến thứ hai, khi chàng đăng ký nhập ngũ, sự lo âu của mẹ chàng tăng thêm: Nếu chàng bị chết thì sao? Linh hồn chàng sẽ ra sao? Khi chàng chuẩn bị lên đường. Mẹ chàng nói với chàng: “John ơi, mẹ muốn con làm cho mẹ một việc”. John hỏi: “Cái gì đó, mẹ?”.

“Mẹ muốn con đọc ít nhất mỗi ngày 1 lần kinh Kính Mừng. Hãy đọc, bất kể con bận hay con mệt tới mức nào”. Một chút do dự, John đã hứa.

Trải qua năm, tháng. Những bức thơ của John thưa dần. Một ngày kia một bức thơ của cha tuyên úy cho hay John bị thương nặng và chàng đã xin chịu các phép bí tích. May mắn, John bình phục. Trong bức thơ đầu về nhà, chàng viết: “Mẹ ơi, cám ơn mẹ đã bảo con làm lời hứa ấy. Con đã giữ. Mỗi lần có dịp con đi lễ và rước lễ”.

Mỗi vị linh mục đều đã nghe những câu chuyện như thế. Nó làm tôi nghĩ ngay: Dẫu một linh hồn trôi dạt xa Chúa bao xa. Nếu họ giữ một liên hệ nào đó với Chúa dù chỉ một kinh Kính Mừng một ngày, có hy vọng và có cơ may linh hồn ấy sẽ dần tìm đường trở về với Chúa.

Như rất nhiều người Công giáo ngày nay, John đã bắt chước những người môn đệ trong Tin Mừng hôm nay: Họ không đến với Chúa nữa. Những môn đệ ấy từ chối tin rằng Đức Kitô có thể lấy thịt sống của riêng Ngài cho họ ăn, Máu Ngài cho họ uống. Dẫu rằng họ đã thấy với 5 cái bánh, Đức Giêsu đã làm cho 5.000 người ăn no và họ đã thấy Người đi trên mặt nước.

Hầu hết những lý do người Công giáo xa lìa Giáo Hội có liên quan tới điều này. Thí dụ: “Thánh Lễ không liên hệ đến tôi”. Họ muốn nói Thánh Lễ không cho họ một rung động thể lý hay xúc cảm. Họ làm gì thay vào đó? Không làm gì cả. Kinh nghiệm cho thấy những người như vậy thường không đọc lấy một kinh, điều đó không lạ. Họ phải nói điều các Tông đồ đã nói với Chúa Giêsu: “Chúng con biết theo ai?”. Điều này áp dụng đặc biệt cho người Công giáo kết hôn ngoài Giáo Hội, và họ không thể lãnh các bí tích. Hầu hết mọi nơi, họ chẳng làm gì cả.

Quan điểm của tôi là người ta phải làm cái gì họ có thể làm được, điều này đem lại sự nâng đỡ và ơn của Chúa.

Đây là mấy đề nghị: Hãy đọc kinh “Lạy Cha”, kinh “Kính Mừng”. Hãy cầu nguyện bằng ngôn ngữ của riêng bạn như: “Lạy Chúa, xin giúp con làm mọi cái con có thể, để làm vui lòng Chúa”.

Bạn để ý cho con em của bạn để chỉ dạy về tôn giáo. Chính bạn phải dạy chúng. Hãy tham gia công việc của họ đạo. Bố thí cho người nghèo, người túng thiếu. Hãy giữ luật Chúa, những luật bạn có thể giữ được.

Rất thường xảy ra là một người Công giáo, khi họ nghĩ họ không thể giữ một giới răn nào đó của Chúa, họ sẽ gác bỏ tất cả mọi giới răn của Chúa qua một bên.

Bạn hãy làm những gì bạn có thể làm được, nhất là cố gắng tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Nếu bạn không thể rước lễ, bạn hãy rước lễ thiêng liêng. Nghĩa là bạn hãy thưa với Chúa Giêsu rằng bạn muốn rước Người vào trái tim bạn. Hãy thưa với Người rằng bạn hối hận vì tội lỗi của bạn, bạn ước ao Người đến với bạn một cách thiêng liêng. Bạn đón tiếp Người.

John trong câu chuyện chỉ làm một việc rất nhỏ là đọc mỗi ngày một kinh Kính Mừng. Chúa đã thưởng anh. Bạn hãy làm những gì bạn có thể làm được. Chúa sẽ thưởng bạn.

Xin Chúa chúc lành bạn.

home Mục lục Lưu trữ