Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 85

Tổng truy cập: 1379727

NHỮNG BÔNG HỒNG TỬ ĐẠO

NHỮNG BÔNG HỒNG TỬ ĐẠO- Trích Logos B

Trên bước đường viễn chinh, đại đế Alexander đã cho quân lính vây hãm kinh đô của một vương quốc vùng Tiểu Á. Thay vì cho quân tấn công hạ thành, đại đế Alexander thúc ngựa đến trước cổng thành và đòi gặp mặt vua đối phương.

Nhà vua leo lên tường thành, nhìn xuống đoàn quân đang vây hãm và hỏi đại đế Alexander : “Nhà ngươi muốn gì ?”. Alexander trả lời: “Ta muốn ngươi hãy đầu hàng !”. Nhà vua nói : “Đầu hàng ư ? Tường thành ta cao, hào lũy ta sâu, quân ta đông hơn, tại sao ta phải đầu hàng ngươi ?”. Alexander nói : “Vậy ngươi hãy nhìn rõ những gì quân ta sắp làm !”.

Thế rồi Alexander ra lệnh binh sĩ dàn trận. Thay vì tấn công hạ thành, ông ra lệnh cho họ tiến bước về phía hào sâu chung quanh thành. Tò mò, quân sĩ trong thành đang bị bao vây cũng leo cả lên tường thành để xem cuộc “diễn binh” của Alexander. Đoàn quân của Alexander đại đế cứ từ từ tiến bước đến bờ vực thẳm. Người thứ nhất bước vào khoảng không, rơi xuống vực sâu, thịt nát xương tan. Người thứ hai vẫn can đảm bước tới, rơi xuống đáy vực chết theo. Từng người, từng người theo nhau đi vào cái chết một cách bình thản, anh dũng. Sau cái chết oai hùng của binh sĩ thứ mười, Alexander ra lệnh dừng bước.

Sững sờ kinh ngạc trước tinh thần bất khuất của binh lính Alexander : với lòng trung tín dành cho Alexander, họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhà vua và toàn quân trong thành đã mở cổng đầu hàng vô điều kiện.

Hôm nay, mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cũng đang chiêm ngưỡng chiến công hiển hách của những người lính Đức Kitô, Vua vũ trụ. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã góp phần xây dựng Giáo Hội Việt Nam bằng lòng trung tín với Đức Kitô, bằng gương anh dũng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Giữa cảnh đầu rơi máu chảy, từng đoàn từng lớp người vẫn tiến lên tuyên xưng niềm tin của mình.

Tuy nhiên, các Thánh Tử Đạo Việt Nam không phải là những người “mình đồng da sắt”, không phải là những chiến binh được huấn luyện để chịu đựng gian khổ một cách kiên cường. Trái lại, các ngài chỉ là những con người bình thường như mọi người, thậm chí là những người yếu đuối mỏng dòn nữa. Nhưng các ngài đã trở nên bất khuất và can trường vì các ngài có một tình yêu trung kiên và một niềm tin vững bền.

Niềm tin trung kiên

Vào đầu thế kỷ 16, khi vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất nước Việt Nam, những hạt giống đức tin lần đầu tiên được gieo vãi trên mảnh đất hình chữ S phì nhiêu và mầu mỡ này. Giáo Hội Việt Nam được khai sinh từ đó. Tuy nhiên, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua gần 3 thế kỷ chìm ngập trong thử thách. Suốt từ năm 1630-1883, bao giòng máu đã đổ ra để bảo vệ đức tin và làm phát triển đức tin. Trải qua các thời vua chúa, trong suốt gần 300 năm, đã có khoảng 130.000 kitô hữu đã hiên ngang hiến dâng mạng sống để bảo vệ đức tin và đã đổ máu để làm nảy sinh thêm các tín hữu. Chỉ có đức tin kiên vững mới làm cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dám hy sinh mạng sống vì Đức Kitô. Chỉ có đức tin can trường mới làm cho những con người yếu đuối mỏng dòn không lùi bước trước gông cùm và xiềng xích. Chỉ có đức tin mãnh liệt mới làm cho hằng lớp lớp người hiên ngang tiến ra pháp trường.

Ngày 19/6/1988, 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn lên bậc Hiển Thánh. Niềm tin chiếu sáng niềm tin. Có thể nói : 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là 117 ngọn đuốc đức tin vẫn đang soi đường cho những bước chân của bao thế hệ con cháu tiếp tục bước đi trên cuộc hành trình đức tin hôm nay.

Tình yêu vững bền

Với những người hy sinh mạng sống vì tổ quốc, vì một lý tưởng hay vì một ý thức hệ, có thể cái chết của họ vẫn nhuốm màu oán hận căm thù. Trái lại, cái chết của các Thánh Tử Đạo hoàn toàn vì tình yêu. Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa, Đấng đã chết cho người mình yêu. Vì thế, tình yêu của các ngài luôn là tình yêu chan hòa, lan tỏa đến mọi người, mọi nơi. Tình yêu ấy là tình yêu cao thượng và vị tha, không biết đến thù ghét oán hờn, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. “Tình yêu ấy như bông hoa vẫn tỏa hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quý vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó” (Fulton Sheen).

Chỉ có tình yêu vào Đấng có một sức cuốn hút kỳ lạ mới làm cho các vị thánh tử đạo dám chết một cách dễ dàng và đơn giản đến thế! Vâng, Đấng ấy chính là Đức Kitô, Đấng đã hứa : “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được nó trong cuộc sống đời sau” (Ga 12, 25). Tình yêu của các ngài vào Đức Kitô chắc hẳn phải lớn lao và mãnh liệt biết chừng nào! Đúng như lời Chúa nói : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).

Quả thật, với sự dũng cảm phi thường của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trước những tra tấn và khổ hình, người ta không thể hiểu điều gì đã khiến các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những con người yếu đuối, thậm chí là những con người nhát sợ, đã can trường đón nhận những đòn vọt, tra tấn và cả cái chết ? Tất cả vì tình yêu thật lớn lao các ngài dành cho Đức Kitô. Nếu không vì tình yêu Đức Kitô, các ngài chỉ là những người ngu dại và điên rồ. Nếu không vì tình yêu Đức Kitô, cái chết của các ngài chỉ là vô ích và không có giá trị gì cả.

Những bông hồng tử đạo

Hôm nay, mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cảm phục các ngài vì các ngài đã vượt thắng được những khổ hình để trung thành với niềm tin son sắt. Chúng ta cảm tạ tri ân các ngài đã để lại cho chúng ta kho tàng đức tin vô giá. Kho tàng đức tin ấy đã được tích lũy từ những hy sinh thấm đẫm máu đào của các ngài. Chúng ta hãy luôn trân trọng giữ gìn và làm phát huy gia sản quý báu đó.

Những giọt máu hồng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tượng trưng như những bông hồng tươi thắm nở rộ trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Những bông hồng trang điểm rực rỡ trong những trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta ca ngợi những bông hồng tử đạo đã được tôn vinh giữa hàng chư thánh, nhưng cũng không quên tôn kính cả những bông hồng tử đạo vô danh, không ai biết đến. Những bông hồng ấy vẫn âm thầm tỏa hương thơm ngào ngạt cho muôn thế hệ.

Thánh Anê Lê Thị Thành, một trong 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam, một người phụ nữ yếu đuối nhưng đã can đảm tuyên xưng đức tin. Ngài bị tra tấn dã man khiến thân thể đầm đìa máu. Khi con gái của ngài là cô Luxia Nụ vào thăm mẹ trong ngục, thấy áo mẹ loang máu hồng thì khóc nức nở. Thánh Anê Lê Thị Thành đã khuyên nhủ con gái : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy ! Mẹ vui lòng chịu khổ vì Đức Kitô, sao con lại khóc ?”.

Hôm nay, ngày giỗ tổ các thánh cha ông anh hùng, chúng ta chiêm ngưỡng các bông hồng tử đạo trong cuộc đời các ngài. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ cao đẹp nhất dành cho các ngài, đó là chúng ta cũng hãy biết dâng lên Chúa những bông hồng hy sinh gặt hái từ cuộc đời tử đạo liên lỉ của mỗi người chúng ta.

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN B-

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

CUỘC BÁCH HẠI ĐẠO HÔM NAY- Lm  Inhaxiô Trần Ngà

Việc bách hại đạo không phải chỉ là việc của ngày xưa nhưng thời nào thì những người con Chúa cũng bị thôi thúc, bị lôi kéo, bị ép buộc bỏ đạo.

Hôm xưa, các thánh tử đạo tại Việt Nam đã bị vua quan bắt bớ, xiềng xích, tống giam vào tù ngục… buộc phải bỏ đạo. Dầu vậy, các ngài vẫn kiên trung, anh dũng chấp nhận tù đày, chết chóc chứ không bỏ đạo, không bỏ Chúa.

Chúng ta hôm nay cũng bị những quyền lực mạnh mẽ thúc đẩy từ bên trong, xô đẩy chúng ta chối bỏ Đạo yêu thương.

Trước hết, cần nhớ rằng Đạo Chúa là Đạo yêu thương.

Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa.

Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là điều luật quan trọng nhất, là quy luật trung tâm của mọi lề luật, như Thánh Phao-lô dạy: “Ai yêu thương là chu toàn mọi điều luật dạy” (Rô-ma 13,9-10).

Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì mục tiêu hàng đầu của Đạo Chúa là xây dựng thế giới này trở thành thế giới yêu thương, huynh đệ, mọi người yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.

Và hơn hết, Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì chỉ có ai có lòng yêu thương mới là con cái Chúa, là môn đệ Chúa; Ai không yêu thương thì tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa, như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Gioan 13,35).

Như chúng ta vừa đề cập trên đây, hiện nay có nhiều quyền lực hết sức mãnh liệt lôi cuốn, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương. Vậy đó là những quyền lực nào?

Đó là những sức mạnh nằm ngay trong lòng ta, thống trị tâm hồn và cuộc sống của ta, hằng thôi thúc ta bỏ Đạo yêu thương: Chủ yếu là lòng tham, lòng giận ghét, hạn thù, ích kỷ, vô cảm vô tâm…

Lòng tham: Lòng tham đang thống trị tâm hồn rất nhiều người. Lòng tham xui khiến người ta làm nhiều điều gian ác, bất công, làm thiệt hại cho bao người để thu lợi về cho mình.

Một trường hợp cụ thể đang xảy ra và rất nóng bỏng, đó là việc nhiều người sản xuất các loại thực phẩm độc hại, những loại thực phẩm bẩn, có nhiều độc tố tiềm ẩn, gây hại cho đồng bào mình, cho dân tộc mình… gây ra bệnh hoạn cho vô số người, để cho người ta chết dần chết mòn vì bệnh tật, nhất là bệnh ung thư… miễn sao mình thu lợi thật nhiều cho bản thân là được, còn ai chết mặc ai.

Ai giết người bằng những cách thế như vậy là trắng trợn từ bỏ Đạo yêu thương.

Lòng giận ghét, oán thù: Lòng giận ghét sôi sục trong lòng ta, xui khiến ta chửi mắng, đánh đập, gây ra nhiều buồn khổ, đau thương cho người khác…

Khi ta để cho lòng giận ghét oán thù xui khiến mình xúc phạm người khác, chà đạp danh dự, nhân phẩm của người khác… là ta chối bỏ Đạo yêu thương.

Lòng ích kỷ: Ích kỷ có cội rễ sâu xa trong lòng người. Nó thống trị người ta, xui khiến người ta chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình con cái mình thôi; ai đói mặc ai, ai rét mặc ai, ai đau bệnh khốn khổ mặc ai…

Khi ta không thương xót, không cứu giúp người hoạn nạn, đau khổ… là ta đã từ bỏ điều cốt lõi của Đạo yêu thương…

Ngoài ra, còn rất nhiều quyền lực khác, tuy vô hình, nhưng có sức mạnh lớn lao, đã hoặc đang xâm chiếm tâm hồn ta, làm chủ cuộc sống ta, luôn tìm cách lôi kéo, xô đẩy ta ra khỏi Đạo yêu thương của Chúa.

Đây là những cơn bách hại lâu dài và sẽ còn tiếp tục kéo dài suốt cả cuộc đời, nếu ta không chiến đấu chống lại chúng, chúng ta phải thua trận và trở thành người bỏ Đạo lúc nào không hay biết.

Hậu quả tai hại mà người bỏ Đạo yêu thương phải gánh lấy, là đến ngày phán xét, người ấy sẽ bị Chúa Giê-su lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì ngươi không có lòng yêu thương (Mt 25, 34. 41).

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,

Các ngài thà chết chứ không thà dẫm đạp lên Thập tự giá và không chối bỏ đạo Chúa, thì xin cầu bầu cho chúng con hôm nay, can đảm chấp nhận thua thiệt và đau khổ chứ không vì tham lam, ghen ghét, oán thù, ích kỷ… mà chà đạp lên tình người, lên danh dự, nhân phẩm của người khác, vì làm như thế là chúng con đã chối bỏ Đạo yêu thương và phải mang lấy án phạt đời đời.

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN B-

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM  

VINH DANH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO- Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

Tin Mừng đến với dân tộc Việt nam trên 400 năm, thì hết 300 năm, Giáo Hội Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàn nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.

Thật vinh phúc cho Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội còn non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm.

Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu…, lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.

Một Giáo Hội còn non trẻ đến thế, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: “Tất cả là hồng ân”. Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện.

Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng. Đó không là một vinh phúc lớn lao lắm hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Giáo Hội còn non trẻ như Giáo Hội Việt Nam lại có thể cùng Giáo Hội hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.

Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình. Còn chính Thiên Chúa, Người cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các Thánh.

Nếu cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là một trang sử hùng tráng cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân… và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng. Chính cái chết của các thánh Tử đạo là một lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin…

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Đức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ là Đức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn, không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ một bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lụy mạ nào, hay bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Giáo Hội, chà đạp chính Đấng mà mình tôn thờ.

Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa, nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Đức Chúa của mình!

Hiểu rất rõ điều đó, cho nên dù chỉ là đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế.

Cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.

Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Giáo Hội và nơi từng người tín hữu Việt Nam.

Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên tất cả mọi bài học, máu các Thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công Giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.

home Mục lục Lưu trữ