Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1379131

NGÀI LÀ AI?

Ngài là ai? – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Đức Giêsu sống một thời gian dài ở Nadarét, như một người bình thường, một người thợ làm vất vả mới có đủ lương thực sống. Sau ba mươi năm trời, nghe tin Gioan làm phép rửa thống hối tại sông Giordan, Đức Giêsu được thúc đẩy để đi chịu phép rửa, rồi Ngài được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện, Ngài thấy sứ mạng và bắt đầu ra đi rao giảng, thu tập các môn đồ. Hôm nay Tin Mừng cho thấy Ngài xuất hiện ở tiệc cưới Cana.

Đức Maria tin vào Con mình

Đức Maria cảm thông với đôi tân hôn và những người trong gia đình: nếu hết rượu giữa chừng, người ta sẽ đàm tiếu, và gia đình nghèo này làm sao vượt qua được? Đức Maria nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Tại sao Đức Mẹ lại nói với Đức Giêsu? Như thể Đức Mẹ hiểu phản ứng của Đức Giêsu trước những hoàn cảnh như vậy!

Hãy đặt mình vào trường hợp những người ở bên Đức Giêsu và Đức Mẹ lúc đó: họ hiểu gì? Có lẽ họ chẳng hiểu gì! Có thể có người nghĩ: “bà này vô duyên! Họ hết rượu thì kệ họ, con bà làm gì được!” Và Đức Giêsu đã trả lời Đức Mẹ như vậy: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi?”. Tuy vậy, Đức Mẹ vẫn nói với những người giúp việc: “Ngài nói sao cứ làm như vậy”. Đức Maria hiểu Đức Giêsu hơn bất cứ ai, dường như Đức Mẹ biết Đức Giêsu sẽ làm một cái gì đó để cứu gỡ cặp hôn nhân và gia đình trong cảnh khốn cùng này. Quá tuyệt thái độ của hai người hiểu nhau ở đây.

Đức Giêsu đã làm điều Ngài đã làm. Phải chăng vì Đức Mẹ, hay cứ bình thường Ngài phản ứng như vậy? Có thể không vì Đức Mẹ, nhưng Đức Mẹ biết Đức Giêsu sẽ phản ứng trước hoàn cảnh như vậy: Ngài vẫn động lòng trước nỗi khổ của con người.

Các môn đồ tin vào Đức Giêsu

Những người giúp việc biết nước đã biến thành rượu. Người chủ tiệc không biết rượu từ đâu có, nhưng các người giúp việc thì biết. Chắc là những người giúp việc ngạc nhiên và thán phục Đức Giêsu.

Ngài là người của Thiên Chúa, vì đã làm được việc phi thường. Các môn đồ đã tin vào Ngài. Ở vào thời điểm này, chưa có ai biết Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể. Sở dĩ vậy vì người Do Thái tin Thiên Chúa là Đấng duy nhất, họ chưa biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa là Ba Ngôi chỉ được mặc khải nhờ Đức Giêsu sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết mà thôi.

Niềm tin và sự hiểu biết của các tông đồ mỗi ngày mỗi tăng, và cũng có những khủng hoảng như khi Đức Giêsu mặc khải “mình Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”. Một số môn đồ bỏ đi vì thấy lời của Đức Giêsu chói tai quá (Ga.6, 60.67). Cuộc khủng hoảng cao độ nhất là biến cố Đức Giêsu bị giết trên thập giá. Sau khi Đức Giêsu sống lại, nhờ ơn của Thánh Thần các tông đồ đã nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể.

Hồng ân và đặc sủng đều do Thánh Thần

Thánh Phaolô cho biết, tất cả đều do Thánh Thần, ngay cả hồng ân đức tin: “không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà lại không do Thánh Thần” (1Cor.12, 3).

Tất cả đều từ Thiên Chúa mà đến, đều do một Chúa, đều nhờ Thánh Thần. Ơn phục vụ, ơn khôn ngoan, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định các thần, ơn ngôn ngữ, ơn giải thích, v.v… tất cả đều từ Thiên Chúa, đều do Thánh Thần mà có.

Ơn sủng Thiên Chúa đang bao trùm chúng ta. Chúng ta hiện hữu, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, sức khỏe, học hành, hiểu biết, v.v…. tất cả đều bởi Thiên Chúa, đều do Thánh Thần. Chúng ta đang sống trong tình yêu. Hãy nhận biết điều đó, để hạnh phúc và cảm tạ Thiên Chúa.

Chính nhờ Đức Giêsu mà chúng ta có tất cả. Đức Giêsu là qùa tặng qúy nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta, thì Ngài còn gì với chúng ta nữa! Thiên Chúa là quà tặng qúy nhất mà mỗi người chúng ta có, và không ai có thể tước mất được. Tạ ơn Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Bạn có kinh nghiệm về hai người hiểu nhau không? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm đó nếu có thể được.
  2. Bạn có kinh nghiệm (tin) Thiên Chúa yêu bạn, và sẽ làm điều tốt nhất cho bạn không? Bạn có kinh nghiệm “muốn gì Thiên Chúa cũng chiều” bạn không? Xin chia sẻ nếu có thể được.
  3. Điều gì quý nhất với bạn? Bạn hay cầu nguyện để được điều gì nhất? Bạn có hay cầu nguyện xin Chúa ban cho bạn điều bạn cho là qúy nhất không? Nếu không thì tại sao?
  4. Bạn có kinh nghiệm “khủng hoảng đức tin” không? Làm sao bạn vượt qua được?

 

8. Hôn ước giữa Thiên Chúa với loài người

(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

CHÚA GIÊSU HÓA NƯỚC THÀNH RƯỢU

(Ga 2,1-11)

  1. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nghe Thiên Chúa ngỏ lời “tỏ tình” với loài người chúng ta. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa phán: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.

Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào.

  1. Gợi ý sám hối

Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng đáp lại, chúng con yêu thương Chúa quá ít.

Vì yêu thương chúng con nhiều, nên Chúa hy sinh rất nhiều cho chúng con, thậm chí Chúa đã chịu nạn chịu chết vì chúng con. Phần chúng con vì yêu thương Chúa ít nên chúng con ít khi chịu hy sinh vì Chúa.

Yêu thương là cho đi. Chúa yêu thương chúng con vô cùng nên đã ban cho chúng con vộ vàn ơn sủng. Còn chúng con thì chẳng có gì để dâng cho Chúa.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (Is 62,1-5)

Bài thơ này của Đệ Tam Isaia được sáng tác sau khi dân Do Thái được thoát cảnh lưu đày, hồi hương về cố quốc.

Khi nhìn ngược về quá khứ, tác giả hiểu rằng lưu đày là hình phạt xứng đáng đối với tội bất trung của dân. Nhưng khi nhìn vào hiện tại, tác giả cảm nhận được tình yêu nồng nàn của Chúa: dù dân đã phản bội nhưng Chúa vẫn yêu thương. Ngài đã cứu họ khỏi cảnh khốn cùng: “Chẳng còn ai réo tên ngươi là ‘đồ bị ruồng bỏ’, xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bác duyên đơn’. Chẳng những thế, Chúa còn yêu thương họ như người chồng rất mực yêu thương người vợ mới cưới: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.

  1. Đáp ca (Tv 95)

Thánh vịnh 95 là tâm tình của người ý thức tình thương Thiên Chúa: vui mừng, ca tụng và loan báo “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa đã làm”.

  1. Tin Mừng (Ga 2,1-12)

Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là “dấu chỉ đầu tiên” qua đó Chúa Giêsu “bày tỏ vinh quang của Ngài” để cho “các môn đệ tin vào Ngài” (câu 11). Chúa bày tỏ những gì?

  1. Trước hết Ngài cho thấy Ngài là Đấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Trong đám cưới ở Cana, lẽ ra chú rể phải cung cấp đủ rượu cho khách dự tiệc, và như thế bữa tiệc mới vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng chú rể ấy đã không chu toàn. Kẻ cung cấp rượu và làm cho bữa tiệc vui mừng trọn vẹn lại chính là Chúa Giêsu.
  2. Ngài còn cho thấy Ngài đến để thiết lập một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng đã quá lỗi thời của người Do Thái: bài tường thuật có nhắc đến những chum đựng nước để cho người ta thanh tẩy trước khi dự tiệc. Đấy là một tục lệ tiêu biểu của đạo cũ. Hôm nay những chum ấy đã được Chúa Giêsu cho tràn ngập rượu mới, lại là thứ rượu ngon vượt sức tưởng tượng của người ta. Nghĩa là tín ngưỡng mới mà Chúa Giêsu thiết lập vượt xa tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài.
  3. Bài tường thuật cũng nói tới “giờ” (Chúa Giêsu nói với Đức Maria: “Giờ con chưa đến”). “Giờ” là lúc Chúa Giêsu được vinh quang khi chịu chết trên Thập giá để tuôn ơn cứu độ cho loài người. Hôm nay ở Cana, tuy chưa tới “giờ” ấy, nhưng Ngài cũng tỏ chút vinh quang cho các môn đệ và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
  4. Vinh quang Chúa đã được hé lộ trước cũng do công của Đức Maria, kẻ đã tế nhị thấy hoàn cảnh khó khăn của chủ nhà và chủ động đến xin Chúa Giêsu can thiệp.
  5. Bài đọc II (1 Cr 12,4-11) (Chủ đề phụ)

Có nhiều chia rẻ, đố kỵ và tranh chấp trong giáo đoàn Côrintô: người có tài thì khinh chê kẻ khác, kẻ bất tài thì đố kỵ, những kẻ có tài lại ganh ghét nhau.

Thánh Phaolô nhắc cho họ nhớ: (1) tất cả mọi tài năng đều là do Chúa Thánh Thần ban; (2) mà ơn Chúa Thánh Thần ban thì khác nhau nơi mỗi người; (3) và tất cả những ơn ban đó đều nhằm phục vụ lợi ích chung của Giáo Hội.

  1. Gợi ý giảng

* 1. Tình yêu của Chúa

Trong các thứ tình yêu, tình yêu nào nồng nàn tha thiết nhất? Thưa là tình cha mẹ dành cho con cái, và tình vợ chồng đối với nhau. Nếu so sánh hai thứ tình đó với nhau thì tình yêu hôn nhân chắc là mạnh hơn. Bởi đó sách Sáng thế đã viết “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình” (St 2,24). Chúa Giêsu cũng đồng ý như thế nên đã trích dẫn lại câu ấy khi tranh luận với các người biệt phái (Mt 19,5). Cũng vì lý do đó nên khi muốn tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để minh họa.

Trong tình yêu vợ chồng, điều gì đáng quý nhất? Thưa đó là sự hy sinh cho nhau và chung thuỷ với nhau. Hy sinh cho nhau nhiều chừng nào thì đó là bằng chứng yêu thương nhau nhiều chừng ấy. Dù gặp phải bao sóng gió, dù những khuyết điểm lỗi lầm thường xuyên đe dọa, nhưng vợ chồng vẫn yêu thương nhau đến chết, đó mới là tình yêu chân thật vững bền.

Thế nhưng, trong một trăm đôi vợ chồng, có bao nhiêu đôi hy sinh và chung thuỷ được như thế.

Rốt cuộc, dù con người được nếm vị ngọt của nhiều loại tình yêu, nhưng rất nhiều lần cũng phải thất vọng với những tình yêu nhân loại, cho dù đó là tình vợ chồng tha thiết nhất.

Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất: vì yêu thương chúng ta, Chúa Cha đã hy sinh ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta; vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã hy sinh đến nỗi chịu chết vì chúng ta: “Không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người dám thí mạng vì người mình yêu”. Mặt khác, dù loài người luôn phản bội, Thiên Chúa vẫn tha thứ và vẫn cứ yêu. Loài người đã nhiều lần bỏ Chúa, nhưng Chúa không bao giờ bỏ loài người.

Con người là một sinh vật yêu thương: con người cần yêu thương và cần được yêu thương. Chúng ta hãy tìm đến tình yêu Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ chẳng phải thất vọng bao giờ.

* 2. Phép lạ ở Cana

Thời nay đang có một cuộc khủng hoảng về gia đình: số người lập gia đình rồi li dị càng ngày càng nhiều; nhiều người trẻ không muốn lập gia đình; một số người chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung với nhau, đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì mà phải cam kết sống chung suốt đời.

Cuộc sống gia đình quả là rất khó khăn: Ngày mới cưới, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt tình phai, thậm chí còn thiếu rượu. Tình yêu thủy chung, luôn cho đi mà không hề mệt mõi, không ngừng nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Một tình yêu như thế ở thời nay quả là một phép lạ.

Ở Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ như thế: khi người ta thiếu rượu, Ngài đã làm cho có rượu dồi dào; và rượu ấy Ngài đã làm ra từ những chum nước lã. Phép lạ này ngày nay Chúa vẫn tiếp tục làm, cho những ai thực lòng cầu xin Ngài. Tại sao những đôi vợ chồng đang gặp khó khăn không cầu xin phép lạ ấy? Tại sao anh chị em không nhờ Đức Mẹ chuyển lời cầu xin?

* 3. Ý nghĩa sâu xa của phép lạ hóa nước thành rượu

Tin Mừng theo Thánh Gioan thường có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng này, tuy nói về một đám cưới nhưng ý nghĩa không chỉ gói gọn trong đời sống hôn nhân mà bao trùm cả đời sống mọi người; tuy nói về nước hóa thành rượu nhưng chỉ đến tất cả những thứ mà quyền năng Chúa Giêsu có thể biến đổi.

Việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu được Thánh Gioan gọi là “dấu chỉ” và còn là “dấu chỉ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Ngài”. Dấu chỉ là cái gì đó trước mắt chỉ tới cái khác. Cái trước mắt ở Cana là nước thành rượu. Cái khác mà nước thành rượu chỉ tới là gì? Thưa là điều được ngôn sứ Isaia tiên báo trong bài đọc I: đó là ngày mà Thiên Chúa biến đổi cuộc sống con người thành hoan lạc như tiệc cưới: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.

Chúa Giêsu đã đến khai mạc ngày hoan lạc ấy. Ở Naim, Ngài đã biến đổi những giọt nước mắt đau thương của người mẹ khóc con thành những giọt lệ vui mừng khi con mình sống lại. Ở Giêricô, Ngài đã biến đổi cõi lòng héo úa vì ích kỷ của ông Dakêu thành một tâm hồn tươi tốt quãng đại. Cho tới lúc đã bị đóng đinh trên thập giá, Ngài vẫn tiếp tục biến đổi người trộm lành đang tuyệt vọng thành người khách mời đầu tiên dự tiệc thiên quốc. Và nhất là trong biến cố phục sinh, Ngài đã biến đổi sự chết thành sự sống.

Nếu đời bạn đang tẻ nhạt như nước lã. Hãy đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ biến đổi cho nước lã ấy thành rượu ngon tuyệt vời.

* 4. Hạnh phúc mong manh

Ở đất Vũ Bình có giống vượn đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Có hai mẹ con vượn, mẹ thì khôn ngoan, tinh anh, con thì ngây ngô, nhẹ dạ, nhưng lúc nào mẹ con cũng đi bên nhau. Người đi săn không thể nào nhử mồi đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc sát vào đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý thì bắn. Khi vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được, liền vắt sữa ra cho con uống, xong rồi lăn ra chết.

Người đi săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con trông thấy kêu gào thương xót chạy lại gần, người đi săn liền vồ lấy mà bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên, đôi khi lại ôm lấy mẹ kêu gào thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng lăn ra chết.

***

Tình mẫu tử của giống vượn lông đỏ làm cho chúng ta vô cùng xúc động: Tuy nhiên, chúng ta cũng có một người mẹ, hết lòng chăm lo cho từng đứa con còn lớn lao hơn gấp bội. Đó chính là Mẹ Maria.

Có thể nói, một trong những trang đẹp nhất của sách Tin Mừng Gioan, chính là bài tường thuật về “Tiệc cưới Cana”. Chính nơi tiệc cưới này, Mẹ đã bày tỏ thật sâu sắc tình mẫu tử của người.

Theo tập tục Do thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày, nhưng mới đến “ngày thứ ba” thì tiệc cưới Cana đã hết rượu. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối khó xử. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo.

Nhưng lời đáp trả của Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta thật sửng sốt: “Tôi với bà có can chi? Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4). Qua câu này Chúa Giêsu chỉ muốn xác quyết tính siêu việt của Người: Hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha. Chắc Mẹ cũng không hiểu rõ chữ “Giờ” tức là giờ vinh quang của Chúa Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Nhưng Mẹ vẫn một mực hoàn toàn tin tưởng vào Con của Mẹ, Mẹ mong Con làm một điều gì đó: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm.

Thế là Chúa Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiếp. Tuy “Giờ” tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Người muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ Người sắp thực hiện để “Các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11).

Nhờ sự can thiệp của Mẹ mà phép lạ Cana đã được thực hiện, để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở.

Nhờ sự đóng góp của Mẹ mà sáu chum nước lã đã biến thành 700 lít rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn.

Ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa: “Họ hết rượu rồi”.

Để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu.

Để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và thuận hoà yêu thương.

Để cho bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng.

Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã biến nước lã của Cựu ước thành rượu ngon của Tân ước, để mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai; thì ngày nay, Người cũng muốn chúng ta biến cuộc đời lạt lẽo của mình thành rượu nồng tình yêu: yêu Chúa và yêu tha nhân, để mọi người được chan chứa niềm vui cứu độ.

Nếu Chúa Giêsu đã biến thứ nước tẩy uế của Do thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một trật tự mới; thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy biến đổi trái đất này thành một thế giới mới: chân thật, công bằng và yêu thương.

Lạy Chúa, chúng con luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc, nhưng dường như hạnh phúc thật mong manh. Xin Chúa hãy đến dự những bữa tiệc cuộc đời chúng con, để mang lại cho chúng con một hạnh phúc vững bền.

Xin Mẹ Maria luôn là đấng Bầu Cử cho chúng con trước toà Chúa mỗi khi chúng con gặp khó khăn bối rối, nhất là khi chúng con đã vơi cạn rượu nồng tình yêu. Amen. (TP)

* 5. Đức Maria, gương mẫu của sứ vụ

Tin Mừng thánh Gioan chỉ nhắc tới Đức Maria có hai lần: một lần ở Cana lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ, và một lần dưới chân thập giá lúc Ngài hoàn thành sứ vụ. Hai lần ở đầu và cuối, ngụ ý bao hàm tất cả. Các Tin Mừng nhất lãm nói rõ hơn về điều này.

Trong biến cố Truyền tin, khi được hỏi có muốn làm mẹ Đấng Cứu Thế hay không, Người đã bỏ ý riêng sang một bên để quảng đại “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là sẵn sàng gác sang một bên những chương trình riêng của mình, để đáp lại lời Chúa mời hợp tác trong chương trình của Ngài.

Trong biến cố Thăm viếng, khi vừa hay tin người chị họ của mình đã mang thai 6 tháng và đang cần người giúp đỡ, Đức Maria đã vội vã đến nơi. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là phải có sáng kiến: thấy nhu cầu, và mau mắn phục vụ.

Trong biến cố Cana, Đức Mẹ thoáng nhận ra vẻ bối rối của nhà chủ, Người hiểu ngay là họ thiếu rượu, và Người đã xin Con giúp đỡ. Sứ vụ đôi khi cần phải tế nhị: nhận ra điều người ta đang cần, nhưng ý thức rằng bản thân mình không làm gì được, nên giới thiệu cho kẻ có khả năng giúp đỡ.

Trên đồi Golgotha, Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu dấu đang hấp hối, rất đau lòng nhưng chỉ biết lặng thinh. Sứ vụ có khi còn có nghĩa là chấp nhận bất lực không làm gì được, chỉ biết phó thác.

Tất cả chúng ta đều được Chúa trao sứ vụ: sứ vụ đối với gia đình, sứ vụ với Giáo Hội, sứ vụ với xã hội, sứ vụ với tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhìn gương Đức Mẹ và bắt chước Người. (FM)

* 6. Chuyện minh họa

a/ Con sâu trong tảng đá

Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.

Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên: “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.” (Trích “Món quà giáng sinh”)

b/ Cái nhìn của bậc thánh nhân

Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ: từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.

Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.

  1. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chỉ Thiên Chúa mới có thể đem lại cho con người niềm vui chân thật và hạnh phúc trọn vẹn. Tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

  1. Hội thánh là đại gia đình của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi thành viên trong đại gia đình này / không chân thành yêu thương và quảng đại nâng đỡ nhau.
  2. Trên thế giới ngày nay / tình trạng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia đình đang gia tăng đến mức báo động / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các gia đình luôn được hạnh phúc và bình an.
  3. Gia đình tốt thì xã hội và Giáo hội mới tốt được / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các gia đình Kitô hữu / luôn quan tâm giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái của mình.
  4. Một trong những điều kiện hết sức quan trọng / đem lại hạnh phúc lâu dài cho đời sống hôn nhân và gia đình / đó là cần tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị chu đáo trước khi kết hôn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho giới trẻ của giáo xứ chúng ta / biết tích cực tham gia các khóa dự bị hôn nhân / trước khi cử hành bí tích Hôn phối.

Chủ tế: Lạy Chúa, nếu không có Chúa ban ơn giúp sức, chúng con không thể làm được việc gì thành công. Vậy xin thương ban ơn trợ giúp để mọi việc làm của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Chúng con cầu xin.

  1. Trong Thánh Lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho nước hóa thành rượu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria. Giờ đây, chúng ta cũng hãy nhờ Đức Mẹ chuyển cầu và kết hợp tâm tình với Chúa Giêsu, dâng lên Chúa Cha những lời nguyện chân thành của chúng ta.

– Trước kinh Đây Chiên Thiên Chúa: Rượu ở tiệc cưới Cana là hình bóng của Bàn Tiệc Thánh mà chúng ta sắp được tham dự. Chúng ta hãy cảm tạ lòng nhân lành Chúa vì hồng ân này.

VII. Giải tán

Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa qua Thánh lễ vừa tham dự. Giờ đây tuy Thánh lễ sắp kết thúc nhưng chúng ta hãy tiếp tục sống trong tình yêu của Ngài, nhất là hãy trở thành dấu chỉ tình yêu ấy trước mặt mọi người.

 

9. Niềm vui trong thời Đấng Thiên Sai

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Minh Chánh)

1/ Con người sống trên trần gian ngoài cơm áo gạo tiền, danh vọng địa vị, vậy còn có điều gì làm thoả mãn cho cuộc sống nữa hay không? Chắc chắn là có. Bởi những cái mau qua của trần thế không bao giờ đem đến hạnh phúc thật cho con người. Điều mang đến hạnh phúc đích thực cho con người là chính Chúa. Vì thế Chúa chính là nguồn vui của con người, như lời Thánh Vịnh đã nói: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con.” (Tv 43.4) Vì Chúa là sự hoan lạc, cho nên nơi đâu có sự hiện diện của Chúa, thì nơi đó niềm vui cùng với hạnh phúc sẽ dâng trào.

2/ Trang Tin mừng trong thánh lễ hôm nay sẽ là bằng chứng nói lên niềm vui bắt nguồn từ Thiên Chúa:

Trong khung cảnh tiệc cưới tại Cana, ta thấy Chúa Giêsu đã đem niềm vui đến cho gia đình chủ hôn và những người dự tiệc rất nhiều: Trước hết bằng sự hiện diện trong tiệc cưới để chia vui với gia đình chủ hôn, thì Chúa Giêsu đã làm tăng thêm niềm vui cho gia đình này. Thứ đến, niềm vui ấy còn được nhân rộng hơn, không những cho gia đình chủ hôn, mà còn cho Mẹ Maria, các Tông đồ và những thực khách dự tiệc, khi Chúa đã làm dấu lạ hoá nước thành rượi ngon, để nối dài niềm vui cho hết mọi thành phần đang tham dự bữa tiệc hôm nay. Chắc chắn những ai tham dự bữa tiệc có một không hai này, họ rất cảm phục và vui sướng trước việc tốt lành mà Thiên Chúa đã thực hiên cho họ.

3/ Việc Chúa Giêsu hoá nước thành rượu đó là biển hiện thời của Đấng Thiên Sai:

Trong thời hạnh phúc ấy: nước mắt sẽ thay cho tiếng cười, tang chế đau khổ sẽ biến thành niềm vui, mọi người sẽ được Thiên Chúa tiếp đãi bữa tiệc trong Vương quốc của Ngài. Vì thế thật ý nghĩa khi Tiên tri Isaia đã báo trước thời của Đấng Thiên Sai như sau:” Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon….. trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân,và tấm màn trùm lên muôn nước.”(Is 25.6)

4/ Hình ảnh muôn dân được Thiên Chúa quy tụ trên Núi thánh để tiếp đãi bữa tiệc, hay là hình ảnh tiệc cưới tại Cana sau khi Chúa Giêsu hoá nước thành rượu ngon, đó là dấu chỉ báo trước”Giờ” Đức Giêsu sẽ đến sau này. “Giờ” Đức Giêsu đến là “Giờ” gì? Đó không phải là giờ Chúa tiếp tục đãi dân chúng bữa tiệc với thịt béo và rược ngon. Và đó cũng không phải là lúc Chúa Giêsu lại làm dấu lạ hoá nước thành rượu ngon nữa. Nhưng “Giờ’ Chúa Giêsu đến đó là thời gian để Chúa quyết định hoàn tất chương trình cứu độ Chúa Cha đã trao phó. “Giờ” đó chính là lúc Chúa phải đổ máu để rửa sạch tội lỗi con người. “Giờ” đó chính là lúc Chúa phải hy sinh để cứu sống con người.

Nếu như trong nghi lễ thanh tẩy của người Do Thái, máu các con dê, bò được rẩy lên mình những người nhiễm uế để họ được thanh tẩy, thì trong giờ hy sinh của Đức Giêsu, Máu Chúa được đổ ra sẽ mạng lại hiệu lực cho muôn người rất nhiều. Vì nhờ Máu hy sinh của Chúa, nhiều người sẽ được thanh tẩy lương tâm đen tối, nhờ đó “nhiều người được tha tội”.

Nếu như dấu lạ hoá nước thành rượu Chúa đã làm tại tiệc cưới Cana đem lại rất nhiều niềm vui cho nhiều người, thì trong “Giờ” hy sinh của Đức Giêsu, Máu Chúa được đổ ra đem lại niềm vui trọn vẹn đích thực cho hết mọi người. Niềm vui trọn vẹn đích thực đó là niềm vui vì được Chúa Cứu Độ, được ơn Cứu Độ. Vì thế, chén rượu mà Đức Giêsu cầm trên tay để chúc tụng Thiên Chúa trong bữa tiệc Vượt Qua trước lúc Chúa chịu chết, đó chình là chén Máu Chúa đổ ra để cứu độ con người. Chén Máu đó là chén Máu của niềm vui, chén Máu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại.

5/ Ngày hôm nay khi mỗi lần chúng ta đến dâng thánh lễ, đó cũng là thơì gian chúng ta đang chứng kiến “Giờ” hy sinh của Đức Giêsu. Giờ hy sinh của Chúa trong thánh lễ không phải là thời gian của quá khứ, nhưng là “Giờ” hiện tại; “Giờ” thánh hoá chúng ta; “Giờ’ đem đến hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta.

Vậy khi đang sống trong môi trường quá ồn ào, bởi vì người ta đang chạy đua với nhau để tìm kiếm:ảnh hưởng, tiền bạc, lợi nhuận, danh vọng, địa vị, thú vui…… Sống trong môi trường như thế, là người Công giáo chúng ta còn cảm thấy “Giờ” của Chúa còn cần thiết cho cuộc sống nữa hay không? Nếu cảm thấy “Giờ” của Chúa không còn cần thiết, thì đó là sự sai lầm và nguy hiểm nghiêm trọng cho đời sống chúng ta. Chính cái sai lầm và nguy hiểm ấy, nó sẽ lôi kéo chúng ta ra khỏi Bàn tiệc hạnh phúc mai sau trong Vương quốc Thiên Chúa. Còn một khi chúng ta tin rằng “Giờ’của Chúa luôn cần thiết cho cuộc sống, luôn luôn đem lại giá trị cho con người đó là niềm vui hạnh phúc mai sau, thì chúng ta hãy cùng tham dự vào “Giờ” hồng phúc này. Phải gắn liền đời sống với “Giờ” Vượt qua của Chúa hằng ngày trong Thánh lễ, vì “Giờ” Vượt qua của Chúa đó là “Giờ” thánh, “Giờ” biến đổi chúng ta để được nên một vơí Ngài.

Khi ý thức tầm quan trọng “Giờ” cứu độ của Đức Giêsu; mỗi người chúng ta trong cuộc sống hãy “bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa niềm vui của lòng ta”. Đến bàn thờ Thiên Chúa để được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, để “nâng chén mừng ơn cứu độ” mà Chúa ban cho chúng ta. Vì hôm qua, hôm nay và mãi mãi: chỉ có Chúa chính là niềm vui đích thực của đời ta. Amen.

 

10. Tiệc cưới Cana – Lm. Damien OFM

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đề cập đến ba vấn đề, và tất cả đều liên hệ đến tình yêu:

– Con Thiên Chúa nhập cuộc

– Trong tình yêu, người thứ ba là thừa?

– Phép lạ tại Cana, vì người nghèo.

Con Thiên Chúa nhập cuộc.

Chúa Giêsu làm người, một con người trọn vẹn và bình thường như bao nhiêu người khác: cũng lao động, cũng lên Giêrusalem dự lễ như mọi người Do thái khác, cũng đi dự đám cưới của bà con hay của xóm giềng. Chúa sống bình thường đến nỗi không ai nhận ra Chúa, cứ tưởng Ngài cũng chỉ là một con người bình thường và tầm thường như bao con người khác ở cái xứ Galilê nghèo khổ ấy. Ngài đã nhập cuộc một cách trọn vẹn, sống hòa đồng với mọi người giữa một xóm nghèo.

Hôm nay Ngài đi dự đám cưới ở Cana, chắc là đám cưới của một người bà con thân thuộc gì đây, vì cả Đức Mẹ và các môn đệ cũng đi dự. Khi một linh mục hay một Giám mục đi dự một đám cưới, chẳng qua là vì tình nghĩa, chứ không phải vì thích ăn uống. Ở đây Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đến dự đám cưới nầy cũng vì tình nghĩa,vì thương yêu,vì đây có lẽ là một đám cưới nhà nghèo, thiếu rượu nửa chừng! Một đám cưới ở cái xứ Galilê nghèo khổ nầy.

Đọc Phúc Am, thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu được người nầy người nọ mời đi ăn, nhất là Ngài thường hay đồng bàn với người tội lỗi và bọn thu thuế, những con người nghèo về mặt xã hội. Ngài có vẻ thân tình với những lớp người ấy, cho nên người Biệt Phái và Luật sĩ mới chê trách người. Từ đó, chúng ta thấy Ngài cũng có mục đích khi ăn uống ở nhà nầy nhà nọ: “Người bệnh mới cần đến thầy thuốc”; ‘người tội lỗi mới cần cứu vớt’. Hôm nay cũng thế, Ngài đến dự tiệc cưới cũng vì để tỏ tình liên đới với người nghèo.

Trong tình yêu, người thứ ba là thừa?

Trong một vở kịch nói, một thanh niên cùng với một người bạn trai đến chỗ hẹn với cô bồ của mình. Khi người con gái đến, chào hỏi nhau xong, người bạn trai bảo:”Trong tình yêu, người thứ ba là thừa”,nói xong, anh ta bỏ hai người lại, ra đi. Và hai người kia cảm thấy anh nói thế là đúng, nên nhìn nhau mỉm cười, Thầm cám ơn anh bạn tế nhị.

Trong tình yêu nam nữ là thế, nhưng trong hôn nhân công giáo, câu đó có đúng không? Trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, câu đó không luôn luôn đúng, bởi vì trong đám tiệc hôm nay cũng như trong cuộc đời của cặp tân hôn nầy, nếu không có Chúa hiện diện thì không xong rồi: đám cưới gì mà nửa chừng lại hết rượu? Hạnh phúc gia đình gặp xui xẻo ngay từ đầu.

Trong tình yêu gia đình, không chỉ có hai người yêu nhau là có thể tạo hạnh phúc lâu bền cho nhau được. Phải có Chúa hiện diện trong tình yêu ấy. Chuá đã kết hợp họ với nhau để sống hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy thật mong manh, phải có Chúa giữ gìn, ban ơn và che chở họ. Những người đã lập gia đình lâu năm, trải qua kinh nghiệm những khó khăn của đời sống hôn nhân, đều cảm nghiệm được rằng sự hiện diện của Chúa trong tình yêu, trong đời sống gia đình là rất cần thiết. Những gia đình gặp nhiều khó khăn, những cặp bỏ nhau dễ dàng là vì những gia đình ấy thường thiếu đi sự hiện diên của Chúa trong gia đình họ.

Các môn đệ tin Người.

Bài tin Mừng nầy kết thúc bằng câu: “Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên nầy tại Cana xứ Galilê, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.”Theo Gioan, phép lạ đầu tiên nầy là để tỏ vinh quang Chúa, cũng cố niềm tin cho các môn đệ. Chúa đã tỏ mình ra khi ba vua đến thờ lạy, khi Chúa chịu phép rửa, tầng trời mở ra, có tiếng Chuá Cha phán và có Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài, khi Chúa biến hình trên núi Taborê, nay Chuá lại tỏ mình ra bằng một phép lạ nhãn tiền:biến nước thành rượu. Đó là những sự kiện có tính hiển linh, Chúa tỏ mình ra là Thiên Chúa quyền năng.

Suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy Chúa rất gần gũi tôi, nhất là những lúc tôi hay gia đình tôi gặp những chuyện không may hay nghèo khổ thiếu thốn -như đám cưới của đôi tân hết rượu nửa chừng- vì Chúa đã nhập cuộc và hiện diện với tôi trong cuộc sống. Hạnh phúc của tôi và của gia đình tôi tùy thuộc vào việc tôi có biết mời Chúa đến sống trong tôi và gia đình tôi hay không. Va khi có Chuá trong cuộc sống, Chuá luôn luôn sẵn sàng tỏ mình ra với tôi, can thiệp đúng lúc bằng cách nầy hay cách khác, biến những thử thách đau khổ thành niềm vui trong đời.

Thiên Chuá không ở xa.

Ngày xưa có những người đi hành hương từ những nơi rất xa xôi, đến Giêrusalem, đi hết tháng nầy qua tháng khác vừa đi vừa hành khất kiếm ăn dọc đường. Có một người hành hương nọ lên đường, lương thực đem đi đã hết từ lâu rồi, áo quần lem luốc. Ông ta phải đi qua một trường học, nhằm lúc học sinh tan trường. Thấy ông ăn mặc thô hèn,đám học sinh hú nhau: Ê, có một thằng điên anh em ơi! Chúng đuổi theo đằng sau và lấy đất liêng ông.

Ông nhủ thầm: lạy Chúa, con đói gần chết, đã không thương thì chớ, chúng còn chọc ghẹo con, bảo con là điên khùng. Chuá ở đâu, sao cứ làm thinh hoài vậy! Ông đi một quảng nữa gặp một cánh rừng, bụng đói cồn cào, bước đi hết nổi, ông bèn ngồi dưới một gốc cây và thầm thưa với Chúa: Chắc con chết mất Chúa ơi! Sao Chúa không sai một người nào đến cứu con với. Vừa nói xong thì nghe một tiếng đệt, ông quay lại thấy một trái xoài rụng, ông lượm và nhai ngấu nghiến. Mấy con quạ trên cây lại làm rụng hai trái nữa. Ăn hết ba trái xoài và uống một ngụm nước suối, thấy khỏe hẳn lên, ông lại lên đường. Đi hết cánh rừng, ông gặp một con chó. Con chó nhìn ông một lúc rồi vẩy đuôi cúi đầu đi về phía ông. Ông làm quen, xoa đầu nó và biết có chó tức là có nhà gần đâu đây.

Ông theo con chó và đến một căn nhà, gặp một người đàn ông. Sau vài câu chào hỏi, biết ông là khách hành hương, chủ nhà mời ông vào, vì gia đình nầy là người công giáo. Sau bữa cơm chiều, chủ nhà gọi đứa con út là bé Tom đặt ngồi trên bắp vế ông và nói chuyện với khách. Vừa nói chuyện vừa thọc léc và nhéo tai bé Tom, bé Tom vừa cười vừa la lên chí chóe. Chủ nhà nhìn khách cười và nói: “Khi người ta thương nhau thì người ta tự do muốn cư xử với nhau sao cũng được. Và thường thương ai, người ta lại thích làm khổ người mình yêu thương. Nói xong ông lại thọc léc thằng bé làm nó dẫy dụa và la lên. Va khi nghe người khách kể những gì ông gặp trên đường và nỗi thất vọng của ông ta, chủ nhà bảo: “Anh đừng buồn khi người ta cho anh là khùng là điên. Anh đi tìm Chúa tức là anh yêu Chúa. Vì thế Người được tự do gọi anh là khùng là điên: thằng điên của Ta. Đó là cách Chuá tỏ tình với anh đó, ông bạn ạ.

Chúa cũng đã từng tỏ tình với tôi như vậy đó. Anh bảo Chuá bỏ rơi anh ư? Không đâu, Chúa cho các thiên thần đến cứu giúp anh mà anh không biết đó thôi: các chú quạ, chú chó nhà tôi là những thiên thần đã giúp anh đó. Con Thiên Chuá đã mặc lấy xác phàm thì tại sao thiên thần lại không đội lốt con quạ, con chó hay trái cây được, phải không anh?”-Người khách chong tai nghe và trố mắt nhìn chủ nhà, rồi nói: “Cám ơn anh thật nhiều! Anh đã mở mắt cho tôi thấy sự hiện diện của Chuá trong đời.”-Chính Chuá là Đấng chúng ta phải cám ơn. Tôi chỉ là một nông dân thất học mà thôi.-Sau một đêm ngủ ngon, người bộ hành lại lên đường. Chú chó vẩy cái đuôi như chào ông, ông chào lại: “Xin cám ơn chú cẩu thiên thần của tôi”!

 

11. Ân sủng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tất cả là hồng ân. Hồng ân, ân sủng, đặc ân, đặc sủng, quà tặng, tài năng, ân lộc, ân phúc, phúc lộc, thiên tài, an lạc và hạnh phúc đều là những món qùa được trao ban. Người ta thường nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Trải qua bao đời, cha ông của chúng ta đã nghiệm ra rằng con người không thể làm chủ toàn diện đời mình. Trước hết, mỗi người đón nhận hồng ân sự sống để được hiện hữu. Mỗi thụ tạo lãnh nhận một kho tàng mầu nhiệm một cách nhưng không. Người hữu thần tin tưởng vào Thượng Đế, Đấng đã tạo dựng và quan phòng vạn vật muôn loài trong trật tự. Người vô thần cắt đứt nguồn gốc sáng tạo và chỉ chú tâm vào nỗ lực của con người hiện tại. Có người nghĩ rằng với khả năng và nỗ lực tu tâm và tu thân, con người có thể quyết định hoàn toàn số mệnh của mình. Là người trí tuệ, chúng ta nên mở rộng tâm trí để học hỏi và trau dồi kiến thức thêm. Quan sát sự sống muôn loài và vũ trụ vạn vật bao la, điều quan trọng là chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng giòn và rất giới hạn của mình.

Phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Thường Niên giúp chúng ta có một xác tín về ân sủng thiêng liêng. Thiên Chúa sáng tạo, dẫn dắt điều khiển sự vận hành của vũ trụ và sự sống của muôn loài. Con người là tạo vật cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo. Mỗi một con người được tựu thai là một tạo vật hoàn toàn mới và duy nhất. Mọi khả năng tiềm tàng về di truyền đã được in ghi trong từng tế bào của mỗi sự sống. Thượng Đế cho con người có ý chí, lý trí, ước muốn, tự do và khả năng để phát triển tới đỉnh cao. Con người có thể dùng khả năng và nỗ lực quyết tâm tu tâm và tu thân để trở nên con người hữu dụng và trọn hảo. Tiên tri Isaia đã diễn tả: “Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Thiên Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.” (Is 62,3) Đấng Tạo Hoá trao ban cho mỗi loài có khả năng truyền sinh giống nòi theo cách thế riêng biệt. Sự sinh sôi nảy nở và tăng triển thêm nhiều sẽ làm tăng vẻ huy hoàng của vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa đã chúc phúc cho mọi loài được tốt đẹp.

Chúng ta thử suy về nguồn sự sống trong con người cụ thể. Trước khi được hiện hữu, chúng ta chỉ là không. Đã có một khoảnh khắc mỗi người được bắt đầu hiện hữu. Mầu nhiệm sự sống khởi đầu từ sự kết hợp giữa mầm sống từ cha và mẹ. Ôi thật bé nhỏ và nhiệm mầu! Chỉ trong tế bào tí ti đó đã ẩn tàng mọi sự. Sự sống đó không chỉ bắt đầu từ cha và mẹ nhưng nó được nối dài từ thuở tạo dựng. Mầm sống đó được truyền sinh qua vô lượng kiếp. Sự sống phát sinh ra sự sống. Vậy sự sống trong chúng ta đã được truyền sinh qua sự sống của muôn thế hệ cha ông. Cha mẹ cộng tác với Tạo Hoá sáng tạo sự sống nơi mỗi con người một cách đặc thù và riêng biệt. Mỗi cá nhân đều có Deoxyribonucleic acid (DNA) khác nhau và dấu chỉ tay cũng khác biệt. Thật lạ lùng!

Người khôn ngoan và trí tuệ là đừng từ chối điều gì mà mình chưa được học hiểu. Vì càng tìm hiểu và học hỏi, chúng ta càng hiện hữu thêm. Chúng ta biết rằng cả kho tàng kiến thức của loài người góp lại cũng chẳng thấm vào đâu so với sự diễn tiến, hiện hữu và sinh tồn của vũ trụ. Nhiều người có trí khôn hiểu biết còn nông cạn, chưa thấu hiểu được lòng người và cũng chẳng thông suốt thế thái nhân tình, nhưng lại phán quyết nhiều điều vô căn cớ. Có người lại mạnh miệng lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Đấng tác thành mọi sự. Khi không muốn qui phục, người ta chỉ việc đơn giản chối bỏ uy quyền của Thượng Đế và nói rằng mọi sự hiện hữu là tự nhiên mà có. Họ nghĩ rằng những người hữu thần tin vào thượng đế là thiếu trí tuệ và chưa giác ngộ. Đối với họ, thần thánh chỉ như là bánh vẽ hù doạ những người sơ khai và âu trĩ. Có lẽ chính họ còn đang ngồi trong bóng tối của vô minh.

Qua Kinh Thánh mạc khải và quan sát ngắm nhìn sự vạn vần trong vũ trụ, con người nhận ra nguyên nhân cội rễ của muôn loài. Đó chính là nguyên lý nhân quả. Trông quả thì biết cây. Ngày xưa, Thiên Chúa đã chọn một dân riêng để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế. Người đã dùng mọi hình thức cụ thể để tỏ bày sự quan tâm chăm sóc, khế ước yêu thương ràng buộc và sự trung tín trong giao ước. Là Kitô hữu, chúng ta tin và tôn thờ một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương. Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh đôi trai tài gái sắc để diễn tả tình yêu sống động của Đấng Tác Tạo: “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62,5)

Thánh Phaolô phân tích một cách khá rõ ràng về những đặc sủng mà mỗi người được lãnh nhận: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.” (1 Cr 12,4) Quan sát cuộc sống trong bất cứ một nhóm người, một hội, môt tổ chức hay một sinh hoạt chung nào cũng đều có con người có khả năng khác nhau. Mỗi người đều nhận lãnh khả năng để sinh lợi. Thần khí ban cho mỗi người một cách: Người nói tiên tri, kẻ giảng dạy, người được ơn chữa bệnh, kẻ làm phép lạ và người được ơn nói nhiều thứ tiếng… Như trong dụ ngôn về nén bạc, mỗi người đều nhận số vốn khác nhau: Có kẻ nhận 5 nén bạc, người 2 nén và người 1 nén tuỳ theo khả năng. Khả năng, thời gian và tài lực là nguồn vốn của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là mỗi người biết dùng tài năng ân sủng của mình để sinh hoa kết trái. Khả năng như hạt giống được trao, chúng ta phải biết gieo vãi, vun trồng và chăm sóc thì khả năng mới phát triển.

Mỗi cá nhân là một thế giới riêng tư nhưng không thể tách rời. Sống là sống chung, sống cùng và sống với người khác, sự liên đới hỗ tương giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12,7) Không ai nhận ân sủng cho riêng mình nhưng đều vì ích lợi chung. Cuộc sống rất đa dạng. Lịch sử loài người phát triển từng bước liên tục và nối dài. Tất cả thành quả của chất xám tri thức đã đặt nền tảng phát minh trong mọi thời. Nhờ trí khôn, con người đã tìm ra được một số những nguyên nhân ẩn tàng trong thiên nhiên. Mỗi sự phát minh mới đều đặt nền tảng trên các định luật đã có trước. Sứ mệnh của con người là phục vụ lẫn nhau trong khả năng của mình. Con người có muôn trùng khả năng chuyên môn và công việc khác nhau để phục vụ công ích. Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng tin vào một Thiên Chúa: “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.” (1 Cr 12,5)

Chúa Giêsu đầy quyền năng trong ý tưởng, lời nói và việc làm. Chúa đã hiện hữu từ đời đời có uy quyền sáng tạo và biến đổi cả tinh thần lẫn vật chất. Tại tiệc cưới Cana, qua lời khẩn nài của Mẹ Maria, Chúa Giêsu là làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu. Thánh Gioan đã viết: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana, miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” (Ga 2,11) Với sự cộng tác của con người, Chúa đã tỏ quyền năng và vinh quang của Ngài. Ngài không khoe khoang hô lớn nhưng chỉ hành động âm thầm qua những việc rất bình thường của gia nhân: Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng (Ga 2,7). Chỉ có các gia nhân biết sự việc đã xảy ra cũng giống như các mục đồng nhận diện ra Chúa nơi máng cỏ Belem.

Chúng ta hãy đến cùng Đức Maria, Mẹ là Đấng cầu bầu có thần thế trước tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nghe lời của Thân Mẫu Chúa nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,5). Lạy Chúa, Chúa đã biến nước thành rượu ngon, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.

 

12. Hôn nhân không có hôn thú – Lm. Nguyễn Hữu Thy

Ðức Giêsu và các bạn hữu của Người đi tham dự một “Ðám cưới nhà quê” ở Cana. Người ta ăn uống vui chơi suốt cả tuần lễ. Mọi người trong xóm đều có mặt. Và qua bài tường trình của Tin Mừng, người ta cũng biết được là khách khứa đã uống khá nhiều rượu! Vì đây là dịp tốt hiếm hoi của một thôn xóm nghèo nàn hẻo lánh: Hai người bạn trẻ nam-nữ đã quyết định thành lập gia đình riêng, đã muốn cùng nhau tự định đoạt lấy cuộc sống của mình, và một cách công khai trước sự chứng giám của mọi người, nhất là với sự chúc lành của Thiên Chúa. Vì thế cần phải ăn mừng, cần phải ca hát nhảy múa!

Nhưng tình hình ngày nay trên khắp thế giới nói chung và tại Âu Châu, nơi chúng ta đang ở, nói riêng như thế nào?

Lễ Cưới theo truyền thống như từ trước tới nay, đã từ từ trở thành một biến cố “hiếm hoi”. Nhiều thanh niên thiếu nữ ngày nay không muốn chấp nhận đời sống hôn nhân truyền thống bình thường, nghĩa là một đời sống vợ chồng có cưới hỏi đạo-đời đàng hoàng. Họ cho một cuộc sống vợ chồng như thế là “đeo gông vào cổ”, là mất hết tự do cá nhân và ngăn cản sự phát triển bản thân. Trái lại họ chủ trương hai người nam nữ khi yêu nhau, thì sống chung với nhau, chứ không cần cưới hỏi, không cần hôn thú. Ít nhất là phải “thử” trước xem có hợp nhau không đã! Những lý do chính họ đưa ra là:

Người thì bảo: Cưới hỏi để làm gì? Sự quan hệ sống chung của chúng tôi là chuyện hoàn toàn riêng tư của hai chúng tôi, đâu cần chi phải cưới hỏi đạo-đời làm gì! Nếu người ta suy nghĩ một chút, người ta sẽ thấy ngay là ngày nay tất cả mọi lãnh vực trong cuộc sống của chúng ta đều đã được qui định và trở nên khó khăn rắc rối như thế nào, thì người ta sẽ thông cảm được một thái độ như thế. Ít là ở đây, trong lãnh vực hoàn toàn có tính cách riêng tư này, chúng tôi không muốn những người ngoại cuộc “xía vô”.

Tuy nhiên, ở đây người ta cũng phải hỏi ngược lại: Phải chăng phía sau một thái độ như thế lại không ẩn chứa một chủ nghĩa cá nhân quá khích hay sao? Bởi vì, chúng ta không sống lẻ loi trên một hoang đảo như nhân vật tiểu thuyết Robinson, hay trên một hoang đảo chỉ có hai người, nhưng chúng ta sống giữa một chuỗi của các tương quan đa phức: Gia đình, anh em họ hàng, bà con láng giềng, bạn hữu, đồng nghiệp, v.v… Cuộc sống chúng ta nhất thiết phải cần đến những quan hệ đó! Vâng, tình yêu là một điều hoàn toàn riêng tư cá nhân, nhưng chỉ tạm thời! Nếu một khi có điều gì đó không may xảy ra, thì bấy giờ người ta lại phải chạy đến nhờ cậy sự can thiệp và giúp đỡ của những kẻ khác, sự can thiệp và giúp đỡ của xã hội, của chính xã hội mà trước đó đã không được vị nể.

Ðàng khác, những sự kiện vui mừng và quan trọng trong cuộc sống như lễ cưới, ngày khởi đầu cuộc sống chung gia đình giữa hai người nam nữ, người ta cần phải ăn mừng và công khai hóa trước sự chứng giám của xã hội chứ! Thế nhưng có những đôi nam nữ đến tuổi cập kê đã lẳng lặng, đã “không trống không kèn” bỏ nhà cha mẹ cuốn gói đến ở chung với nhau. Nếu người ta đã có đủ lý do để cùng với bạn bè và người thân quen ăn mừng ngày đậu bằng lái xe hay đậu tú tài, ngày sinh nhật thứ mười tám hay ngày thi đậu tốt nghiệp, v.v…thì tại sao người ta lại không muốn cùng với gia đình, bạn bè và mọi người thân quen ăn mừng một biến cố, một gian đoạn vô cùng quan trọng trong cuộc sống, như ngày khởi đầu con đường đời chung giữa hai người nam nữ: Ngày cưới?

Còn những người khác lại nói: Tại sao lại cưới hỏi? Chẳng ích lợi gì! Bởi vì luật pháp ràng buộc trong hôn nhân chỉ là lý do cho người ta ỷ lại hay là phương tiện cho người ta dễ dàng lợi dụng để sống dửng dưng và coi thường nhau. Còn những ai sống chung với nhau mà không cưới hỏi thì luôn luôn phải lo lắng quan tâm đến nhau – vì biết quan hệ của họ không có ràng buộc -, chứ không thể có thái độ hửng hờ hay lạnh nhạt với nhau được. Cả hai phải luôn săn đón và chiều chuộng nhau, phải luôn cố gắng sống sao để có thể lôi cuốn và giữ được nhau. Như thế, sự quan hệ giữa hai người luôn sống động!

Chắc chắn rằng trong quan niệm trên cũng có những nhận xét rất thực tế và đúng đắn. Chúng ta đã biết câu chuyện rất thời danh về “Chiếc va-ly”. Người ta kể rằng: “Có một đôi vợ chồng trẻ, ngay sau ngày cưới, đã lấy tàu lửa đi du lịch đến một tỉnh khác trong nước để hưởng tuần trăng mật. Khi đến nơi đã định đến, cả hai xuống tàu và còn tỏ ra ngượng nghịu, chứ chưa được tự nhiên. Bấy giờ cô vợ ghé tai chồng nói nhỏ: ‘Kìa, người ta ai nấy cứ nhìn chúng mình chằm chặp, làm em ngượng quá. Chúng mình hãy làm ra vẻ là chúng mình đã cưới nhau lâu rồi, đi anh!’ Bấy giờ anh chồng nói với cô vợ: ‘Vậy thì em hãy tự xách lấy va-ly!’“

Vâng, phải chăng mối đe dọa nguy hiểm to lớn nhất đối với mỗi đời sống hôn nhân lại không phải là sự thiếu quan tâm lo lắng lẫn cho nhau sao? Ðó chính là điều các tầng lớp người trẻ nhìn thấy rất rõ. Cụ thể trước mắt họ chính là đời sống hôn nhân của cha mẹ họ, mà họ thường hay gay gắt phê bình chê trách. Sự nguy hiểm của thói quen, của nhàm chán, của sự giận hờn thái quá đến tránh mặt nhau trong đời sống vợ chống, là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng có sự nguy hiểm ngược lại, là: Khi đời sống hôn nhân thiếu đi sự bảo đảm chắc chắn, khi ở chỗ nào đó trong đời sống hôn nhân còn dùng dằng và thiếu rõ ràng dứt khoát, thì bấy giờ một người trong họ lại không có thể dễ dàng bắt chẹt người còn lại bằng những đe dọa cụ thể hay bóng gió, đến nỗi khiến cho người này phải bỏ cuộc – và đây cũng chính là điều chúng ta thường chứng kiến trong cuộc sống thực tế?

Phải chăng đời sống hôn nhân không thể có được sự bảo đảm chắc chắn trước sự hay thay đổi bất thường của tình cảm con người, đến nỗi người vợ hay người chồng – cả trong trường hợp cần thiết và quan trọng – cũng không dám đưa ra những lời phê bình thẳng và thành thật có tính cách xây dựng sao? Phải chăng cả lời thề hôn nhân với sự ràng buộc chặt chẽ của nó mà hai người đã công khai hứa với nhau trong ngày cưới trước sự chứng dám của xã hội, lại không thể giúp cho hai người đứng vững được trong những giai đoạn thử thách và cùng nhau vượt qua được những khó khăn vất vả trong cuộc sống vợ chồng, thay vì vội vàng bỏ cuộc sao? Phải chăng việc loại bỏ sự bảo đảm của định chế pháp luật cho đời sống hôn nhân, lại không phải là một sự phiêu lưu liều lĩnh? Chớ thì trong thực tế, sự bảo đảm đó của pháp luật lại thường đã không mang lại hạnh phúc cho hôn nhân hơn là đổ vỡ sao?

Ðàng khác, ngày nay người ta cũng thường nghe những quan điểm khác nữa, ví dụ: Về đời sống hôn nhân, người ta cần phải sống thử trước đã, để xem liệu hai người có hợp với nhau hay không. Còn nếu hai người nam nữ chỉ chờ vào những ngày cuối tuần hay chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau, thì rất khó lòng biết được con người thật của nhau. Vâng, người ta cần thí nghiệm xem liệu người ta có thể chấp nhận được những va chạm đụng độ cụ thể của cuộc sống hằng ngày hay không, liệu người ta có thể cùng nhau tay trong tay vượt lên trên được những khó khăn thử thách, v.v…! Dĩ nhiên, người ta phải công nhận rằng, quan điểm đó đã nêu lên được những vấn nạn thực tế quan trong.

Tuy nhiên ở đây, người ta cũng phải hỏi ngược lại: Phải chăng những quan niệm tương phản trong vấn đề hôn nhân đã không nêu lên hai tình huống hoàn toàn khác nhau: Một đàng, hai người nam nữ lén lút sống chung “thử” với nhau, chứ không có cưới hỏi phép tắc gì cả; còn đàng khác, hai người nam nữ sống chung với nhau bằng lời thề hứa hôn nhân có tính cách ràng buộc, mà họ cùng công khai tuyên bố trước sự chứng giám của xã hội là họ sẽ trọn đời chung thủy bên nhau dù cho cuộc sống có xoay vần thế nào đi nữa; nhưng nhất là với sự chúc phúc và chuẩn y của Thiên Chúa qua trung gian của Giáo Hội?

Ðứng trước những khó khăn thử thách đầy gian lao chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc sống chung, thì hai kiểu sống chung khác nhau đó đương nhiên sẽ có những thái độ xử sự hoàn toàn khác nhau. Thật vậy, xét về phương diện tâm lý: Phải chăng hoàn cảnh của cặp nam nữ sống chung “thử” với nhau, thì chỉ có thể kêu mời sự ý thức tự nguyện của các đương sự, chứ không thể bó buộc họ phải nỗ lực thích ứng và phải cư xử tốt, đúng với sự thể? Những cặp nam nữ đó sẽ xử sự ra sao khi họ không thể cầm cự được với sự thử thách như thế? Dĩ nhiên hậu quả cũng sẽ xảy ra tương tự như ly dị, chia tay, v.v…, với tất cả những hâu quả nghiêm trọng của nó, như: Ðau khổ, thất vọng, chua xót, chán chường, nhất là thiếu trách nhiệm đối với nhau và không được pháp luật bênh vực; đó là chưa nói đến yếu tố quan trọng khác: con cái!

Thật ra, khi phải đối mặt với những đời sống hôn nhân bất hạnh và bị đổ vỡ, người ta rất dễ thông cảm được thái độ sợ hãi của một số không nhỏ những bạn trẻ, đã không muốn ràng buộc mình suốt đời vào cuộc sống hôn nhân. Những câu hỏi họ thường đặt ra là: Phải chăng lời hứa trọn đời chung thủy lại không có nghĩa là một sự đòi hỏi quá sức? Ai có thể quả quyết được là rồi đây – trong mười, mười lăm hay hai mươi năm về sau – người bạn đời của tôi, và cả chính tôi nữa, sẽ phát triển ra sao đây? Và liệu cả hai chúng tôi còn có thể hợp với nhau nữa không? Liệu chúng tôi còn có thể sống hạnh phúc với nhau nữa không?

Như đã nói trên, ngày nay nhiều thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành đã tự tiện sống chung với nhau mà không cưới hỏi, không có hôn thú. Ngay cả những gia đình đạo đức sốt sắng cũng không tránh khỏi những thách đố đó. Họ đau khổ nhiều và không biết phải xử sự ra sao nữa! Hy vọng những suy tư sau đây có thể giúp cho họ có thêm ý tưởng chăng:

Nhiều bạn thanh niên thiếu nữ hoàn toàn chắc chắn và chân thành xác tín rằng, họ hành động như thế là đúng. Và dù chính tôi có nhận xét ngược lại, tôi cũng phải công nhận và kính trọng sự chân thành chủ quan trong sự quyết định của họ. Phải chăng các người bạn trẻ ngày nay đã không còn sự nhận thức và cảm giác là mình đã làm một điều gì đó sai? Tôi không tin thế!

Vì thế lời góp ý của tôi là: Thưa các bậc cha mẹ, xin quí vị hãy luôn bình tĩnh, nhẫn nại, quảng đại và tiếp tục giữ quan hệ tốt với con cái mình trong mọi trường hợp, nhất là luôn luôn phải thành tâm thương yêu con cái. Ðó là sự giúp đỡ tốt nhất mà quí vị có thể dành cho con cái, hầu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho chúng biết nhìn ra được đâu là phải hay trái, tốt hay xấu, đúng hay sai, trong hành động và trong quyết định của chúng. Ðừng bao giờ có thái độ quá khích đối với con cái, để không xô đẩy chúng vào những hành động quá khích và những quyết chủ quan sai lạc! Sớm hay muộn, con cái cũng sẽ hiểu ra được quan điểm đúng đắn của cha mẹ mình; dĩ nhiên thái độ của cha mẹ phải luôn minh bạch và dứt khoát.

Nói chung, đối với các thanh niên thiếu nữ, nếu người ta luôn luôn chỉ biết chiều chuộng một cách thái quá, cốt sao để lấy lòng chúng, hay ngược lại, chỉ lạnh lùng từ chối hay phê bình phủ nhận một chiều, thì thường không thể mang lại được hiệu quả tích cực. Trái lại, cả hai thái độ đó chỉ gây thêm sự xa lạ và thất bại chua cay!

Vậy câu hỏi vẫn được đặt ra là: Cha mẹ cần phải xử sự ra sao khi con cái họ nhất định không chấp nhận đời sống hôn nhân cổ truyền, bất chấp cả xã hội lẫn Giáo Hội, và chung sống với nhau theo phong trào tự do “hôn nhân không có hôn thú”?

Sự góp ý sau đây của tôi mang dạng thức những câu hỏi, để các bậc cha mẹ suy tư và tìm ra câu trả lời: Ðiều gì thực sự tốt đối với hai người thanh niên thiếu nữ trong hoàn cảnh cụ thể hiện tại của họ? Ðâu là cách tốt nhất để tôi có thể giúp đỡ cho sự quan hệ của họ được thành công? Hy vọng rằng, những câu hỏi đó cũng là những câu hỏi mà các bậc cha mẹ đang trong hoàn cảnh tương tự cần đặt ra cho mình. Tôi xin nhắc lại là: Với tình thương yêu chân thành, lòng nhân hậu bao dung và sự thông cảm hiểu biết lành mạnh, v.v… người ta có thể nâng đỡ họ một cách tốt nhất!

Tiếp đến tôi cũng thành thật góp ý với các bạn trẻ thế này: Các bạn hãy cư xử với ý thức trách nhiệm trong những quan hệ của mình. Ai thật lòng yêu một người, thì cũng phải có trách nhiệm đối với người đó. Không ai có quyền lợi dụng tình cảm và sự tin tưởng của kẻ khác.

Ở đây, tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện mà chính tôi đã chứng kiến cách đây khá lâu, một câu chuyện mà theo tôi là không được phép xảy bất cứ nơi đâu nữa. Ðó là trường hợp hai bạn nam-nữ trẻ mà tôi cứ đinh ninh là mọi sự sẽ tốt đẹp xuôi chảy, vì họ hội đủ hầu như tất cả những điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống chung hạnh phúc. Vâng, họ đã đầu tư rất nhiều vào sự quan hệ của họ. Cả hai đã trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Và nay con đường đời chung cho cả hai như đã được mở rộng trước mắt họ. Thế nhưng, bổng nhiên qua một quan hệ tình cờ và ngắn ngủi với một người đàn ông khác, và kết quả là người bạn gái mang thai. Bấy giờ tình huống đã trở nên hoàn toàn phức tạp và vô cùng khó xử: Một đàng, người đàn bà và đứa con; đàng khác, người đàn ông mà nàng vẫn luôn luôn yêu thương hết lòng; một đàng khác nữa, người đàn ông đã cho nàng đứa con và cũng không muốn bỏ nàng! Một cuộc sống bị giằng co níu kéo giữ bốn người như thế, thật vô cùng nặng nề và vô cùng rắc rối khó xử!

Qua đó, chúng ta thấy được một điều quá hiển nhiên, là: Trên một sân chơi mà người ta không tôn trọng luật chơi, thì sẽ bị loại ra khỏi sân, chứ không thể tiếp tục cuộc chơi được nữa! Sống trong một xã hội mà người ta không tôn trọng luật lệ của xã hội, thì sẽ bị xã hội đào thải và sẽ rơi vào cảnh đời bất hạnh, “tiến thoái lưỡng nan”. Hơn nữa, chính lý trí và luân lý là hai yếu tố phân biệt con người với các thụ tạo khác. Và sau cùng, để một sự quan hệ được thành công, cần phải có sự ý thức trách nhiệm, lòng trung thành, sự thông cảm và sự tha thứ, nhất là đức tin vào Thiên Chúa. Amen.

 

13. Chúa Nhật 2 Thường Niên

Ai trong chúng ta cũng từng dự lễ cưới, chúng ta thường nghe người ta chúc cô dâu chú rể “trăm năm hạnh phúc”. Người ta mong được “trăm năm” đồng nghĩa hạnh phúc mãi mãi. Trong thực tế, gia đình có được hạnh phúc đã là khó, hạnh phúc trăm năm lại càng khó hơn. Hơn thế nữa, đời sống của mỗi người chúng ta như một tiệc cưới. Có phải trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng luôn có được niềm vui, có được hạnh phúc như trong một tiệc cưới không?

Tiệc cưới ở Cana phút chốc đã lâm vào cảnh bế tắc. Tiệc đang vui, mọi người đang mời nhau ly rượu mừng nhưng bỗng “hết rượu”. Còn gì buồn cho bằng. Hết rượu là điều mà chủ nhà không ngờ và cũng không muốn nhưng ông đang phải đối mặt. Việc thiếu rượu trong tiệc cưới ở Cana có thể đó là những thiếu thốn trong gia đình chúng ta. Thực tế mà nói, mỗi gia đình thường thiếu một cái gì đó vào một lúc nào đó trong đời sống hôn nhân gia đình: thiếu kiên nhẫn, thiếu hiểu nhau, thiếu thông cảm…thiếu ngay cả tình yêu, như giữa bữa tiệc thiếu rượu vậy. Có thể những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, không đủ tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật. Quan trọng hơn là những thiếu thốn về tinh thần: vợ chồng thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho nhau; cha mẹ thiếu những lời dạy dỗ khuyên bảo con cái; con cái thiếu kính trọng, vâng lời cha mẹ; anh chị em không nhường nhịn tôn trọng lẫn nhau. Nhưng cái thiếu thốn trầm trọng nhất là thiếu lòng đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu sự công bằng bác ái, thiếu tinh thần sống đạo.

Những thiếu thốn trên dễ dàng đưa đến những bất hoà với nhau, xích mích, giận hờn, ghen ghét, gia đình ngột ngạt. Gia đình giờ đây không còn ạnh phúc nữa, hay đúng hơn tổ ấm giờ đây trở thành chốn “ngục tù” của nhau. Vì thế, làm sao có được hạnh phúc gia đình khi người chồng, người cha sáng say chiều xỉn, còn người vợ, người mẹ trở nên cau có, hay quát mắng, những đứa con không còn ngoan ngoãn nữa.

Vì thế, có phải khi lâm vào những bế tắc như trên, chúng ta không còn cách để tìm lại hạnh phúc gia đình? Phúc âm cho chúng ta lời giải đáp. Trong tiệc cưới Cana có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Ngài nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa dành chúng ta. Thiên Chúa như một người cha, người bạn thân thiết của chúng ta. Ngài gần gũi, thân tình, đồng hành và chia sẻ buồn vui với con người. Nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu, gia đình Cana mới thoát khỏi một bất hạnh nước đã hoá rượu ngon.

Mỗi người chúng ta cũng sẽ vượt qua những thiếu thốn những khó khăn trong gia đình, trong cuộc sống của mình khi chúng ta dám để Chúa đến với gia đình, với cuộc sống của mình. Sự hiện diện của Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua những trở ngại, những khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Chúng ta hết tiền, không có việc làm, thiếu sức khỏe…hãy mời Chúa Giêsu đến, như đôi tân hôn ở Cana, chúng ta sẽ được giúp đỡ những gì chúng ta cần để chúng ta hạnh phúc. Kế đến, chúng ta phải lắng nghe và thực hành ý Chúa “Người bảo gì các anh phải làm theo”. Muốn giữ vững hạnh phúc gia đình mỗi người trong chúng ta hãy làm theo Lời Chúa dạy. Hãy mở lòng ra để Lời Chúa hướng dẫn. Đồng thời, trong mọi công việc chúng ta làm hãy để Chúa giúp chúng ta. Thực hành Lời Chúa, gia đình chúng ta sẽ vượt qua những thiếu thốn, những khó khăn. Hơn nữa, chúng ta cũng đừng quên vai trò của Đức Maria trong phép lạ hôm nay. Nhờ sự can thiệp của Mẹ mà phép lạ đã được thực hiện để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở. Ngày nay Đức Mẹ vẫn còn nói với Chúa Giêsu giúp chúng ta: “họ hết rượu rồi”.

Giáo dân Châu Âu xưa kia có một câu tục ngữ như thế này: “Nếu bạn đi du lịch bằng đường bộ, bạn hãy đọc một kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi du lịch bằng đường biển, bạn hãy đọc hai kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi cưới vợ, lấy chồng, bạn hãy đọc một trăm kinh Kính Mừng”. Phải, đời sống chúng ta không phải chỉ là một chuyến du lịch mà là cả một cuộc hành trình đến mãn đời. Không có sự hiện của Chúa, không có Đức Mẹ, chúng ta khó vượt qua khó khăn, trắc trở và sống vui tươi được và nhất là sống yêu thương tha nhân được.

Thiên Chúa nhập thể vì yêu thương nhân loại, để nhân loại sống hợp nhất và yêu thương. Tình thương yêu là cái gì tự nhiên nhất của con người. Giận ghét, oán thù, chia rẽ, phân ly là tình trạng bất bình thường. Mỗi người phải tìm cách giàn xếp để yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau. Nếu chúng ta không mời Chúa Giêsu đến trong gia đình chúng ta, gia đình sẽ có nguy cơ cạn dần thứ rượu nồng của tình yêu. Chúa Giêsu phải luôn có mặt trong gia đình và mọi người trong gia đình phải biết sống với Ngài, yêu mến Ngài, kính trọng Ngài như một Thượng Khách, thì tình yêu thương giữa mọi người sẽ như thứ rượu mới luôn luôn đầy tràn và đời sống gia đình sẽ là nguồn vui và hạnh phúc. Chúa biến nước lã thành rượu ngon thì Chúa cũng mời gọi chúng ta biến đổi cuộc đời nhạt nhẽo này thành rượu nồng tình yêu, yêu chúa và yêu người bằng cách sống yêu thương để mọi người được chan chứa niềm vui cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến thăm và chúc phúc cho gia đình chúng con để chúng con tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Và trên hết, xin Chúa hãy chúc lành cho mỗi người trong gia đình chúng con, để tâm trí chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, đôi tay luôn biết rộng mở yêu thương cho tha nhân, và trái tim luôn luôn biết hướng về Chúa. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ