Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 32
Tổng truy cập: 1376678
MÂN CÔI
MÂN CÔI
Hôm nay là ngày lễ kính Mẹ Mân Côi, tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về chuỗi tràng hạt của chúng ta.
Trước hết kinh Mân Côi là một việc đạo đức do chính Mẹ đã truyền dạy. Thực vậy, vào năm 1206, bè rối Albigeois nổi lên và trở thành một mối đe doạ cho Giáo Hội tại nước Pháp. Thánh Đaminh được sai đến để cảm hoá. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn thất bại, bè rối mỗi ngày một lan rộng. cuối cùng thánh Đaminh đã cầu xin với Đức Mẹ, và theo truyền thuyết thì chính Đức Mẹ đã hiêẹn ra, truyền dạy thánh Đaminh phép lần hạt Mân Côi. Nhờ kinh Mân Côi mà thánh Đaminh đã cảm hoá được những người theo bè rối, dẫn đưa họ trở về cùng Giáo Hội.
Tiếp đến kinh Mân Côi là một việc đạo đức có nội dung phong phú và cao cả. Đúng thế, xét về những lời kinh chúng ta đọc, thì kinh Lạy Cha là lời kinh do chính Chúa Giêsu đã truyền dạy, còn kinh Kính Mừng là lời kinh được rút tỉa từ lời chào kính của sứ thần Gabriel và của bà Elisabeth, tất cả đều xuất phát tự Kinh Thánh. Nhưng quan trọng hơn là về những mầu nhiệm suy gẫm. Đó là những biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu có liên quan mật thiết với Mẹ Maria, trình bày cho chúng ta tất cả mầu nhiệm nhập thể và cứu độ mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà thực hiện cho chúng ta qua dòng thời gian. Đồng thời qua mỗi biến cố, qua mỗi sự kiện, chúng ta đều rút ra một nhân đức, một bài học cụ thể áp dụng vào đời sống thiêng liêng. Từ đó chúng ta có thể kết luận: Kinh Mân Côi chính là một bản tóm lược cuộc đời Chúa Giêsu, một bản đúc kết Tin Mừng Phúc Âm.
Sau cùng, kinh Mân Côi còn là một việc đạo đức được Mẹ ưu chuộng và được Giáo Hội khuyến khích. Thực vậy khi hiện ra tại Fatima, Mẹ đã truyền cho chúng ta ba mệnh lệnh đó là tôn sùng Trái Tim Mẹ, cải thiện đời sống, và lần hạt Mân Côi. Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ nhận thấy việc lần hạt Mân Côi sẽ bao gồm cả hai mệnh lệnh kia, vì nhờ kinh Mân Côi chúng ta biểu lộ được lòng tôn sùng kính mến Mẹ cũng như tìm thấy được những tiêu chuẩn hướng dẫn cho việc đổi mới đời sống. Ngoài ra các Đức Giáo Hoàng không ngừng nhắc nhở chúng ta chu toàn việc đạo đức cao cả này. Đức Lêo XIII đã nói: Kinh Mân Côi phảng phất hương thơm và duyên dáng những cánh hồng, xứng đáng được dâng kính Đức Trinh Nữ Maria. Đức Piô X thì bảo: Nếu các con muốn cho gia đình mình được êm ấm và hạnh phúc, các con hãy lần hạt Mân Côi mỗi buổi tối trong giờ kinh gia đình. Đức Piô XII đã viết: Trong những lời kinh và những cách cầu nguyện tôn kính Mẹ Maria thì chuỗi Mân côi là một việc đạo đức cao cả nhất. Đức Thánh Cha Gioan XXIII thì bảo: Kinh Mân Côi là hơi thở của mọi tâm hồn. Sau cùng Đức Phaolô VI đã xác quyết: Kinh Mân Côi rất thích hợp với người tín hữu, đồng thời cũng rất làm cho Mẹ được hài lòng, hầu ban xuống cho chúng ta những ơn lành cần thiết.
Tuy nhiên điều Giáo Hội nhấn mạnh không phải chỉ là đọc kinh Mân Côi, mà còn là suy nghĩ và sống kinh Mân Côi, nhờ đó mà kinh Mân Côi tăng cường đức tin, nuôi dưỡng đời sống đạo đức và giúp chúng ta cải thiện đời sống. Thế nhưng chúng ta đã đọc, đã gẫm và đã sống kinh Mân Côi như thế nào? Phải chăng chúng ta cố đọc cho thật nhiều như một cái máy sản xuất ra những lời kinh, mà tâm tình thì lại trống rỗng, còn cuộc sống thì lại chìm ngập trong tội lỗi.
2. Kinh Mân Côi – Lời kinh cuộc đời
(Lễ Mân Côi 2016 – ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Sứ thần Gabrien với Trinh nữ Maria trong Tin Mừng Thánh Luca đã trở thành điểm khởi đầu cho một chuỗi 20 mầu nhiệm Mân Côi, được chia ra bốn phần: Mùa Vui, Mùa Sáng, Mùa Thương và Mùa Mừng.
Với lời thưa “Xin vâng” của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và cư ngụ giữa nhân loại. Đây là khởi đầu của một cuộc sáng tạo mới. Cuộc sáng tạo thứ nhất đã bị hoen màu tội lỗi do sự bất tuân của Ađam và mọi thế hệ kế tiếp. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ canh tân mọi vật mọi loài. Khởi đi từ mầu nhiệm Truyền tin, Kinh Mân Côi dẫn chúng ta từng bước theo Đấng Cứu thế, chiêm ngưỡng và suy tư từng biến cố của cuộc đời Người. Từ thời thơ ấu của Chúa ở làng quê Nagiarét, đến tuổi trưởng thành, lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Từ lời giảng dạy đơn sơ mà đầy khôn ngoan đến những phép lạ kỳ diệu chứng minh quyền năng Thiên Chúa. Từ cuộc khổ hình thập giá đến sự phục sinh và lên trời vinh quang. Mỗi mầu nhiệm đều mời gọi chúng ta đón nhận những thông điệp Chúa muốn truyền đạt. Qua Kinh Mân Côi, dung nhan Chúa Giêsu được phác họa, giáo huấn của Người được chuyển tải và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện.
Một nhân vật luôn hiện diện trong suốt hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, đó là Trinh nữ Maria thành Nagiarét. Qua lời Sứ thần truyền tin, Đức Maria được Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong chương trình nhập thể và cứu độ con người. Trong mọi biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ luôn diện hiện một cách âm thầm, khiêm tốn. Đó không phải là sự hiện diện thụ động, cam chịu, nhưng là sự đồng hành, cảm thông, cộng tác với Chúa Giêsu. Nếu mọi hành động của Chúa Giêsu đều có giá trị cứu rỗi nhân loại, thì Đức Mẹ là người cộng tác thiết thân gần gũi vào những hành động ấy. Vì vậy, Đức Mẹ được tuyên xưng là Đấng Đồng công cứu chuộc. Từ mầu nhiệm thứ nhất là Truyền tin, cho đến mầu nhiệm cuối cùng là việc Đức Mẹ được Chúa thưởng triều thiên vinh quang, chúng ta thấy chân dung và cuộc đời Đức Mẹ được phác họa một cách đầy đủ và sâu sắc. Đức Mẹ từng bước chiêm ngắm những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Đấng Cứu thế, cũng là con của Mẹ. Mẹ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, đến nỗi ta có thể gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên và môn đệ trọn lành của Người. Thánh Luca đã viết: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Đức Mẹ vui niềm vui của Chúa Giêsu, khi Người được người ta lắng nghe và ca ngợi tôn vinh. Đức Mẹ chia sẻ sự đau khổ của con mình, khi Người bị xúc phạm, sỉ nhục và nhất là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá. Bốn giai đoạn Vui, Sáng, Thương, Mừng trong kinh Mân Côi, vừa phác họa cuộc đời Đấng Cứu thế, vừa diễn tả hành trình đức tin của Đức Mẹ. Hai mầu nhiệm cuối cùng, tức là sự chết lành của Đức Mẹ và việc Người được tôn vinh trên hết các triều thần thánh, là phần thưởng cho một đời trung kiên, đồng thời cộng tác với Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho trần gian. Suy niệm mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đọc mười kinh “Kính Mừng”. Khi đọc kinh này, chúng ta cùng với Đức Mẹ chiêm ngưỡng và suy tư những biến cố được diễn tả trong Tin Mừng, đồng thời cầu xin cho chúng ta được những ơn cần thiết trong đời sống, để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Bốn mùa Vui-Sáng-Thương-Mừng của cuộc đời Chúa Cứu thế cũng phác họa những giai đoạn khác nhau của cuộc sống chúng ta. Lúc sinh ra khỏi lòng mẹ là ta khởi đầu cuộc sống trần gian. Thế rồi, từng bước ta lớn lên trưởng thành vào đời. Cuộc đời dạy ta những bài học sâu sắc. Có những lúc thành công, có những khi thất bại. Mỗi lần thất bại làm ta già dặn kinh nghiệm hơn. Chắng có ai sống trên đời này mà không gặp gian nan thử thách. Từ bậc quân vương vua chúa cho tới thảo dân nô lệ, ai ai cũng phải trải qua những thử thách đau thương để từng bước trưởng thành. Kinh Mân Côi giúp ta nhìn thấy chính hình ảnh mình qua cuộc đời Chúa Cứu thế. Kinh Mân Côi cũng khẳng định với chúng ta, Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc đời này. Người chia vui sẻ buồn với chúng ta. Người nâng đỡ chúng ta trên mọi bước đường trần gian. Người lau khô giọt lệ nơi đôi mắt chúng ta và khích lệ chúng ta trỗi dậy kiên cường trước phong ba bão táp của cuộc đời. Nếu ngày xưa, Chúa đã chịu khổ hình để dạy chúng ta bài học khiêm nhường và để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa, thì hôm nay, Người lại đang đau khổ nơi những mảnh đời bất hạnh. Người đồng hoá với những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống. Vì thế, khi giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ Chúa (x. Mt 25, 31-46).
Cỗ tràng hạt rất gần gũi thân thuộc với người tín hữu chúng ta. Tràng hạt không phải là một đơn vị đong đếm, nhưng là mối dây liên kết chúng ta với Đức Mẹ với anh chị em mình. Tràng hạt cũng là chuỗi hoa hồng thiêng liêng, kết lại để dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Mỗi kinh Kính Mừng là một đoá hồng huyền nhiệm, thể hiện lòng yêu mến hiếu thảo và cậy trông của chúng ta. Truyền thống Giáo hội công nhận Thánh Đaminh là người đã cổ võ lần hạt Mân Côi theo lệnh truyền của Đức Mẹ để đem lại bình an hiệp nhất cho Giáo hội, trong bối cảnh có nhiều rạn nứt, chia rẽ. Thánh Đaminh cũng là người đầu tiên kết những bông hoa hồng làm thành tràng hạt dâng kính Đức Mẹ, vì thế, chuỗt hạt ngày nay chúng ta sử dụng, dù được làm bằng chất liệu gì, cũng được gọi là “Chuỗi Mân Côi”, có nghĩa là tràng hoa hồng.
Miệng đọc, trí suy, tay lần tràng hạt, Kinh Mân Côi đơn giản mà huyền diệu. Mỗi kinh Kính mừng, ta lần một hạt, như tiến một bước trên đường đời, giúp ta đến gần Chúa Giêsu hơn. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta gửi gắm nơi Đức Mẹ niềm vui nỗi buồn của cuộc đời nhân thế. Những chuỗi hạt thiêng liêng nhân lên mãi trong cuộc đời chúng ta, kéo ơn từ trời xuống, giúp ta nên thánh. Ước chi mỗi người tín hữu cảm nhận dồi dào ân sủng Chúa ban qua Kinh Mân Côi, để cuộc đời chúng ta được biến đổi và nên hoàn thiện.
3. Mẹ đầy ơn phúc – ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Ave Maria là lời chào của thiên sứ Gabrien khi đến gặp Đức Mẹ trong ngày truyền tin. Thiên sứ từ trời cao, xuống trần để gặp một phụ nữ khiêm hạ. Ave Maria vừa là lời chào, vừa là lời mời gọi hãy vui lên vì “Đức Chúa ở cùng Bà”.
Nhờ nhạc phẩm “Ave Maria”, tên tuổi của nhà soạn nhạc người Áo Franz Schubert được cả thế giới biết đến. Tuyệt tác của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều danh ca nhờ bài thánh ca này mà được nổi danh ở tầm mức quốc tế. Thật tuyệt vời khi thấy Đức Trinh nữ Maria được ca tụng tôn vinh qua bài ca này. Từ những đại nhạc hội hàng ngàn hàng vạn thính giả, đến những nghệ sĩ violon hát rong ngoài đường phố, tất cả đều ca lên lời chào Đức Trinh nữ Maria: Mẹ đầy ơn phúc. Từ những tín hữu đạo đức đến những người vô tín ngưỡng, tất cả đều chăm chú cảm nhận những lời ca và âm điệu ngọt ngào của bài thánh ca để tôn vinh Mẹ Chúa Trời.
Ave Maria là lời chào của thiên sứ Gabrien khi đến gặp Đức Mẹ trong ngày truyền tin. Thiên sứ từ trời cao, xuống trần để gặp một phụ nữ khiêm hạ. Ave Maria vừa là lời chào, vừa là lời mời gọi hãy vui lên vì “Đức Chúa ở cùng Bà”. Qua lời chào kính trọng ấy, thiên sứ tỏ bày sự cung kính trước người phụ nữ được Chúa chọn làm thân mẫu của Ngôi Lời nhập thể. Khi muốn cứu chuộc con người, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ. Ngài đã chọn Đức Trinh nữ Maria như một “điểm đỗ” để Con của Ngài giáng trần. Thánh Luca đã diễn tả cuộc gặp gỡ kỳ diệu ấy, là một cuộc gặp gỡ giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa cao cả và con người phàm trần. Trinh nữ Maria đã thưa lời “Xin vâng” để mở lòng đón nhận Ngôi Lời nhập thể. Với lời thưa “Xin vâng” của Mẹ, Con Thiên Chúa đã đến thế gian, khởi đầu công cuộc cứu độ loài người.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, trước hết là lời kinh ca ngợi. Chúng ta hợp lời với sứ thần chào kính và ca tụng thiên chức cao cả của Đức Mẹ. Mẹ là người được Thiên Chúa chọn lựa trong muôn người, để làm ngai tòa cho Đấng Cứu thế ngự khi đến trần gian, mặc lấy thân phận con người. Lời Mẹ nói tiên tri về chính mình nay đã được thực hiện: “Từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 2,48). Qua cuộc đời của Mẹ, chúng ta ca tụng quyền năng vô biên của Thiên Chúa, đã thực hiện những việc lạ lùng. Mẹ được tôn vinh làm Nữ Vương trời đất, cùng với Đức Giêsu là Vua Vũ trụ để chúc phúc cho muôn loài.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, đó là lời kinh của niềm phó thác cậy trông. Khi lần hạt Mân Côi, chúng ta xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta được những ơn lành phần hồn phần xác, nhất là được ơn trung thành như Đức Mẹ. Lời kinh thấm nhập mỗi con tim, diễn tả tâm tư trìu mến của chúng ta dành cho Mẹ. Lời kinh đem lại sự ngọt ngào mỗi khi chúng ta âu sầu đau khổ; đem lại hy vọng mỗi khi chúng ta gặp khó khăn thất bại; đem lại niềm vui mỗi khi chúng ta buồn bã; đem lại sức mạnh mỗi khi chúng ta yếu đuối; đem lại sự đỡ nâng mỗi khi chúng ta có nguy cơ gục ngã trên đường đời. “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”, đó là lời cầu nguyện của Giáo Hội, cũng là lời cầu nguyện của mỗi con tim, xin Đức Mẹ bầu cử cho chúng ta đang còn bước đi trong cuộc sống dương gian đầy gian nan thử thách. "Kinh Mân côi không những kéo ơn trên trời xuống cho tội nhân, khiến họ mau mắn về với Mẹ, nhưng còn làm cho họ đứng vững trên con đường sùng kính mến yêu Mẹ. Nơi nào đông người chuyên chăm lần hạt, nơi ấy giáo hữu tiến nhanh trên đường thánh thiện, trái lại nơi nào thờ ơ, giáo hữu sẽ lâm vào tình trạng hư hỏng” (Thánh Grignion de Monfort).
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, đó là lời kinh của tâm tình hiếu thảo chúng ta dâng lên Mẹ Thiên Chúa. Có người thắc mắc tại sao phải lặp đi lặp lại nhiều lần kinh Kính mừng khi lần hạt Mân Côi. Điều đó thật dễ hiểu! Người con hiếu thảo nào cũng muốn nói ngàn lần lời yêu thương với cha mẹ mình mà vẫn chưa đủ. Ngôn ngữ diễn tả tình yêu giống như dòng sông tuôn chảy mãi không dừng, cũng thế, những lời chào kính Đức Mẹ dù có lặp đi lặp lại là bằng chứng của tình mến chúng ta dành cho Đức Mẹ. Kinh Mân Côi sẽ giúp khơi nguồn dòng chảy yêu thương từ nơi Đức Mẹ đến với chúng ta.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, mỗi lời kinh là một bước đường đời dẫn ta đến gần Chúa hơn, và giúp chúng ta nên giống Chúa. Bởi lẽ kinh Kính mừng được đọc trong tâm tình suy niệm, chiêm ngắm những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu thế, từ ngày Truyền tin cho đến khi Người sống lại và lên trời vinh quang. Mỗi bước đường của chúng ta đều có Đức Mẹ đồng hành. Mỗi lối đi dương thế đều có Chúa dẫn đưa. Đó là giá trị của Kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện được chính Đức Mẹ khuyến khích. Quả vậy, khi hiện ra ở Lộ Đức cũng như ở Phatima, Đức Mẹ đã cùng lần hạt với các thị nhân, trong tình thân thương trìu mến. Vì thế, tượng Đức Mẹ được trình bày tại hai nơi thánh địa này đều có cỗ tràng hạt nơi tay của Đức Mẹ. “Hãy siêng năng lần hạt”, đó còn là lệnh truyền của Đức Mẹ khi hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Phatima năm 1917.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, ước chi lời kinh này luôn vang lên nơi môi miệng chúng ta, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, nhờ đó, chúng ta luôn được Đức Mẹ phù hộ độ trì. Nhờ Mẹ và qua Mẹ, chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu, và đạt được sự sống đời đời.
4. Bài giảng lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 2013
ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Kinh Mân Côi, một kinh nguyện giản đơn mà giá trị, quen thuộc mà đầy sức hấp dẫn. Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh thần lực huyền nhiệm của kinh Mân Côi. Mỗi dịp tháng 10 về, chúng ta lại được mời gọi cùng suy tư và khám phá giá trị thiêng liêng của kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi là hình thức đạo đức bình dân, nhưng lại được yêu mến và thực hành bởi các nhà khoa học và những triết gia công giáo. Trong số những nhân vật nổi tiếng, phải kể đến Louis Pasteur, nhà bác học người Pháp sống thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vắcxin trừ bệnh chó dại.Người ta kể rằng khi ngồi trên xe lửa, không bao giờ ông rời cỗ tràng hạt. Tiếp đến là Blaise Pascal, khoa học gia, đồng thời là triết gia người Pháp thế kỷ 17. Cũng nên nhắc đến André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp thế kỷ 18-19, người đã sáng lập ra môn điện từ học, cũng là một tín hữu yêu mến kinh Mân Côi và thường xuyên lần hạt.
Trong suốt bề dày của lịch sử, nhiều vị Giáo Hoàng đã cổ võ việc đọc kinh Mân Côi và đã có những giáo huấn rất sâu sắc về hình thức cầu nguyện này.Đức Thánh Cha Lêô XIII đã dành tất cả 17 văn kiện để nói về phép lần hạt Mân Côi. Trong một văn kiện, Đức Giáo Hoàng đã viết: “Muốn được Thiên Chúa cứu chữa cho khỏi những cơn khó khăn của thời đại ngày nay, Ta nghĩ không có gì hiệu nghiệm hơn là việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Vậy Ta khuyên các giáo hữu, hãy tập thói quen đạo đức lần hạt Mân Côi hoặc công khai hoặc trong gia đình”. Cũng chính vị Giáo Hoàng này vào năm 1887 đã nâng lễ Đức Mẹ Mân Côi lên bậc lễnhì với kinh lễ và kinh Phụng vụ theo phụng vụ dòng Đaminh. Đức Thánh Piô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10. Đức Giáo Hoàng Piô XI gọi kinh Mân côi thực là một triều thiên hoa hồng rực rỡ nhất mà tuổi thanh xuân có thể đội. Đó là những đoá hồng trinh khiết và đoá hồng tình mến, đoá hồng tình yêu huynh đệ, đoá hồng chí tông đồ tươi nở trong khung cảnh lộng lẫy của một gia đình thiêng liêng như đoàn Thanh niên Công giáo Tiến hành.
Tại sao tràng Mân Côi là có sức hấp dẫn kỳ diệu như thế? Thưa, bởi vì kinh Mân Côi chính là cuốn Tin Mừng thu gọn. Đọc kinh Mân Côi là chiêm ngắm và suy niệm cuộc đời của Chúa Giê-su để chúng ta đón nhận giáo huấn của Chúa và thực thi những gì người dạy. Những lời kinh “Ave Maria” gắn bó chúng ta với Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà chúng ta có thể nên môn đệ trọn lành của Chúa Giê-su. Vẻ đẹp của kinh Mân Côi được sánh ví như chuỗi hoa hồng. Mỗi kinh Kính Mừng là một đóa hoa tỏa ngát hương thơm, đem lại cho người cầu nguyện sự dịu ngọt trong tâm hồn. Tràng hạt Mân Côi gồm 50 hay 200 hạt nối liền với nhau, như lời gọi hiệp thông liên kết được gửi đến các tín hữu để làm nên một “cỗ tràng hạt” thiêng liêng là toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Kinh Mân Côi nhắc chúng ta nhớ mình thuộc về Giáo Hội của Chúa Ki-tô, có Đức Mẹ là Đấng phù hộ chở che nâng đỡ.
Có người hỏi tôi: “Tại sao phải lặp đi lặp lại những 50 lần kinh Kính Mừng. Đọc một lần là Chúa biết và Đức Mẹ biết rồi!”. Kinh Kính Mừng là lời chào tôn kính và lời tâm sự yêu thương của chúng ta đối với Đức Mẹ. Khi hai người yêu nhau, họ muốn lặp đi lặp lại mãi những lời yêu thương mà không thấy chán. Cũng vậy, người con hiếu thảo sà vào lòng mẹ để bầy tỏ tâm tình yêu mến, dốc bầu tâm sự với mẹ mình hàng giờ mà không cảm thấy nhàm. Khi lần hạt cũng vậy, chúng ta tâm sự với Đức Mẹ, nằn nì Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được nên giống như Mẹ trong cử chỉ, lời nói và hành động. Đối với người yêu mến Chúa và yêu mến Đức Mẹ, việc đọc kinh cầu nguyện không bao giờ đơn điệu buồn chán, vì qua lời kinh, họ thực sự được gặp gỡ Chúa và tâm sự với Ngài.
Thánh Đaminh đã viết: “Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân côi”.Ước chi mỗi người tín hữu chúng ta đều biết yêu mến kinh Mân Côi để trọn vẹn cuộc sống của chúng ta là một chuỗi hoa hồng huyền nhiệm, tỏa ngát hương thơm trong vườn đời.
5. Sức mạnh của lời kinh Kính Mừng
(Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Tháng Mười dẫn chúng ta về với Mẹ Mân Côi, một tay bồng Chúa Giêsu hài Ðồng, còn tay kia thì trao tràng chuỗi Mân Côi cho thánh Ðaminh. Hình ảnh ý nghĩa này chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đaminh, để nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một trung thành hơn.
1. Kinh Kính Mừng
"Kính mừng Maria đầy ơn phúc"
Là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc. Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel chào kính Đức Maria lúc truyền tin: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Êlisabet: " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc".
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Êlisabet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".
Phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc khi thưa “xin vâng”. Phúc tiếp theo của Mẹ là có Thiên Chúa ở cùng, Mẹ cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng gồm phúc lạ. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng “đầy ơn phúc” này để tôn vinh Mẹ. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng đầu tư vốn liếng cuộc đời, biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ: "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn. Chúng ta hãy đón nhận lời yêu cầu hiền mẫu của Mẹ siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Đời con một chuỗi Mân Côi.
Hạt thương hạt sáng hạt vui hạt mừng.
Ngày đêm nguyện gẫm không ngừng.
Như cây nến cháy nhỏ từng lời kinh.
2. Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng
Sống trong thời văn minh điện toán toàn cầu hóa, biến con người thành những kẻ chạy đua với với thời cuộc. Kẻ làm, người học, có kẻ vừa học vừa làm, làm trong đi học… khiến người ta làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm cả ngày nghỉ. Thì hỡi ông bà anh chị em, dù bận đến đâu cũng đừng bỏ lễ Chúa nhật và lễ Trọng buộc. Dù mệt đến đâu cũng đừng bỏ đọc Kinh Kính Mừng. Vì "Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng" (St Bênađô).
Nhiều bạn trẻ cho rằng: Thời buổi khoa học, ai còn tụng niệm như mấy ông già bà cả nữa. Không, câu chuyện có thật của một nam sinh Pháp và Bác học Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học là bằng chứng. Người đời thường có quan niệm: hễ càng văn minh, người ta càng xa Chúa. Nhưng ngược lại Louis Pasteur Bác học trứ danh lại càng tin theo Chúa. Và sợi dây gắn kết niềm tin ấy, động lực để nghiên cứu khoa học lại là Kinh Kính Mừng. Ông lần hạt khi đi trên Métro trước mặt những nam sinh nữ tú mà chúng không hay biết ông là người thầy của mình.
Thế giới ngày hôm nay tục hóa, con người sống như thể không có Thiên Chúa, chân phước Alanô mách bảo chúng ta: "Bất cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết".
Nếu bị ma quỉ cám dỗ, sự xấu, người xấu lôi kéo, hãy đọc Kinh Kính Mừng, vì: "Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ" (Lời thánh Anphongsô). Nếu con cái hư đốn, chồng không trung thủy, vợ bất trung thành, hãy đọc Kinh Kính Mừng: "Nhờ Kinh Kính Mừng, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng".
3. Lời kinh cầu cho hòa bình
Chúng ta đang sống trong một tình hình quốc tế đầy những căng thẳng, khủng bố dưới mọi hình thức ngày càng man dợ, trộm cắp, giết người cách tinh vi, hủy hoại môi sinh, gây đau khổ cho đồng loại. Trước những thế lực mạnh hơn trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, phải nại đến sức mạnh từ trời cao. Chúng ta chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin ơn bình an cho thế giới. Việc làm trong tháng này là hãy lần hát Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.
Nữ Vương bình an, cầu cho chúng con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam