Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1378610
MỘT ĐÀN CHIÊN DUY NHẤT
(Suy niệm của Lm. Trịnh Ngọc Danh)
Khi ấy, ở Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đưc Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hang Salomon. Người Do thái vây quanh Đức Giêsu và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin vì các ông không thuộc đàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:27-30).
Chúa Giêsu tự xưng mình là “cửa cho chiên ra vào”; ai qua cửa ấy mà vào thì được cứu, sẽ gặp được đồng cỏ xanh tươi. Ngài cũng tự xưng mình là Mục Tử Nhân Lành “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”; Vị Mục Tử Nhân lành ấy đến thế gian để chiên được sống và sống dồi dào: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:27-30).
Ngài biết rõ từng con chiên một. Ngoài việc không để một con chiên nào thuộc đàn chiên của Ngài bị lạc mất, Ngài còn lo kiếm tìm những con chiên chưa thuộc về đàn chiên của mình để đưa chúng về thành một đàn chiên duy nhất: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10:16)
Khác với người chăn chiên thuê phó mặc “sống chết mặc bay” hay ba chân bốn cẳng vội vàng chạy trốn khi thấy sói rừng xuất hiện… người chăn chiên đích thực là một người mục tử nhân hậu, thương mến đàn chiên, tận tình chăm sóc, bảo vệ đàn chiên, thỏa mãn mọi nhu cầu cần thiết, luôn sát cạnh với chúng hằng ngày, và sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên.
Là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu biết chiên của Ngài. Ngài biết thân phận con người yếu đuối, biết con người phải chịu tình trạng nô lệ tội lỗi và biết con người cần tình thương, cần sự cứu thoát khỏi sự huỷ diệt… Ngài biết chúng ta rõ ràng hơn chúng ta tưởng, vì Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta.
Thiên Chúa biết rõ những khó khăn vất vả, những yếu đuối vấp ngã, những bệnh tật khổ đau, những ê chề thất vọng của chúng ta… Và Người luôn ở bên chúng ta để an ủi vỗ về, để nuôi dưỡng bổ sức.
Tương quan giữa Thiên Chúa và con người không phải là tương quan chủ- tớ, nhưng là tương quan giữa cha- con, giữa yêu thương và được yêu thương.
Chúa Giêsu Kitô mặc khải cho chúng ta một Thiên Chúa nhân hậu, đầy tình thương, luôn sát cạnh, đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Người luôn quan phòng và yêu thương con cái của mình: “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”.
“Tôi biết chúng.” Chuyện đó không thành vấn đề; bởi vì Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta. Ngài biết rất rõ những tâm tư , nguyện vọng của chúng ta. Vấn đề là chiên biết người chăn của mình như thế nào để nghe tiếng người chăn chiên mà đi theo; đồng thời chính con chiên cũng phải tự biết đến thân phận của mình.
Nghe, thấy giúp con người nhận biết sự việc đúng hay sai. Từ nhận thức qua việc nghe và thấy, đưa đến niềm tin; và từ niềm tin dẫn đến việc chấp nhận đi theo.
Tất cả nhân loại là thuộc đàn chiên của Thiên Chúa; và những chiên thuộc đàn chiên của Thiên Chúa là những con chiên “nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”.
Có những người không thấy, không nghe, nên họ không biết không tin và không theo thì đã đành; nhưng có những người đã thấy, đã nghe, đã biết nhưng không phải biết bằng con mắt đức tin mà bằng lý luận nhân bản: làm sao một chàng thanh niên, con ông Giuse thợ mộc lại có thể tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô! Vì thế họ không tin và không đi theo.
Những người Do thái đã có một niềm tin vào một Đấng Tối Cao nào đó, nhưng họ lại không chấp nhận có một Đấng nào đó nhân danh Thiên Chúa đã đến với họ. Họ đã nghe, đã thấy những việc và những lời Chúa Giêsu giảng dạy đúng như lời các ngôn sứ đã loan báo; nhưng họ vẫn bán tín bán nghi; họ không tin: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”. Và Chúa Giêsu đã lên án họ: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin vì các ông không thuộc đàn chiên của tôi.”
Hoặc cũng có những con chiên đã nghe, biết, theo, nhưng lại muốn giữ độc quyền cho mình việc hiểu biết, không muốn chia sẽ cho người chưa biết: “Có nhiều người Do thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa”; nhưng nghe, biết mà không theo hay theo ý riêng mình, hẹp hòi trong nhận thức, ghen tức với người khác, độc quyền tôn giáo: “Đến ngày Sabbát sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do thái thấy đám đông dân chúng thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy”. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại…
Có những người chỉ nghe, nhưng biết người chăn chiên của mình bằng niềm tin và họ đã đi theo. Đó là những người được Chúa chúc phúc: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta đã trở thành con chiên của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về một đàn chiên là Giáo Hội như Thánh Phêrô đã noi trong thư thứ 1 (1 Pr 2: 25): «Xưa kia, anh em như những con chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em.» Lắng nghe, thực thi Lời Chúa, tuân giữ những điều Giáo Hội truyền dạy là chúng ta nghe biết tiếng của người chăn chiên, là đi theo sự hướng dẫn của đức tin, đức cậy và đức mến. Vì «Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, vì danh dự của Người. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi. Cây roi và cây gậy của Người, đó là điền an ủi lòng tôi.» (Tv 22:3-4)
Điểm tựa và niềm hy vọng cho cuộc sống chúng ta là lời Chúa đã xác quyết: Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:27-30)
Sống theo đàn, nghe biết tiếng người chăn chiên, theo sau người chăn chiên, tránh xa tiếng kêu gọi của người lạ là sống trong lòng Giáo Hội, sống theo Tin Mừng, là chết đi cho con người tội lỗi để theo chân người chăn chiên đi vào Cửa Chuồng Chiên là Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại.
Nỗi trăn trở của Vi Mục tử Nhân lành là: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10:16).
Người chăn chiên biết từng con chiên và ngược lại, từng con chiên biết người chăn chiên. Làm sao để biết chủ chăn của mình? Qua Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, chúng ta biết người chăn chiên ấy; và chúng ta sẽ biết rõ người chăn chiên ấy hơn khi chúng ta biết sống gần gủi và thân mật hơn với các chiên khác trong cùng đàn chiên.
“Tôi là Gioan đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, họ mặc áo trắng dài, tay cầm là vạn tuế, Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Đấng ngự trên ngai vàng đặt giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ” (Kh. 7:9,14-17)
Viễn cảnh mà thánh Gioan đã chứng kiến sẽ được thực hiện khi “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Tất cả nên một!
Tin tưởng, phó thác vào tình thương của Chúa khiến chúng ta an lòng.
17. Mục tử nhân lành
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Chúa nhật thứ IV Phục Sinh theo truyền thống được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành vì Tin Mừng Chúa nhật này mời gọi chúng ta suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên. Đức Giêsu muốn không chỉ có các mục tử tiếp bước theo Ngài, mà ngay cả những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân mình để bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở vể. Ngài mong ước các linh mục với Ơn Ngài trợ giúp sẽ hoàn thành trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên Ngài giao cho đến đồng cỏ Nước Trời. Chúa nhật Chúa Chiên Lành cũng là một Chúa nhật đặc biệt đối với các mục tử là những linh mục đặt mình vào vị trí của Đức Giêsu Mục Tử nhân lành duy nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục thân yêu: nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài! Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều linh mục lành thánh. Ý chỉ này cũng thật khẩn thiết cho Giáo hội hoàn vũ. Lời ca nhập lễ: Tình thương Chúa chan hòa mặt đất, Lời Chúa sáng tạo chín tầng trời. Allêluia.
* Bài đọc Phụng vụ năm A
– Tđcv 2,14; 36-41: Phêrô kêu gọi dân Israel ăn năn sám hối
– Tv 23,1: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì
– 1 Pr 2,20-25: Đức Kitô là Đấng canh giữ linh hồn chúng ta
– Ga 10,1-10: Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành và là cửa chuồng chiên
* Bài đọc Phụng vụ năm B
– Tđcv 4,8-12: Ngoài Đức Kitô, không có Ơn Cứu Độ
– Tv 118,1: Phiến đá bị thợ xây loại bỏ đã biến nên tảng đá góc tường
– 1 Ga 3,1-2: Trong Tình Yêu của Người, Người làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Người
– Ga 10,11-18: Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
* Bài đọc Phụng vụ năm C
– Tđcv 13,14; 43-52: Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại
– Tv 100,1: Ngài dẫn chúng ta đi trên đường ngay nẻo chính
– Kh 7,9;14-17: Niềm vui muôn đời dành cho những kẻ được cứu chuộc
– Ga 10,27-30: Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Cả một chương dài (Ga 10,1-40) thánh sử Gioan trình bầy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Vị Mục Tử Nhân Lành. Phụng vụ năm- C chỉ lấy có 4 câu (Ga 10,27-30), cũng đủ làm nổi bật Đức Giêsu là Mục Tử Tốt Lành, Ngài là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa(c.30), Ngài đến để thí mạng sống mình vì đàn chiền, cho chiên được sống dồi dào (c.28), qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất, Ngài cũng mời gọi chúng ta bắt chước Ngài.
Đức Giêsu là Mục Tử Tốt Lành, Ngài là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (c.30).
Ngài tốt lành như Ngài nói: “Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào” (c.10). Chúa Giêsu Kitô phân biệt hai loại mục tử, một loại người chăn chiên tốt là người can đảm lấy thân mình đương đầu chống lại sói dữ để bảo vệ đàn chiên. Đây là điểm khác biệt với lính đánh thuê. Kẻ chăn thuê chỉ quan tâm chút ít cho con chiên của mình, vì lợi ích riêng cá nhân mà quên đi đàn chiên. Loại mục tử này gây hại cho đàn chiên, vì họ tìm cách ăn cắp các con chiên để làm thịt, không đánh mất chính mình, không từ chối kẻ trộm và không quan tâm đến đàn chiên được giao, vì họ là người chăn thuê. Khi người Do Thái tìm cách giết Đức Giêsu, Ngài đã không ngừng rao giảng, không bỏ rơi các môn đệ, nhưng Ngài bảo vệ họ cách tuyệt đối, chịu chết cho họ. Đây là lý do tại sao Ngài nói: “Ta là mục tử tốt lành, Ta thí mạng sống Ta vì đàn chiên.” Chúa Giêsu lặp đi lặp lại câu trên để chứng tỏ mình không phải là một kẻ mạo danh. Ngài phán: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Những gì Đức Giêsu nói, “Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi.” Các tông đồ cũng nói như vậy: “Thiên Chúa đã không từ bỏ dân của Ngài mà Ngài biết.” (…) Môi-se nói: “Chúa biết những người của mình.” (Ds 15,5). Đức Giêsu biết từng con chiên một: “Như Cha biết Ta và Ta biết Cha” (c.15).
Có những kiến thức, kỹ năng, Ngài và con chiên không bằng nhau. Cũng có thể có kiến thức bình đẳng chăng? Bởi vì Ngài nói: “Như Cha biết Ta, Ta biết Cha” (c.15). Thực tế, Chúa Cứu Thế đã muốn chứng minh rằng: “Như Cha biết Ta và Ta biết Cha”. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói: “Không ai biết Con trừ ra Cha, và những người Con muốn mạc khải cho”.
“Tôi nhận được lệnh này từ Cha của Tôi.” Chúng ta tự hỏi: Lệnh gì? Lệnh chết cho thế giới. “Đây là lý do tại sao Cha yêu Tôi”, điều này cho thấy một ý chí tự do, loại bỏ bất kỳ dấu hiệu của sự đối kháng, ngay cả khi Ngài nói rằng, Ngài đã nhận được lệnh của Cha Ngài, nghĩa là không có gì khác Ngài làm đẹp lòng Chúa Cha hơn. Nên khi người Do Thái thách thức: “Nó đã cứu những ai khác, chứ vô phương cứu lấy mình! Nó là Vua Isarel! Bây giờ hãy xuống khỏi thập giá, và ta sẽ tin vào nó! (Mt 27,42). Nhưng chính vì Ngài là Con Thiên Chúa, nên Ngài đã không xuống.
Trở lại câu: “Tôi đã nhận được lệnh này từ Cha Tôi”, có người nghĩ rằng công việc này không phải là tự nguyện, và rằng Chúa Giêsu đã bị buộc phải chết. Đức Giêsu nói trước đó: “Không ai cất mạng sống Ta được; nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta; Ta có quyền thí mạng sống Ta. Và cũng có quyền lấy lại; đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta”. (c.18). Đức Giêsu chính là Thiên Chúa.
Ngài đến để thí mạng sống mình vì đàn chiên, cho chiên được sống dồi dào (c.28), Trước đó, Chúa Giêsu cũng nói: “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). Người ấy sẽ vào từ đức tin và ra qua đức tin, và người ấy sẽ gặp được đồng cỏ xanh tươi dẫn đưa đến dự tiệc vui muôn đời.
Đàn chiên của người chăn hiền lành nên tìm được một đồng cỏ xanh tươi, vì tất cả đàn chiên đi theo người chăn với lòng duy nhất là được dẫn đến ăn cỏ trong đồng cỏ xanh tươi. Còn người chăn chiên với niềm vui thiên đàng sâu thẳm là gì, há chẳng phải là đến được đồng cỏ xanh không bao giờ tàn úa đó hay sao? Người chăn chiên chính là Thiên Chúa, Ngài luôn hiện diện: người ta chiêm ngắm Ngài, khiến tâm hồn thỏa thuê như khách vừa dự tiệc…
Vậy, chúng ta hãy tìm đến vị mục tử này, chúng ta sẽ thấy niềm vui thiên quốc được cử hành ở trên trời. Niềm vui ấy mời gọi ta… Hãy thức tỉnh tâm hồn! Ước gì đức tin của chúng ta sưởi ấm điều chúng ta tin, và ước muốn của chúng ta hun đúc những điều cao thượng. Yêu chính là lên đường. Không để lại bất cứ điều gì làm giảm đi niềm vui nội tâm. Đừng để mình rơi vào những quyến rũ bởi sự thành công tâng bốc. Ngu ngốc nhất là người du lịch, khi nhìn thấy những cảnh quan đẹp, quên ngay mục đích của chuyến đi của mình.
Ngài qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất
Đây là lý do tại sao Đấng Cứu Thế đến nói: “Ta còn những chiên khác nữa, không thuộc đàn này; các con chiên ấy, Ta cũng cần phải chăn dắt, và chúng sẽ nghe tiếng Ta; và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên”. (16). “Cũng phải” Chúa Giêsu Kitô sử dụng thuật ngữ này, không để đánh dấu một điều cần thiết, nhưng để chứng minh rằng điều Ngài nói sẽ xảy đến. Ngài được sai đến trước hết với nhà Israle. Nên theo lời Thánh Phaolô: “Cắt bì chẳng là gì cả, mà không cắt bì cũng chẳng là gì cả, (có là gì ấy là) giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa.” (I Cor VII, 19.) “Và Tôi cũng phải mang về đàn.” Chúa Giêsu Kitô muốn nói rằng, tất cả Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do trộn lẫn với nhau. Sau đó Ngài tuyên bố họ là tất cả đều thống nhất, “Và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên”. Thánh Phaolô cũng nói: “ngõ hầu trong Ngài, Ngài tạo dựng hai loại người ấy nên một người mới; đem lại bình an” (Eph. II,15.)
Hãy theo gương Chúa Kitô Mục Tử
Hướng đến ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi. Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết rằng: “Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người”. Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ “hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại “Hãy đến! Hãy theo ta”. Theo Chúa Giêsu “có nghĩa là nhấn chìm ý muốn của chính mình vào thánh ý Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho thánh ý Người và đặt Chúa Giêsu ở vị trí đầu so với tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta: gia đình, công việc, những lợi ích cá nhân và bản thân”.
Xin cho giới trẻ hôm nay đang ở giữa biết bao những gợi ý nông cạn và phù phiếm, biết chuyên tâm trau dồi nét hấp dẫn đối với các giá trị, các mục tiêu cao thượng, những chọn lựa triệt để, hầu phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Đáp trả quảng đại và mau lẹ tiếng Chúa Kitô kêu gọi đi theo Người sát sao hơn nữa, đặc biệt với các thế hệ mới.
18. Lắng nghe tiếng Chúa – Anmai
Mở lại sách Samuel chúng ta bắt gặp nói đến việc Chúa gọi Samuel đi làm ngôn sứ cho Chúa. Khi nhận ra tiếng Chúa, Samuel đã mau mắn đáp lại: “Lạy Chúa xin hãy nói, con nghe đây!” (Sm 3,3-10; 19).
Trải qua dòng chảy lịch sử cứu độ, Thiên Chúa thường gọi một số người để làm các công việc đặc biệt Chúa trao phó. Trong Cựu Ước, Chúa gọi Abraham, Môsê, Davit, các tiên tri v.v… Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã gọi 12 tông đồ. Đó là những ơn gọi đặc biệt, và việc Chúa gọi và chọn ai cũng là một việc nhiệm mầu của Chúa. Chúa gọi và chọn người Chúa muốn. Tuy nhiên, Chúa vẫn tôn trọng tự do của mỗi người; tùy theo mỗi người có quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi hay không (Mt 19,16…), Trong Gioan 1,35-42 nói đến việc Chúa gọi hai anh em ông Anrê và Phêrô. Hai ông đã lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Ngài.
Các thánh sử của Phúc Âm Nhất Lãm đều kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi thánh Matthêu xảy ra ngay sau khi Chúa chữa người bất toại tại Capharnaum. Khoảng một ngày sau phép lạ ấy, Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, có đám đông dân chúng đi theo Người. Chúa đến đó từ một thành phố cảng nhỏ nằm giáp miền đất Perea, trên bờ bên kia sông Giođan. Trên đường, Chúa đi ngang qua bàn thu thuế của Matthêu.
Matthêu khi ấy đang làm việc trong ngành thuế vụ của vua Hêrôđê. Mặc dù không phải là một quan chức chính thức, nhưng ngài đã mua quyền được thu thuế. Chức vụ thu thuế không được người Do Thái kính nể, thậm chí còn bị nhiều người khinh bỉ. Tuy nhiên, đó lại là một chức vụ rất hấp dẫn, vì đem lại của cải giàu sang. Người thu thuế dường như có địa vị cao trong xã hội, vì khi Matthêu khoản đãi Chúa Giêsu trong nhà, có rất đông người thu thuế và những người khác đến đồng bàn.
Chúa kêu gọi Matthêu làm môn đệ khi Người đi ngang qua bàn thu thuế của ông. Matthêu đã chỗi dậy và đi theo Người. Sự đáp ứng của Matthêu rất mau mắn và quảng đại. Có lẽ ngài đã nhiều lần được gặp Thầy Chí Thánh, và chỉ chờ đợi cơ hội quan trọng này mà thôi. Ngài đã không chần chừ trong việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tại sao Người lại tuyển chọn Matthêu, và cũng chỉ một mình thánh nhân mới có thể cho chúng ta biết ngài đã nhận thấy điểm gì nơi Chúa Giêsu đến nỗi đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, Chúng ta thấy vì sự vâng phục mau mắn và trọn vẹn mà Matthêu đã tức khắc từ bỏ tất cả tài sản thế gian để đi theo Chúa khi được kêu mời đúng lúc.
Ngày hôm nay, một lần nữa chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi hãy nghe tiếng Chúa và đi theo tiếng Chúa gọi: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một”.
Chúng ta soi chiếu trang Tin Mừng hôm nay vào mạch văn trong chương 10 của Thánh Sử Gioan: Chúa Giêsu mạc khải chính mình là “mục tử nhân lành” cho đàn chiên cũng như Đức Giavê xưa đối với Dân Ítrael. Chúa Giêsu lúc đó đang “đi đi lại lại” trong Đền Thờ ở Giêrusalem, tại hành lang Salomôn, vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ. Người Do Thái vây quanh Chúa Giêsu và chất vấn Ngài: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu Ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”. (Ga 10,24).
Đáp lại, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi” (Ga 10,25-26). Quả thực, những người Do Thái là Dân Chúa đã tuyển chọn, chẳng những đã không tin, mà họ còn “lấy đá ném Ngài“ vì cho rằng Chúa Giêsu nói phạm thượng: “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).
Như vậy, tâm tình cốt lõi của mạc khải của trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chính là việc Chúa Giêsu muốn mạc khải Chúa Cha và tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa. Chúa Cha là Đấng trao ban đoàn chiên cho Chúa Con. Hình ảnh mục tử hướng dẫn đoàn chiên bắt rễ sâu trong kinh nghiệm “dân du mục Aram” trong Cựu Ước: mục tử vừa là thủ lãnh vừa là bạn đồng hành của đoàn chiên. Đức Chúa Giavê bảo vệ đoàn chiên với quyền phép và tình thương để không ai có thể cướp chiên ra khỏi tay Ngài. Đó là lịch sử cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cũng cho thấy mối liên hệ vô cùng mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha: “Tôi và Chúa Cha là một”, hiệp nhất trong bản tính, trong uy quyền, trong hành động. Cũng vì lời mạc khải này mà Chúa Giêsu không những bị dân Do Thái ném đá, cho là “phạm thượng”, mà sau này còn đóng đinh Ngài trên thập giá.
Dần dần, qua mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta nhận biết Chúa Cha chính là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch tình yêu… và Đức Kitô chính là Đấng Messia. Đức Chúa Giavê trao phó cho các tôi tớ ngài là các Tổ Phụ, các Quan Án, các Ngôn Sứ, các Vua Chúa… thay quyền Chúa chăn dắt Dân Chúa. Nhưng những chủ chăn Ítrael đã tỏ ra bất tài, bất trung với sứ mệnh của họ, bỏ bê đàn chiên, chỉ lo danh lợi dục cho mình, phản loạn không tuân giữ Giao Ước với Thiên Chúa. Nên, vào thời của Tân Ước, Đức Chúa Giavê trao phó đoàn chiên cho Đấng Messia, Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi.
Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Kitô đã mạc khải Ngài là vị Chủ Chăn nhân lành, Đấng Trung Gian độc nhất, là “cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7) và “gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). Đức Kitô trao ban chính mình cho đoàn chiên với tư cách là “Chúa chiên nhân lành”: Ngài không những biết từng con chiên, dẫn chiên đi vào “đồng cỏ xanh tươi”, luôn đi đầu đàn, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn chiên khỏi nanh vuốt sói dữ, mà còn hy sinh mạng sống mình cho từng con chiên (Ga 10,15.17). Một cuộc sống mới và một mối liên hệ mới được vĩnh viễn thiết lập: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.
Chúa Giêsu Kitô đến bên từng người chúng ta – cho dù chúng ta đang sống trong độ tuổi hoặc hoàn cảnh nào – và ánh nhìn của Chúa tiếp xúc với ánh mắt chúng ta một cách cá biệt. Người mời gọi chúng ta bước theo. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa để chúng ta lại giữa trần gian, công việc, và gia đình. Hãy suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần đã phán, và hãy để bạn biết sợ hãi và tri ân: ‘Elegit nos ante mundi constitutionem’ – Người đã tuyển chọn chúng ta trước khi tạo dựng thế gian, ‘ut essemus sancta, in conspectu eius!’ – để chúng ta nên thánh thiện trước mặt Người.
Thiên Chúa đã nói với chúng ta nhiều lần và bằng nhiều cách thế khác nhau. Ngài nói với chúng ta qua Kinh Thánh, Ngài cũng nói với chúng ta qua Giáo Hội, những lời giảng dạy của Đức Thánh Cha, các giám mục và linh mục, những người có bổn phận săn sóc và dạy dỗ chúng ta. Thiên Chúa cũng nói với chúng ta qua tha nhân và qua những dấu chỉ của thời đại cùng những sự vật và hiện tượng đang diễn tiến trong dòng lịch sử. Và Thiên Chúa cũng thực sự nói với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Sống trong tương quan thân tình với Ngài, đó là lý do chúng ta phải chuyên cần cầu nguyện trong hoàn cảnh, mọi nơi và mọi lúc để học biết được điều Thiên Chúa đã nói với mỗi người chúng ta.
Chuyện quan trọng là chúng ta có lắng nghe tiếng Chúa gọi hay không mà thôi.
Lắng nghe trước hết là đón nhận được thánh ý Thiên Chúa, rồi thể hiện ra bằng cuộc sống thường nhật của chúng ta. Thánh ý Thiên Chúa khi đó sẽ điều khiển tư tưởng, ý nghĩ, tâm hồn, lời nói và hành động của chúng ta để chúng ta trở thành những người bạn tốt của anh chị em.
Lắng nghe tiếng Chúa là yêu thương. Tất cả những ai lắng nghe Chúa Giêsu đều là những người đã được đào luyện trong tình yêu. Lắng nghe là yêu thương. Tuy cũng đã cật vấn Chúa Giêsu khi Ngài thân thưa với Chúa Cha: “Làm sao con có thể cho đi chính mình con một cách quảng đại trong tình yêu nhờ đó ý Cha được hoàn trọn trong cuộc sống của con?”
Như thế, lắng nghe cũng là một dạng thức của tình yêu bác ái, tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu đó cũng chính là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu. Yêu Chúa trọn vẹn và yêu như Chúa yêu, để trở nên món quà đáng yêu đối với Chúa và với mọi người. Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta một lý tưởng cao đẹp như thế nên tất cả những gì chúng ta phải làm là gì nếu không phải là tin tưởng vào Ngài, lắng nghe Ngài và tình yêu Ngài. Chúng ta cũng chẳng còn sợ điều chi bởi vì Chúa luôn yêu thương chúng ta. Chúng ta tin rằng chỉ có một con đường dẫn đến tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và với tạo vật là lắng nghe Thiên Chúa và mến yêu Ngài. Mong rằng lắng nghe tiếng Chúa là khát vọng nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế.
19. Người Mục Tử – Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)
Người chăn dắt Israel, là một thuật ngữ quen dùng trong văn hoá người Do Thái, biểu tượng là người gìn giữ hoà bình, người của cõi thiêng mà đến.
Trong ngôn ngữ biểu tượng người chăn dắt là người đã từng trải bằng những kinh nghiệm của mình, người trực giác nhìn thấy phía trước, dự đoán được tương lai gần những điều sắp đến. Người chăn dẫn cũng là người biết canh chừng, theo chức năng đó người chăn dắt luôn trau dồi thêm những tình huống cảnh giác. Người chăn dắt có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đoàn chiên của mình, anh ta là người biết nhìn trời, dự đoán qua trăng sao, tai lắng nghe và phân biệt được tiếng thú dữ và tiếng chiên lạc đàn thuộc bầy của minh. Chính anh ta là người không có chỗ dừng chân, không có một nơi gối đầu định cư, số phận anh ta tuỳ thuộc vào số phận của đoàn chiên. Đối với đoàn chiên, anh ta là đôi mắt là sự am hiểu thay cho đàn chiên, biết từng con chiên và bảo vệ từng con chiên trong đàn.
Sứ vụ của người chăn chiên đòi hỏi phải là người khôn ngoan, hiền hậu, có trái tim nhân từ thương cảm. Con chiên nào đau bệnh, anh chữa trị, con nào lạc lối, anh tìm đưa về, con nào bước đi yếu ớt, anh cõng trên vai. Những con chiên khoẻ mạnh anh ta vỗ về… Từ những hình ảnh nhân hậu đó, người chăn chiên còn là biểu tượng của sự bình an cho đàn chiên. Người ta muốn bắt chiên, trước hết phải giết hại người chủ chiên.
Theo truyền thống Do Thái Cain đại diện cho người theo văn hoá du mục, Abel đại diện cho nền văn hoá định cư. Người định cư rất quý mến người du mục, và thường ân cần tiếp đón họ. Theo khía cạnh nhìn của người định cư, người chăn chiên là người không thuộc về đất, người chăn chiên có một giá trị thiêng liêng và cao quý.
Nền văn minh Assyrie và Babylone, biểu tượng người chăn chiên gắn liền với ý nghĩa vũ trụ. Danh hiệu người chăn chiên được gán cho thần mặt trăng Tammuz, là người chăn dắt các tinh tú, vị thần của thực vật, chết đi và sống lại. Theo chu kỳ mặt trăng tuần tự sinh ra và rồi mất đi, cũng một chu kỳ liên tiếp được làm đi lập lại mỗi khi chiều về, buổi tối ập đến, người chăn cừu lại lùa đàn chiên vào nơi gìn giữ và sáng mai lại thả ra. Người chăn dắt trong đêm ngủ mê của đoàn chiên vẫn là người lắng nghe, người cầu nguyện cho sự an toàn của đàn chiên. Với hình ảnh đó, người chăn chiên là người trung gian giữa Đấng Tối Cao và thọ tạo.
Người mục tử hôm nay là những nhà lãnh đạo, những nhà doanh nghiệp, những vị lãnh đạo công ty, xí nghiệp. Với đôi mắt tinh tường nhìn về phía trước, dự báo được những gì trong tương lai, chuẩn bị cho những con người dưới quyền đủ khả năng chống đỡ vượt qua thử thách. Những nhà lãnh đạo biết lo cho những người thuộc quyền cũng như cho dân được ấm no hạnh phúc. Bình an của đàn chiên là niềm vui cho người mục tử. Nhà lãnh đạo không những chỉ sáng suốt mà còn là người chăm lo hạnh phúc cho đàn chiên, là người quy tụ chứ không phải để gây chia rẽ chống đối, là người vì đàn chiên của mình mà hy sinh hạnh phúc cá nhân chứ không phải là người chỉ biết xen lông, giết thịt những con chiên béo, thu lợi nhuận từ đàn chiên để làm giàu cho cá nhân người mục tử. Người mục tử có những đức tính cần thiết và cần có cả đời sống cầu nguyện, vì người mục tử là người nối trời với đất, người lãnh trách nhiệm tinh thần cho đàn chiên của mình, vừa thăng hoa đời sống bằng vật chất vừa làm no thoả đời sống tinh thần cho đoàn chiên, bảo đảm cho đoàn chiên một tương lai chắc chắn. Người mục tử nếu là người không tín ngưỡng, không niềm tin tôn giáo là nhưng nhà lãnh đạo thiếu sót trong bổn phận của mình và có thể làm thiệt hại cho đoàn chiên.
Người mục tử cũng là các gia trưởng trong gia đình, người quy tụ đoàn con của mình chứ không là người gây chia rẽ. Người đảm bảo cho mọi thành viên trong gia đình có những nhu cầu thiết yếu để ăn học và trưởng thành về các đức tính cũng như niềm tin. Nhiệm vụ người gia trưởng xem ra khá nặng nề, chính vì vậy, họ cũng cần có đời sống cấu nguyện để được thêm sức mạnh gánh vác việc đời và gia đình. Các thành viên trong gia đình là những gì Thiên Chúa trao cho để thi hành sứ mạng hướng dẫn của người mục tử.
Người mục tử là những người cai quản các cộng đoàn cần gắn bó với vị mục tử nhân lành là Chúa Giêsu, bởi vì sứ vụ lãnh nhận từ nơi Chúa Giêsu. Cộng đoàn được trao phó để người mục tử hướng cộng đoàn đó thực thi ý định yêu thương của Thiên Chúa. Người mục tử này đóng vai trò quan trọng để xây dựng cộng đoàn mình lãnh nhận được hiệp nhất, nơi chia sẻ tình thương, sống trong bác ái và làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh.
Xin ban cho chúng con những người mục tử như Ý Chúa.
20. Hạnh phúc là đây
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp chúng khỏi tay tôi”.
Một em bé chín tuổi nhận định về bà ngoại của mình như sau:
Bà ngoại là bà cụ không có em bé nên bà thích chăm sóc những em bé nhà hàng xóm. Bà ngoại già nên không chơi “hết ga” được, bà chỉ loanh quanh con ngựa gỗ, nhưng bà có nhiều xu lẽ lắm.
Bà ngoại thường béo tròn, nhưng bà vẫn cột được giây giày cho trẻ con. Bà chẳng khôn lanh mấy…chỉ biết trả lời những câu hỏi như: Tại sao chó ghét mèo, hoặc tại sao khi Chúa đến thì không được làm đám cưới nữa. Bà ngoại nói rất sõi, không bị ngọng. Lúc đọc truyện cho tụi cháu, bà không bỏ chữ, và không đọc một câu truyện tới hai lần. Ai cũng nên cố gắng có một bà ngoại, nhất là những người không có TV. Bởi vì bà ngoại là người lớn duy nhất dành hết thời giờ cho con nít.
Bà ngoại… tuyệt vời như vậy thôi chứ con đòi gì nữa?
Chúa nhật IV phục sinh là Chúa nhật dành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Phụng vụ lời Chúa trong ngày này thường trình bày một Đức Giêsu như mục tử tận tình chăm sóc đoàn chiên của mình. Ngài tìm cho chiên những đồng có tốt, những suối nước trong. Ngài bão vệ chiên khỏi những nguy hiểm của kẻ thù. Lũ chiên con Ngài ẩm trong lòng. Bầy chiên mẹ thì tận tình chăn dắt. Con nào bệnh thì ngài băng bó. Con nào lạc thì tìm kiếm đưa về. Chiên của Ngài thì an toàn và không phải lo lắng vì đã có Ngài nâng đỡ và chăm lo mọi sự.
Hình ảnh con chiên được chăm sóc nơi trần gian cho chúng ta một hy cọng về một đoàn chiên được hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng với chủ chăn của mình. Sách khải huyền đã minh xác nhận điều ấy. “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì con Chiên ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,16 -17). Đó là hình ảnh của một đoàn người đã chiến thắng, đã vượt qua đau khổ, đã giặt áo mình trong máu con chiên.
Đức Giêsu không chỉ như mục tử trần gian chăm sóc phần thể xác nhưng còn là mộ Đức Chúa coi sóc cả phần linh hồn. Một Chủ Chăn hoàn hảo đến mức khi chiên của mình không may rơi vào chỗ khó khăn. Ngài đã ra tay cứu chữa và con hơn thế nữa Ngài đã hiến thân mình làm giá đền thay cho lỗi lầm của đoàn chiên, là chúng ta. Đức Giêsu còn là Con Chiên. Chính Ngài đã trở nên của ăn cho chính đàn chiên của mình. Ngài đã chết để chúng ta khỏi chết, Ngài đã phục sinh để chúng được sống. Và Ngài đã để lại vị trí chăn dắt đoàn chiên đó cho các tông đồ, các giám mục và linh mục.
Người lớn không cần bà ngoại. Chiên trưởng thành không cần chủ chăn. Thiếu người chăn dắt thì chiên vẫn sống, không có bà ngoại thì người lớn cũng lớn. Đúng rồi. Bà ngoại đâu có thể làm gì khác hơn là chơi với con nít, nhưng nếu một ngày không còn bà ngoại nữa thì không chỉ có con nít buồn. Một ngày không có chủ chăn thì chiên sẽ bơ vơ và đối mặt với nguy hiềm nhiều hơn. Bà ngoại vẫn ở đó, chủ chăn vẫn âm làm cái công việc chăm nom của mình, còn bạn có cần những người ấy không thì chỉ có bạn biết mà thôi.
Lạy Chúa, giữa thế sự nhiều tiến triển như hôm nay chúng con vẫn cần những chủ chăn tốt để được ngài cho nghỉ ngơi và bổ sức. Giữa cuộc trần đầy tội lỗi, khó khăn như hiện tại đây chúng con vẫn cần chững chủ chăn thánh thiện để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa và để kéo trần gian trở lại hoà bình, yêu thương. Xin Chúa cho có thêm nhiều người trẻ sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đoàn chiên Chúa bằng một tình yêu trong sáng, thánh thiện.
21. Hoà hợp tiền định – Achille Degeest
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Đang là mùa đông, người ta mừng lễ Cung hiến ở Giêrusalem. Đức Giêsu đi lại trong Đền Thờ. Một nhóm người Do Thái vây quanh, và yêu cầu Chúa nói trắng ra về thân thế Người. Người có đúng là Đấng Mêsia không? Thật vậy, Thày đã công nhiên nói xa xôi cho người ta hiểu Thày chính là Đấng Mêsia. Có những người đơn sơ, không rắc rối, có thiện chí, đã hiểu được về bí mật thân thế Chúa và tin vào Chúa, chẳng hạn người phụ nữ Samaria và kẻ mù bẩm sinh. Người ta cảm thấy những kẻ chất vấn Chúa nhiều phần thắc mắc khó chịu về Chúa, hơn là sẵn lòng nghe Chúa với một tâm hồn cởi mở. Chúa muốn cho những kẻ nặng óc thành kiến phải bỡ ngợ. Chúa không theo lối suy diễn của họ. Vì lẽ họ cho rằng hệ thống suy diễn của mình không thể sai lầm, ông Giêsu này nhất định sẽ lộ hình tích, chính ông đưa ra một lời khai đúng cách, lúc đó họ sẽ có quyền ném đá ông. Đức Giêsu không do dự. Người đưa ra câu đáp trên hai bình diện: tâm tình thích hợp để dễ dàng tiếp nhận chân lý và Kinh Thánh với một giá trị không thể bác bỏ (Lời Chúa viện dẫn Kinh Thánh tiếp ngay sau đoạn Phúc Âm hôm nay). Hai câu hỏi được đặt ra;
1) Tại sao người Do Thái ngoan cố chối bỏ Đức Giêsu? Chúa bắt đầu bằng cách mời gọi họ thấy gì thì tin thế, bởi những việc Người làm nhân danh Cha Người đều làm chứng cho Ngài. Tuy nhiên Chúa nói tiếp ngay, nếu họ bác bỏ bằng chứng ấy, chính vì cớ tâm hồn họ không phù hợp với sứ điệp của Chúa. Họ đã nhất quyết lối xét đoán sự việc của họ là tốt. Thế mới con mắt người ta nhìn thực tại theo khuynh hướng của mình. Nếu thực tại không phù hợp với hệ thống suy diễn của mình, người ta cho rằng chính thực tại là sai. Nhận định này có giá trị sâu sắc đối hành vi tin. Để thực hiện một hành vi tin, trước hết con người phải chấp nhận để cho ân huệ chuẩn bị tâm hồn cách bí nhiệm. Nhưng nhận định này cũng có giá trị đối với phẩm chất của hành vi tin. Nhiều người tự nhận mình tin vào Đức Giêsu Kitô. Nhưng tin vào Đức Kitô nào? Dưới khía cạnh triết lý, xã hội, chính trị, v.v… nào? Luôn luôn chúng ta có lý để băn khoăn không biết con mắt chúng ta có đủ trong sáng không để nhìn Đức Giêsu Kitô?
2) Ý nghĩa câu: không ai giật chúng khỏi tay Ta được là gì? Câu đó có nghĩa: không một quyền năng ngoại giới nào có thể giật người Kitô hữu rời khỏi tay Đức Kitô. Sự trợ giúp của Chúa sẽ mạnh mẽ vô cùng để thắng những khó khăn ngoại giới. Tuy nhiên tại sao có những vụ bất trung bất nghĩa, có cả những vụ bỏ đạo chối Chúa nữa? Sở dĩ như vậy vì quyền năng vô biên của Chúa tuyệt đối tôn trọng tự do tư tưởng của con người. Khi một Kitô hữu xa lìa Chúa, không phải vì Chúa bỏ kẻ ấy, mà chính vì kẻ ấy bỏ Chúa. Cả trong trường hợp đó, Chúa Kitô không rút lại niềm thương yêu của Chúa. Chúng ta hạy nhớ dụ ngôn cho chiên lạc. Tới đây chúng ta đối diện với một vực thẳm bí nhiệm thứ hai. Không những tâm hồn có thể từ chối phù hợp với hành vi tin, mà còn có thể huỷ diệt niềm tin của mình sau khi đã dâng hiến. Chúng ta không được choáng váng trước bí nhiệm ấy, mà phải tăng cường cảnh giác trong niềm trung tín. Nói đơn giản hơn, chúng ta hãy tin chắc rằng, đáp ứng thiện chí hằng ngày của chúng ta, Chúa nắm vững chúng ta trong tình yêu của Người.
22. Con chiên của Chúa Giêsu
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Anh chị em thân mến, chúng ta vẫn quen gọi các giám mục, các linh mục là các mục tử hay chủ chăn, và anh chị em giáo dân cũng vẫn quen nhận mình là “con chiên”. Kiểu nói nầy bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Ngay từ thời Cựu Ước, tiên tri Êzêkiel đã dùng hình ảnh đàn chiên và chủ chiên để báo trước rằng: chính Chúa sẽ đến chăn dắt dân Israel như mục tử chăn dắt đàn chiên, thay thế hết các người lãnh đạo dân từ trước đến nay. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã xưng mình là mục tử và là mục tử tốt lành, đích thực, khác với những kẻ chăn thuê, những mục tử giả.
Tin Mừng hôm nay vắn tắt có bốn câu nói về “con chiên” nhiều hơn là chủ chiên, tức là nói về “người giáo dân” hơn là hàng giáo sĩ. Người giáo dân là con chiên của Chúa Giêsu, là người biết “nghe tiếng Chúa”, dám “bước theo Chúa” để không bao giờ phải hư mất, nhưng “được sống đời đời”.
Trước đây, anh chị em có nghe nói mình là “con chiên của các cha” thì lấy làm thường tình, chẳng thắc mắc gì. Nhưng ngày nay, hình ảnh con chiên dễ làm cho người ta hiểu lầm và mặc cảm cho là hạ phẩm giá con người giáo dân – người ta là con người mà coi như con vật – coi giáo dân còn ấu trĩ và thụ động trong Giáo Hội.
Cách đây mấy chục năm, Đức Hồng Y Gasquet trong một cuốn sách nói về người giáo dân, có kể câu chuyện như sau: Một người sắp theo đạo hỏi linh mục về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội như thế nào? Linh mục trả lời: “Giáo dân có hai vai trò: một là quỳ gối trước bàn thờ, hai là ngồi quay mặt về tòa giảng”. Và Đức Hồng Y Gasquet hóm hỉnh viết thêm: “Người ta quên mất một vai trò thứ ba, đó là móc ví tiền ra”.
Câu chuyện trên phản ảnh một quan niệm lệch lạc về địa vị giáo dân. Vai trò của người giáo dân bị giản lược vào mấy việc: xem lễ, nghe giảng và góp tiền vào nhà thờ! Ngày nay, Công Đồng Vatican II đã quan niệm Giáo Hội trước tiên là “Cộng đồng Dân Chúa”. Giáo Hội trước hết là giáo dân chứ không phải Giáo hoàng, Giám mục hay Linh mục. Ngày nay, giáo dân phải đứng hàng đầu trong Giáo Hội. Nói như thế không có nghĩa là giáo dân điều khiển tất cả, nhưng có nghĩa là giáo dân phải lãnh phần trách nhiệm sống đạo chủ động của mình, như những người trưởng thành giữa xã hội ngày nay.
Sống đạo trong xã hội “dân chủ tập thể” hôm nay dĩ nhiên giáo dân vẫn phải là những “con chiên” của Chúa, hiền lành yêu thương, đừng hung bạo ác ôn, nhưng cũng phải từ bỏ thái độ ấu trĩ, vô trách nhiệm và thụ động. Chúng ta muốn làm những con người tín hữu đứng hàng đầu, những con người có tinh thần trách nhiệm, dám nhận lãnh sứ mạng, dám sống bổn phận của mình cách chủ động. Với điều kiện đó, chúng ta mới “nghe tiếng Chúa” và “bước theo Chúa” cách đúng đắn và phù hợp với những đòi hỏi của xã hội ngày nay. “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Chúng theo Ta, và Ta ban cho chúng sự sống đời đời. Không ai giựt chúng khỏi tay Ta được”. Nghe tiếng Chúa là tin nhận Lời của Chúa và bước theo Chúa là dấn thân sống Lời Chúa một cách tự do và chủ động. Nghe và theo Chúa là sống gắn bó thiết thân với Chúa. Bởi vậy, nghe và theo Chúa Kitô tức là bước vào cuộc sống bất diệt ngay từ đời nầy.
Tiếng Chúa hôm nay đang vang lên từ quả tim của từng con người nghèo khổ, bị áp bức, bị bóc lột. Tiếng Chúa hôm nay là tiếng kêu của đồng bào, của cả đất nước, của cả xã hội loài người đang cần nhau để sống, để có cơm ăn áo mặc đầy đủ, để tạo được hạnh phúc chung. Tiếng Chúa đang vang dội từng ngày, từng giờ mời gọi thúc bách chúng ta xung phong đi đầu, dấn thân theo Chúa trên mọi nẻo đường yêu thương, phục vụ, hy sinh. Yêu thương, phục vụ đến chỗ không còn tìm kiếm gì cho riêng mình, không giữ lấy gì cho riêng mình và đến chỗ dám liều chết cho anh em được sống, như chủ chiên dám liều mạng sống vì đàn chiên.
Làm con chiên nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa là như thế. Làm người có đạo hôm nay dám sống đạo thật là như thế. Nghe tiếng Chúa và dám bước theo Chúa trong xã hội chúng ta hôm nay phải như thế, và như thế nhất định chúng ta sẽ được sống đời đời, không một sức lực nào có thể cướp giựt chúng ta khỏi tay Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật hôm nay với chủ đề mục tử và đàn chiên được Giáo Hội chọn làm Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi Giáo sĩ và Tu sĩ. Giáo Hội đang thiếu các mục tử và nhất là các mục tử tốt lành. Tiếng báo động nầy đang vang đến tai chúng ta hôm nay ở nơi nầy, trên đất nước chúng ta. Hiệp ý với toàn thể Giáo Hội hoàn cầu, chúng ta hãy cầu xin cho giới trẻ biết lắng nghe tiếng gọi của Chúa và nhất là có đủ can đảm để bước theo tiếng gọi đó bằng cuộc sống dâng hiến trọn vẹn cho Chúa để phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, cô đơn, già yếu…
Sự hy sinh hầu như tuổi trẻ có thừa, nhưng cần rất nhiều yếu tố xã hội góp phần để tuổi trẻ thực hiện quyết định hy sinh quảng đại của mình: cha mẹ, gia đình, và giáo xứ có đóng góp phần đào tạo ơn gọi thì ơn gọi mới nẩy nở và mới được bảo đảm. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu đã viết: “Tôi nói với bậc cha mẹ, dựa vào lòng tin, rằng họ có thể nếm hưởng niềm vui của ân sủng sẽ vào nhà họ, khi một con trai hay con gái của họ được Chúa gọi để phục vụ Ngài… Đặc biệt, tôi hướng về giới trẻ của thời nay và tôi nói với họ: Hãy để cho Đấng Vĩnh Cửu quyến rũ các bạn, và tôi lập lại lời Ngôn sứ Giêrêmia (20,7): “Ngài đã làm cho tôi say mê, lạy Chúa… Ngài đã chinh phục tôi và Ngài đã mạnh hơn tôi”… “Hãy để Đức Kitô quyến rũ bạn. Hãy để gương Ngài lôi cuốn các bạn. Hãy để tình yêu của Thánh Thần yêu mến các bạn… Hãy say mê Đức Kitô để sống cuộc đời của Ngài, hầu nhân loại có sự sống trong ánh sáng Tin Mừng…”. Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh: “Thời đại chúng ta sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu sự hiện diện của những cuộc đời dâng hiến cho tình yêu trở nên khan hiếm. Xã hội chúng ta sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu không được thúc đẩy để ngước nhìn lên nơi có những niềm vui chân thật! Giáo Hội chúng ta cũng sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu thiếu những gì biểu lộ một cách cụ thể và mạnh mẽ tính thời sự vĩnh cửu của việc dâng hiến cuộc đời vì Nước Trời”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha giao phó giới trẻ cho Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt các thanh thiếu niên đã được gọi bước theo Chúa Giêsu. Mẹ biết rõ tất cả những khó khăn, chiến đấu và trở ngại các bạn trẻ phải trải qua. Xin Mẹ giúp các bạn trẻ biết nói lên câu: “Xin Vâng” đáp trả tiếng gọi của Chúa, như Mẹ đã thưa khi được Sứ thần truyền tin.
23. Bản sắc của một cộng đoàn Kitô giáo
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)
Mỗi thời đại và mỗi sắc dân có những hình ảnh tượng trưng riêng. Mỗi nhà văn hay mỗi vị giảng thuyết là đứa con của thời đại và của dân tộc mình đang sống, vì thế trong văn chương và trong ngôn từ của họ, họ xử dụng chính hình ảnh đó. Do đó, để hiểu được ngôn từ và các bản văn của họ, chúng ta cần phải tìm hiểu các hình ảnh tượng trưng đó: Các hình ảnh đó muốn nói lên ý nghĩa gì? Những gì được dấu ẩn phía sau những hình ảnh đó?
Bởi vậy, nếu trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã nói đến hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, Người đã xử dụng chính những hình ảnh quen thuộc và thân thương đối với những khán thính giả của Người lúc bấy giờ ở các miền quê Pa-lét-ti-na, tương tự như cánh đồng lúa, con trâu hay chiếc cày đối với người Việt nam chúng ta. Ðây là những hình ảnh hoàn toàn tùy thuộc vào thời gian và không gian lúc bấy giờ. Nhưng nội dung các ý nghĩa mà Ðức Giêsu muốn trình bày qua các hình ảnh đó thì lại có giá trị vượt mọi biên giới của thời gian và không gian. Qua những hình ảnh đó thánh sử Gioan muốn nói lên bản sắc đích thực của cộng đoàn Kitô giao, tức sự hiệp nhất giữa Ðức Giêsu và cộng đoàn các tín hữu.
Thật vậy, trong khi đối chất với những người phê bình và những đối thủ của Người, Ðức Giêsu đã dùng tới hình ảnh người mục tử và đoàn vật, để nói lên tính chất gắn bó mật thiết giữa Người và các tín hữu, những “con chiên” thuộc về “đàn chiên” của Người và do Người chăn sóc. Một câu hỏi đã từng làm bận tâm vị thánh sử và cộng đoàn Kitô hữu là: Tại sao nhiều người Do-thái chối từ Ðức Giêsu và không tin nhận giáo lý của Người, mặc dù Người đã ngày đêm đi khắp mọi miền đất nước của họ để rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ cho họ, thương yêu và chữa lành mọi bệnh tật cho họ, cũng như Người đã không ngần ngại làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi sống họ? Thánh sử Gioan chỉ tìm thấy một câu trả lời duy nhất, là: Bởi vì họ không muốn! Bởi vì họ không chịu thoát ra khỏi cái bóng đen của chính mình và không chịu tin vào lời rao giảng và các việc làm của Người, những việc làm đã mặc khải cho họ biết Người là Ðấng nào.
Ðối với những người Do-thái đã từ chối không muốn tin nhận Người, Ðức Giêsu đã trình bày cho họ thấy được thái độ của các con chiên của Người: Chúng luôn biết nghe và đón nhận tiếng Người, nghĩa là chúng tin vào Người. Dĩ nhiên đức tin chân chính và sâu xa không dừng lại nơi sự tuyên xưng bằng môi miệng suông mà thôi, nhưng nó được chứng mình qua thái độ sống cụ thể: Luôn sẵn sàng cùng Ðức Kitô đồng hành trên con đường của Người!
Nhưng đức tin đó không hề là con đường một chiều thuộc về phía người tin, nhưng nó kiến tạo một tương quan hoàn toàn mới mẻ giữa Ðức Giêsu và các tín hữu của Người: Người lo lắng chăm sóc họ, Người biết rõ họ, Người tin tưởng họ và gắn bó mật thiết với họ. Người ban cho họ cuộc sống hạnh phúc trên nơi vĩnh cửu. Và những gì Người ban, Người cũng che chở bảo vệ như thể một kho báu vậy!
Ở đây, Ðức Giêsu hoàn toàn phó thác mọi sự nơi Cha Người, Ðấng ở trên Trời. Người và Chúa Cha là một! Do đó, tất cả những gì Ðức Giêsu nói và hành động, Người đều nói và hành động với uy quyền của Thiên Chúa Cha! Ðiều đó càng làm cho những lời rao giảng của Ðức Giêsu mang một giá trị tuyệt đối. Vì thế ai tin nhận Người, thì có thể chắc chắn được rằng mình cũng được chính Thiên Chúa công nhận và chấp nhận. Ngược lại, ai chối từ Ðức Giêsu, thì đương nhiên cũng “nói không” cùng chính Thiên Chúa. Như thế, vấn đề được đặt ra ở đây là sự cứu rỗi hay sự bất hạnh, sự sống hay sự tiêu diệt. Ðó là quan điểm của thánh sử Gioan về cộng đoàn Kitô giáo.
Vậy, ngày nay dựa theo quan điểm đó chúng ta có nhận thấy mình là cộng đoàn Kitô hữu nữa hay không?
Ðức tin không phải là con đường một chiều. Ðức tin tạo nên sự thông hiệp với Ðức Kitô và với nhau. Phải chăng điều đó cũng là một thực tại trong cộng đoàn Ðức Kitô nơi chúng ta đang sống? Phải chăng trong giáo xứ chúng ta thường đã mong đợi quá nhiều nơi những người khác, như nơi: Cha Quản Xứ, ban hành giáo xứ, các hội đoàn, các giáo lý viên, v.v…, nói tắt: nơi “những người có trách nhiệm”? Còn đâu là sự đóng góp và sự dấn thân của mỗi người trong chúng ta cho cộng đoàn? Chúng ta có sống đức tin của mình một cách đầy xác tín, hầu có thể trở nên nhân chứng cho Ðức Kitô giữa lòng đời hay không? Chúng ta có sống đức tin của mình sao cho người khác phải lưu ý và tìm hiểu tại sao chúng ta tin và chúng ta tin ai không?
Qua Phép Rửa và nhờ đức tin tất cả chúng ta thuộc về một đại gia đình, gia đình Ðức Kitô. Nhưng gia đình này chỉ có thể tồn tại được nhờ vào sự cùng đồng trách nhiệm, sự tha thứ và lòng yêu thương trọn vẹn. Vì như Chúa đã phán: “qua đó thế gian sẽ nhận biết rằng, các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35). Amen.
24. Chúa Nhật 4 Phục Sinh
Chúa nhật thứ IV Phục Sinh hôm nay được gọi là Chúa nhật Đấng Chăn Chiên nhân lành. Vì thế, Lời Chúa hôm nay đều xoay quanh chủ đề chính là mục tử và đoàn chiên. Mục tử, tức là người chăn chiên, là hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái. Vì vậy, suốt thời Cựu ước, hình ảnh người chăn chiên trở thành một biểu tượng phong phú và sống động nhất, được dùng để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Họ như một đoàn chiên riêng của Thiên Chúa, được Người nuôi nấng, chăn dắt, săn sóc một cách đặc biệt. Và bây giờ, Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh đó cho chính Ngài và đoàn chiên của Ngài là chúng ta. Chúng ta thấy Chúa dùng hai hình ảnh: người chăn chiên mướn và người chăn chiên tốt lành, để so sánh và diễn tả cho mọi người biết Ngài là người chăn chiên thật, là một mục tử tốt lành.
Thế nào là một mục tử tốt lành? Chúng ta có thể tóm tắt trong hai điều: đó là người mục tử biết các con chiên của mình và ân cần săn sóc chúng. Chúa Giêsu là một chủ chăn tốt lành vì Ngài có đầy đủ hai yếu tố đó. Chúa Giêsu là chủ chăn tốt lành của chúng ta vì Ngài biết chúng ta. Một người chăn chiên chuyên nghiệp biết số chiên trong bầy có bao nhiêu con. Biết từng con một, biết ngày sinh tháng đẻ, biết con nào tới đợt xén lông hay gây giống. Họ có tên gọi cho từng con, biết bệnh tật từng con để chữa trị: con nào hay bị lạnh, con nào làm biếng ăn, con nào hay đi tách ra khỏi bầy, con nào khó tính,… hơn nữa, có khi họ còn chụp hình, còn ghi sổ từng con mỗi năm và cân ký hàng tháng để coi con nào lên ký, con nào xuống ký. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh đó áp dụng cho Ngài như Ngài đã tuyên bố: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Thực vậy, Ngài biết từng con chiên, Ngài biết chúng ta là những con người, là những tín hữu, là những người có tính tình thế nào, tình trạng ra sao. Ngài biết chúng ta còn hơn chúng ta biết mình nữa. Ngài thấu suốt tư tưởng, ước mơ, lời nói, việc làm, dự định, khuynh hướng tốt xấu của chúng ta. Ngài biết rõ từng người: ai là con chiên tốt, trung thành, ngoan đạo, ai là con chiên ghẻ, lười biếng, khô khan, phản bội. Tóm lại, không ai có thể lẩn trốn khỏi mắt Chúa, bất cứ sự gì, dù thầm kín hay bí mật đến đâu, Chúa cũng biết hết. Để rồi từ đó, Chúa Giêsu trở nên một chủ chăn tốt lành đích thực của chúng ta, Ngài ân cần săn sóc cho chúng ta, Ngài hằng ở bên để săn sóc từng người chúng ta nữa, và Ngài còn là sự sống đời đời cho chúng ta nữa.
Chúa Giêsu nói mình là Mục Tử tốt lành và Chúa đã hành động xứng đáng với tước vị đó, thì đoàn chiên cũng phải biết đối xử sao cho xứng đáng. Một con vật như con chiên không có lý trí còn biết bổn phận mình với chủ chăn, thì chúng ta, chúng ta có linh tính, thì chúng ta càng phải đền đáp sao cho xứng với tình ưu ái của Chúa chiên vô cùng nhân hậu ấy. Vậy bổn phận của chúng ta là gì? Chúng ta phải suy tôn Chúa là chủ chăn chúng ta bằng lòng tin tưởng và yêu mến. Nhưng suy tôn không phải chỉ ngoài miệng mà phải suy tôn Chúa trong đời sống, trong công ăn việc làm, trong sự đối xử với người chung quanh, trong việc làm chứng nhân cho Chúa. Rồi chúng ta phải tín nhiệm vào Ngài, như con cái tín nhiệm cha mẹ, như bạn bè tin tưởng nhau, như người công nhân tín nhiệm vào nơi chổ mình lao động, thì chúng ta càng phải biết tín nhiệm vào Chúa nhiều hơn. Sau cùng, chúng ta phải biết lắng nghe Lời Chúa và sống theo Lời Chúa, đó là điều chắc chắn vị Chủ chiên sẽ hài lòng, bởi vì ai mà chẳng vui khi thấy người thuộc quyền mình biết vâng nghe theo lời của mình.
Tất cả những điều trên đây chúng ta đều biết cả, nhưng biết mà không đem ra thực hành thì thực là uổng công vô ích. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta không chối Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta hay quên Ngài. Giữ đạo Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta quá lo lắng đến tiền bạc, đến vật chất, đến nỗi chúng ta xao lãng các bổn phận thiêng liêng: không đi lễ, làm biếng rước lễ, không chịu đọc kinh hôm kinh mai cầu nguyện với Chúa; rồi cũng bao lần trong đời sống, do cách ăn ở, do cách cư xử của chúng ta thiếu công bình, thiếu bác ái, thiếu yêu thương, không làm chứng cho Chúa trước những người chung quanh… Chúng ta xin Chúa cho chúng ta can đảm sửa chữa những khuyết điểm, đó là cốt yếu của Lời Chúa dạy hôm nay, là sống tốt trong đoàn chiên của Chúa, cầu xin Chúa cho chúng ta cũng trở nên những con chiên ngoan, biết lắng nghe, vâng phục và cộng tác với Hội Thánh mà cụ thể là những vị chủ chăn của mình một cách tích cực, đầy tình thân ái trong Chúa Kitô.
Mặt khác, năm nay là Năm Thánh cầu nguyện cho các linh mục, là con chiên, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các vị Mục Tử của Chúa, sống hết mình vì đoàn chiên, chu toàn trách nhiệm trong tình yêu và lòng thành tín của Chúa Giêsu; Ngoài ra, hôm nay cũng là ngày Hội Thánh dành để cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu linh mục và tu sĩ. Ngày nay, có nhiều tâm hồn trẻ muốn dâng mình cho Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho Hội Thánh nhiều người trẻ quảng đại đáp trả lời mời gọi bước theo Chúa, dâng mình cho Chúa, hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ dân thánh Chúa. Là Cha mẹ trong gia đình, chúng ta hãy quảng đại dâng con cho Chúa, khuyên bảo và nhắc nhở cho con cháu mạnh dạn đi tu để làm Tông Đồ, làm sáng danh Chúa… Xin Chúa cho chúng con có những vị Mục Tử như lòng Chúa mong muốn.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên những con chiên ngoan tốt lành của Chúa. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam