Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1376568

NHẮC BẢO

Nhắc bảo

Như nhiều lần chúng ta đã xác quyết: chúng ta không sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác, trong một cộng đồng, trong một xã hội. Và trong cuộc sống chung này, chúng ta phải nương tựa vào nhau rất nhiều.

Chẳng hạn: về phương diện xã hội, chúng ta lao động sản xuất ra lúa gạo hầu người khác có cơm ăn, thì đồng thời người khác cũng có bổn phận lao động đem lại cho chúng ta vải vóc và những vật dụng cần thiết khác.

Về phương diện con người. Mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta, đều tạo nên một ảnh hưởng trên người khác, đồng thời, mỗi lời nói mỗi hành động của người khác cũng ảnh hưởng trên chúng ta. Bởi vậy, chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.

Một trong bổn phận về mặt tinh thần đó là hãy nhắc bảo những lầm lỗi cho nhau, để nhờ đó mà uốn nắn, sửa đổi hầu thăng tiến bản thân, vì nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi khuyết điểm của mình. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh đến qua bài Tin Mừng sáng hôm nay.

Thực vậy, Chúa Giêsu không bao giờ khuyến khích chúng ta dò xét kẻ khác, nhất là những người ở trong cùng một xứ đạo với mình. Tất cả những lời khuyên của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe chỉ có thể được hiểu như là một biểu lộ của tình bác ái. Vì chính Chúa đã nói: Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời không muốn cho một người nào bị hư đi.

Như thế, ở đây Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho chúng ta bổn phận phải ân cần chăm sóc đến anh em về mặt tinh thần và thiêng liêng. Giúp người anh em đang gặp khó khăn, đưa tay nâng đỡ người anh em đang trong vòng tội lỗi, là một đòi hỏi của tình yêu.

Nếu có một vài Kitô hữu chuyên môn xía vào chuyện thiên hạ, theo kiểu bới bèo ra bọ, vạch áo cho người xem lưng thì ngược lại, có một số giáo dân khác lại kém dấn thân, chỉ biết có mình với Chúa, theo kiểu an phận, mũ ni che tai.

Thế nhưng, ở đây Chúa Giêsu đưa ra một quan điểm khác, Ngài dạy rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. Tôi không thể hờ hững trước tình trạng thiêng liêng của anh em tôi. Hơn nữa, chẳng ai thoát khỏi lầm lỡ, hay yếu đuối, nên rất có thể một ngày kia người khác cũng có dịp thi hành cái bổn phận nâng đỡ thiêng liêng ấy đối với tôi. Có lẽ họ sẽ sẵn sàng làm việc này, nếu họ thay chính tôi thi hành với tất cả sự tế nhị và nhân ái cần thiết.

Nói tóm lại, trước những sai lỗi của kẻ khác, chúng ta hãy có can đảm nói cho họ biết trong tình thương và tế nhị. Đồng thời, khi được người khác nhắc bảo, chúng ta hãy có can đảm lắng nghe. Nếu sai thì chúng ta sẵn sàng bỏ qua, còn nếu đúng, thì chúng ta hãy coi đó như một tiếng chuông báo động Chúa gửi đến để cảnh tỉnh chúng ta. Vì như tục ngữ Tây phương đã bảo: Ai khen ta mà khen phải, ấy là bạn ta còn ai chê ta mà chê phải ấy là thầy ta.


 

38. Nhân danh Thầy

 

 

Một vị linh mục chánh xứ nọ nghe tin có một giáo dân sắp bỏ nhà thờ, không chịu tham dự thánh lễ nữa. Người giáo dân phản kháng này trước đây đã thường lập luận rằng ông có thể liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa một cách dễ dàng giống như đi ra ngoài cánh đồng tiếp xúc với thiên nhiên. Vào một tối mùa đông, linh mục chánh xứ đã đến thăm người con miễn cưỡng này trong tình thân hữu. Hai người ngồi nói chuyện hàn thuyên với nhau trước lò sưởi, cố ý tránh né đề cập đến vấn đề đi nhà thờ. Sau một lúc, vị linh mục chánh xứ cầm lấy cái kẹp than trên kệ kế bên lò sưởi, lôi kéo một cục than lớn ra khỏi ngọn lửa. Ngài đặt cục than hồng đang cháy giở ra ngoài lò sưởi. Cả hai đều chăm chú nhìn cục than trong im lặng. Cục than bị rút ra khỏi ngọn lửa liền ngưng cháy thật nhanh, và biến thành màu xám tro, trong khi các cục than khác trong lò cứ tiếp tục cháy sáng. Lời nhắn nhủ lặng lẽ của linh mục chánh xứ đối với người giáo dân ương ngạnh đã được đón nhận. Sau một hồi lâu thinh lặng, ông quay sang cha xứ và nói: “Chúa nhật tới con sẽ đi lễ”.

Bài Phúc âm hôm nay có ba phần: phần thứ nhất nói về việc sửa sai lỗi lầm của người anh chị em, phần thứ hai nói về sự tha thứ, và phần thứ ba là hiệu quả của lời cầu nguyện. Yếu tố chung nối kết tất cả các phần lại với nhau chính là cộng đoàn, hay Giáo Hội. Đức tin, cậy, mến của chúng ta không thể bị cô lập, nhưng phải sống trong sự liên hệ với những người khác. Không có cộng đoàn, đời sống tinh thần của chúng ta sẽ chết giống như cục than hồng đưa ra khỏi ngọn lửa.

Cộng đoàn của Matthêu đa số là người gốc Do Thái, nhưng cũng pha trộn những tín hữu ngoại kiều. Vì thế, nên có những bất hoà, đụng chạm, tranh chấp. Để phân giải những chia rẽ xảy ra trong cộng đoàn, thánh sử nhìn vào lời Chúa khuyên dạy, dựa trên uy tín và sức mạnh của thần khí hiện diện trong cộng đoàn hay Giáo Hội để sửa dạy những sai lầm, kêu gọi sự hoà giải, tha thứ và cùng đồng tâm nhất trí với nhau trong lời cầu nguyện.

Phúc âm hôm nay cũng được công bố trong bối cảnh phân rẽ hiện tại của thế giới và đặc biệt của nước Hoa Kỳ tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố xảy ra ngày 11.9.2001 ở thành phố New York, Washington D.C., và Pennsylvania. Biến cố đã qua đi, nhưng điều làm tôi lưu ý nhất là những thánh lễ Chúa nhật sau ngày khủng bố 11.9, nhà thờ đầy nghẹt giáo dân tham dự. Tại sao thế? Tôi tin rằng vì tất cả mọi người đang cố gắng đi tìm cho mình một ý nghĩa giữa những thảm kịch giết người tàn bạo vô nghĩa. Chúng ta cần đến sức mạnh, sự nâng đỡ và hướng dẫn của cộng đoàn và Giáo Hội. Chúng ta cần đến nhau để tìm về với Thiên Chúa.


 

39. Nhân danh Thầy

Theo bản tính yếu đuối của con người, sự tha thứ không phải là việc dễ làm, và không phải ai cũng có thể dễ dàng tha thứ được. Nhất là tha thứ cho kẻ thù giết hại chính mạng sống của mình. Phải là những người có tâm hồn cao cả, noi gương Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm khi Ngài chết trên cây Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

 

 

Tám mươi chín người thân thuộc họ hàng của Simon Wiesenthal đã bị giết chết bởi những người lính Đức quốc xã. Sau chiến tranh, Simon đã trở thành một con người đi săn bọn Đức Quốc xã để trả thù. Ông bắt đầu cuốn sách bằng một kinh nghiệm của chính ông, một tù nhân trong trại tập trung. Một ngày nọ ông bị lôi kéo ra khỏi hàng lao động và được đưa lên cầu thang phía sau đi tới một căn phòng tối om trong bệnh viện. Một người y tá dẫn ông vào phòng, rồi bỏ ông ở đó một mình với một khuôn mặt được băng bó trắng xoá đang nằm trên giường. Một người lính Đức đã bị thương rất nặng, toàn thể khuôn mặt được băng kín. Với một giọng nói run rẩy, người lính Đức đã tự thú tất cả tội lỗi với Wiesenthal. Anh nói về những phương pháp tàn bạo mà đơn vị của anh đã sử dụng để giết người Do Thái. Rồi anh tự thú nhận những tội ác do chính anh đã làm.

 

 

Một vài lần Wiesenthal đã cố gắng rời bỏ căn phòng, nhưng mỗi lần như thế cái hình hài giống như bóng ma đã vươn tới và van xin anh ở lại. Cuối cùng, sau 2 giờ đồng hồ, người lính đã nói với Wiesenthal lý do tại sao anh được mời đến đây. Anh nói: “Tôi biết rằng điều tôi đang xin hầu như quá lớn đối với anh. Nhưng không có câu trả lời của anh, tôi không thể chết bình an được”. Anh van xin sự tha thứ vì tất cả những người Do Thái anh đã giết. Wiesenthal ngồi im lặng một lúc. Ông nhìn vào khuôn mặt băng bó của người lính Đức. Sau cùng, ông đứng dậy bỏ căn phòng ra đi không nói lời nào. Ông đã bỏ lại người lính trong nỗi thống khổ không được tha thứ!

Đây là câu chuyện thật về Wiesenthal. Nó được coi như một trường hợp cực đoan, tuy nhiên, tôi tin rằng trường hợp như vậy không phải là không thường xảy ra đối với chúng ta. Tha thứ cho một người đã gây ra đau khổ cho chúng ta là một trong những điều khó khăn nhất mà một người Kitô hữu được kêu gọi để làm.

Vào ngày 11.9.2001. Alfred Braca là một trong số hàng ngàn người đã chết trong những cuộc tấn công vào toà nhà Thương Mại Thế Giới. Bà quả phụ Jean, và bốn người con đã mất đi một người chồng, người cha trong buồn sầu. Một tháng sau, Jean Braca đã nhận được một cú điện thoại từ tổng đài điện thoại hãng MCI. Người tổng đài đã chuyển cho bà một tin quan trọng: những lời cuối cùng của Alfred Braca, chồng bà.

Trước khi toà nhà tháp đôi sụp đổ, Alfred Braca đã gọi điện thoại cho nhân viên tổng đài của hãng điện thoại MCI và yêu cầu bà chuyển lời cuối cùng của ông cho gia đình. Ông đã nói với họ rằng ông rất yêu thương mọi người trong gia đình. Ông biết rằng ông đang ở trong một tình thế rất nghiêm trọng. Và muốn cho gia đình biết ông và 50 người khác đã quy tụ lại với nhau để cầu nguyện trong giây phút nguy kịch này. Và đây là hành động cuối cùng của họ trước khi chết.

Căn nguyên của khủng bố có thể là sự hiểu lầm, hận thù và bạo động. Sức mạnh quân sự không thể bứng rễ được nó. Bom đạn và tên lửa không thể bay tới phá huỷ sự hận thù trong lòng con người được. Trái lại, sự hận thù càng gia tăng hơn nữa. Nó chỉ có thể được cải hoá bằng sự cảm thông, lòng yêu thương và cầu nguyện.

Đây chính là lời kêu gọi tha thứ, hoà giải, yêu thương và cùng nhau cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay: “Ở đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.


 

40. Vẽ chân dung – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Lời Chúa hôm nay dạy các môn đệ của Ngài, dạy cho dân chúng cũng như dạy cho tất cả chúng ta một việc rất quan trọng trong đời sống hằng ngày, đó là tinh thần bác ái trong việc xét đoán, phê bình người khác. Chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý tưởng qua bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu (x. Mt 18,15-20).

Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, hẳn mỗi người chúng ta đều bật cười và lẩm bẩm rằng: Chúa Giêsu dạy thật có lý, vì rõ ràng đức bác ái dạy rất phù hợp với đạo tự nhiên của con người, bằng chứng là lúc chưa được may mắn nghe Tin Mừng của Chúa, mọi người chúng ta đã từng dạy con cháu trong đạo xử thế: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lặp lại cùng một tư tưởng đó nhưng với kiểu văn châm biếm: "Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước đã thì ngươi sẽ thấy rõ để lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em ngươi". Qua đó chúng ta nhận thấy rằng, trong cái triết lý đời sống nơi trần gian này cũng như của đời sống vĩnh cửu, chúng ta phải tôn trọng vì theo nguyên tắc: "Muốn cho đi thì phải có trước đã, vì không ai có thể cho cái mình không có bao giờ". Cũng như muốn làm việc gì, chúng ta phải biết mình có khả năng hay không. Và trong lời dạy của Chúa Giêsu bao giờ cũng tiềm tàng đức bác ái và tinh thần khiêm nhượng trong đó. Trong việc giúp đỡ người khác là anh em thì tôi phải kính trọng họ, tôi phải nhận thấy rõ chính tôi cũng là người tội lỗi yếu đuối như bao người khác trước mặt Thiên Chúa chí tôn chí thánh.

Trong đời sống thực hành hằng ngày, cụ thể qua việc sửa sai cho nhau, phải thực sự là một việc giúp đỡ chứ không phải là cuộc xét xử, chỉ trích, lên án nhau. Để được như thế, mỗi người chúng ta phải hiểu rằng, con người được Chúa dựng nên không phải để xét xử, chỉ trích, lên án anh chị em mình, nhưng để sống đời sống làm con Thiên Chúa và để giúp đỡ anh chị em khác trở thành con Chúa và cùng chung sống đời sống gia đình mà có Thiên Chúa là Cha. Đó chính là đức bác ái Công Giáo mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng.

Hôm nay trong tinh thần bác ái của Chúa dạy, chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì những lời phê bình, kết án, xét đoán, chỉ trích, thiếu bác ái. Xin Chúa giúp chúng con biết sống tinh thần tha thứ cho anh em trong cùng một Cha trên trời là Đấng luôn ban cho người công chính cũng như cho những kẻ lầm đường lạc lối. Chính vì thế mà trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi tất cả con cái của Giáo Hội hãy làm một cuộc tự vấn lương tâm và sám hối về những lầm lỗi của mình trong quá khứ. Giáo Hội đã nhận ra rằng, trong quá khứ con cái của mình đã có những hành động thiếu khoan nhượng trong khi loan báo Tin Mừng. Chúng ta không thể quên được những cuộc thập tự viễn chinh để triệt hạ người Hồi Giáo, các tòa điều tra để thiêu sống những người bị xem là lạc giáo trong thời Trung Cổ, những cuộc chiến tranh giữa Công Giáo và Tin Lành hồi thế kỷ XVII. Chúng ta cũng khó quên được những hoạt động truyền giáo, vì nhiệt tình loan báo Chúa Kitô, các tín hữu đã không ngần ngại dùng võ lực và nhiều sức ép khác để bóp nghẹt niềm tin và tư tưởng của người khác.

Lịch sử đã sang trang, ngày nay Giáo Hội thấy cần phải sám hối và quay trở lại gần với Tin Mừng của Chúa hơn. Tin Mừng của Chúa thiết yếu là chính con người của Chúa Giêsu, Đấng đã đồng bàn ngồi với những người bị xã hội gạt ra bên lề, cảm thông tha thứ không ngừng cho những người tội lỗi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cư xử như Ngài. Từ sáng chói nhất mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay phải là hai chữ "Anh Em". Khi người anh em lỗi phạm thì ngươi hãy đến với nó, chuyện vãn với nó, khuyến dụ nó, dù tội lỗi đốn mạt xấu xa đến đâu thì tha nhân vẫn là người anh em của chúng ta. Chúa dạy ta hãy đến với người anh em không phải với thái độ miệt thị, loại trừ, mà bằng sự cảm thông tha thứ.

Tựu trung đi bước trước để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, cảm thông tha thứ, đó là cách cư xử giữa những người anh em con cùng một Cha trên trời. Mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta đến gặp gỡ trong tình anh em ấy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu ngươi đến dâng của lễ nơi Bàn Thờ mà chợt nhớ có điều bất bình với người anh em, hãy bỏ của lễ mà đi làm hòa với người anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ" (Mt 5,23-24).

Nguyện xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức cho chúng ta, để mỗi ngày Chúa Nhật, sau khi ra khỏi nhà thờ chúng ta cảm thấy được bổ sức hơn, hầu sống và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa một cách tốt đẹp hơn.

 

home Mục lục Lưu trữ