Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 82

Tổng truy cập: 1379657

NGUỒN SỐNG

NGUỒN SỐNG-  Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Thay vì hiệp nhất, Thánh thể lại trở thành cớ cho các Kitô hữu chia rẽ. Chia rẽ vì không biết đâu là sự thật về sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích. Lịch sử Giáo hội cho thấy niềm tin vào mầu nhiệm này đã tạo nên bao kỳ công vô cùng lớn lao trong Giáo hội. Hơn nữa, một chút nghiên cứu sâu xa cũng có thể cho ta nắm vững ý nghĩa lời Chúa khi lập bí tích Thánh thể.

Thực vậy, Chúa Giêsu quả quyết: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6:55) Xác quyết đó đã làm chói tai người Do thái. Họ chỉ hiểu sự vật theo lẽ tự nhiên. Chỉ trong Thần khí mới có sức mạnh siêu nhiên để hiểu mạc khải về mầu nhiệm Thánh Thể. Chỉ Thần khí mới nâng con người lên lãnh vực siêu nhiên để thấy được sự thật nơi xác quyết đó. Thật thế, “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63)

“Những chữ trong công thức ‘truyền phép’ Thánh thể không đủ chứng tỏ Mình Máu Chúa hiện diện thật sự. Động từ ‘là’ không loại trừ ý nghĩa biểu tượng (x. Ed 5:5; Mt 13:37-38; Ga 15:1, 5). Tuy nhiên, trong văn hóa Sêmít, nếu chỉ có biểu tượng, không đủ thiết lập giao ước. Để lập giao ước, đòi phải có lễ vật thực sự, chứ không chỉ có những dấu chỉ của những vật đó mà thôi (St 15:9-18; Xh 24:5).” (New Catholic Encyclopedia 2003:5, 411)

Không những mạc khải về thực tại sự sống nơi thân xác Người, Đức Giêsu còn muốn cho thấy thái độ và hiệu quả của những con người tin tưởng và đón nhận thực tại đó nữa. Người muốn cho mọi người thấy thịt máu Người vô cùng cần thiết cho ơn cứu độ. Thật vậy, Người đã quả quyết: ai đón nhận thân mình Người sẽ “có sự sống nơi mình,” (Ga 6:53) “được sống muôn đời,” (Ga 6:54; 58) và “ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:56) Từ đó, họ sẽ tìm được tất cả ý nghĩa và giá trị đích thực cho con người và cuộc đời.

Sự sống ấy trào dâng từ Chúa Cha. Chính sự sống ấy khiến Đức Giêsu làm được mọi sự. Giờ đây sự sống ấy lại cuồn cuộn chảy vào những ai “ăn thịt và uống máu Con Người.” (Ga 6:53) Sự sống như quyện vào nhau. Đó là điều Chúa Giêsu đã mạc khải: “Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6:57) Chính sự sống này sẽ quyết định tất cả. Không có sự sống ấy, trần gian sẽ băng hoại. Muốn tránh cơn băng hoại đó, người tín hữu “hãy bước đi trên con đường hiểu biết,” (Cn 9:6) và “sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5:15-16) “mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:20)

Tương quan sâu xa giữa Đức Giêsu và người tín hữu được thiết lập trong bí tích Thánh Thể. Đó là cái nhìn thần học của thánh Gioan và cũng là kinh nghiệm sống động của cộng đồng Gioan. Chính trong cộng đồng này, tín hữu đã thấu hiểu và cảm nghiệm sâu xa Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện “để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51) Từ đó, họ cũng đón nhận được sức mạnh xây dựng cộng đoàn. Trong cộng đoàn tông đồ này, họ đã “cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng” và “đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5:19) Chính khi chia sẻ tình yêu Thánh Thể với anh em, họ đã xây dựng thành công Giáo hội tiên khởi. “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2:46-47)

“Lễ bẻ bánh” chính là tiệc Thánh Thể (Mc 14:22; 1 Cr 11:24; Cv 2:42-47). Tin mừng Lc 24:13-35 cũng cho thấy hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh. “Hình như thánh sử Luca dùng từ này để chỉ về Thánh Thể. Có lẽ thánh sử có ý cho thấy, trong khi Kinh thánh hướng tới Đức Kitô, chỉ có Thánh thể mới cho phép Kitô hữu nhận thức và chiếm hữu Người trọn vẹn.” (New Catholic Encyclopedia 2003:2, 600) Chính trong thịt và máu Đức Kitô, tín hữu tiên khởi đã làm nên một thân thể và tạo thành một sức mạnh kiên cường đến nỗi “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18)

Sức mạnh đó ngày nay vẫn còn. Giáo hội trổ sinh một mùa màng tươi tốt nuôi sống muôn dân. Thứ sáu 11/07/03 vừa qua, Liên Minh các tổ chức Caritas kết thúc tổng hội thứ 17 với tựa đề: “Việc Toàn cầu hóa sẽ thành công nếu mọi người đều hưởng phúc lợi từ đó.” (Zenit 14/07/03) Tuyên bố chung nói: Caritas Quốc tế “cam kết hoạt động cho xã hội người nghèo và những người bị tách ly ra khỏi xã hội đang dần dần được toàn cầu hóa. Nghĩa là, sự liên đới phải được toàn cầu hóa, và Liên Minh Caritas phải tận tụy thực hiện mục tiêu này trong bốn năm tới.” (Zenit 14/07/03) Caritas hi vọng thực hiện đầy đủ nghị quyết trong tông thư ‘Tân Thiên Niên Kỷ’. ĐGH Gioan Phaolô II kêu gọi phải có ‘sáng tạo mới’ trong công cuộc bác ái. Caritas giải thích: “Trong kế hoạch hoạt động, các thành viên tổ chức Caritas Quốc tế tái cam kết làm cho tiếng nói người nghèo được lắng nghe trong các thực thể quốc tế, và thực hiện việc liên kết giữa những người có trách nhiệm quyết định và dân chúng chịu ảnh hưởng quyết định đó.” (Zenit 14/07/03)

Tổ chức Caritas chuyên phục vụ những người nghèo khổ trên thế giới. Tổ chức lấy sức mạnh từ niềm tin nơi Đức Giêsu, tấm bánh bẻ ra cho muôn dân. Biết bao Kitô hữu cũng đang theo sát gót Đức Kitô phục vụ trên khắp nẻo đường đời. Đó là những người khôn ngoan đang cố gắng “tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5:16) để giải thoát nhân loại khỏi “những ngày đen tối.” (Ep 5:16)

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- Năm B

BÁNH BỞI TRỜI XUỐNG-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc lại từ “manna” như một so sánh hơn kém, để nói về giá trị của bí tích Thánh Thể mà sau này Chúa Giêsu sẽ thiết lập. Vậy manna có ý nghĩa gì?.

 Manna là lương thực mà Thiên Chúa ban cho dân Israel trong suốt 40 năm trên hành trình tiến về Đất Hứa. Manna không chỉ là lương thực nuôi thân xác nhưng còn là dấu chỉ lòng yêu thương mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Thiên Chúa mặc khải cho họ biết rằng: giữa cảnh cơ cực trăm chiều, Ngài vẫn ở bên họ, Ngài vẫn đồng hành với họ trong án mây ban ngày và cột lửa ban đêm.

 Manna giống như một thứ nhựa cây, cứng lại khi gặp không khí, muốn ăn, người ta phải giã nát ra rồi nướng thành bánh.

 Manna có đủ mùi thơm ngon, đó là hình ảnh tiên trưng cho bí tích Thánh Thể, mà sau này Chúa Giêsu sẽ ban cho nhân loại qua lời giới thiệu hôm nay: “Ta là Bánh từ trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời”.

 Ngày xưa, manna như một thứ nhựa cây, thì ngày nay bí tích Thánh Thể là chính Thiên Chúa làm người.

Ngày xưa, manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân Ngài; ngày nay Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi tặng ban người Con Một của Ngài cho nhân loại.

 Ngày xưa, manna chỉ là của ăn mang lại sự no nê cho thân xác đủ sức tiến về Đất Hứa, nhưng ngày nay, Mình Máu Chúa Kitô là Bánh trường sinh không chỉ nuôi sống linh hồn con người, mà còn tăng thêm ơn thánh hóa cho những ai rước lấy.

 Ngày xưa, manna chỉ là phương tiện cứu đói tạm thời. Tổ tiên người Do thái ăn rồi cũng phải chết; nhưng ngày nay ai ăn Mình Thánh Chúa Kitô, thì sẽ có sự sống muôn đời.

 Ngày xưa, manna cho thấy Chúa không bỏ rơi dân của Ngài; ngày nay Chúa hiện diện với toàn thể dân thánh mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch ơn thánh. Bởi vì trong đó có Chúa Kitô ẩn ngự. Người cô đơn tìm được nguồn an ủi vỗ về; người yếu đuối tìm được sức mạnh thiêng liêng; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ; người đau đớn tìm được ơn chữa lành; người bất hạnh tìm được nguồn hạnh phúc; người hấp hối tìm được như của ăn đàng để đủ sức bước vào đời sau.

Khi suy niệm về bí tích Thánh Thể thánh Âugustinô nói: “Đức Chúa Trời quyền năng vô cùng làm được mọi sự, nhưng Ngài không làm gì hơn nữa cho con người; Đức Chúa Trời khôn ngoan thượng trí vô cùng, nhưng Ngài không nghĩ gì hơn nữa cho con người; Đức Chúa Trời giàu có vô cùng, nhưng Ngài không biết lấy gì hơn nữa cho con người. Ngài chỉ còn sáng kiến cuối cùng là lập nên bí tích Thánh Thể để hiến trọn tình yêu cho con người”. Cho nên bí tích Thánh Thể là giới hạn cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Anh chị em thân mến,

Trong bài giảng đầu tiên ngày 20/04/2005, Đức thánh cha Bênêđictô XVI kêu gọi: “Ước gì sự tôn thờ Thánh Thể sẽ là mối quan tâm đặc biệt của các hội đoàn, cộng đoàn Giáo xứ hay Dòng tu. Hãy quỳ gối lâu giờ trước Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, nhất là cần chấn chỉnh lại khi chúng ta tham dự Thánh lễ”.

Đáp lại lời mời gọi của Đức thánh Cha, mỗi lần đi tham dự thánh lễ chúng ta nên ý thức đi lễ là đi gặp gỡ Chúa. Chúng ta gặp Ngài trong cộng đoàn tín hữu; gặp Ngài qua Lời Chúa; qua vị linh mục tế lễ; gặp Ngài nơi bàn tiệc Thánh Thể khi rước lấy Mình Máu thánh Chúa.

Xin cho chúng ta biết đáp lại tình yêu vô biên của Chúa, đã yêu thương hủy mình ra không, ngự trong tấm bánh để trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta trên đường dương thế.

Đồng thời, chúng ta cố gắng giữ tâm hồn trong sạch và siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch sự sống cho linh hồn chúng ta. Amen.

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- Năm B

THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA NHẬP THỂ-  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 Liên tiếp những Chúa nhật vừa qua, các bài Tin mừng nói nhiều về Bánh hằng sống từ trời là chính Chúa Giêsu, và ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Sự sống đời đời, cũng chính là sự sống thần linh, là mục tiêu mà Chúa Giêsu mời gọi và nhắc nhở, thúc đẩy nhiều. Một mạc khải quan trọng mà những người do thái không thể chấp nhận vì họ không muốn tin vào Chúa Giêsu, ngay cả các môn đệ cũng không thể chấp nhận, và nhiều người trong nhóm các môn đệ đã bỏ người. Mọi chuyện đã diễn ra càng lúc càng xấu đi, và Chúa Giêsu cũng đành phải nhìn nhiều người đã bỏ người ra đi, ngay cả một số đông trong các môn đệ. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì luôn muốn thôi thúc vì nghĩ đến người mình yêu. Tình  yêu thúc đẩy Thiên Chúa mời gọi, nhắc nhở thúc đẩy con người  đón nhận sự sống đời đời để hợp nhất họ vào sự sống thần linh. Ngay từ sách Châm ngôn của Cựu ước, chúng ta đã nghe vang vọng những lời mời gọi của khôn ngoan thúc đẩy mọi người đến tham dự bàn tiệc để ăn bánh và uống rượu đã được dọn sẵn và học sống theo đường lối khôn ngoan để được sống. Cựu ước đã có những mạc khải về Khôn ngoan như một chủ vị thần linh mời gọi thôi thúc mọi người: “Khôn ngoan đã xây nhà và dựng bảy cột, đã sai các nữ tỳ của mình lên nơi cao để công bố: các ngươi hãy đến cùng ta, hãy ăn bánh và uống rượu ta đã pha sẵn”. Khôn ngoan mời gọi mọi người đến với mình, và tham dự vào bàn tiệc của Khôn ngoan để thưởng thức bánh và rượu và học sống theo đường lối khôn ngoan để được sống.

Khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh, Phúc âm Gioan đã nhìn phép lạ này như là dấu chỉ Chúa Giêsu đã muốn biểu lộ chính người. Như khi hai người yêu nhau, người ta tập trung mọi tâm tình về người yêu của mình và làm những dấu chỉ cho nhau để thông đạt tình yêu và hạnh phúc và rất dễ dàng và tự nhiên, họ hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ trao đổi cho nhau, đó luôn là lời nhắn của tình yêu trao đổi cho nhau để hiệp thông vào hạnh phúc và sự sống. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh, người cũng làm phép lạ này với tất cả tình yêu của mình và mong muốn những người do thái nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ tình yêu và sự sống của phép lạ của mình. Phép lạ không chỉ dừng lại ở vật chất cụ thể, mà qua đó hướng đến một ý nghĩa lớn hơn. Đối với người do thái, Manna, bánh và nước trong sa mạc trên hành trình về đất hứa là những dấu chỉ nền tảng của cuộc Xuất hành mà họ không thể quên. Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là dấu chỉ rõ rệt để nhắc nhở họ người là vị Môisen mới thực hiện một cuộc xuất hành mới và quyết định vì đây là lương thực từ trời ban tặng sự sống thần linh vĩnh cửu. Thế nhưng, những người do thái chỉ dừng lại ở việc ăn bánh no, họ không thấy được ý nghĩa Bánh ban sự sống đời đời mà Chúa Giêsu muốn hướng đến. Họ không ở trong vận hành của tình yêu của Thiên Chúa, nên không rung cảm được những gì mà Chúa Giêsu muốn trao ban cho họ, ngay cả các môn đệ cũng bị vấp phạm vì mạc khải Bánh hằng sống của Chúa Giêsu. Trong bài Tin mừng, khi Chúa Giêsu mạc khải người là bánh từ trời xuống và ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời, người còn nhấn mạnh, bánh chính là thịt của người để cho thế gian được sống. Nhưng những người do thái đã xì xầm với nhau làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được. Và Chúa Giêsu càng khẳng định rõ hơn nữa về thịt và máu người là lương thực trao tặng sự sống cho mọi người: “Thật, ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt con người và không uống máu con người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”. Để theo Đức Giêsu, cần phải ở trong tình yêu của người để có thể nhận ra ý nghĩa của sự trao tặng này, và cũng cần bỏ đi những quan niệm cũ của mình để dấn thân vào một đời sống mới, một sự sống mới và một tin tưởng mới. Những người do thái không thể chấp nhận được Chúa Giêsu từ trời mà đến, họ không thể chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người cũng như không thể chấp nhận mầu nhiệm Chúa Phục sinh. Họ vốn có một quan niệm Thiên Chúa toàn năng cao cả, nhưng lại khó chấp nhận Thiên Chúa tự hạ để nhập thể làm người như Chúa Giêsu. Vì không có được quan niệm Thiên Chúa nhập thể nên họ không thể chấp nhận việc ăn và uống máu của Chúa Giêsu nên không thể hiểu rằng đây là phương thế để đón nhận đời sống thần linh.

Con người của Đức Giêsu là mầu nhiệm, người khẳng định mình là Bánh trường sinh bởi trời, và người có sự sống thần linh của Chúa Cha. Người là con một của Cha giờ đây nhập thể và mang lấy thân xác nhân loại, nên khi ai ăn thịt và uống máu này thì được tham dự vào đời sống thần linh của Chúa Cha. Mầu nhiệm sự sống thần linh của Thiên Chúa, được ban tặng cho con người nhờ Chúa Giêsu, người con Thiên Chúa nhập thể làm người là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu, và mỗi người luôn phải đối diện với mầu nhiệm này, mầu nhiệm của sự sống và sự chết. Mầu nhiệm chết và phục sinh cũng là mầu nhiệm Thánh Thể, được công bố trên hiến tế của bàn thờ, hiện tại hóa hiến tế đổ máu của thập giá xưa và được chia sẻ cho mọi người để được hiệp thông vào hiến tế cứu độ cũng là hiến lễ mà mọi người được mời gọi kết hợp bằng chính đời sống của mình với những hy sinh trong công việc hằng ngày. Vì thế lời mời gọi của Chúa Giêsu đón nhận thịt máu của người cũng là lời mời gọi tha thiết và thúc bách mọi người kết hợp với chính mầu nhiệm chết và sống lại của người. Thánh thể chính là hiến tế đổ máu của thập giá. Mỗi khi chúng ta đón nhận quà tặng thần linh này, chúng ta càng được kết hợp mật thiết vào hiến tế cũng là thân mình của người nhiều, nhờ đó chúng ta được biến đổi càng lúc càng hoàn hảo hơn. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, đã đưa ra những lời dạy thúc đẩy các tín hữu càng lúc càng phải lo sống hoàn thiện hơn. Các tín hữu là những người phải biết sống khôn ngoan và thận trong, họ không thể sống thiếu hiểu biết và dại dột như những người khác. Điều quan trọng hơn hết, là họ phải lo sống theo thánh ý Thiên Chúa chứ không được sống bê bối hay bất cẩn. Vì biết sống theo thánh ý Chúa, họ phải cẩn thận xa tránh rượu chè say sưa, vì say sưa rượu chè sẽ làm người ta mê tham dâm dục. Trái lại, người tín hữu khôn ngoan thận trọng sẽ sống theo Thánh Thần của Thiên Chúa, và họ sẽ thực hành cụ thể đời sống này bằng cách chuyên cần cầu nguyện, hát thánh ca và thánh vịnh với những bài ca đạo đức để ca tụng Thiên Chúa, và đời sống của họ không ngừng cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Thánh Thể cũng chính là hiến tế cứu độ, người tín hữu được mời gọi đón nhận Thánh thể là thông hiệp vào hiến tế của Chúa Giêsu qua những hy sinh trong đời sống hằng ngày. Họ được biến đổi lần hồi để thực sự tham dự vào chính Thân mình của Chúa Giêsu.

home Mục lục Lưu trữ