Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 32

Tổng truy cập: 1379082

MẸ MARIA

Mẹ Maria.

Đám cưới ở Do Thái là một dịp vui mừng. Thay vì tuần trăng mật, thì họ tổ chức tiệc tùng kéo dài cả tuần lễ. Vì thế số lượng rượu phải được tính toán cẩn thận kẻo bị thiếu hụt. Và sự kiện này lại xảy ra ở Cana, một thành phố nhỏ năm giữa Nadarét và biển hồ Tiberiat, là quê hương sinh trưởng của Nathanael, là nơi Chúa cho con của một sĩ quan gần chết được khỏi bệnh. Dù sao thì bữa tiệc hôm ấy không còn một giọt rượu nào, mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria lại có mặt ở đó, vì có lẽ là chỗ bà con họ hàng.

Bấy giờ người ta chưa biết gì về uy quyền của Chúa, họ chỉ nhận ra Ngài là một người thợ mộc chân thành, không tiếng tăm. Nhưng mấu chốt là nơi Mẹ Ngài. Các bà mẹ thường nhìn thấy những điều cần thiết. Huống chi là Đức Mairia. Mẹ ân cần thưa lên với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi. Bên ngoài, câu nói này có vẻ như xa vời, nhưng bên trong là cả một lời van xin thầm kín, không nài ép nhưng đầy lòng tin tưởng. Trông thâm tâm, Mẹ nghĩ rằng có lẽ con mình sẽ giúp được gì cho họ, chứ chưa hẳn đã là một phép lạ. Cũng vì tin tưởng, Mẹ đã rỉ tai các gia nhân: Hễ Ngài dạy sao thì cứ làm như vậy.

Sau những lời thưa trình của Đức Mẹ, Chúa Giêsu trả lời một cách hững hờ: Tôi với bà có liên can gì. Câu trả lời hàm ý một sự chối từ. nhưng ở đây, một lần nữa, qua lòng tin nổi bật của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã ra tay cứu giúp đôi tân hôn bằng một phép lạ lẫy lừng.

Sau này, Chúa cũng làm như vậy trong trường hợp người đàn bà xứ Canaan, ở đó Chúa tuyên bố Ngài không đến cho dân ngoại, nhưng cũng vì đức tin của bà mà Chúa đã ban phép lạ. Phải chăng Chúa Cha muốn Đức Kitô làm pháp lạ, theo lời Mẹ Maria cầu xin. Vì thế Công đồng Vat. II đã nói: Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Ngài chỉ xuất hiện vào lúc đầu trong tiệc cưới Cana. Mẹ đã động lòng trắc ẩn và nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ. Chúa Giêsu đã khai mạc bằng phép lạ của Ngài.

Thực vậy, sau những lời trao đổi giữa hai mẹ con, mà không một ai để ý đến. Khách khứa, thì bận ăn bận nói. Chúa Giêsu đến gần các gia nhân và bảo họ: Hãy múc nước đổ đầy 6 chiếc chum bằng đất vốn đựng nước để ráy. Mỗi chum khoảng từ 60-80 lít. Các gia nhân đã lập tức vâng nghe, không ai trong họ đã phản đối, hay nghĩ thế này thế khác. Sự vâng phục này đã là một dịp tốt đưa đến phép lạ.

Dưới khía cạnh tín lý, biến cố này chứng tỏ rằng Mẹ Maria có một sứ mạng đặc biệt. Sứ mạng này gồm có sự bầu cử và trung gian của Mẹ cho loài người trước tôn nhan Chúa. Thế nhưng, chúng ta có biết chạy đến với Mẹ, nhất là trong những giờ phút tăm tối và u buồn, để xin Mẹ bầu cử và nâng đỡ hay không?

 

21. Thiên Chúa cảm thông và yêu mến

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana. Trong đám cưới có Mẹ Maria. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự”. (Lc 2, 1-2)

Phép lạ tại tiệc cưới Cana là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm, khởi đầu cuộc đời hoạt động công khai của Chúa, cũng là vừa để củng cố lòng tin cho các môn đệ, mới vừa gia nhập chỉ mấy hôm thôi. Ở đây, chúng ta thấy một khía cạnh đáng kinh ngạc, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu thế, mà cũng “đi ăn đám cưới, đi dự tiệc như một người trần chúng ta”, một hình ảnh gần gủi và thân thương quá! Điều này: muốn nói lên: Đức Kitô trong bản tính là con người, Người cũng có bản tính là người y như ta; lại rất gắn bó, rất cảm thông với niềm vui và nổi khổ của con người. Hình ảnh việc Chúa đi ăn cưới, rồi lại can thiệp để cứu giúp gia đình nhà đám khỏi xấu hổ vì thiếu rượu, điều đó nói lên cách hùng hồn tình yêu cao cả của Con TC trước khổ đau nhân loại chúng ta. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

  1. Trước hết có vài từ chúng ta cần lưu ý, và tìm hiểu ý nghĩa cặn kẽ:
  2. Cana: một làng quê nhỏ bé, cách Nadareth 10cs, quê hương của tông đồ Nathanael.
  3. Tiệc cưới đối với người Do thái là một dịp vui và bận rộn nhất trong đời họ, vừa nói lên sự quan hệ họ hàng khá lớn. Thường tiệc cưới được tổ chức cả 7 ngày (người tái hôn, cũng phải 3 ngày). Gia đình nhà đám tại Cana là hạng khá giả, nên họ dùng nhiều chum đựng nước cho khách rửa chân khi mới vào. Tất cả là 6 cái, mỗi cái gần 120 lít nước, vị chi gần 2/3 m 3 khối nước. Chúa làm phép lạ cho 700 lít nước thành rượu, thì khách dự tiệc là bao nhiêu mới uống hết rượu đây? Rượu là thức uống đem lại phấn khởi, vui tươi cho con người, nhất là trong đám tiệc, nhất là khi người ta uống điều độ. Chính Chúa Giêsu cũng uống rượu. Một điểm cuối cùng, lời thưa can thiệp của Mẹ Maria: “họ hết rượu rồi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu: “thưa Bà” (Imma) là một lời thưa đầy kính trọng, và ở nơi công cộng, hoàn toàn không có gì là coi thường Mẹ mình cả… Cũng chính nhờ lời can thiệp này mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ. Có các nhà chú giải cho rằng: gần như Chúa chờ đợi Mẹ Maria cầu xin Người, để Chúa làm phép lạ; thiết nghĩ điều này không sai, vì Mẹ Maria có vai trò là Đấng Đồng công cứu chuộc với Chúa Cứu thế; hơn nữa, Chúa đợi Mẹ cầu xin, một lời cầu xin mà Chúa rất hài lòng và Chúa không bao giờ từ chối. Vì vậy sự can thiệp của Mẹ ở đây là điều rất chính đáng…
  4. Tình yêu của Con Thiên Chúa dành cho nhà đám:

Chúng ta thử tưởng tượng gương mặt của chú rể, là chủ đám cưới, anh này sẽ ngạc nhiên và cuối cùng thán phục Chúa biết bao, khi hiểu ra vì thương gia đình anh mà đã làm phép cho nước lã hóa thành rượu. Rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu vì yêu mến và kính trọng gia đình này, nên đã đến đây dự tiệc cưới; rồi chúng ta lại thấy Chúa cảm thông và sẵn sàng chia sẻ với con người chúng ta bất cứ lúc nào qua việc biến nước thành rượu, để giữ lại sĩ diện nhà đám nữa. Như vậy, Người đã cư xử hết sức là con người, vì Chúa cũng thật sự mang bản tính con người y như ta.

  1. Gợi ý sống và chia sẻ:

* Chúa Giêsu tuy là Chúa, cũng là người như ta, trong bản tính con người, nên người có thể cảm thông, chia sẻ, yêu thương chúng ta. Có điều chúng ta có thực sự tin cách mãnh liệt rằng: Thiên Chúa yêu ta không?

* Mẹ Maria đã xin Chúa: “họ hết rượu rồi”; tuy Chúa trả lời: “giờ Con chưa đến”. Đó không phải là lời từ chối, vì Đức Mẹ vẫn tin vào Con Chí thánh của mình. Câu nói của Chúa chính là: giờ của Con chưa đến, nhưng vì Mẹ đã xin nên Con sẵn sàng làm theo Ý của Mẹ. Mẹ rất tin cậy nơi Chúa Giêsu. Phần ta, ta có tin và luôn trông cậy vào Chúa như Mẹ Maria không?

 

22. Tiệc cưới.

Có nhiều người cho rằng: niềm vui không thể đi đôi với niềm tin. Chỉ có ăn chay hãm mình mới là sống đạo. Chỉ khi nào chấp nhận những hy sinh gian khổ thì mới có công phúc. Còn vui tươi hớn hở không phải là thái độ trọng kính đối với Thiên Chúa. Quan niệm sai lầm này khiến họ sống đạo một cách khô khan, nhăn nhó và phục vụ Chúa với nét mặt sầu thảm.

Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Dấu chỉ tiệc cưới Cana cho hay Thiên Chúa muốn chúng ta sống vui tươi, hồn nhiên và trong sáng, bởi VÌ cái tin mà Ngài đem đến không phải là tin buồn, tin sầu, nhưng là một tin vui, tin mừng. Và nếu chúng ta thực sự sống niềm tin ấy, thì khuôn mặt chúng ta sẽ rạng lên nét vui mừng. Đúng như một câu danh ngôn đã bảo:

– Un saint triste, triste saint. Một ông thánh buồn, là một ông thánh đáng buồn vậy.

Dấu chỉ tiệc cưới Cana dạy cho chúng ta biết rằng để gặp gỡ Đức Kitô chúng ta không cần phải là người thoát tục, trở nên như các thiên thần, nhưng chỉ cần hiểu rõ và trở thành loài người hơn, sống trọn vẹn ơn gọi làm người của chúng ta theo gương Chúa Giêsu nhập thể.

Và để có thể thực hiện ơn gọi làm người, thì cần phải tập và sống các nhân đức nhân bản mỗi ngày. Càng biết sống sâu đậm các nhân đức tự nhiên ấy, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu làm người.

Đó là nền tảng vững chắc đầu tiên của ơn gọi Kitô hữu, bởi vì nếu thiếu các nhân đức nhân bản này, người tín hữu sẽ mất quân bình, dễ trở thành cuồng tín và lệch lạc. Trước khi trở thành người Kitô hữu, thì chúng ta phải là người, theo đúng ý nghĩa của nó.

Ngoài ra dấu chỉ của tiệc cưới Cana còn cho chúng ta biết rằng của cải trần gian và các tiện nghi vật chất chúng không có gì là xấu xa và nguy hại. Chúng chỉ xấu xa và nguy hại khi làm cho chúng ta đánh mất chất người, biến chúng ta trở thành ích kỷ độc ác và bất công.

Thật ra chỉ có con người là đáng chê trách, chứ không phải là của cải. Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người phải biết sử dụng đúng đắn tất cả những ơn sủng Thiên Chúa ban cho. Kẻ ít người nhiều, ai cũng nhận được một số ơn sủng tuỳ theo sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Cần phải tận dụng tất cả các ơn sủng đó, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. Chính các ơn sủng này làm thành sự phong phú của cộng đoàn dân Chúa.

Tóm lại ý thức được những ơn Chúa ban, chúng ta hãy biết tận dụng để phục vụ Thiên Chúa trong anh em, theo mẫu gương của Đức Kitô.

 

23. Biến đổi kỳ diệu

Câu chuyện hoá nước thành rượu ngon có thể nói là câu chuyện đẹp nhất trong những trang Tin mừng theo thánh Gioan. Hình ảnh Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ Chúa đến tham dự tiệc cưới Cana cùng với mọi người thân thích nơi đây làm thành một bức tranh tuyệt đẹp về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu đi vào cuộc sống của con người một cách rất bình dị và thật gần gũi. Ngài vui với niềm vui của kẻ khác. Ngài sẵn lòng chia sẻ với họ những khó khăn trong đời sống. Đúng như những gì Ngài đã nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Người ta vẫn thường quen trích dẫn câu chuyện Chúa Giêsu biến nước thành rượu để cho thấy vai trò bầu cử của Đức Mẹ Maria trước mặt Thiên Chúa có hiệu quả như thế nào! Thật ra câu chuyện này không hề mang ý nghĩa đó. Chúa Giêsu đến trong trần gian này là để thực thị sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha. Những lời Ngài rao giảng, những phép lạ Chúa làm đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn và hoàn toàn theo Thánh ý của Chúa Cha muốn. Ngài không bao giờ để cho ai ngoài Thiên Chúa Cha có thể tác động trên những lời nói và việc làm của Ngài dù người đó là Mẹ Maria đi nữa! Có thể chúng ta vẫn quen hiểu rằng: kết quả của việc Chúa Giêsu biến nước thành rượu là nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ Maria. Thật ra không phải thế. Câu trả lời xem ra có vẻ lạnh nhạt của Chúa Giêsu với Mẹ Maria đã nói lên điều đó: “Này Bà, Tôi với Bà có can chi đâu? Giờ Tôi chưa đến”. Câu nói này không phải bao giờ là sự bất hiếu của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài. Nhưng câu nói ấy cho thấy rằng: hành động Chúa Giêsu đã, đang và sẽ làm không bao giờ bị trói buộc bởi lời cầu xin của con người.

Cũng có lẽ chúng ta suy nghĩ trong lòng rằng: Chúa Giêsu là người “ngôn hành bất nhất”, nói khác mà làm thì khác. Bởi vì xem ra Chúa không nhận lời Đức Mẹ xin, nhưng sau đó thì lại làm theo. Không phải Chúa Giêsu hối hận trong lời nói rồi thi hành phép lạ để Mẹ Ngài vui lòng! Không. Ngài làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon này là do sáng kiến của Ngài, hay nói đúng hơn là Ngài thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa Cha. Phép lạ này chắc chắn làm cho mọi người có mặt trong tiệc cưới ở Cana nói chung và Đức Mẹ nói riêng rất vui và rất hài lòng nhưng cần nói lại một lần nữa: phép lạ ấy không phải nhờ vào lời bầu cử của Đức Mẹ mà có. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận lời cầu xin của Đức Mẹ, cũng không có ý nói rằng: lời nói của Đức Mẹ là dư thừa trước mặt Thiên Chúa. Không phải thế! Lời bầu cữ của Mẹ rất có thế giá trước mặt Thiên Chúa nhưng không phải là lúc này và không phải trong trường hợp này.

Giờ đây, chúng ta hãy tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa đích thực của phép lạ biến nước thành rượu ngon này?

Chúa Giêsu đã nói: “Giờ tôi chưa đến”. Dù vậy, Ngài vẫn thực hiện phép lạ đầu tiên này tại tiệc cưới Cana nhằm tỏ bày vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài, đồng thời cũng cho các môn đệ của Ngài nhìn thấy và tin vào Ngài. Phép lạ xảy ra là do lòng tin nhưng phép lạ cũng nhằm cũng cố niềm tin nơi con người.

Qua phép lạ này, chúng ta cũng thấy được rằng: Chúa Giêsu đã đi vào cuộc sống của con người với tấm lòng của người cha, người mẹ và Ngài đã làm cho cuộc sống thêm hương vị đậm đà của tình thươn, thêm vị nồng nàn của sự thánh thiện.

Cuộc sống của chúng ta nếu không có Chúa thì sẽ nhạt nhẽo lắm, sánh ví như nước lã vậy. Trong tiệc cưới Cana hôm ấy, nếu không có Chúa hiện diện thì nó sẽ nhạt nhẽo biết là dường nào! Chủ nhà tiệc sẽ phải xấu hổ lắm trước mặt quan khách, vì chỉ có nước lạnh mà không có rượu nồng. Nhưng may thay, Chúa Giêsu đã hiện diện và Ngài đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho chủ tiệc cưới. Chúa đã đem đến niềm vui trọn vẹn cho con người.

Cũng vậy, mọi công việc chúng ta làm nếu không có Chúa thì cũng sẽ nhạt nhẽo lắm. ý nghĩa của nó chắc chắn sẽ không bao giờ trọn vẹn được. Chính Chúa sẽ mặc cho những công việc làm của chúng ta ý nghĩa tốt đẹp trọn vẹn của nó. Công việc của Cha Damien khi chăm sóc người cùi, công việc qui tụ những người nghèo cùng cực của Mẹ Têrêsa sẽ trở nên nhàm chán và ghê sợ nếu Cha Damien và Mẹ Têrêsa không được Chúa nâng đỡ và chúc phúc. Chính vì nhận thấy Chúa Giêsu hiện diện trong những con người đáng thương ấy mà những chiến sĩ của Chúa đã dấn thân đến quên mình.

Đời sống gia đình có thể sẽ trở thành nặng nề và nhàm chán lắm nếu gia đình ấy không có Chúa ở cùng để chúc phúc cho họ. Gia đình có Chúa là gia đình có mái che! Chính Chúa sẽ làm cho hạnh phúc nơi gia đình mãi thêm nồng nàn, mặn mà và mạnh mẽ. Chính Chúa sẽ chở che và ban phúc cho những gia đình nào biết chọn Chúa làm gia nghiệp và làm chủ của mình.

Lạy Chúa, Chúa thật là nguồn sống và niềm hy vọng vững chắc cho chúng con. Amen.

 

24. Tiệc cưới Cana – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng với Chúa Giêsu sống những ngày (đầu sứ vụ công khai). Thánh Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian” (Phụng vụ Năm A); tiếp đến có ba môn đệ là: Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người (Phụng vụ Năm B); có đồ đệ, thầy trò Đức Giêsu đi dự tiệc cưới, tại đây phép lạ đầu tiên xảy ra tại tiệc cưới Cana, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, (Phụng vụ Năm C). Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó, mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm “tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo. Lời dẫn vào Thánh lễ: “Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh, Lạy Chúa Trời cao cả” (Lời nhập lễ). (“Hãy ca ngợi Chúa bằng một khúc ca mới, hỡi hoàn vũ, hãy ca ngợi Chúa, hãy ca ngợi Chúa, tôn vinh danh thánh Người”.) (Tv. 95)

Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa từ nước thành, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực.

Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi dự tiệc cưới, và bằng sự hiện diện của mình, Ngài đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Ngài đã đến dự đám cưới, theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một người vợ sẽ luôn luôn giữ mình đồng trinh. Ngài không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc: “Được sinh ra mà không phải được tạo thành”. Ngài đi đến đám cưới, không phải để tham dự một bữa tiệc vui vẻ như bao nhiêu bữa tiệc. Ngài đến để mạc khải một điều kỳ diệu thực sự, hết sức đáng ngưỡng mộ. Ngài đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Ngài đã nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi.” Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: “Hỡi bà, bà muốn tôi điều gì? “… khi trả lời: “Giờ của con chưa đến”, chắc chắn đây là lúc Ngài loan báo giờ vinh quang của Ngài nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Ngài là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Marie xin một đặc ân hiện tại, còn Chúa Giêsu, Ngài lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.

Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của ConThiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Đức Giêsu, Con Mẹ, Mẹ nhận được câu trả lời: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi”; Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu: “Người bảo sao cứ làm như vậy”. Người mẹ thiêng liêng của Chúa Giêsu chắc chắn biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vì Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của một người đàn ông giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả… Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.

Chúng ta đang tiếp tục hành trình sống của mình trong Năm Đức Tin, tưởng cũng nên nhắc lại Mầu nhiệm Năm Sự Sáng: Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Như vậy là Chúa nhật này, chúng ta xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa, tức là xin ơn Đức Tin.

Thật vậy, khi chiêm ngắm tiệc cưới Cana, nước hóa thánh rượu, loan báo hồng ân mà Chúa Giêsu thực hiện ngay trong Bí tích Thánh Thể và ghi nhớ giờ hiến dâng trên cây Thánh Giá, giờ Chúa trao ban chính thịt máu mình làm của nuôi nhân loại.

Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào trong tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội; Mẹ Maria cũng ở đây trong lúc chúng ta cầu nguyện; Giờ phút này đây, Mẹ cũng hiện diện để giúp đỡ chúng ta sống ơn gọi làm người, dâng hiến đời sống chúng ta hầu mưu ích cho tha nhân.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta xin Mẹ dạy ta học yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, chúng ta cầu xin Chúa cho chính chúng ta biết để ý đến nhu cầu của anh em; đồng thời cùng nhau thành tâm cầu nguyện cho tất cả mọi người nam cũng như nữ, những người phục vụ Tin Mừng biết sống khiêm nhường phục vụ trong đời sống hàng ngày; và nhất là cầu cho những ai có trái tim khép kín biết mở ra với tha nhân.

 

25. Gia đình có Mẹ – Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn

Trời có lúc mưa lúc nắng, lúc trong lúc mờ. Đời có lúc thăng lúc trầm, lúc buồn lúc vui. Tình có lúc nồng lúc nhạt, lúc thắm lúc phai.

Nghe sao có vẻ cải lương quá! Ấy thế mà tính chất cải lương kia lại cứ xuất hiện trong cuộc sống con người, nhất là trong cuộc đời hôn nhân. Không hiểu sao người ta hay ngâm nga: “Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” Phải chăng bắt đầu thề ước là bắt đầu xót xa? Ngày lên xe hoa thì cũng chính là ngày ra chiến trận? Mà trong trận chiến này, nếu không khéo, có ngày sẽ bị thương vong.

Đám cưới tại làng Cana mới bắt đầu mà đã có chuyện. Tiệc chưa tàn nhưng rượu lại hết. Nguy quá! Thế thì còn đâu mặt mũi tân gia. Không chừng cô dâu chú rể sẽ phải lục đục với nhau vì nhà anh đã không khéo chuẩn bị, còn nhà em thì cứ mời cho đông vào mà không cho biết trước. Không chừng vết thương trong ngày thành hôn sẽ để lại cơn đau khó tàn cho đôi uyên ương.

Thiếu rượu thì mất vui. Đám cưới mà không vui thì có hơn gì đám ma. Với lại truyền thống xưa nay của dân tộc là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” Vậy mà khi khách chưa say, chất cay đã cạn. Bao nhiêu choé rượu sắm sẵn đều hết sạch. Bẽ mặt mất thôi! Chắc hẳn gia chủ lẫn tân lang và tân nương đang trải qua một phen bối rối, hốt hoảng ghê lắm. Biết tìm đâu ra rượu bây giờ?

Thấy được tình cảnh oái oăm của tân gia, Mẹ Maria đến gặp Con mình và nói: “Họ hết rượu rồi.” Đây là lời cầu cứu hay câu mẹ trách con vì đã đem theo mấy ông môn đệ nên mới làm cho người ta hết rượu? Nhưng nếu là câu trách thì tại sao Mẹ lại bảo các người hầu: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo”? Câu này hàm chứa một cái nhìn tiên tri là Chúa Giêsu sẽ ra tay để làm một điều gì đó.

Chắc rằng trong suốt 30 năm sống bên Đức Giêsu, Mẹ đã thấy rõ quyền năng và tình nhân ái bao la của con mình đối với những kẻ sa cơ hoạn nạn. Thế nên hôm nay, khi thấy gia đình tân hôn bị rơi vào trường hợp éo le nan giải, Mẹ đã tìm đến với Chúa để xin Ngài ra tay. Nhưng, có một vấn đề khác: nếu như trước đó Đức Giêsu đã từng cứu giúp những người khốn khó thì tại sao vị Thánh Sử lại bảo đây là “dấu lạ đầu tiên”?

Theo văn mạch của Thánh Gioan thì đó là phép lạ đầu tiên mà “Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilê.” Thế ra, có thể Ngài đã từng làm dấu lạ ở nơi khác, ví dụ như tại Nazaret, nhưng tại Cana thì đó là lần đầu. Ngoài ra Thánh sử Gioan cũng nhấn mạnh trong câu kết luận rằng Chúa Giêsu đã làm dấu lạ này “để tỏ vinh quang của Ngài cho các môn đệ,” những người vừa mới đáp trả lời mời gọi bước theo Ngài được mấy hôm.

Như vậy trước đó, có thể Đức Giêsu đã từng làm dấu lạ, không phải để tỏ vinh quang, nhưng chắc là âm thầm và qua tay Mẹ Maria. Phải chăng Chúa Giêsu đã từng nhờ Đức Mẹ làm trung gian để đem cái này, chuyển cái kia cho những người cùng khốn gian nan, nên Mẹ biết rõ quyền năng và tình thương của Chúa mà chạy đến cầu cứu? Phải chăng, dù là mẹ, Đức Maria vẫn từng làm theo ý Con, và đã thấy người ta nhận được biết bao ân phúc phi thường.

Cho nên trong giờ phút cam go của gia đình có đám, Mẹ đã kêu cầu Đức Giêsu. Và sau đó, Mẹ đã nhắn nhủ các lời khuyên phát xuất từ một lòng tin tưởng vững vàng vào tình yêu tha nhân nơi Con mình. Ngài không thể không chạnh lòng thương xót trước nỗi thống khổ của con người. Và đây cũng là lời nhắn nhủ đầy kinh nghiệm của Đức Maria, người đã từng làm theo lời Chúa và thấy bao kết quả tươi đẹp trong đời.

Ngài có bảo gì thì cứ làm theo. Lời nói biểu lộ lòng xác tín Đức Giêsu sẽ ra tay can thiệp. Mẹ Maria biết chắc Ngài sẽ đáp lời Mẹ xin. Thế mới thấy quyền phép nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ hiệu năng dường nào. Không phải là Chúa Giêsu đã từng nói: “Giờ con chưa đến” sao? Vậy mà “Giờ con đã đến” vì lời Mẹ xin. Giáo hội đã có lý khi đưa vào kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: “Đức Bà có tài có phép. Cầu cho chúng con” là vậy.

Các Thánh cũng công nhận rằng chẳng có sự gì Mẹ xin cùng Thiên Chúa mà không được. Thánh Antôn từng nói: “Vì Đức Maria là Mẹ, nên lời cầu xin như có sức truyền dạy trước toà Chúa Giêsu. Do đó, khi Mẹ xin gì thì không lẽ Chúa Giêsu lại không nhậm lời.” Thánh Ricarđê viết rằng: “Hễ Con quyền phép vô cùng thì Con cũng làm cho Mẹ vô cùng quyền phép. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng Con của Mẹ quyền phép vì bản tính Ngài là Thiên Chúa. Còn Đức Mẹ có quyền phép là nhờ ơn Chúa ban; nghĩa là Thiên Chúa quyền phép vô cùng, phán một lời liền có hết mọi sự. Còn Đức Mẹ quyền phép vô cùng, xin một tiếng liền được hết mọi sự.”

Nhờ có Mẹ can thiệp mà Chúa Giêsu đã cứu tiệc cưới tại làng Cana khỏi cảnh bẽ mặt ê chề. Nhờ lời cầu xin của Đức Mẹ mà giờ giải cứu con người khỏi kiếp khổ đau của Chúa Giêsu đã điểm. Nhờ sự khích lệ bảo ban của Mẹ mà con người biết cộng tác với Con Thiên Chúa để mang lại niềm vui của ơn phúc đầy tràn đến muôn tâm hồn.

Hôm nay, giữa trần thế, có biết bao gia đình “sắp hết rượu.” Lắm cõi lòng đã mất hẳn niềm vui. Nhiều cuộc tình đã rơi vào bế tắc. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” không còn nữa. Làm sao cứu vãn đây?

Nếu đời có Mẹ, người ta sẽ gặp được ơn Chúa. Mời Mẹ đến với gia đình, chẳng bao giờ Mẹ để cho rượu nồng tình thắm bị cạn khô.

Thế nên, hỡi tất cả các gia đình, mới hay cũ, đang an hoà hạnh phúc hay trắc trở lao đao, hãy cậy nhờ và phó thác cho Mẹ Maria. Chắc chắn với Mẹ và qua Mẹ, Chúa Giêsu sẽ tỏ mình ra nơi gia đình anh chị em.

Không phải tình cờ mà Đấng Cứu Thế lại tỏ vinh quang của mình trong một cuộc hôn nhân. Không phải tình cờ mà vinh quang đó lại liên kết âm hưởng với sự hiện diện của Đức Maria. Trái lại, tất cả đã diễn ra trong cùng một mạc khải của Tin Mừng: gia đình có Mẹ là gia đình có Chúa; gia đình có Chúa là gia đình luôn có tình yêu tràn đầy và niềm vui dạt dào.

 

26. Có Chúa gia đình mới hạnh phúc

(Suy niệm của Cố Lm Hồng Phúc)

Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ đi dự một đám cưới ở làng Cana và làm phép lạ cho nước biến thành rượu.

Đây là phép lạ đầu tiên trong 7 phép lạ mà Phúc Âm của Gioan kể lại. Gioan gọi là “dấu chỉ đầu tiên”, một bài học bằng việc làm để giúp ta hiểu một mầu nhiệm.

Sau khi được Gioan ban phép Rửa – Đề tài bài Phúc Âm tuần trước- Chúa Giêsu đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên. Họ là Anrê, Gioan, Phêrô, Philiphê và Nathanael. Và hôm nay, Chúa dẫn cả nhóm đi ăn cưới tại làng Cana, cách Nagiaret khoảng 14 cây số, trong một gia đình quen thân, vì có cả Đức Mẹ cũng đến tham dự.

Chúng ta chú ý đến hai điểm mà Phúc Âm nói đến là: Giờ của Chúa và dấu chỉ của Chúa.

  1. “Giờ của Ta chưa đến”. Có thể rằng trong những ngày dài, những đêm khuya khoắt sống bên cạnh Mẹ dưới mái nhà Nagiaret, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ hay về sứ mạng tương lai của mình.

Ngài cho Mẹ hay, Ngài sẽ sống với người nghèo khó, đem tình thương vỗ về ấp ủ, đem Chúa đến cho họ, giúp họ hoán cải cuộc sống tăm tối trở nên như một bửa tiệc cưới. Hôm nay, Đức Mẹ thấy con đem cả nhóm đồ đệ đến dự một đám cưới bình dân, chắc Đức Mẹ nghĩ rằng Giờ con tỏ quyền năng đã đến. Vì thế, với con mắt quán xuyến, với một giác quan nhạy cảm của người phụ nữ, Đức Mẹ biết nhà đám đang bối rối vì rượu đã cạn. Đức Mẹ không ngần ngại đến nói với Chúa, “Con nè, nhà này hết rượu”. Một câu nói đơn sơ trong tình mẹ con. Một câu nói đầy tin cậy như một lệnh truyền. Chúa Giêsu trả lời: “Giờ con chưa đến”, nghĩa là giờ tỏ vinh quang của Con chưa điểm. Mặc dầu thế, vì Mẹ đã xin thì con làm, Mẹ đã muốn thì Mẹ được như ý.

Mẹ là người tín hữu đầu tiên đã tin vào Chúa và lòng tin làm nên phép lạ, mặc dầu Giờ của Chúa chưa đến. Chúng ta thấy Đức Mẹ hành động cách tự nhiên, quả cảm. Mẹ bảo người giúp việc: “Thầy bảo sao hãy làm đúng vậy”.

Và phép lạ đã xảy ra.

  1. Dấu chỉ của Rượu. Gioan trình bày các phép lạ của Chúa như những dấu chỉ, những mạc khải bằng việc làm. Phép lạ đó ám chỉ và mạc khải 3 điều:

Trước hết, đó là dấu chỉ quyền năng của Thiên Chúa. Xưa Chúa phán một lời từ cõi hư vô vạn vật xuất hiện, nay biến hóa sự vật đã có, nước hóa rượu, nào có khó gì!

Thứ đến, phép lạ mạc khải rằng Chúa đến khởi đầu một cuộc giao duyên mới: cuộc giao duyên giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Tiệc cưới hôm nay báo hiệu một tiệc cưới mới. Phaolô ví tình yêu liên kết đôi vợ chồng với tình yêu liên kết Chúa Giêsu và Giáo hội (Eph. 5, 25).

Phép lạ hôm nay cũng ám chỉ tình thương của Chúa đối với những ai sống trong bậc vợ chồng. Chúa tham dự tiệc cưới để thánh hóa hôn nhân. Ngày nay, nhiều cuộc hôn nhân cũng thiếu rượu của một mối tình khắng khít vĩnh cửu. Văn hào Taine nói mỉa mai: “Người ta tìm hiểu nhau 3 tuần, yêu nhau 3 tháng, cãi lộn 3 năm rồi chịu đựng nhau 30 năm… để con cái lại trở về cái vòng lẩn quẩn!”

Hôm nay, Chúa đến dự lễ cưới, biến nước lã nên rượu ngon, để thánh hóa hôn nhân. Có Chúa gia đình mới có hạnh phúc, cuộc sống tẻ nhạt biến thành rượu nồng.

 

27. Họ hết rượu rồi.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Đám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.

Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa.

Những dấu lạ vén mở con người Đức Giêsu.

Làm bánh hóa nhiều cho thấy Đức Giêsu là Bánh thật. Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Đức Giêsu là Ánh Sáng. Hoàn sinh Ladarô cho thấy Đức Giêsu là sự Sống Lại.

Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.

Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, Đức Giêsu biến nó thành rượu ngon, một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.

Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.

Đức Giêsu cho thấy mình chính là Đấng Mêsia. Ngài đến để thiết lập một trật tự mới dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.

Cựu Ước không làm con người mãn nguyện. Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.

Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana. Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.

Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. Đừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.

Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.

Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Đức Giêsu là ai, nhưng Đức Maria cũng có một vai trò đáng kể.

Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Đức Giêsu.

Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.

“Họ hết rượu rồi”: Mẹ chỉ nói với Con như vậy. Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. “Người bảo gì, các anh hãy làm.”

Quả thật Đức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm, nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện. Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!

Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ… Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.

“Người bảo gì, các con hãy làm”: Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc ngay từ đời này. Theo bạn, thế nào là một con người hạnh phúc? Hạnh phúc đích thực dựa trên những yếu tố nào?

Đâu là những điều đe dọa hạnh phúc bình thường của một người?

Cầu Nguyện

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ