Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 89

Tổng truy cập: 1379691

MARIA VỘI VÃ LÊN ĐƯỜNG

Mẹ Maria vội vã lên đường – AM. Trần Bình An

Vào thời Cha thánh Piô thành Pietrelcina (1887-1969) còn sống, một thanh niên Mỹ đến gặp Cha. Đó là anh William Martin, tục danh là Bill, sau này trở thành tu sĩ Cappuccino với tên dòng là Giuseppe Pio. Lúc ấy là 2 giờ chiều. Anh đứng nơi hành lang với Cha Piô chờ đợi tháp tùng Cha xuống Phòng Thánh, để Cha ngồi tòa giải tội cho các tín hữu Công Giáo, tuốn đến từ khắp muôn phương.

Cha Piô giữ thinh lặng đắm chìm trong suy tư chiêm ngắm và không hề bị khuấy động bởi những gì diễn ra chung quanh. Anh Bill cũng thế.. Anh trầm lắng trong ý nghĩ riêng tư. Hay nói đúng hơn, anh đang hồi tưởng những chặng đường trải qua.

Năm ấy anh Bill từ Brooklyn của thành phố New York bên Hoa Kỳ, đến Ý để học về nghệ thuật diễn xuất trữ-tình-ca. Một hôm anh có dịp đến thành phố San Giovanni Rotondo và trọ nơi đan viện các tu sĩ Cappuccini. Đây là tu viện Cha thánh Piô đang sống. Theo chương trình anh Bill sẽ dừng lại tu viện trong vài ngày. Nào ngờ khuôn mặt thánh thiện dịu hiền của vị tu sĩ Cappuccinô mang tên Piô, lôi cuốn quyến rũ anh. Từ đó anh thường xuyên ghé tu viện. Rồi nhận thấy các tu sĩ Cappuccini người Ý phải khó nhọc, bận rộn với các thư từ tới tấp, đến từ năm châu bốn biển, với đủ mọi ngôn ngữ khác nhau, anh Bill ra tay phụ giúp. Anh phụ trách các thư từ viết bằng Anh ngữ.

Trong bầu khí đượm đầy tính chất thiêng liêng, anh Bill bắt đầu hướng đến siêu việt. Anh không còn cảm thấy thu hút bởi việc học hành, đến độ quên mất mục đích, tại sao anh có mặt trên đất Ý. Anh xin Cha phụ trách nhà trọ cho phép anh tham dự vào các sinh hoạt của tu viện, để có chút kinh nghiệm về cuộc sống tu trì. Sau vài tháng sống thử, các Bề Trên chấp nhận anh vào số các tập tu và anh khoác áo tu sinh. Chính trong chiếc áo tu sinh, mà hôm ấy anh Bill đứng cạnh Cha thánh Piô. Trong thinh lặng, anh hồi tưởng chặng đường đưa anh đến cuộc thay đổi hôm nay. Anh nhớ lại lời Linh Mục Giải Tội, Cha Clemente thành Postiglione, nói với anh trong lần gặp vừa qua: “Sau ơn thánh bí tích Rửa Tội thì Ơn Gọi vào đời sống thánh hiến là Ơn Thánh cao cả nhất mà THIÊN CHÚA ban cho một thọ sinh.” Anh thắc mắc tự nhủ: “Vậy ai đã có thể cầu bầu cùng Chúa ban cho mình Ơn Gọi trọng đại dường này?”

Tâm trí anh muốn tìm kiếm vị ân nhân để có thể nói lời tri ân. Phải chăng là Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA? Bởi vì Ông Ngoại, ngay khi anh còn bé, đã giao phó anh cho các Nữ Tu Kín của Đan Viện gần nhà anh, để Các Chị cầu nguyện cho anh. Hay là Cha Piô đứng cạnh anh đây, chính Cha cầu nguyện cho nét lôi cuốn của Cha nơi anh trở thành hiện thực? Vừa khi anh William Martin nghĩ như thế, tức khắc anh thấy Cha Piô ngừng ngay việc lần hạt Mân Côi và quay sang anh. Cha nhìn anh và chỉ nói vỏn vẹn: “Đức Bà!”

Với câu nói này, Cha Piô muốn khẳng định với anh Bill hai điều chắc chắn. Thứ nhất, Cha được Chúa Thánh Linh ban ánh sáng để có thể đọc những điều kín ẩn, trong nội tâm của những anh chị em, đang sống chung quanh Cha. Thứ hai, Cha muốn xác quyết rằng: “Chính Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA là Đấng Trung Gian ân thánh!” (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt,” Il Settimanale di Padre Pio”)

Chúa Thánh Linh đã soi sáng cho Cha thánh Piô biết chính Đức Mẹ Maria đã chủ động đến với William Martin, dẫn chàng can đảm bỏ lại mọi sự thế gian, tiến lên dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Hôm nay Chúa nhật 4 Mùa Vọng, Tin Mừng tường thuật Mẹ Maria cũng chủ động đến thăm bà Isave. Cả hai người đều tràn đầy ơn Chúa Thánh Linh trong niềm vui mừng và hy vọng.

Ra đi

Chúa Thánh Linh đã ngự xuống Mẹ Maria, hướng dẫn cuộc đời Mẹ dấn thân vào việc Đồng Công Cứu Chuộc của Thiên Chúa. Mẹ không còn sống ẩn mình bình lặng, êm ả, nương thân kín đáo chốn quê quen thuộc, mà hăng hái cất bước, ra đi theo tiếng gọi.

“Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave.“ Với Chúa Thánh Linh, Mẹ chỗi dậy thoát ra khỏi nếp sinh hoạt thường nhật bình dị trong gia đình, thoát khỏi những ràng buộc vật chất lẫn tinh thần, mà can đảm đổi mới cuộc đời. Mẹ sẵn sàng bước vào cuộc phiêu lưu tràn đầy hy vọng, nhưng lắm chông gai, thử thách và đau khổ, mà sau này ông Simeôn, người công chính tràn đầy Chúa Thánh Linh, đã tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” ( Lc 2, 35)

Ra đi còn là từ bỏ mình, bỏ lại tiện nghi, nhu cầu, ham muốn, đam mê, cũng như ý riêng, để vâng theo Thánh Ý Chúa, hiến dâng toàn thể thân xác và tâm hồn cho Chúa và cho tha nhân. Đến với bà chị họ xa lắc xa lơ, năm thì mười hoạ mới gặp, chẳng phải dễ dàng và đơn giản. Mẹ chẳng quản ngại đường xá xa xôi, cách trở, nguy cơ bắt cóc, cướp bóc, khủng bố, chết chóc. Mẹ vẫn cứ vội vã ra đi, không hề do dự, không cân nhắc, cũng chẳng cần trang bị thiệt bị, nai nịt tận răng như lính đặc nhiệm, vì Mẹ được tràn đầy Chúa Thánh Linh, còn lo lắng chi. “Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn.” ( Lc 1, 47-48)

Phó thác hoàn toàn, một mình Mẹ cấp tốc lên đường khi nghe sứ thần Gabriel báo tin vui bà chị Isave mang thai được sáu tháng. Con đường từ Nazareth đến nhà bà Isave ở Ain Carim, gần Giêrusalem, khoảng 150 cây số vời vợi không làm Mẹ chùn chân.

“Đi, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ, cũng như không ai đi với người lui. Không nhược bộ cho xác thịt. Không nhượng bộ cho lười biếng. Không nhượng bộ cho ích kỷ.” ( Đường Hy Vọng, số 12 &13)

Phục vụ

Mẹ ra đi chẳng phải để tìm kiếm lợi danh, hay công bố, khoe khoang, kiêu hãnh được hồng ân làm Mẹ Thiên Chúa, mà để âm thầm, yêu thương phục vụ, phản ảnh sứ vụ phục vụ cao cả của Con Mẹ, đang được Mẹ cưu mang. Mẹ đã thực hiện trung thành Lời Chúa: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” ( Mt 20, 28)

Phục vụ quan trọng nhất là đem Chúa đến tha nhân, chia sẻ với người khác hồng ân Chúa Thánh Linh. “Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần.” Mẹ Maria đem Đức Giêsu đến thăm mẹ con ông Gioan Tiền Hô, khiến hài nhi Gioan vui sướng mừng rỡ và bà Isave được thánh hoá, hân hoan tràn đầy Chúa Thánh Linh.

“Chúng ta cũng phải bắt chước Mẹ Maria như thế, nếu chúng ta muốn trở nên một cộng sự viên thực sự của Chúa Giêsu. Chúng ta phải đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta phải đón nhận tình yêu thương và sự thiện hảo của Ngài, và lòng chúng ta phải cháy lên một sự khao khát, muốn đem Chúa Giêsu trao ban cho người khác.” ( Lm Phêrô Trần Công Thuận dịch, Tâm hồn tràn ngập niềm vui, José Luis Gonzales Balado, Mother Teresa)

Từ tấm gương Đức Mẹ Maria ra đi phục vụ, đem Chúa đến tha nhân, cũng như dẫn dắt, mời gọi tha nhân trở về với Chúa. “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có khái niệm chủ yếu một Giáo hội “đi ra”, một Giáo hội làm “sứ mệnh” phải tập trung vào sứ điệp chính yếu của Phúc Âm, và đây phải là cánh đồng để chiến đấu. Đó là ý nghĩa của Năm Lòng Thương Xót mà Đức Phanxicô khai mạc ở Rôma ngày 8 tháng 12-2015, ngài nhắm rõ ràng, đối với giáo hữu là sự trở lại với Chúa Kitô, đối với những ai chưa biết Chúa Kitô, thì phải có “lòng thương xót”. (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch, Theo Đức Phanxicô Giáo hội đã nói quá nhiều về đạo đức, Jean-Marie Guénois, lefigaro.fr)

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chỗi dậy mỗi ngày, rũ bỏ những cám dỗ xác thịt, thế gian, luôn tỉnh thức ăn năn, sám hối, canh tân, đổi mới, để sẵn sàng chào đón Chúa ngự đến, như bà Isave đã chuẩn bị tâm hồn trong sạch, để long trọng tiếp rước Mẹ Maria và Con Mẹ đến thăm viếng.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn nhắc nhủ chúng con noi theo Mẹ, biết khiêm nhường, sẵn sàng “Xin Vâng”, chân thành đón rước Chúa và đưa Chúa đến với tha nhân. Amen.

 

18. Cuộc Hạnh Ngộ – AM Trần Bình An

Cha Jerome Pattyn mới hơn 70 tuổi, nhưng vì sức khỏe yếu kém, Cha xin về hưu sớm. Từ đó Cha dâng hiến cuộc đời còn lại để thăm viếng các bệnh nhân ở nhà thương Stella Maris ở Makassar, Indonesia.

Cha nói: “Tôi thích công tác tông đồ này. Nó giúp tôi cảm thấy hữu ích vì còn làm cái gì đó cho tha nhân. Các người bệnh mong chờ tôi đến an ủi họ. Lời cầu nguyện củng cố Đức Tin và giúp các bệnh nhân sẵn sàng chấp nhận bệnh tật. Lời cầu nguyện còn trao ban sức mạnh và nâng đỡ tâm lý khiến việc chữa trị được hữu hiệu và nhanh chóng.”

Một hôm, Cha Jerome gặp một bệnh nhân Hồi giáo sùng đạo. Anh ta bị ”đứng tim”. Anh để ý thấy người bệnh Công Giáo cùng phòng, được chữa trị ”khẩn trương”, đã mau chóng bình phục, sau khi được Cha Jerome thường xuyên viếng thăm. Cha cầu nguyện và cùng bệnh nhân Công Giáo cầu nguyện chung. Anh Hồi giáo nhờ người mời Cha Jerome đến thăm và cầu nguyện cho mình. Khi Cha Jerome giải thích với anh rằng người bệnh kia là tín hữu Công Giáo, anh nói:

“Không sao hết! Chỉ có một THIÊN CHÚA duy nhất cho hết mọi người: Hồi giáo, Công Giáo và các tôn giáo khác. Tôi nhận thấy THIÊN CHÚA nhậm lời quí vị cầu xin. Vậy xin ngài cũng cầu nguyện cho tôi với, hầu tôi được khỏi bệnh.”Dĩ nhiên, Cha Jerome sốt sắng cầu nguyện cho anh. Và người bệnh Hồi giáo đó được khỏi bệnh thật. Anh hết sức tri ân.

Cha Jerome cho biết chính phong trào Canh Tân trong Thánh Linh gợi ý khiến Cha dành thời giờ thăm viếng bệnh nhân và cầu nguyện cho họ. Mỗi khi đến nhà thương, Cha thân mật bắt tay chào thăm tất cả từ các bác sĩ, y tá đến các nhân viên thiện nguyện và các bệnh nhân. Cha quen biết mọi người và ai ai cũng quý mến Cha. Trung bình mỗi ngày Cha Jerome viếng thăm khoảng 60 bệnh nhân. Vì thế Cha không thể ở lại lâu với từng người, trừ những người đang hấp hối hoặc lâm vào cảnh tuyệt vọng… Quả thật, Cha Jerome Pattyn mang niềm HY VỌNG, lòng TIN TƯỞNG, sự NHẪN NHỤC đến cho các bệnh nhân. Cha thoa dịu đau khổ và gieo rắc NIỀM VUI cho mọi người, không trừ ai. (”Chronica CICM” n.5, Juin/2003, trang 145-148, Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt)

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Mẹ Maria đi thăm bà Êlisabet, đã có thai được 6 tháng, dù đã cao niên, như bà Xara, vợ ông Abraham.

Vâng Phục và Chia sẻ

Trong cuộc đời, ai cũng đều có nhu cầu được chia sẻ niềm vui, cũng như nỗi buồn. Niềm vui sẽ được nhân lên và nỗi buồn sẽ vơi đi. Như Cha Jerome Pattyn đã ân cần chia sẻ nỗi đau đớn của các bệnh nhân, khiến họ được an ủi, có thể mau mắn vượt qua bạo bệnh.

Mẹ Maria khi hay tin Bà Êlisabet dù đã cao niên mà vẫn được thọ thai, nhờ quyền năng Thiên Chúa, liền vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu đa, để chia vui với bà. (Lc 2, 39). Theo các nhà chú giải, thì nơi đó là một trong mười hạt của miền Giuđê, có thể là A- in Carim, cách Giêrusalem 6km về phía Tây.

Không quản đường xa vất vả, dốc đá cheo leo, nắng nóng nghiệt ngã, nguy hiểm thú dữ, hay cướp bóc rình rập, Mẹ vẫn can đảm và hăng hái dấn thân đi thăm bà Êlisabet, vâng phục theo Thánh Ý Thiên Chúa, qua Sứ thần bày tỏ. Mặt khác, Mẹ bày tỏ lòng khiêm cung, lẫn thái độ kính cẩn, hiếu đễ với bà chị họ cao niên.

Chúc Tụng và Ngợi Khen

Được tràn đầy Thánh Thần khi thụ thai, Mẹ Maria đến thăm chào hỏi bà chị Êlisabet, cùng chia sẻ Thánh Thần: Bà Êlisabet vừa nghe bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng:” Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em cũng được chúc phúc.” (Lc 2, 41-42)

Lời chúc tụng của bà Êlisabet đã trở nên phần đầu Kinh Kính Mừng, ngợi khen Đức Mẹ, mà ngày nay chúng ta vẫn thường lập lại lời chào cao quý, đầy ý nghĩa và sâu sắc đó.

Thánh Gioan Tiền Hô còn đang trong bụng, đã thể hiện vai trò ngôn sứ, bằng cách hân hoan, vui sướng, nhảy lên chào đón Chúa Giêsu, cũng đang còn ẩn mình trong lòng dạ Mẹ Maria. Còn bà Êlisabet tạm thời làm phát ngôn viên thay cho con, là ông Gioan Tiên Hô. Bà thay thế ông Gioan chúc tụng Đức Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu

Cảm tạ và Tri Ân

Trong tâm tình cảm tạ và tri ân, bà Êlisabet đã cất tiếng biểu lộ lòng biết ơn vô hạn, khi được diễm phúc Đức Thánh Mẫu và Chúa Giêsu đến chia vui, cùng thăm viếng. Nhờ tràn đầy Thánh Thần, bà Êlisabet mới có thể nhận ra Chúa của mình, đang ở trong cung lòng Đức Thánh Mẫu, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”(Lc 2, 43 –45)

Trái ngược với lòng nghi ngờ của ông Dacaria, khi được Sứ Thần báo tin sắp có con, Mẹ Maria đã hoàn toàn Tin Tưởng và Vâng Phục, ngay khi Sứ Thần Gabriel loan báo được cưu mang Đấng Cứu Thế. Do vậy, bà Êlisabet đã hết lòng ngợi khen Đức Mẹ Maria, đã làm đẹp lòng Chúa. Cũng như biết ơn Mẹ đến viếng thăm. Một vinh dự đặc biệt, một cảm nhận tri ân sâu sắc vô cùng.

Bà Êlisabet được Mẹ Thiên Chúa đến thăm, mà đã hoan hỉ sung sướng đến thế. Trong khi các Kitô hữu bây giờ còn có cơ hội vinh dự gấp bội, đó là được hân hạnh rước Mình Máu Chúa ngự vào lòng hằng ngày. Một cuộc hạnh ngộ quý giá biết chưng nào! Ôi hạnh phúc nào hơn?

“Tông đồ bằng tiếp xúc”: “Phải chăng tâm hồn chúng tôi sốt mến khi nói chuyện với Người dọc đường?” Con không nghĩ rằng, mỗi cuộc tiếp xúc là một công tác Tông đồ sao? (Đường Hy Vọng, số 323)

Lạy Chúa Giêsu dấu yêu, xin cho con luôn biết hiệp thông cùng Bà Êlisabet ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ tri ân Thiên Chúa, mỗi khi con được đón rước Chúa Thánh Thể vào lòng.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dẫn dắt con đến cùng Chúa Giêsu hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, để con luôn luôn được sống trong hồng ân cứu độ. Amen.

 

19.Buông súng – Lm. Vũ Đình Tường

Hội bảo vệ quyền lợi người yêu súng và những người mê súng lí luận họ cần nó để phòng thân và bảo vệ mình. Lí luận nghe hợp lí và êm tai nhưng thực tế cho thấy khác xa những gì lí luận. Bởi vì không phải lúc nào con người cũng tự chủ được chính mình, nhất là khi nóng giận, quá buồn hay cô đơn. Đó là chưa kể đến những người đầu óc không bình thường hay sống trong tâm trạng thù hằn.

Vụ thảm hại trẻ em vô tội mới đây xảy ra tại Newtown, Connecticut, bên Hoa Kì cho thấy rõ những hiểm nguy của việc giữ vũ khí trong tay. Hai mươi bốn vụ thảm sát đẫm máu xảy ra trong vòng bảy năm qua. Điều nghịch lí là khi một số người tranh đấu cho quyền giữ và xử dụng vũ khí cá nhân được tôn trọng thì quyền lợi người khác bị xâm phạm, nhất là trẻ em. Không phải quyền lợi các em bị hại mà là sinh mạng, sự sống của con người.

Người lớn có nhiệm vụ bảo vệ trẻ nhỏ khỏi hiểm nguy, giúp chúng sống an toàn trong nhà cũng như ngoài đường. Luật cho phép cầm giữ và xử dụng vũ khí làm tổn thương đến nhiệm vụ bảo vệ các em. Để bảo vệ người vô tội khỏi bị chết oan, việc buông súng là cần thiết. Muốn buông súng việc đầu tiên cần làm là từ bỏ một phần tư lợi, í riêng, quyền lợi riêng của cá nhân, từ bỏ luận điệu có quyền hay được quyền làm điều đó. Từ bỏ ít tư lợi cá nhân để đại chúng được nhiều điều lợi là điều tốt lành, nên làm và đáng khuyến khích. Ích lợi này không mới lạ gì vì trong Kinh Thánh có nhiều tấm gương sáng chói, được đề cao, trở thành ngày lễ kính quan trọng trong Giáo Hội. Khi đám đông hỏi ông Gioan họ phải làm gì, ông kêu gọi họ đặt lợi ích chung trên tư lợi. Gioan không phải chỉ kêu gọi người khác làm điều đó mà bản thân ông thực hành trước lời kêu gọi kia. Ông vui lòng từ bỏ mọi sự để phục vụ dân Chúa.

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa, hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi Gn 1,23

Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi Gn 3,30

Mấy ai vui khi thấy kẻ đến sau nổi bật lên, còn mình từ từ chìm vào quên lãng. Đức Kitô cũng mang tâm tình ấy khi Ngài tuyên bố Ngài đến không phải để làm theo í riêng mà làm theo í Đấng sai Ngài đến

Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo í tôi, nhưng để làm theo í Đấng đã sai tôi. Mà í của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết Gn 6,38

Đức trinh nữ Maria cũng từ bỏ í riêng để thực thi í Chúa khi thưa xin vâng cùng Thiên Thần.

Vâng tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói Lc 1,38

Đức Trinh Nữ được gọi là người có phước vì Ngài từ bỏ tự lợi để công lợi được thể hiện

Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, vì người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc Lc 1,42

Từ bỏ tư lợi cho công lợi được lợi hơn là điều tốt lành vì nó mang phúc lợi cho nhiều người. Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Trinh Nữ và Đức Kitô đều từ bỏ í riêng, tư lợi để í Chúa được thể hiện qua cuộc đời mỗi người và những từ bỏ này trở thành lịch sử ơn cứu độ. Đức Kitô từ bỏ í riêng để í Chúa Cha được thực hiện. Ngài chọn xuống thế, sinh trong chuồng bò vách tan, cửa trống và sống giữa những kẻ nghèo nhất trong số những kẻ nghèo. Chính việc từ bỏ í riêng này làm lên lịch sử của ngày lễ Kính trong mùa Giáng Sinh. Không có việc từ bỏ sẽ chẳng có Giáng Sinh.

 

20. Tin để đáp lời xin vâng như Mẹ – Huệ Minh

Với ai thì không biết, nhưng với cái anh chàng trong bài hát “Điệu lý qua cầu” thì như thế này:

Bằng lòng đi em về với quê anh

Một cù lao xanh một dòng sông xanh

Môt vườn cây xanh hoa trái đơm hương

Thuyền ai qua sông dòng hò mênh mông.

Bằng lòng đi em anh đón qua cầu

Mùa mưa cầu tre dẩu khó đưa dâu

Bằng lòng theo anh dưới mái tranh nghèo

Về đây người quê chỉ có tấm lòng

Có chiếc xuồng ba lá để yêu em

Ôi đóa hoa tím trôi líu riu

Dòng sông nước chảy líu riu

Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu nên anh thương ơ…ơ…

Ôi những đêm ngăm sông nhớ em buồn muốn khóc

Mình anh ca điệu lý qua cầu.

Ôi đoá hoa…..anh thương ơ…ơ…

Ôi những đêm ngắm sông nhớ em buồn muốn khóc

Mình anh ca điệu lý qua cầu.

Tình yêu của cái anh chàng này cũng như cái nhìn của người yêu anh chàng này có cái gì đó khang khác. Khác không chỉ ở thời của anh nhưng đặc biệt khác ở thời nay.

Người ta đi yêu ai đó thì người ta muốn giàu và có cái giàu nhưng với anh thì anh chỉ có mái tranh nghèo với tình yêu bằng cả tâm lòng. Và, người yêu của anh chỉ nhỏ xíu bên cạnh cái dòng sông nước chảy liu riu thôi.

Cái nhìn của anh, quan niệm của anh khác nhiều người.

Thiên Chúa cũng vậy, cái nhìn, quan niệm của Thiên Chúa hay nói đúng hơn là tư tưởng của Thiên Chúa khác tư tưởng của loài người.

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”(Is 55,8). Đúng vậy, có bao giờ chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt bởi cách hàng động của Chúa không? Những hành động đó không đúng với tính toán và dự liệu của chúng ta, và có khi đi ngược lại các dự tính của chúng ta.

Trang sách Mika vừa bộc bạch cho ta: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Thật vậy, trải qua dòng lịch sử, Ngài đã thực hiện đúng như thế.

Đọc lại Cựu Ước chúng ta thấy, Đavít chỉ là một trẻ nhỏ đi chăn chiên tại Bêlem, thế nhưng Chúa đã chọn và đặt Đavít lên làm vua, chiến thắng được đạo quân hùng mạnh của Goliat và dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại hoàng kim.

Trường hợp của tiên tri Giêrêmia cũng vậy. Lúc bấy giờ ông mới chỉ là một em nhỏ còn nói cà lăm, thế nhưng Chúa đã chọn ông làm tiên tri để chuyển đạt thánh ý của Ngài cho toàn dân Do Thái.

Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn những người bất hạnh và yếu kém như thế để làm những việc trọng đại.

Thiên Chúa đã hành động như vậy.

Trước mặt người đời thì Đức Maria và bà Isave là hai người không có hy vọng sinh con. Đức Maria thì khấn giữ mình đồng trinh. Còn bà Isave thì vừa son sẻ, lại vừa cao niên.

Quan niệm dân Do Thái cũng giống như quan niệm của người Việt Nam ngày xưa, coi sự kiện đông con nhiều cháu là một phúc lành do trời trao ban vì thế trong những dịp đầu xuân năm mới, chúng ta thường cầu chúc cho nhau: đa tử đa tôn đa phú quý, đông con nhiều cháu và giàu sang. Bởi đó son sẻ và đồng trinh sẽ bị người đời cười chê, vì phải chăng đó là dấu bị Chúa chúc dữ? Phải chăng đó là dấu chỉ tương đường với sự chết bởi vì nếu chết là hết sống, thì son sẻ và đồng trinh là hết chuyển thông dòng sự sống.

Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn những người bất hạnh và yếu kém như thế để làm những việc trọng đại. Đức Maria thì được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế. Còn bà Elisabeth thì được chọn làm mẹ Gioan, vị tiền hô dọn đường và giới thiệu Đấng Cứu Thế cho muôn người.

Đức Maria, đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.

Tin là để cho chương trình cứu độ của Chúa đảo lộn chương trình sống của chúng ta.

Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.

Trước khi thưa lời: “Xin Vâng”, Đức Maria đã có chương trình riêng của Mẹ, và qua lời “Xin Vâng”, Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Chúa đảo lộn chương trình sống, và cùng Chúa bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.

Đức Maria được chúc phúc, bởi vì không những Mẹ đã tin, mà còn hành động theo lòng tin của mình nữa.

Mẹ Maria chỉ im lặng sống cuộc đời bé nhỏ thầm lặng ẩn dật, cưu mang Giêsu, hoa trái cứu độ rồi dâng hiến Ngài cho chúng ta. Ánh sáng không cần lời nói, sự sống hơi thở của con tim chính là sứ điệp. Khi lòng càng trống rỗng bao nhiêu thì con người càng gây nhiều tiếng động tình yêu. Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng nhưng có thể mang Chúa Kitô phong phú và hữu hiệu như Mẹ Maria, khi ta biết sống khiêm tốn bé nhỏ và yêu thích con đường kiểu sống bé nhỏ của Thiên Chúa như một tôi tớ khiêm hạ.

Phần chúng ta, đứng trước Lời của Thiên Chúa, ta khiêm tốn và tin như Mẹ để đón Lời của Chúa vào trong đời của ta hay không? Câu trả lời, Thiên Chúa để dành cho mỗi người chúng ta.

 

21. Cảm nghiệm trên đỉnh đồi – Lm. Mark Link, SJ.

Chủ đề: “Mùa vọng là thời gian tự chấn chỉnh lấy mình để chờ Chúa đến bằng cuộc sống tín trung hiện tại đồng thời vẫn hướng vọng về cuộc sống tương lai.”

William James, nhà tâm lý học lừng danh thế giới, có kể lại câu chuyện có thực sau đây trong tác phẩm nhan đề “Varieties of Religious Experience” (những cảm nghiệm tôn giáo)

Một đêm nọ có người đàn ông đứng một mình trên đỉnh đồi heo hút. Đó là một đêm tuyệt đẹp, bầu trời đầy sao, tình yêu chan hoà muôn trái tim và bình an phủ xuống mọi tâm hồn. Đang khi đứng đó, bỗng ông thấy lòng tràn ngập niềm vui giống như ông đang lắng nghe bản hoà tấu tuyệt vời trong đó mọi nốt nhạc đan quyện vào nhau khiến tâm hồn ông đột nhiên bị xúc động. Thế rồi ông có cảm giác một người nào đó đang cùng hiện diện trên đỉnh đồi với ông. Sự hiện diện của vị này càng lúc càng mãnh liệt đến nỗi ông cảm thấy sự hiện diện ấy còn rõ rệt hơn chính sự hiện diện của ông nữa. Về sau, ông thổ lộ “chính trên đỉnh đồi vào đêm hôm ấy, tôi bắt đầu tin vào Chúa”.

Các nhà tâm lý học thường gọi cảm nghiệm trên là “khoảng khắc cao điểm”. Đó chính là lúc mà chỉ trong phút chốc chúng ta chợt nhận ra một thế giới vô cùng vĩ đại hơn, xinh đẹp hơn và còn thực hơn thế giới chúng ta hiện sống. Kinh nghiệm trên đỉnh đồi của người đàn ông nọ giúp ta hiểu rõ hơn câu chuyện trong Phúc Âm hôm nay, đặc bịêt giúp ta thấy rõ hơn lời bà Elizabeth nói với Đức Maria “Vừa nghe em chào là con trong bụng chị liền nhảy mừng lên!” Một đứa bé quậy trong bụng mẹ là điều rất bình thường, vì thế khi Luca kể lại câu chuyện này, chắc chắn ông muốn nhấn mạnh đến điều gì khác lạ hơn. Ông muốn ám chỉ cử động kia như là lời chào đón Chúa Giêsu đang hiện diện nơi cung lòng Đức Maria nghĩa là thai nhi trong bụng bà Elizabeth cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu nên đã mừng rỡ nhảy lên. Điều này báo trước những điều sẽ xảy ra thường xuyên về sau trong cuộc đời Chúa Giêsu, tức là quyền năng của Ngài sẽ tác động mãnh liệt trên dân chúng. Hai ví dụ sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

Trước mắt là câu chuyện xảy ra trên biển Galilê lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài. Simon Phêrô và Anrê sau một đêm đánh cá trở về thì gặp Chúa Giêsu bước đến thuyền họ và truyền cho thuyền ra khơi thả lưới. Simon liền đáp: “Thưa Thầy, chúng ta đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì nhưng vâng lời Thầy con sẽ thả lưới”… Thế rồi sau khi thả lưới xong, họ đã bắt được vô số cá đến nỗi lưới muốn rách…Thấy thế, Simon Phêrô vội quỳ sụp xuống thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là một kẻ tội lỗi” (Lc 5: 5-6,8). Nói cách khác, ngay phút giây ngắn ngủi ấy, lần đầu tiên Phêrô cảm nhận được sự thánh thiện của Chúa Giêsu.

Câu chuyện thứ hai xảy ra vào một ngày Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Ngài dẫn theo Phêrô, Giacôbê và Gioan. Bỗng nhiên khuôn mặt Ngài sáng chói như mặt trời và một cụm mây phủ rợp trên Ngài. Thánh sử Matthêu mô tả sự kiện xảy ra tiếp sau đó. “Từ trong đám mây có tiếng phán ra: Đây là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, hãy nghe lời Ngài”. Khi các môn đệ nghe thế họ liền sấp mình xuống đất, lòng vô cùng sợ hãi (Mt 17: 5-6). Trong phút chốc ngắn ngủi ấy Phêrô, Giacôbê và Gioan cảm nghiệm được lần đầu tên chiều kích thâm sâu của Chúa Giêsu. Họ sẽ không bao giờ quên được phút giây đó.

Nhiều năm về sau, thánh Phêrô nhắc lại Kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt vẻ oai nghi của Ngài, đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi được ở cùng Ngài trên núi thánh” (2 Pr 1: 16,18)

Ngày nay vẫn có nhiều người cảm nhận được Kinh nghiệm của Gioan Tẩy giả khi còn trong bụng bà Elizabeth, Kinh nghiệm của thánh Phêrô trên bãi biển và Kinh nghiệm của ba thánh tông đồ trên núi. Trong quyển tự thuật nhan đề “The Seven Storey Mountain” (Ngọn núi bảy tầng) Thomas Merton, một tác gỉa vĩ đại từng là người trở lại đạo Công giáo, đã mô tả kinh nghiệm của ông về Chúa Giêsu vào những năm cuối thời niên thiếu của mình.

Sau khi tốt nghiệp Trung học, Thomas một mình đi du lịch quanh Âu Châu. Trong những chuyến đi này, chàng trai khám phá ra những ngôi giáo đường hùng vĩ của Âu Châu với những pho tượng gây cảm hứng và những cửa sổ muôn màu. Thomas ghi lại: “khám phá này thật diệu kỳ… tôi bắt đầu lui tới các nhà thờ … lần đầu tiên trong đời tôi khám phá ra đôi điều về Đấng mà mọi người gọi là Đức Kitô, và quan trọng hơn nữa, tôi bắt đầu cảm nghiệm được chính Đức Kitô đang hiện diện trong các ngôi nhà thờ ấy”.

Cảm nghiệm về Đức Kitô hiện diện không máy móc nào có thể chế tạo được, không một máy tính nào có thể lập chương trình được, và cũng không thể cứ ước muốn là được, chẳng ai có thể tạo ra cảm nghiệm này được ngoài Đức Kitô. Vì đây chính là quà Ngài ban tặng. Chúng ta chỉ việc mở rộng lòng ra lãnh nhận và Mùa vọng nhằm giúp chúng ta làm việc này. Đây là lúc chính chúng ta phải tự chấn chỉnh lấy mình để đón chào Chúa Giêsu đến trong đời sống chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa bao giờ có được cảm nghiệm mãnh liệt giống như thánh Gioan tẩy giả khi còn trong bụng mẹ, hay cảm nghiệm giống như thánh Phêrô trên bờ biển, hay cảm nghiệm của ba tông đồ trên ngọn núi, hoặc cảm nghiệm của Merton trong các giáo đường Châu âu. Nhưng chúng ta cũng biết chắc rằng nếu chúng ta tự chấn nhỉnh mình để chờ đón Chúa Giêsu, nếu chúng ta biết tiếp tục mở rộng tâm hồn ra cho Ngài, thì ngày diễm phúc ấy sẽ đến, lúc đó chúng ta sẽ thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài. Đó chẳng phải là một cảm nghiệm mơ hồ, chóng qua mà là một cảm nghiệm gặp gỡ tận mặt trên cõi trời. Và khi cảm nghiệm gặp tận mặt này xảy ra, chúng ta cũng sẽ thấu hiểu được chân lý sống động từng được thánh Phaolô ghi nhận “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài những điều mắt chưa hề thấy, tai chừa hề nghe, tâm hồn chưa hề cảm nhận. Đó chính là những điều Ngài đã mặc khải cho chúng ta qua Thánh Linh của Ngài” (Lc 2: 9-10).

 

22. Dấn thân

Chúa nhật III Mùa vọng, lời Chúa giới thiệu cho chúng ta chân dung Gioan Tiền Hô với lời mời gọi tha thiết hãy thay đổi. Hôm nay, Chúa Nhật IV, Giáo hội mời gọi chúng ta hướng về Mẹ Maria với sứ điệp phụng vụ: Hãy dấn thân.

Bước chân đời thường

Tôi quan sát một người nông dân ra đồng để thăm ruộng lúa. Tôi bắt gặp một người ra siêu thị mua thức ăn cho bửa cơm của gia đình. Tôi gặp anh công nhân đến xưởng hằng ngày. Tôi cũng thường thấy rất nhiều khuôn mặt thân quen hằng ngày đi qua con phố trước nhà; đó là các em học sinh dến trường để trao dồi tri thức. Tất cả đều đi trong vội vả, họ đi một cách vô ý thức vì bước chân đã trở thành quán tính. Họ đi để hoàn tất phận vụ của cuộc đời mình. Tôi hiểu, nhưng tôi tự hỏi lòng mình. Trong những bước chân vội vã ấy, có được bao nhiêu bước chân đang tiến về phía trước vì lòng nhân ái?

Bước chân tin Mừng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, ai trong chúng ta cũng nhận ra bước chân của Đức Maria, bước chân của đức ái. Chúng ta cùng xem lại hành trình của Mẹ: Một hành trình dài của một người nữ có thể xem là chân yếu tay mềm, mà lại đang mang thai nữa. Mẹ phải đi trên con đường đồi núi, một quãng đường xa. Chắc chắn là rất khó nhọc, nhưng mẹ đi rất vội vàng, tình trạng xem ra cấp thiết. Thánh Luca muốn gửi cho cúng ta một thông điệp: Chúa đến, hãy đón nhận Chúa và cất bước lên đường vì nhu cầu của tha nhân. Chăm chú nhìn đôi chân của Mẹ, tôi đã thấy Mẹ bước ra khỏi Tin Mừng để đến với con người, phục vụ cho con người. Còn chúng ta, chúng ta đang sống giữa cuộc đời, chúng ta có dám lên đường vì ích lợi của người khác?

Bước chân của Kitô hữu.

Hôm nay, lúc này tôi đang tham dự thánh lễ chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng. Như Đức Maria tôi được nhận một biến cố truyền tin quan trọng trong đời. Lời Chúa là sứ điệp truyền tin. Rước Chúa vào lòng là đón nhận Ngôi Lời nhập thể. Chúa đến với tôi, muốn tôi thực hiện một sứ vụ giống như Mẹ. Chúa không muốn tôi giữ Chúa cách kiên cố trong cõi lòng mình. Từ nơi tôi Chúa muốn đến với người mẹ già mà tôi bất kính, người phối ngẫu mà tôi không còn có thể yêu thương, người hàng xóm mà tôi vừa gây một mối bất hoà, người nghèo khổ mà tôi lạnh nhạt, hửng hờ. Chúa muốn tôi giống Mẹ Maria bước chân ra khỏi những trang sách Tin Mừng, ra khỏi nhà thờ sau khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật để đến với tha nhân, dấn thân trong việc bác ái.

Thánh Luca cho ta hay sau lời chào của Bà Elizbeth, Mẹ Maria hân hoan trong lòng, cất lời Magnificat ca tụng Thiên Chúa. Hãy theo gương Mẹ, hãy làm một việc bác ái cụ thể nào đó một cách có ý thức. Tôi chắc rằng bạn cũng sẽ nhận được niềm vui thiêng liêng tuyệt vời.

Chúc bạn có được một màu Giáng Sinh với nhiều niềm vui: vui trong chúa và vui với tha nhân.

 

home Mục lục Lưu trữ