Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1376801

NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG

NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Lời Chúa chúng ta vừa nghe: “Thầy mang lửa xuống thế gian và Thầy ước mong ngọn lửa ấy bừng cháy lên”, đó là tâm nguyện của Đức Giêsu. Thế giới này ví tựa như một ngôi đền thờ rộng lớn, bổn phận mỗi người cần phải đặt vào đó một ngọn lửa, để thế giới này bừng sáng lên tình Chúa tình người.

Thế thì, ngọn lửa mà Đức Giêsu mang vào thế giới này là ngọn lửa nào? Thưa, chính là ngọn lửa tình yêu bừng cháy từ trái tim của Ngài. Thật vậy, vì yêu thương nhân loại sống trong bóng tối sự chết, Đức Giêsu từ bỏ từ trời cao xuống đất thấp để thắp lên ngọn lửa yêu thương; ngọn lửa của lòng thương xót; ngọn lửa phục vụ đến nỗi hiến thân mình chịu chết, để rồi từ cõi chết sống lại, Ngài xua tan bóng tối tử thần đem lại sự sống mới cho nhân loại.

Thời Cựu ước, Thiên Chúa Giavê đã hiện ra với ông Môsê trong bụi gai bốc cháy, và trao sứ mạng cho ông dẫn đưa dân Israel ra khỏi ách nô lệ Aicập – thì nay Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta ra đi thắp sáng niềm tin cho những người chưa nhận biết Chúa.

Đức Giêsu đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục sinh, và sai các môn đệ đi làm chứng cho Tin mừng – nay Chúa cũng sai chúng ta ra đi xua tan bóng tối của bất công, hận thù, chia rẽ, để thay vào đó ánh sáng của tình thương.

Xưa kia ngọn lửa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ, biến đổi họ trở thành chứng nhân Tin mừng – ngày nay chúng ta cũng được mời gọi mang ngọn lửa tình yêu để sưởi ấm những tâm hồn đau thương khốn khổ.

Xưa kia tâm hồn hai môn đệ đi làng Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Thánh kinh, ước gì tâm hồn chúng ta cũng được ấm áp lên mỗi khi nghe lời Chúa dạy bảo.

Nếu nhân loại ngày hôm nay cần cơm bánh để sống còn, thì cũng cần tình thương để tồn tại. Nếu con người cần tấm áo để che thân, thì cũng cần tình thương để sưởi ấm cho nhau.

Khi người Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng tình thương đã bừng lên như tình anh em ruột thịt. Ước gì, chúng ta hãy là những Samaria nhân hậu, đưa những nạn nhân về quán trọ của lòng mình, bằng đôi tay rộng mở, với tấm lòng yêu thương giúp đỡ, hay ít nhất là một lời cầu nguyện cho những người kém may mắn đó.

Anh chị em thân mến,

Ngọn lửa yêu thương Đức Giêsu đã thắp sáng trần gian, và Ngài ước mong chúng ta tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu thương ấy cho thế giới.

 Giáo hội hơn 2.000 năm qua, đã có nhiều tấm lòng vàng như thánh Gioan Thiên Chúa; như mẹ thánh Têrêsa Cancutta, như thánh Gioan Phaolô II, như các chiến sĩ truyền giáo, những người âm thầm phục vụ trong các mái ấm tình thương… Như vậy, ngọn lửa ấy đã có rồi, nhưng còn nhiều giới hạn.

Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thời đại, mà dường như không thiếu thứ gì, duy chỉ có tình yêu, tình người và lòng thương cảm đối với nhau ngày càng thiếu vắng, vì “căn bệnh vô cảm” đang lan tràn khắp nơi. Tin tức mỗi ngày cho chúng ta nghe thấy, đó đây vẫn còn chiến tranh, hận thù, nạn kỳ thị chủng tộc màu da và tôn giáo. Như vậy, nhiều nơi bóng tối thiếu tình người vẫn còn che phủ.

Trong một thời đại như thế, lời mời gọi của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay vẫn còn mang tính thời sự, như một hồi chuông gióng lên, thức tỉnh xã hội, cách riêng những người mang danh mình là Kitô hữu, hãy cùng nhau xây đắp một nền văn minh tình thương và lòng thương xót.

Bởi vì, chỉ có lòng thương xót mới thực sự là ngọn lửa thắp lên để sưởi ấm lòng người; chỉ có lòng thương xót mới có thể vực con người đứng dậy, trở về với Thiên Chúa sau những vấp ngã, đau thương trên cuộc đời này.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, hãy mở rộng tâm hồn và thắp lên ngọn lửa yêu thương, xoá đi những ích kỷ nhỏ nhen, để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự con cùng một Cha trên trời.

Ước gì, chúng ta hãy siêng năng đến kín múc ngọn lửa yêu thương từ nơi Thánh Thể Chúa, để rồi chúng ta đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Lạy Chúa, xin đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Xin Chúa soi sáng những tâm hồn còn ngồi trong bóng tối tăm, sưởi ấm những tâm hồn lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng chai đá, để mọi người trên trái đất này cảm nghiệm được ánh lửa yêu thương của Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- NĂM C

NƯỚC, LỬA VÀ SỰ CHIA RẼ – Lm. Phạm Ngọc Kôn

Hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu quả là một cuộc phiêu lưu và mạo hiểm. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đề cập đến những thử thách, những nguy cơ và số phận của những ai mạo hiểm bước theo Người. Rồi đây những ai bước theo Chúa Giêsu không thể không bước qua những gian nan khốn khổ, những bách hại như Người đã đi qua…

Tâm sự với các môn đệ, Chúa Giêsu thao thức về ngọn lửa mà Người đem đến thế gian phải chi đã bùng lên để kiện toàn nhân trần. Chúa Giêsu muốn tâm sự với các môn đệ về ngọn lửa nào đây?

Rất có thể đây là ngọn lửa phán xét của Thiên Chúa công minh chính trực. Kinh thánh nói nhiều đến sự hiện diện của Đấng sẽ đến xét xử trần gian là Đức Kytô. Thật thế, trọn đời sống cùng với những giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã “ném” vào thế gian ngọn lửa vạch trần những mưu mô thâm độc của ác thần, những áp bức bất công, những mâu thuẫn xảy ra trong đời sống con người. Tất cả những điều ấy như những tiếng chuông cảnh tỉnh lòng người, giúp họ sớm quay về nẻo chính đường ngay mà phụng sự Thiên Chúa.

Ngọn lửa đó cũng có thể là ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Và Người hằng tha thiết mong chờ con người đáp lại tình yêu đó bằng ngọn lửa nồng cháy. Ngọn lửa tình yêu đó chính là đời sống đức tin, đời sống chứng nhân Tin mừng. Thiên Chúa ước mong ngọn lửa tình yêu đó ngày một cháy lên trong tâm hồn mọi tín hữu để danh Chúa được hiển vinh.

Sau hết, đó cũng là ngọn lửa của Thần Khí Thiên Chúa đến hâm nóng giáo hội trong ngày lễ Ngũ Tuần. Thật thế, hội thánh Chúa khai sinh trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống- ngày mà các môn đệ đón nhận Chúa Thánh Thần dưới hình lưỡi lửa ngự xuống trên đầu các ông. Nhờ ngọn lửa này, giáo hội Chúa ngày một lan rộng khắp hoàn cầu và sẽ còn lan rộng mãi cho đến ngày Chúa lại đến.

Liền sau đó, Chúa Giêsu nói đến phép rửa mà Người sắp phải chịu. Hành trình lên Giêrusalem của Chúa chính là để lãnh nhận phép rửa này. Phép rửa đó chính là giờ phút Người sẽ trải qua trong giờ tử đạo. Đồng thời, phép rửa này cũng là cuộc vượt qua không chỉ cho Chúa Giêsu mà còn cho các môn đệ cũng như cho hết những ai bước theo Người. Những ai theo Chúa trong đức tin không thể không uống chén đắng mà Chúa sẽ uống và chịu phép rửa mà Người sẽ phải chịu trong ngày khổ nạn. Như thế đã rõ, những gì Chúa Giêsu phải trải qua trong sứ vụ của Người, đến lượt những ai tiếp bước theo Người, cũng sẽ trải qua những thử thách như thế trên lộ trình họ sẽ bước qua.

Sau hết, Chúa Giêsu đề cập đến sự “chia rẽ” mà Người sẽ mang đến cho trần gian. Điều xem có vẻ nghịch lý trong câu nói của Chúa Giêsu nhưng lại là chân lý cho những ai chấp nhận giáo huấn và bước theo đời sống của Người. Thật vậy, bình an mà Chúa Giêsu nói đến không phải là thứ bình an dễ dãi theo kiểu trần thế mà các ngôn sứ giả không ngừng loan báo. Đó là bình an của nước Thiên Chúa và con người chỉ có thể đạt đến thông qua khổ giá. Con người được kêu mời lựa chọn thái độ sống của mình đối với Chúa Kytô. Họ có thể bước theo hoặc chống lại đường lối của Chúa. Và, sự lựa chọn này chắc chắn sẽ gây ra sự chia rẽ ngay trong chính gia đình, trong mỗi cộng đoàn. Ngay chính con người và giáo huấn của Chúa Giêsu cũng trở thành “cớ” gây nên sự chia rẽ và xáo trộn. Thật thế, nếu lời giáo huấn của Chúa làm cho nhiều người tội lỗi tin theo thì bao nhiêu ông Pharisêu lại ra sức chống đối Người bấy nhiêu; lời giảng của Người về vấn đề giàu nghèo, công bình xã hội được giới bần nông ủng hộ bao nhiêu thì các phú hộ giàu có lại nổi giận, xa lánh Người bấy nhiêu. Hơn ai hết, các môn đệ cũng như giáo hội tiên khởi đã nếm trải kinh nghiệm này khi họ từ bỏ Dothái giáo để bước theo Chúa Kytô, họ đã bị gia đình, bạn bè, láng giềng thù ghét thoá mạ. Chắc một điều, vì Chúa Kytô, giáo hội Chúa vẫn còn và sẽ mãi còn những kiểu “chia rẽ” như vậy.

Khi cổ võ cho hoà bình và công lý, khi cố gắng để xây dựng bình an đích thực trong trái tim con người, môn đệ Chúa Kytô có thể sẽ bị thế gian thù ghét và gán cho tội danh là kẻ phản nghịch. Nhưng chúng ta hãy an tâm và tin tưởng. Vì chính sự thù ghét của thế gian lại là phần thưởng nước trời cao quý nhất mà Chúa muốn ban tặng cho chúng ta trong đời sống mai sau.

home Mục lục Lưu trữ