Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1379436

MẶT TRỜI BAN SỰ SỐNG

Mặt trời ban sự sống

Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:

- Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.

Chỉ vào một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:

- Ông có tin mặt trời không nhỉ?

Ông ta trả lời:

- Dĩ nhiên là có.

Vị linh mục nói tiếp:

- Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hôm nay chúng ta tụ hợp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta phải chấp nhận, đó là một chân lý, một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là do Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, như lời Ngài đã phán trong Tin Mừng: "Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần".

Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chúa Ba Ngôi không phải là một nguồn năng lượng vô hồn nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Ngài, chúng ta có thể kêu cầu như chúng ta vốn đã thường làm, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, đọc kinh Sáng Danh, hay như lát nữa đây, chúng ta cùng nhau hát kinh Tin Kính...

Cùng với lời tuyên xưng chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với các Ngài, để rồi các Ngài sẽ ra tay nâng đỡ phù trợ cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.


 

58. Thờ Thần nào, sẽ nên vậy

(Văn Chính, SDB chuyển ngữ)

Có lẽ chúng ta đã quen thuộc với mẩu chuyện kể về thánh Âu tinh thành Hippo, một nhà thần học nổi tiếng và cậu bé trên bãi biển. Thánh Âu Tinh muốn suy biết và hiểu rõ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào: Một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại có Ba Ngôi vị. Một mà lại là 3, rồi 3 lại là 1. Thật khó hiểu và quá phức tạp với sự suy lý của trí hiểu con người. Thế rồi Thánh Âu tinh đã nhận được bài học từ cậu bé: việc cố tìm hiểu như thế thật vô ích, vì trí khôn giới hạn của con người không thể dung nạp được mầu nhiệm lớn lao vô hạn như thế, tựa như việc cố lấy hết nước của đại dương để đổ vào một lỗ cát nhỏ được đào trên bãi biển.

Một điều không thể hiểu được với trí khôn của loài người, vậy thì tại sao phụng vụ Chúa nhật hôm nay lại mừng một cách long trọng mầu nhiệm Ba Ngôi như thế? Chắc chắc Phụng vụ Giáo hội không muốn đưa mầu nhiệm này ra để hù dọa chúng ta, hoặc là làm linh thiêng hóa hệ thống giáo lý hay thần học của Ki-tô giáo. Tuy trí khôn của con người không thể hiểu được mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào hay mầu nhiệm đó ra sao, nhưng trí khôn con người vẫn có thể hiểu ra được tại sao Thiên Chúa lại tỏ lộ mầu nhiệm này cho con người. Quả thế, khi Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm Tình Yêu vĩ đại là bản chất của Thiên Chúa, thì không phải để trí khôn con người có dịp phân tích, tìm hiểu, hay lý giải mầu nhiệm này, nhưng là để con người nhận biết được Tình yêu của Thiên Chúa và đi vào trong mối tương giao tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cái lý do tại sao mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ mầu nhiệm này cho chúng ta.

Trước hết, chúng ta đâu thấy các bài đọc Kinh thánh trong ngày lễ hôm nay cung cấp cho chúng ta một ý niệm hay một sự lý giải minh tỏ về Tín lý Một Chúa Ba Ngôi. Ngay cả hạn từ “Ba Ngôi” cũng chẳng thấy có trong Kinh thánh. Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai đã biết đến giáo lý này và đón nhận giáo lý này như một điều phải tin không phải khi họ hiểu về mầu nhiệm này, nhưng là khi họ nhận biết về lý do tại sao Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm này.

Trong lịch sử cứu độ, Thánh Kinh chúng ta thấy Chúa Cha là Đấng Tạo dựng, Chúa Con là Đấng Cứu Độ, và Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa. Tuy thế, không có ngôi nào lại hiện hữu và hoạt động riêng rẽ một mình. Rồi chính Đức Giê-su đã nói rõ hơn cho chúng ta về Chúa Cha là Đấng đã sai Ngài và về Chúa Thánh Thần, Đấng mà Ngài đã trao ban cho các môn đệ và mọi tín hữu. Đức Giê-su nói rằng Chúa Cha đã trao ban Chúa Con là tất cả những gì Người có, rồi đến lượt Chúa Con lại trao ban Thánh Thần là tất cả những gì Ngài nhận được từ Chúa Cha. Như thế, mầu nhiệm Ba Ngôi là một mầu nhiệm của Tình yêu trao ban, một mầu nhiệm để cảm nhận, để sống hơn là để phân tích tìm hiểu bằng lý lẽ của con người.

Thêm vào đó, điều quan trọng của tín điều này hệ ở chỗ: chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, vì thế, càng cảm nhận về Thiên Chúa, thì chúng ta càng biết về bản thân mình hơn.

Những nhà chuyên môn về tôn giáo nói với chúng ta rằng con người chúng ta sẽ giống như Vị thần mà chúng ta tôn thờ. Kẻ tôn thờ thần chiến tranh thì có xu hướng gây chiến. Kẻ thờ thần khoái lạc, có xu hướng tìm kiếm khoái lạc, kẻ thở một Thiên Chúa hay nổi giận, có xu hướng trả thù, còn kẻ thờ phượng Thiên Chúa Tình yêu, thì có xu hướng sống cho Tình yêu. Thờ Chúa nào, thì cũng nên giống như vậy.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nói với chúng ta về loại Thiên Chúa của Tình yêu mà chúng ta tôn thờ, và chúng ta phải trở nên loại người nào. Có hai điều để suy tư:

Thiên Chúa không hiện hữu đơn độc, nhưng trong một cộng đoàn tình yêu và chia sẻ. Thiên Chúa không phải là một vị thần cô đơn, nên kẻ thờ phượng Người phải tránh lối sống cô độc, biệt lập. Lối sống của Ki-tô giáo không mang màu sắc bi quan của sự xa tránh xã hội, hay những mối tương giao.

Một tình yêu chân thực luôn mang 3 thành phần. Cộng đoàn Chúa Ba Ngôi thật trọn vẹn. (Hình ảnh gia đình: cha – mẹ – con cái)

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một thách đố, và cũng là lời mời gọi chúng ta biết đi vào mối tương giao giữa bản thân chúng ta – Thiên Chúa – tha nhân. Xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc phúc cho chúng ta.


 

59. Lễ Chúa Ba Ngôi

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Chúa Nhật ngay sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu là Đấng mặc khải Thiên Chúa và con người. Chính nhờ Đức Giêsu, mà con người biết Thiên Chúa Ba Ngôi Vị.

I. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa Duy Nhất

Trong sách Đệ Nhị Luật, người Do Thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đấng duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực ngươi” (Dnl. 6, 4-5). Chính Thiên Chúa là Đấng đã dẫn dân Do Thái ra khỏi Aicập qua Môsê. Thiên Chúa đã đồng hành với dân Do Thái qua cột mây lửa trong sa mạc. Trên núi Sinai, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân và đã ban thập giới như điều kiện giao ước. Thiên Chúa tỏ lộ Ngài cao cả siêu việt và là Đấng yêu thương dân Do Thái vô cùng.

Trong Tân Ước, khi người ký lục hỏi Đức Giêsu về giới răn trọng nhất, Đức Giêsu đã trích dẫn Ngũ Kinh để trả lời cho ông và các bạn của ông ta. “Giới răn trọng nhất là: Hỡi Israel hãy nghe đây. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đấng duy nhất, hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Giới răn thứ hai là: hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc.12, 29-31). Đức Giêsu đã dạy cùng một điều mà người Do Thái đã được dạy dỗ và đã biết.

Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Đấng trổi vượt trên tất cả. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên tất cả, là Cha của tất cả. Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi dân tộc, không gì có mà lại không do Thiên Chúa mà có. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Ngài tạo dựng và làm cho tất cả tiếp tục tồn hữu. Thiên Chúa làm mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.

II. Đức Giêsu Mạc Khải về Thiên Chúa

Khi hài nhi Giêsu được sinh ra tại Bêlem, không ai biết Ngài là Thiên Chúa, không ai biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Ngay khi Đức Giêsu đi rao giảng, cả các tông đồ là những môn đệ thân tín của Ngài, cũng chưa nhận biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Họ có cùng ý nghĩ với dân chúng, Đức Giêsu là một tiên tri, và một cách đặc biệt hơn, Ngài là Đấng Kitô (Mt.16, 16). Khi Đức Giêsu chết trần trụi ô nhục trên thập giá, các tông đồ chán nản sợ sệt, thậm chí có môn đồ đã bỏ về quê (hai môn đệ trên đường Emmau). Những người giết Đức Giêsu cũng không biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể, vì nếu họ biết đâu họ có giết Ngài. Chính Đức Giêsu trên thập giá cũng nghĩ rằng người ta không biết về Ngài một cách thực sự nên đã xin với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, ). Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm quá cao vời mà lý trí con người không thể suy biết được trước khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.

Khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, các tông đồ nhận ra Ngài là Đấng rất đặc biệt. Ngài đến từ Thiên Chúa, Ngài là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai, và có lẽ còn là Đấng có gì đặc biệt hơn nữa. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói, đã dạy dỗ khi còn ở với các ông trên trần thế, về quyền tha tội (Mc.2, 7), về trước khi có Abraham đã có Ngài (Ga.8, 58), về việc Ngài và Cha là một (Ga.10, 30), về việc Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc.14, 62). Các tông đồ nhận ra Đức Giêsu là người rất đặc biệt của Thiên Chúa, là Đấng thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa, đến độ có thể nói, Ngài là Đấng ngang hàng với Thiên Chúa.

Con người đứng trước mầu nhiệm Đức Giêsu, đã cố gắng tìm những từ ngữ để diễn tả thực tại này, chẳng hạn như nói: Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa. Công đồng chung Nicea (325) dạy: Đức Giêsu là Đấng “đồng bản tính” với Thiên Chúa. Nói bằng một ngôn từ khác, Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Những thánh công đồng chung tiếp theo sau đã tiếp tục dạy về thực tại Đức Giêsu. Đức Giêsu là Đấng đồng nhất với Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa. Không phải Đức Giêsu là Thiên Chúa “khác” độc lập với Thiên Chúa, nhưng Ngài kết hiệp với Thiên Chúa đến độ chỉ là một Thiên Chúa. Từ ngữ ngôi vị (persona) của ngày hôm nay làm cho người ta tưởng rằng Đức Giêsu là một thực tại hiện hữu độc lập bên cạnh Thiên Chúa, như thể nhiều người khác biệt nhau nhưng đều có cùng bản tính người. Người ta không được hiểu như vậy về Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa nhưng không là ba thực tại hiện hữu độc lập khác nhau. Khi nói Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, là chúng ta đang diễn tả nét khác nhau giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Thiên Chúa Cha và Thánh Thần, và giữa Đức Giêsu và Thánh Thần.

III. Thánh Thần là Thiên Chúa

Chỉ nhờ Đức Giêsu mà người ta nhận ra Thánh Thần là một ngôi vị Thiên Chúa. Đức Giêsu nói về Thánh Thần như một ngôi vị. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng Bầu Chữa, Đấng đến từ Thiên Chúa Cha, Đấng được Cha và chính Đức Giêsu sai gởi tới (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13-16).

Ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã giảng dạy về Thánh Thần như vậy, nhưng các tông đồ chưa hiểu được, phải chờ đến khi Đức Giêsu phục sinh và với tác động của Thánh Thần, các tông đồ mới nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể; và một khi nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, các tông đồ mới nhận ra Thánh Thần là Ngôi Vị Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Giêsu và nhờ Thánh Thần, mà con người mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa, mới biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị.

Thiên Chúa sáng tạo mọi loài, tạo dựng mỗi người qua cha mẹ mỗi người. Thiên Chúa nhập thể làm người để mặc khải cho con người biết hơn về Thiên Chúa, để chỉ cho con người biết sống như thế nào để hạnh phúc thật, để trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Thánh Thần được sai đến để ở với con người, để thánh hóa con người, để làm con người thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đức Giêsu và Thánh Thần là Ba Ngôi Vị khác biệt nhau, nhưng vẫn luôn là một Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất trong ba ngôi vị.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ kinh nghiệm.

2. Bạn có cảm nhận gì về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

3. Bạn thường cầu nguyện với ngôi vị nào hơn cả? Bạn có biết tại sao?


 

60. Suy niệm của Lm. Giuse Lê Quốc Thăng.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mysterium absolutum trong Kitô giáo chúng ta. Cho dù chúng ta tin Đức Giêsu là Con một Thiên Chúa đến trong thế gian, mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng đây là mầu nhiệm tuyệt đối không một người trần thế nào có thể hiểu thấu được.

Về mặt tín lý, Công đồng Nicêa (325) xác nhận thiên tính của Đức Giêsu, đồng bản thể (Homoousios) với Thiên Chúa Cha và Công đồng Constantinople I (381) xác nhận thiên tính của Chúa Thánh Thần: một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Dù giải thích như thế nào về Nhiệm sinh và Nhiệm xuất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta khó mà hiểu rõ Thiên Chúa nội tại (in se). thế nhưng qua hành động ra bên ngoài, vì loài người chúng ta (pro mobis) và nhờ mặc khải của Đức Giêsu, chúng ta cảm nhận tình yêu vô biên của Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi hoạt động vì muốn chia sẻ đời sống Thần linh cho nhân loại, cho từng người chúng ta.

Về phụng vụ, chính Đức Giáo Hoàng Gio-an XXII đã đưa thánh lễ kính Chúa Ba Ngôi vào lịch phụng vụ Rôma vào năm 1334 và đặt thánh lễ này vào Chúa nhật sau Chúa nhật lễ Hiện xuống. Năm 1911 lễ này được nâng lên hàng lễ trọng. Kinh nhật tụng thánh lễ này đã có từ thời Đức Piô V.

II. Gợi Ý Bài Giảng

1. Ba Ngôi Thiên Chúa Nguồn Mạch Sự Hiệp Thông Của Con Người Và Thế Giới Hôm Nay: Nhân loại hôm nay đang đối diện rất gần, đang sống với chia rẽ, hận thù và chiến tranh. Từng người đang sợ hãi nỗi cô đơn. Chính vì thế, hơn bao giờ hết thế giới hôm nay đang khao khát sự hiệp thông liên đới với nhau. Nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia đã và đang nỗ lực tìm kiếm xây dựng sự liên kết với nhau trong mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị đến tinh thần văn hóa. Trong nhãn giới đức tin thì mọi sự, mọi vật đều phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và rồi sẽ trở về với Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình cứu độ. Sáng tạo và cứu độ là một hành trình bày tỏ ý định yêu thương của Ba Ngôi dành cho muôn thụ tạo. Vì thế, có thể nói được rằng: mọi sáng kiến hiệp thông liên đới để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn đều phát xuất từ Ba Ngôi và để đi tới mục đích tối hậu là hiệp thông trọn vẹn với nhau trong Ba Ngôi. Trong hành trình tiến tới sự hiệp thông viên mãn ấy, Giáo Hội và mọi thành viên của Giáo Hội là nhưng nhân tố tích cực cổ võ, kiến tạo những sáng kiến hiệp thông cho con người và thế giới hôm nay.

2. Giáo Hội Là Hình Ảnh Của Sự Hiệp Thông Nơi Ba Ngôi Thiên Chúa: Thế giới ngày nay đang bị chia rẽ, bị xâu xé bởi chiến tranh, hận thù, lòng đố kỵ và ích kỷ… Với những chủ trương Duy đa diện, đa cực, duy thực dụng làm cho các hố phân cách giàu nghèo, chủng tộc, văn hóa ngày càng lớn. Trước một thực trạng như thế, Giáo Hội cần phải trình bày cho thế giới biết về sự hiệp thông nên một của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội là màu nhiệm Hiệp thông: Hiệp thông trong cơ cấu Phẩn trật; hiệp thông trong đời sống phụng vụ; hiệp thông trong đời sống yêu thương. Điều trước tiên để diễn tả sự hiệp thông của Giáo Hội đó là sám hối về sự hiệp thông của chính mình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô mời gọi con cái mình sám hối về những sai lầm gây tổn thương cho sự hiệp thông và tình liên đới trong nhân loại: “Trong số những tội lỗi cần phải dứt khoát sám hối và cải thiện, chắc chắn phải kể đến những tội lỗi đã làm hại đến niềm hiệp nhất theo ý Chúa muốn nơi dân của Người … Trong lịch sử Giáo hội, việc hiệp thông đã bị tổn thương một cách đau xót.” (ĐTC J.P II – Tông thư Ngàn năm thứ ba đang đến – No 34). Sám hối không phải để bi quan, bôi nhọ, nhưng để lột xác đổi mới. Mỗi thành phần và từng thành viên trong Giáo Hội phải nỗ lực hết sức để xây dựng tình hiệp thông liên đới trong cuộc sống hằng ngày của mình. Mỗi Kitô hữu phải cùng trăn trở, thao thức với Giáo Hội. Chung một nhịp thở với toàn thể Giáo Hội, chia sẻ ưu tư gánh nặng và trách nhiệm với các vị chủ chăn của mình. Ngay từ mỗi gia đình Kitô hữu, từ mỗi Giáo xứ, những hạt nhân cơ bản của Giáo Hội luôn phải cùng nhau hiệp nhất yêu thương thì mới có một Giáo Hội Phổ quát hiệp thông.

3. Trong Chúa Ba Ngôi Người Kitô Hữu Sống Tình Hiệp Thông Liên Đới: Mối hiệp thông giữa người với người sẽ tìm thấy một mẫu mực nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi luôn hướng về nhau, quay mặt vào nhau. Noi gương Ba Ngôi, muốn yêu thương hiệp thông với nhau thì phải biết hướng Thiên Chúa và hướng về nhau. Hướng về Thiên Chúa cụ thể là thái độ tham dự, sự mở lòng đón nhận nguồn sống hiệp thông từ Thánh lễ. Thánh lễ là nơi, là lúc biểu lộ cao nhất mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Trong Thánh lễ, con người được gặp gỡ, được tiếp chuyện với Thiên Chúa (nơi bàn tiệc Lời Chúa) và kín múc sự sống thần linh của Người (nơi bàn tiệc Thánh Thể). Nhờ đó, con người chúng ta thực sự được hợp nhất với Thiên Chúa. Đức Kitô trong tôi, tôi trong Đức Kitô. Một sự hiệp nhất đến độ ‘tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi’ (Gl 2,20).

Trong cuộc sống mọi người biết hướng về nhau trong tâm tình, trong tư tưởng, trong lời nói và trong việc làm. Hướng về nhau trong tâm tình là xây dựng mối thiện cảm, nhìn nhau bằng ánh mắt của tình thương và cảm thông chứ không phải bằng ác cảm hay thành kiến. Hướng về nhau trong tư tưởng là biết nghĩ đến người khác, biết cầu nguyện cho nhau. Thờ ơ với người khác hình như đang trở nên căn bệnh của thời đại. Làm sao cho tâm hồn mình cũng có nhiều chỗ ở cho mọi người như ‘trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở’(Ga 14,2). Hướng về nhau trong lời nói: “Lời nói không mất tiền mua,Lựa lời mà nó cho vừa lòng nhau.”Lời nói dành cho người khác có truyền tải được một thông điệp cảm thông, thông điệp yêu thương hay ngược lại, mở miệng ra chỉ biết oán trách, chê bai, khích bác nhau, nói xấu nhau … Hướng về nhau trong việc làm: hành động cụ thể là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hiệp nhất với nhau, hướng về nhau. Yêu thương hiệp nhất không phải bằng đầu môi chót lưỡi nhưng phải bằng hành động cụ thể ‘nói hay vạn lần về tình yêu không bằng một lần biết yêu’.


 

61. Mầu nhiệm tối thượng của Kitô Giáo.

(Suy niệm của Phaolô Ngô Suốt)

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tối thượng của Kitô Giáo. Đã là một mầu nhiệm thì chúng ta không hiểu hết nổi, đây lại là mầu nhiệm tối thượng thì càng không làm sao hiểu thấu được. Tuy nhiên, Chúa Thánh Linh đã làm cho chúng ta hiểu được phần nào về mầu nhiệm một Thiên Chúa nhưng ba ngôi vị này, rồi cũng nhờ Thần Khí chúng ta hiểu thì ít, mà cảm nhận thì nhiều, để từ đó tin vững vàng vào Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong toán học nếu ta lấy 1 rồi lũy thừa lên 3 lần, ta có: 1 X 1 X 1 = 1. Thiên Chúa ba ngôi cũng gần như thế. Chỉ có Một Thiên Chúa nhưng có ba ngôi vị khác nhau. Cả ba đều có cùng bản tính Thiên Chúa như nhau, mặc dù hoạt động với chức năng riêng biệt và Ngôi này không phải là những Ngôi kia.

Giống như nước chúng ta uống là hợp chất của H2O, khi ở thể rắn là nước đá, ở thể lỏng là nước, ở thể bốc hơi là khí, cả ba thể đều chỉ là nước. Hay khi nhìn mặt trời ta thấy ánh sáng, hơi nóng, tia hồng ngoại, cả ba đều phát xuất từ mặt trời, nhưng chỉ có một mặt trời duy nhất.

Trong đoạn Tin mừng ngắn ngủi, kết thúc cuốn Phúc Am thứ nhất hôm nay, Chúa Kitô mạc khải công khai về mầu nhiệm ba ngôi Thiên Chúa. Và gián tiếp tuyên bố Ngài đã hoàn thành công cuộc cứu chuộc. Ngài trở thành Chủ tể vạn vật trên trời lẫn dưới đất. Ngài động viên các môn đệ, cùng trấn an họ, vì Ngài được toàn quyền và Ngài sẽ ở với họ cho đến ngày tận thế.

Một cuộc tình hay chuyện yêu đương đúng nghĩa nào cũng đòi phải hội đủ ba yếu tố: người yêu, kẻ được yêu và tình yêu, và tất cả tình yêu sâu thẳm thực sự, đều không giải thích được bằng lời: khi tình yêu kết hiệp Cha và Con đến mức sung mãn, tột cùng, tình yêu tuyệt vời đó sản sinh ra Chúa Thánh Linh, hay còn gọi là hơi thở, thần khí hay tình yêu Thiên Chúa. Nói một cách cụ thể: Thiên Chúa là tình yêu.

Vì yêu thương, Thiên Chúa Cha đã tác tạo nên vạn vật, vũ trụ này. Vì yêu thương Ngài cho con một của Ngài là Thiên Chúa Con đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, vì nhân loại sa ngã, phạm tội. Vì yêu thương Chúa Thánh Linh (Ngôi Ba) được gởi đến để Thánh hóa và ở lại trong thế gian khi Chúa Con về với Chúa Cha.

Vì yêu thương Ngài dựng nên vườn Địa Đàng, rồi cũng vì yêu thương Thiên Chúa đã đặt câu hỏi đầu tiên với loài người, khi Ngài hỏi:”Adam, ngươi ở đâu?”, Tại sao ngươi trốn ta? Cuộc đối thoại kế tiếp về anh em là khi Ngài hỏi Cain:”Abel, em mày ở đâu?”. Ở đây chúng ta tìm thấy hai giới luật của Thiên Chúa đòi hỏi người Kitô hữu tuân giữ: Yêu Chúa và yêu anh em. Dĩ nhiên, với bối cảnh lịch sử hiện nay, hai câu hỏi sẽ là: “Này Anh bạn, anh đang ở đâu?” và “Anh em của bạn ở đâu?”. Phải chăng có một số Kitô hữu chúng ta -nhất là đang sống tại hải ngoại-, bằng một cách nào đó không những đang trốn tránh Thiên Chúa, mà còn trốn cả anh em. Ai cũng có thể viện dẫn ngàn lẻ một lý do để bào chữa cho chính mình! Nhưng lý do dễ hiểu nhất, đó là: khi không còn thương yêu, thân mật, cần nhau nữa; khi đã hết hấp dẫn, lôi cuốn nhau thì người ta bắt đầu chán chường, tránh mặt nhau. Khi khuôn mặt của Thiên Chúa đã nhạt nhòe, phai mờ dần thì hình ảnh của một vị thần vô danh nào đó hiện ra rõ nét, đầy thu hút, ma lực. Có một điều chúng ta phải nhận thức rằng: ai biết Chúa, nhưng rồi trốn tránh hay chối bỏ Ngài là phạm tội.

Thánh Tomas Aquinô giải thích rằng có ba loại tội chống lại ba ngôi Thiên Chúa:”Một tội có thể phạm bằng ba cách, hoặc do ngu dốt, hoặc do cảm xúc hoặc chủ ý. Vì ngu dốt nên không biết về những điều nêu trên, vì sự hiểu biết có thể ngăn ngừa phạm tội. Do đó sự ngu dốt là nguyên nhân làm cho tội lỗi hiện hữu. Đây là loại tội chống lại Chúa Con. Thứ hai, những tội lỗi bắt nguồn từ cảm xúc, vì chỉ dựa hoàn toàn vào xúc cảm mà bỏ qua sự suy xét của lý trí. Và đây là những tội phạm phải do sự yếu đuối của ý chí, nó là loại tội chống lại Thiên Chúa Cha. Thứ ba là những tội do chủ ý, cố tình vi phạm mặc dù biết nó là tội, không phải phạm tội vì bị cám dỗ, hay không tránh thoát, nhưng bởi vì có xu hướng muốn phạm tội, nên chính bản thân của tội đó đã làm thỏa mãn đương sự. Đây là tội phát xuất từ ác tâm, hiểm độc và nó là loại tội chống lại Chúa Thánh Thần”.

Tóm lại, trên thế gian này có rất nhiều điều không thể giải thích hoặc hiểu thấu hết được, cũng như những mầu nhiệm trong Kitô Giáo, nhất là mầu nhiệm một Chúa nhưng Ba Ngôi Vị -đây là mầu nhiệm chính của đạo và chỉ có thể hiểu thấu khi được ở với Ngài, trên thiên quốc-. Chưa kể có những con số cứ trùng lặp trong Phúc Am, cũng đã làm cho chúng ta đau đầu không sao hiểu nổi. Như con số 3 chẳng hạn. Tại sao lại Một Chúa có Ba Ngôi; tại sao Chúa chỉ sống có 33 năm; tại sao 30 tuổi Chúa bắt đầu cuộc đời rao giảng; tại sao Chúa chỉ rao giảng có 3 năm; tại sao Chúa hấp hối đúng 3 giờ trên thập giá; tại sao sau khi chết, 3 ngày Chúa sống lại v.v… Chân lý rõ ràng nhất không thể chối cãi được: Thiên Chúa là Tình Yêu, và đây là đường hướng cho mọi Kitô hữu. Và yêu Thiên Chúa thì không khó -vì không thấy-, nhưng yêu anh em mình như luật Chúa đòi hỏi mới là điều rất khó. Để kết thúc, chúng ta nghe Bishop Sheen nói về “Bí Quyết Tình Yêu”: Một lần tôi gạt bỏ hết cái hời hợt, hào nhoáng bên ngoài để đạt cho được cái cốt lõi qúy báu bên trong, từ đó tôi tìm ra cho mình một bí quyết của tình yêu: Tôi thấy rằng mình không thể yêu thương bất cứ ai, trừ khi người ấy phải có vài điểm tốt đẹp; hay đáng yêu trên một vài phương diện nào đó. Nhưng tôi lại thấy rằng, Chúa đã không yêu thương tôi vì tôi đ¨¢ng yêu! Tôi chỉ trở thành đáng yêu khi Chúa rót vào tôi một ít sự tốt đẹp, thiện hảo và tình yêu của Ngài. Thế là tôi bắt đầu áp dụng nhân đức này cho người chung quanh. Nếu tôi thấy anh ta không đáng yêu chút nào, tôi phải cố rót vào anh ta một vài nét đáng yêu, một vài điều tốt lành nào đó - như Chúa đã làm với tôi- thế là tôi có thể yêu thương anh ta được! Lúc này nhân cách nguyên thủy của tôi đã được phục hồi và tôi khám phá ra một điều vô cùng quan trọng, đó là: không ai có hạnh phúc được, nếu không yêu thương cả Thiên Chúa lẫn người chung quanh”.


 

62. Suy niệm của Lm Nguyễn Minh Hùng.

GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU PHẢN CHIẾU TÌNH YÊU BA NGÔI

Trong lịch sử, người ta thường dùng những hình ảnh khác nhau để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn hình ảnh của một ngọn lửa. Trong lửa luôn luôn có ba yếu tố: lửa - ánh sáng - sức nóng. Ba yếu tố đó không lẫn lộn vào nhau: ánh sáng là ánh sáng, lửa là lửa, sức nóng là sức nóng. Ba yếu tố phân biệt rõ ràng, nhưng cũng không bao giờ tách biệt khỏi nhau, ngược lại gắn chặt vào nhau. Có lửa là có ánh sáng, có sức nóng.

Từ hình ảnh ngọn lửa, người ta áp dụng để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi. Ba Ngôi chỉ là một Chúa duy nhất, nhưng phân biệt rõ ràng: Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng cũng chỉ là một. Và một Thiên Chúa nhưng vẫn cứ là Ba Ngôi. Cũng như không thể lấy đi ánh sáng khỏi lửa và bảo rằng lửa cứ cháy mà không cần ánh sáng được. Cũng vậy, vì ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa, nên mọi hoạt động nơi Thiên Chúa đều quy về Ba Ngôi…

Dẫu sao mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm lớn lao đối với con người. Đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm ấy, con người làm một sự cố gắng vượt trên sức hiểu biết của mình. Bởi thế, những hình ảnh mà con người cố gắng suy nghĩ để giải thích, dù có hay đến mấy, vẫn chỉ là một cố gắng còn khiếm diện và bất toàn mà thôi.

Điều hay nhất chúng ta cần làm có lẽ không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Thiên Chúa cho bằng quay về với chính mình để sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Bởi vậy, tôi muốn mời bạn cùng tôi suy nghĩ về gia đình vì gia đình là một cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ xưa, trong Hội Thánh đã có thói quen áp dụng hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi là kiểu mẫu của tình yêu cha - mẹ - con cái. Ngay từ trong cung lòng mình, tình yêu Thiên Chúa đã là một tình yêu trao ban, tình yêu mở ra, vì thế một mà lại là ba: Trao ban giữa Cha, Con, Thánh Thần.

Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân, tình yêu mở ra đối với người mà mình yêu. Tình yêu gia đình đòi hỏi có nhau, cho nhau và vì nhau. Nếu một thành viên nào trong gia đình chỉ biết có bản thân mình, yêu nhưng chỉ yêu chính mình, tình yêu đó đang phản lại kiểu mẫu của tình yêu Ba Ngôi. Không thể chấp nhận được một người chồng, một người cha quyên trách nhiệm của mình, chỉ biết có say sỉn, còn vợ con có khổ, có đói không đoái hoài tới.

Cũng không ai có thể chấp nhận được một người vợ, một người mẹ tệ cho đến mức quyên hết vai trò của mình, chỉ biết bài bạc, có khi thức thâu đêm suốt sáng chỉ để thỏa đam mê thấp kém này.

Chúng ta cũng không thể chấp nhận hình ảnh một đứa con trả treo với cha mẹ. Có khi bất chấp cha mẹ có khả năng hay không, nó đòi cho bằng được điều mà nó muốn có.

Tất cả những hình ảnh trên đều đi ngược lại tình yêu Ba Ngôi. Vì đó chỉ là một thứ ích kỷ, vụ lợi cho bản thân. Trên hết mọi sự, hãy bắt chước tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu là cho đi, là rộng ban, là mở ra. Hãy sống làm sao để gia đình trở thành cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Ba Ngôi.


 

63. Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng.

Tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong đời sống

Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi không được mạc khải trong Thánh kinh Cựu ước, bởi vì dân riêng của Chúa trong Cựu ước chưa sẵn sàng đón nhận Màu nhiệm này. Đối với người Do Thái, cái thiết yếu trong nền tôn giáo của họ là độc thần, nghĩa là họ chỉ tôn thờ một Chúa. Như ta thấy trong bài trích sách Đệ Nhị Luật hôm nay, Thiên Chúa bày tỏ mình cho Mô-sê như là Chúa tể duy nhất, Đấng sáng tạo và chủ thể vũ trụ. Bị bao vây bởi các dân thờ đa thần, cho nên bất cứ một ý thức nào về Ba ngôi Thiên chúa có thể làm suy giảm lòng tin của họ vào một Chúa. Như vậy thì cái ý tưởng của họ về Ba ngôi Thiên Chúa vừa nhắc đến có thể khiến họ lầm tưởng rằng có ba chúa, ba thần, mà ba chúa - ba thần đối với họ là điều nghịch với bản tính Thiên Chúa đã được mạc khải cho họ. Thế nên Thánh kinh Cựu ước không nói gì về màu nhiệm một Chúa Ba ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước mới ám chỉ - ám chỉ chứ không nói rõ - về Ba ngôi Thiên Chúa mà thôi. Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên chúa dùng số nhiều để nói về mình: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta (St 1:26). Đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ở đây là chúng ta ám chỉ rằng có hơn một ngôi vị trong Thiên chúa.

Chỉ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người chứng tỏ người là con Thiên Chúa và hứa sai Chúa Thánh thần xuống để an ủi, thánh hoá và ban sức mạnh cho loài người, thì tín điều Ba ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện. Khi Gio-an tiền hô làm phép rửa cho Đấng cứu thế ở sông Gio-đan, thì Chúa Thánh thần và Thiên Chúa Cha cũng được bày tỏ. Khi ra khỏi nước, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu quí của Ta, Ta hài lòng về Người’ (Mt 3:16-17). Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu còn bày tỏ cho các tông đồ về Chúa Thánh thần: Thày ra đi thì có lợi cho chúng con hơn. Nếu Thày không đi, Đấng Phù Trợ sẽ không đến với chúng con (Ga 16:7).

Như vậy trong dòng lịch sử cứu độ, Chúa Cha được bày tỏ trước tiên, rồi đến Chúa Con, và Chúa Thánh thần. Ba ngôi trong một Chúa là một Màu nhiệm. Ta có thể dùng cái hình tam giác cân để diễn tả Màu nhiệm đó. Trong hình tam giác cân, ta thấy ba cạnh và ba góc đều nhau và bằng nhau. Khi học kinh bổn hồi nhỏ, ta còn nhớ học bằng cách tự hỏi, rồi tự thưa. Những người sinh trước năm 1960 hẳn còn nhớ thưa thế nào cho câu hỏi: Hỏi Đức Chuá trời có mấy ngôi? Rồi người học tự thưa theo sách, hay thưa theo những người đọc thuộc lòng: Thưa Đức Chúa trời có Ba ngôi: ngôi Nhất là Cha, ngôi Hai là Con, ngôi Ba là Thánh thần. Rồi Sách lại hỏi thêm: Hỏi trong Ba ngôi, có ngôi nào trước, ngôi nào sau, ngôi là hơn, ngôi nào kém chăng? Họ lại tự thưa theo Sách Bổn: Thưa Ba ngôi cũng bằng nhau. Sở sĩ trước đây giáo dân học kinh bổn thuộc lòng như vậy là vì người ta thiếu sách vở, và có những người lại không biết đọc. Việc học thuộc lòng như vậy còn có điểm lợi là ghi vào ký ức của họ một niềm tin sắt đá.

Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho ta về Chúa Ba ngôi là dấu thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta về lòng tin vào hai màu nhiệm quan trọng trong đức tin công giáo là màu nhiệm một Chúa Ba ngôi và màu nhiệm Cứu chuộc. Ta thấy linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba ngôi như lời Chúa dạy: Các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh thần (Mt 28:20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba ngôi. Linh mục kêu cầu Chúa Ba ngôi khi cử hành Bí tích Giải tội. Linh mục xức dầu bệnh nhân, nhân danh Chúa Ba ngôi. Đức giám mục cử hành Bí tích Thêm sức trong dấu Chúa Ba ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba ngôi. Trước khi ăn, ta cũng làm dấu thánh giá, tạ ơn Chúa Ba ngôi cho ta của ăn hàng ngày.

Thiết tưởng hôm nay nhân ngày lễ kính Chúa Ba ngôi ta cần giải đáp một vài thắc mắc:

Ta có ý thức được chỗ đứng của Chúa Ba ngôi trong đời sống chưa?

Dấu thánh giá có nhắc nhở cho ta về lòng tin vào Chúa Ba ngôi không?

Ta có làm dấu thánh giá cách ý thức và kính cẩn, hay làm một cách cẩu thả vô ý thức?


 

64. Suy niệm của JKN.

Đức Giêsu hiện ra tại Galilê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân

Câu hỏi gợi ý:

1. Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhau, hay đồng dạng với nhau? Nếu bản chất khác biệt nhau, có Ngôi nào muốn bắt các Ngôi kia phải trở nên giống mình không? Sự hiệp nhất của Ba Ngôi xây dựng trên tinh thần “hiệp nhất trong đa dạng” hay “thống nhất bằng đồng dạng”?

2. Vũ trụ vạn vật mà Ba Ngôi tạo dựng là đa dạng hay đồng dạng với nhau? Thiên Chúa có muốn chúng ta biến vạn vật thành đồng dạng không? Bắt mọi người phải đồng dạng với mình thì có hợp với ý Thiên Chúa không?

Suy tư gợi ý:

1. Hiệp nhất trong đa dạng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa

Thiên Chúa theo quan niệm Kitô giáo là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại gồm có ba Ngôi - nói nôm na là ba Đấng, ba Vị hay ba “Người” - khác biệt nhau. Ba Ngôi nhưng mỗi Ngôi một vẻ, không Ngôi nào giống Ngôi nào. Ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng lại hoàn toàn bình đẳng, và không Ngôi nào muốn Ngôi kia phải trở nên giống như mình. Chính vì chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng của nhau, mà Ba Ngôi sống hòa bình với nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau, yêu thương nhau, và hiệp nhất với nhau chặt chẽ tới mức độ chỉ còn là một Thiên Chúa duy nhất.

2. Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật

Ba Ngôi khác biệt nhau và đa dạng như vậy, nên đã tạo dựng nên một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa hình đa dạng vô cùng. Ngài tạo dựng nên muôn loài khác biệt nhau, và loài nào cũng lại phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau với những chủng loại khác nhau. Nhờ đó vũ trụ trở nên vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ. Thật vậy, tinh tú trên trời thì đủ kiểu đủ loại. Con người người thì đủ mọi chủng tộc, đủ mọi ngôn ngữ, đủ mọi nền văn hóa khác biệt nhau. Thú vật và thực vật thì lại càng đa hình đa dạng hơn: loại sống trên trời, loại trên đất, loại dưới nước, loại thật to như đại bàng, cổ thụ, loại thật nhỏ như vi trùng, vi-rút, loại ăn thịt, loại ăn cỏ… Vạn vật phong phú và đa dạng đến nỗi con người từ khi biết khám phá đến nay vẫn chỉ thấy mình khám phá được một phần rất nhỏ. Chỉ riêng loài hoa thôi đã có cả hàng chục ngàn giống khác nhau. Vạn vật tuy vô cùng đa dạng như thế, nhưng vật nào cũng có cái hay cái đẹp riêng của nó và trở nên một toàn thể rất hài hòa. Chính vì thế mà vũ trụ mới tươi đẹp huy hoàng làm sao! Thử tưởng tượng xem nếu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong đó vạn vật đồng dạng với nhau, nghĩa là chỉ có một loài duy nhất, loài này cũng chỉ có một chủng loại duy nhất thì vũ trụ sẽ buồn thảm biết bao! Chỉ cần xét loài hoa: nếu hoa chỉ có một loại duy nhất - dù là loại được hầu hết mọi người coi là đẹp nhất - thì thế giới sẽ bớt đẹp, bớt thơ mộng và phong phú đi biết bao!

Riêng xã hội con người, Thiên Chúa đã gầy dựng trong đó nhiều dân tộc với những nền văn minh, văn hóa, phong tục, nề nếp suy nghĩ khác nhau. Thiên Chúa cũng cho xuất hiện nhiều tôn giáo với những nghi thức, tín điều, với những cách gọi tên, cách quan niệm hay cách nhìn về Thực Tại Tối Hậu khác biệt nhau; v.v… Nói về từng người, thì mỗi người một vẻ, mỗi người một diện mạo, một tài năng, một tính tình, một quan niệm, một lối suy nghĩ khác nhau: “bá nhân bá tính”. Ngay như khi cùng nhau nhìn vào một sự vật cụ thể, thì mỗi người lại có một cách nhìn khác nhau, cách diễn tả về vật ấy cũng khác nhau, thậm chí gọi vật ấy bằng những tên khác nhau. Một vật cụ thể hữu hạn mà người ta còn có nhiều cách nhìn khác nhau như vậy, huống gì khi họ suy nghĩ về những thứ vô hình, nhất là những thực tại không thể quan niệm hay suy nghĩ được, chẳng hạn khi suy nghĩ về tuyệt đối, về nguồn gốc siêu hình của vũ trụ vạn vật… làm sao mà họ quan niệm và nhìn cách giống nhau cho được? Thôi thì đủ mọi loại quan niệm, đủ mọi kiểu nhìn, đủ mọi tên gọi khác nhau cho Thực Tại Tối Hậu duy nhất ấy!

Những cách nhìn khác nhau ấy - dù là hướng về một vật hết sức cụ thể hay về những thực tại hết sức trừu tượng - cũng thường bổ túc cho nhau dẫu có mâu thuẫn lẫn nhau, để - nếu tổng hợp lại - sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Chính nhờ sự khác nhau ấy mà con người mới cần lẫn nhau, mới phải hợp tác với nhau, mới yêu thương nhau. Chẳng hạn khi xây một căn nhà, người ta cần có đồ họa của kiến trúc sư, cần khả năng thực hiện tổng quát của nhà thầu khoán, cần sự khéo léo của đủ loại thợ (mộc, xây, trang trí, điện…), cần những nhà cung cấp vật tư khác nhau (gạch, xi măng, sắt, gỗ, ống nước, đồ điện…). Ông kiến trúc sư có tài giỏi đến đâu mà không nhờ thầu khoán thực hiện thì cũng chẳng làm nên trò trống gì! Ông thầu khoán mà không thuê được thợ thì cũng đành bó tay bất lực! Thợ khéo léo hay tài giỏi đến đâu mà không có kiến trúc sư hay thầu khoán thì cũng chẳng biết phải làm gì. Nhờ tài năng khác nhau mà người ta cần lẫn nhau, kết hợp với nhau, yêu thương nhau! Thiên Chúa của chúng ta - gồm Ba Ngôi khác biệt, tuy đa dạng nhưng lại hiệp nhất - đã muốn như thế, chúng ta không nên đi ngược lại đường lối của Ngài!

3. Khuynh hướng phản đa dạng của con người

Thế nhưng trên thế giới có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tập thể muốn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, muốn chống lại luật “vạn vật đa dạng” của Ngài. Họ muốn tất cả mọi người phải nghĩ giống như họ, làm giống như họ, chỉ theo một lập trường duy nhất là lập trường của họ, vì họ cho rằng chỉ có họ là nghĩ đúng, làm đúng, lập trường của họ là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả. Ai khác họ là họ khó chịu, bực bội, kết án, loại trừ. Họ muốn trên thế giới này chỉ có một bè đảng duy nhất là bè đảng của họ, một ý thức hệ duy nhất là ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy nhất là tôn giáo của họ, một đoàn thể duy nhất là đoàn thể của họ… Và họ nỗ lực để biến thế giới đa dạng này thành độc dạng hay đồng dạng (uniforme), thậm chí với tất cả thiện chí hay lòng thành của họ. Biện pháp của họ là loại trừ tất cả những ai khác với họ. Ai chủ trương khác với họ thì bị coi là đối lập, là kẻ thù, cần phải tiêu diệt.

Rất tiếc là trên thế giới này không chỉ có một bè đảng, một tôn giáo, một đoàn thể duy nhất nghĩ mình là duy nhất đúng hoặc đ¨²ng hơn cả và chủ trương loại trừ những ai khác với mình, mà có nhiều bè đảng, nhiều tôn giáo, nhiều đoàn thể nghĩ và chủ trương như vậy. Thế là có chiến tranh: bè đảng này tìm cách diệt bè đảng kia, tôn giáo này diệt tôn giáo kia, đoàn thể này diệt đoàn thể kia. Bè đảng nào, tôn giáo nào, đoàn thể nào cũng đều nhân danh sự thiện, sự đúng của mình - mà họ nghĩ là duy nhất thiện, duy nhất đúng - để tiêu diệt những gì mà họ cho rằng chắc chắn là sai lầm, xấu xa. Ai cũng có những “vũ khí” riêng của mình để ép buộc người khác theo mình, trung thành với mình, đồng dạng với mình. Bè đảng thì dùng vũ lực, âm mưu chính trị. Tôn giáo thì dùng những quyền lực thiêng liêng của mình. Đoàn thể thì dùng kỷ luật riêng của đoàn thể.

Nhưng hễ phản lại ý muốn của Thiên Chúa thì chỉ gây rối loạn. Đáng lẽ con người phải tôn trọng sự khác biệt nhau như một hồng ân Thiên Chúa ban để bổ túc lẫn nhau, để hợp tác với nhau, và để nhờ đó mà dễ yêu thương nhau, dễ đi đến hiệp nhất. Hiệp nhất ở đây là thứ hiệp nhất trong đa dạng. Có tôn trọng sự khác biệt của nhau thì mới có thể hiệp nhất được. Nhưng con người lại coi tình trạng đa dạng đó như một bất lợi cho “cái tôi tập thể” của mình. “Cái tôi” nào - dù là cá nhân hay tập thể - thì cũng ích kỷ, muốn đề cao mình và những gì của mình, muốn mình phải trổi vượt hơn những “cái tôi” khác, và những gì của mình cũng phải trổi vượt hơn những gì của những “cái tôi” khác. “Cái tôi” nào cũng muốn dùng thế mạnh của mình để hiếp đáp những “cái tôi” khác yếu thế hơn, bắt những “cái tôi” khác phải theo mình, phải đồng dạng với mình. Họ muốn “thống nhất bằng đồng dạng”.

4. “Hiệp nhất trong đa dạng” là ý muốn của Thiên Chúa

Ôi, chính cái ý chí muốn “thống nhất bằng đồng dạng” này đã gây nên biết bao cảnh “nồi da xáo thịt” trong các quốc gia, cảnh các “bè phái ly khai” trong các tôn giáo, cảnh chia rẽ nhau trong các đoàn thể. Đúng là chưa phát triển được ra bên ngoài thì đã bị chia rẽ nội bộ. Thiết tưởng thế giới đã phải đau khổ rất nhiều, phải chịu biết bao cảnh đau thương tang tóc chỉ vì những tham vọng “thống nhất bằng đồng dạng” của các bè đảng, tôn giáo, đoàn thể. Nhưng thực tế hiện nay chứng tỏ rằng tham vọng đó càng ngày càng trở nên phi lý, phản tiến bộ và bất khả thi. Thật vậy, khuynh hướng của thế giới, của các quốc gia dân tộc càng ngày càng đòi hỏi phải “đa nguyên chính trị”, phải “đa đảng”, phải loại trừ độc tài. Chủ trương “độc đảng”, “độc tài” đang dần dần bị đào thải khỏi nhân loại vì chủ trương này chỉ làm cho quốc gia dân tộc mình bị băng hoại, nghèo khổ và chậm tiến. Các tôn giáo thì tôn giáo nào cũng muốn trở thành tôn giáo toàn cầu và đều nỗ lực tối đa để đạt được điều đó; nhưng dường như ngày nay tôn giáo nào cũng đều đi đến tình trạng “bão hòa”, nghĩa là khó có thể phát triển thêm về tỷ lệ dân số. Vì ai đã theo tôn giáo nào thì khó mà bỏ tôn giáo mình để theo tôn giáo khác, vì tôn giáo nào cũng có những biện pháp riêng khá hữu hiệu để giữ tín đồ của tôn giáo mình lại. Tuy vẫn có những người thay đổi tôn giáo, nhưng khi có những người tôn giáo này bỏ sang tôn giáo kia, thì ngược lại cũng lại có những người tôn giáo kia bỏ sang tôn giáo này. Cuối cùng vẫn phải chấp nhận một “thế giới đa nguyên tôn giáo”, như một “dấu hiệu của thời đại” (signum temporum) để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Các đoàn thể cũng tương tự như thế.

Vì thế, đã đến lúc các bè đảng, các tôn giáo, các đoàn thể phải nhận ra rằng càng muốn “thống nhất bằng đồng dạng” thì càng gây nên chia rẽ, xáo trộn, và đau khổ cho nhân loại, vì điều này chống lại luật tự nhiên của Thiên Chúa. Trái lại, càng muốn “hiệp nhất trong đa dạng” - nghĩa là đến với nhau trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt và đa dạng - thì càng dễ đoàn kết, càng dễ gắn bó yêu thương nhau. Vì sự “hiệp nhất trong đa dạng” chính là ý muốn của Thiên Chúa. Và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là gương mẫu toàn hảo nhất của sự “hiệp nhất trong đa dạng” mà chúng ta phải noi theo. Gia đình nào, dân tộc nào, tôn giáo nào, tập thể nào biết noi gương này thì sẽ càng ngày càng trở nên hạnh phúc, thịnh vượng và phát triển.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con cũng như các Kitô hữu và mọi tín đồ của các tôn giáo biết noi gương “hiệp nhất trong đa dạng” của Ba Ngôi Thiên Chúa; biết tôn trọng sự khác biệt và đa dạng mà Cha đã tạo nên nơi mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo… Xin cho chúng con biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng ép ai phải giống mình. Để chúng con nhận ra rằng chúng con cần lẫn nhau, cần đến với nhau, cần tìm hiểu, thông cảm, hợp tác với nhau, và nhất là cần yêu thương nhau như Cha hằng mong muốn điều đó. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ