Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1378220

NIỀM TIN MỘT CHUYẾN ĐI

Niềm tin: một chuyến đi

(Trích trong ‘LÀM NỤ HOA TRẮNG’ – ĐGM Giuse Vũ Duy Thống)

Phúc Âm hôm nay rất sống động. Cứ như cuốn phim mô tả cuộc hành trình đầy kịch tính của những khách lạ phương xa: từ ngạc nhiên khám phá ngôi sao lạ, qua xáo động tại Giêrusalem, tới Bêlem nghiêng mình thờ kính, rồi dắt díu nhau lặng lẽ tìm đường khác về nhà. Cứ như xô đẩy nhau xuất hiện trên màn ảnh những cuộc đối đầu càng lúc càng thêm căng thẳng: giữa chính diện và phản diện, giữa lo sợ của bên này và thanh thản của bên kia, giữa tìm gặp hướng tới và lạc mất nẻo đi. Cứ như í ới cơ man nào là tiếng nhỏ to bàn bạc chen lẫn tiếng ồn ào bàn tán của những kẻ bị xem là xa nhưng lại biết bàn vào và của những người được coi là gần nhưng chỉ biết bàn ra.

Nhưng giữa những chi tiết tưởng như bất ngờ trên hành trình rất dài và rất xa ấy, người ta thấy lấp lánh hình ảnh của niềm tin như một chuyến đi với những đặc tính tiêu biểu:

1) Niềm tin: một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa.

Những vai chính trong cuộc hành trình tìm tới Bêlem “triều bái Vua dân Do Thái mới sinh” được truyền thống giới thiệu bằng nhiều kiểu nói khác nhau, lúc thì gọi là Vua, lúc khác là Đạo sĩ hoặc Chiêm tinh gia. Gọi sao cũng được: Vua vì những của lễ tiến dâng, Đạo sĩ vì hành trình tìm kiếm, Chiêm tinh gia vì nhìn thấy ngôi sao và dựa vào ánh sao mà xác định lối đường. Chỉ biết họ là những người thiện chí kiếm tìm chân lý và vận dụng tốt những phương tiện đang có để tìm gặp chân lý bằng cách lên đường không mỏi mệt.

Khởi điểm cuộc hành trình là một ánh sao lạ xuất hiện phía trời Đông, tượng trưng cho ơn thánh dẫn khởi từ Thiên Chúa, để ai biết tiếp nhận, sẽ trở nên ánh sáng soi đường. Nhìn thấy ánh sao hằng hà sa số trên bầu trời đêm là một điều bình thường ai cũng có thể làm được, nhưng nhận thấy giữa muôn vàn lấp lánh ấy chỉ một ánh sao lạ thôi lại là chuyện chẳng bình thường chút nào, nếu không muốn nói là do tổng hợp giữa kiếm tìm và gặp gỡ, hay đúng ra giữa ơn Trời ban và lòng người biết mở ra tiếp nhận.

Tương tự, niềm tin trước hết là hồng ân đến từ tình thương Thiên Chúa dành cho hết mọi người, nhưng chỉ những ai biết tiếp nhận với tâm thành chí thiện, họ mới có thể có được niềm tin vào Chúa để sẵn sàng khăn gói lên đường khởi sự chuyến đi. Ra khỏi nếp nghĩ thường ngày để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô cứng lâu đời do cha ông truyền lại để mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy dậm chân tại chỗ để cơm mắm cơm muối gieo bước lữ hành.

2) Niềm tin: một chuyến đi biết chấp nhận những thử thách

Là hồng ân Chúa ban, nhưng đức tin cũng còn là nỗ lực đóng góp không ngơi nghỉ của con người, để vượt qua những thử thách và kinh qua những thử luyện được xem là những thách đố trong chiều dài cuộc sống. Đây không chỉ là chuyện “thức lâu mới biết đêm dài” để con người chứng minh sức bền tin tưởng tháng năm, mà còn là chuyện “lửa thử vàng gian nan thử đức” trong những lúc Thiên Chúa xem ra ẩn mặt và hồng ân xem ra vắng bóng, như lúc “ba Vua toan mất hướng, ánh sao bỗng vụt lặn”. Đấy là chưa kể đến những lúc phải đối diện với âm mưu chủ ý của những người đồng đạo, cũng tin Chúa nhưng không thành tâm, thậm chí còn gài bẫy ngọt ngào giả nhân giả nghĩa như Hêrôđê; hay cũng biết cách quy chiếu Thánh Kinh nhưng không để tìm ra lối sống ngay chính, trái lại, chỉ lợi dụng để toa rập lừa gạt phỉnh phờ người khác như một số thượng tế và kinh sư trong dân.

Đêm Noel Chúa sinh ra đem xuống niềm vui, nhưng thành phố nào đó của Iran chẳng những không có niềm vui mà còn phải chịu động đất làm chết nửa thành phố. Chúa như vắng mặt. Thử thách. Đêm Noel thiên thần hát khúc bình an mà tại Bêlem chính nơi Chúa sinh ra hôm nay vẫn còn chiến tranh, chết chóc. Chúa như vắng mặt. Se lòng.

Thử thách đối với đức tin như gió đối với lửa: gió thổi tắt lửa yếu, nhưng làm bừng lên lửa sáng. Vấn đề là cần biết can đảm và bền chí. Những thử thách trong cuộc sống niềm tin không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ rơi con người, mà là những cơ hội để con người chứng minh phẩm chất niềm tin. Niềm tin không thử thách: niềm tin dễ dàng; niềm tin thất bại trước thử thách: niềm tin dễ dãi; niềm tin chấp nhận thử thách mới là niềm tin đích thực cho dẫu nhiều khi chẳng dễ chịu chút nào.

3) Niềm tin: chuyến đi biết đón nhận đồng hành

Không phải vô tình mà lễ Hiển Linh vẫn được truyền thống gọi là lễ Ba Vua, có nơi kể tên các vị đến hàng chục (theo kiểu đồng bằng sông Cửu Long thì còn có cả chục 12, chục 16 cơ đấy), nhưng chừng như hữu ý cho thấy niềm tin không phải là cuộc đơn hành mà là một chuyến đi biết đón nhận đồng hành, không chỉ vì lý do “càng đông càng vui” mà vì giới luật yêu thương là biểu hiện rõ nhất của đức tin cũng là cách cụ thể sống động nhất để diễn đạt đức tin. Con người thời nào cũng thế, không thích bị chinh phục bởi giáo điều nhưng lại tự nguyện buông mình chịu khuất phục vì gương sáng đức tin. Nhớ lại ở Thăng Long thuở hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào thửa đất Việt Nam, tín hữu thương nhau quá trời đến nỗi người ngoài đời đã gọi tín hữu là những người theo “Đạo yêu nhau”, tức là những người cùng đi với nhau trên nẻo sáng yêu thương.

“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, tín hữu đồng hành bên nhau còn để nâng đỡ nhau, nhất là trong cơn nguy biến như Ba Vua gặp Chúa tại Hang đá rồi, phải dìu nhau lên con đường khác để tránh âm mưu đen tối của Hêrôđê. Ngoài miệng thì bảo là đi triều bái, còn trong hành động lại làm điều trái, tàn sát thê lương, “giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”. Con đường khác ấy sẽ mới hơn, lạ hơn và cũng có thể sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, nhưng đã có bạn bè thân quen bên cạnh đồng hành, nên cứ an lòng nương tựa vào nhau mà dấn bước.

Giống như Kinh Tin Kính, dẫu tín hữu tuyên xưng mang tính bản thân cá nhân “Tôi tin”, nhưng không là đơn độc một mình giữa nhà thờ trống vắng mà là giữa cộng đoàn Phụng Vụ một ngày lễ trọng, nên bỗng lấp lánh như thể đồng thanh tuyên tín “Chúng tôi tin”. Tôi và chúng ta chỉ là những cách biểu lộ khác nhau của cùng một niềm tin đón nhận đồng hành.

Tóm lại, dựa vào hành trình của những vai chính ngày lễ Hiển Linh để phác vẽ niềm tin như một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa, biết chấp nhận thử thách và biết đón nhận đồng hành là cùng lúc tích cực hòa mình vào biến cố Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Nếu Chúa luôn có cách tỏ mình của Ngài thì tín hữu cũng cần lên đường đúng cách Chúa tỏ ra cho mình biết. Như thế niềm tin mới là chuyến đi đẹp lên ý nghĩa kiếm tìm và gặp gỡ. Và đó cũng là những hình ảnh sinh động mang tính hiển linh của kẻ tin trước mắt người đồng thời, giống như hình ảnh của những vai chính trong chuyến đi hôm nay: ở bước truy tìm họ được mệnh danh là Chiêm tinh gia, khi đã bước lên đường họ được gọi là Đạo sĩ và khi tới đích với lễ dâng thành kính họ được xưng tụng là Ba Vua.


 

48. Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra

Các bài đọc của lễ Hiển Linh đều hướng về một chủ đề chính: "Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi muôn dân". Nơi bài đọc I được trích từ sách tiên tri Isaia: "Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra" (Is 60,1-6).

Đó là lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng của Giêrusalem. Giêrusalem có được như vậy, được trở thành trung tâm của muôn dân đổ dồn về đó là vì nhờ Giêrusalem có Thiên Chúa hiện diện ở giữa. Không có Thiên Chúa hiện diện thì Giêrusalem vẫn chỉ như bao thành khác. Ánh sáng mà Giêrusalem nhận được từ Chúa đã chiếu soi muôn người, ánh sáng đó lôi kéo tất cả mọi người, không trừ một ai đến với Chúa. Giêrusalem ngày xưa là hình ảnh của Giáo Hội, vì Giáo Hội là nơi qui tụ tất cả mọi dân tộc.

Lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng cho Giêrusalem được ứng nghiệm trong biến cố các vua từ Phương Đông tìm đến Vua dân Do Thái mới sinh đã được thánh sử Luca ghi lại (x.Lc 2,1-12).

Gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài, đó là mục đích cuối cùng của đời người chúng ta, và đó cũng là trung tâm của bài Tin Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay. Các mục tiêu cuối cùng trên, chúng ta thấy có những nhân vật nổi bật như vua Hêrôđê, các trưởng tế và luật sĩ tại Giêrusalem, các đạo sĩ từ Phương Đông. Mỗi một người trong hoàn cảnh riêng của họ đều được Chúa mạc khải cho, được Chúa mời gọi đến với Ngài bằng những con đường khác nhau. Các đạo sĩ nhờ ngôi sao sáng của thiên nhiên trong vũ trụ, một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Các trưởng tế và luật sĩ thì qua con đường mạc khải của Kinh Thánh, qua lời dạy của các tiên tri mà họ biết nằm lòng. Vua Hêrôđê thì qua chứng tá của những kẻ qua con đường gặp Chúa, qua chứng tá của các đạo sĩ và các trưởng tế, luật sĩ tại Giêrusalem. Nhưng rồi chỉ có các đạo sĩ là đi đến cùng con đường, là gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài.

Chúa ban cho mỗi người, cho mọi người con đường để gặp Ngài, nhưng chỉ có những ai thành tâm thiện chí và can đảm đi đến cùng, đi trọn con đường thì mới thành công trong việc gặp gỡ được Chúa.

Trong ngày Lễ Ba Vua hay Lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta trước nhất vui mừng vì thấy rõ hành động Thiên Chúa không dành riêng ân sủng của Ngài cho một nhóm người nào, nhưng Ngài kêu gọi tất cả mọi người đến với Ngài, đồng thời chúng ta cần tự vấn chính mình về thái độ trước Chúa Kitô, chúng ta đã thực sự gặp Chúa và tôn thờ Ngài hay chúng ta cũng có thái độ giống như vua Hêrôđê xem Chúa như là kẻ thù, như là người cản trở sự thành đạt của mình, vì đó mà hành động ngấm ngầm chống lại Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được bắt chước thái độ của các đạo sĩ ngày xưa muốn ra đi khỏi nơi an toàn tự nhiên của mình để gặp Chúa và tôn thờ Chúa tại nơi mà Chúa muốn dùng để mạc khải cho chúng con về Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa và tôn thờ Chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất đời con. Amen.


 

49. Những con mắt hiển linh

Trong bài Phúc Âm của lễ Hiển Linh có một từ đáng cho chúng ta suy niệm: thấy. Có mắt để phát hiện những điều bí ẩn, những con mắt hiển linh như các nhà đạo sĩ: “Họ thấy Con Trẻ và Mẹ Ngài và họ liền sấp mình thờ lạy Ngài”.

Họ thấy gì? Họ tưởng tượng điều gì? Từ bậc quyền cao chức trọng nào họ phải xuống để thích ứng ngay với thực tế rất khiêm hạ này: một cặp vợ chồng và đứa con của họ? Các đạo sĩ đã “thấy”.

Lời mời gọi đầu tiên của lễ Hiển Linh là: thấy Con Trẻ. Thấy tất cả những gì có nơi Đấng Tuyệt Đối duy nhất này, thầm bảo rằng qua Ngài chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, như phụng vụ Acmêni diễn tả rất hay: Hôm nay, Đấng vô hình hiển linh. Đấng mà con người không thấy nay tỏ hiện để chúng ta được thấy.

Làm sao không nghĩ đến câu nói nổi tiếng của thánh Irênê mà luôn luôn phải trích dẫn nguyên vẹn: “Vinh quang của Thiên Chúa chính là sự sống của con người, và sống đối với con người chính là thấy Thiên Chúa”.

Thấy Chúa. Thánh Gioan nói trong đoạn mở đầu Phúc Âm của mình: “Không ai thấy Thiên Chúa; chính Con duy nhất ngự trong lòng Chúa Cha mới tỏ bày Ngài cho chúng ta”.

Ước gì chúng ta có mắt để thấy những điều này! Con mắt đức tin, con mắt xưa kia, ở Palestine, biết mở ra để nhìn vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu, và cái nhìn nội tâm giờ đây làm chúng ta phải sấp mình trước mặt Ngài. Thánh nữ Têrêsa thành Avila đã viết: “Cái gì ngăn cản chúng ta dùng con mắt của tâm hồn để nhìn về Chúa? Ngài chỉ chờ đợi cái nhìn của chúng ta mà thôi”.

Cái nhìn nội tâm này, sức mạnh của con mắt đức tin này không được đóng kín chúng ta trong một tháp ngà nhỏ: “Anh và tôi!” hoặc trong một tháp ngà lớn hơn: “Chúng ta, những người theo Kitô giáo”. Đây là lời kêu gọi thứ hai của lễ Hiển Linh: nhận rõ ràng Con Trẻ xuất hiện vì tất cả chúng ta. Đàng sau các đạo sĩ, ta thấy được những đám đông mà các vị là biểu tượng, những đám đông mà Isaia phát hiện bằng con mắt hiển linh: “Hãy nhìn xem, hỡi Giêrusalem! Bóng tối bao trùm muôn dân nhưng Chúa sẽ xuất hiện trên ngươi, các dân tộc hướng về ánh sáng của ngươi. Hãy nhìn xem! Họ đang quy tụ lại”.

Người ta nói rằng định mệnh hạn chế cái nhìn của chúng ta. Chúng ta được tạo dựng cho những gì là to lớn của một thế giới đang chờ đợi Chúa và chúng ta cúi xuống nhìn vào cuộc sống của chúng ta và nhìn vào giáo xứ của chúng ta. Thỉnh thoảng, những đám đông hoan hô Đức Thánh Cha làm cho chúng ta cảm nhận làn sóng Công Giáo, nhìn thấy muôn dân họp lại đời đời. Nhưng chúng ta nhanh chóng trở về với chúng ta, những nhóm nhỏ đang hành đạo.

Chúng ta có quá dễ dàng chấp nhận làn sóng những người không tin đang gia tăng hay không? Quen sống trong những khu vực theo Kitô giáo, ở giữa những môi trường mà hai tiếng Thiên Chúa không còn ý nghĩa gì nữa có phải là điều bình thường hay không?

Lạy Chúa, xin khơi dậy nơi chúng con lòng nhiệt thành của những người theo Kitô giáo đầu tiên mà đối với họ lời của Chúa Giêsu vẫn còn sống động: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Mt 28,19). Ước chi Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội vào thời đại có nhiều người không tin này, không ngừng chọn lựa làm những người thừa sai, ước chi trong số mười linh mục người ta không chọn chín vị để nâng niu chiều chuộng các tín hữu và một vị để xông pha những chỗ mà Chúa không còn ở đó nữa.

Trong khi cầu nguyện như thế con cảm thấy con cũng thiếu tinh thần truyền giáo. Hay có lẽ con sợ hãi. Con sống ở giữa những anh chị em không thấy Chúa và con làm như thể con cũng là một người không thấy Chúa. Nhưng làm sao để nói với những người ở ngoài đường, ở trong các cửa hàng và trong nhà máy về Chúa? Và thậm chí đơn giản hơn là nói với anh A chị B mà con thường gặp từ bao nhiêu năm nay nhưng không nói gì với họ về Chúa? Tôn trọng ý kiến, lương tâm của họ chăng? Phải tôn trọng rồi. Con coi thường khi người ta nói về những chứng nhân của Giêhôva nhưng con, con làm gì để truyền giáo?

Con làm chứng nhân như thế nào đây? Thật đơn giản khi nhắc lại rằng người ta làm chứng bằng cuộc sống của mình, con biết rõ rằng đôi khi việc loan báo Tin Mừng cần đến lời nói, thế mà con im lặng. Thậm chí sau cùng thì con không còn thấy những người có lẽ đang chờ đợi chứng tá của con nữa. Xin Chúa cho con có những cặp mắt của người tông đồ, những con mắt hiển linh.


 

50. Từ bỏ

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Hiển linh, ngày Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân, mà đại diện là ba nhà đạo sĩ, ba nhà bác học phương đông.

Câu hỏi thứ nhất: các ngài là ai?

Phúc âm đã dùng danh từ “magi” để nói về các ngài. Magi có nghĩa là các vị tư tế, ngoài việc tôn giáo, họ còn chuyên môn về khoa học, nhất là thiên văn, vì thế họ thường được triều đình tôn làm cố vấn. Ngoài ra, magi còn có nghĩa là các nhà đạo sĩ, dùng phép thuật của mình như một kế sinh nhai. Phúc âm không xác định rõ các ngài thuộc vào hạng người nào.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tin chắc chắn các ngài là những người học rộng biết nhiều và thông thạo về thiên văn. Bởi đó, gọi các ngài là những nhà bác học, thiết tưởng cũng không sai cho lắm.

Ngoài ra, dựa vào những lễ vật dâng tiến, cũng như dựa vào thánh vịnh 71:

- Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,

Hàng vương giả sẽ về triều cống.

Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,

Cũng đều tới tiến dâng lễ vật.

Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,

Muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Tertulianô đi tới kết luận: các người là những bậc vương đế. Vì thế, từ xa xưa người ta thường gọi lễ này là lê Ba Vua. Tuy nhiên, lập luân trên không được xác thực cho lắm.

Câu hỏi thứ hai: các ngài có bao nhiêu người?

Những bức bích họa dưới các hoang toại đạo vào những thế kỷ đầu, có bức vẽ hai vị, có bức vẽ ba vị, có bức vẽ bốn vị, thậm chí có bức vẽ tới…mười hai vị. Ngày nay, chúng ta thường nói tới ba vị, vì dựa vào ba thứ lễ vật các ngài dâng tiến.

Câu hỏi thứ ba: các ngài từ đâu mà tới?

Magi là hạng người xuất hiện đầu tiên tại Ba Tư. Các họa sĩ cổ xưa thường vẽ các ngài với y phục Ba Tư, nên nhiều người đã xác quyết các ngài từ Ba Tư mà đến. Tuy nhiên, lý luận này cũng không được ổn cho lắm. Phúc âm chỉ nói các ngài từ phương đông mà tời. Và phương đông là tên người Do Thái thường dùng để gọi xứ Ả Rập. Hơn nữa, những lễ vật như vàng, nhủ hương và mộc dược, là thổ sản của xứ này. Như vậy, các ngài từ Ả Rập mà đến thì có lẽ đúng hơn.

Sau cùng, câu hỏi thứ bốn: đâu là bài học chúng ta cần ghi nhận?

Bài học chúng ta ghi nhận hôm nay, đó là sự tử bỏ. Thực vậy, các ngài là những người giàu sang, có một địa vị lớn trong xã hội thời bấy giờ, thế nhưng một khi đã nhận biết ý Chúa qua ánh sao lạ, các ngài đã can đảm, dám liều, dám từ bỏ tất cả để lên đường tìm đến với vị vua mới sinh ra.

Đúng thế, các ngài đã để lại sau lưng nào vợ đẹp con khôn, nào tiền bạc giàu sang, nào địa vị chức auyền, để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vô định, dưới sự soi dẫn của một ánh sao. Các ngài đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, đã phải chấp nhận biết bao nhiêu nguy hiểm: nào là những nụ cười mỉa mai của bà con bè bạn, nào là những vất vả cực nhọc suốt khoảng đường dài…Thế nhưng, các ngài vẫn cất bước tiến lên với một lòng tin tưởng vững chắc.

Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy bất kỳ ơn gọi nào cũng đều đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ, phải hy sinh, như lời Chúa đã phán:

- Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.

Tôi xin đưa ra hai trường hợp tiêu biểu. Trước hết, đó là trường hợp của Abraham. Ông đang sống yên ổn với gia đình trong cảnh giàu sang, thế nhưng Thiên Chúa đã hiện ra bảo ông phải lên đường tới một vùng đất nào đó mà Ngài sẽ trao ban làm sản nghiệp. Abraham liền cúi đầu vâng nghe. Rồi khi tới tuổi già và có được một mụn con trai để nối dõi tông đường, thế mà Thiên Chúa lại truyền phải sát tế mà dâng kính Ngài. Abraham cũng đã cúi đầu vâng nghe.

Tiếp đến, đó là là trường hợp của các tông đồ. Các ông đang sống yên ổn bằng nghề chài lưới, thế rồi một hôm Chúa Giêsu đi ngang qua và lên tiếng gọi:

- Hãy theo ta.

Lập tức các ông từ bỏ ghe thuyền, chài lưới và những người thân yêu để bước theo Chúa.

Với Mathêu cũng vậy, đang làm giàu với nghề thu thế, nhưng sau khi nghe tiếng gọi của Chúa, ông cũng đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài.

Từ mẫu gương của ba nhà ba nhà bác học phương đông, của Abraham và của các tông đồ, chúng ta đi tới một kết luận: Muốn theo Chúa, muốn chu toàn thánh ý của Ngài, chúng ta cũng phải dám liều, dám từ bỏ mọi sự, dám hy sinh tất cả, dám dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy bấp bênh. Thế nhưng liệu chúng ta có đủ quảng đại để đáp trả tiếng gọi của Chúa và có đủ can đảm để thực hiện những điều ấy không?


 

51. Đến thờ lạy.          

Xưa kia có một tu sĩ thánh thiện sống ở Ai Cập. Một ngày nọ có chàng thanh niên đến thăm và muốn xin ngài dạy bảo. Anh thỉnh cầu với tu sĩ: “Thầy là người thánh thiện, xin thầy chỉ cho con biết làm thế nào tìm thấy Thiên Chúa”. Tu sĩ là người khỏe mạnh và lực lưỡng. Ngài hỏi chàng thanh niên: “Anh có thực sự muốn đi tìm Thiên Chúa không?” Chàng thanh niên trả lời: “Đúng vậy, thưa ngài, con thực sự ước ao muốn tìm kiếm Thiên Chúa”.

Sau đó tu sĩ dẫn chàng thanh niên xuống bờ sông. Thình lình, ngài túm lấy cổ anh rồi nhấn đầu xuống nước. Thoạt tiên chàng thanh niên nghĩ rằng tu sĩ ban cho anh nghi thức thanh tẩy đặc biệt giống như Phép Rửa tội của thánh Gioan Tẩy giả ở bờ sông Giođan. Nhưng sau gần hai phút tu sĩ vẫn không buông ra, anh bắt đầu vùng vẫy. Dù vậy tu sĩ vẫn dìm anh dưới nước. Bị ngộp thở, chàng thanh niên đã phải vùng vẫy mãnh liệt hơn nữa. Sau vài phút, tu sĩ lôi cổ anh lên khỏi mặt nước và nói: “Khi nào anh ước muốn tìm Thiên Chúa mạnh mẽ như anh ước ao có không khí để thở, lúc ấy anh sẽ tìm thấy Thiên Chúa”.

Hôm nay thánh Matthêu nói với chúng ta về những người có một ước muốn mãnh liệt đi tìm kiếm Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Đó là các nhà đạo sĩ.

Một số người Kitô hữu gốc Do Thái trong cộng đoàn của Matthêu thắc mắc rằng theo Đức Giêsu có phản bội lại đức tin của tổ tiên không. Họ hỏi: “Thưa ngài Matthêu tại sao nhiều người không phải là Do Thái đang đi theo Chúa Giêsu, trong khi đa số những người đồng hương Do Thái lại từ chối Ngài?” Matthêu đã trả lời rằng vì những người không phải Do Thái, những người ngoại trở lại đã có một lòng ước muốn mãnh liệt tìm kiếm Đấng Cứu Thế. Trái lại, những vị lãnh đạo Do Thái nghĩ rằng họ đã có Thiên Chúa rồi, họ nhận thấy không có lý do gì phải đi tìm kiếm Đấng họ đã có. Đối với họ, có Đấng Cứu Thế thì cũng tốt, nhưng không phải là vấn đề cấp thiết như sự sống và sự chết. Do đó, họ đã không có một lòng ước ao mãnh liệt để tìm kiếm Ngài.

Các nhà đạo sĩ chính là những nhà thiên văn đã kiên trì nghiên cứu trong Thánh Kinh, sách của người Do Thái, nói về những dấu hiệu xuất hiện trên trời, những dấu hiệu của Đấng Cứu Thế đang đến. Họ theo dõi hằng đêm, cho đến khi khám phá thấy một vì sao. Vì lòng ao ước tìm kiếm chân lý mãnh liệt họ đã từ bỏ xứ sở của mình và lên đường. Đây là cuộc hành trình rất vất vả, khổ cực và đầy nguy hiểm trong sa mạc với đoạn đường dài 800 dặm, khoảng 1280 km, từ Babylon tới Giêrusalem. Còn chúng ta, chúng ta có khao khát muốn tìm gặp Chúa hay không?


 

home Mục lục Lưu trữ