Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 28
Tổng truy cập: 1380316
NỀN VĂN MINH MỚI
NỀN VĂN MINH MỚI- ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt
Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.
Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.
Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.
Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.
Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.
Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.
Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.
Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.
Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Ngày nay, trẻ em phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không?
2) Tại sao Chúa Giêsu sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn?
3) Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau?
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- Năm B
LÃNH ĐẠO LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Chúa Giêsu rời vùng đất phía Bắc tiến về Giêrusalem, nơi đó thập giá đang đợi chờ Người.
Trên hành trình đó đã ba lần Chúa mạc khải cho các môn đệ biết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (x.Mc 8,31-10,34). “Các môn đệ không hiểu và cũng không dám hỏi lại” (Mc 9, 32). Họ đang sôi nổi tranh luận về vương quốc mà Thầy sẽ thiết lập. Ai là thượng thư, ai là bộ trưởng trong vương quốc ấy! Thầy đang hướng về thập giá, khổ nạn. Các môn đệ lại tranh cải xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả (x.Lc 22, 24-27; Mc 10,35-40). Chúa đã phải đau lòng biết bao!
Vì thế, để sửa dạy uốn nắn lối suy nghĩ các môn đệ, Chúa hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”. Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra Chúa biết các môn đệ vừa cãi nhau nảy lửa. Các ông im lặng vì xấu hổ về những gì đang tranh luận. Rồi Chúa dạy cho các môn đệ bài học, người lớn nhất là người khiêm tốn phục vụ anh em.
Nền văn minh mới
Chúa Giêsu “ngồi xuống và gọi các môn đệ tới”. Một Rabbi dạy bảo học trò, hay tuyên bố một điều gì quan trọng thì luôn luôn ở tư thế ngồi để giảng dạy. Chúa ngồi xuống thư thái và dạy rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Bằng hình ảnh cụ thể, Chúa đem một em bé đặt giữa các học trò, ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Lời dạy của Chúa Giêsu thật dễ hiểu mà thật khó thực hành. “Yêu thương phục vụ” là môn học khó nhất nhưng lại là môn học phổ thông nhất. Môn học này người môn đệ phải học cả đời mà không có ngày ra trường, học tới chết mà vẫn chưa xong.
Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
Lãnh đạo là người có uy tín
Người lãnh đạo phải là người có uy. Đó là uy tín và uy quyền. Thông thường, người lãnh đạo tự khẳng định được uy tín thì tự nhiên có uy quyền một cách thực thụ nhờ niềm tin của lòng dân. Khi lãnh đạo phải dùng uy quyền thay cho uy tín thì họ tự tạo ra nguyên cớ của sự xung đột.
Dân chúng nể trọng uy tín của người lãnh đạo nhưng họ lại sợ uy quyền. Uy quyền, cường quyền càng dấn lên tới mức cao thì sinh ra thói độc đoán chuyên quyền dẫn đến độc tài. Khi người lãnh đạo đã mất hết uy tín, lẽ ra nên tự biết mà từ chức thì còn vớt vát được chút danh dự. Nhưng khi đã không còn uy tín mà lại gia tăng uy quyền thì chỉ có hại cho xã hội, căng thẳng cho cộng đồng, họ trở thành lố bịch và làm trò cười cho thiên hạ.
Không ai có thể tự vỗ ngực là “ta uy tín nhất”, bởi vì uy tín của cá nhân nằm trong lòng người khác, tùy thuộc sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng xã hội một cách khách quan. Uy tín phải được minh chứng qua quan điểm, tư tưởng, động cơ làm việc, đạo đức, lối sống và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Có những người có chức cao quyền trọng nhưng khi làm việc cụ thể và trong cuộc sống chẳng có uy tín gì, chỉ để lại sự trách cứ, chê cười, đàm tiếu. Có uy tín, tự khắc có uy quyền, một uy quyền tự thân, không phải thứ uy quyền lên gân. Không có uy tín, nhưng vì muốn thể hiện uy quyền nên thường gây hậu họa, làm hỏng cho công việc chung và tác hại khôn lường đối với xã hội và đất nước khi người này thuộc tầng lớp lãnh đạo ở tầm vĩ mô. Trên thực tế không ít người, khi có quyền thì đụng chút việc là dùng quyền uy, hống hách, quan liêu, mệnh lệnh.
Người thích uy quyền thường dùng quyền hành và quyền lực, kể cả quyền lực của đồng tiền. Họ sẽ đưa ra những khả năng đe dọa, mua chuộc như thăng giáng chức tước, lên lương, bố trí, sắp xếp chỗ này, vị trí kia, vừa câu móc, vừa hăm dọa hay cô lập đối tượng khi không “tranh thủ” được. Nếu ai đó làm phật lòng trái ý, hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng uy quyền thì sẽ bị trù úm, bày kế, lập mưu kỷ luật hay ép đương sự xin chuyển đổi công tác hay về “hưu non”.
Người dùng uy lực đồng tiền thường đi kèm lòng tham, tính toán cá nhân vị kỷ, vơ vét và thu vén. Cho nên, những kẻ bất tài, vô dụng, thất đức có đủ thứ thủ đoạn, mánh khóe để khi đã nắm được quyền thì dùng uy quyền trấn áp thiên hạ, “cả vú lấp miệng em”, kéo bè, kết vây cánh…hình thành nhóm lợi ích. Từ tuyển dụng, bổ nhiệm, giao chức cũng chọn trong những người thân trong gia đình, dòng tộc, huyết thống, cùng mục đích, cùng động cơ, cùng mặt bằng “quan trí”, cốt sao thế lực của mình ngày càng được cũng cố và khuynh loát. Sự cố tình tâng bốc nhau, bao che, tung hứng cho nhau, hùa nhau lập mưu kế phạm pháp, tìm mọi mánh khóe, thủ đoạn đục khoét của công, thu lợi bất chính cũng từ đó mà ra.
Khi đã không đủ uy tín mà phải dùng uy quyền đến mức độc đoán, chuyên quyền, người ta sẵn sàng trừ khử, sát phạt, làm hại người khác có đối trọng (kể cả đồng chí, bạn hữu, người thân), mua bán chức quyền, dùng đủ mánh lới tinh vi để giữ ghế, tiến thân,che lấp khuyết điểm, tích lũy của cải bất minh, vùi dập chân lý, phủ nhận lẽ phải một cách khôn lanh và rất ma mãnh !
Thế nhưng, như người đời đã đúc kết: “Uy tín trường tồn, uy quyền đoản vị” – người có uy tín sẽ để lại tiếng thơm lâu dài, người không uy tín mà thích dùng uy quyền thay cho uy tín chỉ được nhất thời, gây thù chuốc oán, tự làm mất hậu phúc, có chăng chỉ được một vài việc trước mắt, không thể có sức bền. Cho nên, làm lãnh đạo cần nâng cao uy tín, phải thu phục được nhân tâm, không nên lộng hành, lạm dụng uy quyền để tự đề cao cá nhân, quên cả lợi ích quốc gia, dân tộc, quên nhân dân, chỉ biết vun xén cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích gây hậu quả khôn lường cho đất nước và nhân dân.(x. buivanbong.blogspot.com). Đối với các vị lãnh đạo tại Việt Nam, Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định ‘Câu nói cửa miệng của dân là liệu có bao nhiêu quan chức “không chạy”? Cách sử dụng cán bộ “cậu này ngoan, cô kia biết điều” của văn hoá tiểu nông làm sao sử dụng được người tài? Trên thực tế, kiểu hình thành đội ngũ cán bộ theo cách thức: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.
Lãnh đạo là người phục vụ
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). “Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.
Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).
Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân.
Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.
Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.
“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- Năm B
LÀM TÔI TỚ– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Trong phim truyện Tây Du Ký, vai trò nổi bật nhất là Ngộ Không. Ngộ Không bá chủ loài khỉ, chưa đủ, anh học 78 phép biến hóa, rồi đi thống trị các lân bang. Vẫn chưa hài lòng, Ngộ còn đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh: Tề Thiên là bằng Trời, Đại Thánh là cao sang vĩ đại nhất. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết Ngộ ngạo mạn quá trớn phong cho Ngộ làm mã quan, Ngộ hý hửng tưởng bở, nhưng khi bị sai đi chăn ngựa, Ngộ mới hiểu mã quan là quan coi ngựa, Ngộ bực tức vì ngu mà mắc bẫy. Ngộ giận dữ phá phách, bị đại tướng nhà trời đánh đuổi rơi xuống đất bị đè bẹp dưới tảng đá lớn suốt 500 năm để thấy mình bất lực mà ăn năn cải thiện. Khi đã cải thiện, Ngộ được cứu thoát và gia nhập phục vụ đoàn đi tìm chân lý. Khi Ngộ bất mãn, bất phục lệnh, Ngộ lại bị cái vòng kim cô xiết vào đầu làm Ngộ Không nhức óc kêu la thảm thiết. Khi biết tuân lệnh quay về đường phục vụ, thì Ngộ được lành mạnh, tài giỏi.
Nhờ biết đi vào con đường phục vụ như tôi tớ, Ngộ Không đã tìm được chân lý và hạnh phúc, và giúp cho cả đoàn tới được chân lý. Phim truyện có hai màn đối nghịch nhau:
Màn đầu: diễn tả cảnh tranh bá đồ vương khủng khiếp của Ngộ Không.
Màn sau: diễn tả những việc phục vụ rất đắc lực của Ngộ Không.
Lời Chúa hôm nay cũng diễn tả một vở kịch có hai cảnh mâu thuẫn nhau: một cảnh phục vụ, một cảnh tranh chấp.
Sau lời tuyên bố khai mạc của Đức Giêsu: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại”. Các môn đệ không hiểu lời tuyên bố đó, cũng chẳng hỏi xem Thầy muốn nói gì. Các ông cứ diễn đại cái màn kịch theo sở thích của mình. Ông nào cũng say sưa nhiệt liệt tranh giành cho mình được địa vị cao, lớn nhất, danh vọng nhất, vĩ đại nhất. Có lúc các ông cãi nhau to tiếng đến độ gây cấn mà cứ tưởng Thầy lủi thủi đi ở xa không biết. Khi vào tới nhà, ngồi bình tĩnh đàng hoàng, Thầy mới gọi các ông lại hỏi: Dọc đường các con tranh luận gì thế. Các ông cúi đầu làm thinh không dám trả lời, vì các ông đã tranh nhau quá lố về địa vị cá nhân, mong được chức quyền danh vọng vinh hoa, phú quý trong nước Thầy sắp thành lập.
Các màn kịch tranh giành quyền bính này đã diễn ra xưa hơn trái đất. Lúc mới dựng nên loài thiên thần, Luxiphe đã tranh ngôi bá chủ với Thiên Chúa. Thiên Chúa buộc lòng tống Luxiphe xuống làm bá chủ hỏa ngục. Ađam Evà cũng đòi đồng hàng với Thiên Chúa và cũng bị tống cổ khỏi vườn địa đàng, đến làm vua trái đất khô cằn cực khổ và chết chóc.
Đến đời con cháu vẫn ngoan cố diễn lại màn kịch bi thảm, chém giết lẫn nhau để tranh bá đồ vương. Cả đến anh đánh dậm kéo tép như Mặc đăng Dung, khi có cơ hội, cũng dám giết vua Chiêu Tôn để chiếm ngôi vua, đến khi quân Minh bên Tầu kéo sang đánh, Đăng Dung khiếp sợ, tự trói mình ra hàng nhục nhã (năm 1537).
Chúa Giêsu phải chạy trốn cái cảnh làm vua tranh giành danh lợi nhơ bẩn của loài người, nhưng Người không chạy trốn sự hy sinh phục vụ con người như một tôi tớ đắc lực.
Người là Thiên Chúa cao cả, nhưng lại trở nên tôi tớ mọi người. Người đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa, nhận lấy thân phận tôi đòi (Phil. 2, 1). Làm tôi đòi với người thợ mộc làm thuê làm mướn. Khi rao giảng Tin mừng, Người hầu hạ chữa lành các bệnh nhân què, câm, điếc, mù, hủi, liệt, chết, Người không tự cao tự đại như một thầy dạy, hay một bác sĩ, mà chỉ khiêm tốn, hiền lành, âm thầm phục vụ như một tôi tớ bưng nước rửa chân cho môn đệ và mọi người. Chẳng những như tôi tớ mà còn như một nô lệ giơ mặt cho kẻ khạc nhổ, vả mắng, giật râu, phơi lưng cho kẻ đánh đòn, cúi mình xuống, vác thập giá, giang tay chân cho kẻ đóng đinh. Không một tôi tớ, không một nô lệ nào chịu cực khổ, cực hình như vậy, chỉ có Đức Giêsu, làm lớn nhất, đã trở nên bét nhất, như Người đã nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”. Kế đó, Người dắt một em nhỏ đặt giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón Thầy … Tiếp đón một em nhỏ là tiếp đón kẻ hèn mọn, yếu đuối, vô danh, không có một chút quyền lực, không có một tấc đất nào. Mà ta lại làm tôi tớ phục vụ kẻ bé nhỏ đó, thì mới thật là môn đệ, là người tin theo Chúa, mới thực là người tôi tớ trung tín và khôn ngoan của Thầy và của Cha Thầy. Tôi tớ trung tín và khôn ngoan cần có tinh thần sau đây:
Một là không tranh giành địa vị, lợi lộc: Đức Giêsu đã đuổi satan đem bả vinh hoa của cải, địa vị cả thiên hạ đến cám dỗ Người. Người còn dạy: được lời lãi cả thế gian, mà mất mạng sống mình thì có ích gì? Người đã ngăn chận tức khắc thói ham danh lợi của môn đệ. Người đã dạy phải rửa chân cho nhau. Giuđa vì ham lợi mà mất mạng sống. Vì thế, tuy Phêrô đứng đầu Hội thánh, ông đã xin mọi người cầu nguyện để bầu một tông đồ thế cho Giuđa, các ông bầu chứ không tranh cử, cũng không dám tự ý đề cử hay ứng cử. Truyền thống này đã là kiểu mẫu bầu Giáo Hoàng, Giám mục cũng như Linh mục và giáo dân, loại bỏ mọi thói tranh giành địa vị lợi lộc.
Hai là hoàn toàn vâng lời: Không được tranh giành nhưng cũng không được từ chối, đó là tư cách của đầy tớ, khác với thế gian: có lợi thì tranh đấu cho được, có hại thì bỏ không dám hy sinh.
Đức Cha Lê hữu Từ đã kể lại trong Tuần giảng Tĩnh tâm cho Tiểu chủng viện Trung Linh, Bùi Chu năm 1952. Khi được sắc phong Giám mục, ngài run sợ, từ dòng Châu Sơn Thanh Hóa, đạp xe đạp cũ kỹ xuyên qua rừng núi hơn 400 km vào Huế, xin Đức Khâm sứ Tòa thánh ban cho được từ chức. Hầu hết các Đức Giáo hoàng và Giám mục đều muốn xin từ chức như vậy. Nhưng vẫn phải vâng theo ý Chúa như Đức Giêsu đã cầu nguyện trong giờ hấp hối: “Lạy Cha, xin cất chén đắng này đi, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha”.
Ba là hoàn toàn trung tín với nhiệm vụ được trao phó. Từ Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục cũng như giáo dân đều phải lo chu toàn trách nhiệm: có trách nhiệm chung với mọi người, như phải sống công bình bác ái, tuân giữ giới răn Chúa, truyền giáo, rao giảng Tin mừng. Có trách nhiệm riêng theo chức phận mình, như nhiệm vụ Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ, quý Chức, cha mẹ, con cái, thầy dạy, học trò, công dân, tín hữu, làm vợ, làm chồng.
Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Giáo hội để tiếp tục công cuộc của Chúa phục vụ cứu độ con người, xin cho chúng con, dù ở địa vị nào, đều nhiệt tâm theo gương Chúa, trở thành những đầy tớ trung tín và khôn ngoan phục vụ mọi người.
Xin Chúa cải thiện các nhà cầm quyền trở nên chính quyền, biết chăm lo xây dựng xã hội tốt đẹp chứ không phải hạng tà quyền xảo quyệt, giành giựt danh lợi, vinh thân phì gia để khi chết, cho dòi bọ rúc rỉa thây ma.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam