Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 45
Tổng truy cập: 1378419
NGÀI CẦM BÁNH BẺ RA
Ngài cầm bánh bẻ ra
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật.
Khi tôi ăn uống, đồ ăn thức uống trở thành tôi.
Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên, nhờ chút rau xanh, cá tươi, đậu trắng.
Tôi được nuôi bằng trời cao, đất rộng và biển cả.
Từ lâu Đức Giêsu mang một khát vọng lớn, đó là nuôi sống linh hồn con người, nuôi mọi tín hữu thuộc mọi thời đại, và nuôi họ bằng chính bản thân Ngài, bằng cái chết và sự sống của Ngài.
Ngài có mắc bệnh hoang tưởng không?
Cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển cho ta thấy Đức Giêsu là con người bình thường khi Ngài cử hành bữa Tiệc Ly tối hôm đó.
Ngài muốn ta tham dự vào cuộc Vượt Qua của Ngài, Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho ta; thành đồ ăn bằng cách biến tấm bánh thành Thịt Mình Ngài, thành thức uống bằng cách biến rượu nho thành Máu Ngài.
Như thế ai ăn Tấm Bánh và uống Chén Rượu đã được Ngài biến đổi nhờ quyền năng Thánh Thần, người ấy nên một với Ngài.
Không phải Ngài trở thành người ấy, cho bằng người ấy trở thành Ngài.
"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy."
Mỗi thánh lễ là một lần nhớ đến và làm sống lại hy tế duy nhất năm xưa trên Núi Sọ.
Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Tình Yêu. Tình Yêu luôn có nhiều sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu.
Cần ngắm nhìn cử chỉ bẻ bánh của Đức Giêsu.
Tấm bánh trở thành Tấm Thân Ngài được bẻ ra và trao hiến trên thập giá.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã bẻ bánh để môn đệ phát cho dân.
Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên mãi.
"Anh em hãy cho họ ăn đi."
Như các môn đệ, chúng ta cũng lúng túng và bất lực trước cơn đói của con người hôm nay, đói cơm bánh, đói tình thương, đói được tôn trọng.
Nếu chúng ta dám trao cho Đức Giêsu tất cả những gì chúng ta có, dù chỉ là nhỏ nhoi; nếu chúng ta chịu để cho Ngài bẻ ra, và làm vỡ tan mọi tính toán ích kỷ, thì chúng ta có thể nuôi được cả thế giới.
Thỉnh thoảng bạn nên cầu nguyện trước Thánh Thể. Bạn có thể học được nhiều điều.
Con Thiên Chúa vinh quang rất mực, lại khiêm tốn hiện diện dưới dạng tấm bánh mong manh, lặng lẽ, đơn sơ.
Tấm bánh không biết nói, không sống cho mình.
Tấm bánh hiện diện là để cho người ta thưởng thức, và tan biến ngay sau khi được hưởng dùng.
Chúng ta có thể bắt chước lối hiện diện ấy của Chúa Giêsu Thánh Thể không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Thánh lễ có làm thay đổi đời bạn không? Việc rước lấy Đấng đã tự hiến qua cử chỉ bẻ bánh có giúp bạn dám chia sẻ đời mình cho tha nhân không?
Để có một thánh lễ Chúa Nhật đầy ý nghĩa, bạn thấy mình phải chuẩn bị trong cuộc sống ra sao?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ. Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ, mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.
16. Chúa Nhật Mình Máu Chúa Kitô
Anh chị em thân mến.
Tôi có một người bạn rất dễ mến, anh ta có đời sống bình thường đơn sơ không biết đua chen, chính vì thế mà đời sống của anh dường như hơi vất vả.
Sau một thời gian không gặp. Một ngày nọ tôi đến thăm, dường như không tin vào những gì mình nhìn thấy. Vẫn con người đó, vẫn phong cách đó, nhưng mà sự nghiệp giờ đây đã hoàn toàn đỗi mới. Nhà cửa không sang trọng lắm, nhưng cũng khang trang sạch đẹp và có được một chút tiện nghi, với mãnh vườn cây ăn trái tạm bảo đảm cho cuộc sống. Thấy sự ngạc nhiên của tôi anh ta cười và bảo: nhờ may mắn.
Anh ít chơi vé số, nhưng anh lại trúng được số đặc biệt, anh chỉ thỉnh thoảng giúp đở khi người bán vé số kêu nài khiến anh phải động lòng. Nhờ đó anh mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Tôi vui mừng với anh. Sau đó mới suy nghĩ: cũng có biết bao người trúng số đặc biệt như anh, hay còn được nhiều hơn anh, thế mà cuộc sống họ vẫn không được ổn định, họ phải lao đao vất vã. Đó là vì họ không biết tận dụng những gì mình có, họ không biết tận dụng dịp may cho đời sống của mình được tốt đẹp hơn.
Chúa Giêsu đã cho hơn 5000 người ăn no, trong khi các môn đệ bất lực muốn trốn chạy trước đám đông, vì sợ trách nhiệm. Ngài đã cho họ ăn no với những gì mà mọi người cho là nhỏ bé không thể làm gì được. Ngài đã nuôi sống họ, trong khi bao nhiêu người dường như tuyệt vọng. Ngài đã cho họ ăn no, vì các Tông Đồ biết tận dụng cơ hội: đó là biết vâng nghe Lời Ngài, biết cộng tác với Ngài. Ngài đã cho họ ăn no và dư thừa, vì có người đã biết đóng góp công sức nhỏ bé của mình với Ngài.
Họ đã đóng góp những chiếc bánh nhỏ để nuôi sống bản thân mà không tiếc nuối. Các Tông Đồ đã biết đóng góp công sức, bằng cách: vâng lời, ổn định trật tự dân chúng và đem phân phát những gì đã lãnh hận từ nơi Ngài. Của ăn Ngài ban luôn luôn dư thừa. Nếu con người biết tìm đến thì không bao giờ phải thiếu. Thế mà trong số những người được ăn no đó, được bao nhiêu người biết Ngài đã nuôi sống họ, được bao nhiêu người ý thức về của ăn mình vừa thưởng thức.
Không phải chỉ những người của ngày xưa mới như thế. Trải qua những năm dài của lịch sử. Những người của thế kỷ XXI cũng như đám đông của ngày xưa: họ cũng có những nỗi lo sợ cho sự thiếu thốn khi nhìn thấy sự bất lực của bản thân. Họ cũng lo sợ khi nhìn thấy trách nhiệm nặng nề trước mắt, nên họ tìm các trốn chạy. Họ sợ mất đi những gì nhỏ bé của mình nên họ không thể đóng góp. Còn hơn thế nữa, vì quá tự hào về sự hiểu biết của bản thân, nên họ không biết lắng nghe, càng không biết vâng phục vì họ cứ cho đó là những điều vô lý. Cũng vì sự ích kỷ, họ không biết phân phát những gì Thiên chúa trao ban và bảo phân phát.
Nên họ vẫn cảm thấy thiếu thốn, đói khát và không thể hành động theo như Lời Chúa bảo, ngay cả nơi những người chung quanh họ, những người mà họ có trách nhiệm cũng thế. Họ không nhận ra được cơ may mà họ có trong tầm tay. Họ cũng không biết dùng những gì mình đã được trao ban cho chính đáng. Của ăn Thiên Chúa ban vẫn dư thừa, trong bất cứ thời đại nào cũng thế. Ngay cả ngày hôm nay cũng vẫn còn có những người biết vâng nghe theo mệnh lệnh Chúa truyền, biết đóng góp phần nhỏ bé của mình, để họ không còn bất lực, không còn lo sợ, không còn trốn tránh trách nhiệm nữa, vì họ đã nếm được của ăn, họ đã tìm được sự sống, họ đã biết được Đấng ban của ăn cho mình.
Tất cả chúng ta đã được nuôi sống trong khi con người hoàn toàn bất lực. Chúng ta đã ăn Bánh Thiên Chúa đã trao ban, chúng ta đã nhận được Hồng Ân nuôi sống. Nhưng chúng ta có khi nào để một chút suy tư vào của ăn mà mình đã từng dùng đến. Một chút nữa đây, trong thánh lễ, chúng ta cũng nhận lấy của ăn, mà trước mắt con người thì đó dường như là một sự bất lực không thể nuôi sống được. Chúng ta có biết đóng góp phần nhỏ bé của mình để bánh nầy trở nên dư thừa trong đời sống của mình. Chúng ta có biết dâng những hy sinh, những khổ nhọc, những nghịch lý trong cuộc đời và hơn nữa chúng ta có biết phân phát những gì cần phải phân phát theo như Lời Chúa truyền dạy. Được như thế là chúng ta biết tận dụng những gì mình đang có, chúng ta biết dùng của ăn cách chính đáng. Đó là chúng ta đã trúng số đặt biệt của Nước Trời.
Xin Chúa cho chúng ta biết tìm của ăn đích thực mang sự sống đời đời cho mỗi người.
17. Bí Tích Thánh Thể
Trước kia khi đọc bài Tin Mừng này thì tôi không thể nào chấp nhận được một người lại lấy máu thịt mình cho người khác ăn được. Tôi cứ thích việc Chúa làm và xem đó như một trò ảo thuật. Nhưng đến ngày hôm nay khi hiểu được thì thật là một mầu nhiệm cao siêu đầy quyền năng của Chúa, qua việc quan tâm đến đám đông và chăm sóc họ một cách rất cụ thể.
Ngày xưa, khi nhìn bằng con mắt quan tâm. Đức Giêsu biết rất rõ đám thính giả của Người đang đói. Một hình ảnh tượng trưng cho cả nhân loại. Người ta nói rằng đám đông ấy đông vô kể. Phần các môn đệ, những người có thể nói chưa quan tâm đủ nên đã nói nên giải tán để cho họ đi vào các làng lân cận mà lo kiếm của ăn. Nhưng Đức Giêsu lại nghĩ khác. Người yêu cầu cho họ ngồi xuống. Chính Người sắp lo liệu cho đám dân này mà Người lại làm công việc đó một cách khiêm tốn. Người đã không coi chuyện năm ổ bánh và hai con cá nghèo nàn mà các môn đệ nói cho biết là chuyện nghiêm chỉnh chăng? Chính những ổ bánh và những con cá này mà Người hóa ra nhiều đấy.
Chúng ta cũng được biết trong trí của Đức Giêsu (việc hóa bánh ra nhiều) là dấu lạ loan báo một của ăn khác. Nếu ta vận dụng ý nghĩa của cử chỉ Chúa làm, thì ta có thể cả quyết rằng phép Thánh Thể cũng như phép lạ ta vừa chứng kiến, không phải là một trò ảo thuật. Việc làm của Đức Giêsu dựa trên việc hiến dâng 5 ổ bánh và 2 con cá. Đó chính là vai trò hết sức chủ động dành cho ta trong phép Thánh Thể. Đức Kitô muốn ghép hồng ân Thánh Thể vào chính bánh và cá cũng như cuộc sống của ta. Thánh Phaolô sẽ nói lên điều đó. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô. Vì thế, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể cũng như mọi bí tích khác, chính chúng ta cũng phải cống hiến 5 ổ bánh và 2 con cái mà ta có. Những thứ đó chẳng là gì sánh với đám đông đang đói lả ngày nay. Tuy nhiên, nếu không có những thứ đó, Bí tích Thánh Thể sẽ chỉ còn là một trò ảo thuật. Đức Giêsu, với quyền năng của Người, Người sẽ biến đổi, sẽ hiến thánh sự nghèo nàn của những việc ta làm và thực tại cuộc sống của ta.
Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất cách tuyệt hảo những gì mà con người có can đảm cống hiến cho người nghèo đang van xin, cho người đau yếu đang rên rỉ, cho tù nhân đang đòi hỏi công lý, cho người cùng khổ đang đau đớn và than khóc. "Điều gì anh em làm cho người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây, là đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
Ngày nay, trong Bí tích Thánh Thể, chính là việc Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào bàn ăn của Người, và việc Người đón tiếp thì rất cụ thể: trong khung cảnh một bữa ăn để ta có cái ăn.
Thiên Chúa tiếp đón chúng ta ở bàn tiệc sự sống của Người. Bánh và rượu được ban để làm cho sự sống của Chúa hoạt động trong ta "trong sinh hoạt thường ngày". Lễ Mình Máu Chúa Kitô còn vọng lại âm thanh của mùa phục sinh vừa mới kết thúc, mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ ra trong việc Đức Giêsu chết và sống lại vì chúng ta. Lễ này cũng nhắc lại sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa, mà ta vừa mới cử hành Chúa nhật vừa qua trong lễ Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu tiếp nhận ta vào sự sống của chính Thiên Chúa. Khi ăn bánh và uống chén rượu, chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là giờ phút để ta "cám ơn", tạ ơn Thiên Chúa.
Trong lễ Mình Máu Chúa hôm nay Thiên Chúa sẽ hoan hỉ khi mọi con cái loài người đều có chỗ ngồi và có của ăn. Và trong "sinh hoạt thường ngày", ai sẽ được trao nhiệm vụ đón tiếp đám đông để nói cho họ về Nước Thiên Chúa? "Anh em hãy cho họ ăn đi". Trọng trách được trao cho các môn đệ. Ân huệ kéo theo nhiệm vụ. Nếu ân huệ là cụ thể, thì nhiệm vụ cũng vậy thôi. Chúa không ngừng hướng dẫn Hội Thánh Người đến với những người đang đói.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tầm quan trọng trong Bí Tích Thánh, để năng nhận lãnh mỗi ngày như của ăn linh hồn không thể thiếu trong cuộc sống. Amen.
18. Corpus Christi - Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Nguồn gốc ngày lễ:
Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.
Lẽ đương nhiên, vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về nguyên nhân hay động lực thúc đẩy làm nên lời thỉnh cầu. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu.
Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài. Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này: thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu; thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức; và thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.
Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh). Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.
Tập quán trên đã được nắm giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi.
Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.
Tuy cũng có những người chống đối và tìm cách loại trừ ngày lễ này khỏi lòng tín hữu, nhưng những cố gắng đó cũng chỉ hoài công. Lịch sử có ghi nhận: trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi Ngày bên Châu âu, quân đội Thuỵ Điển đã bao vây một làng Wuerzburg tại Bavaria. Vị quan chỉ huy đã đưa ra nhiều nghiêm lệnh nhằm khống chế dân chúng. Trong đó có lệnh cấm tổ chức rước kiệu trong ngày lễ Corpus Christi sắp đến.
Các thầy Dòng Camêlô đang cư ngụ trong làng đã phải đối diện với tình hình tiến thoái lưỡng nan: trong khi Thiên Chúa Cha muốn cử hành ngày lễ tôn kính Con Ngài thì vị chỉ huy quân đội Thuỵ Điển lại ngăn cấm, nếu không muốn bị tử hình. Nhưng cuối cùng các vị tu sĩ đã chọn vâng theo ý Thiên Chúa. Thế là một cuộc rước long trọng với linh mục kiệu Thánh Thể từ nhà thờ qua cổng làng đã diễn ra. Lập tức quân đội được phái đến. Súng ống, gươm giáo dàn ra đe doạ.
Không sợ hãi, thầy Agapytus hiên ngang rẽ đám đông tiến lên. Đứng trước hàng quân đang lăm le vũ khí, thầy bảo họ hãy quỳ gối xuống trước Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Lạ lùng thay, cả đoàn binh đã đồng loạt quỳ xuống, không ai dám thi hành lệnh phá hoại cuộc rước của quan chỉ huy! Thế là dân chúng lại tiếp tục hồ hởi cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các nẻo đường đã định. (x. Homilies, Thomas L. Kemp)
Ý nghĩa lễ Corpus Christi:
Lễ Corpus Christi được lập ra để nhắc nhở với người giáo hữu về một tình mến bao la vô tận. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban người Con yêu dấu của Ngài, để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Sự hạ mình từ một Thiên Chúa cao sang xuống mang kiếp người để chia sẻ thân phận khốn cùng và cứu chuộc nhân loại đã là một lối tỏ tình quá sức tưởng tượng. Ấy thế mà, làm như chưa thoả, Thiên Chúa lại còn hạ mình trở thành tấm bánh, vật vô tri vô giác, còn thấp hơn bất cứ một loài thụ sinh nào.
Lắm người cảm nhận mình như là quả banh, cây chổi, viết chì trong tay Chúa. Quả là những tâm tình khiêm hạ đáng quí. Nhưng khi so với sự khiêm hạ của Thiên Chúa khi trở nên tấm bánh nuôi dưỡng tâm hồn người ta thì vẫn là một cách biệt không thể đo lường.
Thánh Bênađô từng nói: “Tình yêu không phân biệt giai cấp.” Còn Thánh Phêrô Kim khẩu thì viết: “Khi yêu, người ta bất luận giàu nghèo, cũng không màng cân xứng, không ngại khó khăn, nhưng miễn sao thoả lòng ao ước là được.” Một linh mục khác cũng nhận xét rằng khi yêu chẳng ai nói với nhau: “Tôi là con nhà giàu, có bằng tiến sĩ vật lý, còn em chỉ là con bé nhà quê ít học, cho nên em phải biết thân biết phận của mình”. Không thế được! “Không thể có thái độ kênh kiệu như thế trong tình yêu chân thật” (Lm. Nguyễn Khảm, Nghe Trong Thinh Lặng). Đúng hơn, người ta sẽ khiêm tốn hạ mình để chỉ thấy người yêu chính là đối tượng duy nhất và tất cả.
Thế ra, vì yêu thương nên Thiên Chúa đã khiêm tốn hạ mình làm người, và hơn thế nữa, Ngài lại còn hạ mình làm thành tấm bánh đơn sơ bé nhỏ cho người ta dễ ăn, hầu được nên một với con người.
Nên một là đặc tính của tình yêu. Có yêu nhau người ta mới muốn nên một và sợ bị chia ly. Thánh Anphong từng suy gẫm rằng: “Vì Chúa khao khát ta rước lấy Ngài trong phép Thánh Thể, nên Ngài mời gọi: ‘Hãy đến ăn bánh Ta ban và uống rượu Ta dọn’ (Cn 9:5). ‘Ăn đi hỡi các bạn. Uống đi! Say đi hỡi các bạn yêu dấu’ (Dc 5:1). Chúa mời gọi ta chưa đủ, Ngài còn ra luật buộc ta nữa: ‘Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta’ (Mt 26:26). Và Ngài hứa ban sự sống đời đời cho những ai chịu lấy Ngài: ‘Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời’ (Ga 6:51). Nếu ta không vâng giữ lời Ngài, thì Ngài ngăm đe: ‘Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình các ngươi’ (Ga 6:53). Tất cả những lời mời gọi, những lời hứa ban, và những lời khuyên răn hiệp cùng ta trong bí tích Thánh Thể, để tình yêu thương được mật thiết hơn”.
Kỳ lạ làm sao tình Chúa yêu nhân thế trong Bí tích Thánh Thể! Nhưng có lẽ cũng kỳ lạ không kém khi con người dửng dưng, lạnh lùng và xem thường việc rước Chúa. Không ít người cảm thấy nguội lạnh, chẳng xứng đáng được Chúa ngự vào. Nhưng những người đó hãy ghi nhớ lời Thánh Catarina Xiêna: “Kẻ nói mình nguội lạnh, không dám rước lễ cũng giống như người biết mình bị cảm lạnh mà không chịu đến lò sưởi ấm, ấy thật là dại dột.” Thế nên, càng biết mình nguội lạnh, khô khan, hay hèn yếu, ta càng phải siêng năng đến gần với lò lửa tình thương đang bừng cháy. Các thánh khuyên ta hãy siêng năng rước lễ vì “một lần rước lễ được nhiều ơn ích hơn một tuần ăn chay” (T. Vincentê Phêriê).
Nếu không thể rước Chúa cách trực tiếp thì cũng hãy rước lễ cách thiêng liêng. Với lòng ước ao rước Chúa cũng đủ để khử trừ mọi tội nhẹ và giữ gìn ta khỏi các tội trọng rồi. Nếu không thể đi dâng Lễ hàng ngày, thì hãy đọc lên lời nguyện “Rước lễ Thiêng liêng” sau đây để lửa mến Chúa được bừng cháy luôn trong tâm hồn: “Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin hãy ngự vào lòng con”.
Xin cho ngày Lễ Corpus Christi đốt lên trong ta ngọn lửa kính mến và lòng khát khao được kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể, hầu sức sống luôn chứa chan và bình an hằng tuôn tràn trong cuộc đời chúng ta.
19. Dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – R. Veritas)
Trong ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hóa nhiều. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn Phúc Âm thuật lại. Đây cũng là một phép lạ công khai trước mặt một số đông người. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng năm ngàn người mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn. Thánh sử Luca nhấn mạnh đến vai trò của nhóm Mười Hai trong phép lạ này. Chính họ đã chủ động xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở. Và Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho nhóm Mười Hai: "Chính các con hãy cho họ ăn". Hãy lo cho họ sau khi đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa, được chữa lành khỏi mọi tật bệnh. Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng và chữa bệnh vàđã thành công. Điều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng chừng ấy thấm vào đâu so với nhu cầu của dân chúng: "Ở nơi thanh vắng này, dù có tiền cũng không mua được đủ bánh". Chúa cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ, để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi sống dân chúng. Các môn đệ, theo lệnh của Chúa Giêsu, đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ. Chính các ông đã trao bánh và cá cho Chúa Giêsu để rồi nhận lại từ tay Ngài và trao cho đám đông. Phép lạ đã xảy ra trên bánh này khi Chúa Giêsu chúc tụng và bẻ ra. Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá đã phát sinh từ hành vi bẻ ra này. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng.
Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy mình đứng trước những nhu cầu lớn lao của con người. Nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt. Hàng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới này. Trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; nếu chúng ta để cho Ngài thánh hóa những cố gắng nhỏ bé của mình; nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tac của Thầy Giêsu đến phục vụ con người, thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới no nê và dư dật, nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa.
Chúng ta đọc lại câu 16 đoạn Tin Mừng trên: "Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đm đông". Khi kể lại cử chỉ của Chúa Giêsu làm lúc lập bí tích Thánh Thể, thánh Maccô cũng sử dụng bốn động từ trên đây. Và trong biến cố hai môn đệ về Emaus, chúng ta cũng thấy thánh Luca dùng lại bốn động từ này: "Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ". Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu. Giáo Hội thời khai sinh hẳn đã thấy sự liên hệ giữa phép lạ bánh hóa nhiều và bí tích Thánh Thể. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đều dùng một cử chỉ mà mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho. Rất có thể ý định lập bí tích Thánh Thể được khơi mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều. Những chiếc bánh vật chất như đã giảm cơn đói cho một số người nhất định trong một thời gian nhất định. Mana ngày xưa trong sa mạc cũng không cho người ta sự sống sau cái chết.
Bữa tiệc ly không phải là một hành vi đột xuất không suy nghĩ trước. Trái lại, Chúa Giêsu đã phải bận tâm với mơ ước nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu: "Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là chén máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con". Chúa Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến để có dịp tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; vào chính bản thân Ngài. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm.
Cựu ước đã hứa rằng trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật. Chúa Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào qua phép lạ bánh hóa nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Khi thông hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh với hình bánh và hình rượu, chúng ta còn cần đến đức tin, chúng ta mong chờ ngày được tham dự bữa tiệc ở Nước Trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài, không qua bức màn đức tin nữa nhưng diện đối diện. Chúa Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong cuộc đời của Ngài. Đời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh. Tấm bánh trong bữa tiệc ly đã trở thành tấm thân Ngài được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết trên thập giá: "Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy". Giáo Hội thời khai sinh đã không quên mệnh lệnh đó, họ tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ bẻ bánh tại các nhà riêng của tín hữu. Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô sơ khai. Nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần.
Xin Chúa giúp chúng ta gặp Ngài trong lễ bẻ bánh.
20. Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
KHI NGƯỜI TA BIẾT CHIA BÁNH CHO NHAU THÌ THẾ GIỚI SẼ KHÔNG CÒN NẠN ĐÓI
Phép lạ bánh là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng cùng thuật lại, và có tác giả thuật đến hai lần như Matthêu (Mt 14, 13-21 và15, 32-38.) và Mác cô (6,35-44 và 8, 1-10) Luca ( 9, 12-17) và Gioan (6, 1-13). Như vậy, chắn chắn sự kiện nầy chứa đựng một nội dung hết sức quan trọng.
Nội dung đó là: khi người ta biết chia bánh cho nhau, thì thế giới sẽ không còn nạn đói.
Tài nguyên trái đất gồm hoa màu ruộng đất, các loài gia súc cầm thú, chim trời cá biển... được Thiên Chúa dựng nên dư thừa để nuôi những cư dân trên mặt đất.
Thế thì tại sao có nhiều người đói?
Sở dĩ có nhiều người đói vì có một số người thu gom cho mình thật nhiều, tích trữ cho mình dư dật nên mới xảy ra tình trạng "người thì ăn không hết, người thì làm không ra".
Một chủ tiệc hào phóng dọn ra một ngàn phần ăn đủ cho một ngàn người ăn uống no say. Nhưng có một số khách mời khoẻ hơn, nhanh tay hơn, chạy vào phòng tiệc vơ vét nhiều thực phẩm cho mình, lại còn tọng đầy những túi mang theo để dành cho ngày mai, cho con cháu... thế là những khách mời đến sau phải đói.
Thế giới hôm nay cũng là một phòng tiệc vĩ đại mà Thiên Chúa dọn sẵn cho mọi người. Lương thực trên đất, dưới biển có dư cho mọi người hưởng dùng. Nếu cùng nhường nhau mà ăn, thì không ai phải thiếu đói.
Nhưng tiếc thay, có những người nắm trong tay những nhà máy lớn, nắm bắt công nghệ tiên tiến nên đã thu vén cho mình dư đầy của cải, khiến cho những người không có phương tiện sản xuất, không thủ đắc những công nghệ mới đành phải chịu cảnh thiếu đói.
Qua phép lạ bánh hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người rằng: nếu ai cũng biết chia sẻ số bánh ít ỏi đang có cho nhau, thì tất cả mọi người đều no đủ, không những no đủ mà còn dư.
Hôm ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu, say mê nghe lời Ngài giảng dạy quên cả giờ về. Khi ngày tàn, nhóm Mười Hai đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ kịp trở về các làng mạc chung quanh kiếm thức ăn, vì hiện nay mọi người đang ở nơi hoang vắng.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ: "Chính anh em hãy cho họ ăn". Các môn đệ đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, lấy gì nuôi đủ cả năm ngàn người ăn?"
Thế rồi "Chúa Giêsu truyền cho dân chúng ngồi xuống, Ngài lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông."
Các môn đệ trố mắt nhìn Chúa Giêsu kinh ngạc! Chừng nầy cá và bánh thì ai ăn ai nhịn? Thôi thì cứ theo lệnh Chúa mà làm. Các vị phân phát phần bánh và cá ít ỏi cho dân. Noi gương các môn đệ, trong đám đông cũng có một số người mang theo chút lương thực dự phòng, cũng mang phần ăn ít ỏi của mình ra mà trao cho người bên cạnh. Thế là người nầy trao qua, người kia chia lại, mọi người tỏ lòng hào phóng với nhau. Và đang khi họ chấp nhận trao phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả năm ngàn người ăn không hết còn dư lại cả mười hai thúng đầy!
Phép lạ nầy cũng như hũ bột của bà goá Sa-rép-ta. Dù đang giữa cơn hạn hán trầm trọng, dù nạn đói hoành hành khắp nơi, dù chỉ còn chút bột ít ỏi trong hũ và chút dầu còm cõi trong bình, bà goá thành Sa-rép-ta vẫn vâng theo lời tiên tri Ê-li-a truyền dạy, đem phần ăn ít ỏi của mình cống hiến cho người khác. Thế là hũ bột không vơi, bình dầu không cạn cho đến khi Chúa cho mưa xuống làm hoa trái tốt tươi. (I Vua 17, 7-16).
Nếu hôm nay, nhân loại biết nghe theo lời Chúa Giêsu: "Các con hãy cho họ ăn" để rồi mọi người biết chia bánh cho người người chung quanh mình, thì chắc chắn nạn đói sẽ không còn tồn tại trên mặt đất nầy.
* * *
Xin mượn lời kể của Mẹ Têrêxa thành Cacutta để thay cho phần kết: Ngày nọ, có một thiếu phụ và tám đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".
Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam