Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1379332

NGÔN SỨ BỊ KHƯỚC TỪ

NGÔN SỨ BỊ KHƯỚC TỪ- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng,thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”(Mc 4,4)

Sau một thời gian lên đường truyền dạo, Chúa Giêsu trở lại thăm nơi mà Ngài đã sống hầu như suốt đời thơ ấu của Ngài. Việc Ngài về Nazareth có tương quan mật thiết với những gì xẩy ra trước đó.

Như Tin Mừng kể lại: Trước khi về Nazareth Chúa đã làm một loạt các phép lạ: dẹp yên bão tố, chữa lành người bị quỷ ám, trị được những chứng bệnh bất trị, và cứu sống cả người chết.

Những phép lạ này là kết quả của một niềm tin mà con người đã đặt ở nơi Chúa, dầu niềm tin ấy chưa được hoàn hảo. Thế nhưng những việc xảy ra ở nơi nọ nơi kia thì lại không thể xảy ra ở Nazareth, quê hương của Chúa dù chỉ là một niềm tin bất toàn cũng không có, cho nên Márcô ghi lại: “Ngài không làm phép lạ nào được”(Mc 6,5).

Kể ra thì cũng thật buồn cho Chúa, một con người rất giàu tình cảm đối với quê hương xứ sở của mình.

Thực ra không phải là Chúa có ý trở về quê quán một cách riêng tư, chỉ cốt ý để thăm lại ngôi nhà cũ và những người thân thuộc thuở xưa, nhưng là Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là với tư cách là một ngôn sứ.

Với tư cách là một ngôn sứ, Ngài vào nhà hội và dạy dỗ, nhưng những Nazareth đã không hào hứng tiếp nhận. Trái lại họ còn tỏ ra là thù địch. “Họ vấp phạm vì Ngài”(Mc 6,3). Họ tức giận vì một người xuất thân từ bối cảnh xã hội chẳng khác gì họ mà lại dám nói năng và hành động như vậy.

Họ bảo nhau: “Ông ta không phải là làm thợ mộc đó sao?”(Mc 6,3).

Từ ngữ chỉ người thợ mộc là tekton. Tekton có nghĩa là một người thợ làm đồ gỗ, nhưng không phải chỉ đơn giản là làm đồ gỗ mà thôi, nó còn có nghĩa như một người làm nghề thủ công tinh xảo. Đó là thợ thủ công với ít dụng cụ hay nhiều khi chỉ có một số rất ít công cụ nhưng họ vẫn có thể làm được rất nhiều việc cho những ai cần đến họ. Chúa Giêsu là người thợ như thế. Chính sự quá quen thuộc đã làm cho họ thù ghét Chúa một cách mù quáng như vậy.

Nói tới đây tôi nhớ đến một câu chuyện có thật đã xảy ra cách đây cũng khá lâu. Chuyện Thánh Alêxù. Thánh  Alêxù là con của một thượng nghị sĩ Rôma vào thế kỷ thứ năm. Vì sợ những cám dỗ của trần gian quyến rũ, ngài đã từ bỏ gia đình, vinh quang, tiền của, và cả người vợ trong ngày cưới, để trốn đi sang Tiểu Á. Ở đấy ngài sống cuộc đời nghèo khó và đền tội trong 17 năm. Khi sự thánh thiện của ngài vang dậy khắp nơi, ngài lại trốn đi một lần nữa, và những con gió trái chiều đã đẩy con thuyền của ngài trở về Rôma. Nhờ ơn Chúa trợ giúp, ngài cải trang về trú tại nhà cha mẹ mình. Ngài sống ở chân gác suốt 17 năm trời, xin của bố thí để sinh sống. Sau khi ngài qua đời, người ta tìm thấy trong túi áo ngài một miếng giấy ghi lại tông tích và lý do ngài tự ẩn giấu mình. Bấy giờ, thân mẫu ngài mới khóc to: “Ồ, con ơi, người con lưu lạc lâu ngày của mẹ ơi, sao đến bây giờ mẹ mới nhận ra con”.

Vâng! Suốt 17 năm trời! Một con người với hai dáng vóc, một con người đã từng sống ở cùng một nơi, với những con người đã từng quen thuộc vậy mà họ đã không nhận ra nhau chỉ vì cái dáng vẻ bên ngoài không giống nhau! Thật là một điều đau lòng.

Dân chúng ở Nazarét xưa cũng vậy! Họ khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một công nhân bình thường. Chính vì thế mà họ đã chẳng kiêng nể gì đối với Ngài, mặc dầu là Chúa đang được mọi người kính trọng ở nhiều nơi.

Chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ để đánh giá một người căn cứ vào cái mã bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất của họ. Hãy cố mà nhìn vào giá trị nội tại của chính người ấy để đánh giá, chúng ta mới có thể có được cái nhìn công bằng.

Bài học

Vâng! Chúng ta hãy cẩn trọng đừng để cho mình đánh giá một người chỉ căn cứ vào cái mã bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất của họ. Hãy cố mà nhìn vào những giá trị nội tại của chính người ấy để đánh giá, có như thế chúng ta mới có thể có được cái nhìn công bằng và cuộc đời của chúng ta mới gặp được nhiều điều tốt đẹp.

Đây là câu chuyện có thật đã xảy ra ở Mỹ.

Có một cặp vợ chồng tuổi đã cao, người vợ mặc một chiếc áo bông đã ngả màu, còn chồng bà ấy thì bận một bộ quần áo vét rẻ tiền. Họ không hẹn trước nhưng bất ngờ đến và đòi trực tiếp gặp hiệu trưởng trường Đại học Harvard, là một trong những trường đại học có thế giá và nổi tiếng nhất nước Mỹ. Cô thư ký của hiệu trưởng nhận thấy 2 người này có vẻ quê mùa nên chắc cũng chẳng có chuyện gì quan trọng để bàn với ngài hiệu trưởng, nên tỏ thái độ coi thường.

Người chồng khẽ nói:

– Tôi muốn gặp ngài hiệu trưởng.

Cô thư ký lễ phép đáp lại:

– Xin thứ lỗi, ngài hiệu trưởng bận rộn suốt cả ngày.

Người vợ nói:

– Không sao, chúng tôi có thể chờ đợi.

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, cô thư ký không thèm để ý đến họ. Cô cố ý để cho họ thấy khó khăn rồi sẽ tự động rút lui. Nhưng họ vẫn ngồi ỳ ở đó chờ đợi.

Cuối cùng, cô thư ký quyết định phải báo cho ngài hiệu trưởng:

– Có lẽ họ chỉ muốn nói một vài câu với ngài rồi đi ngay.

Ngài hiệu trưởng bất đắc dĩ phải đồng ý.

Người vợ nói:

– Chúng tôi có một đứa con trai từng học ở Harvard được một năm. Nó rất thích Harvard. Nó sống ở Harvard rất vui vẻ. Nhưng năm ngoái, nó đột ngột qua đời. Chồng tôi và tôi muốn xây một vật tưởng niệm cho con trai tôi trong khuôn viên của trường.

Ngài hiệu trưởng chẳng hề xúc động. Ông chỉ cảm thấy buồn cười, ông nói nhát gừng:

– Thưa bà, chúng tôi không thể nào dựng một tấm bia cho những người trước kia học ở Harvard mà giờ đây đã qua đời. Nếu chúng tôi làm như thế, thì ngôi trường của chúng tôi sẽ thành một nghĩa trang mất.

Người vợ nói:

– Không phải thế, chúng tôi không lập một tấm bia đâu, mà chúng tôi muốn xây cho Harvard một tòa nhà.

Ngài hiệu trưởng nhìn kỹ vào chiếc áo bông đã ngả màu của người phụ nữ và bộ áo vét rẻ tiền của chồng bà ta, rồi ông xẵng giọng:

– Ông bà có biết rằng xây một tòa nhà tốn bao nhiêu tiền không? Mỗi tòa nhà trong trường đại học của chúng tôi đều trị giá trên 7.5 triệu đôla.

Lúc này, người phụ nữ im lặng không nói gì. Ngài hiệu trưởng rất vui mừng, cuối cùng thì ông cũng đã làm cho họ phải tự động rút lui. Người phụ nữ quay sang và nói với chồng:

– Chỉ cần 7.5 triệu đôla mà có thể xây được một giảng đường lớn sao? Thế thì tại sao chúng ta lại không xây một ngôi trường đại học để làm vật kỷ niệm cho con trai chúng ta nhỉ?

Và như thế, hai vợ chồng ông bà Standford đã rời Harvard, đến Califonia, thành lập trường đại học Standford.

Thế là Harvard đã mất đi một cơ hội có được 7.5  triệu USD. Thật là một mất mát không đáng xẩy ra chỉ vì sự đánh giá sai lầm của một người.

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì thấy Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục già nua yếu đuối

trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con

để chúng con biết khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B

ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊSU KITÔ-  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Thiếu lòng tin và sự khiêm tốn chân thành là trở ngại lớn trong việc đón nhận ơn Chúa. Thiếu lòng tin cũng là căn bệnh khó trị của con người được đặt trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng mời gọi con người bước vào tương quan thân tình với Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm nhân sinh, đôi khi chúng ta cũng tự hỏi tại sao tôi thất bại trong tương quan với người này hay người khác, với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em và bạn bè. Phải chăng là vì tôi không chân thành trong tình yêu, không thẳng thắn hay không tin tưởng với những người thân yêu này và không trung tín, khiến cho tương quan của tôi sau đó bị đổ vỡ. Các bài đọc của Chúa nhật 14 này vạch rõ những thái độ thiếu lòng tin này trong kinh nghiệm của dân Chúa là những người được tiếp xúc với các tiên tri là những người Thiên Chúa sai đến và sau cùng là với chính Chúa Giêsu, Đấng cứu độ. Được mời gọi làm dân riêng của Thiên Chúa là bắt đầu một tương quan thân tình với Thiên Chúa, tương quan này sẽ nâng cao con người bởi vì đặt con người ở tư thế được thông hiệp vào đời sống thần linh. Tương quan với bất kỳ một ai cũng đều đòi hỏi những yếu tố căn bản là tình yêu, lòng chân thành tin tưởng và nhất là lòng trung tín. Tương quan thân tình với Thiên Chúa càng đòi hỏi hơn nữa lòng tin tưởng chân thành và tình yêu mạnh mẽ đối với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu độ con người. Thế nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hình, tương quan chân thành với Thiên Chúa được diễn tả qua việc đón nhận Lời Chúa và đón nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến nói cho con người Lời Chúa.

Từ trong Cựu Ước, sách tiên tri Êdêkien tường thuật lại trình thuật ơn gọi của tiên tri. Ông được Chúa sai đến với nhà Israel để nói cho họ Lời Thiên Chúa và chính Chúa khẳng định với tiên tri Êdêkien rằng thái độ đón tiếp Lời Chúa hay không qua trung gian tiên tri sẽ chứng tỏ thái độ của Israel trung tín hay không với Thiên Chúa. Nếu họ nghe lời của tiên tri Êdêkien, đó là dấu chứng họ trung tín với Thiên Chúa và ngược lại, đó là dấu họ không trung tín với Thiên Chúa. Kinh nghiệm của những người ở làng Nazarét trong câu chuyện Tin mừng càng làm sáng tỏ hơn nữa thái độ cụ thể của con người khi tiếp xúc với Thiên Chúa. Nazarét là quê hương của Chúa Giêsu, nơi người đã sinh trưởng và lớn lên cùng với gia đình và biết bao thân nhân, bạn bè của thời niên thiếu. Chắc hẳn mọi người biết rõ nhau, Chúa Giêsu biết nhiều người trong họ, và ngược lại nhiều người biết Chúa Giêsu và đã từng giao tiếp với người. Khi người trở lại đây sau một thời gian xa vắng, mọi sự bắt đầu lại với phần nào ngỡ ngàng. Chúa Giêsu vẫn đến hội đường như thường lệ, và mọi người đón tiếp cách bình thường lúc ban đầu, người đứng ra đọc sách Thánh và bắt đầu rao giảng. Thế nhưng mọi sự lần hồi trở nên xấu đi. Những người đồng hương bắt đầu thay đổi thái độ, từ thiện cảm ban đầu ra ác cảm khi họ bắt đầu đặt câu hỏi trong lòng : « Bởi đâu người được khôn ngoan như thế, và làm được những phép lạ như thế ? Phải chăng người không phải là thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao ? Và chị em của người không ở đây với chúng ta sao ? ». Bi kịch của lòng tin diễn ra từ đây. Trong tâm trí của những người ở Nazarét, Giêsu vẫn là người thợ mộc bình thường mà họ có thể thân quen chào hỏi vui vẻ, nhưng khó có thể chấp nhận được Giêsu như là một vị tiên tri mà Thiên Chúa sai đến. Họ khó có thể vượt qua được khoảng cách tâm lý trong chính lòng mình. Vì thế, thái độ của họ là từ chỗ ngạc nhiên đã đổi ra lòng thù hận. Bởi vì trong tâm trí của họ, nhiều ký ức vẫn còn đó, quá khứ của người, nguồn gốc của người, những bà con họ hàng thân thuộc của người vẫn còn như in trong tâm trí mọi người khiến cho họ khó có thể chuyển hệ ngay được. Trước mắt mọi người, Giêsu vẫn là thợ mộc với nguồn gốc khiêm tốn bình thường. Người ta chắc đã từng thuê người đến đóng bàn ghế hay sửa nhà cửa. Thêm vào đó là những người thân của người nữa. Bà Maria mẹ người, các anh em của người vẫn còn đang sống giữa mọi người. Những người Nazarét chắc hẳn khó chấp nhận Người như là vị tiên tri Thiên Chúa gửi đến vì nguồn gốc dân giả của người. Nguồn gốc quá dân giả của người là điểm chuẩn để những người đồng hương thân thiết từ chối nhìn nhận người. Tin mừng thánh Marcô đã ghi lại phản ứng của Chúa Giêsu. Người nói với họ bằng cách trích dẫn một câu ngạn ngữ : Không ai là tiên tri nơi quê hương mình. Đồng thời thánh Marcô cũng cho biết Chúa Giêsu không thể làm phép lạ nào ở đây, chỉ trừ một vài trường hợp và sau đó người đã đi đến các làng khác để tiếp tục giảng dạy và người ngạc nhiên vì việc thiếu lòng tin của họ.

Một kinh nghiệm chua xót, nhưng phải chăng đây cũng là kinh nghiệm thật, không phải của những người làng Nazarét mà thôi mà còn là của nhiều người trong chúng ta. Chúa Giêsu đã đến Nazarét với biết bao tâm tình trìu mến và kỳ vọng, thế nhưng mọi sự đã trở nên xấu ngoài mọi dự đoán.  Những tiên kiến hẹp hòi là nguyên nhân làm giới hạn khả năng của những người này thay vì họ có thể nhìn xa hơn, tiến tới những tương quan thân tình với Đức Giêsu, để rồi nhìn nhận người là Con Thiên Chúa, đón nhận Lời của Người và đón nhận sự sống đời đời. Vì thế việc biết nhìn nhận những gì Thiên Chúa làm nơi con người Đức Giêsu để đi vào tương quan với Thiên Chúa là một hành vi đức tin, đòi hỏi chúng ta chân thành, tin tưởng và học hỏi với Lời Chúa, biết khiêm tốn để trở nên người môn đệ của Đức Giêsu.  Kinh nghiệm của thánh Phaolô là một gợi ý cho chúng ta. Kiêu căng vốn là bản tính của con người, nó làm cho con người dễ trở nên tự phụ và vì thế không thể tiến tới trong tương quan thân tình với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu được. Thánh Phaolô cũng nhận thấy trở ngại này nơi chính bản thân mình, và vì để cho ngài bớt tính kiêu căng, Thiên Chúa để cho ngài phải chịu một cái dằm đâm vào da thịt làm ngài đau đớn. Và thánh Phaolô cũng chia sẻ kinh nghiệm là những đau khổ, bị sĩ nhục, khốn khó và bị bắt bớ vì Đức Kitô là những điều giúp cho ngài được luôn trung tín khiêm tốn và vững vàng.

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B

THÓI KIÊU NGẠO VÀ THÀNH KIẾN ĐÃ CẢN TRỞ ƠN CỨU ĐỘ-  Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã tuyệt đối trung thành với sứ vụ Thiên Sai của mình, vì thế, khi tiếp xúc với dân chúng, Đức Giêsu đã can đảm, trung thành với sứ vụ. Luôn tỏ ra là một Vị Thiên Chúa sẵn sàng khích lệ, đồng hành, cảm thông và xót thương con người. Dạy dỗ và làm nhiều phép lạ nhằm loan báo Mầu Nhiệm Cứu Chuộc cho dân để họ sám hối, tin theo và được cứu chuộc.

Tuy nhiên, khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu đã gặp phải rất nhiều thử thách đầy cam go do chính những người đồng hương với Ngài gây nên. Những thử thách đó khởi đi từ sự kiêu ngạo, tự phụ và thành kiến của người đồng hương.

Tuy nhiên, khi đối diện với những vấn đề như vậy, Đức Giêsu đã không chùn bước, nhưng Ngài vẫn luôn trung thành cách trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha đã trao gửi cho  Ngài trong sự khiêm tốn và can đảm.

Nguyên nhân dẫn đến việc cản trở Đức Giêsu khi Ngài trở về quê hương

Hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại việc Đức Giêsu trở về quê hương của Ngài. Trong chuyến thăm quê lần này, cũng giống như những lần khác, Ngài vẫn vào hội đường và cầu nguyện cũng như thi hành sứ vụ Thiên Sai của mình.

Tuy nhiên, Dân Do thái vốn dĩ là một dân cứng đầu, dễ nổi loạn chống đối lại Thiên Chúa. Họ luôn thách thức Thiên Chúa khi Người không đáp ứng nhu cầu của họ. Hơn thế nữa, họ rất coi trọng nguồn gốc sáng giá của một con người.

Bởi thế, thán phục các phép lạ, nhưng lại coi thường Đức Giêsu vì Ngài xuất thân trong một gia đình không mấy nổi nang! Điều này chính những người Do thái đã thắc mắc: cha ông không phải là Giuse, mẹ ông chẳng phải là bà Maria sao? vì thế, họ không tôn trọng Ngài.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không là gì khác, đó chính là sự kiêu ngạo của những người đồng hương.

Tại sao vậy? Thưa, sự kiêu ngạo đã là đó ngáng chỗ và lòng kiêu căng đã chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời của họ.

Trước thái độ trên, Đức Giêsu đã tuyên bố một câu mà muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị: đó là: “Tiên tri không bao giờ được tôn trọng trên chính quê hương mình”.

Qủa đúng như vậy, vì, xét theo lẽ tự nhiên, một con người dù tài giỏi đến đâu, làm việc hiệu quả thế nào, và thành đạt trên nhiều lãnh vực hay nhiều nơi đi nữa, thì khi trở về gia đình, quê hương, họ luôn bị chính những người thân cận, làng xóm coi ở mức độ “thường thường bậc chung” vì lối suy nghĩ thiển cận, nên: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Điều này Đức Giêsu đã trải qua khi Ngài trở về quê hương của mình!

Nhưng sự coi thường đáng tiếc này đã khiến cho ơn cứu độ của Thiên Chúa vuột mất khỏi họ, và suốt bao thế kỷ, họ vẫn đang chờ đợi một Đấng Kitô khác chứ không phải Đức Giêsu, Đấng đã hiện diện giữa họ cách đây hơn 2.000 năm.

Thực trạng kiêu ngạo của con người hôm nay

Thực trạng ấy nơi những người đồng hương với Đức Giêsu khi xưa, hôm nay vẫn còn đây đó nơi chúng ta, vì: thói ích kỷ, kỳ thị, chấp nhất, định kiến, ác cảm, nên ta hay giam người anh chị em mình trong quá khứ hay “tạc tượng” họ trong một lối nhìn tiêu cực và không bao giờ cho họ cơ hội để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn….

Lý do họ không nhìn anh chị em mình dưới lăng kính màu hồng, mà toàn màu đen, bởi mắt họ đang đeo cặp kính râm của sự kiêu ngạo! Vì thế, lối suy nghĩ nông cạn, vu vơ và trống rỗng đã dẫn đến việc đánh giá, đối xử lệch lạc và thiếu công bằng cũng như bất nhân. Quả đúng là: “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”; hay ”Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.

Những người nông nổi như vậy, họ đâu có hiểu được rằng: “Sông có khúc, người có lúc”.

Thật vậy, có người bị coi là không tốt, đồ bỏ, vứt đi ở chỗ này, nhưng họ lại được nhiều người coi trọng và kính nể ở một nơi khác…. Còn có nhiều người được xem là nhẹ nhàng, tao nhã, lịch thiệp chốn quan trường, ngoài xã hội, nhưng khi về đến gia đình, họ lại là kẻ bất nhân, vô liêm sỉ với người thân. Mở miệng ra là quát tháo, chửi bới nên “thượng thẳng tay, hạ thẳng chân” với anh chị em họ. Những người này thuộc hạng “khôn nhà dại chợ”; “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”; … hay có những người ăn nói ngọt như đường mía lau, nhưng thực ra họ thuộc dạng: “Đội trên, đạp dưới” nên tâm địa bỉ ổi, xấu xa chẳng khác gì kẻ: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Hay như Mc Kenzie nói :”Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tị thì nhìn bằng kính hiển vi”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay vừa nhắc nhở, vừa mời gọi chúng ta ý thức sứ mạng ngôn sứ cũng như lối sống và cách thức loan báo Tin Mừng!

Trước tiên, sứ mạng ngôn sứ được trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Sứ mạng ấy càng thôi thúc mãnh liệt khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

Vì thế, mỗi người phải có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, thi hành sứ mạng ở mọi nơi, mọi lúc, dù: “Thuận tiện hay không thuận tiện”; được ủng hộ hay chống đối, được đón nhận hay bị khước từ, được tôn vinh hay giết chết…. Mặt khác, khi thi hành sứ vụ, chúng ta không thể chọn lựa theo ý mình, mà phải nói và làm điều Thiên Chúa muốn một cách trung thành (x. 1Cr 9,15-16); không được giả hình và bóp méo Lời Chúa (x. 2Cr 11,10 ; 13,8).

Thứ đến, khi thi hành sứ vụ, cần nhớ nằm lòng câu nói của Đức Giêsu: “Không ngôn sứ nào được kính trọng nơi quê hương mình”.

Cần nhớ rõ một điều, chúng ta đi đến đâu, làm bất cứ điều gì, sẽ có 30% người ủng hộ. 30% người chống đối, loại trừg, số còn lại dửng dưng. Đây cũng chính là số phận và cái giá phải trả của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.

Bởi vì làm ngôn sứ không phải là chuyện đơn giản, mà là: “Vô cùng phong nhiêu”, phúc tạp! Vì Lời Chúa một đàng là lời tình yêu, nhưng một đàng là lời cật vấn lương tâm, vạch trần tội ác, bất công, gian dối, hình thức…, nên:  “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Thầy trước …. Đầy tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15,18-20).

Thật vậy, sứ mạng ngôn sứ đòi chúng ta chấp nhận lội ngược dòng, không thể sống theo phong trào hay “hiệu ứng đám đông”. Đôi khi chấp nhận điên vì sứ vụ, khùng Tin Mừng, khi dám nói lên tiếng nói công lý, công bằng ngay tại những nơi nguy hiểm như: sòng bài, quán rượu, quán karaokê…, nơi những con người đang “quậy” tứ tung hay “điên cuồng” trong những cuộc chơi bất chính….

Khi lựa chọn như thế, sự lẻ loi, cô lập và chống đối hay phải thí mạng là lẽ đương nhiên!

Mong sao, sứ mạng và số phận ngôn sứ của Đức Giêsu trong thời của Ngài, cũng là của chúng ta trong thời đại hôm nay.

Ước gì vì: “Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” là lựa chọn của mỗi người Kitô hữu, vì: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” nên chúng ta “được Chúa kêu gọi để tỏa sáng như các vì sao  giữa lòng thế giới tối tăm này” (Pl 2,15).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự khiêm nhường và tình yêu của Chúa, để chúng con yêu cả những người thù ghét mình. Xin ban sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm, vững bước trên con đường thi hành sứ vụ.

Xin cho chúng con mặc lấy lòng bao dung, nhân hậu của Chúa, để chúng con đón nhận anh chị em chúng con trong tình Chúa và tình người. Amen.

home Mục lục Lưu trữ