Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1376735

LỬA

Lửa

Thầy đem lửa xuống trần gian.

Sách có chữ: Đạo bất viễn nhân. Đạo không bao giờ xa người, vì thế ngày nào có người thì ngày ấy phải có đạo, bằng không thì người chẳng còn là người nữa. Tuy nhiên theo thời gian, đạo chia làm hai giai đoạn, đó là đạo cũ và đạo mới. Đạo cũ cũng gọi là đạo lề luật có từ khởi thuỷ cho đến Chúa Giêsu sinh ra. Còn đạo mới được gọi là đạo tình thương xuất hiện kể từ Chúa Giêsu cho đến ngày tận thế. Đạo cũ dựa trên lề luật cho nên nó nặng nề. Các ngươi đã nghe người xưa dạy rằng: Mắt đền mắt, răng thế răng. Đồng thời nó cũng thẳng thắn và phân minh: Tội phạm ở đâu thì hình phạt ở đó. Đời ông Noe vì phạm tội cho nên loài người đã bị trừng phạt bằng trận đại hồng thuỷ. Đời ông Abraham vì tội lỗi mà hai thành Sođoma và Gômôra đã bị thiêu huỷ. Đời ông Maisen, vì tội thờ bò vàng ma dân Do Thái đã nhiều phen bị khốn đốn.

Thế nhưng, khi Chúa Giêsu giáng trần, Ngài ban hành đạo mới tức là đạo tình thương. Đạo tình thương không giẫm chân lên đạo lề luật, nhưng bổ túc và tăng cường làm cho đạo lề luật trở nên hoàn hảo hơn. Đạo lề luật đặt nền móng trên hình phạt trong khi đạo tình thương xây dựng trên sự tha thứ: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy tha thứ cho nhau mãi mãi. Chính vì thế Chúa Giêsu có lý khi quả quyết: Gánh Ta thì nhẹ nhàng và ách Ta thì êm ái.

Sáng lập ra đạo tình thương mà thôi chưa đủ, Chúa Giêsu còn biểu lộ tình thương ấy cho mọi người nhận biết. Để đạt mục đích ấy, Chúa Giêsu đã dùng việc làm và lời nói như sách Tông đồ Công vụ đã bảo: Chúa Giêsu làm trước và nói sau. Vậy thì Ngài đã làm gì? Tôi xin thưa: Ngài đã xuống thế để ở cùng chúng ta để yêu thương chúng ta và để chết vì chúng ta như lời Ngài đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Suốt cuộc đời đã không ngừng yêu thương từ người lành như các môn đệ đến những kẻ tội lỗi như bọn thu thuế và đĩ điếm, từ người đau yếu đến kẻ đã chết, từ người quê mùa đến kẻ thông biết, Ngài đã thực hiện đúng như thánh Phaolô đã diễn tả: Ta đã trở nên tôi tớ mọi người để sinh ích cho mọi người. Đức Kitô nhận Ngài là Thiên Chúa, đã hạ mình xuống trở thành con người để nhờ đó con người trở thành Thiên Chúa. Ngoài việc làm, Chúa còn dùng lời nói, vậy Chúa đã nói những gì? Ngài bảo kẻ không yêu thì ở trong sự chết. Ngài còn nói gì nữa? Ngài bảo kẻ nào yêu Ta thì Cha Ta sẽ yêu lại nó và chúng ta sẽ đến cư ngụ tại nhà nó. Rồi Ngài lại còn nói gì nữa? Ngài bảo những kẻ đã được Cha Ta trao phó cho Ta thì Ta không để một ai bị hư mất. Ngài chính là người cha mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về. Vậy chúng ta phải làm gì? Thánh Augustinô trả lời: Tình yêu kêu gọi tình yêu. Chúa đã yêu thương chúng ta cho nên chúng ta cũng phải lấy tình thương mà đáp trả. Yêu Chúa là đi một đường với Chúa: Kẻ không đi với Ta là kẻ phản bội Ta. Mà con đường của Chúa gồm trong hai điểm: mến Chúa và yêu người: Hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và mong cho lửa ấy bừng cháy. Vậy trước hết xin cho lửa ấy bừng cháy trong con tim trong cõi lòng của chúng ta, để nhờ đó sẽ bừng cháy trong xã hội chúng ta đang sống.

 

2. Gây chia rẽ

Đức Kitô đến để ban bình an hay để chia rẽ? Cứ nhìn vào cục diện của Giáo Hội, vào bộ mặt của thế giới ngày nay, thì khách quan mà nói: Đức Kitô đúng là đã gây chia rẽ. Ngài chia rẽ những kẻ tin và không tin. Rồi ngay giữa những kẻ tin thì cũng còn có chuyện Công giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo. Rồi giữa người công giáo với nhau, hiện nay cũng có phe nọ phe kia, và phe nào thì cũng lấy Chúa ra để biện minh cho lập trường của mình. Người ta đã chẳng chia rẽ nhau vì Chúa đó ư? Quả thật đúng như lời ông già Simêon đã nói: Trẻ nhỏ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã.

Thực ra vấn đề không phải là Đức Kitô đã gây chia rẽ bằng cách xúi giục người ta ghen ghét hận thù nhau, hay là khích bên này chống lại bên kia. Chúa đến thực sự để đem lại sự bình an, để xây dựng một thế giới có công lý và tình thương, nền tảng của hoà bình. Nhưng hoà bình đó, đúng như Ngài đã nói, không phải là loại hoà bình kiểu thế gian, nghĩa là hoà bình của một sự thoả hiệp vì hèn nhát hay vì áp lực. Bình an của Ngài là bình an nhờ giá máu thập giá, nghĩa là bình an được xây dựng trên công lý, một công lý mà người ta phải đấu tranh, phải hy sinh, phải liều mạng mới có thể đạt được.

Hoà bình phải là thành quả của công lý, nhưng có được công lý, hay nói đúng hơn thực hiện được công lý, không phải là chuyện dễ. Người ta có thể dễ dàng kết bầu kết bạn với nhau để ăn nhậu, để chơi bời, nhưng tìm người hợp tác làm ăn thì không phải bao giờ cũng dễ. Ăn cho đều, kêu cho sòng, là nguyên tắc không phải bao giờ cũng thực hiện được, bởi vì khi làm thì ai cũng muốn phần ít, nhưng khi hưởng lợi thì lại muốn phần nhiều. Như thế, ngồi nhà mát, mà được ăn bát vàng, phải chăng đã là cái thói thường của người đời.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã lên án thứ công lý ăn gian ấy, Ngài đấu tranh cho người nghèo, đem công lý đến cho những kẻ tội lỗi, bởi vì họ mới chính là những người đáng thương. Công lý của Chúa là bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Là hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhu, là kẻ khó nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chính vì lý do ấy mà Ngài đã gây chia rẽ bất đồng. Nói khác đi, những ai theo đúng đường lối của Chúa, thì sẽ không thể nào đứng chung hàng ngũ với những người chà đạp và bóc lột những kẻ nghèo túng và thấp cổ bé miệng.

Vì thế, những ai đứng về phe Chúa thì cũng phải đứng về phía những người nghèo hèn khốn khổ. Chính Ngài đã đến với họ, sống với họ, chết như họ và cho họ. Tuy nhiên liệu chúng ta có can đảm đứng về phía Ngài và cùng bước đi với Ngài hay không.

 

3. Lửa

Ta đem lửa xuống trần gian và chỉ mong cho lửa ấy bừng cháy lên.

Nhìn vào một ngọn lửa, chúng ta ghi nhận được những gì? Có thể là chúng ta đã ghi nhận được nhiều thứ lắm, nhưng tôi chỉ xin giữ lại nơi đây hai điểm đó là ánh sáng và sức nóng.

Ánh sáng được dùng để làm gì, nếu không phải là soi chiếu mà phá tan tăm tối. Sức nóng được dùng để làm gì, nếu không phải là để sưởi ấm những người lạnh giá và đốt cháy những gì nhơ nhớp.

Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.

Tuy nhiên Ngài cũng đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp tay với Ngài để cho sứ mạng của Ngài được chóng hoàn tất. Chính vì thế mỗi người chúng ta cũng phải là một ngọn lửa truyền nóng và chiếu sáng cho những người chung quanh bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.

Thực vậy, đời sống của chúng ta phải nóng bằng cách có sự thánh thiện, có ơn Chúa ở trong mình, đồng thời đời sống chúng ta cũng phải sáng bằng những gương mẫu gây ảnh hưởng tốt cho người chung quanh. Chúng ta đừng bao giờ để cho ngọn lửa ấy phụt tắt trong tâm hồn và trong cuộc đời. Đó là điều Chúa Giêsu luôn mong mỏi nơi mỗi người. Chúng ta có thể gọi thánh Phaolô, thánh Phanxicô là những tâm hồn lửa. Tại sao thế? Vì các ngài đã thực sự có Chúa trong tâm hồn và hăng say đem Chúa đến cho những người chung quanh.

Để kết luận, tôi xin kể lại câu chuyện của một tâm hồn đầy lửa, đó là Ozanam, vị sáng lập hội Bác ái Vinhsơn, mới 17 tuổi mà đã trở thành một tông đồ nhiệt thành bênh vực cho Chúa.

Vào năm 1843, thành phố Paris bị xáo trộn bởi những cuộc cách mạng. Đạo Công giáo bị đe doạ, các cơ sở bị cướp phá. Năm ấy Ozanam đang học luật. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc làm để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc Âm và rước lễ. Cậu được thụ huấn với một giáo sư nổi tiếng đó là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu mạnh mẽ bênh vực Giáo Hội. Cùng với Ozanam, các sinh viên trước kia rụt rè lo sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các giáo sư cũng phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm sống lại một bầu khí đạo đức. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác lập hội Bác ái Vinh sơn để giúp đỡ những người nghèo túng. Năm 18 tuổi, cậu đã thề hứa: Nhất quyết hy sinh đến hiến mạng sống mình vì dân nghèo. Ozanam đã trở nên một ngọn lửa của Đức Kitô. Giáo Hội hôm nay cũng cần nhiều tâm hồn tông đồ hăng say như Ozanam.

Hãy trở nên một ngọn lửa sưởi ấm bằng đời sống thánh thiện và đạo đức. Hãy trở nên một ngọn lửa chiếu sáng bằng những hành động bác ái và yêu thương.

 

4. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?

Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.

Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.

Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.

Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.

Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.

Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?

2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?

3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?

 

5. ''Phải chi lửa ấy đã bùng lên!''

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Báo Tuổi Trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau:

“... Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của Trường Đại Học Y Dược rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có 3 điều ước mong: hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của Câu lạc bộ Bừng Sáng. Chị hai của Đức Minh cho biết: “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý...”

Mong ước của anh Minh giúp chúng ta phần nào nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “Thầy ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!” Chính Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và huỷ diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.

Ngọn lửa ấy, có lẽ rất cần chạm đến cuộc đời chúng ta. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những bóng tối của đọa đầy, của bất công. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những người đang thất vọng chán chường. Phải chi ngọn lửa của Đức Kitô luôn được thắp sáng nhờ những người môn đệ của Chúa. Những con người luôn làm cho ngọn lửa ấy mãi bừng cháy lên trong thế giới quanh ta.

Vâng, sự trăn trở và ước mong cho ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa muốn nơi chúng ta: “Phải chi lửa ấy đã bừng lên!” Chúa vẫn mời gọi chúng ta thực hiện niềm ước mong mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất.

Nhưng, để có thể gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng, là phải chấp nhận bị khước từ và đe doạ. Chính Chúa khi còn tại thế đã linh cảm những gì xảy ra cho đời mình. Chúa sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau của cô đơn phản bội.

Hôm nay, Chúa lại mời gọi chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối:

Bóng tối của bất công, sa đoạ và tuyệt vọng.

Bóng tối của hận thù, cục bộ và chia rẽ.

Bóng tối của nghèo nàn và lạc hậu.

Bóng tối ở ngay trong lòng mình.

Đôi khi bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa của chúng ta lại qúa yếu ớt, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Nhưng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau gian khó hy sinh là những ngày gặt hái tươi vui. Như Chúa khi bị treo trên thập tự giá. Khi bị giam trong mồ. Bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Chúa, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm thắp sáng ngọn lửa yêu thương giữa đêm đen của ích kỷ hận thù hôm nay. Xin cho ánh lửa tình yêu của chúng ta mãi lan toả đến tận cùng trái đất. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ