Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1377549

NHỮNG GIÁO HUẤN CUỐI CÙNG VÀ LÊN TRỜI

Những giáo huấn cuối cùng và lên trời

(Chú giải và suy niệm của Lm. PX. Vũ Phan Long)

“Khi đi về trời, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta biết mục tiêu của đời sống chúng ta.”

1.- Ngữ cảnh

Chương 24 của TM Lc được xây dựng thành 3 đoạn và một kết luận (xem bài trước). Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay lấy một vài câu của phần ba và đoạn kết luận.

Khi hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu cho thấy Người chính là Đức Kitô đã chịu đóng đinh, Người cũng không được gìn giữ khỏi đau khổ và thiếu thốn, khỏi bị từ khước và thù ghét, khỏi những đau đớn và cái chết. Nhưng cũng chính Đấng chịu đóng đinh là Đấng Phục Sinh. Người đã bị điệu đi đến cái chết trong tình trạng thê thảm và tàn bạo, nay Người đang đứng trước mặt các ông như là Đấng đang sống đã thắng vượt cái chết và không thể chết nữa. Rồi Người cho các môn đệ hiểu rằng các ông chẳng những không phải sợ là bị hủy diệt hoàn toàn, mà còn có thể và phải đi làm chứng về biến cố trọng đại này. Đức Giêsu đã dựa vào Kinh Thánh để trình bày cuộc Thương Khó – Phục Sinh, rồi xác định sứ mạng của các môn đệ.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành hai phần:

1) Đức Giêsu Phục Sinh ban sứ điệp (24,46-49);

2) Đức Giêsu lên trời (24,50-53).

3.- Vài điểm chú giải

- bắt đầu từ Giêrusalem (47): Câu này là câu chuyển tiếp đưa sang tập thứ hai của tác phẩm Lc (= Sách Cv).

- Chứng nhân (48): Tại đây, tác giả Lc đã nói trước điều ngài sẽ triển khai trong sách Cv, bắt đầu ở Cv 1,21-22. Ngoài TM IV, sách Cv là quyển sách thuộc Tân Ước trong đó từ này và các từ phái sinh (làm chứng, chứng tá, chứng từ) được sử dụng nhiều nhất: 29 lần. Lý do là vì quyển sách này là sách về chuyên việc làm chứng. Như thế, từ martys, “chứng nhân”, cũng có một tầm quan trọng đặc biệt. Đặc biệt không được lẫn lộn từ này với tư cách “mục chứng”: Hy ngữ cổ điển, và chính Lc (Lc 1,2) dùng từ autopês, “người chứng mắt thấy”. Vai trò của một autopçs khá thụ động, và tư cách này thực ra chỉ là một tình trạng thực tế: autopês là người có cơ hội chứng kiến một biến cố nào đó; do đó, nếu cần phải làm chứng hoặc toà án buộc làm chứng, người ấy có thể trình bày những gì mình đã thấy, như mình đã thấy. Còn chứng nhân (martys) có một vai trò tích cực hơn nhiều, có một sứ mạng phải hoàn tất: đó là không những công khai công bố những gì mình đã chứng kiến, mà còn xác định ý nghĩa, tầm mức của biến cố ấy nữa. Là người đi qua biến cố, “chứng nhân” trở thành người tuyên cáo (trong bối cảnh tôn giáo, thần học) sứ điệp đã được hàm chứa trong biến cố ấy. Câu truyện tuyển chọn ông Mátthia thay thế cho Giuđa minh hoạ điểm phân biệt này (Cv 1,15-26). Bởi vì trong thực tế, ta khó mà hiểu được vì sao lại phải đi tới một tuyển chọn, thậm chí một sự chuẩn nhận để cắt đặt một chứng nhân nếu người này chỉ cần có một điều kiện là hiện diện thể lý trong một biến cố thuộc quá khứ. Trái lại, ta hiểu là cần có một cuộc tuyển chọn (rút thăm) nếu vai trò người được chọn vượt quá khung cảnh chật hẹp này, nếu cùng với việc công bố biến cố, người ấy còn phải biết minh giải đúng đắn biến cố ấy. Vậy các chứng nhân mà Cv sẽ nói tới trong cả sách, là những nhà thần học về các hoạt động cứu độ của Chúa.

Muốn làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa (Cv 4,33), thì phải công bố chân tính và toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu. Công viẹc làm chứng này của các tông đồ được mô tỏ rõ ràng trong các bài diễn từ (Cv 2,22-36; 3,12-16; 4,8-12; 5,29-32; 10,34-43; 13,26-41; 17,30-31).

- điều Cha Thầy đã hứa (49): dịch sát là “lời hứa của Cha Thầy”, là Thánh Thần, như Cv1,4b.5b sẽ diễn tả rõ. Thánh Thần sẽ là nguồn của “quyền năng” trong câu tiếp theo.

- giơ tay (50): Đây là cách chúc lành của tư tế (xem Aharon trong Lv 9,22), hoặc của vị thượng tế (xem Simôn II trong Hc 50,20-21). Điều mà Dacaria (Lc 1,21-22) đã không thể làm được, thì Đức Giêsu đang làm cho người đang đi theo Người. Mặc dù tác giả Lc mô tả Đức Giêsu thực hiện một hành vi tư tế, nền thần học của ngài không hề đề cập đến Đức Giêsu như là tư tế.

- được đem lên trời (50): Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa (x. Cv 1,9.11.22). Các câu 50-53 dường như mâu thuẫn với Cv 1,3-11. Theo Cv, Đức Giêsu “còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3). Trong khi đó, bản văn TM dường như lại bảo rằng tất cả những gì tác giả Lc kể trong ch. 24 đã xảy ra trong ngày Phục Sinh, rằng di chúc của Đức Chúa đang rời xa thế gian này (cc. 41-49) và cuộc Lên trời của Người (cc. 50-53) theo liền ngay sau cuộc hiện ra vào chiều ngày Phục Sinh.

Dường như Lc đã có những ý hướng Phụng vụ khi trình bày các biến cố: mỗi ngày chúa nhật của cộng đoàn Kitô hữu là một lễ Phục Sinh, một ngày Phục Sinh.

- các ông bái lạy Người (52): Các môn đệ làm một cử chỉ nhận biết Đức Kitô. Họ thinh lặng bái lạy để thờ phượng Người, như người Do-thái đã làm trước mặt thượng tế Simôn (Hc50,22) để nhận phúc lành của ông.

- trở lại Giêrusalem (52): Như vậy, TM Lc kết thúc tại nơi nó đã bắt đầu (1,5). Giêrusalem đã là mục tiêu của hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu (23,5); bây giờ Giêrusalem lại được nêu ra như điểm nhắm. Nhưng rồi, điểm nhắm lại trở thành khởi điểm khi “lời” lan tỏa đến tận cùng trái đất (Cv 1,8).

- lòng đầy hoan hỷ (52): dịch sát là “với niềm vui lớn lao”. Đây là niềm vui của những người không những đã được thấy Đấng Phục Sinh, mà còn đã đặt sự Phục Sinh của Người liên hệ với cuộc ra đi của Người và đặt cuộc ra đi này liên hệ với lời hứa Thánh Thần. Lời nhắc đến “niềm vui lớn lao” khiến ta hiểu rằng biến cố Lên Trời chấm dứt thời gian Đức Giêsu ở tại trần thế, mà cũng là hoàn tất cuộc Phục Sinh của Người, là khởi đầu của thời gian Giáo Hội. Niềm vui này của những người chứng kiến cuộc Lên Trời là tiếng vọng và sự hoàn tất của niềm vui mà sứ thần hứa cho tư tế Dacaria và cho một số đông vào ngày Gioan Tẩy Giả chào đời (Lc 1,14). Nhưng nhất là niềm vui này thể hiện trọn vẹn niềm vui lớn lao mà sứ thần hứa cho các mục đồng, “một niềm vui cho toàn dân” (2,10). Ở đây cũng vậy, khởi đầu và kết thúc gặp nhau.

- hằng ở trong Đền Thờ (53): Như vậy, tác giả Lc bắt đầu mô tả đời sống cộng đoàn của Hội Thánh phôi thai (x. Cv 2,46; 3,1; 5,42). Ở đây lại nổi bật tầm quan trọng của Đền Thờ theo hướng nhìn của Lc.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu Phục Sinh ban sứ điệp (46-49)

Trong tư cách Đấng Phục sinh, Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng toàn thể định mệnh của Người đã được Thiên Chúa muốn như thế, và Người giúp các ông hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh, như Người đã làm cho hai môn đệ Emmau. Cái chết của Người trên thập giá và cuộc Phục Sinh của Người cũng đã làm trọn nội dung sau này phải được loan báo cho mọi dân tộc. Nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là trong chứng từ về Người, khởi đi từ tất cả những gì đã được biểu lộ xuyên qua công trình và toàn thể cuộc tiến bước của Người cho đến thập giá và sự sống lại, muôn dân sẽ được loan báo sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi. Mọi người phải quay trở lại với Thiên Chúa, Đấng đã nhờ cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà chứng tỏ tình yêu và quyền lực của Người. Rồi Đấng Phục Sinh biến các môn đệ trở thành chứng nhân của Người. Họ sẽ phải làm chứng về các biến cố trong cuộc đời của Người cũng như cuộc gặp gỡ với Người đây và việc Người trở về trời (x.Cv 1,21t). Mỗi lời loan báo đều phải phát xuất từ các chứng nhân này, nghĩa là không dựa trên những suy diễn, những ý tưởng hoặc ý kiến cá nhân, nhưng trên các biến cố lịch sử và trên những giáo huấn do Đức Giêsu ban cho. Do đó, lời loan báo chỉ có thể phát xuất từ những người đã tháp tùng và lắng nghe Đức Giêsu, đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời Người nhờ được Người giải thích.

Các môn đệ không thể hiểu nhiệm vụ bao la này bằng sức riêng. Do đó, Đức Giêsu báo cho các ông là Người sẽ gửi cho các ông điều Chúa Cha đã hứa, tức là Thánh Thần. Chính Thánh Thần, là quyền lực của Thiên Chúa, sẽ giúp cho các ông có khả năng loan báo với xác tín và can đảm công trình và sự Phục Sinh của Đức Giêsu (x. Cv 2,22-36).

* Đức Giêsu lên trời (50-53)

Sau khi đã dùng nhiều cách để làm cho các môn đệ tin chắc vào sự sống lại của Người và sau khi đã chuẩn bị các ông đi vào nhiệm vụ, Đức Giêsu từ biệt các ông. Người sẽ không hiện diện bên các ông theo kiểu hữu hình nữa. Nhưng Người sẽ cùng đi với các ông trên mọi nẻo đường. Người giơ tay lên để từ biệt các ông. Trong khi Người đi xa dần khỏi mắt các ông, Người chúc lành cho các ông. Người gửi đến cho các ông sức mạnh của hành vi chúc lành của Người, để sức mạnh này ở lại với các ông và nâng đỡ các ông suốt đời trong mọi hoạt động.

Chỉ đến lúc này, tác giả mới nhắc đến niềm vui của các môn đệ và việc các ông chúc tụng Thiên Chúa. Dacaria (Lc 1,64.68-79) và ông Simêôn (2,28-32) đã chúc tụng Thiên Chúa. Lời chúc tụng Thiên Chúa liên tục vang lên khi dân chúng chứng kiến những hành vi quyền lực của Đức Giêsu (7,16; 13,13; 17,15; 18,43). Sau khi đã trải nghiệm qua Đấng Phục Sinh hành vi quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa, nghĩa là sự Phục Sinh của Đức Giêsu, các môn đệ chỉ có một câu trả lời đúng đắn: ca ngợi trong niềm hoan hỷ và chan hòa tâm tình biết ơn đối với Thiên Chúa.

+ Kết luận

Tác giả Lc đã bắt đầu tác phẩm với việc Dacaria dâng hương và dân chúng cầu nguyện trong Đền Thờ (Lc 1,8-10), để xin Thiên Chúa nhớ lại dân Ngài và tỏ lòng nhân ái. Bây giờ tác giả kết thúc Tin Mừng với việc các môn đệ của Đức Giêsu chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Các ông đã cùng đi với Đức Giêsu cho đến khi Người lên trời, các ông đã biết hơn bất cứ ai rằng Thiên Chúa đã nhớ đến dân Ngài thế nào. Và tất cả những ai nhờ chứng tá của các môn đệ và qua tác phẩm Lc mà trải nghiệm lòng từ bi cao cả của Thiên Chúa, thì không thể làm gì hơn là tham gia vào việc ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Hôm nay là Chua Giêsu lên trời. Khi mừng đại lễ này, chúng ta tưởng niệm lần cuối cùng Đức Giêsu tỏ mình ra hữu hình với các môn đệ. Người chọn một cách thức hiện diện khác để hỗ trợ các môn đệ trong hoạt động truyền giáo. Từ nay, Người sẽ đồng hành với họ, sẽ hiệp thông với họ khi chia sẻ bữa ăn, sẽ sống động khi họ giải thích Sách Thánh và khi họ ý thức rằng họ đang được đón nhận sự sống viên mãn của Người. Người bỏ cách hiện diện trước đây bằng thân xác, để từ nay hiện diện mãi mãi với mỗi môn đệ.

2. Khi đi về trời, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta biết mục tiêu của đời sống chúng ta. Nếu chúng ta xác tín rằng chúng ta thuộc về “trên cao”, thì chúng ta sẽ phải quy hướng trọn cuộc sống chúng ta về đó. Chúng ta vẫn sống giữa các thực tại trần gian, chúng ta vẫn phải sử dụng các yếu tố trần gian, nhưng không bám víu vào các phương tiện ấy, trái lại, biết dùng chúng cách tích cực mà chuẩn bị cho mình và người khác đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Trước ngày đi chịu chết, Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm nhưỡng vinh quang của con” (Ga 17,24).

3. Thánh Thần, là quyền năng của Chúa Cha và của Đức Giêsu, luôn ở với Hội Thánh để hỗ trợ Hội Thánh trong sứ mạng đã nhận từ Đức Giêsu. Đọc sách Cv, chúng ta nhận ra được sức năng động của Thánh Thần.

4. Nếu các tín hữu gắn bó mật thiết với Đức Giêsu, họ nhận ra quyền lực vô song của Thiên Chúa trong viẹc cho Đức Giêsu sống lại. Khi đó, họ chỉ có thể cảm thấy tưng bừng hoan hỷ và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa sẽ hồn nhiên từ đáy lòng trào dâng lên môi miệng họ. Và trọn cuộc sống của họ là một chứng từ về quyền lực cứu độ của Thiên Chúa mà họ đã trải nghiệm.

 

61. Chú giải của Noel Quesson

Cũng như đối với trình thuật về cuộc Thương khó và Phục sinh, ta nên suy niệm những trình thuật khác nhau về biến cố Thăng Thiên được ghi lại cho ta: suy niệm tận nguồn gốc đặc biệt của chúng, để khỏi lẫn lộn Người với một thứ hình tượng -người máy.

Năm nay, chúng ta có may mắn được nghe hai trình thuật diễn tả cùng một biến cố do cùng một tác giả thuật lại đó là Luca. Thật rõ ràng, nếu Luca không nỗ lực dung hòa toàn diện hai đoạn văn mô tả của ông, là vì theo ông, chính những khác biệt đó có một ý nghĩa... vượt qua tính lịch sử được hiểu theo nghĩa hẹp.

Trong Tin Mừng, Luca giới thiệu biến cố Thăng Thiên ngay chiều hôm Phục sinh, và chác chắn ngay trong đêm tiếp theo ngày thứ nhất trong tuần (Lc 24, 1. 24, 13. 24, 36. 24, 50), nếu ta nhớ lại khi các môn đệ làng Em-mau vào bàn ăn, thì “trời đã muộn“ (Lc 24, 29), và các ông phải đi bộ khoảng 12 cây số trong “hai tiếng đồng hồ“ (Lc 24, 13) để trở lại Giêsusalem. Còn Đức Giêsu đã mất giờ giải thích Lề luật, các ngôn sứ và Thánh Vịnh liên hệ đến Người, với các môn đệ (Lc 24, 44) ngay chiều Phục sinh...

Trước khi dẫn họ đến Bê-tha-ni-a, ở đó Người được đem về trời (Lc 24, 50). Trái lại, trong Công vụ Tông đồ, cũng chính Luca xác định biến cố Thăng Thiên vào lúc kết thúc “bốn mươi ngày” (Cv 1,3). Ngoài những tưởng tượng có tính cách ấu trĩ mà ta cần phải từ bỏ, hiển nhiên là giữa những lần “hiện ra” khác nhau của Người, Đức Giêsu không lánh ẩn trong một khu phố tại Giêrusalem, trong một nơi bí mật, để chờ đợi “ên” trời về cùng Chúa Cha! Thực sự, Phục sinh, Thăng Thiên và Hiện xuống, là ba khuôn mặt của cùng một “mầu nhiệm” duy nhất: bởi vì vừa sống lại, thì Đức Giêsu đã bước vào vinh quang của Chúa Cha và ngự bên hữu Người “theo kiểu nói của khải huyền. Đặc biệt, Luca nhấn mạnh đến sự kiện Đức Giêsu “rời bỏ“ những kẻ mà Ngài đã cho họ được gặp mặt... Người biến mất trước cái nhìn của họ (Lc 24, 31 - 24, 51).

Như thế, Thăng thiên vào chiều tối Phục sinh xảy ra để gắn liền cuộc sống nhân loại của Đức Giêsu với việc tôn vinh quyền năng Thiên Chúa của Người…và đó là trang cuối cùng của Tin Mùng!

Trong khi biến cố Thăng Thiên vào “ngày thứ bốn mươi” để bắt đầu cuộc sống mới của Đức Giêsu vượt qua không gian và thời gian... thì cũng là lúc khởi sự trang đầu tiên của Công vụ Tông đồ! Kết thúc thời gian của Đức Giêsu Nadarét...là bắt đầu thời kỳ của Giáo hội.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.

Đức Giêsu nói: “Khi Thầy còn ở với anh em”. Điều đó chứng tỏ rằng Người không còn ở trái đất như trước nữa. Thăng thiên sắp tới chỉ lặp lại những gì đã diễn ra do biến cố Phục sinh: từ đây trở đi, sự hiện diện của Chúa Phục sinh, dù có thực sự đi nữa, thì cùng ở trong một trạng thái khác... Người đã bước vào thế giới của Thiên Chúa rồi.

“Việc ứng nghiệm... và hiểu biết Kinh Thánh!”. Đức tin là phương thế duy nhất để đạt được “thế giới của 'Thiên Chúa” mà Đức Giêsu đang hiện diện, vì giờ đây Người “không còn ở với chúng ta theo cùng một cách thức như trước nữa”. Ngay trên bước đường đi đến Em-mau, Đức Giêsu đã khiển trách hai người đồng hành với Người là những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin” (Lc 24, 25).

“Như sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy”. Chỉ khi sống lại, Người mới giải thích Kinh thánh: thực vậy, cần phải “chết đi sống lại”, để khi người ta đọc lại Kinh Thánh, mới có thể nhận ra điều đó đã được loan báo. Do đó, trong đời sống của chúng ta, có một số những biến cố đột nhiên xảy đến, soi sáng trở lại những sự việc, những lời nói mà trước đó chúng ta chưa hiểu được cách sâu xa.

“Các Thánh Vịnh”: Đức Giêsu đã thuộc lòng và hằng ngày dùng Thánh vịnh để cầu nguyện. Còn tôi thì sao? Liệu tôi có đủ độ nhớ chỉ một Thánh Vịnh để cầu nguyện, nhất là một trong những Thánh Vịnh nói về Đức Giêsu không?

Có lời Kinh Thánh chép rằng: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.

Luca nhấn mạnh đến sự kiện: chỉ nhờ biến cố Phục sinh, các môn đệ mới hiểu được “những lời Kinh Thánh chép”. Như thế, đời sống của riêng ta, đời sống của mọi người, đời sống của những kẻ mà ta vẫn tưởng rằng mình có tương quan thân mật nhất... chỉ sáng tỏ trong ngày của Chúa. Đúng vậy, những biến cố liên hệ đến cuộc đời của Đức Giêsu, trước ngày đó, vẫn làm cho các môn đệ hoang mang, khó hiểu! “Đau khổ” của Đức Giêsu trên thập giá, có vẻ như một sự ngẫu nhiên, một tai nạn, một thất bại. Nhưng giờ đây họ mới khám phá ra, đó là sự ứng nghiệm chương trình mầu nhiệm của Chúa Cha: “Cần phải ứng nghiệm không gì đã được Kinh Thánh báo trước... “. Đó không phải là một định mệnh, cũng không phải là một số mệnh nghiệt ngã và khắt khe... mà là một chương trình yêu thương! Nhưng cho tới ngày đó, họ chưa nhận ra. Giờ đây, họ sắp trở nên chứng nhân cho những điều đó. “Ngày Phục sinh ngày dài nhất của thời gian... “Ngày thứ nhất” đó sẽ kéo dài, tới vô tận! Không có ngày nào khác như thế nửa. Ta hiểu ra rằng, Luca đã muốn gom cách tiêu biểu để cả trong ngày duy nhất đó, và ngày này sẽ được kéo dài qua đời sống chứng tá của Giáo hội suốt dòng lịch sử. Hiện nay, chúng ta có luôn là “nhân chứng” cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không? Đức Giêsu, trước thái độ kịch liệt công phẫn của những người được coi là “sạch” đã nghiêng về phứa những người Samari ngoại giáo... những kẻ lạc đường, đĩ điếm, ngoại tình... những kẻ dốt nát, bị nhóm Pharisêu và thông giỏi khinh bỉ... những kẻ thông đồng với dân ngoại, những người thu thuế cộng tác với đế quốc Rôma... mọi người nghèo khổ bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ thấp kém, bệnh tật, phong cùi. Thay vì ra hình phạt của Thiên Chúa mà lề luật đòi buộc, Đức Giêsu lại loan báo “ơn tha thứ” không giới hạn, không loại trừ một người nào khỏi ơn cứu độ phổ quát được cống hiến cho mọi người, bắt đầu từ Giêrusalem”. Đúng vậy, Thiên Chúa là Cha những người tội lỗi. Người tha thứ cho mọi người. Và noi gương Thiên Chúa, ta cũng phải tha thứ cho mọi người, ngay cả những kẻ thù của mình! Vì đã rao giảng những điều như thế nên Đức Giêsu đã bị kết án và bị đóng đinh như kẻ “phạm thượng”. Nhưng rõ ràng việc sống lại minh chứng rằng, Ngài đã có lý. Những người đại diện cho lề luật bị lên án. Đấng chịu đóng đinh luôn sống động. Mọi điều Đức Giêsu đã giảng dạy và hành động... sẽ tiếp tục và được chính Thiên Chúa minh chính hóa.. “Anh ern sẽ là chứng nhân!”.

Lạy Chúa, Chúa đòi chúng con phải thay đổi trở về thế nào đây? Thực sự, chúng con chưa làm chứng đầy đủ cho tình yêu cứu độ phổ quát!

Và đây chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.

Họ rất cần điều đó. Chúng ta cũng rất cần điều đó, cần “quyền năng” không do ta, chứng từ trời cao ban xuống! Bởi vì các môn đệ sắp phải sống và rao giảng trong một thế giới, bề ngoài chưa có gì thay đổi cả: sự dữ bạo lực, hận thù, chết chóc... độc ác, tà thuyết, sai lầm, dốt nát, áp lực đủ thứ... vẫn còn tiếp diễn.

Đấng sẽ trao ban quyền năng đó... ở đây không nêu tên... bởi vì, cũng như Chúa Cha “không ai trông thấy bao giờ.. và khác với Đức Giêsu, Đấng là khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa... Thần Khí không có dạng hình. Hay, đúng hơn Ngài mang bộ mặt của ta, theo cách nói của Thánh Phaolô: “Anh em là thân thể của Đức Kitô. Khi cây nến Phục sinh được tắt đi vào Lễ Thăng Thiên, thì độ là lúc các ngọn lửa được thắp sáng:để xâm chiếm mỗi người môn đệ vào Lễ Hiện Xuống.

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được lên trời.

Đó là sự “rời khỏi”. Chỉ mình Luca sử dụng từ ngữ đây ý nghĩa đó.

So sánh với cùng một trình thuật trong Công vụ Tông chúng ta nhận thấy có nét giản dị hơn. Ở đây, không có yếu tố mô tả nào, không có “đám mây” cũng không có hai Người mặt áo trắng”. Không phải là Luca không hay biết tới ngôn ngữ khải huyền. Trong một trình thuật khác, ông sẽ sử dụng thứ ngôn ngữ này. Nhưng trong đoạn văn trên, ông muốn tương đối hóa, đơn giản hóa nó.

Tất cả đều rất bí mật, và chúng ta thử dõi theo Đức Giêsu xem sao: “Người dẫn các ông...”, “Người giơ tay chúc lành cho các ông”. “Người rời khỏi các ông để trở về với Chúa Cha trên trời”.

Chưa bao giờ Đức Giêsu đã “chúc lành” cho các tông đồ. Nhưng đây là một cảnh từ biệt. Luca có ý nối kết lại một truyền thống Kinh Thánh phong phú. Các nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh thường kết thúc đời mình bằng một cử chỉ chúc lành cho những kẻ tiếp sau: Giacóp (St 49), Môsê (Đnl 33), Đavit (1Sb 28-29). “Phép lành” của Đức Giêsu là cử chỉ cuối cùng của Người. Một cử chỉ mà Người sẽ không ngừng thể hiện, nhờ mỗi linh mục, đại diện của Người, làm lại trên chúng ta vào lúc chào tạm biệt trong Thánh lễ, bằng cách “giơ tay lên” để chúc lành cho chúng ta nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giênlsalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Thật là nghịch lý! Đức Giêsu rời khỏi họ, thế mà họ không buồn, lại vui tươi. Cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu đã trở thành nhóm người “tôn thờ” Đức Giêsu và cùng nhau “ca tụng Thiên Chúa”. Đức Giêsu ở “trên trời”. Các môn đệ của Người ở “trong Đền Thánh'. Đó chỉ là một biểu tượng... một sự đối xứng. Một phụng tự mới.

 

* CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH

1. Xin cho chúng nên một

(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

“Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” Sự mong ước của Chúa Giêsu đối với Giáo Hội của Ngài, đó là sự hiệp nhất. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên đây cho chúng ta thấy sự sáng suốt tuyệt vời của Ngài. Ngài đã biết trước sẽ có hàng triệu người tin vào Ngài, cũng biết trước rằng thảm họa lớn của các môn đệ Ngài, chính là sự chia rẽ. Phải, sự chia rẽ là một đề tài thời sự đau thương. Trên thế giới hôm nay, có biết bao sự đối nghịch, chia rẽ và hận thù! Giáo Hội cũng không tránh khỏi những đau thương đó, ngay cả các cộng đoàn công giáo Việt Nam...

Một linh mục Ấn Độ tên là Anthony De Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền với chúng tôi là Ngài chưa bao giờ được đi xem một trận bóng đá nào cả. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin lành và một đội Công giáo. Đội Công giáo làm bàn trước, một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, tới phiên đội Tin lành làm bàn. Lần này, Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và cũng tung mũ lên trời. Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm ngạc nhiên và khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: “Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?”. Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi hả? tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu mà thôi”. Người khán giả đã khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, bây giờ lại càng bực bội hơn. Ông ta quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn này là một tên vô thần!”

Trên đường trở về nhà, chúng tôi bàn luận với Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: “Thưa Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Thiên Chúa chỉ đứng về phía của họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác”. Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: “Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabbat. Các con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta trên thập giá.”

Khi nói đến hiệp nhất, chúng ta thường mơ một sự hiệp nhất mà trong đó những ai nghĩ khác chúng ta, phải về phía chúng ta! Sự hiệp nhất theo ý muốn của Chúa không phải ở sự xóa bỏ những sự phong phú riêng biệt của mỗi người hoặc của mỗi nhóm. Giáo Hội phải xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng những sự khác biệt chính đáng. Chỉ có một Chúa, một phép rửa tội, một đức tin, nhưng có nhiều cách khác nhau để diễn tả đức tin. Để nói về một Chúa Giêsu, chúng ta có tới bốn cuốn Phúc Âm, tại sao chúng ta không chấp nhận có nhiều cách diễn tả, có nhiều cách sống Tin Mừng, sống đạo khác nhau trong Giáo Hội và trong thế giới?

Trong lá thư gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 12, 12-30), thánh Phaolô dùng hình ảnh các chi thể của một thân xác để nói về sự hiệp nhất của Giáo Hội trong sự đa dạng, trong sự bổ túc và liên đới của các phần tử. Thân xác có nhiều chi thể khác nhau. Chân, tay, mắt, mũi, tai và các chi thể khác đều phải cộng tác chặt chẽ với nhau để làm cho thân xác nên mạnh mẽ, và cùng liên đới chịu trách nhiệm với nhau về sự lớn mạnh của thân xác. Cũng thế, mỗi người chúng ta là một chi thể của Giáo Hội. Tuy trình độ khác nhau, nhân sinh quan khác nhau, mỗi người đều phải cộng tác với nhau để Giáo Hội được phát triển và liên đới chịu trách nhiệm về sự phát triển ấy.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội chúng ta, cho mọi phần tử biết sống hiệp nhất trong sự tôn trọng lẫn nhau. Hiệp nhất nhưng không đơn điệu, đa dạng nhưng trong hiệp nhất và hiệp thông. Lúc đó, Giáo Hội được ví như một vườn hoa lớn, và mỗi thành viên là một loài hoa khác nhau, một hương thơm khác nhau. Ôi đẹp thay, phong phú thay, Giáo Hội của Chúa Kitô!

 

2. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

CHÚA GIÊSU HẰNG CẦU THAY NGUYỆN GIÚP CHO CHÚNG TA

Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1).

Tiếp theo là những lời Đức Giêsu xin cho các môn đệ: "Lạy Cha… xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con" (Ga 17, 11). Thứ đến là những kẻ nhờ các Tông đồ mà tin vào Chúa là chúng ta, được Chúa lưu tâm đặc biệt trong lời nguyện hiến tế hôm nay: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17, 20-26).

Chúng ta là đối tượng trong "lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu". Người đặc biệt quan tâm đến sự hiệp nhất của chúng ta, vì hiệp nhất làm cho chúng ta nên "một": "Để cả chúng cũng nên một trong Ta" (Ga 17,22). Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng nói: "Vậy làm thế nào chúng ta có thể, nếu, không làm cho thế giới biết được Thiên Chúa là Tình Yêu? Chúng ta chia rẽ, thì làm sao chúng ta có thể là người đáng tin cậy được?" Lời chứng về Tình Yêu là một bằng chứng mạnh mẽ hùng hồn nhất để thuyết phục thế giới. Chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Vì chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin, và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá Chúa.

Chúa Giêsu xin cùng Chúa Cha cho tất cả mọi người đã được rửa tội hiệp nhất theo ý muốn: "Xin Cha cho chúng nên một" (Ga 17,21). Thánh Phaolô đã từng cật vấn các tín hữu ở Corintô: "Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?" (1Cr 1,13). Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Chắc chắn Chúa Kitô không bị chia năm xẻ bảy. Nhưng với đau khổ, chúng ta phải thừa nhận cách thành thật rằng cộng đoàn của chúng ta đang tiếp tục sống chia rẽ, đó là những gương xấu".

Thiền Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì luôn luôn hiệp nhất, do đó, chia rẽ không phải là dấu chỉ của Tình Yêu. Trong hiên Chúa, nơi Ngài không có sự chia rẽ. Chúng ta chiêm ngắm thái độ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, "Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ Ðức Yêsu và các anh em Người" (Cv 1,14). Đó là bầu khí của Thánh Thần đã vang lên một tiếng động lớn và toàn thế giới đã kinh ngạc (x.Cv 2,6).

Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ còn xin cùng Chúa Cha cho chúng ta nên một để Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người hầu chiêm ngưỡng vinh quang của Người (Ga 17,24). Người yêu mến chúng ta như Chúa Cha đã yêu mến Người và Người muốn ban cho chúng ta tất cả những gì Chúa Cha đã ban cho Người. Vinh quang Người có được từ nơi Cha, đến lượt Người, Người muốn ban cho chúng ta, và làm cho chúng ta nên một. Người muốn rằng, chúng ta không phải là nhiều nhưng làm thành một, hiệp nhất với thần tính của Người trong vinh quang Nước Trời, không phải sát nhập thành một bản thể duy nhất, nhưng trong sự hoàn hảo, tột đỉnh của nhân Đức Tin, Cậy, Mến. Đây là những gì Chúa Kitô đã tuyên bố khi Người nói: "Để chúng được hoàn toàn nên một!" (Ga 17,22).

Theo cách này mà tất cả chúng ta sẽ trở nên một với Chúa Cha và Chúa Con. Vì Chúa Giêsu nói: "Ta và Cha, Chúng Ta là một" (Ga 10,30). Giống như Người cầu nguyện cho những ai bắt chước mình, chúng ta tham dự vào chính sự hiệp nhất… Không phải sự hiệp nhất về bản tính tự nhiên mà Người có với Chúa Cha, nhưng điều này: như Cha đã làm cho Người tham dự vào vinh quang của riêng mình, Người cũng vậy, theo gương Chúa Cha, sẽ hiệp nhất vinh quang của Người với những kẻ mà Người thương mến.

Sau khi Chúa Giêsu về Trời, Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, Alléluia; hồn con thưa cùng Chúa: mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp nhất. Xin cho chúng con biết thể hiện tinh thần hiệp nhất giữa chúng con bằng sự biết cộng tác với nhau trong những việc làm chung, để xây dựng nhiệm thể cộng đoàn nhỏ bé, trong tình huynh đệ tương thân tương ái. Chúng con tin tưởng vào lời Chúa hứa mà chúng con đã đọc trước bài Tin Mừng, đó là được ở với Chúa đến muôn đời. Amen.

 

3. Hiệp nhất

Là người Việt Nam, hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết câu chuyện cổ tích về những bó đũa. Câu chuyện ấy như sau:

Người cha trong cơn hấp hối, biết mình chẳng còn sống được bao lâu, ông đã gọi các con đến bên giường bệnh và trao cho mỗi người một chiếc đũa và bảo:

- Các con hãy thử bẻ xem sao ?

Với một chiếc đũa trong tay, ai cũng bẻ được một cách dễ dàng.

Sau đó, ông trao cho mỗi người một bó đũa và cũng bảo:

- Các con thử bẻ xem sao ?

Với cả một bó đũa trong tay, không ai có thể bẻ nổi, dù đã cố gắng hết sức mình. Dựa vào đó, ông đã trăn trối và khuyên bảo:

- Nếu các con biết hiệp nhất và đoàn kết với nhau, thì chẳng ai có thể làm hại các con được.

Từ câu chuyện này, chúng ta thấy sự hiệp nhất và đoàn kết là điều rất cần thiết để đem lại lợi ích cho cá nhân và xã hội.

Thực vậy, trên bình diện cá nhân, nhiều lúc gặp phải những hoàn cảnh khó khăn, tự sức riêng chúng ta không thể giải quyết nổi, thế nhưng nếu có người khác trợ giúp, chúng ta sẽ đón nhận được những ý kiến khách quan và sáng suốt, cũng như đón nhận được những nâng đờ cần thiết dể vượt qua những khó khăn ấy một cách dễ dàng, như tục ngữ đã bảo:

- Việc người thì sáng, việc mình thì quáng.

Hay như người Tây phương vốn thường nói:

- Hai cái đầu thì bao giờ cũng hơn một cái đầu.

Tiếp đến, trên bình diện xã hội, sự hiệp nhất và đoàn kết sẽ tạo dựng được những công trình lớn và sẽ đem lại những thành quả tốt đẹp, mà bình thường một người sẽ không thể nào thực hiện.

Chính vì thế, tục ngữ cũng đã nói:

- Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

- Hợp quần gây sức mạnh.

Hay như người Tây phương cũng thường nói:

- Sự hiệp nhất chính là một pháo đài kiên vững.

- Nếu những con cừu biết đoàn kết, thì sư tử cũng sẽ phải ra về bụng đói.

- Nếu biết đoàn kết, thì đàn kiến cũng có thể thắng nổi sư tử.

Khi quân thù tấn công, nếu mọi người biết hiệp nhất và đoàn kết, chắc hẳn chiến thắng đã nằm trong tầm tay của mình. Đây cũng là một kinh nghiệm quí giá đã từng xảy ra trong lịch sử dân tộc. Hẳn chúng ta còn nhớ vào năm 1284, trước sự đe dọa của quân Nguyên, do thái tử Thoát hoan dẫn sang xâm chiếm nước ta, vua Trần Nhân Tông đã triệu tập đại hội các bô lão tại điện Diên Hồng. Với sự nhất trí của các bô lão, quân ta dù yếu kém, cũng đã chiến thắng vẻ vang.

Hơn thế nữa, ngày nay với xu hướng toàn cầu hóa, để nền kinh tế được phán triển thì mỗi cá nhân riêng biệt sẽ không thể làm gì được. Trái lại, nếu biết đoàn kết, tập trung mọi khả năng về nhân sự, về tài chánh, về chuyên môn…thì mới xây dựng được những công ty, những xí nghiệp lớn có một tầm hoạt động rộng, ảnh hưởng trên nhiều quốc gia.

Từ những sự việc kể trên, chúng ta đi vào đoạn Tin mừng hôm nay với bình diện thiêng liêng.

Thực vậy, trước khi ra đi chịu chết, chắc hẳn Chúa Giêsu đã nhìn thấy một tương lai đen tối đang chớ đón các môn đệ và những người tin theo Ngài. Chắc hẳn Ngài cũng biết rằng thế gian sẽ ghét bỏ và quyền lực sự dữ sẽ tấn công họ. Nếu chiến đấu một cách đơn độc, thì họ sẽ thất bại. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đặc biệt cầu xin Chúa Cha ban cho họ ơn hiệp nhất:

- …Để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một.

Trước hết, về phương diện cá nhân, sự hiệp nhất sẽ đem lại cho bản thân chúng ta những lơi ích thiêng liêng to lớn.

Thực vậy, sự hiệp nhất sẽ làm cho lời cầu nguyện của chúng ta có được một giá trị trước mặt Chúa, như lời Ngài đã phán:

- Nếu ở đâu có hai hay ba người hợp lời cầu xin, thì Ta sẽ ở giữa họ.

Hơn thế nữa, nhờ sự hiệp nhất với nhau và với Giáo Hội, chúng ta sẽ được hưởng nhờ những ơn ích và sự giúp đỡ của toàn thể cộng đoàn dân Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng vượt thắng những cám dỗ và hiểm nguy trên đường đời. Đây cũng chính là điểm tín điều các thánh thông công đã dạy.

Tiếp đến, về phương diện Giáo Hội, sự hiệp nhất sẽ làm cho việc truyền bá Tin mừng của Giáo Hội gặt hái được những thành quả tốt đẹp, bởi vì sự hiệp nhất và đoàn kết sẽ biểu lộ cho người khác thấy một tình yêu thương chân thành, như lời thánh Gioan đã viết:

- Nếu ai nói mình kính mến Thiên Chúa mà lại ghét bỏ anh em, thì người ấy chỉ là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em là người họ trông tháy, thì chẳng thể kính mến Thiên Chúa là Đấng họ không trông thấy.

Đồng thời sự hiệp nhất và đoàn kết còn chứng tỏ chúng ta là người môn đệ đích thực của Đức Kitô và có được một đức tin trưởng thành, nhờ đó dễ lôi cuốn người khác để họ tin vào lời chứng của chúng ta như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết:

- Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô.

 

4. Để họ được nên một

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly.

Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện, nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta, những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).

Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.

Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người. Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ, theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác. Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).

Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b).

Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một.

Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21). Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất.

Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con.

Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con: “để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21).

Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.

Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều giữa Cha, Con và các môn đệ.

“Con ở trong họ và Cha ở trong Con…

Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23).

“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26).

Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.

Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế với thế giới siêu việt của Cha và Con.

Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian.

Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng “Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21), “Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23).

Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới.

Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương, hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,

xin giúp con quên mình hoàn toàn

để ở lại trong Chúa.

lặng lẽ và an bình

như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,

mong sao không gì có thể khuấy động

sự bình an của con,

hay làm cho con ra khỏi Chúa;

nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con

tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,

xin biến hồn con thành chốn trời cao,

thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,

nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi

con không bao giờ để Chúa ở đó một mình

nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,

với thái độ nhạy bén trong đức tin,

cung kính tôn thờ

và phó mình cho Chúa sáng tạo.

(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

 

5. Hiệp nhất

Một linh mục dòng Tên làm việc tại Ấn độ, đó là cha Anthony de Mello, đã kể lại một câu chuyện tưởng tượng như sau:

Ngày kia, Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa bao giờ được đi xem một trận bóng đá nào cả. Và thế là chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công giáo.

Đội Công Giáo làm bàn trước. Một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời.

Vài phút sau, tới phiên đội Tin Lành làm bàn. Một đều. Lần này, Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung cả mũ lên trời.

Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm ngạc nhiên và khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai Ngài và hỏi:

- Này ông bạn, ông bạn ủng hộ đội nào vậy?

Xem chừng như còn bị kích thích bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời:

- Tôi hả? Tôi không ủng hộ đội nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu mà thôi.

Người khán giả đã khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, bây giờ lại càng bực bội hơn nữa. Ông ta quay sang người bên cạnh và nói nhỏ:

- Gã này quả là một tên vô thần.

Trên đường về nhà, chúng tôi bàn luận với Ngài về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài:

- Lạy Chúa, những người có tôn giáo thật buồn cười, Họ tưởng rằng Thiên Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại với kẻ thuộc tôn giáo khác.

Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói:

- Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ tôn giáo, mà chỉ ủng hộ con người mà thôi. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabbat. Các con nên biết là chính những người có đạo đã treo Ta trên thập giá.

Khi nói đến hiệp nhất, chúng ta thường mơ tưởng đến một sự hiệp nhất, trong đó những ai nghĩ khác chúng ta, đều phải qui phục và đứng về phía chúng ta. Thế nhưng, sự hiệp nhất theo ý muốn của Chúa thì khác. Sự hiệp nhất này không xóa bỏ những sự phong phú riêng biệt của mỗi người, hay mỗi nhóm. Giáo hội phải xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng những khác biệt chính đáng.

Chỉ có một Chúa, một phép rửa, một đức tin, nhưng có nhiều cách diẽn tả khác nhau. Để nói về Chúa Giêsu, chúng ta có tới bốn cuốn phúc âm. Vậy tại sao lại không chấp nhận có nhiều có nhiều cách sống đạo, sống Tin mừng khác nhau trong Giáo hội và trong thế giới?

Qua thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã dùng hình ảnh các chi thể của một thân xác để nói về sự hiệp nhất của Giáo hội trong sự đa dạng, bổ túc và liên đới với nhau. Thân xác có nhiều chi thể. Chân tay, mắt mũi, môi miệng…tất cả đều phải cộng tác chặt chẽ với nhau để làm cho thân xác được lớn mạnh, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm về sự lớn mạnh ấy.

Cũng thế, mỗi người chúng ta là một chi thể của Giáo hội. Tuy trình độ khác nhau, ý nghĩ khác nhau và việc làm khác nhau, nhưng mỗi người đều phải cộng tác với nhau để Giáo hội được phát triển, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm về sự phát triển ấy.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội, để mọi phần tử biết sống hiệp nhất trong tôn trọng lẫn nhau. Hiệp nhất nhưng không đơn điệu. Đa dạng nhưng luôn hiệp nhất và hiệp thông cùng nhau.

Lúc đó, Giáo hội được sánh ví như một vườn hoa, và mỗi thành viên là một loài hoa khác nhau, một hương thơm khác nhau.

Ôi xinh đẹp thay, phong phú thay Giáo hội Đức Kitô!!!

 

6. Trong cung lòng Thiên Chúa.

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong lịch sử Việt Nam, tôi thích nhất tướng Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo không những có tài thao lược mà lại có đức độ hơn người. Người ta gọi ngài là Đức Thánh Trần thật xứng đáng. Thời nhà Trần có hai tướng tài: Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải. Nhưng hai gia đình lại có mối thù không đội trời chung. Cha của Trần Hưng Đạo trước khi tắt thở còn dặn Trần Hưng Đạo phải thay cha trả thù. Nhưng giặc Nguyên sang xâm lăng nước ta. Trần Hưng Đạo suy nghĩ: Giặc ngoại xâm đang đe doạ. Nếu trong nước các tướng tá không đoàn kết thì không phá nổi thế giặc đang rất mạnh. Nghĩ thế, Trần Hưng Đạo gạt bỏ mối thù nhà, đến làm hoà với Trần Quang Khải. Một hôm, Trần Hưng Đạo sang thăm Trần Quang Khải, tự tay nấu nước tắm cho Trần Quang Khải và nói: “Hôm nay được hân hạnh tắm cho Ngài quốc công”. Trần Quang Khải vui vẻ trả lời: “Hôm nay hân hạnh được tướng công tắm cho”. Từ đó hai người hoà thuận. Cùng chung vai sát cánh phục vụ đất nước. Nhờ sự đoàn kết của hai tướng tài, quân ta đã đánh thắng giặc Nguyên.

Sự đoàn kết của Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải rất phù hợp với bài Tin Mừng của Chúa Nhật 7 Phục Sinh. Hôm nay, Chúa tha thiết cầu nguyện cho cái Chúa hiệp nhất.

Chúa tha thiết với sự hiệp nhất vì Chúa biết rằng: Có hiệp nhất mới xây dựng được cộng đoàn vững mạnh. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”. Có đoàn kết làm việc gì cũng xong. Chia rẽ làm suy yếu cộng đoàn. Làm cho công việc trì trệ. Và có khi làm tan rã cộng đoàn.

Chúa tha thiết với sự hiệp nhất vì Chúa biết rằng có hiệp nhất trong nội bộ mới có thể truyền giáo thành công. Hiệp nhất chính là dấu chỉ của môn đệ Chúa như Lời Chúa đã dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con thương yêu nhau”. Qua dấu chỉ hiệp nhất, người ngoài mới nhận biết Chúa. Thời sơ khai, khi nhìn thấy các tín hữu đầu tiên sống đoàn kết yêu thương, người ngoại đạo đã bảo nhau: “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao”. Từ đó có nhiều người xin vào đạo để được sống trong cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.

Sau cùng, Chúa tha thiết với sự hiệp nhất, vì Chúa muốn ta được hạnh phúc. Có hiệp nhất mới có hạnh phúc. Hạnh phúc của ta là được sống sự sống của Thiên Chúa. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi hiệp nhất với nhau đến nỗi trở thành một. Như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Thầy và Cha Thầy là một”. Cho đến độ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”.

Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch hạnh phúc của ta. Tuy nhiên để được thông phần vào sự sống hạnh phúc đó, ta phải hiệp nhất yêu thương nhau. Thiên Chúa là Tình Yêu, là sự Hiệp Nhất. Muốn được hoà nhập vào nguồn mạch hạnh phúc đó, ta cũng phải đoàn kết yêu thương nhau. Chỉ những ai có tinh thần hiệp nhất yêu thương mới có thể gia nhập cộng đoàn hiệp nhất yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hiệp nhất yêu thương không là một món hàng làm sẵn, nhưng là một tiến trình xây dựng dài lâu. Xây dựng bằng từ bỏ ý riêng. Xây dựng bằng nhịn nhục tha thứ. Xây dựng bằng hy sinh quên mình. Vì thế để đạt đến yêu thương đòi hỏi phải rất nhiều phấn đấu. Phấn đấu của bản thân. Phấn đấu của cả tập thể.

Nếu biết phấn đấu để hiệp nhất, ta sẽ xây dựng được cộng đoàn vững mạnh, ta sẽ truyền giáo thành công và nhất là ta sẽ được tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương hiệp nhất chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Tại sao người ta luôn chia rẽ. Chia rẽ đem đến những thiệt hại nào?

2. Tại sao Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp nhất?

3. Ba Ngôi Thiên Chúa đã thể hiện sự hiệp nhất thế nào?

4. Bạn phải làm gì để xây dựng sự hiệp nhất?

 

7. Dấu ấn của Thiên Chúa - Achille Degeest

Người ta nói đến Phúc Âm về nhân tính, tức là ba Phúc Âm nhất lãm của các thánh chép sử Matthêu, Marcô và Luca, trong đó mô tả, với một số chi tiết nhân tính, lịch sử Đức Giêsu trong hoàn cảnh sinh hoạt, giao tế, lao động, rao giảng của Người. Chúa được trình bày như một người rất cụ thể, rất “thực”, nhưng cũng là một Đấng Mêsia. Các thư thánh Phaolô và Phúc Âm theo thánh Gioan được xem như Phúc Âm về thần trí, vì hai ông nhấn mạnh vào những viễn ảnh vĩnh cửu do thân thế Đức Giêsu mở ra cho chúng ta. Tất cả những văn bản trên hợp thành một bức hoạ song bản, một bộ Phúc Âm duy nhất. Sự suy niệm của chúng ta không được tách rời hai tấm hoạ nhân tính và thần trí, tuy nhiên chúng ta có thể theo khuynh hướng của mình hoặc chỉ dẫn của phụng vụ mà tuỳ thích đọc Phúc Âm nhất lãm hoặc Phúc Âm về thần trí. Hôm nay phụng vụ mời gọi suy niệm về một trong những đoạn cao đẹp nhất trích Phúc Âm theo thánh Gioan. Chúng ta có thể nêu ra một trong những chức năng cơ bản của Giáo Hội, đó là chức năng trung gian và sự đòi hỏi hợp nhất do chức năng ấy.

1) Giáo Hội đóng vai trò trung gian của Đức Kitô bên cạnh thế gian.

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các tông đồ của Người và cho tất cả những ai sau này nhờ hoạt động tông đồ sẽ tin vào Người. Chúa biết rằng các tông đồ thật sự thuộc về thế gian, Người cầu xin cho các ông cũng thuộc về Thiên Chúa. Làm trung gian là đứng giữa, được thiện cảm của cả hai bên, đóng vai gạch nối, tiếp xúc, hoà giải, giao liên. Các tông đồ tượng trưng cho Giáo Hội. Chúa cầu xin cho Giáo Hội của Người được thật sự thuộc về thế gian, đồng thời triệt để thuộc về Thiên Chúa. Thành phần Giáo Hội là những con người, cho nên Giáo Hội tham gia vào thực thể nhân loại, một hỗn hợp bí ẩn trong đó vụng về chậm chạp xen lẫn linh hoạt cao quý. Giáo Hội cần phải tham dự vào đời sống Thiên Chúa, mà bản chất là hợp nhất trong tình yêu. Sự tham dự ấy là đối tượng lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Chúa muốn rằng phong trào đại kết (là nét độc đáo của sự tương giao giữa Ba Ngôi Thiên Chúa) phải tiếp nối trong Giáo Hội và trở nên dấu ấn sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa nhân loại.

2) Vai trò trung gian của Giáo Hội phải mang dấu ấn đại kết.

Thiên Chúa không chia rẽ với chính Thiên Chúa. Khi những Kitô hữu chia rẽ với nhau, họ đi ngược yêu cầu chính của ơn gọi Kitô giáo. Bất hạnh lớn nhất của Giáo Hội là trong phạm vi yêu thương mà không vượt khỏi hạn chế của tâm trí và yếu hèn của tội lỗi. Ở điểm này, mỗi người chúng ta phải tự đặt những câu hỏi rất thực tiễn. Thật vậy, một Kitô hữu tất nhiên có thể nói rằng sự chia rẽ giữa những “Giáo Hội” (sự phân hoá này giống như một vết thương trong trái tim Chúa), là một vấn đề vượt quá sức mình, những dẫu sao phải ý thức về mức độ trách nhiệm của mình. Bằng cách nào? Bằng cách chiến đấu chống sự tội trong con người mình, vì chính sự tội gây chia rẽ –cầu nguyện cho phong trào đại kết- trong khung cảnh sinh hoạt của mình trở nên một cực đại kết chứ không đối đầu –và sau hết, noi gương Chúa, ăn ở hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Mỗi Kitô hữu phải lãnh trách nhiệm mang trong não trạng, trong ngôn ngữ, trong cách cư xử của mình dấu ấn của tình yêu hợp nhất và biểu hiện của Thiên Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ