Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 59
Tổng truy cập: 1376840
NHẬN VÀ CHO NHƯNG KHÔNG
Nhận và cho nhưng không - Am Trần Bình An
Sau khi được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp, chị Bênadêta đã xin vào tu viện một dòng Kín ở Nevers. Một ngày Chúa nhật kia, vào năm 1876, một nữ tu đưa cho Bênadêta xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Đức trước đây để xem phản ứng chị thế nào.
Đang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Bênadêta hỏi:
- Người ta dùng chổi để làm gì hả chị?
- Để quét nhà.
- Quét xong họ để chổi ở đâu?
- Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ "cư trú" thường lệ của nó.
- Đời em cũng thế chị ạ. Đức Mẹ đã dùng em, rồi để em vào chỗ của em. Em sung sướng lắm, và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi! (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng)
Hôm nay trong trình thuật Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu đến dự tiệc do một thủ lãnh Pharisiêu khoản đãi. Thấy thói đời bon chen, giành nhau ghế đầu, cũng như ưa phục vụ người cao sang, quyền quý, hay bạn bè, thân hữu, Người nhắn nhủ về thái độ nhận và cho. Chị Bênadêta nhận được ơn trọng đại, đã chia sẻ cho mọi người, rồi chị âm thầm ẩn mình vào Dòng Kín, noi gương Mẹ khiêm nhường.
Nhận
Nhận là lãnh, thâu lấy cái gì người khác trao, gửi, đem đến cho mình, từ vật chất đến tinh thần. Nhận quà cáp, nhận lời mời dự tiệc, nhận lời khen, tiếng chê. Trong quan hệ gia đình, cộng đoàn hay xã hội, nhận và cho thể hiện mối quan hệ hỗ tương giữa hai người, hay giữa cá nhân với tập thể, hoặc ngược lại.
Trong bản thân, mỗi người cũng tự nhận mình như thế này, thế nọ. Thường dễ cường điệu, chủ quan, tự trang điểm, nhuận sắc cho mình hay ho, tốt lành, đẹp đẽ. Thường tánh kiêu ngạo tiềm tàng khiến người ta luôn cảm thấy tự mãn, hợm hĩnh giỏi giang, khôn ngoan, thông minh, tài năng hơn tha nhân. Nhất là bao giờ cũng cho mình có giá trị hơn người khác, vượt trội hơn, cao trọng hơn. Mình luôn luôn number one! Dĩ nhiên, cũng không thiếu kẻ lại mặc cảm tự ty, luôn cảm thấy thua kém thiên hạ.
Đức Giêsu khuyên nhủ hãy khiêm tốn ngồi vào chỗ cuối, để nhìn lại kỹ bản thân. Biết sự thật về mình, vốn là tạo vật, đầy khiếm khuyết, đầy nết hư tật xấu. Hơn nữa, còn lấm lem tội lỗi kín đáo, chắc gì tốt lành hơn ai, mà cứ còn đòi chọn chỗ nhất mà ngồi.
“Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25: 6-7).
Quan trọng nhất là hiểu biết mình đang nhận hồng ân của Thiên Chúa ban cho mình, từ khi tượng thai cho đến khi quay về với cát bụi. “Tất cả đều là hồng ân!” như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm thốt lên. Nhận được những ơn phúc tràn trề, chúng ta mới có điều kiện thăng tiến, phát triển thân xác cũng như tình cảm và trí tuệ, hơn người này kẻ kia. Nếu họ cũng có cơ hội như chúng ta, và khéo léo dùng vốn liếng Chúa ban cho, có khi còn kết quả, thành đạt hơn chúng ta.
Do vậy, luôn sống khiêm nhường, tự hạ, bé nhỏ, tầm thường, mới có thể nhận thức thân phận bọt bèo, mà cảm tạ tri ân, ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa, để không còn dám vênh váo, tự mãn kiêu ngạo, trước mặt thiên hạ.
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1,52)
Hiểu thấu thân phận vốn nghèo nàn, được nhận lãnh biết bao hồng ân, mà người đời quen coi là may mắn, mới trân trọng nhân đức khiêm nhu, tự hạ. Thánh Phanxicô Borgia thấm thía tấm gương khiêm nhường tuyệt hảo của Chúa Giêsu: "Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa, vì tôi đã thấy Ðức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy." Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối, thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Ðức Giêsu.”
Cho
Nếu đã nhận nhưng không những ơn huệ Chúa ban tặng, thì cũng biết cho đi nhưng không, biết phục vụ vô tư, không vụ lợi, không đặt điều kiện với người nhận, người được phục vụ, không màng đến chuyện trả ơn báo đáp. Vì tất cả việc tốt lành, hy sinh, bác ái chưa thể nào đền đáp, sánh nổi những gì đã nhận miễn phí từ Thiên Chúa.
Cho đi âm thầm, không khoa trương, không đánh trống, khua chiêng, thổi kèn, hầu kiếm chút danh thơm phù phiếm. Vì Đức Giêsu đã dăn dặn: “Còn anh em khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,1-4).
Cho đi cả thương yêu, không đắn đo tiếc rẻ. ”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,38)
Cho đi vô tư là phục vụ tận tình. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 45)
Cho đi cả cuộc đời, như, noi gương Đức Giêsu chịu khổ nạn để cứu độ nhân loại, thánh Maximilianô Kolbe chết đi thay người bạn tù.“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15,13)
“Người khiêm nhường như hạ mình sát đất, không còn ngã xuống đâu nữa. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp!” (Đường Hy Vọng, số 517)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn thương yêu những tâm hồn bé bỏng, đơn sơ, khiêm nhu, bác ái. Xin dạy chúng con biết khiêm nhường mà dấn thân phục vụ vô vị lợi, để được Chúa yêu nhiều hơn.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã thấu hiểu tình yêu Chúa dành cho những ai khiêm tốn, nhỏ bé khi Mẹ ca tụng: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1,52). Xin Mẹ luôn luốn nhắc nhở và dạy chúng con biết khiêm nhường, để được Chúa đoái thượng phận hèn tôi tớ. Amen.
12. Khiêm tốn và vô vị lợi – Lm. GB. Trần Văn Hào
Trong xã hội ngày nay, người ta nói khá nhiều về sự khiêm tốn. Những khẩu hiệu như ‘Cán bộ là đầy tớ của nhân dân’ được treo dán khắp nơi, nhưng trong thực tế, nhiều khi những biểu thức đó chỉ là sáo ngữ rỗng tuếch. Ngay cả nhiều anh em linh mục vẫn bị giáo dân than phiền vì thái độ hống hách và quan quyền trong cách ứng xử. Khiêm tốn là một đức tính căn bản và cần thiết trong mọi tương giao xã hội. Hơn thế nữa, đây lại chính là cốt lõi của linh đạo Thập giá mà Chúa nói đến trong Tin Mừng hôm nay. Sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu mời gọi khởi nguồn từ chính khuôn mẫu nội tâm mà Đức Giêsu đã diễn bày qua cái chết của Ngài.
Linh đạo Thập giá.
Ngày 19 tháng 05 năm 1997, ông Kofi Anal Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phát đi một bản cáo phó gửi đến toàn thế giới với nội dung ‘Một người quyền lực nhất thế giới vừa mới vĩnh viễn rời bỏ chúng ta’. Người giàu quyền lực ấy là ai? Thưa, chỉ là một phụ nữ ốm yếu già nua, đã 87 tuổi, trong tay không có một tấc sắt để tự bảo vệ mình. Người giàu quyền lực ấy đã phải ngửa tay xin từng cái giường cũ để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, và khi chết vẫn không có một xu dính túi. Đó chính là Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Con người giầu quyền lực ấy là một phụ nữ yếu ớt đã sống khiêm tốn không phải với khẩu hiệu xuông, nhưng bằng lối sống rất cụ thể. Một con người đã can đảm đi đến mọi ngõ ngách của thế giới để chung chia cuộc sống vơi những người cùng khốn. Sự khiêm tốn mà Mẹ Têrêsa đã thể hiện khởi nguồn từ chính Thập giá. Trong cầu nguyện và suy niệm, Mẹ đã nghe văng vẳng lời Chúa Giêsu vang vọng trên Thánh giá: “Ta khát”. Suốt cuộc sống, Mẹ đã cố gắng sao chép lại hình ảnh của Đức Giêsu, đấng ‘vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài đã tự hạ vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá’ (Phil 2,6-8).
Thập giá Đức Giêsu là khung quy chiếu căn bản về sự khiêm nhường mà các bài đọc lời Chúa hôm nay trình bày. Trong bài đọc 1, tác giả sách Huấn ca viết: “Càng tự hạ, con càng làm đẹp lòng Đức Chúa. Người được tôn vinh nơi kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng vô phương cứu chữa”. Đương nhiên, các sách Cựu Ước chưa thể đi sâu vào mầu nhiệm cứu độ thể hiện nơi cái chết của Đức Giêsu, nhưng đã từ từ vén mở cho chúng ta con đường dẫn đến hoàn thiện. Đích đến của con đường này chính là Thập giá.
Trong bài Tin mừng với dụ ngôn về một ông chủ mời các thực khách đến ăn cưới, Chúa cũng đưa ra huấn dụ về sự khiêm tốn. Ngài kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Theo bản tính tự nhiên, ai cũng muốn được mọi người nể trọng, có được địa vị cao sang trong xã hội. Chẳng ai thích trở thành ‘kẻ rốt hết’ trước mặt các bá quan văn võ. Khiêm tốn để hạ mình xuống, điều đó mọi người chúng ta ai cũng biết, nhưng không phải dễ thực hành. Thánh Tôma Aquinô đã từng nói với một chút cường điệu: “Ai cũng có cái tôi. Khi chúng ta chết rồi, 15 phút sau, cái tôi đó mới chết hẳn”.
Ngay từ những trang đầu tiên của bộ Kinh Thánh, tác giả sách Sáng thế đã nói đến sự sa ngã của nguyên tổ. Tội đầu tiên du nhập vào trần gian chính là tội kiêu ngạo và người gây ra là Adam. Trong thư Rôma chương 5, Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy hình ảnh song đối giữa Adam cũ và Adam mới, là chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cho chúng ta được công chính hóa nhờ cái chết của Ngài. Ađam cũ gieo mầm sự chết do kiêu ngạo. Đối lại, Ađam mới làm cho chúng ta nên công chính nhờ khiêm tốn và vâng phục. Nói tóm lại, sự khiêm tốn mà Chúa Giêsu mời gọi, đặc biệt qua bài Tin Mừng hôm nay, chính là một nền linh đạo khởi phát từ mầu nhiệm Thập giá.
Tinh thần vô vị lợi.
Chúa Giêsu nói dụ ngôn hôm nay trong khung cảnh một bữa ăn. Một người Pharisiêu mời Ngài đến nhà dự tiệc. Đương nhiên, hiện diện trong bữa tiệc hôm đó còn có nhiều vị khách quý khác, có thể có những nhân vật ‘tai to mặt lớn’ trong xã hội thời bấy giờ. Người ta thường xếp chỗ ngồi theo thứ bậc. Đó là điều rất thường tình và ở đâu cũng thế. Giáo xứ có tiệc mừng, đương nhiên Đức Cha sẽ được ngồi vào chỗ trọng vọng nhất, rồi đến các Cha, các viên chức, rồi mới đến ‘quần chúng nhân dân’. Điều này không có gì đáng nói. Nhưng nhân cơ hội, Chúa dạy chúng ta bài học về sự khiêm tốn, hãy chịu khó ngồi vào chỗ rốt hết để được mời lên trên. Chúng ta không cần bàn đến những nghi tiết xã hội hay những tập tục theo phong hóa địa phương và những chuyện đó không quan trọng lắm. Song, tinh thần khiêm tốn biết hạ mình xuống mới là nội dung mà Chúa nhắm đến để khuyến mời. Tinh thần khiêm tốn này đi đôi với một tấm lòng vô vị lợi. Đây là điều rất thực tế mà chúng ta cần nghiền gẫm để đem ra thực hành.
Trong xã hội hiện nay, người ta vẫn thường áp dụng nguyên tắc ‘Có đi có lại mới toại lòng nhau’ hoặc ‘Ông đưa cái giò bà thò chai rượu’. Người ta thường hay nói: “Ở trên đời này, chẳng ai cho không một cái gì”. Không phải đây chỉ là lề thói xã hội, nhưng ngay cả trong Giáo hội, người ta vẫn hay thực hành theo lối suy nghĩ ấy. Đám cưới con gái tôi, ông đi phong bì 500 ngàn, mai mốt đến đám cưới con gái ông, tôi cũng phải ‘lại quả’ 500, không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn. Đó là sự sòng phẳng theo lề thói xã hội. Ngay các Cha vẫn hay ứng xử như vậy. Ngày lễ bổn mạng giáo xứ tôi, Cha đến đồng tế, khi nào đến lễ bổn mạng giáo xứ của Cha tôi cũng sẽ ‘phải’ đến để đáp lễ hay để ‘trả nợ’. Còn Cha không đến, thì tôi, tôi cũng sẽ không đến. Ở một mức độ nào đó chúng ta thấy có vẻ hợp lý, nhưng trong trật tự nước trời thì không phải vậy. Trong trật tự mới này, Chúa có vẻ như thách đố chúng ta. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Điều Chúa thách đố xem ra có vẻ hơi khác thường và ‘dở hơi’. Nhưng đây lại chính là sự dở hơi thánh thiện phát nguyên từ Thập giá mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn sâu vào. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã cho đi tất cả, không so đo tính toán, không mong được đáp đền. Đó chính là một ‘Tình cho không biếu không’ cách tuyệt đối, một tình yêu vô vị lợi mà chúng ta phải nghiền ngẫm, phải đào sâu và phải cố gắng đem ra thực hành.
Kết luận:
Sự khiêm tốn nội tâm và tấm lòng quảng đại trao ban vô điều kiện là linh đạo Thập giá của tất cả mọi người chúng ta, từ các anh em linh mục, tu sĩ đến giáo dân. Trong lá thư thứ nhất, Thánh Phêrô tông đồ đã dạy: “Anh em hãy trang điểm bằng sự khiêm nhường, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho những ai khiêm nhường (1P 5,5). Cũng vậy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Học nơi ngôi trường này, chúng ta phải cần cù, phải siêng năng, phải học mãi, phải học cho đến suốt đời và chẳng bao giờ có thể tốt nghiệp.
13. Thứ nhất khiêm nhường
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Khiêm nhường là một đức tính đáng quý, cần phát huy của mỗi con người. Khiêm nhường sẽ giúp con người thành công một cách vững chắc nhất. Chẳng thế mà trong lịch sử nhân loại đã không có ít bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Thực tế, khiêm nhường là đặc điểm chung của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, các vị cao sang đều mến chuộng đức khiêm nhường. Người ăn ở khiêm nhường chẳng những được người đời kính trọng mà cả Thiên Chúa cũng yêu thích kẻ khiêm nhường. Lời Chúa trong sách Huấn Ca dạy : "Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa" (Hc 3, 19-21. 30-31).
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học quan trọng là ở khiêm nhường. Người mời gọi chúng ta vượt qua thói háo danh để sống tự hạ và khiêm nhường. Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường. Khiêm nhường không có nghĩa là tự coi mình không có giá trị gì, không phải là khinh rể bản thân, hay thụ động, không dám nhận trách nhiệm. Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên.
Người khiêm nhường là người chấp nhận sự thật, nhận biết thân phận thụ tạo của mình, nhận mình là mình, có sao có vậy, những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa. Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban, và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng. Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình: tôi chưa hoàn hảo, có nhiều giới hạn, cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý...
Giữa một thế giới tự cao tự đại, kiêu ngạo, giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm đoạt, bè phái và chia rẽ, thái độ công kích, đối đầu vẫn thường bị nhầm lẫn là sức mạnh thì người khiêm nhường không được đánh giá cao; bởi người ta đánh đồng khiêm nhường với yếu đuối.
Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc cưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho người khác : "Đừng tìm kiếm chỗ nhất ". Chúa biết chúng ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội họp cũng như bàn ăn… Người biết ý định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta : "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất" (Lc 14,8).
Chỗ nhất là chỗ quan trọng nhất. Ta chọn ngồi chỗ nhất là vì ta thấy mình quan trọng, xứng đáng được hưởng vinh dự đó... Tiếc thay, chỗ nhất chỉ có một chứ không có nhiều, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình. Những cuộc tranh giành như thế vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia... Ở đâu có hai người trở lên là có đụng chạm, chỉ vì có một chỗ nhất. Vì thế Chúa Giêsu khuyên bảo ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, còn ai tự hạ thì rồi được tôn.
Vì muốn chọn chỗ nhất, nên ngươi ta thường thích giao du với người có thế giá, có học, có của, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về mọi mặt. Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ ta trong việc chọn khách để mời ăn, nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Người đưa ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh, giảm bớt sự kiêu căng, nâng cao đức khiêm nhường.
Khiêm nhường sẽ giúp cho bản thân mình nhận ra rằng còn điều gì thiếu sót mà mình phải hoàn thiện, học hỏi được từ người khác nhiều điều mà mình không có. Kẻ ăn ở khiêm nhường sẽ khắc phục được rất nhiều khuyết điểm, và hoàn thiện được bản thân. Khiêm nhường luôn đi liền với sự hòa nhã, hòa đồng với mọi người, vì tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi. Còn kẻ tự mãn thì luôn thấy người khác là thấp hơn mình, không đáng học hỏi. Bởi vậy đức khiêm nhường vô cùng quan trọng, giúp cho mỗi con người chúng ta có thể thấy được rằng không có điều gì là đủ, là thừa. Càng khiêm nhường, chúng ta càng học được nhiều điều.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết ăn ở khiêm nhường để xứng đáng được Chúa yêu thương. Amen.
14. Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
“Nhằm một ngày sabbat”: xem ra chi tiết quan trọng này hé mở ra chân trời của Vương Quốc, nơi ấy Đức Giêsu chuẩn bị bữa tiệc dành cho chúng ta là những người được mời. Đây không phải là bữa tiệc bình thường, vì được diễn ra “trên núi Sion, là thành trì của Thiên Chúa hằng sống là Giêrusalem trên trời”, có sự hiện diện của “muôn ngày thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời” (Bài đọc 2). Là nơi chúng ta có quyền lợi ở đấy. Đó là điều Đức Giêsu muốn dẫn chúng ta trong Tin Mừng hôm nay.
Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn ám chỉ chỗ nhất trong bữa tiệc. Một vấn đề thương gây tranh luận trong các trường học Do thái thời Ngài. Thực ra, chủ nhà không có qui định chỗ ngồi cho các vị khác, nên mỗi người phải chọn lấy cho mình một chỗ sao phù hợp với địa vị của mình so với thực khách khác. Có thể có nhiều khách sang trọng hơn ta đến vào giây phút cuối, lúc ấy, cần phải thận trọng nhường chỗ cho những thượng khác đó. Họ có thể được mời vào chỗ vinh dự hơn, khi mà Chủ nhà ra dấu hiệu trong bữa ăn, vẫn còn nhiều chỗ trống, cũng có thế sớm muộn người ấy phải nhường chỗ cho người quyền chức đến vào giờ áp chót.
Lời khuyên của Đức Giêsu không có gì là cách mạng, vì sách Châm ngôn đã từng dạy: “Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: "Xin mời ông lên trên!" còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng. Điều mắt con nhìn thấy” (Cn 25, 6-7). Thoáng nhìn, người ta có thể nghĩ, đơn giản chỉ là cách ứng xử thận trọng trong cuộc sống, nhưng quả thật, không dễ chịu chút nào khi thấy mình bị hạ xuống trước mặt mọi người. Hoặc là lịch sự so với các thực khách khác, vì họ xứng đáng vào chỗ nhất trong đám tiệc. Hoặc là chịu đựng có tính toán, hơi chút kiêu căng: tôi chọn chỗ dốt hết, với nụ cười trên môi thể hiện sự khiêm nhường, nhưng ẩn tàng hy vọng được mời bước qua trước mặt mọi người để lên ngồi chỗ nhất...
Đây không phải điều mà Đức Giêsu mong đợi chúng ta. Khi nói về Nước Trời; đôi lúc Ngài cũng thêm vào “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, người hạ bệ không ai khác ngoài Thiên Chúa, Ngài hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo là “người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18, 9), khi “sự thiện không có ở trong người ấy” (x. Rm 7, 18). Họ “tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét” (Tv 36, 3). Như người pharisiêu trong dụ ngôn, ông tự phụ khoe khoang trước mặt Thiên Chúa và người đời: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì con không như những người khác” (Lc 18, 11). Ông ngửa mặt lên trời và xét đoán nghiêm khắc về tha nhân.
Trái lại, người khiêm nhường, trước Mạc khải tình thương của Thiên Chúa, họ ý thức về thân phận bụi đất của mình, nên “khiêm nhường”. Như người thu thuế (Lc 18, 13), hay như vịnh gia, than vãn: “Xin rủ lòng thương con, lạy Chúa: con kêu con gọi Chúa suốt ngày. Lạy Chúa, xin làm cho con được vui thoả, vì con nâng tâm hồn lên tới Chúa. Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin” (Tv 85, 3.5). Ý thức về thân phận tội lỗi của mình trước nhan Chúa, tin tưởng nài van và xưng thú tội lỗi cùng Ngài, là những điều căn bản của sự khiêm nhường.
“Những kẻ khiêm nhường” thực sự mới có thể nói lời “tạ ơn” đối với Thiên Chúa (Bài đọc 1) vì vinh quang từ đâu đến để chúng ta có thể “tạ ơn” Đấng Tối Cao, nếu không phải đến từ Thiên Chúa? Chúng ta đón nhận vinh quang ấy thế nào nếu không phải là nhận lãnh Tin Mừng với lòng thống hối ăn năn? Vì thế “ý tưởng của người khôn ngoan là lắng tai nghe” (Ibid.), họ nghe tiếng Chúa gọi, và “hướng về Đức Giêsu, trung gian của Giao ước mới” (Bài đọc 2), để đón nhận ơn cứu độ tự nơi Người.
Thật ý nghĩa trong kính Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi, vì Người đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ” (Lc 1, 46-48). Đức Maria “đầy ơn phúc”, vì Mẹ đã khiêm nhường tự hạ trước Đấng đổ tràn ơn phúc xuống cho Mẹ: “Ai tự hạ sẽ được tôn lên”. Triết gia Nietzsche trách Kitô giáo là tôn của những người yếu thế; thấp cổ bé họng; khi tán dương kẻ khiêm nhường ở dưới đất trong khi mong đợi tiến về trời cao. Một quan niệm về khiêm nhường như vậy thực sự mà nói quá thụ động với đòi hỏi của Tin Mừng. Tuy Đức Giêsu chịu đựng những điều lăng nhục trong cuộc Thương khó, nhưng Ngài đã chọn lựa con đường này có suy nghĩ: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Ph 2, 6-8), vì Ngài muốn “qui tu con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về một mối”. Đức Giêsu hoàn toàn tự nguyện hạ mình xuống, để nâng chúng ta lên: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17, 24). Sự khiêm nhường tự hạ của Chúa Con biểu lộ đức ái cáo cả, Người ấp ủ trong lòng ơn cứu rỗi các linh hồn và tôn vinh Thiên Chúa Cha trong họ. Khiêm nhường thật để duy trì hạnh phúc phục vụ anh em, “lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (x. Ph 2, 3). Đối với người yêu mến, thì phục vụ vô vị lợi là phần thưởng của họ: “Khi anh dọn tiệc mời khách, thì hãy mời những người nghèo; và anh sẽ hạnh phúc, vì họ không có gì để trả lại anh.” Anh có thể có bác ái trong sự khiêm nhường, vì người khiêm nhường không qui chiếu về mình nhưng làm phúc vô vị lợi đối với tha nhân trong tình yêu. Thế nên, Tình Yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa là khiêm nhường hoàn hảo nhất.
Lạy Chúa, xin đẩy xa tính ích kỷ, kiêu ngạo xa con, dẫn con đi trên đường chân lý là khiêm nhường, để con coi người khác trọng hơn mình, và tìm thấy niềm vui khi phục vụ người khác. Xin đừng để sự tự cao, tự đại làm con thỏa mãn; nhưng ban cho con ơn nhận ra Chúa luôn khiêm nhường, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, là Thiên Chúa toàng năng, trao ban chúng con tình yêu và sự sống. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam