Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1379300

NGƯỜI NGHÈO CÓ PHÚC

NGƯỜI NGHÈO CÓ PHÚC (*)-  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ.”(Mt 5,3)

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng rất hay do Thánh Luca ghi lại. Đây là bài Tin Mừng hơi khó giải thích. Thế nhưng đây lại là bài Tin Mừng hết sức quan trọng vì nó đề cập đến một vấn đề cũng hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. Đó là vấn đề Hạnh Phúc.

Khi bàn về đời sống hạnh phúc, sách Giáo Lý chung ngay từ số đầu tiên (Số 1) đã có những diễn tả hết sức ấn tượng như sau:

“Thiên Chúa, tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Do đó, trong mọi thời và mọi nơi, Ngài đã đến gần với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm Ngài, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Ngài. Thiên Chúa triệu tập mọi người, vốn đã bị phân tán vì tội lỗi, để hợp nhất thành gia đình của Ngài là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngài đã sai Con Ngài đến làm Đấng Chuộc Tội và Cứu Độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.” (Số 1)

Chúng ta hãy nhắc lại một lần nữa để chúng ta thấy được tầm quan trọng của vấn để mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới như thế nào: “Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Thiên Chúa đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài”+ “Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.”

Đúng là Thiên Chúa muốn cho con người được sống hạnh phúc, thế nhưng làm sao con người có thể có được hạnh phúc theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa đây?

Có một câu chuyện cổ phát xuất từ Ba Tư là nơi người ta bảo là cái nôi của sự khôn ngoan trên thế giới như sau.

Ngày xưa, tại quảng trường của thành phố nọ có một nhà hiền triết đã xuất hiện và tuyên bố sẽ giải đáp được mọi thắc mắc của bất cứ ai tới vấn kế. Một hôm, giữa lúc mọi người đang say mê lắng nghe lời của nhà hiền triết thì có một người mục tử trên núi cao đi xuống. Nghe tiếng về sự thông thái của nhà hiền triết nên anh muốn chứng kiến tận mắt và nghe tận tai, nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông. Anh đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chắc một con chim nhỏ. Anh hỏi:

– Thưa ngài, tôi nghe đồn ngài là một người thông thái khôn ngoan, vì vậy ngài có thể nói cho tôi rõ con chim tôi đang cầm trong tay là con chim sống hay con chim đã chết được không?

Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử đang giương, nếu ông bảo rằng nó còn sống thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết, trước khi anh ta mở bàn tay ra. Còn nếu như ông bảo con chim không còn sống thì người mục tử sẽ mở bàn tay để chim bay đi. Sau một hồi thinh lặng trước sự hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết trả lời như sau:

– Con chim, mà ngươi đang cầm trong tay đó sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó sẽ chết.

Hạnh phúc cũng tương tự như thế. Hạnh phúc có được hay không là tuỳ ở mỗi người chúng ta.

Có nhiều người trong chúng ta tưởng hạnh phúc ở chỗ nọ chỗ kia nên đã dốc công đi tìm. Có người tìm ở nơi tiền bạc. Có kẻ đi tìm ở nơi lạc thú. Có kẻ khác đi tìm ở nơi danh vọng nhưng thử hỏi đã có ai thực sự tìm thấy hạnh phúc ở nơi tiền bạc, lạc thú, danh vọng hay chưa thì quả là chưa có ai dám can đảm quả quyết đã tìm thấy.

Hôm đó Đức Thích Ca vào thủ đô của vua Kaniska. Nhà vua đã thân hành ra đón chào Ngài. Nhà vua là bạn thân của thân phụ Đức Thích Ca. Đức Thích Ca nhìn sâu vào đôi mắt nhà vua và nói: “Xin Ngài hãy thành thực nói với tôi: Trong tất cả những thú vui mà Ngài đang có, Ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không?”

Vua Kaniska cúi nhìn xuống đất và giữ thinh lặng.

Nhà vua im lặng vì không có can đảm trả lời là có.

Ermann Coen được mệnh danh là thánh Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giàu có, thời trai trẻ ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong buổi giảng mùa vọng tại đền thờ đức bà ở Balê, ngài nói:

– Tôi đã đi khắp cả mặt đất, tôi đã yêu thế gian. Tôi đã biết thế giới và tôi đã học được một điều: không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng có nó: ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở những nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp… Ôi lạy Chúa, điều con mơ ước mọi giờ mọi ngày ở đâu? Và con chỉ tìm được nó trong Chúa và trong tình yêu Chúa mà thôi.

Vua Abder Rahman Đệ Tam Vị vua Hồi giáo nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha , đã biến đất nước Tây Ban Nha thành trung tâm khoa học của Âu Châu vào thế kỷ thứ 10  vào cuối đời rằng Ông đã tuyên bố:

– Ta đã ngồi trên ngai vàng 50 năm, đã kinh nghiệm chiến thắng và hòa bình, được thần dân mến phục, kẻ thù sợ hãi, và đồng minh kính nể. Danh lợi, quyền quí và tất cả các thú vui trên trần gian ta đều có cả. Nhưng khi ngồi tính thật kỹ số ngày ta được hoàn toàn hạnh phúc, thì con số đó quá ít ỏi, chỉ vốn vẹn có 14 ngày. 

Làm vua một nước lớn, có quyền thế, danh vọng, giàu sang trong tay suốt 50 năm, tức là 18.250 ngày, vậy mà chỉ hương được có 14 ngày hạnh phúc! Nhiều người ngày nay tương rằng danh vọng, giàu có, quyền thế là hạnh phúc, nhưng thật ra những thứ đó đều không thể hoàn toàn đem lại hạnh phúc. Những ngày hạnh phúc do các thứ ấy mang lại rất là ít ỏi.

 Xét như vậy thì Hạnh Phúc không phải là thứ mà con người muốn có là có. Muốn có Hạnh Phúc con người phải tìm đến với một nguồn cội khác. Nguồn cội ấy là Thiên Chúa.

Khi hoàng đế Napoléon của Nước Pháp bị đày sang đảo Saint Hélène sau những thất bại thê thảm trên chiến trường và chính trường. Người viết tiểu sử vẫn theo sát bên cạnh ông để ghi lại từng chi tiết của cuộc đời một con người rất nổi tiếng, đã từng chinh phục một phần  khổng lồ của lục địa Châu Âu.

Một hôm, biết ngày tận cùng của Napoléon đã đến gần, người viết tiểu sử mới hỏi ông

– Thưa hoàng đế, xin ngài cho biết trong suốt cuộc đời của ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?

Vị cựu hoàng, lúc ấy đang nằm liệt giường, không vội trả lời ngay. Ông quay đầu ra cửa sổ, nhìn biển xanh thắm một lúc rồi quay lại, nói như một lời tâm sự cuối cùng:

 – Ta nhớ, ta nhớ rất rõ, ngày hạnh phúc nhất trong đời ta đã diễn ra cách đây lâu lắm rồi, khi ta còn thơ bé. Đó chính là ngày ta được rước lễ lần đầu!

Đức Cha Fulton Sheen trong tác phẩm bàn về Hạnh Phúc đã có một xác tín rất hay khi Ngài nói: “Cho dầu thế giới này có xa cách Thiên Chúa đi nữa, thì con tim của mỗi người cũng không xa cách Ngài”.

 Vâng! Đúng như vậy. Chỉ khi nào con người biết tin vào Chúa xót thương, để rồi cũng xót thương kẻ khác như Chúa xót thương mình, chúng ta mới có được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc ngọt ngào, đầy bình an, vượt trên mọi thứ hạnh phúc, mà trần gian tôn vinh tìm kiếm, một thứ hạnh phúc vượt trên không gian và thời gian, hòa nhập vào hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi.Amen.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN- NĂM C

NHỮNG MỐI PHÚC- Trích Logos C

NHỮNG  MỐI  PHÚC 

Ông chủ kia có một khu vườn rất xinh đẹp. Trong khu vườn ấy có nhiều loại cây quý hiếm xanh tươi đẹp mắt. Ông chủ rất yêu quý khu vườn của mình, và ông quý nhất là Bụi tre cao lớn ở giữa vườn. Hằng ngày ông chăm sóc Bụi tre rất kỹ lưỡng. Thế rồi, ngày kia, một cơn hạn hán xảy đến. Cây cối thiếu nước nên khô héo dần. Ông chủ Buồn Bã nhìn khu vườn Bắt đầu vàng úa và tàn lụi. Một ngày nọ, ông đến tâm sự với Bụi tre về nỗi đau xót của mình. Bụi tre nói : “Thưa ông chủ, tôi xin đề nghị ông một cách để cứu lấy khu vườn. Ông hãy đốn tôi xuống, chẻ tôi ra làm những cái máng để dẫn nước từ nguồn suối về khu vườn. Ông chủ la lên : “Ta nỡ lòng nào đốn ngươi xuống để làm công việc ấy!”. Bụi tre nài nỉ :” Tôi Biết ông chủ thương tôi lắm! Tôi cũng thương ông chủ, nhưng chỉ có cách đó mới cứu được khu vườn”. Ông chủ trả lời : “Không, ta không thể làm như vậy!”. Bụi tre nói một cách tha thiết : “Tôi sẽ hạnh phúc Biết Bao khi khu vườn này được cứu sống và ông chủ được vui lòng. Hãy làm ngay đi kẻo muộn!”

Sau những lời nài xin khẩn khoản của Bụi tre, ông chủ đành phải chặt Bụi tre, chẻ ra làm máng dẫn nước cho khu vườn. Quả thật, một thời gian sau, khu vườn được hồi sinh, cây cối lại xanh tươi đẹp mắt. Lòng ông chủ vô cùng vui sướng.

Rồi một ngày kia, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Từ Bụi tre Bị đốn vươn lên những Búp măng non tràn đầy sức sống . . .

Bụi tre đã đi tìm kiếm hạnh phúc khi cho đi chính mình. Và khi từ Bỏ chính mình, nó đã tìm thấy sự hồi sinh.

Đó là quy luật muôn đời của Tin Mừng, luật “Bất quy tắc”, nghĩa là quy luật nằm ngoài quy luật thông thường, có khi đi ngược lại với quy luật người đời.

Hôm nay, thánh Luca thuật lại Bài Giảng Đầu Tiên của Chúa Giêsu, Bài giảng về những mối phúc thật. Khác với những nhà chính trị hay ngoại giao, lần đầu tiên nói với dân chúng thường đưa ra những viễn ảnh tốt đẹp : cuộc sống hạnh phúc, no cơm ấm áo, giàu sang thịnh vượng, an cư lạc nghiệp, còn Chúa Giêsu lại nói những điều “ngược đời” : phúc cho những người nghèo khó, những người đói khát, những người khóc lóc, những người Bị thù ghét và Bách hại. Những nhà chính trị và ngoại giao chỉ nói suông Bằng những lời hoa mỹ, nhưng có khi họ lại không thực hiện những lời họ nói. Còn Chúa Giêsu nói những lời nôm na mộc mạc, nhưng Ngài lại thực hiện những lời mình rao giảng.

Khi Chúa Giêsu nói đến niềm hạnh phúc dành cho những người nghèo khó, những người đói khát, những người đang phải khóc lóc hay Bị thù ghét, là Chúa muốn nói đến tinh thần của quy luật Bất thường đối với thế gian.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những người nghèo khó và đói khát về tinh thần. Nghĩa là những người không để cho tiền Bạc, của cải, đời sống áo cơm thống trị mình, nhưng luôn vượt lên trên sự ràng Buộc của chúng, để vươn lên cao. Nhất là trở lên nghèo khó và trống rỗng khi Biết chia sẻ và cho đi.

Càng cho đi, càng nhận lãnh thật nhiều và trở nên giàu có thiêng liêng. Càng trở nên trống rỗng, càng được đổ tràn đầy với ân sủng Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những người đang phải khóc lóc và Bị Bách hại vì Chúa, những người đang sống tinh thần hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa. Họ là những người đang từ Bỏ chính mình để vác thập giá đi theo Chúa mỗi ngày. Họ là những người đành mất mạng sống mình vì Chúa và vì Tin Mừng để được lại sự sống đời đời. Họ là những người gieo vãi trong nước mắt để rồi sẽ gặt hái trong hân hoan vui mừng.

Để chứng thực cho Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thực hiện Bài Giảng Cuối Cùng : Ngài vác thập giá lên đồi Golgotha để chịu đóng đinh. Chúa không rao giảng Bằng lời nói nữa, nhưng Ngài rao giảng Bằng chính cái chết của mình. Qua đó, Ngài trở thành Mối Phúc Lớn Nhất dành cho những ai Biết cùng vác thập giá với Ngài, cùng chịu đóng đinh với Ngài, cùng chết với Ngài, để cùng sống lại với Ngài. Đức Kitô Phục Sinh đã trở thành niềm hy vọng rạng ngời cho những ai tin Ngài (1Cr 15, 12  –  16, 20).

Ngày xưa, ở nước Ba tư có một nông dân tên là Ali Hafed rất giàu có. Ông có ruộng đất Bao la, hoa lợi dồi dào.

Ngày kia, có người Bạn đến kể cho ông ta nghe về một mỏ kim cương quý giá ở phương đông. Từ đó, Ali Hafed chỉ mơ tưởng đến mỏ kim cương mà chẳng chú tâm làm lụng nữa.

Cuối cùng, Ali Hafed quyết định Bán hết ruộng vườn, nông trang để lên đường đi tìm mỏ kim cương kia.

Ông ta đi khắp nơi tìm kiếm mỏ kim cương, nhưng càng đi xa, ông càng trở nên nghèo túng mà vẫn không tìm được điều mình mơ ước. Đến khi quá đói khổ và kiệt sức, Ali đã tự sát chết trong tuyệt vọng và cô đơn.

Ngày kia, người nông dân đã mua ruộng vườn của Ali Hafed dẫn lạc đà ra suối nước sau vườn. Khi con lạc đà đang uống nước, ông ta chợt nhìn thấy một tia sáng loé lên từ Bãi cát Bên dòng suối. Ông chạy lại lượm lên, thì thấy đó là một viên kim cương khá lớn. Nhưng không phải chỉ có một viên kim cương, ông còn tìm được nhiều viên khác nữa.

Có ai ngờ khu vườn mà Ali Hafed đã Bán để ra đi lại chính là một mỏ kim cương khổng lồ. Hiện nay, mỏ kim cương đó mang tên Golconda, mỏ kim cương nổi tiếng khắp thế giới.

Ali Hafed đã đánh mất kho tàng vô giá ngay trong chính tầm tay của mình.

Chúa Giêsu cũng chính là kho tàng ẩn giấu. Ngài là niềm hạnh phúc lớn lao ở rất gần chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài. Chúng ta chỉ có thể tìm gặp được Ngài Bằng “con đường ngược chiều”, con đường đau khổ và hy sinh. Chỉ qua con đường này chúng ta mới đến được vinh quang.

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN- NĂM C

GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI– Lm.Anphong Trần Đức Phương

Ai trong chúng ta cũng muốn sống sung sướng, hạnh phúc, và thông thường sự giầu có, tiền bạc đầy đủ bảo đảm hạnh phúc cho chúng ta. “Tiền bạc là chìa khóa mở cửa vào cuộc sống hạnh phúc.” “Có tiền mua tiên cũng được!” Số người mua xổ số càng ngày càng đông, vì muốn giàu có mau chóng và được sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong thực tế, sự giầu có tiền bạc không hẳn bảo đảm hạnh phúc cho chúng ta. Theo các thống kê của xã hội học về vấn đề tự tử thì tỷ lệ người giầu tự tử nhiều hơn người nghèo; tỷ lệ người tự tử ở các nước tiên tiến , giàu có như Hoa Kỳ và các nước Âu Châu dẫn đầu các nước khác (xin vào website Suicide để tham khảo). Theo cuộc điều tra mới đây về những người trúng xổ số và trở nên triệu phú trong giây lát, hầu như không người nào nhờ đó mà sống hạnh phúc hơn. Vào khoảng đầu năm 2009, thần tài đã đến viếng thăm một ông, và ông đã trúng số 30 triệu; nhưng chỉ vài tháng sau, ông bị mất tích. Bà mẹ ông thì cho rằng ông sống ẩn dật ở đâu đó, còn cảnh sát thì suy đoán ông đã bị giết, đã phải đổi mạng sống của ông vì tấm vé số trúng. Trong thực tế có nhiều người trúng số lớn, đã mất hẳn cuộc sống tự do lúc bình thường, vì cứ lo bị ‘bắt cóc’, nên đi đâu, ở đâu cũng lo sợ; ngoài ra, còn bị rầy rà vì bao nhiêu bạn bè, bà con thăm hỏi và xin giúp đỡ, nên phải rút vào cuộc sống “ẩn dật” cho yên thân. Chắc chúng ta còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine về “Ông Phú Hộ” đêm đêm mất ngủ vì cứ phải lo tính tiền bạc và sự làm ăn sao cho khỏi thua lỗ và được giầu có thêm mãi. Trái lại, người thợ đóng giầy ngủ nhờ dưới chân cầu thang của nhà ông thì đêm nào, khi đi làm về cũng húyt sáo vui vẻ, rồi đi ngủ ngon một giấc đến sáng để lại bắt đầu một ngày mới. Ông phú hộ liền đem tặng cho ông ta một túi tiền. Thế là từ ngày đó, ông ta không còn ngủ yên như trước, vì đêm nằm cũng lo sợ bị mất trộm túi tiền, và khi đi làm cũng vẫn phải lo giữ túi tiền. Ông ta cảm thấy cuộc sống không còn bình an, thanh thản như trước. Và ông ta đã quyết định trả lại ông phú hộ túi tiền để được trở lại cuộc sống nghèo khó nhưng bình yên hạnh phúc hơn.

Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật này, thường được gọi “Tám Mối Phúc Thật”, Chúa Giêsu có vẻ như đã đi ngược đời, nói đến hạnh phúc không phải cho người giầu có, quyền thế, ăn no mặc ấm… nhưng là cho những người nghèo khó, đói khát, đau khổ, bệnh tật, bị bách hại, phỉ báng, đánh đập tàn nhẫn (như những Giáo sĩ, Giáo dân đang bị bách hại tại Việt Nam, Mã Lai , Trung Quốc, Bắc Hàn, ở Trung Đông và Phi Châu… chẳng hạn). Quả thật là ngược đời hết sức! Nhưng trong Bài Đọc I hôm nay, Thiên Chúa đã soi sáng cho chúng ta biết, qua tiên tri Giêrêmia: con đường hạnh phúc thật là “biết đặt mọi niềm tin tưởng nơi Chúa, lấy Chúa làm tất cả, lấy Chúa làm nơi tựa nương tuyệt đối. Những người đó được sống hạnh phúc thật. Họ giống như cây được trồng bên bờ suối, đâm rể sâu vào đất ẩm ướt; không sợ gì, khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi; không sợ gì, khi nắng hạn, vẫn sinh hoa kết trái!”

Chúa Giêsu Kitô, Thày Chí Thánh của chúng ta, đã không mở đường hạnh phúc cho chúng ta bằng sự giàu sang, quyền qúy; nhưng bằng cuộc sống nghèo khó của chính Ngài, và trong thời gian đi rao giảng Phúc Âm Tình thương, lo cho những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, lại thường xuyên bị chống đối, ghét bỏ, thù hận. Cuối cùng lại chấp nhận bị bắt, bị hành hạ, sỉ nhục và chết trên Thập Giá, táng xuống mồ, rồi mới sống lại và về Trời để mở đường hạnh phúc Nước Trời cho chúng ta. Nếu chúng ta không tuyệt đối tin tưởng như vậy; nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời này mà thôi; nếu chúng ta chỉ đặt hạnh phúc vào sự giàu sang, quyền quý và tự do mọi sự ở đời này, thì chúng ta sẽ là những kẻ vô phúc nhất thiên hạ! (Như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài Đọc II hôm nay).

Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác,

Không theo đường lối những tội nhân,

Không ngồi chung với những kẻ khinh bỉ người khác;

Nhưng vui thỏa trong lề luật Chúa,

Và suy ngẫm luật Chúa đêm ngày.

Họ như cây trồng bên bờ suối nước,

Trổ sinh hoa trai đúng mùa,

Lá cây không bao giờ tàn úa,

Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Kẻ gian ác không được như vậy,

Họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi!

Phúc thay người đặt niềm tin cậy nơi Chúa;

Vì Chúa canh giữ đường người công chính,

Con đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

(Bài Đáp Ca theo Thánh Vịnh 1)

Theo đường lối của Chúa, Giáo Hội cũng chỉ lo rao giảng Tin Mừng hạnh phúc thật cho mọi người, giúp đỡ người bệnh hoạn, người đang ở các trại phong cùi (như ở Việt Nam hiện nay), mở mang văn hóa cho các dân tộc, loan truyền ơn cứu độ, con đường đưa đến hạnh phúc thật đời đời. Nhưng như Chúa Giêsu Kitô, trong mọi nơi, mọi thời, Giáo Hội cũng luôn bị bách hại, phỉ báng, lăng nhục. Tuy nhiên, từ những Hoàng Đế Rôma tàn bạo như Neron đến các bạo chúa thời nay như Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông v.v… tất cả đều đã trở về với cát bụi, nhưng Giáo Hội Chúa vẫn trường tồn và phát triển.

Theo mệnh lệnh của Chúa, chúng ta hãy: “Yêu thương mọi người, làm ơn cho những ai ghét bỏ chúng ta, chúc lành cho những người nguyền rủa chúng ta, và cầu nguyện cho những người vu khống cho chúng ta những điều gian ác.” (Lc. 6,27…). Đó là con đường yêu thương, con đường đưa đến hạnh phúc thật trong cuôc sống đời đời.

home Mục lục Lưu trữ