Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1380002

NGƯỜI MÙ

Người mù.

Đêm nọ, có một người mù đến thăm bạn. Khi về, người bạn sáng mắt tặng cho anh ta một chiếc đèn lồng theo thói quan của người Nhật thời xưa. Thế nhưng anh mù bèn nói: Tôi không cần đèn, vì đối với tôi, tốt và sáng cũng như nhau. Nhưng người bạn trả lời: Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái, thì người khác có thể chạy đụng vào anh, anh nên cầm đi. Nghe hợp lý, anh mù ra về vời chiếc đèn lồng trên tay. Đi được một quãng, đột nhiên anh bị một người đụng phải. Với vẻ tức giận anh nói: Bộ anh không thấy chiếc đèn của tôi đó sao? Người kia liền đáp: Đèn của anh tắt rồi.

Với câu chuyện này, anh mù tưởng mình thấy, còn người kia thì không thấy chiếc đèn. Thế nhưng chính anh mới không thấy rằng đèn mình đã tắt. Con người tưởng mình thấy được nhiều chuyện nhưng lại quên hay cố tình quên nhiều cái mình không thấy.

Từ những ý tưởng trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Anh mù mang tên gọi Bartimê, có nghĩa là con của ông Timê: nghề nghiệp ăn xin, địa chỉ cư trú là lề đường thành Giêricô. Anh vừa nghèo nàn lại vừa tàn tật. Và dưới mắt người Do Thái thì đó là dấu chỉ bị Chúa trừng phạt, vì tội lỗi của bản thân hay vì tội lỗi của cha ông thuở trước. Anh bị bỏ rơi và sống bên lề xã hội. Người ta không cho anh nói ngay cả khi anh lên tiếng kêu cầu Chúa giúp đỡ.

Như thế người Do Thái tưởng rằng mình thấy rõ anh, nhưng thực ra họ lại không thấy mình bị sai lầm, không thấy nhu cầu sáng mắt của anh vượt trên những đồng tiền bố thí. Còn anh mù, tuy không trông rõ vạn vật nhưng lại thấy được chiều sâu của con người. Anh thấy Chúa Giêsu là con vua Đavít là Đấng Messia. Anh thấy quyền năng của Ngài có thể giúp đõ anh một cái gì khác hơn là tiền bạc. Và như thế có một sự trái ngược: người mù đã thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy.

Chúng ta có thể phân biệt hai loại mù. Mù thể xác và mù tâm hồn. Mù thể xác thì không thấy được vạn vật, còn mù tâm hồn thì đa dạng hơn, chẳng hạn như không hiểu được những gì cần phải hiểu, không khao khát sự công chính và ơn cứu độ. Không phân biệt đâu là chân thiện mỹ… Và trên tất cả, đó là không thấy mình đang sống như người mù. Có mắt mà không nhìn và có nhìn thì cũng chẳng thấy.

Với chúng ta những người Kitô hữu cũng thế: đừng thấy người nào siêng năng đi lễ đọc kinh, ăn ngay ở lành mà đã vội cho là đủ. Đừng thấy buổi lễ rình rang với trống kèn inh ỏi thì cho rằng lễ đó trang trọng, đạt yêu cầu. Đừng thấy Giáo Hội là một tổ chức chặt chẽ, nhà thờ và tháp chuông được xây cất, vội cho rằng đạo đang được phát triển. Nhưng phải như anh mù xin cho mình được thấy, thấy rõ hơn, thấy chính xác hơn: thấy Đức Kitô là Đấng cứu độ, để rồi như anh mù rời bỏ vệ đường, dứt khoát, tìm đến với Ngài. Mặc dù chúng ta là những người có cặp mắt sáng về thể xác, nhưng biết đâu lại mù loà về tâm hồn, cho nên cùng với người mù qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta hãy kêu cầu: Lạy Chúa, xin thương xót con và cho con được sáng.

 

25. Xin thương xót tôi.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Con mắt là một bộ phận hết sức mong manh, dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng, nhất là trong điều kiện vệ sinh ngày xưa.

Chúng ta không rõ nguyên nhân khiến anh Báctimê bị mù, chỉ biết anh không mù từ lúc lọt lòng mẹ. Anh đã từng được thưởng thức ánh nắng ban mai hay nhìn ngắm những người thân yêu, bè bạn. Bây giờ chỉ có bóng tối triền miên. Anh Báctimê sống bằng nghề hành khất, ngồi ăn xin bên vệ đường, sống bên lề xã hội.

Danh tiếng của Đức Giêsu Nagiarét, anh đã được nghe nhiều. Ngài có thể làm người mù bẩm sinh sáng mắt. Anh tin vào Ngài, thầm mong có ngày được gặp.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc hạnh ngộ ấy.

Rất tình cờ, Đức Giêsu đi ngang qua đời anh. Anh mù lòa, ngồi đó như chỉ chờ giây phút này. Khi nghe biết là Đức Giêsu cùng với đám đông đi qua, anh thấy cơ may đã đến.

Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng kêu, tiếng kêu thống thiết bi ai của một người đau khổ, nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin tưởng, hy vọng. “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!”

Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện, một cầu cứu.

Nhiều người muốn bịt miệng anh, nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa. Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn nhiều. Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai Đức Giêsu. Ngài dừng lại và sai người đi gọi anh, vì Ngài cũng chưa rõ anh đang ở đâu. Khi biết mình được gọi, anh vội vã và vui sướng vất bỏ cái áo choàng vướng víu, nhẩy cẩng lên mà đến với Đức Giêsu.

Anh đi như một người đã sáng mắt, bởi thực ra mắt của lòng anh đã sáng rồi. Khi được khỏi, lòng tin của anh thêm mạnh mẽ hơn.

Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Đấng cho anh ánh sáng. Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng lên đi theo Đức Giêsu.

“Xin thương xót tôi. Xin cho tôi nhìn thấy lại.” Đây có phải là tiếng kêu của tôi không?

Khả năng thấy là một khả năng mỏng dòn. Ta có thể thấy điều này mà không thấy điều kia. Tôi có thể lúc thấy lúc không, hay cố ý không muốn thấy. Lắm khi tôi không đủ sức để ra khỏi sự mù lòa của mình. Tôi có kêu gào với Chúa để xin được ơn thấy lại không?

Một người mù chữ, dù đã được xóa mù, vẫn có thể mù lại. Chính vì thế tôi cứ phải xin cho mình được thấy luôn.

Thấy mình bé nhỏ, thấy Chúa bao la, thấy anh em dễ mến.

Thấy là đi vào một con đường dài hun hút.

Chúng ta phải được Chúa xóa mù suốt đời.

Chỉ trong ánh sáng của Chúa, tôi mới nhìn thấy ánh sáng.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn nghĩ gì về nạn hành khất ở nơi bạn sống? Đâu là nguyên nhân? Đâu là cách giải quyết tốt nhất?

Nhiều người tự giam mình trong sự mù lòa. Họ chỉ thấy điều họ muốn thấy. Họ bị khép kín trong thế giới chủ quan của họ. Có khi nào bạn thấy mình mù lòa về bản thân không? Làm sao bạn được sáng mắt trở lại?

Cầu Nguyện

Như người mù ngồi bên vệ đường xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy, thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

 

26. Lòng thương – Lm Giuse Phạm Thanh Liêm

Nỗi khổ của con người

Anh mù ngồi bên vệ đường, ăn xin, sống nhờ lòng thương của con người. Nếu ai đã từng bị sống trong tăm tối hay quan sát người mù, sẽ thấy bị mù cực khổ như thế nào! Phải ăn xin cũng là một nỗi khổ, và hơn nữa phải tùy thuộc người khác trong nhiều lãnh vực: đi lại và những nhu cầu tối thiểu của con người. Hiểu được như vậy, sẽ dễ dàng cảm thông tiếng kêu của anh mù hơn: “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót tôi”.

Không phải chỉ có bệnh mù về thể lý, nhưng còn có mù về thiêng liêng nữa. Mù thể lý ngăn cản người ta thấy những gì là vật chất, còn mù thiêng liêng ngăn cản người ta thấy sự thật. Mù làm khổ mình và khổ cả người khác nữa.

Được sáng, thật hạnh phúc dường bao!

Đức Giêsu thương cảm trước nỗi khổ của con người

Những người đang hiện diện ở đó đòi người mù im lặng, nhưng anh ta lại càng la to hơn. Tại sao những người ở đó đòi anh mù im lặng? Có thể họ nghĩ tiếng kêu của anh mù vô ích, vì chẳng ích lợi gì? Đức Giêsu làm gì có tiền mà bố thí cho anh mù! Và hơn nữa, làm sao Đức Giêsu có thể chữa cho anh mù thấy được? Có lẽ không phải họ không thương anh mù cho bằng họ nghĩ Đức Giêsu chẳng giúp gì được cho anh mù. Anh ta nên im đi thì tốt hơn.

Dù bị ngăn cản và phản đối, anh mù vẫn la, và càng la to hơn. Anh ta hy vọng tiếng kêu của anh ta tới tai Đức Giêsu và được Ngài thương xót: “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót tôi”. Anh ta là người tin vào Đức Giêsu, chờ đợi và hy vọng nơi Đức Giêsu hơn bất cứ ai trong trường hợp này. Và tiếng kêu của anh ta đã lọt vào tai Đức Giêsu, và Ngài đã bị “đáng động” bởi tiếng kêu này. Đức Giêsu rung động trước nỗi khổ của con người.

Thiên Chúa vẫn thương cảm trước nỗi khổ của con người. Ngày xưa dân Do Thái khi bị nô lệ cực khổ bên Ai-cập, họ đã kêu lên Thiên Chúa, và Ngài đã thương giải phóng họ khỏi Ai-cập. “Những ai vất vả và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho” (Mt.11, 28): Đức Giêsu cũng luôn thương cảm trước nỗi khổ của con người.

Tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, và kêu cầu Ngài, Ngài sẽ đáp cứu.

Hãy thương cảm trước nỗi khổ của con người như Đức Giêsu

Thương cảm trước nỗi khổ của con người, là nét đặc trưng của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng muốn con người thương cảm trước nỗi khổ của anh em mình như Ngài. Người đầy tớ “không biết thương xót” anh em mình, sẽ không được thương xót (Mt.18, 23-35).

Rung động trước nỗi khổ của anh em mình, là trở nên người hơn, trở nên con Thiên Chúa hơn. Ước gì con người biết thương cảm và yêu thương người khác trong hoàn cảnh khốn khổ của họ. Ngay cả khi không có gì để cho, hoặc có rất nhiều điều để cho người khác, thì tình yêu thương vẫn là món qùa qúy nhất.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Bạn đã rung động trước nỗi khổ của con người chưa? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm.
  2. Điểm nào đáng động bạn nhất khi nghe đọc đoạn Tin Mừng Mc.10, 46-52 trên?
  3. Đức Giêsu đã bao giờ chữa bệnh mù cho bạn chưa? (Đức Giêsu có giúp bạn thấy rõ một điều gì mà trước đó bạn bị nô lệ bao giờ chưa? Nếu có xin chia sẻ.)

 

27. Tới nguồn sự sáng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Cảnh tượng này cho ta thấy đời anh bị bao phủ bởi nhiều thứ bóng tối.

Trước hết là bóng tối thể lý. Không có đôi mắt, đời anh chìm trong tăm tối. Không biết thế nào là ánh sáng. Không biết thế nào là cảnh thiên nhiên. Không nhìn được khuôn mặt của những người thân. Không tự mình làm gì được. Không tự mình sinh sống được. Chẳng biết có ánh sáng ban ngày. Đời anh chìm ngập một bóng đêm. Bóng đêm dày đặc không một chút ánh sáng. Bóng đêm triền miên không bao giờ chấm dứt. Tất cả là một màu đen. Thế giới màu đen. Quần áo anh mặc màu đen. Khuôn mặt mọi người đều màu đen. Cơm anh ăn hằng ngày cũng màu đen. Một màu đen muôn thủơ.

Kế đến là bóng tối xã hội. Vì tàn tật anh trở thành người dư thừa trong xã hội. Anh bị loại trừ khỏi xã hội. Chỉ còn ngồi bên vệ đường mà ăn xin. Như cây cỏ mọc bên đường thôi. Thậm chí khi Chúa đến, mọi người nô nức đón Chúa. Còn anh chỉ kêu lên thôi cũng đã bị người ta cấm đoán, đe nẹt rồi. Anh không có quyền gì hết. Vì anh chỉ là thân phận sống nhờ ở đậu.

Sau cùng là bóng tối tâm lý. Cuộc đời anh không có lối thoát. Anh bị kết án suốt đời chịu giam cầm trong bóng tối. Làm sao thoát ra được khi anh không thể tự mình làm gì. Khi mọi người kể cả những người thân ruồng bỏ anh. Khi xã hội gạt anh ra bên lề cuộc sống.

Nhưng Đức Kitô đem đến cho anh ánh sáng ngập tràn.

Người chiếu vào đời anh ánh sáng hy vọng. Tuy chưa được gặp Chúa, nhưng chỉ nghe những lời Chúa giảng, những việc Chúa làm anh đã tràn trề hy vọng. Chúa có thể giải thoát anh khỏi định mệnh tăm tối vây bọc cuộc đời anh. Người có thể đưa anh tới miền ánh sáng. Tương lai anh sẽ thay đổi. Cuộc đời anh sẽ tươi sáng. Anh tràn ngập niềm hy vọng. Niềm hy vọng trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời anh.

Người chiếu vào đời anh ánh sáng đức tin. Tuy chưa gặp Chúa nhưng anh đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Không tin sao được vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu anh khỏi bóng tối. Vì thế thoạt nghe tiếng Chúa anh đã kêu van lớn tiếng xưng tụng Người là Con Vua Đavít nghĩa là Đấng Cứu Thế. Có lẽ những người đi đón Chúa hôm ấy đều có đôi mắt sáng. Nhưng không ai có ánh sáng đức tin. Vì không ai tin Chúa là Đấng Cứu Thế. Trừ anh mù. Mắt anh mù nhưng đức tin của anh sáng. Nên anh là người duy nhất lớn tiếng tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế. Niềm tin của anh thật mãnh liệt. Dù bị mọi người chung quanh ngăn cản, niềm tin ấy không những không bị suy yếu mà còn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Bị mọi người đe dọa, cấm cản, niềm tin của anh càng vững vàng không gì có thể lay chuyển được, nên anh càng kêu to hơn.

Người đã chiếu vào đời anh ánh sáng tình yêu. Chúa là tình yêu. Chúa không nghe bằng tai nhưng nghe bằng trái tim. Vì thế giữa đám đông hỗn độn của thành Giêricô phồn hoa, Chúa vẫn nghe được tiếng kêu van của một người con bé nhỏ ngồi bên vệ đường. Không những Chúa nghe thấy tiếng lòng khốn khổ của anh mà Chúa còn ưu ái gọi anh đến. Thật là một cử chỉ ưu ái quá sức tưởng tượng. Giữa đám đông trong một thành phố phồn hoa, Chúa chẳng gọi ai trừ ra người mù ngồi bên vệ đường. Chúa chẳng chờ đợi ai trừ ra chờ đợi người con nhỏ bé tội nghiệp bị bỏ rơi nhất thành phố đến với Chúa. Đời anh chưa được ai yêu thương như thế. Đời anh chưa được ai quan tâm như thế. Đời anh chưa được ai mời gọi như thế. Đời anh chưa được ai chờ đợi như thế. Và Chúa còn hỏi anh muốn gì. Đời anh chưa được ai âu yếm như thế. Tình yêu Chúa làm cho đời anh bừng sáng. Anh tìm thấy tất cả ý nghĩa cuộc đời khi gặp được Chúa.

Chúa đem ánh sáng đến cho anh. Chúa là tất cả đời anh. Anh không cần gì khác nữa. Anh vất bỏ cả áo choàng là tài sản duy nhất. Vì anh đã khám phá ra kho tàng quý giá nhất đời. Anh đứng phắt dậy mà đến với Chúa vì tuy mắt chưa nhìn thấy mà lòng anh sáng như sao băng. Và nhất là anh đi theo Chúa cho đến cùng vì Chúa chính là ánh sáng cho đời anh. Chúa sẽ dẫn đường anh đi. Đi đến sự thật và đến sự sống.

Đời sống tôi có nhiều bóng tối vì tôi chưa tin vào Chúa. Đời sống tôi bế tắc vì tôi chưa đặt niềm hy vọng vào Chúa. Đời tôi mệt mỏi chán chường vì tôi chưa yêu mến Chúa. Hãy tin tưởng vào Chúa. Ánh sáng đức tin sẽ chiếu soi đường đời tôi đi. Hãy hy vọng vào Chúa. Niềm hy vọng là ánh sáng ấm áp cho cuộc đời. Hãy yêu mến Chúa. Tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của tôi. Hãy noi gương anh mù thành Giêricô bỏ tất cả mà theo Chúa. Sống bên Chúa đời tôi sẽ ngập tràn ánh sáng.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Hãy kể ra những thứ bóng tối trong đời anh mù thành Giêricô.

2) Hãy kể ra những thứ ánh sáng Chúa đã chiếu vào đời anh

3) Tại sao anh mù sau khi hết mù đã đi theo Chúa?

4) Bạn có bị bóng tối nào bao phủ đời bạn không?

5) Bạn có tìm thấy Chúa là ánh sáng cho đời bạn không?

 

28. Chúa chữa anh mù Bactimê

(Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm)

Trong bài hát Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi, chúng ta hát lên: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục…” Chúng ta lại hát tiếp: “Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.

Lời kinh này không chỉ là một lời cầu nguyện mà còn là một lời kinh diễn tả lối sống đích thực của mỗi người Kitô hữu. Như vậy bổn phận của mình không phải chỉ là đem yêu thương vào nơi oán thù mà còn phải dọi ánh sáng vào nơi tối tăm.

Có một câu chuyện kể như thế này:

Một anh mù đi thăm một người bạn. Đã lâu không gặp nên đôi bạn hàn huyên mãi quên cả thời gian. Khi trời tối mịt thì anh mù mới cáo từ ra về. Anh bạn bảo: “Thôi để tôi thắp cho anh cái đèn, trời tối quá rồi”. Anh mù nghĩ là bạn muốn đùa nên trả lời: “Anh muốn đùa hả? Tôi mù thì ngày và đêm có khác gì nhau đâu”. Anh bạn vội vàng xin lỗi nói: “Tôi đâu có dám đùa với anh, ý tôi là anh nên cầm cái đèn để người ta sẽ thấy sáng và không đụng phải anh”. Anh mù nghe nói có lý liền vui vẻ hiên ngang xách đèn ra về. Đi được một đoạn thì có một người đi ngược chiều đụng phải, làm anh mù ngã xuống vệ đường. Quá tức giận, anh lồm cồm ngồi dậy chửi đổng: “Đồ đui, người ta cầm cái đèn sáng như thế này mà không thấy hả?”. Người kia liền mắng lại: “Mày mới là đồ đui, đèn tắt mẹ từ lúc nào mà còn chửi người ta”.

Coi chừng chúng ta lại rơi vào tình trạng như thế. Nếu mình rơi vào tình trạng đấy thì rất nguy hiểm. Làm sao có thể dọi ánh sáng vào nơi tối tăm khi mà chúng ta không có ánh sáng, hoặc ánh sáng chúng ta đã bị tắt ngấm từ lâu.

Đặt câu hỏi như thế thì chúng ta thấy anh mù Bactimê sẽ trở thành gần gũi với mình hơn. Anh ta không còn là khuôn mặt xa lạ của 20 thế kỷ trước, mà giờ đọc lại mình có cảm tưởng như là đọc truyện cổ tích. Anh ta giờ trở thành một khuôn mặt mời gọi mình suy nghĩ về vấn đề của chính cuộc đời mình.

Ngày nay người ta nói đến mù chữ, vài năm nay lại thêm mù vi tính. Một thứ mù về mặt trí tuệ. Phúc Âm kể cũng có lần Chúa Giêsu mắng các môn đệ: “Các ngươi có mắt mà cũng như mù”. Và đây là một thứ mù về mặt tâm linh.

Khi kể câu chuyện này tôi không nhắm đến mù thân xác, vì thời đó có rất nhiều người mù, nhưng Chúa Giêsu không chữa cho tất cả. Ngài chỉ chữa cho một số người mang tính biểu tượng. Cũng không phải thánh Maccô nói đến mù chữ, vì chúng ta không nghe kể Chúa Giêsu mở lớp tình thương để dạy học. Như vậy chắc chắn là thánh Macco nhấn mạnh mù về mặt tâm linh, mù về mặt tinh thần. Ta có thể hiểu như thế nào về tình trạng mù này?

Có một câu chuyện kể về các người mù rủ nhau đi xem voi. Xem xong thì cùng nhau ngồi lại bàn tán, mô tả xem con voi nó giống như cái gì?

Anh sờ được cái chân thì dõng dạc tuyên bố: con voi nó giống như cái cột nhà.

Anh khác thì oang oang: con voi nó giống như cái quạt. Vì anh này rờ được ngay cái tai của nó.

Còn các anh sờ cái bụng, cái vòi. Ta không biết họ sẽ mô tả con voi giống như cái gì.

Suy nghĩ kỹ chuyện này thì thấy cũng thấm thía lắm. Tôi muốn chia sẻ với anh chị em là: chúng ta có thể rơi vào tình trạng mù về mặt tinh thần, có nghĩa là ta không nhìn thấy được chân lý toàn diện về cuộc sống. Ta chỉ nhìn thấy chân lý phiến diện như anh mù mô tả con voi “nó giống như cái cột nhà”, như thế là rất phiến diện.

Từ 30 năm về trước, một nhà xã hội học Mỹ… đã lên tiếng về con người thời đại. Ông gọi: “Con người một chiều kích”. Tôi thấy nhận xét ấy vẫn đúng cho đến ngày nay và chắc có lẽ càng ngày sẽ càng đúng hơn.

Cuộc sống con người chúng ta được đan kết bằng nhiều chiều kích. Có một chiều kích hướng thượng, mình gọi là chiều dọc trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Có một chiều kích ngang nữa, trong quan hệ bình đẳng yêu thương đối với mọi người, và có một chiều quan hệ đối với thế giới vật chất.

Càng ngày con người ta càng quên mất cái chiều hướng thượng, quên mất mối quan hệ hàng ngang với anh em trong tình yêu thương, mà chỉ quan tâm đến quan hệ tình bạn với thế giới vật chất.

“Con người một chiều kích”. Chúng mình không khám phá, không sống được cái chân lý toàn diện về cuộc sống của con người. Nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng đó.

Trở lại với hoàn cảnh của những anh em khiếm thị. Hầu hết đều bị mù từ lúc mới sinh. Có một số do tai nạn sau này. Nếu hiểu mù là mình không thấy sự vật thì cũng có lúc mình cũng không nhìn thấy mặc dù mắt mình vẫn sáng. Chẳng hạn như có sự cố cúp điện hay lúc mình bị đau mắt phải lấy khăn che mắt cho đỡ chói, đỡ nhức. Những hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ đến tình trạng mù về mặt tinh thần. Nếu bảo về tinh thần mù lòa từ lúc mới sinh thì không thể tin được.

Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa đều ban tặng cho mọi người khả năng nhận biết chân lý.

Ta có thể rơi vào tình trạng mù tâm linh là do nguyên nhân thứ 2, thứ 3. Nghĩa là mình thiếu ánh sáng. Do những hoàn cảnh và những môi trường sống.

Hiểu như vậy, ta thấy rằng hầu hết chúng ta đều là những người mù đáng thương về mặt tâm linh. Vì vậy, chúng ta hãy khiêm tốn chạy đến với Chúa để người chữa trị. Người sẽ giúp chúng ta nhìn thấy chân lý toàn vẹn. Người sẽ giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mọi người là anh em của ta. Người sẽ giúp ta nhận ra con đường tiến về nhà Cha trên Trời. Con đường đó là con đường Chúa Giêsu đã đi và đã tới đích. Và đó cũng là con đường hẹp, con đường ngược dốc, con đường thập giá nhưng là con đường dẫn đến sự sống vinh quang và vĩnh cửu. Amen.

 

29. Chúa Nhật 30 Thường Niên.

Anh chị em thân mến.Có lần tôi nghe bài hát được ca sỹ Nguyễn Hưng diễn tả hết tâm tình, nên tôi rất thích. Bài hát mang tên Đôi mắt, trong đó có những câu;

Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời. Để nhìn đời, và để làm duyên. Mẹ cho em đôi mắt mầu đen, Để thương để nhớ, để ghen để hờn. Đôi mắt em là cửa ngõ tâm hồn, Là bài thơ hay nhất, Là lời ca không dứt, Là tuyệt tác của thiên nhiên.

Thật thế, đôi mắt là cửa ngõ tâm hồn, là tuyệt tác của thiên nhiên. Nếu đôi mắt đóng lại, thì mọi hướng đi dường như cũng đóng lại và cuộc đời dường như ở vào một tình thế bất động, ở bên lề của cuộc sống.

Nhìn vào anh mù đang ngồi ở vệ đường. Đôi mắt anh ta không thể mở được, nên anh ta đành ở bên lề cuộc sống, anh ngồi bên lề đường, không thể hòa cùng mọi người để có những bước chân thong dong trên đường. Anh ta còn phải trông chờ vào những của bố thí dư thừa để nuôi sống bản thân. Anh ta cũng trông chờ những tin tức dư thừa để theo dõi tình hình chung quanh một chút ít nào đó, đôi khi còn bị ngăng cản. Anh cũng muốn hòa với mọi người bước trên đường cuộc sống, nên khi được hỏi, không cần suy nghĩ lâu, anh trả lời ngay: “Lạy Ngài xin cho tôi được sáng mắt”. Anh không xin tiền bạc hay của nuôi thân. Anh đã vất tấm áo choàng là món đồ nghề của mình, nhảy chồm lên, vượt khỏi tình trạng bất động, bên lề đường, bên lề cuộc sống. Cú nhảy là bước chân đầu tiên để bước vào con đường của cuộc đời. Mặc dù đôi mắt thể chất chưa được sáng nhưng mắt tâm hồn anh đã mở ra, đã nhìn thấy Đấng mở mắt cho mình. Anh bước theo con đường mà ngài dẫn dắt.

Mỗi người chúng ta có được cái tuyệt tác của thiên nhiên, cửa ngõ tâm hồn đó là đôi mắt. Nhưng vì chúng ta xử dụng quá nhiều để nó trở nên là cái gì quá bình thường, cho đến đỗi nhiều khi chúng ta không còn biết quí trọng nó nữa, thậm chí nhiều khi chúng ta quên mất đi sự hiện diện của cái tuyệt tác này. Khi nào mà đôi mắt có vấn đề, khi đó chúng ta mới cảm thấy phải chú ý, nhưng có khi lại quá trể để không còn có thể làm gì được nữa.

Cái cửa ngỏ của tâm hồn đó nhiều khi cũng bị chúng ta đóng kín nó lại, không cho nó nhìn thấy những điều cần phải thấy, không cho nó nhìn thấy hướng đi đúng đắn để mà đi. Chúng ta muốn ngồi bên lề cuộc sống để hưởng thụ, bất chấp những tiếng xôn xao của cuộc đời, bất chấp những bước chân của sự thật, bất chấp lời mời gọi đứng lên của Thiên Chúa. Chúng ta cố bám lấy chiếc áo choàng của sự ích kỷ để tìm tư lợi bản thân, áo choàng của sự nóng nải, cố chấp để không thể nghe được tiếng mời gọi thống thiết, áo choàng của sự ghen tương đố kỵ, để không thể bước chân trên con đường yêu thương và chấp nhận người khác ở bên cạnh. Chúng cũng không thể vượt qua được sự tự ái quá lớn của bản thân, vì chiếc áo choàng đó quá nặng nề làm trì trệ bản thân. Chính vì thế chúng ta không thể nào có được cú nhảy vọt như anh mù trong bài phúc âm mà chúng ta vừa nghe. Nhiều lần Chúa đến bên cạnh, hỏi ý kiến, nhưng chúng ta không dám mở lời xin cho được sáng mắt, vì sợ phải bỏ đi chiếc áo choàng nghề nghiệp của mình. Chúng ta cũng sợ phải bước đi theo Chúa, vì con đường của Ngài là con đường Thập Giá, con đường vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là con đường yêu thương. Chúng ta sợ phải vất đi chiếc áo choàng bản thân mình, nên nhiều lần không nhận ra được Ngài trong đám đông qua lại của cuộc đời. Chúng ta vẫn mở mắt nhìn nhưng không thấy gì, vì chỉ thấy chiếc áo choàng của bản thân và những lợi lộc dư thừa đang chứa trong đó. Nếu như thế thì cửa ngõ tâm hồn mình đã tự đóng lại, vậy thì cái tuyệt tác của thiên nhiên đã phí đi nơi con người của chúng ta. Chẳng lẽ con đường mà Chúa Giêsu bước đi cùng với bao nhiêu người đã từng bước theo, không phải là con đường của chúng ta sao? Chẳng lẽ chúng ta chịu ngồi lì bên lề cuộc sống mãi như thế sao? Vậy thì tương lai mai sau, kết thúc cuộc đời chúng ta cũng đành chịu ngồi bên lề cuộc sống, chứ không chịu vào con đường hạnh phúc mà Thiên chúa mời gọi mỗi người cùng chung hưởng hay sao? Như thế thì cuộc sống đời người vô ích quá.

Xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng ta nhìn thấy đường đi của Ngài và can đảm bước theo.

 

home Mục lục Lưu trữ