Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 92
Tổng truy cập: 1379716
NHỊP SỐNG KITÔ HỮU
NHỊP SỐNG KITÔ HỮU
Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.
Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.
Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.
Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.
Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.
Giữa những ồn ào của đám đông
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu
Giữa những đam mê quay cuồng
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó
trầm lắng và bình an.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Một ngày kết thúc mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa ăn gì trong ngày hôm ấy không?
2- Trước khi đi làm việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?
3- Hai nhịp trong đời sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong nhịp sống?
4- Gia đình bạn có cầu nguyện chúng với nhau trước khi đi ngủ không?
27. Mẫu gương mục tử
(Suy niệm của Lm. Minh Vận, CMC)
Danh từ Mục Tử và Đoàn Chiên là những danh từ rất thông dụng trong Thánh Kinh, Chúa thường dùng để chỉ các vị lãnh đạo trong Dân Riêng của Chúa. Chính Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, đến sống trên trần gian, rao giảng Tin Mừng, thực thi sứ mạng cứu thế, Chúa cũng tự ví mình như một Mục Tử nhân lành: "Ta là Mục Tử nhân lành, Ta đến để chiên Ta được sống và được sống sung túc. Mục Tử nhân lành hy hiến mạng sống mình vì Đoàn Chiên".
I. SỰ QUAN THIẾT PHẢI CÓ CHỦ CHĂN
Bài sách tiên tri Isaia hôm nay nói lên sự cần thiết phải có các vị lãnh đạo để quản trị và hướng dẫn Dân Chúa, như những vị Mục Tử để dẫn dắt Đoàn Chiên của Thiên Chúa theo đúng như thánh ý Ngài.
Như Chúa đã phán: "Khốn cho các Mục Tử làm tản mát và xâu xé Đoàn Chiên Ta". Chúa than phiền và chúc đữ cho những Mục Tử không tận tâm chăm nom, săn sóc và hướng dẫn Đoàn Chiên Chúa, Chúa sẽ xét xử những hành động gian ác của họ, vì họ đã không chu toàn nhiệm vụ được Chúa trao phó; trái lại, còn tác hại và làm chia rẽ Đoàn Chiên.
Vì thế, Chúa đã hứa: "Ta sẽ cho chúng những vị Chủ Chăn khác để chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, chúng sẽ không phải thiếu thốn". Hơn nữa, Chúa còn quả quyết: "Này đây, đã tới ngày Ta cho Đavít một mầm mống công chính, Ngài sẽ làm Vua thống trị, là Đấng Khôn Ngoan thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước"..."Người sẽ được gọi là Chúa Công Chính của chúng ta" (xem Jer 23:1-6).
II. CHÚA KITÔ, MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Bài Tin Mừng thuật lại, sau khi nghe các Tông Đồ thuật lại việc thi hành sứ vụ Tông Đồ của các ngài, Chúa đã truyền cho các ông rút lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi lấy lại sức một chút; rồi sau đó, đoàn lũ đông đảo dân chúng lại tuốn đến nghe Lời Chúa, Thánh Marcô viết: "Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ phải bơ vơ như Đoàn Chiên không người chăn dắt, và Người dạy dỗ họ nhiều điều" (xem Mc 6:30-34).
Chúa Kitô đến trần gian để cứu chuộc chúng ta và Người đã tự đặt mình như mẫu gương cho các nhà lãnh đạo, các vị Chủ Chăn noi theo bắt chước. Chính Người đã phán: "Ta là Mục Tử Nhân Lành; Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta. Cũng như Chúa Cha biết Ta, và Ta biết Chúa Cha. Ta lại hiến mạng sống Ta vì Đoàn Chiên Ta" (Jn 10:11-15).
Chúa còn phán: "Kẻ chăn chiên hiền lành hiến mạng sống mình vì con chiên; trái lại, kẻ chăn thuê, khi thấy muông sói đến, bỏ đoàn chiên mà trốn chạy, muông sói bắt chiên và đoàn chiên phải tán loạn" (xem Jn 10:11-12).
Chúa còn căn dặn: "Như các con thấy: Thủ Lãnh trần gian lấy quyền thế cai trị dân; phần các con thì đừng làm như vậy, ai trong các con làm thủ lãnh thì hãy trở nên tôi tớ mọi người, cũng như chính Thầy, không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người" (Mc 10:42-45).
III. NHIỆM VỤ CỦA CHÚNG TA
Như chúng ta đã thấy, ngày nay nhiều nơi trong Giáo Hội thiếu Chủ Chăn, Đoàn Chiên Chúa thiếu người lãnh đạo. Ngay nước Việt Nam chúng ta hiện nay, tại Bắc Việt rất thiếu Linh Mục, có những Giáo Phận chỉ có một Đức Giám Mục và một Cha Xứ... tại các Giáo Phận Miền Nam cũng rất thiếu, công việc mục vụ của các Đức Giám Mục và Linh Mục rất vất vả, một Linh Mục coi 2, 3 xứ ... Có nhiều Linh Mục, nhưng vì là cựu tuyên úy quân đội, sau khi được ra khỏi tù lại không được thi hành chức vụ.
Thế rồi, đau khổ cho Giáo Hội hơn nữa, nhiều nơi trên thế giới rất thiếu ơn gọi, thiếu người tình nguyện hiến thân làm vườn nho Chúa; lại còn cái nạn tệ hơn nữa có những vị Chủ Chăn lại phá hoại Đoàn Chiên, bằng những lời giáo huấn sai lạc cấp tiến, làm gương xấu cho Đoàn Chiên bằng một cuộc sống không mấy tốt đẹp.
Chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi, và gây thêm mầm mống ơn gọi nơi con cái trong gia đình chúng ta, để Giáo Hội có nhiều người hiến thân cho Chúa làm việc tông đồ, trong ơn gọi Linh Mục và Tu Sĩ để xây dựng Giáo Hội Chúa.
Chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho các vị Chủ Chăn biết khôn ngoan hướng dẫn Đoàn Chiên theo thánh ý Chúa, nhất là xin cho các ngài được sống đời thánh thiện, biết hy sinh cho Đoàn Chiên, theo gương mẫu đời sống thánh thiện của Chúa Kitô, vị Chủ Chăn Nhân Lành đã hy hiến mạng sống vì Đoàn Chiên.
Chúng ta cũng hãy nghĩ đến bổn phận của chúng ta là những bậc phụ huynh, là những vị Chủ Chăn trong đoàn chiên nhỏ là gia đình chúng ta, chúng ta hãy cố trở nên gương mẫu cho con cái chúng ta noi theo bắt chước. Đó là việc tông đồ, là lời cầu nguyện, là việc xây dựng, là việc cổ động, là việc củng cố và làm phát triển ơn gọi tông đồ tốt đẹp nhất.
Truyện Thánh Gioan Maria Vianney, một tấm gương phản chiếu trung thực mẫu gương Chúa Kitô, vị Chủ Chăn nhân lành. Khi còn theo học trong chủng viện với 200 Chủng Sinh, Gioan Vianney tuy lớn, nhưng điểm bao giờ cũng rốt bét. Nhiều lần anh em bạn Chủng Sinh khuyên Gioan nên rút lui khỏi chủng viện, vì không hy vọng theo kịp các lớp học để tiến tới chức Linh Mục được... Sau khi được "vớt" để lãnh chức Linh Mục, Bề Trên cử ngài đi coi một Giáo Xứ hẻo lánh là Xứ Ars. Một Linh Mục quen thân khuyên Ngài: "Cha ạ, tôi tưởng một người ít hiểu giáo lý như Cha, không nên ngồi tòa giải tội"... Thế mà rồi Giáo Xứ Ars đã được biến đổi, trở nên một Giáo Xứ đạo đức. Danh tiếng Cha Gioan Vianney đã lan rộng, ngài đã phải ngồi tòa 16 đến 18 giờ mỗi ngày. Dân chúng khắp nước Pháp và nhiều nơi trên thế giới tuốn đến nghe các giờ giáo lý ngài dạy, bàn hỏi việc tâm hồn và xưng tội với Ngài. Các công ty hỏa xa đã phải mở nhiều trục giao thông cho khách hành hương. Nhiều khách sạn được thiết lập để cung ứng cho mọi người. Sự kiện này đã khiến nhiều Linh Mục trong các Giáo Xứ lân cận không mấy bằng lòng, nên đã đồng lòng đệ đơn kiện lên Đức Giám Mục, xin ngài cứu xét việc này, vịn lý do một Linh Mục học thức kém cỏi như Cha Gioan Vianney, mà sao dám lôi kéo người ta đến xưng tội với mình như vậy.
Sau khi Đức Giám Mục đọc đơn kiện của các Cha, ngài quá bỡ ngỡ vì thấy sau chữ ký của các Cha lại có cả chữ ký của Cha Vianney nữa với dòng chữ: "Việc anh em nói trên đây rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào đơn đồng tình cùng anh em". Linh Mục được ủy thác trách nhiệm đem thơ trình bày lên Đức Giám Mục, lại là bạn thân của Cha Gioan Vianney, nên khi đi ngang qua Xứ Ars đã ghé vào thăm và cho Cha Vianney hay sự việc, ngài xin được đọc và chính tay ngài đã ký tên rồi viết thêm dòng chữ này. Đức Giám Mục với lòng thán phục và tự hỏi: Có khi nào lại có người cùng ký vào bản đơn kiện mình như thế được. Thế rồi, Đức Giám Mục đã nói: "Các Cha xem, Cha Vianney phản ứng cách rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ? Ngài thực là một Linh Mục thánh thiện. Thôi chúng ta cứ để xem. Nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền, ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ".
Kết luận
Trước giáo huấn đầy khôn ngoan Chúa dạy và mẫu gương khiêm nhu Chúa đã để lại, Thánh Gioan Vianney, vị Chủ Chăn của Đoàn Chiên Chúa đã cố gắng họa lại cách trung thực trong đời sống của ngài, nên ngài đã đáng trở nên dụng cụ Chúa dùng, để Chúa được vinh danh và các linh hồn được cứu độ.
Vậy, là con cái Chúa, chúng ta cũng hãy cố gắng mô phỏng chân dung đích thực của Chúa Kitô nơi bản thân và đời sống chúng ta, để một phần nào chúng ta có thể hoàn thành được nhiệm vụ Chúa đã ủy thác cho mỗi người chúng ta, nhất là trong sứ mạng làm cha mẹ trong các gia đình con cái Chúa.
28. Nghỉ ngơi trong Chúa
"Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói" hay "Nhàn cư vi bất thiện". Đây là hai câu nói lên giá trị sự siêng năng làm việc. Sống là phải làm việc, làm việc không ngừng. Dầu vậy không ai trong chúng ta có thể làm việc suốt ngày suốt đêm mà không cần nghỉ ngơi. Mục đích của nghỉ ngơi là để bồi dưỡng lấy lại sức khỏe thể xác cũng như tâm hồn. Nhờ đó mà những công việc tiếp theo có thể đem lại hiệu quả cao hơn.
Sau một thời gian ra đi truyền giáo theo lệnh của Thầy Giêsu, các Tông đồ trở về vui mừng hớn hở kể lại cho Thầy nghe những gì mình đã làm và đã giảng dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." (Mc 6, 31). Chúa Giêsu muốn các ông nghỉ ngơi sau thời gian mệt mỏi ra đi truyền giáo. Có thể nói được là các ông được nghỉ trong Chúa.
Nghỉ ngơi trong Chúa, ta sẽ được bồi dưỡng đầy đủ chất bổ dưỡng. Chúa Giêsu chính là vị mục tử nhân hiền nuôi dưỡng các con chiên của mình trong đồng cỏ xanh tươi và suối mát trong lành. Người đã có lần kêu mời: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28)
Quả vậy, Người biết rõ chúng ta cần gì ngay cả trước khi chúng ta cầu xin. Điều răn thứ ba trong Mười điều răn Đức Chúa Trời dạy chúng ta giữ ngày Chúa nhật. Đồng thời, mỗi ngày chúng ta được Giáo hội dạy tuân giữ các giờ Kinh tối sáng. Cũng vậy, các Linh mục và tu sĩ hằng năm đều có thời gian tĩnh tâm mà chúng ta quen gọi là cấm phòng. Đây là những khoảng thời gian thật cần thiết và quý báu cho đời sống đức tin. Nếu biết rõ được ý nghĩa và giá trị của những khoảng thời gian này chắc hẳn chúng ta sẽ không cho đó là gánh nặng phải tuân giữ. Ngược lại chúng ta sẽ rất trân trọng.
Cuộc sống càng tiến bộ bao nhiêu thì dường như nhu cầu cần sự nghỉ ngơi của con người càng nhiều bấy nhiêu. Đáng tiếc thay có nhiều người lại lấy thời gian nghỉ ngơi này để làm hại chính mình và nhiều khi ảnh hưởng đến người khác. Những sòng bài, những nhóm ăn nhậu hay những nhóm trẻ ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Đây là những lúc họ tự hủy hoại chính bản thân mình và gây thiệt hại đến người khác. Nhất là đây là một trong những lý do khiến cho nhiều gia đình phải tan vỡ.
Là người có đức tin chúng ta hãy biết quý trọng những thời gian nghỉ ngơi trong Chúa. Cũng như chúng ta nhắc nhở nhau tìm những trò giải trí lành mạnh hầu đem lại lợi ích cho mình và tránh gây thiệt hại cho người khác.
29. Chạnh lòng thương – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Sau một cuộc hành trình truyền giáo, các tông đồ phấn khởi trình bày cho Đức Giêsu những gì mình đã làm và đã dạy.
Đức Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Ngài biết các tông đồ giờ đây cần gì. Họ cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác. Họ cần một chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn, để nhìn lại phía sau, để nhìn về phía trước, để tách mình ra khỏi công việc bề bộn nơi đám đông, để sống tình thầy trò ấm áp.
"Hãy đi riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút." Chỉ cần một chút thôi, năm phút, mười phút...
Ai trong chúng ta cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày, để trở lại chỗ sâu nhất của lòng mình, để nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.
Cần tìm một chỗ lặng lẽ trong nhà, để tôi có thể ngồi với tôi, trước nhan Chúa.
Cuộc sống hôm nay không để cho ta một chút nghỉ ngơi.
Các tông đồ cũng bị cuốn vào cơn lốc của công việc.
Cần phải phấn đấu để có được một chút mỗi ngày.
Một chút lắng sâu đủ nuôi cả ngày. Một chút êm ả khi ta đã làm mình rỗng không khỏi bao điều đã nghe và thấy, đã nói và ước mơ.
Phải xuống thuyền để đi đến nơi nghỉ ngơi. Phải ra khỏi chỗ mình đang sống.
Thầy trò đã lên thuyền, nhưng kế hoạch bất thành. Có lẽ vì ngược gió nên thuyền đi chậm. Một số người đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp ghé vào. Đức Giêsu sững sờ khi thấy đám đông. Những bước chân nôn nao, hối hả của họ đã khiến Ngài rung động tận cõi lòng. Ngài biết họ cần Ngài và Ngài thương họ.
Cái cần của tập thể thật cấp bách đến nỗi nhu cầu chính đáng của cá nhân phải hy sinh.
Đức Giêsu mang trái tim của người mục tử nhân hậu, nhói đau trước sự bơ vơ của đoàn chiên.
Bơ vơ là tâm trạng của con người mọi thời, nhất là của người trẻ hôm nay. Bơ vơ khi bị ném vào cuộc đời lọc lừa, xảo trá. Bơ vơ khi bị nghiền nát bởi những thủ đoạn gian manh. Bơ vơ khi bị sa sảy, không sao đứng lên được. Bơ vơ khi những thần tượng lần lượt tan vỡ.
Bi bơ vơ dẫn đến chán chường và buông trôi, mặc cho mình bị kéo vào những cái bẫy nghiệt ngã.
Làm thế nào để người bạn trẻ gặp được Giêsu, để lấy lại niềm tin, để tìm được hướng sống, để vững vàng bình an giữa sóng gió cuộc đời.
Tôi phải giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhưng tôi cũng phải trở thành một Giêsu gần gũi để đến với những ai bơ vơ quanh tôi.
Gợi Ý Chia Sẻ
Mỗi ngày kéo dài 288 lần 5 phút. Bạn có dám dành 1/288 của ngày để sống cho mình, sống rất riêng với Chúa không? Nếu bạn thường xuyên lặng lẽ như vậy, bạn có thấy được nâng đỡ không?
Bạn đã có lần rơi vào khủng hoảng, bơ vơ. Bạn làm gì hay nhờ ai mà ra khỏi tâm trạng bơ vơ đó?
Cầu Nguyện
Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại, xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn và những trói buộc của sợ hãi, âu lo, xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa, xin trở về với cõi riêng bên Giêsu, để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.
30. Khi con tim lao xao
(Suy niệm của AM. Trần Bình An)
Một Giám mục gần Sao Paulo (Thủ đô Brasil) đã biết rõ tinh thần của phong trào Focolare (Bác ái Hiệp nhất). Ngài muốn tinh thần tốt đẹp ấy cũng được thâm nhập vào giáo phận của ngài. Ngài mời một nhóm linh mục của nhóm Focolare đến giảng tĩnh tâm. Họ đã đến, nhưng ngay những ngày đầu tiên họ gặp phải một sự chống đối rất nặng nề và cảm thấy trở ngại rất nhiều trong việc giảng huấn. Sau đó, vào giờ nói chuyện với các linh mục, họ nhận ra rằng giữa các linh mục và Giám mục có một sự căng thẳng rất trầm trọng. Họ trình bày với Đức Giám mục về chuyện đó, ngài hứa sẽ sẵn sàng xin lỗi các linh mục trong Thánh lễ ngày mai về những khuyết điểm sai lầm và bất công trong suốt thời gian qua. Ngài muốn sống đúng theo câu khuyên của Chúa: "Khi con dâng lễ, nếu chợt nhớ ra có ai bất bình với con, hãy để lễ vật đó trước bàn thờ rồi đi làm hoà với anh em con trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật." (Mt 5,23-24).
Trong Thánh lễ, Đức Giám mục đã khiêm tốn xin lỗi cộng đoàn linh mục, nhưng điều đó vẫn không mang lại một kết quả nào. Ngài hiểu rằng cần phải tiến thêm một bước nữa. Ngài tìm đến từng phòng để nói chuyện riêng với mỗi linh mục. Cử chỉ này đã làm cho các linh mục rất đỗi xúc động. Các ngài bắt đầu cởi mở, trình với Đức Giám mục hết mọi khó khăn, mọi vấn đề của các ngài. Các ngài bộc lộ hết tâm hồn mình cho Giám mục và chấp nhận Giám mục như là người anh, như chính Chúa Giêsu, và tạo nên một sự cảm thông sâu xa giữa hai bên. Trong tuần phòng đó, tất cả đã trở nên một đại gia đình, và cuối tuần phòng, Đức Cha đã có một quyết định quan trọng: Ngài thay đổi cách thăm viếng. Từ nay, ngài sẽ ở lại chung sống hai ba ngày với từng linh mục trong mỗi giáo xứ, để tạo một bầu khí huynh đệ giữa linh mục và Giám mục. Và từ đây các linh mục cũng rất ước mong đến ngày Đức Giám mục đến thăm xứ mình. ( ĐTGM Fx Nguyễn Văn Thuận, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng )
Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Thánh sử Maccô thuật lại chuyến trở về của các Tông Đồ được sai đi, tụ tập quanh Đức Giêsu, kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!” Nghỉ ngơi là tĩnh tâm dưỡng sức, tìm về cội nguồn, sau thời gian hăng hái dấn thân phục vụ, mệt mỏi thân xác, lao xao con tim, cạn kiệt tinh thần và đuối sức tâm linh. Cuộc tĩnh tâm của các Linh mục và Đức Giám Mục ở gần Sao Paulo phản ảnh phần nào trích đoạn trên.
Về nguồn
Sau mỗi ngày cật lực giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu luôn lui vào nơi vắng vẻ nghỉ ngơi dưỡng sức. (Lc 5, 16 & 9, 10) Chẳng phải thảnh thơi nhàn hạ vui hưởng gió mát trăng thanh, mà để hội ngộ với Thiên Chúa Cha, tâm sự, giãi bày mọi chuyện, dâng lên cả thành công lẫn thất bại trong ngày. Khấn xin thêm sức mạnh, can đảm tiếp tục dấn thân cho sứ vụ cứu chuộc nhân loại.
Đức Giêsu đã nêu gương cầu nguyện hàng ngày, đồng thời luôn tha thiết mời gọi tất cả mọi người đến cùng Người: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các người. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)
Mỗi dịp tĩnh tâm, mỗi Thánh Lễ, mỗi giờ chầu, mỗi lời kinh, mỗi buổi suy gẫm, mỗi dấu Thánh Giá, đều là những giây phút cầu nguyện, giây phút trở về Thiên Chúa, cội nguồn sự sống. Cảm tạ, ngợi khen, tán tụng Thiên Chúa đã ban tràn đầy hồng ân được sống, được nhận biết Chúa, được làm con Chúa, được bình an.
Vào nơi cô tịch, vắng vẻ tâm sự với Chúa. Không quên dâng lên Người những việc lành phúc đức, hy sinh, cùng thân thưa hối cải những lỗi lầm, vấp phạm đến anh em và tha nhân. Người sẽ luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu, luôn yêu thương an ủi, chỉ dạy, chăm sóc, hướng dẫn, băng bó những thương tích, xoa dịu nỗi khổ đau thất bại, chia sẻ nỗi oan ức, cũng như khích lệ những thành công. Người soi sáng, thức tỉnh cho biết đâu là Thánh Ý mầu nhiệm. Người thử thách, trui luyện, trắc nghiệm xem người Kitô hữu chọn Chúa hay chọn công việc, chức tước, quyền lực? Có nhận vơ thành công làm thành tích cá nhân mình hay không? Có chán nản, buông trôi khi thất bại, vì kiêu căng bất khả chiến bại chăng?
“Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con. “ ( Đường hy Vọng, số 118 )
Tận hiến
Mặc dù cùng các Tông Đồ xuống thuyền đi lánh riêng một nơi hoang vắng, để tĩnh dưỡng, nhưng ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đẩu dạy dỗ họ nhiều điều. Thởi khóa biểu bị đảo lộn, chương trình, kế hoạch thay đổi bất ngờ, chỉ vì quá thương yêu mà dấn thân tận tụy phục vụ nhu cầu rất chính đáng. Tình yêu xả kỷ vị tha, toàn tâm toàn lực hoàn toàn dâng hiến cho tha nhân. Sẵn sàng từ bỏ ý riêng để thực hành Thánh Ý Chúa. “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 39) Hy sinh tất cả phúc lợi cá nhân để phục vụ tha nhân đang mất phương hướng, thiếu người. Người chính là Thiên Chúa Tình Yêu.
“Tại sao tận hiến cho Chúa, mà con so sánh mình với người đời, phàn nàn vì thua sút điều này, điều nọ. Con tiếc vì làm tôi Chúa thiệt thòi sao?” ( Đường Hy Vọng, số 116)
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con noi gương Chúa, luôn dành thì giờ siêng năng cầu nguyện khi sáng thức dậy, ban tối trước khi ngủ, cũng như trong mọi nơi, mọi lúc, mọi việc trong ngày, luôn nhớ Chúa hiện diện, chúc lành và thánh hóa cuộc đời.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dẫn dắt chúng con vào nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, an ủi, cứu giúp chúng con thoát khỏi đám đông hỗn tạp, xô bồ, ô nhiễm, ồn ào, sặc mùi kim tiền, của cải, vật chất, lợi danh phù phiếm, hưởng lạc, sa đọa. Nhờ Đức Chúa Thánh Thần, xin Mẹ cầu bầu chúng con được hồi tâm phục sức sau bao gian lao, thử thách, ban cho chúng con luôn tràn đầy Tin Cậy Mến, lòng nhiệt thành, can đảm theo Chúa đến cùng. Amen.
31. Chúa Nhật 16 Thường Niên
(Suy niệm của Martin Lê Hoàng Vũ)
Những năm gần đây cứ vào mỗi dịp hè, sinh viên các trường đại học ở Tp. Hồ Chí Minh được mời tham gia vào chiến dịch "Mùa hè xanh". Các bạn được đến các vùng sâu vùng xa để sống với bà con nông dân nghèo khổ. Các bạn dạy chữ cho các trẻ em và người lớn mù chữ, giúp sửa sang nhà cửa, lợp mái, đào mương làm cống, làm đường trong những khu xóm nông thôn. Qua một tháng trời sống với người dân nghèo, các bạn học được một bài học quý giá về tinh thần sống vì người khác.. Năm nay chúng ta thấy khẩu hiệu của các bạn sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch mùa hè xanh là: "Ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ." Sau một chuyến đi chắc chắn các bạn sẽ có những kỉ niệm khó quên thấm đượm tình người
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ tinh thần sống cho người khác. Sống vì người khác là một đòi hỏi Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ phải thực hiện trong suốt đường đời sứ vụ tông đồ. Bởi vì đã là người thì ai cũng có mối liên hệ nào đó với người khác. Không ai có thể sống một mình, và chỉ lo cho cuộc sống mình được dư dật. Người ta thường nói: " không ai là một hòn đảo giữa đại dương mênh mông" cho nên con người chỉ sống có ý nghĩa thật sự khi biết sống cho người khác. Mộ người có thể sống vì mọi người. Vì qua hành động sống cho người khác chúng ta tìm được niềm vui. Vì hạnh phúc của tha nhân cũng là hạnh phúc của chính mình. Ngày nay Chúa Giêsu vẫn mời gọi mỗi người Kitô hữu sống liên đới và hiệp nhất với tất cả mọi người. Hình ảnh người mục tử mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay đưa ra chính là hình ảnh của một con người sống vì người khác và vì mục đích của cộng đồng. Trong cuộc sống tại thế, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về đời sống phục vụ tha nhân. Ngài lại không ngừng đi đây đi đó rao giảng Tin Mừng, chữa lành các bệnh tật, thăm viếng gặp gỡ dân chúng. Những việc làm của Ngài tựu chung chỉ muốn giúp cho đời sống họ được thăng tiến về mọi mặt, nhất là đời sống thiêng liêng. Chúa và các môn đệ bận rộn với dân chúng đến nỗi không có cả thời gian nghỉ nghơi. Ngài động lòng trắc ẩn khi thấy dân chúng đi theo mình. Thay vì để cho các ông nghỉ ngơi như dự định, Đức Giêsu lại tiếp tục làm việc, tiếp tục giảng dạy cho dân chúng.
Hơn ai hết Chúa Giêsu thấy được lòng mong mỏi lắng nghe Tin Mừng của dân chúng. Quả thật Ngài là vị mục tử tốt luôn thao thức những nhu cầu cấp bách của con người. Do đó Ngài mong muốn đem đến cho người ta những điều chân thật..Lời giảng của có giá trị Cứu độ con người. Ai tin và sống theo lời Ngài dạy sẽ trở thành con của Cha trên trời. Tinh thần chung của những lời dạy của Chúa là tinh yêu thưong và phục vụ
Thật vậy, Đức Giêsu không ngừng làm việc là chứng tỏ tấm lòng mục tử của Ngài đối với dân chúng. Mục tử tốt chính là người sống vỉ đàn chiên, sống cho đàn chiên và dẫn đưa đàn chiên tới thượng nguồn của sự sống và niềm hạnh phúc đích thực. Chỉ qua Chúa Giêsu con người mới được cứu độ. Một cách nào đó, mỗi người Kitô hữu cũng là mục tử của nhau qua việc sống biết chăm lo cho người khác. Chúa Giêsu đòi hỏi họ sống cho và vì người khác thay vì luôn sống ích kỷ, vụ lợi, tranh giành quyền lợi và nghĩa vụ với người khác.
Ngày nay trong một xã hội con người đang chạy theo biết bao nhiêu hình thức sống theo cá nhân chủ nghĩa,người môn đệ của Chúa Giêsu phải dám "lội ngược dòng đời" để sống theo lời Chúa dạy. Trong cuộc sống của người môn đệ phải dành chỗ cho tha nhân bằng với một tấm lòng yêu thương chân thật. Đi đến đâu người Kitô hữu phải làm sáng tỏ ra dấu hiệu của mình khi biết quên mình vì lợi ích của tập thể, của mỗi cá nhân. Người Kitô hữu trở thành mục tử khi có hành động tương trợ giúp đỡ và trao ban cho người khác những gì mình có. Danh hiệu Kitô hữu không phải là một đặc quyền đặc lợi để chúng ta đóng kín tấm lòng mình trước tha nhân. Niềm hạnh phúc của chúng ta là biết trao ban cả những gì có thể mình quý trọng nhất cho tha nhân. Có trao ban tất cả chúng ta mới có tất cả và có cả điều quý giá nhất là Nước Trời. Khi nghĩ đến việc sống cho người khác chúng ta tưởng chừng như rất khó thực hiện. Nhưng điều đó nằm trong tầm tay của mỗi người. Với ơn Chúa, với sự vươn lên và luôn hạnh động cho người khác cùa mỗi người chúng ta, chắc chắn nhiều người sẽ bớt đau khổ hay túng thiếu Sự bận rộn của Chúa Giêsu và các môn đệ xưa kia ngày nay người Kitô hữu cũng phải bận rộn như vậy. Điều mà chúng ta có thể rao giảng chính là cuộc sống vì tha nhân của chúng ta. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng hãy nghĩ đến tha nhân trước khi hành động một việc gì đó Có như thế người ta mới tin và theo Chúa Giêsu nhiều hơn. Mỗi người tùy theo khả năng có thể làm điều gì đó tốt cho tha nhân. Khi thấy người ta đang cần mình giúp đỡ viêc gì chúng ta cầm mau mắn" ra tay" Cộng đồng xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi có những con người biết sống cho người khác.
Lạy Chúa cả cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng Chúa lúc nào cũng bận rộn vì dân chúng. Chúa cũng chết vì tội lỗi loài người chúng con. Xin cho mỗi người Kitô hữu và mỗi cộng đoàn giáo xứ biết thực hiện những chương trình bác ái từ thiện giúp đỡ người nghèo có nhà ở, có cơm ăn áo mặc, và trẻ em được học hành tới nơi tới chốn. Vì nhờ đó chúng con làm sáng danh Chúa giữa cuộc đời này. Amen.
32. Chúng ta hoạt động đến đâu – Yvon Daigneault.
Mở đầu.
Tin Mừng hôm nay nhắc lại một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu bằng sự bất dung hợp giữa các môn đệ, và thái độ của Chúa Giêsu, thái độ ấy là: Ngài động lòng xót thương đối với những kẻ bơ vơ như bầy cừu không ai chăn dắt, nên Ngài dạy dỗ họ nhiều điều.
Một đàng, ta có thể thấy sự xuất hiện một thứ hoạt động trở thành cùng đích cho mình, và quên đi những kẻ vì họ mà mình hoạt động, đàng khác, thái độ của Chúa Giêsu trước hết là lo lắng cho những con người và nhu cầu thực sự của họ. Tin Mừng nhắc lại cho chúng ta thấy bằng cách nào Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ một bài học về mục vụ mà không làm cho họ chán nản, và ngăn chận sự quảng đại của họ.
“Hãy đi vào nơi thanh vắng và nghỉ ngơi”.
Chúa Giêsu cố ý chấm dứt câu chuyện về một chuyến làm mục vụ có vẻ cấp bách nhất và mang lại thành công nhất. Vì sự thành công đó mà công việc mục vụ này dường như rơi vào một nguy cơ, như có thể xảy ra cho những công việc mang lại thành công quá nhanh chóng. Những công việc này bị lôi cuốn vào những xung đột không giải quyết được: làm sao tiếp tục tăng trưởng, đảm nhiệm tất cả, những sự thay đổi mà việc tăng trưởng đòi hỏi, và đồng thời, giữ được căn tính chính yếu của công việc đó? Có những kỹ nghệ thịnh vượng, những nhà xuất bản đang lên, nhưng cũng có tạp chí, những việc buôn bán sụp đổ và biến mất.
Cuộc khủng hoảng ấy cũng có thể xảy ra cho những công trình mà khởi đầu đã mang lại những thành công lớn nhất. Và không thiếu những sự kiện đa dạng vào những năm gần đây để minh họa điều này. Bao nhiêu Kitô hữu đã bỏ đức tin? Bao nhiêu tu sĩ đã bỏ ơn gọi? Bao nhiêu sự nghiệp có vẻ bền bỉ đã biến mất? Ta đừng đoán xét. Nhưng hãy lắng nghe bài học của Chúa về sự cần thiết phải có một cái nhìn đúng đắn về sứ vụ được giao phó cho chúng ta.
Đi bộ từ khắp các thành phố.
Nếu Chúa muốn chấm dứt việc mục vụ này, không phải vì nó thất bại, cũng không phải vì nó thiếu ảnh hưởng trên dân chúng. Người ta cần nó. Họ từ khắp nơi tuôn đến. Họ đi vòng chung quanh hồ để gặp lại Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.
Một cuộc đi bộ cần thiết… để loại bỏ những kẻ hiếu kỳ, những kẻ đa nghi, những kẻ lợi dụng, cần phải suy nghĩ hai lần, và tự hỏi tại sao người ta tìm kiếm Chúa Giêsu, trong lúc những người nghèo, những người bệnh và kẻ tội lỗi là những người đến gần Chúa Giêsu, trước hết, Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ, khi trả lại cho sứ vụ ý nghĩa thực sự của nó: đó là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, Ngài đã chẳng nói trong hội đường Caphacnaum rằng rao giảng này là đặc điểm chính yếu của sứ vụ Ngài đó sao?
Động cơ của sứ vụ ấy là lòng thương xót của Ngài đối với người nghèo. Lòng thương xót ấy đem đến cho con người một ý nghĩa nâng cao, giải phóng và hoàn thiện con người. Một lòng thương xót tạo nên sự sống. Tự nhiên hình ảnh người mục tử hiện ra trong trí chúng ta. Công việc của người mục tử thật khó khăn. Họ phải liên lỉ canh chừng, kiên nhẫn để đưa dẫn đàn chiên không phải lúc nào cũng tin tưởng đến những đồng cỏ xanh tươi.
Kết luận.
Một cách rất đơn giản, Chúa Giêsu đã đưa sứ vụ trở về đúng hướng. Ngài cũng xác định với những kẻ thuộc về Ngài: rằng người mục tử bao giờ cũng cần phải có thời gian, nhiều thời gian và kiên nhẫn cùng với sự tôn trọng khả năng của những kẻ được ủy thác cho họ.
33. Chúng ta cần một sự quân bình – Charles E. Miller.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng”)
Hầu hết mọi người đều nhận thấy rằng có một sự quân bình trong đời sống là cần thiết. Một người hướng ngoại yêu thích xuất hiện nơi công chúng cũng cần có thời gian sống cô độc và thinh lặng. Một người hướng nội biết giá trị của những khoảnh khắc cô độc, thỉnh thoảng cũng nên được phấn khích bởi một đám đông tưng bừng vui vẻ.
Chúa Giêsu đã cho chúng ta một mẫu gương về sự quân bình cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chúa Giêsu có thói quen đi tới hội đường vào những ngày Sabát, Người đã tham dự phụng vụ nơi Đền Thờ Giêrusalem trong những thời gian được chỉ định. Ngài cũng sẵn sàng ra đi và trải qua suốt đêm trong cầu nguyện với Cha Ngài trên trời.
Phúc Âm ngày hôm nay hé mở cho chúng ta thấy những tông đồ trở lại với Chúa Giêsu sau hành trình truyền giáo mà Ngài đã gởi họ từng hai người một. Đó là thời gian giúp cho họ rao giảng cho mọi người và cầu nguyện với mọi người. Chúa Giêsu nói với họ: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”. Họ đã ra đi với Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền và vào nơi hoang địa. Chúa Giêsu hiểu sự cần thiết của việc quân bình trong đời sống cho các môn đồ của Ngài.
Chúa Giêsu cũng muốn cả chúng ta nữa duy trì sự quân bình. Ngày xưa trong đời sống thiêng liêng của chúng ta là cùng nhau cử hành phụng vụ. Tham dự cách năng nổ và ý thức trong phụng vụ thánh, đặc biệt là trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật là nguồn mạch không gì có thể thay thế được, để chúng ta có thể đạt được một tinh thần Kitô giáo thật sự. Cả chúng ta nữa, cũng phải có thời gian để đến một nơi thanh vắng mà cầu nguyện một mình với Chúa Giêsu trong thinh lặng và hồi tâm. Chúng ta cần có những cơ hội để cầu nguyện theo cách của mình và cho những chủ ý của chính chúng ta. Cả hai, cầu nguyện chung và riêng là một phần đời sống của người Công giáo chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ chểnh mảng việc phụng vụ hoặc những hình thức cầu nguyện riêng tư. Như thế, chúng ta sẽ không bao giờ chểnh mảng việc cầu nguyện tư trong đời sống riêng của mình.
Đôi khi một số người đã kinh nghiệm với hình thức phụng vụ, phàn nàn rằng họ không thể cầu nguyện trong Thánh Lễ được nhiều hơn. Những gì mà họ muốn nói là hình thức trong suốt Thánh Lễ, điều đó đã được diễn ra trong tiếng Latinh và họ hầu như hoàn toàn im lặng, họ có thể cầu nguyện theo cách của họ và cho những nhu cầu của họ. Bây giờ họ được kêu gọi trở lại như một gia đình, một cộng đoàn. Họ và tất cả chúng ta phải biết rằng thi hành bổn phận Kitô giáo có liên quan ít nhiều đến việc thờ phượng ngày Chúa Nhật, ngay cả trong những lãnh vực cầu nguyện. Bên ngoài những nghi thức phụng vụ, chúng ta cũng cần có thời gian để cầu nguyện theo cách riêng của mình, để làm viên mãn nhu cầu tôn giáo cá nhân của chúng ta, chúng ta có thể đến với phụng vụ một cách sẵn sàng và nồng nhiệt, kết hợp với anh chị em thiêng liêng trong gia đình thờ phượng Thiên Chúa Cha của chúng ta.
Những người nhiệt tâm với việc canh tân phụng vụ, họ đã tìm thấy trong việc thờ phượng công một kinh nghiệm hướng thuợng và thoả mãn, phải nhận biết rằng họ cần có thời gian cho việc sùng kính cá nhân và riêng tư nữa. Phải giữ sự quân bình đó là điều quan trọng, sùng kính riêng tư sẽ không bình thường, nếu coi thường đặc tính thờ phượng công xuyên qua việc đọc lớn tiếng hoặc là cầu nguyện chung. Nhu cầu thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm, đó cũng là ý nghĩa của đời sống và nơi chốn chúng ta phải có trong đời sống của chúng ta. Một sự chiêm niệm về giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu, diễn tả mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không muốn Thánh Lễ phải trở nên im lặng, là một sự sùng kính cá nhân, hoặc chúng ta cũng không xoay trở những diễn tả tôn giáo riêng tư trở thành những mẫu cầu nguyện chung của cộng đoàn. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta sự quan trọng của việc quân bình trong cầu nguyện, Ngài đã cho chúng ta một gương mẫu. Nỗ lực và thời gian chúng ta đặt vào cả hai, chúng ta cần có nỗ lực và thời gian để chú trọng đến cả hai phụng vụ chung và cầu nguyện riêng theo cách của chúng ta đáp trả lại gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu.
34. Làm sao để đáp ứng các nhu cầu của con người?
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest).
Thánh Marcô kể lại việc Đức Giêsu tiếp đón các Tông đồ lúc họ đi rao giảng về. Thánh Marcô không nói Đức Giêsu đã làm gì lúc họ đi vắng. Tuy nhiên có một chữ có thể soi sáng chúng ta: cả các con nữa, hãy đến mà nghỉ ngơi một chút. Chữ ‘cả các con nữa’ hình như ám chỉ rằng Đức Giêsu đã để ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tĩnh tâm. Ngài muốn đến lượt các Tông đồ cũng được hưởng ân huệ đó. Nhưng lời van xin của đám đông đã cản trở ý định này. Đức Giêsu chiều theo lời van xin này, vì Ngài có trước mắt Ngài một đám đông bơ vơ, lạc lõng và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Giai thoại này gợi ra cho ta hai điều: con người có một nhu cầu học hỏi và họ cần một thứ giáo huấn thấm nhuần chiêm niệm.
1) Ngài động lòng thương đám đông, vì họ như đàn chiên không người chăn và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Đám đông không thiếu người hướng dẫn, nhưng đặc điểm của các người hướng dẫn là sớm muộn gì cũng đưa đám đông đến nỗi thất vọng.
Đám đông tuôn đến cùng Đức Giêsu, cũng đã bị thất vọng trước rồi. Họ cảm thấy nơi Ngài một Đấng đem lại 1 sứ điệp mới, có một sức mạnh và một mệnh lệnh vượt lên trên những gì họ đã nghe cho đến bây giờ. Con người, khi không được dạy bảo cho đứng đắn, giống như đàn vật, sẽ xảy ra những chuyển động khi thì theo hướng này khi thì theo hướng khác. Họ thiếu một hướng chỉ đạo. Giáo hội đã thấy rằng, đặc biệt trong thời đại chúng ta, nhân loại giống như một đàn vật cùng đường. Cho nên Giáo hội đã bắt đầu rao giảng nhiều điều qua công đồng Vaticanô II.
Nhưng các mục tử không giấy ủy nhiệm, thiếu khả năng và ít lo lắng khơi dậy nơi đám đông việc lắng nghe lời Đức Kitô, đã cố tâm làm dậy lên, thường là trong chiều hướng các định kiến mới, những lực lượng phi lý đang hoạt động trong các nhóm nhân loại. Họ lèo lái dư luận và đôi khi lại là chính dư luận bên trong Giáo hội. Những Kitô hữu ưu tú chỉ muốn được Đức Kitô dạy bảo, đã chứng tỏ một lương tri sáng suốt khi nghe theo tiếng nói thuộc quyền Giáo hội và bỏ rơi một số những tiếng nói khác ít nhiều ăn bám hoặc dị đồng.
2) ‘Cả các con nữa, hãy lui vào nơi vắng vẻ’.
Đức Giêsu mời các môn đệ hãy lui vào một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là để lấy lại sức. Sự nghỉ ngơi của vị Tông đồ cũng là để lấy lại nghị lực về mọi phương diện: thể lý, tinh thần, thiêng liêng. Trong giai thoại vừa kể; Đức Kitô và các Tông đồ đã chìu theo lời van xin của đám đông. Điều này cho thấy có những trường hợp mà tình bác ái, tình thương, sự tận tụy đòi hỏi phải hành động mặc dầu đang mệt nhọc. Những dự định của Chúa là lôi kéo các Tông đồ vào nghỉ ngơi vẫn còn. Cái nhịp thông thường của đời sống Tông đồ, chiến sĩ bao gồm cả những thời gian tĩnh tâm, lấy sức, chiêm niệm, ‘hâm nóng lại’. Gương của Đức Kitô và của các Tông đồ minh chứng cho thấy hoạt động chiến sĩ không thể tự mình mang lại lương thực đầy đủ.
Những người hoạt động hữu hiệu trên bình diện thuần túy nhân loại, cũng biết để ra những thời giờ dài ngắn trong yên tĩnh và suy gẫm. Huống hồ là Tông đồ của Đức Kitô, họ phải dành ra những giây phút dài lâu để lấy lại sức mạnh thiêng liêng, nhờ việc sống thân mật với Ngài, riêng biệt trong một nơi vắng vẻ, như Phúc âm nói. Người tông đồ hữu hiệu truyền đạt cho kẻ khác điều mình đã lâu giờ học hỏi nơi Đức Kitô. Và chính là điều này mà con người đòi hỏi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam