Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 63
Tổng truy cập: 1379780
MỘT GÓA PHỤ ĐÃ CHỈ CHO CHÚNG TA CON ĐƯỜNG
Một góa phụ đã chỉ cho chúng ta con đường.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller).
Chúng ta có thể xem trên tivi một trong những thí nghiệm, người ta đặt đầy những đồng xu trên lề đường đông người rồi nhìn xem có ai bỏ chút thời giờ cúi nhặt nó không. Thường thường là không có một người nào, bởi vì một xu ngày hôm nay chả có giá trị gì.
Hai đồng bạc nhỏ trị giá một xu, đó là tất cả những gì mà bà góa trong Phúc Âm ngày hôm nay có và đóng góp vào trong Đền Thờ. Vào thời hiện tại, người đàn bà này chắc thì không trẻ, một góa phụ mảnh khảnh và thấp, đi như chạy qua những vùng lân cận với đôi giày vận động viên Nike. Bà ta thì giống với một bà già, nhỏ bé trên đôi giày Nike của hãng K-mart, có lẽ giống như một người không nhà hoặc một người đàn bà xấu xí, một người đáng tức cười và không được kính trọng trong xã hội của chúng ta.
Chúa Giêsu không hề lơ là với người đàn bà nhỏ bé trong Phúc Âm này. Ngài đã xúc động bởi cử chỉ của bà góa này. Người đã nhận ra được món quà giá trị mặc dù giá trị của nó chẳng bao nhiêu, chúng được chọn để góp phần vào xây dựng Đền Thờ, chính điều đó đã làm cho Người chú ý đặc biệt tới bà góa này. Hai đồng bạc nhỏ của bà thật đáng giá, trong đôi mắt cảu Chúa Giêsu bởi vì nó đã giới thiệu một sự quảng đại lạ lùng. Nó là tất cả những gì mà người đàn bà có để sống.
Tôi hy vọng rằng người đàn bà quảng đại này nghe thấy những gì mà Chúa Giêsu đã nói về bà. Nhiều người ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không nói trực tiếp với bà và ngợi khen bà về sự tốt lành của bà. Có lẽ, Chúa Giêsu đã nhìn thấy lòng của bà và nhận biết rằng ân sủng của Thiên Chúa nơi đàn bà này đã thấu hiểu được ý nghĩa gương mẫu trong sách các Vua mà chúng ta đọc trong bài đọc thứ nhất chúa nhật hôm nay. Góa phụ ở Zarephath đã được Thiên Chúa chúc phúc vì sự quảng đại của bà trong việc nuôi nấng tiên tri Êlia, mặc dù có nạn đói xảy ra trong vùng, bà và con trai bà có thể ăn suốt một năm từ hũ bột và bình dầu mà bà đã chia sẻ cho vị tiên tri của Thiên Chúa.
Chúng ta thường được kêu gọi hãy trở nên quảng đại. Một Thánh Lễ Công giáo có vẻ giống như là bất toàn nếu không chú ý tới một khía cạnh đặc biệt, là chúng ta cần phải giúp đỡ những người đang có những nhu cầu khác nhau. Bởi vì một số nhà lãnh đạo đã muốn mở ra nhiều cuộc trợ cấp để thay đổi những số phận, cần cho chúng ta trở nên từ thiện ngay cả khi bị bắt buộc nữa. Mỗi thành phố đều có những người không nhà, người đói, thật không dễ để bỏ đi những sự lười biếng hoặc vô trách nhiệm, nhưng một người Công giáo nhìn họ như là Đức Kitô đang cần giúp đỡ. Mọi người Công giáo phải chống lại sự phá thai, và duy trì sự sống, nhưng chúng ta cũng phải ra tay trợ giúp phụ nữ lỡ thời, phụ nữ trẻ mang thai có đám cưới hoặc không có đám cưới, để cho họ can đảm cho những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ có cơ hội để sinh ra.
Khi chúng ta quảng đại thì đó không phải là điều sai khi chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với Cha Ngài về những điều tốt lành chúng ta làm, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải giữ cho đôi mắt của mình gắn chặt vào Chúa Giêsu. Gương mẫu của Chúa Giêsu là tuôn đổ tình yêu quảng đại dành cho chúng ta mà Ngài đã ban cho chúng ta ở trên thánh giá, Ngài đã vươn mình ra thu góp hết mọi người trong hố sâu tội lỗi để kéo chúng ta đến với Ngài. Không một người nào là không có ý nghĩa đối với Ngài, giống như là một đồng xu của không hề có giá trị của bà góa Ngài đã đánh giá cao. Tất cả chúng ta đều quý giá trong đôi mắt Ngài.
Khi chúng ta đến tham dự Thánh Lễ, chúng ta cảm nghiệm được Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Ngài đã nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu Ngài. Bí tích Thánh Thể là một món quà lớn lao và vĩ đại hơn món quà được ban cho bà góa ở Zarephath như chính Chúa Giêsu thì lớn hơn Êlia.
Với món quà của bí tích Thánh Thể như là động cơ thúc đẩy và thêm sức mạnh cho chúng ta, để chúng ta có thể bắt đầu thực hiện sự quảng đại của bà già nhỏ bé, người góa phụ đã cho tất cả những gì mình có để sống.
36. Coi chừng hàng giả!
(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)
Theo một thống kê mới đây, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, 98% số hộ gia đình sử dụng nước mắm trong các bữa ăn. Tuy nhiên, rất ít người có thể phân biệt được nước mắm pha chế công nghiệp với sản phẩm được sản xuất theo cách truyền thống, do các chương trình quảng cáo, cũng như trên bao bì các sản phẩm, hầu như không thể hiện điều này.
Mặc dù xuất hiện sau, nhưng dòng sản phẩm nước mắm pha chế công nghiệp đang chiếm từ 60-70% thị phần trong nước. Các làng nghề nước mắm truyền thống đang phải vất vả cạnh tranh để tồn tại và ngày càng trở nên yếu thế.
Nước mắm pha chế công nghiệp là loại nước mắm không có vi sinh. Khi nước mắm không có vi sinh là nước mắm giả. Vì theo định nghĩa nước mắm là: Cá ướp với muối trong thùng gỗ, hay chum sành sau một thời gian, nhờ vi sinh kích thích lên men, cho ra một loại nước cốt (juice) gọi là nước mắm. Theo quy trình đặc biệt này, nước mắm là sản phẩm độc nhất vô nhị trên thế giới của Việt Nam. (SGTT)
Tuy nhiên hiện nay nước mắm pha chế công nghiệp đang lên ngôi, dù chẳng cần trang bị thùng chượp, hay chum vại, khiến cho nước mắn chánh hiệu Phan Thiết, Phú Quốc đang phải đối diện nguy cơ phá sản và bị xóa sổ ngay chính trên quê nhà.
Bài tường thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng tha thiết cảnh báo cái thiệt giả về lòng đạo đức. Hôm nay, cũng có thể Người sẽ cảnh báo: “Coi chừng hàng giả!”
Hàng giả lên ngôi
Tuy bề ngoài mẫu mã bắt mắt, quần áo à la mode, cũng tiếp thị phô trương rộng rãi, cũng được chào đón trang trọng, luôn xếp đầu bảng, luôn được thiên hạ ngưỡng mộ, nhưng trang bị toàn đổ giả từ trong đến ngoài, các vị kinh sư đã không thể dễ dàng lọt qua cặp mắt sắc sảo của Chúa Giêsu. Người phải cất tiếng cảnh báo mọi người phải coi chừng, kẻo bị lừa.
“Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.” (Mc 12, 38 -39)
Hàng giả, hàng gian, hàng nhái đó không những độc hại, nguy hiểm, mà còn nhẫn tâm vơ vét hầu bao, vốn đã lép kẹp, của người nghèo khó, bần cùng, Không những tham lam vô độ, mà còn chuộng thói giả hình đạo đức. “Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. (Mc 12, 38-40)
Hàng thật quý hiếm
Dẫu vậy, vẫn còn hàng thật quý hiếm khiêm tốn ẩn khuất đâu đó, cũng đang có nguy cơ biến mất trong cái xã hội đảo điên, chuộng đồ giả hơn đồ thiệt. Đó là người sống trung thành với Tin Mừng, nghèo khó, khiêm nhường, vâng phục, nhân ái, nhẫn nhục, tha thứ, hy sinh, tận hiến cho Chúa. Vì số lượng hạn chế, nên hàng thật càng trở nên quý hiếm!
“Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói:”Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”(Mc 12, 42-44)
Chúa Giêsu luôn lội ngược dòng đời, không a dua theo thói đời, không bao giờ chấp nhận trò ma mãnh, lọc lừa, dối gian, cũng không chịu khôn ngoan im lặng trước bất công, dù Người biết sẽ phải trả giá cho lời trung ngôn nghịch nhĩ, vì đã sẵn sàng hy sinh làm giá cứu chuộc con người.
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì Người không khen ngợi bà góa nghèo này, mà chính là ngậm ngùi, thương xót cho thân phận bọt bèo bị áp bức, bị bóc lột thậm tệ bới lớp người lãnh đạo, nhân danh bảo vệ Lề Luật. Các đấng bậc đã dạy bà phải “hy sinh hết mình” và đó là điều đáng tội nghiệp cho người nghèo khổ.
Thưởng phạt công minh
Không ngần ngại, Chúa Giêsu lên án đích đáng hàng giả.“Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. Một thái độ dứt khoát, không tính toán hơn thiệt, đúng theo sự thật và công lý.
Trong khi thiên hạ cứ mãi khún núm, kính nể những người khoác bên ngoài cái mã hào nhoáng, bóng bẩy, se sua lụa là, cao sang quyền quý, thì Chúa Giêsu lại phớt lờ họ, không hề tỏ ra gần gũi, hay trọng vọng, vì Người không xem xét hời hợt bên ngoài, mà nhìn thấu suốt tâm can, tình cảm, tư tưởng và hành động, đủ biết họ thế nào.
Ngược lại, Người đặc biệt quan tâm đến những thân phận bần cùng, cơ hàn, thất thế, bịnh hoạn, đui mù, câm điếc, què quặt, xoàng xĩnh, bị rẻ rúng, bị đẩy ra bên ngoài lề xã hội, như bà góa bụa này, như anh mù Batimê, như bà cụ loạn huyết kinh niên, người phung củi, người quỷ ám..
Chúa Giêsu lý giải minh bạch công đức của bà góa nghèo nàn. Vì bà đã dám từ bỏ hoàn toàn, dám hy sinh cả vốn liếng nhỏ nhoi nuôi thân, chứ không phải của cải dư thừa như người giàu có: “Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. (Mc 12, 44)
Người xác nhận việc công đức của bà góa có gía trị gấp ngàn, gấp vạn lần người dư giả:”Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.(Mc 12, 43)
Như vậy số lượng không thể so sánh với chất lượng, hình thức không thể sánh với nội dung. Những giá trị thế gian không thể sánh nổi giá trị thánh thiêng. Điều mà ngay người Kitô thời nay dễ quên, hay dễ lộng giả thành chân, dễ lẫn lộn giữa giá trị thế gian phù vân với giá trị Nước Trời viên mãn.
“Xin nước bà Samaritana, mượn lừa cỡi vào thành Giêrusalem, mượn thuyền ngồi giảng, mượn phòng lập Phép Thánh Thể, nhìn đồng tiền bà góa bỏ vào hòm cúng, chủ nhân đâu ngờ việc không đâu mà mình được hân hạnh đến thế!” (Đường Hy Vọng, số 825)
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống thật thà, không giả hình, và mở rộng lòng con để trao ban quên mình, không chút do dự tính toán, như Chúa Giêsu đã hy sinh cả mạng sống cứu chuộc loài người.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con đừng vội phán đoán người khác qua vẻ bên ngoài, mà biết nhìn vào tâm hồn tha nhân, để thông cảm, tha thứ, chia sẻ và giúp đỡ trong tình bác ái của Chúa Giêsu Kitô. Amen.
37. Đồng xu bà góa
(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)
Chúng ta hãy cho đi, hãy ban phát tình yêu chúng ta đã lãnh nhận cho những người xung quanh. Hãy cho đi, cho đến khi nó trở thành một việc hy sinh, vì tình yêu đích thực luôn đòi hỏi hy sinh. Đó là lý do vì sao các bạn phải yêu cho đến khi chính tình yêu đó làm các bạn đau khổ.
Các bạn hãy yêu với thời gian, với đôi bàn tay, với con tim của các bạn. Các bạn cần phải cho đi hết tất cả những gì các bạn có. Trước đây, đường rất hiếm ở Calcutta. Ngày kia, một cậu bé Ấn Độ, chừng bốn tuổi, cùng với bố mẹ, đem đến cho tôi một tách đường. Cậu bé nói: “Em đã nhịn đường trong ba ngày. Bà hãy lấy phần đường của em cho các em nhỏ của bà.” Cậu bé đã yêu đến độ phải hy sinh.
Lần khác, một người thanh niên đến nhà chúng tôi và nói: “Có một gia đình người Ấn với 3 đứa con, đã khá lâu họ không có gì ăn.” Tôi vớ ngay túi gạo dành nấu bữa tối, đi với người thanh niên tìm đến gia đình này. Tới nơi, tôi thấy ngay bóng dáng của thần chết hiện rõ trên khuôn mặt những đứa trẻ. Thân hình chúng chỉ còn da bọc xương. Tuy bị cơn đói hành hạ, người mẹ cầm lấy túi gạo chúng tôi đem đến, chia làm hai phần, ra khỏi nhà, đem theo một phần gạo.
Lúc trở về nhà, tôi hỏi bà: “Bà vừa đi đâu về? Bà đã làm gì?” Bà trả lời tôi: “Họ cũng rất đói.” Tôi hỏi: “Họ là ai?” Hình như đó là một gia đình Hồi giáo cùng 8 đứa con, đang sống bên kia đường. Bà ấy thừa biết họ cũng rất đói. Bà ấy biết, nên bà cho đi đến độ phải hy sinh. Đó là điều đánh động tôi. Một nghĩa cử quá cao đẹp phải không các bạn? Đó chính là tình yêu đang hành động. Người mẹ ấy đã chia sẻ cho người khác đến phải rướm máu trong lòng. Tối hôm đó, tôi đã không đem thêm gạo cho gia đình bà, vì tôi muốn họ cảm nghiệm được niềm vui của một tình yêu chia sẻ. Ước gì các bạn thấy được nét mặt của những đứa con bà! Chúng chỉ hiểu rất sơ sài những gì mẹ chúng đã làm, tuy nhiên nét mặt sáng lên trong nụ cười. Khi tôi đến trở lại, chúng trông vẫn rất đói và buồn. Nhưng mẹ chúng đã dạy cho chúng hiểu thế nào là yêu thương. Người nghèo khổ của chúng tôi đã là như vậy đó thưa các bạn. (Thiên Phúc biên dịch, Têrêsa Calcutta, Con Tim Tràn Đầy Yêu Thương)
Trong Tin Mừng Thánh Máccô trong Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy hành động dũng cảm của một bà góa làm công quả. Người ca ngợi bà đã dâng hai đồng tiền là một phần tư xu vào thùng công phúc. Chắc chắn hai đồng tiến bà góa giá trị không kém túi gạo bà mẹ kia chia sẻ cho láng giềng đồng cảnh ngộ, vì bà góa cho đi cả tấm lòng và cả mạng sống.
Cho đi cả tấm lòng
Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết.” Giữa những thầy kinh sư, thầy tư tế, thầy Biệt Phái giàu sụ, rủng rỉnh tiền bạc, xênh sang mũ áo, rổn rảng ném những đồng tiền vào thùng công quả, bỗng dưng xuất hiện một bà góa nghèo nàn, lôi thôi, lếch thếch, tiều tụy, rón rén bỏ vào thùng hai đồng kẽm, chỉ bằng một phần tư xu của đế quốc La Mã. Nếu Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ thấy, có lẽ chẳng ai kịp nhận ra bà góa gầy gò, nhỏ thó, thầm lặng đó.
Thiên Chúa luôn nhìn thấu suốt mọi sự, dù nhỏ bé, tầm thường, thô kệch, quê mùa, nhếch nhác, xác xơ, giữa những cái lớn lao, vĩ đại, hào nhoáng. Hơn nữa, Ngài còn rất quan tâm, ưu ái và yêu thương những thân phận bị quẳng ra bên ngoài lề xã hội, những kẻ nghèo nàn, côi cút, góa bụa, đau khổ, bệnh hoạn, tật nguyền,…
Đức Giêsu ca ngợi bà góa quảng đại dâng cúng, vì hai đồng tiền ít ỏi đó là cả một tài sản rất lớn so với thu nhập quá bèo của bà. Như thế bà góa đã cho đi với tất cả tấm lòng chân thành. Chẳng mảy may khoa trương, chẳng chút kiêu căng, chẳng háo danh, mà chỉ vì lòng mến Chúa, đóng góp hết sức vào xây dựng Nhà Chúa.
Mặt khác, bà góa đó còn phản ảnh phần nào chính dung mạo của Đấng Cứu Thế, như Thánh Phaolô đã xác quyết: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cr 8, 9). Đức Giêsu nhập thế đã từ bỏ vinh quang, để mặc lấy thân phận nghèo khó, thấp kém, xoàng xĩnh, bị từ chối, bị xua đuổi ngay từ khi còn chưa được sinh ra, rồi chịu đố kỵ, ganh ghét, miệt thị, còn bị vu oan cáo vạ đủ điều.
“Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Vì không phải của con, chính là của Chúa trao cho con sử dụng.” (Đường Hy Vọng, số 414)
Cho đi cả mạng sống
“Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình.” Đức Giêsu không chỉ thấy chân dung thảm thương, hành vi quảng đại của bà góa, mà còn thấu suốt cuộc đời khó khăn, chật vật, vất vả mưu sinh, chạy gạo từng ngày. Bà góa can đảm cho đi hai đồng xu, nhờ trung kiên đức Tin, nồng nàn đức Mến, dám cho đi ngay chén cơm, miếng bánh độ nhật, vì mãnh liệt đức Cậy. Như thế bà góa đã hoàn toàn phó thác vào Lòng Thương Xót vô bờ, vô tận của Chúa. Đấng không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người.
Mặc dù thiếu thốn, bà góa nghèo khổ vẫn thầm lặng hy sinh, sẵn lòng chịu đói khát để dâng lên Thiên Chúa của cải cần thiết để nuôi sống mình. Tấm gương bà góa hiến dâng dẫn dắt người Kitô hữu hướng đến cuộc hy tế vô cùng trọng đại: Đó là “Đức Giêsu đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn, dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”(Dt 9, 14)
“Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến: là Đấng ấy đã thí mạng mình vì ta. Và ta, ta cũng phải thí mạng mình vì anh em.” (1Ga 3,16) Con hỏi Cha: “Đâu là mức độ dấn thân?” Hãy làm như Chúa Giêsu: “Thí mạng.” (Đường Hy Vọng, số 612)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự nguyện từ bỏ Thiên Quốc xuống trần, trở nên tặng phẩm cho nhân loại, cho đi từ cuộc đời rao giảng đến cả cuộc sống, để cứu chuộc con người khỏi phải chết đời đời. Xin dạy chúng con noi gương Người, yêu thương tha nhân biết cho đi, biết dâng hiến cuộc đời cho Chúa và mọi người.
Mẹ Maria ơi, Mẹ đã tận hiến cả cuộc đời cho Chúa và tha nhân, xin hướng dẫn, chỉ dạy, nhắc nhủ chúng con luôn biết sống cho tha nhân, luôn chia sẻ từ vật chất đến tinh thần, luôn trao nụ cười cùng dấn thân phục vụ mọi người khốn khó chung quanh. Amen.
38. Suy niệm của Achille Degeest
NGƯỜI TA CHỈ HIẾN TẤT CẢ KHI NÀO HIẾN CHÍNH BẢN THÂN.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Đoạn Phúc Âm này là kết thúc một cuộc tranh luận dài giữa Chúa Giêsu và đám ký lục, biệt phái. Với mục đích giáo huấn môn đệ Chúa tố giác điều khiến những đối thủ của Ngừơi ra như mù lòa, và Chúa lấy ví dụ một chuyện nhỏ để giảng cho môn đệ biết lòng thành thật về tôn giáo là gì.
1) Những quyền lực làm cho mù lòa trước Phúc Âm là gì? Là chuộng hư danh, tham lam và giả đạo đức. Ba tật xấu đó, xét theo tâm lý chúng cấu kết với nhau. Ở căn bản, có một nhu cầu muốn tự đề cao trong con mắt kẻ khác, hơn là nhớ đến vị trí của mình trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn rõ tâm khảm bản thể con người; loài người chỉ nhìn thấy dáng vẻ bề ngoài. Người ta không thể đánh lừa Thiên Chúa, mà chỉ có thể đánh lừa kẻ khác. Nếu lơ là không nghĩ đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa, tất bị cám dỗ muốn tự suy tôn trước mặt tha nhân. Những ký lục và biệt phái ngả theo chước cám dỗ ấy và để được người đời trọng nể, họ làm ra vẻ đạo đức, thông thái hơn nữa.
Chúa tố giác rất mạnh việc đưa ra những hành vi đạo đức bề ngoài hòng thu nút sự nể vì của người đời. Tật xấu đó tuy mất dạng trong xã hội chúng ta, nhưng rễ nó vẫn sống dai. Ngày nay có một thái độ tân biệt phái cũng giả dối như thái độ biệt phái thời Phúc Âm. Thái độ giả hình lối mới này chủ trương tự cao bằng những kiểu cách khoa trương cho người khác thấy mình bắt kịp trào lưu, mình theo đúng thị hiếu, trong những lãnh vực liên quan đến học thuật tư tưởng tôn giáo, đến vấn đề thời trang và những dư luận hằng ngày. Đào sâu để cố hiểu thái độ ấy, thường chỉ bắt gặp sự rỗng tuếch, sự thiếu vắng một liên hệ sống động với Thiên Chúa, sự thiếu sót một độ lượng thiêng liêng đích thật. Như vậy người ta đứng trước những dáng vẻ chẳng che đậy một thực chất nào, chỉ thấy bộ mặt của sự giả nhân giả nghĩa.
2) Một ví dụ về lòng thành thật đạo đức sâu xa: đồng tiền bố thí của bà góa. Chúa lưu ý đến thái độ người giàu có bỏ vào quỹ đền thờ cái thăng dư của cải họ có, trong khi bà góa dâng tất cả số tiền cần thiết để sinh sống. Ta tự hỏi cái gì nấp sau sự khác biệt lớn giữa việc đem cho cái mình có và việc hiến dâng chính bản thân mình.
Đem cho cái mình có, là một điều tốt. Tuy vậy cũng cần nhớ rằng phải cho cách thanh khiết. Kẻ giàu nào ném một cách khoa trương hàng nắm tiền vào quỹ đền thờ, kẻ ấy muốn thu hút sự trầm trồ khen ngợi của công chúng. Đó là lối cư xử của kẻ giàu mà xấu. Cũng có những người giàu rộng tay làm phúc trong âm thầm lặng lẽ. Và nếu trong Phúc Âm không thấy những từ ngữ ‘kẻ giàu tốt’ cũng như ‘kẻ nghèo tốt’, Phúc Âm cũng thuật lại tấm gương của mấy người tư sản súc tích tới được rất gần Chúa nhờ một sự vận dụng rộng rãi thành tâm. Bằng cách nào? Họ không những chỉ phân phát của cải, lại còn hiến dâng một sự gì từ chính con người họ. Có thể ông Giuse quê xứ Arimathia ở trong số người này.
Tới đây, chúng ta nhìn rõ cái nền sâu ở dưới tấm lòng rộng rãi của bà góa phụ. Bà đem dâng tất cả số tiền cần thiết để sinh sống, nghĩa là bà ấy hoàn toàn trông cậy Thiên Chúa về miếng ăn manh áo hằng ngày. Bà phó thác mình trong tay Thiên Chúa bằng hành vi lột bỏ, thành tay không, đểt trở nên hoàn toàn khó nghèo trước Đấng Tối Cao, hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa. Tự hiến mình, bà đã dâng cúng nhiều hơn cả tài sản nào to lớn nhất.
Chúng ta hiến dâng Thiên Chúa sự gì? Lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Người sự gì? Phải chăng là những tư tưởng cao đẹp, những tình cảm cao đẹp, những ý nghĩ cao đẹp, để cầu nguyện xong là chúng ta vẫn giữ lại tâm hồn chúng ta? Chúng ta đem phân phát cái phần nào trong tài sản chúng ta? Phải chăng sự vận dụng của chúng ta để tiến đến gần Thiên Chúa là toàn hiến mình ta cho Người, cho dù chúng ta chẳng đáng giá hơn một đồng xu?
39. Tất cả những gì bà có.
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược. Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa. Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ, từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.
Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do thái giáo. Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê, thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng. Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân. Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã. Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh. Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ. Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc, họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao. Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác. Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa. Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài. Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.
Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng. Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền. Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác, mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ. Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân. Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy, cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa. Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật. Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả. Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất. Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.
Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo, ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình. Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa, với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh. Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm. Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền, nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
40. Những tấm lòng vàng.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa Đế Quốc Mỹ can thiệp vào Thế Chiến Thứ Nhất, là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.
Một lần kia Tổng Thống và phu nhân cùng nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại tại một thành phố thuộc tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị Tổng Thống. Thế nhưng không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của Tổng Thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia của mình. Một cậu bé đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà cậu đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn chặn cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay chào cám ơn em một cách nhiệt tình. Cậu bé kia thấy buồn thiu, vì em không có gì để dâng lên tặng Tổng Thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho Tổng Thống. Em sung sướng vô cùng vì chính Tổng Thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng…
Năm năm sau, Tổng Thống Wilson qua đời, bà Wilson xếp lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy một bọc giấy giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận được ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.
Thưa anh chị em,
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật. Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh phục vụ quên mình của chúng ta. Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người.
Tin Mừng hôm nay kể lại, lần kia, Đức Giêsu vào Đền Thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào thùng tiền. Chợt có người đàn bà góa nọ chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Thế mà Đức Giêsu đã tuyên bố: “Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những gì dư thừa của mình, người đàn bà nghèo này dâng tất cả những gì bà có để sống qua ngày”.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa luôn trân trọng và quí mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng cho Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ nhỏ bé dưới mắt người đời thì lại càng có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh.
Một đứa bé vẫn có thể trao tặng cho người khác một quà tặng quí giá, quí giá không phải ở giá trị của món quà, mà ở giá trị của tấm lòng ngưỡng mộ, yêu mến. Nghĩa cử yêu thương, cảm thông thật có giá trị hơn tặng vật. “Cách cho quí hơn của cho”.
Trong một tháng cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhân dân thành phố ta đã đóng góp hơn 6 tỷ đồng (?)… Có những em bé nhịn ăn quà, những cậu học sinh đập con heo đất đã dành dụm để chia sẻ những nỗi đau thương của đồng bào ruột thịt. Đó là những người đã đóng góp nhiều hơn hết, vì đó là những tấm lòng vàng hơn là những đồng tiền vàng.
Thưa anh chị em,
Thiên Chúa kêu gọi lòng yêu mến quảng đại của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa lại cao sang tuyệt đối. Ngài là chủ tể mọi loài mọi vật. Mọi sự chúng ta có đều bởi Chúa và thuộc về Chúa. Vì thế, chúng ta có gì đáng để dâng Chúa đâu! Chúng ta quá bé bỏng, nghèo nàn trước Thiên Chúa cao sang. Chúng ta có thể nghèo tiền của, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng không ai trong chúng ta có thể sống mà không có trái tim với những khả năng yêu thương. Đó là cốt lõi, là cái làm cho chúng nên giá trị trước mặt Thiên Chúa và xứng đáng sống trong cộng đồng nhân loại. Lễ dâng của chúng ta chỉ đáng Chúa chấp nhận khi nói lên lòng mến và là chính lòng mến của chúng ta.
Ở bài đọc 1, bà góa ở Sarepta cũng đã dâng cho Ngôn Sứ Êlia một chút còn sót lại trong hũ, là khẩu phần cuối cùng của bà và đứa con côi cút của bà. Đối với bà, trong lúc cả nước đói kém và nắng hạn, thì một chút bột này là cả một tài sản đắt giá có thể cứu được mạng sống của bà và con bà. Thế nhưng bà đã nhường lại khẩu phần cuối cùng của mẹ con bà cho Ngôn Sứ Êlia ăn trước. Và Chúa đã trả ơn bà bằng cách cho hũ bột và bình dầu ăn của bà không bao giờ vơi cạn cho đến khi trời hết hạn và mưa lại đổ xuống. Lòng quảng đại dâng hiến sẽ được Thiên Chúa đền bù gấp bội.
Ước gì mẫu gương những tấm lòng vàng và nhất là món quà lớn nhất mà Chúa Cha ban tặng cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Người Con Chí Ái của Ngài, giúp chúng ta được thêm can đảm và quảng đại theo gương Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu không ngừng dâng lên Thiên Chúa và trao tặng mọi người của lễ tình yêu cao đẹp nhất của chúng ta.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam