Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 83
Tổng truy cập: 1379660
MỘT LY SỮA
MỘT LY SỮA – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao hai bà goá. Một bà trong bài Tin Mừng một bà trong bài Sách Các Vua. Chúa Giêsu gặp bà góa trong sân Đền Thờ Giêrusalem. Tiên tri Êlia gặp bà góa ở xứ Serepta. Một bà đã dâng vào thùng tiền Đền thờ hai đồng kẽm và một bà đã cho tiên tri Êlia một chiếc bánh nhỏ.
Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do Thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Ở đó ngôn sứ đã gặp một phụ nữ đầy lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa. Bà đã dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Lương thực còn lại để nuôi sống gia đình, bà đã giúp Êlia. Chúa đã trả công bội hậu cho bà và đứa con trai duy nhất thoát cảnh đói khổ. Một bà góa thời Chúa Giêsu. Gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nghèo nàn nhưng bà đem tất cả số tiền mình có, hai đồng tiền kẽm là những gì bà có để nuôi sống mình. Bà dâng vào đền thờ giữa đám đông nhiều người bỏ nhiều tiền vào hòm tiền. Chúa đã khen bà là bỏ nhiều, dâng cúng nhiều hơn những người giàu khác.
Hai bà góa có một đặc điểm giống nhau. Đó là họ đã dâng cả những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của mình và gia đình. Bà góa tại Sarepta dâng nắm bột chút dầu cuối cùng. Bà góa tại đền thờ dâng những đồng tiền cần thiết nhất của mình. Hai bà góa được đề cao có phải vì quà tặng mà họ đã cho không? Hiển nhiên là không. Hai đồng kẽm thì có đáng là bao. Một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì! Thánh Kinh đề cao họ là vì quà tặng ấy tuy nhỏ mọn mà gói ghém cả tấm lòng người dâng. Đồng kẽm của bà goá bỏ vào thùng tiền Đền thờ là cả một tấm lòng của một bà già nghèo, là cả tài sản của bà. Chiếc bánh nhỏ của bà goá xứ Sarepte là cả một cuộc sống của hai mẹ con trong lúc sắp chết đói.
Của cho không bằng tấm lòng người cho. Cho của mình dư thừa thì chẳng quý gì. Cho cái mình đang cần mới là quý. Và cho cái mình vừa cần vừa tiếc mới là quý nhất.
Của cho không bằng tấm lòng người cho. Của nhiều mà lòng ít thì không quý cho bằng của ít mà lòng nhiều. Hai bà góa được đề cao là vì lòng yêu mến đối với người của Chúa và đối với nhà của Chúa. Họ được đề cao nhờ lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho những hành động của hai bà góa có được một giá trị to lớn trước mặt Chúa. Và chính Chúa đã lên tiếng ca ngợi các bà. Chúa khen bà góa đã cho nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ tiền vào thùng hôm đó. Vì những người kia đã cho cái mà họ dư thừa, còn bà goá này cho tất cả tài sản của bà.
Biết bao người giàu có quý phái sang trọng bỏ tiền vào đền thờ, nhưng Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen bà góa và cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Chúa Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả. Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng.
Lối đánh giá của Chúa Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác. Có khi chúng ta ca ngợi một người chỉ vì người ấy đã có những đóng góp lớn lao, đã đem lại những kết quả cụ thể, rõ ràng. Có khi chúng ta chê một người vì người đó kém cỏi, thiếu năng lực. Tiếng khen chê của ta thường dựa trên hiệu quả bề ngoài, và ít đụng đến phần nội tâm sâu thẳm. Lối đánh giá của Chúa Giêsu cũng đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về chính mình.Tôi xao xuyến khi bị chê, tự mãn khi được khen. Tôi quá trọng dư luận đến nỗi trở nên nô lệ cho dư luận. Thật ra tôi cần đánh giá mình dựa trên cái nhìn của Chúa. Chúa thấy tôi thế nào thì tôi là thế ấy. Điều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu nhỏ. Cần rất nhiều liều lĩnh khi bỏ nốt đồng xu cuối cùng để thực sự trở nên người tín thác trọn vẹn vào Chúa. (Mana).
Việc từ thiện, việc đạo đức, nếu không có lòng yêu mến thì chỉ là phương tiện tìm danh giá và tìm lợi nhuận. Hạng người như thế ở thời đại nào và ở đâu cũng có với những cách thức khác nhau. Họ là tỷ phú hay triệu phú, họ bỏ ra một vài triệu để đóng góp vào công việc từ thiện hay xây cất những công trình công cộng với động lực chính là mua tiếng tăm.
Đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất. Yêu mến thì phải cho. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng. Xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, thật tức cười. Nhưng với Chúa Giêsu hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh lại nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng. Giá trị của việc dâng cúng, việc bác ái không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta nói: ”Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.Thiên Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Ai không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng. Chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận. Câu chuyện “Một ly sữa” như một chứng từ minh họa cho chân lý ấy.
Trước đây, có một cậu bé nghèo bán hàng rong để kiếm tiền đi học. Một hôm cậu không có được một đồng bạc dính túi mà bụng thì đói.
Cậu quyết định sẽ đến xin ăn tại căn nhà gần đó. Tuy nhiên, khi một cô gái trong nhà ra mở cửa thì cậu ngại quá nên thay vì xin ăn, cậu xin một ly nước lã! Cô gái nhìn thấy dáng vẻ của cậu thì biết rằng cậu đang đói, nên đem cho cậu một ly sữa lớn. Cậu uống chậm rãi, rồi hỏi: “Tôi phải trả bao nhiêu tiền?” Cô gái cười nhẹ và trả lời: “Cậu chẳng phải trả gì cả. Mẹ chúng tôi dạy rằng không bao giờ nhận tiền công khi làm một hành vi tử tế!” Cậu bé nói: “Vậy thế thì…tôi hết lòng cám ơn cô.”
Khi cậu rời ngôi nhà ấy thì chẳng những cậu cảm thấy thân thể mình khỏe mạnh hơn, mà lòng tin vào Thiên Chúa và con người cũng tăng mạnh thêm lên. Cậu từng nghĩ rằng cuộc đời mình khổ cực quá nên nhiều lần có ý muốn bỏ học.
Nhiều năm sau, cô gái ấy trở thành một phụ nữ và mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ gần như bó tay. Cuối cùng họ gửi cô đến một thành phố lớn để mong tìm những chuyên viên chữa trị căn bệnh lạ của cô. Bác sĩ Howard Kelly được mời đến để chẩn bệnh. Khi nghe nói đến tên thành phố cũ của mình, mắt ông ánh lên một cách lạ lùng. Ông đứng dậy ngay để xuống phòng khám. Trong chiếc áo trắng của bác sĩ, ông đến gặp và nhận ra cô ngay. Ông trở về phòng khám và quyết tâm chữa cứu người phụ nữ ấy cho bằng được. Kể từ ngày hôm đó, ông nghiên cứu và theo dõi kỹ tình trạng sức khoẻ của cô. Sau những ngày cam go, căn bệnh đã thua cuộc.
Bác sĩ yêu cầu phòng tài chánh chuyển hoá đơn tính tiền viện phí của cô để cho ông phê trước. Ông nhìn vào tờ hóa đơn, rồi ghi vài chữ bên lề trước khi gửi đến cho cô. Cô rất sợ phải mở tờ hóa đơn ấy ra, vì cô biết rằng cô sẽ trả món nợ ấy suốt cả đời mình. Cuối cùng, cô cũng phải nhìn xuống hoá đơn và dừng lại để ý đến hàng chữ bên lề. Cô đọc thấy: “Đã thanh toán đầy đủ bằng một ly sữa!” Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly.
Mắt cô đẫm lệ vì vui mừng và từ trái tim ngập tràn hạnh phúc vươn lên lời nguyện cầu: “Tạ ơn Chúa! Chính Tình Yêu của Chúa đã lan truyền sang quả tim và bàn tay của con người.”
Cậu bé ngày xưa được tặng một ly sữa trong cơn đói đã trở thành Tiến Sĩ y khoa Howard Kelly, ông đã từng là một bác sĩ lỗi lạc tài ba. Năm 1895 chính ông là người sáng lập Johns Hopkins Division of Gynecologic Oncology (Phân khoa Ung Thư Phụ Sản) tại Đại Học Johns Hopkins, trường Đại Học đầu tiên của Hoa Kỳ dành cho việc nghiên cứu y khoa, được thiết lập năm 1876, tại Baltimore, Maryland.
Bạn, có bao giờ trong cơn đói bạn đã nhận được một hành vi tử tế, và bạn đã đền đáp thế nào với cuộc đời và con người đã tử tế với bạn? Hoặc bạn đã và sẽ làm gì cho một ai đó trong nỗi đói khát tinh thần hay vật chất của một người thân thương hoặc tha nhân Chúa đang gửi đến trong đời?
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- Năm B
ĐỨC TIN VÀ TẤM LÒNG CỦA BÀ GÓA– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu cho như một người Thầy, dạy cho chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm: “Hãy coi chừng (…) lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc “(x. Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất. Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một số người, (x. Mc 12, 44).
Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác: không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Đức tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 – 16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 – 44). Cả hai đều rất nghèo, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.
Tấm lòng vàng
Người phụ nữ thành Sarephta xuất hiện trong trình thuật về tiên tri Êlia. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người Sarephta đi lượm củi, ông cất lời: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống… Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh” (1V 17, 10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết đói nay mai, nên trả lời:”Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn rồi chết thôi” (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và hứa với bà rằng nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và được tưởng thưởng.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà:”Cứ đi và làm như bà đã nói…với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà” (1V 17,13). Tấm lòng vàng và đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này nữa.
Thái độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Khi ngồi đối diện với hòm tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố: “Với hai đồng tiền, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống” (Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.
Tin vào Thiên Chúa
Nếu nói đến mẹ góa con côi, người Việt Nam ta thường nói đến người khổ cực thiếu thốn tứ bề, từ tình cảm đến vật chất, thì theo Kinh Thánh, thời trung cổ, hay quan niệm của người Do Thái, những cô nhi quả phụ tự nó đã là một thân phận thiếu thốn trầm trọng rồi. Họ không còn chồng, còn cha để mà cậy dựa, hai bà trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một bằng chứng. Cả hai cùng cực nghèo, nhưng không có ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì. Câu hỏi được đặt ra: Điều gì đã thúc đẩy các bà làm điều đó? Thưa: Đức tin. Cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái thể hiện tấm lòng vàng: một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc.
Trong Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu, là người Cha của họ. Hoàn cảnh túng thiếu khách quan, hay thân phận góa phụ, vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và được biểu lộ trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người như Tin Mừng đòi hỏi.
Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã khẳng định rằng: “Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái” (Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).
Sống tín thác vào Chúa
Chúng ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người tận hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần “Này tôi đây” và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Tại Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói: “Họ không còn rượu nữa” (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu: “Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?” (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời Chúa Giêsu.
Bà góa thành Sarephta đã làm những gì tiên tri Êlia nói với bà, mang cho ông ít bánh. Tương tự như thế, những người hầu bàn tại Cana vâng lời Chúa Giêsu. Sức mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được tái diễn nơi bàn tiệc thánh: Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amen.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- Năm B
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Đức Giêsu đưa ra ba hạng người tiêu biểu trong đời sống đạo đức, giúp ta nhận ra đâu là giá trị đạo đức thật, đâu là giả.
Ba hạng người đó giống như một ông đi họp từ thiện ăn mặc sang trọng. Trước khi đi, ông quyết định giúp 20.000$, đến nơi, thấy nhiều người giúp 20.000$, ông muốn hơn người ta, nên góp 50.000$ nhưng ông lại rút lộn bao thư 100.000$ trao cho hội từ thiện. Vậy đâu là giá trị việc bác ái của ông?
Giá trị việc bác ái của ông xét theo đạo đức học là ở ý hướng, ở lòng tốt, thiện tâm, thiện chí. Lòng tốt của ông ở quyết định giúp 20.000$. Đến nơi, ông muốn góp 50.000$ để hơn người ta, nổi tiếng hơn người ta, đó là do tính ham danh vọng, ham địa vị của ông, nên ông không được phúc lại mắc thêm tội kiêu ngạo. Còn việc ông rút lầm bao thơ 100.000$ là ngoài ý hướng tốt của ông. Đây là việc đóng góp vô ý thức, nó vô thưởng vô phạt, nó vô ích đối với ông. Xét về đạo đức, nó không có giá trị gì với ông.
Ba hạng người trong Tin mừng hôm nay cũng có những hành vi đạo đức tương tự như ông đi họp từ thiện trên.
– Hạng kinh sư làm việc đạo đức chỉ vì cầu danh, cầu lợi, cầu địa vị. Họ mặc lễ phục trịnh trọng, làm bộ đọc kinh nguyện lâu giờ chỉ để cầu được kính trọng chào hỏi, cầu ngồi chỗ danh dự nhất, cầu kiếm được nhiều tiền của biếu tặng. Họ hoàn toàn có mục đích xấu, vụ lợi, ích kỷ, kiêu ngạo. Xét theo giá trị đạo đức, hạng này rất xấu: “Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.
– Hạng thứ hai là những người giàu có, làm việc đạo đức bằng dâng cúng những của dư thừa, hoặc vì gò bó theo tục lệ phải dâng cúng, hoặc vì sợ chê cười, hoặc làm cho qua đi, cho xong chuyện, khỏi bị quấy rầy. Họ làm việc bác ái từ thiện sống đạo đức theo thói quen, sợ dư luận hay sợ tội, sợ phạt. Họ thiếu lòng thành tâm, thiện chí. Họ không có ý tốt, lòng tốt. Xét theo giá trị đạo đức, việc từ thiện, dâng cúng, đọc kinh của họ là vô ích. Họ không được công phúc gì.
– Hạng thứ ba là những người sống đạo đức, làm việc từ thiện, bác ái cách thành tâm, thiện chí, cố gắng hy sinh làm việc thiện, việc tốt, việc thiêng liêng sốt sắng như bà góa nghèo, dù chỉ có một phần tư xu để nuôi mình, bà cũng dâng cúng hết. Bà cũng không sợ chê cười vì bỏ quá ít so với người khác. Bà chấp nhận cảnh thấp hèn thua kém người khác. Bà thật là người thành tâm, thiện chí, rất khiêm tốn. Đức Giêsu đã đánh giá bà có lòng đạo đức rất cao đáng làm gương cho các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết, tuy rất túng thiếu, đã bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống bà”.
Bà góa này cũng giống bà góa thành Sarépta: “Chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò, đang đi tìm mấy thanh củi rồi về nướng cho con trai và mình ăn, rồi chết”. Sống trong nạn đói cùng cực như vậy, vẫn sẵn sàng hy sinh nhường cho Êlia ăn, dù chẳng biết Êlia là ai. Chính vì lòng hy sinh bác ái tột độ đó, Thiên Chúa đã cho hũ bột không vơi, vò dầu không cạn để cứu sống bà, con bà và tiên tri Êlia nữa.
Người Việt Nam cũng đề cao giá trị đạo đức chân chính bằng những câu châm ngôn như: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Gỗ là giá trị chân chính, nước sơn mầu mè bên ngoài là phụ thuộc. Tính nết là giá trị cốt cách của con người, còn vẻ đẹp, duyên dáng bên ngoài là tùy phụ, chóng phai, chóng tàn. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, người ta bị hấp dẫn về mẫu mã, quảng cáo, tuyên truyền, hơn là phẩm chất tốt của vật dụng. Vì thế, giá trị đạo đức bị suy đồi, những sản phẩm, hàng hóa giả dối lan tràn khắp nơi, gây nên biết bao tai họa. Phân, thuốc, giống cây dổm làm mất mùa, đói kém, nghèo khổ khắp nơi. Vật liệu xây cất dổm làm bao nhiêu công sở, nhà cửa mới xây đã đổ nát, bỏ hoang không ai dám ở. Máy móc, nhiên liệu dổm, sản phẩm kém phẩm chất, xuất khẩu bị trả lại làm kinh tế xuống dốc. Miệng hô hào: “Người tốt việc tốt” nhưng làm láo, báo cáo rất hay, tệ đoan tham nhũng, ô dù, thành tật vô phương cứu chữa, tương lai đất nước thật đen tối!
Mỗi người chúng ta phải tự xét mình: mọi việc chúng ta làm giả dối hay chân chính, nhất là những việc bác ái và đạo đức thiêng liêng, chúng ta có thành tâm, thiện chí cố gắng thực hiện không. Những dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện, dâng cúng giúp đỡ làm vì mến Chúa yêu người hay vì bó buộc, vì thói quen, vì sợ dư luận, tệ hơn nữa làm vì cầu danh, khoe khoang?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thấu suốt tận đáy lòng mỗi người chân thực hay giả dối, và đã tán thưởng bà góa nghèo túng biết hết lòng hy sinh dâng cúng tất cả những gì bà có đến cạn kiệt, không còn chút gì để nuôi sống. Còn Chúa, chính Chúa đã hy sinh dâng tất cả những gì Chúa có và cả mạng sống cho chúng con hơn gấp trăm ngàn lần bà góa kia. Xin cho chúng con biết chân thành hiến dâng đời sống mình để phục vụ mọi người vì hết lòng mến Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- Năm B
MỘT SỐ TIỀN NHỎ NHƯNG TẤM LÒNG THẬT LỚN- Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB
Nhà văn Anderson Đan mạch đã viết một câu truyện kể lại sự kiện xảy ra trong chính cuộc đời của ông. Câu truyện vắn tắt như sau: “ Vào một buổi tối mùa thu, ông đi dạo phố một mình tại thủ đô Copenhague. Ông bỗng nghe một giọng nói yếu ớt từ đằng sau vọng lại: “ Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm.” Nhà văn quay lại, chợt nhận ra một đứa bé gái, gương mặt xanh xao, quần áo nhầu nát bẩn thỉu. “Chú ơi mua hộ cháu bao diêm, cả ngày cháu chưa bán được một xu nào.” Giọng cô bé thật buồn. Nó bùi ngùi kể lại hoàn cảnh đáng thương của nó. Mẹ chết sớm, con bé phải ở với một người cha nghiện ngập và khá cọc cằn, nhưng nó rất thương bố nó. Nó cố lê lết khắp nơi để bán diêm, kiếm chút tiền mang về cho bố những bữa ăn ngon. Anderson xúc động cho con bé ít tiền. Đứa bé sáng rực đôi mắt và thầm nghĩ nó sẽ mua về cho bố tối nay một ổ bánh mì thật ngon. “Chú ơi sao chú tốt với cháu thế? Chú tên gì, và chú làm nghề gì?” – Chú tên Anderson, và chú làm nghề này. Nhà văn lấy tay vẽ vào khoảng không hình một cái bút, ám chỉ ông là nhà văn. Đứa bé vẫn không hiểu tưởng ông làm nghề bán bút giống như nó đi bán diêm vậy. Anderson hẹn với đứa bé đầu năm tới, ông sẽ trở lại và cho nó một món quà, còn bây giờ ông phải đi xa.
Nhiều tháng trôi qua, Anderson quên mất lời hứa của mình. Một bữa nọ, tình cờ ông trở lại Copenhague và chợt nhớ tới đứa bé, mua cho nó một chiếc áo ấm, và đi tìm nó. Người chủ tiệm bên đường nói cho ông biết rằng con bé đã chết rồi. Ngày đầu năm, người ta thấy đứa bé nằm chết cóng bên đường không biết từ lúc nào. Nó nằm chết giữa một đống bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn. Có lẽ nó đốt diêm để sưởi cho bớt lạnh. Có điều, là khi nó chết, khuôn mặt vẫn còn hồng hào và dường như nó đang mỉm cười chờ đợi một cái gì đó.
Anderson đứng chết lặng. Người chủ tiệm nói tiếp, “Khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi áo của nó rơi ra một vật gì giống như chiếc quản bút làm bằng những que diêm. Chắc nó làm để tặng ai đó, vì trên quản bút có viết hàng chữ ‘tặng chú Anderson’.
Câu chuyện cảm động trên không phải là một câu chuyện hư cấu, nhưng là một kỷ niệm buồn trong chính cuộc đời của nhà văn. Câu chuyện này cũng giống như giai thoại về người đàn bà góa nghèo khổ mà thánh Marcô thuật lại trong Tin mừng hôm nay. Cô bé bán diêm và người đàn bà góa khá giống nhau. Giống nhau ở chỗ cả hai đều là những con người rất nghèo, bị xã hội bỏ rơi. Giống nhau cũng ở chỗ cả hai là những con người rất quảng đại, biết cho đi những gì mình có. Nhưng điểm giống nhau căn bản, vì họ là những con người tuy nghèo về vật chất, nhưng lại rất giàu về lòng nhân ái.
Thân phận bà góa: người nghèo của Giavê
Trong bài đọc một, tác giả sách Các Vua quyển thứ nhất cũng thuật lại giai thoại về một bà góa nghèo thành Sarepta. Người phụ nữ này đã trao tặng ngôn sứ Elia tất cả phần lương thực ít ỏi còn sót lại trong nhà. Lòng quảng đại đó đã được Thiên Chúa đền đáp: Hũ bột của bà không bao giờ vơi và bình dầu không bao giờ cạn. Vị tiên tri còn thực hiện phép lạ cứu sống đứa con trai của bà. Trong xã hội Do Thái khi xưa, những phụ nữ góa chồng bị xã hội gạt ra bên ngoài. Họ không có một quyền lợi gì về mặt xã hội. Nhưng ngay từ thời Môise, vị thủ lãnh đã ban hành lề luật là không được làm hại cô nhi, quả phụ (Đệ nhị luật 27, 19). Các ngôn sứ thường gọi các bà góa là những người nghèo của Giavê (anawim), tức là những con người được Thiên Chúa chúc phúc. Đặc biệt đến thời Chúa Giêsu, Ngài luôn lên tiếng bênh vực các bà góa, là những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Hình ảnh của người đàn bà góa trong Tin mừng hôm nay là một minh dẫn cụ thể. Ngay cả người phụ nữ Samari, một người đàn bà ngoại giáo đã góa chồng và sống lang chạ với 5 người đàn ông khác, Chúa cũng không kết án và coi khinh chị. Ngược lại, Chúa kết án gay gắt thái độ giả hình của các đầu mục Do thái, làm ra vẻ đạo đức để moi hết tiền bạc của các bà góa (Lc 20, 47; 7, 11). Chúa cho đứa con trai bà góa thành Naim sống lại cũng để diễn bày lòng thương cảm với những người đàn bà bị bỏ rơi trong xã hội thời bấy giờ (Lc 7,11-17). Ngôn sứ Anna, một phụ nữ góa chồng ngày đêm cư ngụ và phục vụ đền thánh, cũng là một hình ảnh nổi bật về mẫu người luôn được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành.
Người đàn bà góa trong Tin mừng hôm nay được Đức Giêsu đề cao như một mẫu gương. Bà rất nghèo nhưng lại giàu lòng quảng đại. Điểm son nơi người phụ nữ này không phải là những danh giá xã hội hoặc sự giàu sang phú quý bên ngoài, nhưng chính là tấm lòng nơi bà. Chúa nói với các môn đệ “Thầy bảo thật anh em, bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12, 43).
Chẳng ai cho không cái gì
Người ta vẫn thường nói thế. Trong đời sống xã hội hiện nay, hầu như chẳng có ai cho không hoặc biếu không cái gì. Khi trao tặng một phần quà, ngay cả những món quà từ thiện, chúng ta dễ ngầm đặt ra điều kiện, ít nhất là để khoe khoang sự quảng đại của mình cho người khác thấy. Tính ích kỷ và keo kiệt là một nết xấu ai cũng có. Mỗi khi làm công tác từ thiện, nhiều cá nhân cũng như những tổ chức xã hội thường hay bày biện những hình thức rầm rộ, nào cờ xí, nào nghi thức, nào chụp hình đăng báo….Điều này vẫn xảy ra ngay cả nơi các tổ chức tôn giáo. Dâng cúng nhà thờ một bức tượng, một cái ghế đá… cũng phải được rao tên tuổi, phải được phát bằng ân nhân, khi chết giáo xứ phải xin lễ cầu nguyện để trả nghĩa v..v. Điều này không có gì đáng nói, nếu người cho không ngỏ ý mà người nhận tự nguyện biểu tỏ sự biết ơn. Nhưng, nhiều khi thói quen đó trở thành một căn bệnh chỉ nhằm để khoe khoang. Một vị linh mục khi đến tham dự lễ khánh thành tháp chuông tại một nhà thờ nọ, lúc nghe rao tên tuổi vị ân nhân đã khôi hài pha chút mỉa mai nói rằng: Chuông nhà thờ kêu rất sang và rất hay. Nó kêu “ Kiêu căng, kiêu căng” thay vì kính koong kính koong như các chuông nhà thờ khác. Chúng ta hãy từ từ đọc kỹ lại bài Tin mừng hôm nay để suy nghiệm điều này. Đức Giêsu trước khi quan sát người ta bỏ tiền vào hòm dâng cúng, đã cảnh báo các môn đệ: “ Anh em phải coi chừng những kinh sư ưa đi dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ thích chiếm chỗ nhất trong hội đường, thích ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc” (Mc 12, 38). Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu cũng đưa ra huấn dụ căn bản để giúp chúng ta nên hoàn thiện. Một trong những huấn dụ đó, là “ Khi anh em bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6, 3), tức là đừng khoe khoang, khua chiêng gõ mõ để đề cao cái tôi kiêu ngạo của mình. Sự khoe khoang đi đôi với tính keo kiệt, tức là cho đi với điều kiện. Điều kiện là phải được công bố tên tuổi cho bàn dân thiên hạ được biết. Điều kiện là phải được nể trọng như một vị ân nhân. Song chúng ta rất dễ quên rằng, mọi sự chúng ta đang sử dụng đều là ân huệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ còn chúng ta chỉ là người quản lý. Chúng ta hãy nhìn vào gương mẫu của người đàn bà góa hôm nay. Chúa đề cao lòng quảng đại của bà, chứ Ngài không ca ngợi những người giầu có hoặc cánh Pharisiêu đã bỏ ra những số tiền kếch xù thừa thãi chỉ để phô trương. Người Pharisiêu khoe với Chúa: “ Con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng cúng 1 phần mười tài sản của con”. Khi kể dụ ngôn này, chúng ta đều biết Chúa đã kết luận như thế nào.
Đức Giêsu, mẫu gương tuyệt hảo về lòng quảng đại
Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt các tu sỹ tự nguyện sống nghèo như lời khấn đã cam kết với Chúa. Người đàn bà góa trong bài Tin mừng hôm nay cũng nghèo xác nghèo xơ. Gia sản duy nhất bà sở đắc chỉ là 2 đồng xu cỏn con. Nhưng, nói một cách sâu xa hơn, mẫu gương tuyệt hảo về tinh thần nghèo khó mà chúng ta phải học hỏi và sao chép, không ở đâu khác mà chính từ nơi Đức Giêsu. Không ai nghèo như Ngài và cũng không ai quảng đại bằng Ngài. Trong thư thứ 2 gửi giáo đoàn Côrinthô, thánh Phaolô đã viết: “ Đức Giêsu Kitô vốn giàu sang phú quý nhưng đã trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giàu có” (2Cr 8, 9). Ngài tự nguyện sống kiếp con người, sinh ra trần trụi không nơi trú thân. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ gối đầu”. Cao điểm của sự nghèo khó nơi Ngài, là Ngài đã bị phơi thây chết trần trụi trên thập giá. Đôi tay Ngài dang rộng, không tích lũy bất cứ một thứ của cải nào. Nhưng cũng chính đôi tay ấy đã trao ban tất cả, ngay cả đến mạng sống để hiển thị điều mà Ngài đã nói với các học trò trong bữa tiệc ly: “ Không có tình yêu nào cao cả cho bằng mối tình của người hiến dâng sự sống cho bạn hữu”(Ga 15,13).
Hôm nay Chúa nêu ra mẫu gương về lòng quảng đại của một người đàn bà góa nghèo khổ. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi chúng ta tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu nơi Thập giá để trải nghiệm lòng quảng đại vô bờ bến mà chính Ngài đã diễn bày. Đây là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn khải thị. Một vị thánh đã nói: “ Không ai trong chúng ta nghèo đến mức độ không có gì để mà cho”. Chúa chẳng thèm để ý tới những món tiền kếch xù mà những người giàu có đã dâng cúng vào đền thờ, nhưng Ngài nhắc các học trò mẫu gương của một phụ nữ nghèo. Bà ta nghèo mạt rệp, chỉ có 2 xu, nhưng đã trao dâng tất cả. Một số tiền quá nhỏ, nhưng tấm lòng thật lớn. Chúng ta nhớ lại trình thuật Chúa làm phép lạ nuôi sống năm ngàn người ăn no. Một đứa bé trao cho Chúa 5 cái bánh và 2 con cá, chẳng đáng giá bao nhiêu. Nhưng Đức Giêsu đã trọng thị đón nhận sự quảng đại của nó, và từ đó phép lạ đã xảy ra. Thiên Chúa không bao giờ lượng giá con người qua những hình thức và số lượng bên ngoài. Ngài biết rõ tâm can từng người. Đồng thời Ngài cũng không bao giờ thua kém lòng quảng đại của chúng ta.
Kết luận
Có một giai thoại trong cuộc đời thánh Phanxicô Assisi đã được nhà văn Nikos Kazantzakis viết thành tiểu thuyết. Sau khi Phanxicô đã cho đi tất cả của cải của mình, phân phát cho người nghèo, Ngài bắt đầu đi lang thang khất thực. Vị thánh vừa đi vừa hát. Một anh bạn cũ rất thân quen gặp lại Ngài đã rất ngỡ ngàng và hỏi: “Này Phanxicô, đôi giày đắt tiền, chiếc đồng hồ quý giá, quần áo sang trọng của anh đâu rồi?”. Phanxicô trả lời: “ Tất cả những thứ đó là của ma quỷ, tôi đã trả lại cho nó hết cả rồi.” Người bạn hỏi tiếp: “ Anh từ đâu lang thang đến đây và anh đang định đi đâu thế? – “Tôi đến từ một nơi rất xa và tôi cũng đang đi về nơi xa xăm ấy”. Người bạn lắc đầu không hiểu và hỏi tiếp: “ Thế tại sao anh vừa đi vừa hát nghêu ngao như một thằng điên?” – “Tôi hát để khỏi bị lạc đường.”
Là người đi theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng rất dễ lạc đường, nếu để cho của cải bủa vây. Điều quan trọng nhất là chúng ta dám bứt phá, dám phá đổ pháo đài ích kỷ của mình để biết quảng đại cho đi như người đàn bà góa trong bài Tin mừng hôm nay.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam