Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 62
Tổng truy cập: 1380032
MẸ MÂN CÔI
MẸ MÂN CÔI– Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Có một gia trưởng trẻ, trước đây, anh ta rất ít đi lễ, nếu có đi lễ, anh cũng thường đứng dưới góc sân nhà thờ. Gần đây, anh ta có dấu hiệu thay đổi, anh thường xuyên đi lễ và sau lễ còn đứng lại viếng Đức Mẹ rất lâu. Cha ngạc nhiền hỏi sở lấy làm thăm anh: Gia đình có chuyện gì mà thời gian gần đây thấy anh đi đễ và viếng Đức Mẹ sốt sắng quá? Anh trả lời: Thưa cha, con đi Tapao và được thấy Đức Mẹ. Từ đó đến nay, mỗi tháng con đều đi Tapao vào ngày mười ba trong tháng. Ngày nào vợ chồng con trước khi đi ngủ cũng lần chuỗi. Hôm nào chưa lần chuỗi thì con không thể ngủ được. Sau khi nghe anh kể, cha sở suy nghĩ: Không biết anh có nhìn thấy Đức Mẹ thật hay không, nhưng việc anh thay đổi một cách nhanh chóng như thế quả là một phép lạ Đức Mẹ đã thực hiện trên cuộc đời của anh. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy anh từ một người hờ hững trở thành một người sốt sắng, từ một người dửng dưng với giáo xứ, nay trở thành một tông đồ nhiệt thành.
Trong lịch sử Giáo hội đã có biết bao người nhận được ơn biến đổi cũng như những phép lạ từ Đức Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Kinh Mân côi là lời kinh đơn sơ, bình dân, ai cũng có thể thuộc và có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, và cũng là lời kinh đem bao nhiêu ơn Chúa và phép lạ đến cho người tín hữu. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là một bằng chứng về sự can thiệp của Mẹ Maria. Ngài hết lòng yêu mến Đức Mẹ và yêu mến việc lần chuỗi Mân Côi. Ngài cổ vũ và mời gọi mọi người cùng đọc kinh Mân Côi. Chính Ngài đã thiết lập thêm Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng vào chuỗi Mân Côi để mọi người cùng suy gẫm.
Có một biến cố lớn trong cuộc đời của Ngài liên quan đến Đức Mẹ mà chúng ta không thể quên. Đó là vào ngày 13/5/1981, ngày lễ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Trong khi Đức Thánh Cha chào thăm khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, thì một loạt đạn đã bắn vào Ngài. Đức Thánh Cha ngã xuống, cả quảng trường Thánh Phêrô rung động bởi tiếng khóc và lời kinh Mân Côi. Thật là phép lạ khi các viên đạn chỉ cách trái tim của ngài vài centimet. Mọi người đều tin rằng, đó là nhờ sự che chở của Đức Mẹ,
Ai đã đến các trung tâm hành hương Đức Mẹ, sẽ thấy rõ lòng yêu mến của người tín hữu dành cho Mẹ. Biết bao người đã được ơn của Đức Mẹ, trong đó có cả những người không phải là Kitô hữu. Điều đó cho thấy rằng, Đức Maria thực sự là người Mẹ thiêng liêng của tất cả mọi người. Nếu trong đời sống thường ngày, mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta chạy đến với mẹ của mình, thì trong đời sống đức tin cũng vậy, chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Mẹ Maria, chắc chắn Mẹ không bao giờ từ chối chúng ta.
Mẹ là Đấng quyền thế trước mặt Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn dâng trọn cuộc đời cho chương trình cứu độ của Chúa. Mẹ không tiếc gì với Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa cũng không tiếc gì với Mẹ. Vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và gìn giữ, Mẹ trở nên như bông hoa trinh trong trước toà Thiên Chúa. Trong ngày sứ thần truyền tin, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Mẹ, đã mời Mẹ cộng tác vào chương cứu chuộc của Thiên Chúa. Mặc dù không hiểu hết ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Mẹ vẫn sẵn sàng xin vâng để cho Thiên Chúa thực hiện.
Câu chuyện truyền tin cho thấy, Sứ thần Gabriel hết sức cung kính khi gặp Mẹ. Sứ Thần đã chào Mẹ: Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Điều đó nói lên rằng, Mẹ là người luôn được sống trong ân phúc của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã nhìn đến Mẹ ngay từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ trong trắng tuyệt vời và Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ. Thiên Chúa là Đấng Thánh, Ngài cư ngụ ở nơi thánh và nơi nào Ngài cư ngụ, Ngài sẽ làm cho nó nên thánh. Điều đó thật đúng nơi Đức Maria. Vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ, nên Ngài đã biến tâm hồn và con người của Mẹ nên đền thánh của Ngài. Trong biến cố truyền tin, Thiên Chúa đã hết sức tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài đã sai Sứ Thần hỏi ý kiến Mẹ, để chọn cung lòng Mẹ làm nơi cho Con Thiên Chúa làm người.
Dù không hiểu hết những gì sẽ xảy ra, không hiểu việc mang thai và sinh con sẽ như thế nào, tương lai sẽ ra sao, nhưng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Mẹ đã sẵn sàng thưa xin vâng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền. Mẹ đã khiêm tốn để cho Thiên Chúa sử dụng trọn cuộc đời của mình, Mẹ đã dâng cho Chúa cung lòng mình làm nơi cho Con Thiên Chúa cư ngụ.
Kể từ khi thưa tiếng xin vâng, cuộc đời của Mẹ bước qua giai đoạn mới, đó là giai đoạn phục vụ Chúa Cứu Thế, cũng là người con bé nhỏ trong bụng Mẹ. Với một người mẹ bình thường thì công sinh dưỡng là trời bể. Mẹ thì không dám kể công sinh dưỡng Đấng Cứu Thế, nhưng chắc chắn, Chúa Cứu Thế sẽ không thể quên công ơn trời biển này được. Vì thế, lời chuyển cầu của Mẹ quả là có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể từ chối lời Mẹ khẩn xin.
Lời kinh Kính Mừng Maria là lời Giáo hội lặp lại lời Sứ Thần ca tụng Mẹ, cũng đồng thời là lời tán dương Thiên Chúa về sự kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc đời Mẹ. Do đó, Kinh Kính Mừng là lời kinh phù hợp nhất, tốt đẹp nhất mà cả Giáo hội tạ ơn Thiên Chúa và chiêm ngắm những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ.
Tràng chuỗi Mân Côi là sự tóm kết tất cả chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua từng biến cố, trong đó, Mẹ Maria là cộng tác viên đắc lực của Chúa. Khởi đầu từ màu Nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Đức Maria được chia sẻ vào niềm vui vì ơn cứu độ đã được thực hiện. Niềm vui ấy được đầy tràn trong tâm hồn Mẹ, vì Mẹ đã đón nhận Đấng Cứu Thế, đã sinh hạ Con Thiên Chúa, được bồng ẵm Ngài trên tay và nuôi dưỡng Ngài bằng dòng sữa của Mẹ. Mẹ Maria âm thầm theo Chúa suốt hành trình truyền giáo như một người môn đệ. Những lúc Chúa thành công, được nhiều người ca tụng, Mẹ chỉ đứng lẫn vào đám đông như mọi người. Nhưng khi Chúa Giêsu gặp thất bại, bị người đời chống đối, Mẹ Maria đã đứng ra như một người Mẹ, hết sức can đảm để hiện diện và an ủi Chúa Giêsu. Đặc biệt trong hành trình thập giá, khi mọi người gào thét tìm cách giết Chúa, các môn đệ bỏ trốn, thì một mình Mẹ đã theo Chúa đến chân thập giá để cùng chia sẻ và đón nhận đau khổ của Chúa vào tâm hồn Mẹ.
Vì theo sát Chúa trên hành trình thập giá, nên trong ngày vinh quang phục sinh, Mẹ cũng chính là người được hưởng niềm vui và ơn phúc Phục sinh đầu tiên từ Chúa Giêsu, con của Mẹ. Mẹ đã hiện diện trong nhà Tiệc ly với các tông đồ như người Mẹ của Giáo hội và cũng là người tín hữu, để cùng cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống. Với cả một cuộc đời trung thành trọn vẹn với Chúa trong lời thưa Xin vâng, Thiên Chúa đã trọng thưởng cho Mẹ đặc ân được đưa về trời cả hồn và xác trước thời hạn, và còn tặng ban cho Mẹ vinh dự làm Nữ Hoàng Thiên Quốc, để Mẹ tiếp tục cầu bầu cho Giáo hội và cho mỗi chúng ta.
Mừng lễ Đức Maria Mân Côi hôm nay, chúng ta cùng với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm cộng tác viên của Ngài và còn trao ban cho Mẹ vinh quang và danh dự, để từ nơi toà thiên Chúa, Mẹ vẫn tiếp tục che chở chúng ta. Tin tưởng như thế, để mỗi người hãy cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi để ca tụng Chúa và khấn xin Đức Mẹ che chở chúng ta trên hành trình dương thế này. Đừng bao giờ nghĩ kinh Mân Côi là nhàm chán, cũng đừng cho đó là lời kinh của người già, nhưng Kinh Kính Mừng là lời kinh thích hợp cho tất cả mọi người và là lời kinh hiệu quả nhất cho mọi lời cầu xin.
Khi đọc Kinh Kính Mừng là chúng ta tin tưởng chạy đến với Thiên Chúa qua Mẹ Maria, chúng ta nại đến lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa và công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Do đó, Thiên Chúa không thể không đón nhận lời Mẹ chuyển cầu cho chúng ta. Hãy chuyên chăm đọc Kinh Kính Mừng mỗi ngày, Mẹ sẽ chỉ cho chúng ta biết noi gương Mẹ sống đẹp lòng Chúa. Kinh Kính Mừng sẽ đem lại cho các gia đình sự bình an, êm ấm, sẽ xua tan sự dữ và ma quỷ trong gia đình, vì có Chúa và Đức Mẹ hiện diện, thì không có ma quỷ hay sự dữ nào có thể làm hại chúng ta được. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
TRÀNG HẠT MÂN CÔI ĐƯA TÔI VỀ TRỜI- Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
Vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ.
Các cụ ngày xưa hay dạy con cháu trong việc giữ đạo rằng: tràng hạt Mân Côi đưa tôi về trời. Ở đây, các cụ không ngụ nói việc đeo hay trưng bày tràng chuỗi Mân Côi nhưng là việc cầu nguyện bình dân bằng Mân Côi trong đời sống người kitô hữu. Tại sao việc lần chuỗi Mân Côi mang đến một hiệu quả cao siêu như vậy? Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ.
Thật vậy, các bài đọc phụng vụ hôm nay cho thấy, Đức Mẹ có vai trò đặc biệt trong chương trình cứu độ. Bài sách công vụ cho biết Mẹ Maria có chỗ đứng quan trọng trong Hội Thánh sơ khai. Mẹ là thành phần của Hội thánh nhưng là thành phần trổi vượt. Sau biến cố Chúa tử nạn, phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã giúp Hội thánh khỏi những khó khăn ban đầu qua hành vi chuyên cần cầu nguyện chung với các tông đồ (x. Cv 1,14). Mẹ Maria đã trở nên mẫu gương cầu nguyện cho mọi người noi theo.
Tiếp đến, thư Galát đã gián tiếp nhắc đến vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ. Thiên Chúa muốn cứu độ con người nhưng lại chấp nhận một phương thế rất khiêm hạ. Đó là chấp nhận cho Con mình là Chúa Giêsu sinh làm con một người trinh nữ, là Đức trinh nữ Maria. Chúa Giêsu đã đến để chuộc những ai sống dưới lề luật, để mỗi người được làm con Chúa. Nhờ Mẹ Maria chấp nhận làm mẹ Chúa Giêsu mà mọi người có cơ hội được làm con Thiên Chúa và có thể kêu lên với Chúa là Apba có nghĩa là Cha ơi.
Cuối cùng, bài Tin Mừng theo thánh Luca đã trình thuật biến cố truyền Tin. Đức Maria được Thiên thần Gariel chào chúc là Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Mẹ Maria được chào chúc như vậy bởi vì Mẹ đã và đang sống đẹp lòng Chúa, đang sống theo ý Chúa và nhất là Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ Chúa Giêsu, ngôi lời Thiên Chúa nhập thể. Mẹ càng đẹp lòng Thiên Chúa hơn nữa khi Mẹ thưa lời xin vâng với sứ thần: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Chính giây phút thưa lời xin vâng, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thưa lời xin vâng, Mẹ đã chấp nhận liên đới mật thiết với Chúa Giêsu khi thành công cũng như chuỗi ngày thất bại, khi chia vui với thực khách ở tiệc cưới Cana cũng như lúc sẻ buồn với Chúa Giêsu và Hội thánh ở trên núi sọ. Mẹ cũng liên đới mật thiết với Hội thánh vì khi nhận lời trăng trối của Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ đã nhận thánh Gioan, đại diện cho toàn thể Hội thánh là con của mẹ. Nhờ thế, Mẹ đã hiệp công cứu chuộc với Chúa Giêsu con Mẹ trong chương trình cứu độ. Mẹ có sức chuyển cầu hiệu quả cho những ai cậy trông vào Mẹ, cách riêng cho những ai chuyên chăm lần chuỗi Mân Côi.
Tràng chuỗi Mân Côi đưa tôi về trời.
Lần chuỗi Mân Côi là việc đạo đức bình dân không xếp trên thánh lễ, các bí tích và giờ kinh phụng vụ vì các việc trên là phụng vụ và là việc tôn thờ chính thức của Hội thánh. Tuy nhiên, việc lần chuỗi Mân Côi lại có một hiệu quả đặc biệt cho ơn cứu độ của mỗi người. Tại sao như vậy? Trước hết, Đức Maria có thế giá đặc biệt khi chuyển cầu cho con cái mình và kinh Mân Côi là lời Kinh được chính Đức Mẹ tỏ bày cho con cái mình. Vào thế kỷ 12, thánh Đaminh đã được Đức Mẹ hiện ra ban cho phép lần hạt Mân Côi, như một thứ vũ khí thiêng liêng nên đã chặn đứng được làn sóng lạc giáo Anbidoa Miền Nam nước Pháp. Nhờ phép lần hạt Mân Côi mà Hội Thánh Dưới triều đại Đức Thánh Cha Piô V đã tránh được làn sóng xâm lược của đạo quân Hồi giáo tại vịnh Lêpăng vào đầu thế kỷ 16. Vào đầu thế kỷ 20, trong biến cố ở Fatima, Mẹ Maria đã khuyên dạy con cái mình siêng năng lần hạt Mân Côi để thế giới được hòa bình, mọi người được bình an.
Kế đến, lời kinh Mân Côi là bảng tóm Phúc Âm. Đây là kinh nguyện đầy nét Thánh Kinh được tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, chuỗi Mân Côi hướng rõ ràng về Đức Kitô. Thật vậy, kinh kính mừng là lời ca tụng Đức Kitô không ngừng: Kính chào bà đầy ơn phúc và con lòng bà gồm phúc lạ. Kinh lạy cha là kinh chính Chúa Giêsu dạy để các tông đồ và người tín hữu biết cầu nguyện. Các ngắm vui, thương mừng, sáng diễn tả cô đọng mầu nhiệm của Chúa Giêsu từ khi sinh ra cho tới khi hoàn tất chương trình cứu độ và các ý nguyện giúp người đọc sống theo gương Chúa Giêsu. Kinh sáng danh là lời vinh tụng ca tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi cả sáng: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, kinh Mân Côi là kinh dễ thực hành cho mọi tín hữu trong mọi hoàn cảnh phù hợp cho một em bé cũng như cho cả Đức Giáo Hoàng. Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ kinh nghiệm của Ngài trong việc thực hành kinh Mân Côi được trích trong tông huấn Rosarium Virginis Mariae như sau: “Chuỗi Mân Côi là lời kinh tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó …Đã bao nhiêu năm qua, tôi đã lãnh nhận không biết bao nhiêu ân sủng từ Đức Trinh Nữ nhờ kinh Mân Côi”.
Ước mong mỗi khi chúng ta tin nhận thế giá bầu cử của Mẹ trong chương trình cứu độ. Chúng ta năng chạy đến Mẹ qua lần chuỗi hằng ngày, để chính Mẹ giúp mỗi người ngày càng gắn bó và yêu mến Chúa Giêsu hơn.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
MẸ ĐẦY ƠN PHƯỚC- Radio Veritas
Thời gian viên mãn đã đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia giờ đây được chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Đức Maria, Đấng làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên Ngài. Cùng với thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: “Kính mừng Maria, hãy vui lên, Maria”. Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời gọi Maria hãy vui lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria không vui lên được, khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để làm dấu chỉ loan báo hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúa Mẹ Maria qua kinh Kính Mừng “Kính Mừng Maria đầy ơn phước” chúng ta tham dự vào niềm vui và niềm tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.
Mẹ là Đấng đầy ơn phước, Đấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi tớ của Đức Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1: “Đây là tôi tớ Ta, Đấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn phước vì Đấng sắp đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa”. Mẹ Maria được đầy tràn niềm vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui vì Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho Israel, và suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Dacaria:
Ngài là Đấng trung tín như lời đã hứa
“Thiên Chúa ở cùng Bà”, Mẹ Maria đã từng suy niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý nghĩa sâu xa. “Thiên Chúa ở cùng Bà”, giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc trinh nữ Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel, một cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên Chúa là Emmanuel, là Đấng ở cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.
“Hỡi Maria, đừng sợ”, kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi làm cho con người run sợ. Không phải Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ. Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi kèm với sự run sợ, một sự run sợ thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em chung quanh. Đặc biệt, trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:
Vì Cha đã không mạc khải cho những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo
Nhưng cho những kẻ bé nhỏ khiêm tốn
Cha đã chọn Mẹ Mari để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con,
Đặc biệt trong ngày lễ của Mẹ hôm nay
Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con”.
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với chúng con. Và lạy Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Đấng đầy ơn phước. Mẹ đã lãnh nhận mọi phúc lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ; Ngài cũng đến ở với chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như Mẹ, nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc biệt trong chính chúng con.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
CHIÊM NGẮM LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA QUA KINH MÂN CÔI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Trong Tông huấn về việc tôn sùng Đức Maria, Đức Thánh Cha Phao-lô VI dạy:
“Một yếu tố quan trọng của chuỗi Mân côi là yếu tố suy niệm. Không suy niệm, chuỗi Mân côi trở thành một xác không hồn…” (Tông huấn về việc tôn sùng Đức Maria của Đức Thánh Cha Phaolô VI.)
Hưởng ứng lời dạy của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI, khi lần hạt Mân côi, chúng ta cần suy niệm và chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta để sống xứng đáng với tình yêu của Ngài.
Chiêm ngắm tình thương của Chúa Giê-su trong năm sự vui
Gẫm thứ nhất: Ngay khi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng cao sang quyền phép, là Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn… lại chấp nhận hóa thân thành một phôi thai nhỏ bé trong lòng Mẹ Maria, chờ ngày được sinh ra làm người để hy sinh thân mình cứu độ muôn dân. Điều nầy cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại lớn lao không thể nào tả xiết!
Gẫm thứ ba: Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su trong hang đá.
Không có cung vàng điện ngọc nào trên thế gian xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị, thế mà khi hạ sinh xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận chọn hang bò lừa làm nhà, chọn máng súc vật làm nôi, để đến ở cùng nhân loại, để chia sẻ cảnh lầm than khốn đốn của phận người. Điều nầy cho thấy Thiên Chúa rất mực khiêm nhường và sẵn sàng chấp nhận mọi sự khốn khó vì lòng yêu thương chúng ta.
Chiêm ngắm tình thương của Chúa Giê-su trong năm sự thương
Gẫm thứ nhất: Chúa Giê-su đổ mồ hôi máu.
Vì mang thân phận yếu đuối của kiếp người, Chúa Giê-su khiếp sợ hãi hùng khi đối diện với cuộc khổ hình sắp đến, đến nỗi phải toát mồ hôi máu! Dù vậy, Ngài vẫn vâng theo ý Chúa Cha, uống cạn chén đắng Cha trao để cứu độ loài người. Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê-su chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn đau thương để cho muôn người được thoát khỏi án phạt đời đời và được hưởng phúc ngàn thu.
Gẫm thứ hai: Chúa Giê-su chịu đánh đòn.
Đấng đầy quyền uy phép tắc, chỉ cần phán một lời là sóng yên biển lặng… đã để cho con người hèn mọn lột áo ra, quất lên thân thể Ngài những ngọn roi ác nghiệt làm cho máu thánh Ngài tươm ra khắp toàn thân! Thiên Chúa đã phải chịu đánh đòn đau đớn và nhục nhã như thế để đền tội cho chúng ta. Lòng thương xót Chúa lớn lao biết chừng nào!
Gẫm thứ ba: Chúa Giê-su đội mão gai.
Không có vương miện nào trên thế gian này dù được nạm bằng kim cương hay ngọc quý xứng đáng cho Chúa Giê-su đội lên đầu vinh hiển của Ngài; Vậy mà Ngài lại phải chịu đội vòng gai, với nhiều mũi gai nhọn sắc cắm ngập vào trán, vào đầu… khiến máu châu báu của Ngài rỉ ra đầm đìa trên khuôn mặt. Lòng thương xót của Ngài thật bao la.
Gẫm thứ tư: Chúa Giê-su vác thánh giá.
Chúa Giê-su là Chúa tể trời đất, là Vua của toàn thể vũ trụ… đã để cho người phàm bắt Ngài vác thập giá, lảo đảo tiến lên đồi Can-vê, và vì không còn hơi sức nên Ngài đã phải ngã xuống nhiều lần, rồi bị lột trần chẳng còn áo che thân…
Gẫm thứ năm: Chúa Giê-su chết trên thập giá.
Đấng tạo dựng và thông ban sự sống cho các thiên thần và loài người, giờ đây trở thành một thây ma thảm hại, không còn hơi thở, không còn sự sống… cuối cùng bị mai táng trong mồ…
Có tình yêu nào cao vời khôn ví như tình Chúa yêu ta! Chúa Giê-su xem chúng ta là bạn chí ái của Ngài nên đã nộp mình chết thay cho chúng ta. Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của Chúa tể trời đất đã hy sinh mạng sống mình, chết thay cho những con người hèn mọn trên trái đất này được sống.
Như thế, các mầu nhiệm Mân-côi có thể khắc sâu vào tâm khảm chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã yêu thương nhân loại hết lòng hết sức… nên đã chấp nhận chịu khổ hình và chết thay cho muôn người được sống.
Lạy Chúa Giê-su,
Khi lần hạt Mân côi, xin cho chúng con biết chiêm ngắm lòng thương xót bao la của Chúa, để tôn vinh chúc tụng tình yêu Chúa dành cho chúng con và quyết sống cho xứng với tình yêu cao vời của Chúa. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
VIỆC ẤY SẼ XẢY RA CÁCH NÀO?– Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB
Bài Phúc Âm được đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi đề cập tới biến cố truyền tin. Điều đó có vẻ như thiếu thiếu một gì đó, vì thật ra truyền tin chỉ là ‘mầu nhiệm Mân Côi’ thứ nhất trong số 20 mầu nhiệm được đem ra suy gẫm? Phụng vụ muốn nói gì khi chọn đoạn Tin Mừng này, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam khi mà Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp tháng 4 năm 1991 đã quyết định cho phép mừng trọng thể lễ này vào ngày Chúa Nhật? Đặt vấn nạn như thế có nghĩa là muốn xác định nội dung đích thực của việc lần hạt Mân Côi: một việc đạo đức được Đức Mẹ ưa thích, hay còn là một con đường sống Tin Mừng bình dân nhưng hữu hiệu và sâu sắc?
Người Công giáo chúng ta vẫn biết rằng giá trị của việc lần hạt Mân Côi hệ tại ở suy niệm các sự kiện hay biến cố xảy ra trong cuộc đời đức Giêsu và đức Maria, hầu giúp ta nhận ra, ngày càng sâu sắc hơn, hồng ân cứu độ. Tuy nhiên sự nhận biết này nhiều khi chỉ dừng lại ở nhận thức, một cảm thức chung chung mang tính lý thuyết; hoặc giả hồng ân cứu độ đó chỉ là điều ta đã từng nhận lãnh một lần ngày rửa tội xa xưa. Biến cố truyền tin nói riêng, và mọi biến cố liên quan tới đức Maria nói chung, theo như tác giả Luca trình bày, cho thấy một khía cạnh khác của cuộc sống Hồng Ân cứu độ: các biến cố thường nhật cần phải được nhìn nhận và được đưa vào hồng ân này, nhất là khi chúng xem ra càng khó hiểu và xa lạ với kế hoạch từ ái của Thiên Chúa.
Biết bao lần tôi phải tự hỏi, trong tư cách một Ki-tô hữu đứng trước nhiều biến cố liên quan tới mình, tới tha nhân và xã hội loài người, thì “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Câu hỏi này không mong tìm cho ra một giải đáp hợp lý cho từng sự kiện, nhưng là để nhận ra lòng từ bi thương xót của Chúa đang được thực hiện ra sao. Trong lần hạt Mân Côi, cùng với đức Maria, tôi giáp mặt với cuộc sống hàng ngày, có thể là những niềm vui, những biến cố trang trọng mang nhiều ý nghĩa, cũng có thể là những nỗi buồn, những đổ vỡ…, những chuyện vụn vặt vu vơ, những thành công hy thất bại, những kỳ vọng hay hoài bão…
Đối với một Ki-tô hữu như tôi, tất cả mọi biến cố bất luận tốt xấu, đều có giá trị nếu được nhìn nhận và đưa vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đối với Ki-tô hữu, sẽ không chỉ có vấn đề ‘thánh hóa = làm phép’ các biến cố hàng ngày, theo kiểu dâng chúng lên cho Thiên Chúa, như cách nói bình dân thông thường. Điều một Ki-tô hữu cần làm là dìm mọi biến cố của cuộc sống mỗi ngày ngập sâu trong hồng ân cứu độ. Truyền tin, và nhiều biến cố khác nữa, đã được đức Maria sống như thế. Mẹ đã ‘ghi nhớ tất cả các điều ấy… và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19.51). Maria đã không lần hạt, nhưng là Mẹ Mân Côi vì đã không ngừng khám phá và sống từng biến cố đời mình trong hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Dành được thời giờ mỗi ngày để xét mình và suy gẫm các ‘mầu nhiệm phép Mân Côi’ là điều tốt, nhưng rồi cũng có lúc trở thành nhàm chán. Chung qui đó vẫn còn là công việc nặng tính lý thuyết và khá trừu tượng. Lần hạt Mân Côi sẽ làm cho cả hai việc trên trở nên sống động hơn, hiện sinh hơn, nếu qua đó tôi cùng với Mẹ nhìn nhận lòng từ ái Chúa trong từng biến cố cuộc sống mình. Mà các biến cố thì luôn thực tế, thiết thực và biến đổi không ngừng trong đời sống thường ngày. Các biến cố không chỉ được phân loại tối hay xấu theo nghĩa luân lý, mà tất tất đều cần được ánh sáng hồng ân cứu độ của Chúa soi chiếu và biến đổi, Như thế tôi không chỉ lần chuỗi hạt, mà sống Mân Côi mỗi ngày. Chắc chắn sống Mân Côi như thế sẽ thiết thực dẫn đưa tôi đạt tới một cuộc sống Ki-tô ngày càng Tin Mừng hơn, hiểu theo nghĩa cho phép tôi ngày càng vào sâu hơn trong hồng ân cứu độ, và mau mắn biến đổi đời tôi – không theo nghĩa ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn – nhưng ngày càng thâm tín khi nhận ra rằng tình thương của Chúa trên tôi (và trên toàn nhân loại) không bao giời vơi cạn, bất chấp tất cả những yếu đuối biến thiên vô hình vạn trạng của con người.
Sứ điệp Fa-ti-ma sẽ không bao giờ mất đi cái ý nghĩa thâm sâu của nó, đã được vang vọng từ thời Thánh Đa-minh, và sẽ còn tiếp tục mãi qua mọi thời: “Hãy năng lần Mân Côi!”
Lạy Mẹ Mân Côi! Cùng với Mẹ, xin cho con sống Mân Côi hàng ngày. Xin cho con luôn tìm được giải đáp thỏa đáng cho mọi tình huống và biến cố trong đời con qua câu nói của sứ thần mà chính Mẹ đã được nhắc nhở: “Vì đối với Thiên Chúa – nhân lành, không có gì là không thể làm được’. Cùng với Mẹ, con mong rằng việc lần hạt Mân Côi sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực cho con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam