Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 55
Tổng truy cập: 1377524
Ngôn ngữ của con tim
Ngôn ngữ của con tim – Jean Ralté
Từ cuộc sống
Thật dễ nhận ra rằng càng ngày người ta càng đi tìm kiếm một cái gì đó, một lời gần gũi mình trong cuộc sống. Không ai còn thích nghe những diễn từ bóng bẩy, những lời hay ý đẹp cao siêu, như những đám mây. Chúng ta hết thảy đều tìm kiếm một lời nhanh chóng đưa đến hành động. Thế giới chúng ta khao khát những gì cụ thể. Đây là một thế giới đòi hỏi có những người biết làm chứng bằng chính cuộc đời mình trước khi làm chứng bằng lời nói.
Ngôn ngữ của con tim.
Cuộc sống của Chúa Giêsu đáp ứng sự mong chờ của loài người. Ngài không nói ngôn ngữ của những triết gia nay của những nhà thần học hoặc của các tư tế và ký lục ở thời đại của Ngài. Người con trai bác thợ mộc nói ngôn ngữ của con tim. Khi Ngài đến với con người, Ngài gặp họ trong toàn bộ con người của họ, thân xác và tinh thần. Ngài không tách rời giữa lời nói và hành động. Trước khi đến hội đường Caphanaum, Chúa Giêsu đã đến nhà ông Simon và Anrê. Ngài vừa mới đến thì người ta nói với Ngài về một người bệnh. Nhạc mẫu của ông Simon lên cơn sốt. Có lẽ nếu Chúa Giêsu chấp nhận nói chuyện với bà thì điều này sẽ an ủi bà chăng? Nhưng Chúa Giêsu còn làm nhiều hơn thế nữa: Ngài nói với bà bằng ngôn ngữ của con tim. Không một lời, Ngài đến bên cạnh bà, nắm tay và làm cho bà chỗi dậy. Ngài không cần lời nói. Cử chỉ của Ngài nói đủ rồi. Ngài chữa lành bà cả hồn lẫn xác.
Được khỏi sự dữ đã giam hãm bà, nhạc mẫu của ông Simon liền phục vụ những người khách của ông. Cử chỉ của bà làm chứng cho niềm tri ân đối với việc loan báo Tin Mừng vừa được thể hiện. Đến lượt bà, bà cũng nói ngôn ngữ của Chúa Giêsu, ngôn ngữ của con tim.
Như một vệt thuốc súng.
Và này đây, tin đồn lan khắp cả thành phố. Có một người đáp ứng được sự mong chờ của những con tim bị bệnh tật, bị tan vỡ, bị giam cầm. Lời của Thiên Chúa đã trở nên hành động trước mắt loài người. Vậy nên dân chúng tuôn đến, mỗi người tìm đến một luồng khí mới cho cuộc đời của mình. Và này đây, trong những phong trào của chúng ta, người ta khám phá ra hành động của Thiên Chúa và của Lời Ngài. Một nhóm được hình thành, rồi một nhóm khác nữa… Chúa hiện diện ở giữa chúng ta. Ngài hành động vì chúng ta. Sứ điệp loan đi như một vệt thuốc súng. Chúa ở nơi chúng ta, trong phong trào Thánh Linh, Chúa ở trong nhóm trẻ của chúng ta, v.v… Nhưng chúng ta lại nghĩ rằng để nhìn thấy Ngài, phải thuộc về nhóm chúng ta, thuộc về “thành phố” nơi Chúa đã tỏ mình ra.
Vì chúng ta hay vì thế giới?
Hôm nay, Chúa cũng tỏ mình ra giữa chúng ta. Nhưng chúng ta làm gì trước sự kiện này? Đôi khi chúng ta giống những người trong thành phố. Chúng ta tìm cách lợi dụng tối đa sự hiện diện của Chúa mà quên để cho Ngài được tự do hành động. Chúng ta nghĩ rằng Ngài chỉ là Chúa của chúng ta, Vua của chúng ta, Ngài thuộc về chúng ta. Còn những kẻ không thuộc về nhóm chúng ta không thể gặp Ngài. Chúng ta cũng tìm cách làm cho Ngài thành Vua của chúng ta, tìm cách giam hãm Ngài trong những cơ cấu của chúng ta, làm cho Ngài trở thành nô lệ của chúng ta, thành đồ vật của chúng ta. Nhưng không phải Chúa chỉ đến cho chúng ta mà thôi đâu.
Vì thế chúng ta cũng có thể hành động như nhạc mẫu ông Simon. Nếu Chúa tỏ hiện ở giữa chúng ta là để chúng ta giúp Ngài loan truyền sứ điệp của Ngài cho thế giới, bên ngoài thành phố của chúng ta. Lúc đó, Chúa không còn đến chỉ phục vụ chúng ta nữa. Chính chúng ta trở thành đầy tớ của Ngài. Lúc đó, các nhóm của chúng ta không còn là những nhóm khép kín, nhưng là những điểm chiếu tỏa, từ đó phát xuất đời sống đức tin để mang Tin Mừng đến những làng mạc lân cận.
Đối với chúng ta là những Kitô hữu, những tín hữu. Thiên Chúa giao cho nhiệm vụ loan báo cho loài người Tin Mừng mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta làm việc này theo cách của Ngài, bằng lời nói và bằng hành động, nói ngôn ngữ của con tim chứ không phải ngôn ngữ của sự khôn ngoan con người. Chính với những anh em đang đau khổ của chúng ta mà Ngài sai chúng ta đến để nhân danh Ngài chúng ta cầm tay họ, giúp họ đứng lên. Bây giờ phận sự của chúng ta là trở thành tôi tớ mọi người để cứu được nhiều người. Amen.
41. Không có nghỉ ngơi cho việc tốt
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)
Mẹ vợ là đối tượng của nhiều chuyện vui cười, nhiều chuyện diễu cợt và một số châm biếm suốt một thời gian dài. Một nhà phê bình đã quan sát và nhận xét rằng: “Đằng sau mỗi người đàn ông thành công có một bà mẹ vợ đang ngạc nhiên”, có lẽ mẹ vợ của thánh Phêrô ngạc nhiên về sự chọn lựa của Chúa Giêsu khi chọn Phêrô làm đầu tông đồ, chúng ta thì không biết điều đó. Bà đã được chú ý chỉ một lần duy nhất trong toàn bộ Phúc Âm, nhưng điều đã được chú ý đó thì rất quan trọng đối với chúng ta. Và thánh Phêrô lúc đó vẫn còn được gọi là Simon, đã lo lắng cho người mẹ vợ của mình. Bà đã ngã bệnh bởi cơn sốt. Khi Simon nói với Chúa Giêsu về bà, Chúa Giêsu cầm tay bà thì cơn sốt liền rời khỏi bà. Hành động này của Chúa Giêsu không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng sau đó thì và hoàn toàn ngạc nhiên, ngay lập tức bà ta dọn bữa phục vụ Chúa Giêsu và các môn đồ của Ngài. Các bạn nghĩ rằng đúng ra bà phải dành một ít thời gian để nghỉ ngơi, nhưng điều đó đã không phải là cách làm của người đàn bà này.
Một số những nhà hoài nghi đã vẽ bức tranh châm biếm người đàn bà được tiền định này, “phụ nữ trong vị trí xã hội thời bấy giờ” là để phục vụ người đàn ông. Sự thật bà đã là tấm gương của chính Chúa Giêsu. Bà đã suy nghĩ về sự quảng đại, về tinh thần bỏ mình trong sứ vụ của Chúa Giêsu.
Sau bữa ăn tối tại nhà của Phêrô, Chúa Giêsu không nghi ngờ gì là đã kiệt sức sau một ngày lao động vất vả, Người vẫn gây nên bất ngờ là chừa lành cho tất cả những người bệnh trong thành phố, những người đau bệnh và những người bị quỷ ám. Ngài đã đáp trả theo đặc tính riêng của Ngài. Sáng hôm sau, mặc dù rất mệt mỏi nhưng Ngài đã dậy rất sớm như mẹ vợ của ông Phêrô đã dậy sớm sau cơn ốm của mình. Chúa Giêsu tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện, nhưng đó không phải là tránh làm công việc tốt. Simon và những người khác đã tìm thấy Người, các ông biết rằng những khoảnh khắc an bình đó của Ngài không phải là tận cùng của một ngày sống. Sứ vụ của Ngài đang vẫy gọi Ngài và Ngài nhận biết rằng Cha đang kêu gọi Ngài, đưa những người cùng khổ thoát khỏi cảnh khổ của mình, điều mà ông Gióp đã cảm thấy khi ông tuyên bố: “Tôi sẽ không còn nhìn thấy hạnh phúc nữa”. Chúa Giêsu đã đi đến những làng mạc để tuyên bố và rao giảng Tin Mừng.
Thánh Phaolô đã làm viên mãn những ý thức quen thuộc của sự phục vụ. Để xác định sự dâng hiến của ngài trong việc rao giảng Phúc Âm mà ngài đã được kêu gọi, ngài viết: “Tôi đã bị thúc đẩy và không có một chọn lựa nào khác”. Đó là sự nhiệt tình để diễn tả tâm tình bổn phận sâu xa của ngài. Ngài không do dự làm nổi bật sự quảng đại khi ngài nhắc nhở Corintô: “Tôi hiến tặng Phúc Âm một cách nhưng không”. Trong sự so sánh ơn kêu gọi đáng khen ngợi của thánh Phaolô thì việc phục vụ đơn giản được dâng bởi mẹ vợ của thánh Phêrô cũng được xem không phải là vô nghĩa. Tuy nhiên, quan điểm của hai người phản ánh sự quảng đại tinh thần vô vị lợi trong việc phục vụ chính Chúa Giêsu, Phêrô có cách của ngài và mẹ vợ của Phêrô có cách của bà. Còn chúng ta, con đường của chúng ta là gì? Chúng ta có thể trở nên giống Chúa Giêsu trong việc chu toàn bổn phận ơn kêu gọi trong đời sống của chúng ta, những gì mà chúng ta có thể trở thành. Ngoài mẹ vợ của thánh Phêrô mà thánh Phaolô tông đồ đã trình bày cho chúng ta, có một sự xếp đặt rộng rãi trong việc phục vụ cho những môn đồ của Chúa Giêsu đã được kêu gọi. Chúng ta cần phải suy nghĩ về sự quảng đại và tinh thần vô vị lợi mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống của chúng ta như là cha mẹ, vị hôn phu, thầy dạy, công nhân, những người tự nguyện, một sinh viên, một linh mục, một tu sĩ, những gì chúng ta được kêu gọi để trở thành.
Có sự nghỉ ngơi thì xấu khi chúng ta chỉ nghĩ về mình và những tiện nghi cho chính mình. Không có sự nghỉ ngơi cho công việc tốt, những người theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Họ biết rằng hạnh phúc và sự viên mãn trong cuộc sống sẽ đến bằng việc bắt chước sự quảng đại và tinh thần vô vị lợi của Chúa Giêsu.
42. Lương y từ mẫu.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Anh chị em thân mến,
Không ai trong chúng ta đã không ít là một một lần ngã bệnh hoặc có người thân đau ốm hay được thấy những bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện, để thấy được bệnh tật quả là một nỗi khổ đau của con người… Mọi người đều phải chạm trán với đau khổ dưới muôn hình vạn trạng. Các triết gia đã suy nghĩ và bàn giải nhiều về đau khổ, nhưng không có một giải đáp nào thỏa đáng trước sự đau khổ của người hiền đức và của trẻ thơ vô tội.
Ông Gióp, nhân vật chính trong tác phẩm mang tên ông, là một người hiền đức nhưng gặp phải nhiều nỗi gian truân, đâm ra hoang mang và vô vọng: “Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ”.
Thật vậy, “đời người là một khổ dịch, như cảnh nô lệ, tựa kiếp làm thuê”. Tuy thế, tuyệt đối ông không bao giờ coi đau khổ như là dấu chỉ hay hình phạt của tội lỗi. Bản thân ông Gióp không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải đau khổ? Đối với ông, đau khổ thật là một huyền nhiệm khôn dò. Tốt hơn hết là tin chắc vào Chúa, hướng về Ngài và xin Ngài giải đáp cho.
Vậy thời Đức Giêsu nghĩ thế nào về đau khổ của con người?
Trước hết, Đức Giêsu không thuyết giảng về đau khổ nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành kẻ ốm đau, tật nguyền, hoặc bị quỷ ám. Được biết bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nằm trên giường. “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay bà và đỡ dậy…”. Với triết gia, đau khổ là một vấn đề. Còn với Đức Giêsu, cần chiến đấu và chiến thắng đau khổ: Trước người mù từ thuở mới sinh, mọi người tìm cách giải thích để kết án kẻ khác và chạy tội, để đổ trách nhiệm cho kẻ khác và phủi trách nhiệm cho mình. Nhưng theo Đức Giêsu, làm như thế có lợi gì, người đau khổ vẫn đau khổ. Tốt hơn là làm một cái gì đó, làm “cái phải làm” để biểu lộ công trình yêu thương của Chúa Cha.
Kế đến, khi cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Simon đang nằm trên giường vì sốt mà cho bà “chỗi dậy”, Đức Giêsu như hướng chúng ta đến cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua này mà đau khổ của con người có được một ý nghĩa tích cực: Đau khổ dứt khoát không phải là một hình phạt mà là một thay đổi, một nổ tung nảy sinh một sự sống mới, tương tự như hạt lúa phải thối đi để có mùa gặt, quả trứng phải nứt ra để có chú gà con, và con sâu phải lột xác để thành cánh bướm bay vào cõi trời bao la.
Như vậy, Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát. Ngài đã giải thoát họ khỏi những chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa cũng như với mọi người trong xã hội. Phải đợi đến sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, người ta mới nhận ra rằng: còn hơn một Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại. Bởi vì Ngài đã không chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống. Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu: bận tâm rao giảng Tin Mừng hay mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu. Dù đau khổ vẫn còn là một mầu nhiệm khôn dò, một vấn đề chưa có giải đáp trọn vẹn, nhưng đã có tình yêu, một mầu nhiệm vĩ đại hơn.
Thưa anh chị em,
Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho loài người bằng những thái độ cụ thể, rõ ràng: Ngài ra tay cứu chữa những ai đau ốm bệnh tật, cho họ được lành mạnh, thuyên giảm, hầu làm chứng một cách thỏa đáng tin rằng, quả thật Thiên Chúa yêu thương người ta, dùng con người cứu chữa con người, để ốm đau không thành đau khổ, tật nguyền không phải tất nhiên đau khổ. Khi con người được yêu thương chăm sóc thì dầu có mang bệnh tật cũng có thể cảm thấy vui tươi, hạnh phúc, nghĩa là không đau khổ, như một em bé mù –Trường Hy Vọng –Nguyễn Đình Chiểu, vẫn có thể đàn hát về cảnh bình minh của đời mình, vẫn sáng tác những vần thơ trong sáng, vì em được yêu thương, được chăm sóc tận tình.
Đức Giáo Hoàng Phaolô II trong Tông thư về “Ý Nghĩa Đau Khổ Của Con Người, theo Kitô giáo” (1984) đã nói: “Con người bước đi cách này hay cách khác, trên con đường đau khổ”, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ con người trên con đường đó. Ngài trích dẫn dụ ngôn người Samari nhân hậu để cho thấy rằng mỗi người chúng ta phải có mối liên đới như thế nào đối với người đồng loại đang đau khổ. Chúng ta không được “dửng dưng” bỏ qua, nhưng phải “dừng lại” bên kẻ đau khổ. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai dừng lại bên bất cứ đau khổ nào của người khác. Dừng lại không phải vì tò mò mà là để sẵn sàng giúp đỡ. Thái độ này là sự sẵn sàng nội tâm biết mở lòng và xót thương, thúc đẩy chúng ta ra tay hành động và trợ giúp những người đau khổ, dù thuộc loại nào” (x. số 28).
Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã luôn quan tâm chăm sóc và cứu chữa các bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo và khó chữa, những kẻ tàn tật. Sự tận tụy của các tu sĩ, các đội ngũ bác sĩ, y tá Công giáo tại các trại phong cùi, các bệnh viện luôn được xã hội ghi nhận và đã là nguồn an ủi không nhỏ đối với những con người đau khổ. Nhiều giáo dân tại các họ đạo, các đoàn thể, có thói quen thăm viếng, chăm sóc những người già cả tại gia đình, tại các viện dưỡng lão… Như vậy, sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những con người đau khổ vì bệnh tật được tiếp tục trong xã hội hôm nay của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Nhân ngày Thế Giới Bệnh Nhân sắp đến, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), nơi các bệnh nhân đã được Đức Mẹ chữa lành một cách lạ lùng, nhờ lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Đức Mẹ.
Trước nỗi đau khổ của kẻ khác, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì. Những lúc đó, trong giới hạn của mình và đầy tình thương, chúng ta vẫn có thể làm một cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực cho thể xác của họ. Rất có thể người ấy chỉ cần chúng ta im lặng và cảm thông với nỗi đau của họ, hoặc lắng nghe họ tâm sự. Cũng có thể họ chờ đợi được nghe một tin vui, chờ đón một nụ cười… Ngay cả khi không thể thực hiện các việc đó, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ. Bằng tất cả những việc yêu thương nhỏ bé của đời thường đó, chúng ta nói với họ về Chúa Giêsu của chúng ta. Đó cũng là cuốn Tin Mừng sống động viết bằng chính cuộc đời chúng ta vậy.
43. Chúa Giêsu, người Công Giáo đầu tiên.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest.)
Thánh sử Marcô trình bày cùng chúng ta Chúa Giêsu đang thi hành chức vụ như: loan báo Nước Trời, chữa kẻ bệnh tật, trừ ma quỷ, cầu nguyện. Cảnh tượng được mô tả hôm nay nhấn mạnh cho ta thấy Chúa Giêsu lo lắng dấn thân vào cuộc đời bình thường của con người đến thế nào. Người mới giảng dạy ở Nhà Hội là nơi thường để hội họp xong Người lại mau mắn theo Phêrô và Anrê về nhà họ. Phêrô biết có chuyện không hay trong nhà mình, song điều đó cũng không ngăn cản Chúa cứ đến.Chúa chữa lành cho nhạc mẫu Phêrô. Chúa dùng bữa mà chính tay bà đã dọn. Vào buổi chiều, hẳn là vào lúc mà ngày Sa-ba chấm dứt, Người chữa lành cho nhiều bệnh nhân được mang tới. Người biểu dương quyền năng Người trên sự dữ bằng cách đẩy lui bệnh tật và xua đuổi tà thần. Người lưu lại nhà Phêrô và Anrê để qua đêm, nhưng sau khi đã chia sẻ những thực tế tầm thường ấy của đời sống nhân loại, Chúa đã thức dậy trước bình minh để hoàn toàn chìm đắm vào sự thân mật của Chúa Cha. Người trở về nguồn. Người không giây phút nào mất liên lạc với Cha Người. Người trở lại cùng với loài người, với những tư tưởng và ý muốn của Chúa Cha. Người không để bị lôi cuốn đến chỗ sa lầy, vào những kêu gọi tức thời và ích kỷ của những người ở Caphanaum. Người không hề rời khỏi tầm mắt những kích thước của sứ mạng mình. Ngoài Caphanaum, Người rảo qua khắp hết miền Galilê, trong lúc đợi chờ sai môn đệ đi khắp cùng thế giới. Chúng ta hãy lưu tâm đến hai câu nhỏ, song gợi ý trong bài này.
1) Tiến lại gần, Người cầm lấy tay bà. Thánh sử Marcô ghi rõ chi tiết này, khi nói đến việc Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của Phêrô. Qua cung cách xử sự ấy của Chúa Giêsu, người ta có thể nhận ra nỗi quan tâm của Chúa, muốn gần gũi với con người. Tự biết mình là Con Thiên Chúa, Người rất có thể, tự đàng xa, chữa mọi bệnh tật, tiêu diệt tội lỗi, thanh tẩy con người sạch mọi sự dữ. Vậy mà, Chúa đã làm gì? Chúa cầm lấy tay loài người. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, không chỉ để cho các nguyên nhân siêu việt thi hành vai trò mà Người đã trang bị từ đầu. Cư xử với con người, con người trong nhân cách riêng và như phần tử của cộng đoàn nhân loại rộng lớn, Thiên Chúa đã nắm lấy tay con người; Chúa Giêsu là Con Người tuyệt hảo, là Con Người của Thiên Chúa Con nhập thể, đã đến để cứu chữa nhân loại bằng cách “cầm lấy tay” từng người, bất luận họ ở trình độ lương tâm và kiến thức nào. Không một con người nào, dầu là sơ khai đến mấy, mà không được chính Đức Kitô chú ý riêng. Con Thiên Chúa tự mặc lấy nhân tính để chiếm đoạt được nhân loại, Người tự cho mình đôi tay để cầm lấy từng người. Trong giây phút chúng ta đang lâm cơn bị cám dỗ, phạm tội, buồn phiền, thất vọng, chúng ta có nghĩ tới bàn tay nào đó, đang giơ ra để nâng đỡ không?
2) Chúng ta hãy đi đến khắp mọi nơi để Ta cũng rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì mục đích đó mà Ta được sinh ra. Chúa Giêsu, từ Thiên Chúa mà ra, không để cho mình bị giam hãm trong thực thể này hay thực thể nọ. Chức vụ Người thi hành tại Caphanaum đã đem đến cho Người nhiều cảm tình nồng nhiệt. Người ta bao vây Người, người ta muốn chiếm đoạt Người. Nhưng Chúa Giêsu đã tự tháo gỡ. Tại sao vậy? Tại vì con người của Chúa bị hai chiều kích vô biên lôi cuốn. Trước hết là kích thước vô biên của Chúa Cha, sau là chiều kích vô biên sâu thẳm của nhân loại. Người kitô hữu đừng quá sở noi gương ấy của Chúa Giêsu một cách nghiêm túc. Chính đó là nguồn gốc tinh thần công giáo. Chúng ta là công giáo trong tư tưởng của mình, khi mà chúng ta từ chối không để cho trí óc của mình bị giam hãm trong một hệ thống tư tưởng nào, dầu cho đó là một nền thần học thật hấp dẫn. Vì trí óc con người thật hữu hạn, nó bị bó buộc suy tư trong lòng một hệ thống này hay hệ thống nọ, nhưng tinh thần công giáo ngăn cản nó khỏi bị giam cầm trong đó. Người ta được phổ quát trong hành động, khi nào người ta lo giữ mình luôn được tự do, nghĩa là luôn luôn sẵn sàng cho Thiên Chúa, ngay cả bên trong những cam kết của mình. Chúng ta là công giáo trong việc tông đồ này hay việc tông đồ nọ, khi người ta biết lo liên kết nó với “nơi khác”, tức là đời sống của toàn Giáo Hội. Nguồn gốc tinh thần công giáo là sự hướng lòng mình, vừa lên với Thiên Chúa vô tận lại vừa về với nhân loại vô biên, chính là đức ái thần linh vậy.
44. Đau khổ
Cho đến ngày hôm nay, đau khổ vẫn mãi mãi là một vấn đề nan giải trong số kiếp của con người. Thực vậy, tại sao chúng ta lại đau khổ? Phải chăng đau khổ là một hình phạt do tội lỗi của chúng ta… Nếu vậy thì tại sao những người công chính cũng gặp phải nhiều khổ đau? Hay là Thiên Chúa đã bất công khi cư xử với chúng ta?
Từ câu chuyện của ông Gióp, chúng ta rút ra được một bài học đức tin, đó là trong những giờ phút khổ đau, chúng ta đừng vội kêu trách Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguồn sự sống, không bao giờ muốn cho con người phải khổ, phải đau. Rất nhiều khi khổ đau là do con người gây ra cho nhau, vì thiếu yêu thương, thiếu cảm thông, thiếu giúp đỡ.
Cùng với ông Gióp, là người tín hữu, chúng ta phải có thái độ đúng đắn đối với Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối, cũng như phải sống Tin Mừng thế nào trong mối liên hệ với những người đau khổ.
Đau khổ là một cái gì gắn liền với thân phận con người, nhưng đồng thời lại là cơ hội để con người đến với nhau một cách đặc biệt hơn, bằng sự cảm thông, an ủi và giúp đỡ, bởi vì chúng ta tin rằng Chúa yêu thương mọi người, cho nên không thể nghĩ rằng đau khổ và bệnh tật là hình phạt của tội lỗi.
Một quan niệm sai lạc và méo mó về Chúa sẽ dẫn chúng ta tới một lối sống đạo đức một cách thụ động, bởi vì Chúa để cho những khổ đau xảy ra, cho nên chúng ta hãy kiên nhẫn đón nhận để đền tội và lập công. Cách thức suy nghĩ như thế sẽ khiến chúng ta coi nhẹ mối quan tâm cứu chữa những kẻ bất hạnh. Mọi thái độ cam chịu ở đời này để được Chúa thưởng ở đời sau.
Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến cho nhân loại bằng một thái độ tôn giáo hoàn toàn trái ngược lại với sự cam phận. Thực vậy, thấy bà mẹ vợ của Phêrô lên cơn sốt, Ngài liền giúp cho bà được khỏi bệnh. Và dân chúng đưa những kẻ đau yếu đến với Ngài và Ngài đã chữa lành cho họ. Thái độ của Ngài thật là cụ thể, rõ ràng và đó là thái độ tôn giáo.
Vì tin vào Chúa của tình thương mà phải ra tay cứu chữa những kẻ đau yếu tật nguyền, cho họ được khỏe mạnh, hầu làm chứng một cách đáng tin rằng quả thật Chúa yêu thương con người và Ngài đã dùng con người để cứu chữa con người. Bởi vì khi con người được yêu thương và giúp đỡ, thì dù có bệnh tật và khổ đau, thì vẫn có thể cảm thấy được hạnh phúc.
Trước những khổ đau bất hạnh của người khác, chúng ta đã có thái độ như thế nào? Cảm thông và giúp đỡ hay đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại.
45. Cách đáp ứng
Vấn nạn về nỗi đau khổ của nhân loại, đặc biệt là nỗi đau khổ của người công chính, là một vấn nạn lớn trong Kinh Thánh qua các thời kỳ. Đây là một vấn nạn mà Gióp đã bị day dứt. Gióp là một người tốt, tuy nhiên, ông vẫn phải chịu đựng những thảm cảnh khủng khiếp. Hậu quả là ông có một cái nhìn ảm đạm về cuộc sống.
Nỗi đau khổ vẫn còn là một vấn nạn lớn. Ngày nay rất nhiều người có thể có cùng một quan điểm với Gióp. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những người đau khổ vì cảnh nghèo nàn, đói khát, đau yếu, bất công, áp bức, thảm cảnh… Trong thời Cựu Ước, đau khổ bị coi như là một sự trừng phạt đến từ Thiên Chúa, vì tội lỗi của con người.
Câu trả lời của Đức Giêsu đối với vấn nạn về nỗi đau khổ là gì? Người không chấp nhận quan điểm rằng đau khổ là một sự trừng phạt đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm điều ác. Thiên Chúa luôn muốn sự tốt lành. Trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy khi Đức Giêsu phản ứng trước nỗi đau khổ thực sự, điều đó chẳng khác gì một câu trả lời đối với câu hỏi “tại sao có đau khổ?”.
Phản ứng đó rất thực tiễn – như chúng ta nhận thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ở đây, chúng ta nhận thấy đám đông những người bị đau yếu về thể xác hoặc tâm trí đến vây quanh Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã tự hiến thân mình cho mỗi người, chữa lành cho từng người một. Người không tự cô lập khỏi đau khổ của nhân loại. Người đã tự mình trở nên hoàn toàn nhạy cảm, trước những người bị thương tích và đau yếu.
Nỗi đau khổ là một tình trạng cô độc. Đức Giêsu đã không ủy mị trước nỗi đau khổ. Người cũng không giảng dạy sự cam chịu như chúng ta thường làm. Người không thích nhìn thấy con người đau khổ. Đau khổ là một trong những sự dữ mà Người đến để kháng cự lại. Người có lòng thương xót đối với những kẻ đau khổ, và mang lại điều tốt lành cho họ. Người xua đuổi những sự dữ do tội lỗi, sợ hãi, xấu hổ, thất vọng… đã ràng buộc con người.
Vấn nạn đau khổ đã trở nên một cơ hội cho Đức Giêsu – một cơ hội để chứng tỏ về Thiên Chúa. Bằng cách tự hiến thân cho kẻ bị đau yếu, Người mặc khải cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, trước nỗi đau khổ của nhân loại.
Nỗi đau khổ của những người khác cũng là một cơ hội cho chúng ta nữa. Chúng ta không có khả năng chữa lành, nhưng chúng ta luôn có khả năng chăm sóc người khác. Và chăm sóc chính là một công việc có tác dụng chữa lành. Chỉ cần hiện diện bên cạnh người đau khổ, tự thân điều đó rất có giá trị rồi. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng, bởi vì điều đó có nghĩa thay vì giải tỏa được nỗi đau đớn của người đó, chúng ta phải chuẩn bị chia sẻ nỗi đau đó.
Chúng ta đến với những người đau khổ với đôi bàn tay trống rỗng. Chúng ta có thể làm được gì cho họ? Chúng ta có thể sử dụng đôi bàn tay trống rỗng đó, để an ủi họ. Những người đau khổ mong mỏi rằng chúng ta không bỏ rơi họ, rằng chúng ta giữ vững lập trường đứng dưới chân thánh giá, giống như Đức Maria đã làm tại Canvê. Đơn giản chỉ cần có mặt ở đó mà thôi – mà trong một số chừng mực nào đó, đã là gay go lắm rồi. Điều duy nhất mà người đau khổ khát khao, chính là thông truyền cho họ sức mạnh của sự ấm áp tình người. Một người vẫn có thể được lành mạnh, mặc dù không hề được chữa lành.
Còn đối với nỗi đau khổ của riêng chúng ta thì sao? Đau khổ là một yếu tố không tránh khỏi của tình trạng nhân loại, mặc dù con đường đau khổ là một con đường chật hẹp và tối tăm. Thật ra một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta, khi biết rằng chính Đức Giêsu cũng đã đi trên con đường này, và Người đã đi cho đến tận cùng. Từ khi Đức Giêsu đi qua con đường đau khổ, thì nó không còn giống như trước nữa. Một ánh sáng rạng rỡ đã chiếu tỏa trên đó. Người chứng tỏ cho chúng ta rằng mặc dù con đường này dẫn tới đồi Canvê, nhưng nó không kết thúc ở đó, mà kết thúc ở sự Phục sinh. Do đó, đối với người Kitô hữu, nỗi đau khổ trở thành một cơ hội để chia sẻ cuộc thương khó của Đức Kitô, trong niềm hy vọng được chia sẻ trong vinh quang Phục sinh của Người.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam