Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 97

Tổng truy cập: 1376522

NGƯỜI THỢ CÓ TRÁCH NHIỆM

TRỞ THÀNH NGƯỜI THỢ CÓ TRÁCH NHIỆM

TRONG VƯỜN NHO CỦA CHÚA

Dịp tháng 5/2014, khi Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội ở mọi tầng lớp người dân. Tại các khu công ngiệp, công nhân đã phản ứng một cách thái quá, và trút sự căm thù xuống trên chính các công ty của mình, nơi mình đang làm việc để kiếm sống. Công nhân đã xông vào các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đập phá, đốt xưởng. Ở Bình Dương, công nhân tràn vào nhà máy để phá và hôi của của công ty. Họ hể hả vì lấy được những món hàng từ trong công ty. Có những người không ngại ngùng để đưa mặt mình vào ống kiếng khi bị quay cảnh cướp của ấy. Hậu quả là công ty phải đóng cửa, công nhân không còn chỗ làm việc, những người ăn cắp bị ghi hình phải ra hầu tòa, phải đem đồ đến trả lại cho công ty trong sự xấu hổ. Sự kiện trên cho thấy rằng hầu như công nhân làm việc trong công ty từ trước đến nay không hề tỏ ra có trách nhiệm với công ty và làm việc thiếu lòng yêu mến đối với công việc và nơi mình làm việc nên mới xảy ra những sự việc đáng tiếc như thế. Cuối cùng, người thì bị đuổi việc, kẻ thì ở tù, còn Chính phủ bị bắt vạ phải bồi thường cho các công ty đó.

Thưa quý OBACE, khi làm việc mà người thợ không cảm thấy mình có trách nhiệm với công việc, thì chính họ sẽ biến mình thành kẻ phá hoại. Cũng vậy, khi họ làm việc mà không có lòng yêu mến thì cũng không khác gì kẻ nô lệ, và có khi biến mình thành kẻ cướp, kẻ ăn cắp ngay trong công việc của mình. Sự kiện nên trên không chỉ xảy ra ngày nay, mà cách đây hai ngàn năm, Chúa Giêsu cũng đã kể một câu chuyện tương tự.

Có một chủ nhà có một vườn nho, ông chăm sóc, rào giậu chung quanh, xây bồn ủ nho. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa. Đối với người Do Thái ngày xưa, vườn nho là một tài sản lớn, người ta yêu quý vườn nho như là con cái, là gia nghiệp của mình. Vì thế, khi trao vườn nho lại cho tá điền canh tác, ông chủ đã hết sức tin tưởng, trao phó cả cơ nghiệp của mình cho những tá điền này. Tuy nhiên, bọn tá điền đã bộc lộ ý đồ muốn chiếm đoạt vườn nho của ông chủ. Khi ông sai đầy tớ đến thu hoa lợi, bọn tá điền đã đánh đập, nhục mạ, giết chóc đầy tớ. Đã nhiều lần chúng đối xử với ông chủ và với những người được sai đến như thế, nhưng ông chủ vẫn hết sức khoan dung và kiên nhẫn với bọn tá điền. Cuối cùng, ông đã sai chính con trai duy nhất của ông đến, bọn tá điền đã bộc lộ rõ âm mưu chiếm đoạt vườn nho khi chúng bàn với nhau: Đứa con thừa tự đây rồi, nào ta giết nó đi và đoạt lấy gia tài của nó.

Israel chính là vườn nho của Thiên Chúa, là gia nghiệp của Chúa được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn. Ngài hết mực yêu thương Israel như đã được diễn tả qua bài ca về vườn nho trong sach Isaia: Tôi xin hát tặng bạn thân tôi bài ca về vườn nho của mình. Bạn tôi có một vườn nho màu mỡ trên sườn đồi, anh vun tưới cày cuốc và trồng vào đó những giống nho tốt. Anh dồn hết bao công sức cũng như kỳ vọng vào vườn nho này, nhưng nó lại không đáp lại sự mong đợi của anh, nó sinh ra trái nho chua nho dại. Vì thế, ông sẽ để cho nó bị tan hoang, heo rừng vào phá phách, cỏ dại mọc um tùm. Bài ca này nói lên tâm trạng và sự chờ đợi của Thiên Chúa nơi dân Israel. Ngài mong họ trổ sinh hoa trái yêu thương, hành động công bình, nhưng họ lại sinh ra những quả gian ác, những trái bất công. Kể câu chuyện trên, Chúa Giêsu đã muốn nhắm tới các thượng thế và luật sĩ. Họ chính là những tá điền được Thiên Chúa trao cho trông coi, canh tác vườn nho là Israel, nhưng những người này đã không làm tốt trách nhiệm của mình, còn đối xự tệ bạc với Thiên Chúa là ông chủ và muốn biến vườn nho Israel làm của riêng mình.

Những người trước đây được sai đến để thu hoa lợi là các ngôn sứ, những vị này được sai đến để giúp Israel điều chỉnh lại cuộc sống, kêu gọi thay lối sống gian tà bằng sống công bình bác ái, nhưng các ngôn sứ đã bị các tá điền là các thượng tế và luật sĩ tìm cách loại trừ, nhục mạ. Sau cùng, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu đến với họ, thì họ đã đối xử với người con ấy không khác gì những tá điền trong câu chuyện. Họ hành hạ, giết chết Ngài và quăng xác ra khỏi vườn nho. Trong câu chuyện, Chúa Giêsu cho thấy sẽ đến ngày Thiên Chúa là ông chủ sẽ loại trừ họ, đuổi họ khỏi vườn nho và trao vườn nho cho những người thợ trung thành, có trách nhiệm, hết lòng yêu mến làm việc và sinh hoa lợi cho Thiên Chúa.

Vườn nho ngày xưa đã đã bị bỏ hoang và Thiên Chúa đã thiết lập nên vườn nho mới là Giáo Hội, được trao cho những tá điền mới. Chúng ta là giống nho mới được tháp nhập vào thân cây nho là Đức Giêsu, được trồng trong mảnh vườn của Giáo Hội, được chính Thiên Chúa làm chủ canh tác và các cộng tác viên của Ngài là các thừa tác viên được tuyển chọn để chăm sóc cho vườn nho. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng là những tá điền được Thiên Chúa tín nhiệm trao cho việc chăm sóc vườn nho của Chúa. Vì thế, với trách nhiệm và với hết lòng yêu mến, chúng ta được mời gọi làm việc liên lỉ để sinh thật nhiều hoa trái tốt cho Chúa.

Là cành nho, chúng ta sẽ phải sinh trái nào? Thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta trong bài đọc hai: Trong mọi hoàn cảnh, hãy biết tạ ơn Thiên Chúa và không ngừng giải bày những tâm tình nguyện xin. Tạ ơn vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, cho chúng ta được nhận biết Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài, được tôn thờ Ngài, được hưởng ơn cứu độ. Đây chính là niềm vui đầy tràn trong tâm hồn và được biểu lộ ra bên ngoài. Dù cuộc sống bên ngoài còn nhiều khó khăn, thử thách cũng không thể làm vơi cạn niềm vui thánh thiện trong tâm hồn của chúng ta. Kế đến, phải sinh những hoa trái là: Sự chân thật cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì anh em hãy để ý mà thực hành.

Như vậy, với tính cách là những cây nho được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và vun trồng trong vườn nho Hội Thánh, chúng ta cần phải biết tận dụng cơ hội Chúa ban để sinh hoa kết trái trong cuộc đời của mình. Cần phải sinh những hoa trái như Thiên Chúa mong muốn và kỳ vọng nơi mỗi chúng ta. Điều Chúa mong đợi nhất nỗi người là sinh những hoa trái ngọt ngào yêu thương. Hãy dâng tặng cho Chúa lòng yêu mến, biết ơn của mình bằng sự gắn bó, trung thành với Chúa, với giới răn, lề luật của Chúa. Hãy bày tỏ lòng biết ơn qua việc dâng thánh lễ mỗi ngày. Hãy sinh những hoa trái là những việc lành, việc tốt cho gia đình, cho lối xóm và cho cả xã hội này. Đừng bao giờ trở thành những trái chua, trái đắng cho nhau. Hãy mạnh dạn loại bỏ những trái tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen, và hãy trao cho nhau những hoa quả ngọt ngào yêu thương. Khi mỗi người cùng trổ sinh những hoa trái như thế, chúng ta sẽ làm biến đổi xã hội này và thế giới này, và cuộc sống cộng đoàn, xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Trong tư cách là những người thợ được Thiên Chúa tín nhiệm trao phó cho vườn nho của Ngài, mỗi người tùy theo địa vị và ơn gọi của mình, hãy làm việc với hết khả năng, hết sức lực và nhất là hãy làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm và lòng yêu mến để đem lại nhiều hoa trái cho Chúa. Chúng ta được sai vào vườn nho rộng lớn là cả giáo hội, để ở nơi đây, chúng ta có bổn phận làm cho Tin Mừng được lan tỏa đến khắp nơi và đến với hết mọi người. Chung quanh chúng ta còn nhiều người chưa biết Chúa và Giáo Hội, chưa nghe nói về Tin Mừng Cứu độ. Chúng ta sẽ phải là những người giới thiệu hoa trái ngọt ngào này cho tất cả mọi người, để họ cũng được hưởng nếm niềm vui cứu độ của Chúa.

Là người thợ trong vườn nho là giáo hội địa phương tức là giáo xứ, hãy là những thành viên có trách nhiệm và có lòng yêu mến. Vì từ nơi môi trường giáo xứ, chúng ta được sinh ra trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng ân thánh của Thiên Chúa qua các Bí Tích, qua thánh lễ được cử hành nơi đây. Cũng ở nơi môi trường giáo xứ, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc qua các chủ chăn là những người được sai đến phục vụ cộng đoàn. Hãy hết lòng chung tay góp sức, xây dựng cộng đoàn vườn nho địa phương. Hãy mạnh dạn bỏ đi những tự ái, cái tôi bè phái, chia sẽ để góp phần xây dựng sự hiệp nhất yêu thương. Đừng bao giờ có tham vọng loại trừ người khác và biến vườn nho này thành của riêng mình, bắt người khác làm theo ý mình, nhưng cần phải làm theo ý Chúa.

Là những người được trao cho chăm sóc vườn nho là các gia đình, các bậc làm cha mẹ sẽ phải trở thành những người có trách nhiệm làm cho vườn nho của gia đình mình trổ sinh hoa trái tốt lành. Hãy chăm sóc nhiều hơn cho những mầm nho là con cái được lớn lên trong bầu khí đạo đức của gia đình, của cha mẹ qua các giờ kinh sớm tối, qua gương sáng của cha mẹ. Hãy kịp thời uốn nắn để con cái được lớn lên trưởng thành về nhân cách cũng như trưởng thành trong đời sống đức tin, trở thành những Kitô hữu tốt, nhiệt thành.

Xin Chúa cho mỗi người ý thức trách nhiệm Chúa trao ban, để chúng ta chu toàn tốt nhiệm vụ của mình, cộng tác và làm cho vườn nho của Chúa ngày càng được mở rộng trên khắp mặt đất này. Amen.

 

14. Vườn nho của Chúa

(Suy niệm của John W. Martens - Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Tôi những mong trái tốt, mà sao vườn nho chỉ sinh nho dại” (Is 5,4).

Trong thơ văn Kinh Thánh, vườn nho là biểu trưng cho người được yêu. Ngôn sứ Isaia đã vay mượn hình ảnh của một vườn nho để hát một bài ca dâng tặng người yêu. Bài ca đó miêu tả việc Thiên Chúa yêu thương săn sóc dân của Ngài. Tuy nhiên cung điệu bài ca mau chóng chuyển thành lời ca thán người được yêu, như Isaia đã mô tả, vì vườn nho được săn sóc ân cần, nhưng chỉ sinh ra nho dại. Cuối cùng nó đã bị bỏ rơi và trở nên hoang tàn. Đức Chúa phán “Ta sẽ chặt phá hàng dậu cho vườn nên tan hoang. Ta sẽ đập đổ các tường bao, cho vườn bị giày xéo. Ta sẽ biến mảnh vườn thành đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, cho gai góc mọc um tùm, và ta sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa xuống”.

Thế thì, vườn nho sản sinh loại hoa trái nào? Isaia đã viết rằng, loại giống nho tốt đã được chọn lựa để gieo trồng, nhưng nó chỉ cho ra nho dại. Hạn từ trong tiếng Do Thái khi nói về nho dại, có một nguồn gốc mang ý nghĩa “hư hỏng, hôi thối”. Câu văn trong tiếng Hy lạp, nho dại còn mang chở thêm ý nghĩa là “gai góc” như trong trình thuật của Isaia. Như vậy vườn nho thay vì cho trái thơm trái ngọt, nó chỉ cho trái hư thối hay chỉ sản sinh gai góc. “Thiên Chúa kỳ vọng sự ngay chính, nhưng Ngài chỉ thấy toàn là đổ máu. Ngài chờ đợi sự chính trực, nhưng chỉ nghe tiếng khóc than” (Is 5,7). Vườn nho này chẳng còn giá trị gì. Tuy nhiên, những người thợ làm vườn có thể cải tạo và vun xới cho vườn nho. Vì thế, Isaia cũng nói về một viễn cảnh tương lai khi vườn nho sẽ xanh tốt trở lại, lúc mà “Giacóp sẽ bén rễ, Israel sẽ trổ nụ đơm bông, và mặt đất sẽ đầy tràn hoa trái (Is 27,6).

Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng, Đức Giêsu trở lại với vườn nho. Hình như vườn nho bây giờ đang sản sinh những trái tốt, và ông chủ chuẩn bị cho thu hoạch. Cho dù vấn đề nho dại hay gai góc không còn được nói tới, nhưng vườn nho lại nảy sinh một vấn đề khác. Ông chủ giao phó vườn nho cho các tá điền chăm sóc và đi xa. Khi mùa gặt đến, ông sai những gia nhân đến gặp họ để thu gom hoa lợi. Nhưng các tá điền bắt các đầy tớ, đánh đập người này, ném đá người khác, thậm chí còn giết chết họ. Vườn nho ở đây là biểu trưng cho dân Israel, đang mang chở những hoa trái tốt lành, như Isaia đã tiên báo. Đồng thời, Đức Giêsu khai mở một viễn ảnh rộng lớn hơn, đó là Nước Thiên Chúa đang đến. Ông chủ vườn nho là chính Thiên Chúa, là người yêu trong dụ ngôn của Isaia, nhưng có những nhân vật mới xuất hiện so với vườn nho trong cựu ước, đó là các tá điền và những gia nhân của ông chủ.

Theo mạch văn trong Mt 21,45, các tá điền là những thượng tế và biệt phái, những người đã không được ủy thác sứ mạng thu gom hoa lợi khi mùa gặt đến. Họ không phải là những cây nho đã sinh ra trái xấu, nhưng dụ ngôn nói về họ như là những con người phản bội ông chủ, không đem hoa lợi về cho ông chủ khi ông sai phái những sứ giả đến vườn nho. Những đầy tớ được gửi tới là hình tượng ám chỉ các ngôn sứ trong cựu ước, giống như Isaia, mà những bài tình ca viết cho họ cũng chẳng làm sao lay động được con tim của họ, giống như tâm tưởng gian ác và chai lỳ của những tá điền. Sau khi đã sai gửi những đầy tớ, ông chủ gửi chính người con của mình đến với họ và nghĩ rằng “Họ sẽ kính trọng đứa con của ta”. Nhưng trớ trêu thay, các tá điền đã quyết định giết luôn anh ta để tiếm quyền sở hữu gia tài. Thế rồi Chúa Giêsu đưa ra câu hỏi “Khi ông chủ đến, ông sẽ hành xử thế nào đối với những tá điền như thế?” Các đầu mục Do Thái và người Pharisiêu trả lời, nhưng dường như họ không biết câu trả lời đó chính là tự kết án họ “Ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và sẽ trao vườn nho cho người khác canh tác để đến mùa sẽ thu hoa lợi”. Đức Giêsu đồng ý với câu trả lời. Người nói với họ “Quả thật, tôi bảo các ngươi, nước Thiên Chúa sẽ được cất khỏi các ngươi và được trao cho một dân khác có thể làm sinh hoa lợi cho Vương quốc này”.

Bởi vì các tá điền không phải biểu trưng cho toàn dân, nên những người Israel vẫn còn là hình tượng của vườn nho được Chúa yêu thương, mà dụ ngôn của Isaia đã miêu tả. Nhưng vườn nho sẽ được giao cho những tá điền khác, tức là giao cho một dân khác để có thể đem lại trái trăng cho vương quốc nước trời.

Những người theo Đức Giêsu, hình thành một dân mới, gồm cả người Do Thái và dân ngoại. Nhưng họ có thực sự là những tá điền của vườn nho này hay không, còn tùy thuộc vào kết quả sinh lợi của vườn nho. Điểm nhấn của dụ ngôn không phải là vườn nho sẽ bị bỏ hoang như Isaia đã mô tả, nhưng là cần phải chăm sóc chu đáo những trái nho mà vườn nho đã sản sinh. Một cách mặc nhiên, chúng ta hiểu là trong dụ ngôn của Đức Giêsu, vườn nho đang cho những trái tốt. Đức Giêsu không hát lên một bài ca chiến thắng về những hoa trái mà vườn nho mang lại. Ngài cũng không đá động đến sự trổi trang nơi các môn đệ Ngài, nhưng Ngài cũng gợi nhắc lại bài ca tình yêu về vườn nho của Isaia cho nhóm độc giả rộng lớn hơn. Vườn nho được trải rộng. Mọi người chúng ta đều được đón mời đến làm vườn nho cho Chúa. Hơn nữa, có khi tâm hồn chúng ta ngập tràn trái nho dại, chúng ta cần phải đổi mới và sản sinh những trái nho thơm ngọt cho Vương quốc Nước Trời.

 

15. Tôi tớ hay kẻ tiếm quyền? – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Dụ ngôn các thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại dụ ngôn Chúa Giêsu tạo ra để tỏ bày thân thế của Ngài là Đấng Messia. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Đức Kitô bị dân Người loại bỏ và chung quanh có những môn đệ mà lòng tin phát sinh khó khăn và hiện còn mỏng manh. Như thường lệ, Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ thực tại mà Người nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi xa, ra cả nước ngoài và để việc quản lý mùa màng lại cho những phái viên họ sai đến với các thợ làm nho. Theo luật Do thái nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, đất ấy thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này cho ta hiểu lý luận của các thợ vườn nho: Con thừa tự đấy, giết nó đi, chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó. Quả thực, con thừa tự mà chết, đất thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ. Qua dụ ngôn này, và trong đoạn nói tiếp nhắc lại hình ảnh viên đá góc bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho hiểu rằng chính Ngài là người con trai bị thợ làm vuờn nho giết đi và là viên đá góc. Trong tâm trí người đọc sách phúc âm vào thời Mt viết ra, cũng như trong tâm trí chúng ta, tất cả câu chuyện kết thúc bằng việc Chúa Con sống lại, để giải cứu gia tài Ngài, là toàn thể nhân loại và đã trở thành viên đá chính trong việc xây dựng nước trời. Dụ ngôn này đặt ra cách quyết liệt câu hỏi sau đây: Làm sao các người hữu trách dân Do thái lại đã tới chỗ loại bỏ Đấng Messia?

1) Họ đã hướng theo bản năng chiếm hữu. Chủ vườn nho là hình ảnh Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất và Cha của dân tộc Do thái. Việc các lãnh tụ của dân chiếm hữu nằm ở chỗ họ áp đặt quan niệm riêng và lề luật. Họ dùng lề luật để thống trị dân, họ còn có cao vọng dùng dân tộc được chọn để đạt tới chỗ thống lãnh thế giới. Các vị tiên tri đã đến và chính Con Thiên Chúa cũng đã đến để nhắc nhủ rằng, lề luật thuộc riêng mình Thiên Chúa và dân không phải là sở hữu của những kẻ cai trị, nhưng là của Thiên Chúa mà thôi. Họ đã giết các tiên tri và cuối cùng đã giết luôn Con Thiên Chúa. Họ đã tới chỗ loại bỏ Đấng Messia bởi vì thay vì phục vụ lề luật và dân, họ đã chiếm hữu, coi mình là chủ lề luật và dân. Một câu hỏi: liệu chúng ta có thoát khỏi thái độ tự coi là người làm chủ Chân lý?

2) Làm thế nào để phục vụ Chân lý Phúc Âm mà không chiếm hữu? Bằng cách hãy để cho Phúc Âm thâm nhập và cải tạo chúng ta, chứ không phải đọc rồi sắp xếp Phúc Âm theo ý chúng ta. Ngày xưa các thày thông luật lèo lái sự trông mong của dân đến những ước vọng thống trị trần gian. Ngày nay, phải chăng không có những nhà trí thức xử dụng Phúc Âm để quảng bá hệ thống chính trị của họ, các quan niệm về xã hội của họ dầu cho đó là bảo thủ hay là cách mạng? Người ta không có quyền cư xử như chủ nhân Phúc Âm và dùng Phúc Âm như mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu đi đến Chúa Giêsu Kitô trong đức tin. Nhiều người tiếm hữu Phúc Âm mưu lợi cho ý tưởng của họ, như các ký lục ngày xưa tiếm hữu lề luật, cuối cùng đi tới chỗ phủ nhận con người Đức Kitô. Phúc Âm mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống trên viên đá sống động là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chúng ta lắng nghe, tìm kiếm và yêu mến. Không ai làm chủ Đức Kitô, chúng ta tất cả đều phục vụ cho Phúc Âm của Ngài mà chúng ta chỉ là người lãnh nhận.

 

home Mục lục Lưu trữ