Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1378558

Niềm vui tròn đầy

Niềm vui tròn đầy.

(Suy niệm của John W. Martens - Lm GB. Văn Hào chuyển ngữ)

Vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi (Mc 1,45)

Trong tác phẩm “Bàn về sự nhiễm uế và tội lỗi trong nền văn hóa Do Thái cổ đại”, tác giả Jonathan Klawans đã nêu ra sự khác biệt giữa sự nhiễm uế do tội lỗi, và sự nhiễm uế do tập tục. Sự nhơ uế mang tính luân lý gồm những tội như ngoại tình và giết người, hàm ngậm những hành vi tội lỗi và dơ bẩn. Còn sự nhơ uế do phong hóa mang tính tập tục bao gồm những tiến tình tự nhiên, như việc sinh nở, hành vi giao phối vợ chồng, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ v..v.. Những quy trình tự nhiên này không liên quan gì đến hành vi tội lỗi cả. Bệnh phong hủi, là một trong những bệnh ngoài da vẫn được người ta xem như một thứ nhơ uế, nhưng chỉ mang tính phong hóa theo tập tục thời bấy giờ mà thôi.

Cho dù một người mắc bệnh ngoài da, như những người bệnh phong, sẽ không bị kết án là có tội, nhưng theo sách Lêvi “ người đó vẫn bị coi là nhơ uế bao lâu còn mang bệnh tật trong người. Họ phải sống một mình, tách khỏi lều trại nơi cộng đồng sinh sống (Lv 13,45-46)”. Nhiều người nhiễm bệnh phong hủi còn bị cắt đứt sự tương giao hoàn toàn, cả về mặt xã hội và cả trong đời sống tôn giáo. Những sự nhiễm uế khác theo tập tục, như sinh nở, kinh nguyệt, chỉ kéo dài một thời gian ngắn, thường một ngày hay một tuần, nhưng cách riêng nhiễm uế do bệnh cùi có thể trở thành vĩnh viễn suốt cả một đời người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi một người phong hủi đi tìm kiếm và đến gặp Đức Giêsu. Anh ta nài xin Ngài giúp anh ta trở lại hòa nhập với cộng đồng. Qùy gối trước mặt Đức Giêsu, anh ta khẩn xin tha thiết với một ước muốn giản đơn “ Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Mặc dù bệnh nhân không nài ép Chúa với một cung điệu ai oán và trang trọng, nhưng anh ta bày tỏ mong ước với một động thái xác quyết và tin tưởng, vì “ Ngài có thể làm việc này”. Đây là một thái độ biểu tỏ đức tin. Anh ta tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Đức Giêsu và tín thác nơi lòng trắc ẩn của Ngài.

Đức Giêsu chạnh lòng thương đối với bệnh nhân. Marcô sử dụng hạn từ Splanchnizomai trong tiếng Hy lạp, diễn tả một tình cảm sâu xa, một sự thương cảm và yêu thương dạt dào. Trái tim của Đức Giêsu đã lay động trước hoàn cảnh bi thương của người bệnh và Ngài giơ tay chạm vào anh ta. “Ngài nói: Tôi muốn, anh hãy được sạch. Lập tức bệnh phong hủi biến mất và anh ta được lành sạch (Mc 1,42)”. Khi chạm vào người cùi, Đức Giêsu có làm điều gì sai trái không? Chắc chắn không và tuyệt đối không. Cho dù bệnh cùi là căn bệnh lây lan, và luật Do Thái vẫn coi sự sờ chạm đến bệnh nhân là một sự nhiễm uế, nhưng sự nhiễm uế này hoàn toàn không phải do tội lỗi. Khi Đức Giêsu chạm đến người cùi để chữa lành cho anh ta, có thể đó là một hành vi phản khoa học, khiến dễ bị lây nhiễm, nhưng tuyệt đối nơi Ngài không thể có sự nhiễm uế. Động thái này có nghĩa là gì? Chúng ta thấy Đức Giêsu vẫn cẩn thận tuân thủ lề luật và Ngài không tỏ ra khinh suất lề luật chút nào.

Sau khi bệnh nhân đã hoàn toàn được lành lặn, Đức Giêsu nghiêm giọng đuổi anh ta đi ngay và còn căn dặn kỹ lưỡng “ Đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì Môsê đã truyền để làm chứng cho người ta biết (Mc 1,44). Sự đồng cảm của Đức Giêsu được thể hiện không phải bằng một cái ôm hôn thắm thiết để chúc mừng anh ta, vì anh được trở lại hòa nhập với cộng đồng. Nhưng, Ngài nói với người được chữa lành là hãy đi thực hành những gì mà luật Môsê dạy bảo, như đã viết trong sách Lêvi 14,1-32. Bệnh nhân sau khi được lành bệnh, phải thực hiện điều luật, để được đón nhận trở lại hội nhập với cộng đồng. Vị tư tế sẽ còn phải kiểm tra, như sách Lêvi đã dạy, và sự kiểm tra này kéo dài suốt cả tuần lễ. Anh ta đang trên đường để tái hòa nhập, và lúc Đức Giêsu chữa lành cho anh ta, anh ta vẫn chưa có thể trở lại với cộng đồng một cách hoàn toàn lúc bấy giờ.

Nhưng tại sao Đức Giêsu lại nghiêm giọng bảo anh ta đừng nói gì cho ai biết? Có phải thực sự Đức Giêsu mong muốn người bệnh đã được chữa lành phải câm lặng tuyệt đối hay không? Có phải bệnh nhân sau khi được lành sạch sẽ không nói cho vị tư tế biết ai đã chữa lành cho mình?

Sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu là mời gọi mọi người tiến vào Vương quốc Nước Trời, thế thì tại sao Ngài lại nghiêm cấm người vừa được chữa lành do quyền năng của Ngài lại phải câm nín? Người được Đức Giêsu cứu chữa chắc chắn không thể im miệng được. Anh ta ra đi và bắt đầu công bố cho mọi người, quảng bá rộng khắp tin vui mà mình mới được lãnh nhận. Vì vậy số người đến tìm gặp Đức Giêsu ngày càng đông đến mức độ Ngài không thể công khai vào thành nào, mà chỉ có thể ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành (Mc 1,45).

Dường như có sự mâu thuẫn và đối kháng giữa chỉ thị của Đức Giêsu cấm người bệnh đừng nói gì với ai, với sứ mệnh quảng bá Vương quốc Nước Trời. Trong Tin mừng Marcô, chúng ta thấy nhiều lần Đức Giêsu đã nói như vậy. Các học giả kinh thánh gọi đó là “Bí mật Thiên Sai”. Một đàng, Đức Giêsu mời gọi mọi người hãy bước theo Ngài và Ngài đã chữa lành các bệnh nhân một cách công khai, một đàng lại có vẻ như Ngài muốn bịt miệng các chứng nhân, cấm họ nói bất kỳ điều gì. Có phải đây là một sự đánh đố mang tính tâm lý mà Đức Giêsu khởi xướng, hay chỉ là một kỹ xảo chơi chữ theo kiểu văn chương mà Marcô đã sử dụng?

Các học giả cho chúng ta thấy thái độ phản ứng của bệnh nhân được chữa lành nói lên câu trả lời cho vấn nạn này. Niềm vui Tin Mừng vọt trào nơi tâm hồn những con người mà Đức Giêsu đã sờ chạm đến, phải được công bố và được nhân rộng. Niềm vui đó cần được sẻ chia, cần được quảng bá rộng khắp cho mọi người. Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay đã chu toàn những gì lề luật đòi hỏi, nhưng anh ta biết rằng mình không thể câm lặng, ôm giữ cho riêng mình niềm vui sung mãn và ngập tràn đó. Sau khi đã trải nghiệm sự vui mừng lớn lao vì được thụ lãnh quyền năng chữa lành của Đức Giêsu, anh ta ra đi và nói cho mọi người biết. Đây là hình mẫu và là chân dung của một nhà truyền giáo đích thực, mà mỗi người chúng ta cần phải sao chép.

 

12. Giơ tay đụng vào – Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

“Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo…”

Kể từ cái trải nghiệm nhỏ bé nhận được trong khóa học BISA VIII tại Bangkok - Thái Lan đúng vào mấy ngày Tết Nhâm Thìn, tôi đã có một cái nhìn rất khác về ‘phép lạ’ Đức Giêsu chữa người bị phong hủi.

BISA (Bishops’ Institute for Social Action) là khóa học dành cho các giám mục Á Châu về các đề tài liên quan tới phát triển con người theo Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội do OHD (Office of Human Development) thuộc FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences) tổ chức. Khóa VIII na7m đó có sự tham dự của khoảng 30 giám mục, 10 đại biểu linh mục, giáo dân đại diện cho 18 Hội Đồng Giám Mục và 06 tổ chức quốc tế. Tôi được mời tham dự trong tư cách đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vì đề tài học tập liên quan đến các di dân và thổ dân. Khóa học được chia làm hai phần, bốn ngày dành cho chương trìnhthực nghiệm (immersion program) và bốn ngày cho hội nghị thuyết trình và thảo luận. Trong phần thực nghiệm, các tham dự viên được chia thành từng nhóm 4-5 người đi thực tế trong một môi trường xã hội cụ thể. Nhóm tôi gồm 04 người, trong đó có 02 giám mục, đi làm việc tại một trung tâm PCU-AIDS (Palliative Care Unit for AIDS Patient Center) tại tỉnh Sayong miền đông nam Bangkok - Thái Lan, gần biên giới Kampuchia. Công việc của chúng tôi là cùng với các y công và y tá của trung tâm chăm sóc các bệnh nhân AIDS đang trong giai đoạn cuối. Một trong các công việc tôi được trao là thay tã (tampers) và chùi rửa các bệnh nhân AIDS hoàn toàn bại liệt.

Việc phục vụ và đụng chạm trực tiếp tới những con người này (một thứ phong hủi ghê tởm hiện đại?) trong trạng thái dơ bẩn nhất của thân xác họ, đã để lại nơi tôi một ấn tượng khó quên; mọi cảm xúc tự nhiên trong mình như muốn nổi loạn, buộc tôi phải gồng mình kiềm chế. Cảm nghĩ lóe lên nhiều lần trong đầu tôi lúc đó chính là: “Ôi tình yêu nhập thể, khủng khiệp quá!” Phải, Thiên Chúa trong mầu nhiệm nhập thể đã đụng chạm trực tiếp tới tình trạng kinh tởm dơ dáy tột cùng của thể xác, nhất là của tinh thần con người (trường hợp Người giơ tay đụng vào người mắc bệnh phong cùi ghê tởm ở đây chỉ là một chút điển hình!). Và Người làm hành đông này không có bất kỳ một thiết bị bảo hộ nào như tôi lúc đó, nào là khẩu trang, bao tay cao su, nào là các thiết bị y tế, nước sát trùng… và cả các tấm tã cực kỳ tiện lợi. Điều duy nhất mà Người được trang bị và sở đắc tới độ siêu đẳng (đồng thời cũng chính là điều tôi hoàn toàn thiếu thốn) đó là ‘Người chạnh lòng thương’! Thế đấy, tình yêu nhập thể thực quá cụ thể và chạm tới những ngõ ngách cùng tận và tăm tối nhất của kiếp người. Điều mà Đức Giêsu đã làm với người phong hủi xưa, Người sẽ còn tiếp tục làm mãi với từng con người nhân loại chúng ta, đặc biệt những ai cùng khổ bất hạnh, bệnh tật kinh tởm nhất, cả về mặt thể lý lẫn luân lý; bất cứ ai Người cũng chạm tới được miễn là họ biết ‘quỳ xuống và van xin…’ như người phong hủi xưa.

Và cũng từ trải nghiệm này tôi còn được học thêm một điều nữa, đó là việc chữa lành (hay phép lạ) không phải là điều quan trọng và cần nhấn mạnh nhất. Khi phục vụ tại CPU-AIDS tôi được cho biết, bệnh nhân nào tìm lại được ý chí muốn sống, người đó mới có cơ may kéo dài cuộc sống, ngược lại bệnh nhân sẽ tàn lụi vô phương cứu chữa. Tác động lớn nhất trong việc điều dưỡng không phải là thuốc men hay phương tiện y tế, mà chính là trả lại cho bệnh nhân niềm tin và hy vọng. Tôi đã thấy vài trường hợp điển hình ngay nơi các bệnh nhân AIDS mà tôi phục vụ (thay tã, đút cơm hay nắn bóp), một số họ đã bắt đầu tỏ ra có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Một bệnh nhân AIDS-TB (lao phổi) nặng, bị mọi người xa tránh vì dễ lây nhiễm và nhầy nhụa, nhưng khi được tôi ân cần đút cơm và trò truyện, anh đã nở được nụ cười thật tươi sau nhiều ngày vật vã… Và bác sĩ cho biết, bệnh tình của anh đã có dấu hiệu khả quan hơn.

Thế đấy, tác giả Mác-cô viết: ‘Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch…’ ôi sao mà xác thực quá! ‘Chạnh lòng thương’ còn quan trọng hơn nhiều việc Đức Giêsu lấy quyền năng mà làm phép lạ… Nói cách khác, chính ‘chạnh lòng thương’ mới là phép lạ lớn hơn hết vì nó đáp ứng trực tiếp nỗi khát vọng thâm sâu nhất của bệnh nhân phong hủi này, khi anh ta thoát khỏi tình trạng bị mọi người hắt hủi, và kể từ lúc đó chứng phong hủi của anh khởi sự tiến trình hoàn toàn biến mất.

Ôi, sức mạnh của lòng thương xót thật vô song, và mong sao mọi linh mục của Đức Kitô không những hiểu được điều này mà còn tham gia tích cực vào quyền năng này nữa!

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết cảm tạ Chúa không ngừng, không phải vì các phép lạ hoặc các ơn trọng đại con nhận được, nhưng vì đã biết tín thác vào lòng Chúa xót thương. Cho dầu không thể sửa trị được hết các yếu đuối phần hồn phần xác (sẽ không bao giờ, với bất cứ ai!), con vẫn mừng vui khôn xiết vì Chúa đã chạnh thương chạm tới sự ghê tởm, thấp hèn và tội lỗi của con, qua đó trả lại cho con niềm hy vọng tràn trề và một sức sống bất tận. Amen.

 

13. Bệnh phong cùi – Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)

Một vụ nổ đã làm cho chú bé bảy tuổi vị bỏng nặng ở đôi chân, đến nỗi các bác sĩ đã nghĩ rằng cần phải cưa chúng. Người ta nói với mẹ cậu: “Thằng Glenn của chị sắp thành kẻ tàn phế suốt đời đấy”.

Thế mà hai năm sau, với niềm tự tin mạnh mẽ, cậu đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những đi bộ mà cậu còn chạy được nữa. Dù chạy không nhanh lắm, nhưng vẫn chạy được.

Cuối cùng, cậu thi đậu đại học. Môn ngoại khôn của cậu là chạy đua. Quả thật, cậu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc. Cậu lần lượt phá kỷ lục ở liên đại học.

Tại đại hội Olympic Berlin, chẳng những cậu được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét, mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này.

***

Với niềm tin vào khả năng của chính mình, cậu bé tưởng chừng như một phế nhân, đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới. Với niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, người phong cùi tưởng chừng như suốt đời sống trong căn bệnh ghê tởm nhất, đã trở nên lành sạch.

Đối với người Do thái, kẻ mắc bệnh phong cùi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại bỏ. Không được tham dự nghi lễ trong hội đường. Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm nơi mồ mả, phải la lên “ô uế” để mọi người tránh xa. Ai trò chuyện với họ là phạm luật. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong cùi đã hết lòng tin tưởng quyền năng của Đức Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin: “Nếu Người muốn, Người có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1,40).

Thấy lòng tin của anh, Đức Giêsu động lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc 1,41). Chạm đến người phong cùi, Đức Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu. Người muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Đức Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người. Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

M. Carré có nói: “Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin tưởng cậy trông”. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhắm rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách. Chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy, người phong cùi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Người.

Vì thế, Đức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Người, để làm phát sinh một hiệu quả vô cùng diệu kỳ là cho anh lành sạch cả thế xác lẫn tâm hồn. G. Bossis viết: “Hãy tin và tin nhiều hơn nữa cho đến khi xảy ra p hép lạ”.

Bí quyết trở nên hgùng cường của nước Mỹ được in trên đồng tiền của họ, đó là câu: “In God We trust” (chúng tôi tin vào Thiên Chúa). Thánh Phanxicô Salesio nói: “Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa”.

Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn tin tưởng nơi Người, chỉ một mình Người thôi. Trong bóng đêm cô đơn trống vắng, chúng con vẫn cậy trông nơi Người; tất cả nơi Người.

Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con. Amen.

 

14. Hãy đem đến cho xã hội chút tình người

(Suy niệm của Lm Nguyễn Hữu Thy)

Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người, đó là tính hợp quần, tính đoàn thể: Bất cứ con người nào cũng đều mang trong mình nhu cầu muốn được giao lưu với người khác, muốn được thuộc về một gia đình, muốn được thuộc về một đoàn thể hay một cộng đồng.

Vì thế, sự đau khổ lớn nhất của một bệnh nhân phong cùi không chỉ là bệnh tật đang ngày đêm gặm mòn cơ thể anh, nhưng trước hết là sự ghê tởm và xa tránh của đồng loại, là sự bị cô lập khỏi xã hội loài người. Anh không còn được sống trong gia đình, không còn được tiếp xúc với người khõe mạnh hay không còn được sống chung trong làng xóm với người khác, nhưng phải sống ở một nơi biệt lập hẳn với người khác, ở trong những túp lều hay trong những hang động xa xôi hẻo lánh. Vì sợ lây bệnh, nên không một ai dám bắt tay hay động vào người anh. Đó thật là một bản án vô cùng nặng nề, là cả một cực hình khủng khiếp nhất mà con người phải gánh chịu. Vì thế, trong một cuốn tiểu thuyết nổi danh tựa đề là “La Peste“ - Bệnh Dịch, Albert Camus đã trình bày rất ấn tượng về tình trạng của người bị mắc bệnh dịch: phải sống ra sao, bị đối xử như thế nào, v.v... Nhất là ông đã làm cho người đọc hiểu được sự tác động của bệnh dịch trên tâm trạng và trên cả cuộc sống người bệnh trầm trọng như thế nào!

Ngày nay bệnh phonh cùi hay bệnh hủi không còn mang tính cách nghiêm trọng nữa, vì nó có thể chữa lành. Một thứ bệnh khủng khiếp từng tiêu hủy bao nhiêu triệu nhân mạng trong hằng thế kỷ qua đã hoàn toàn bị chận đứng. Đó thật là một niềm vui quá to lớn, là một ơn lành vô cùng trọng đại cho toàn thể nhân loại. Con người có thể thở phào nhẹ nhõm và sống tin tưởng lạc quan hơn.

Thế nhưng ngày nay, một loại vi khuẩn của bệnh “phong cùi “kiểu mới đã tái xuất hiện dưới những dạng thức và danh xưng hoàn toàn khác hẳn, đang tác hại trên nhân loại và đã biến bao nhiêu người thành “người hủi thời đại“. Dĩ nhiên, ở đây tôi không muốn chỉ đề cập tới những bệnh nhân bị nhiễm vi trùng Xi-đa, HIV hay những người nghiện xì ke ma túy, nhưng cả những người bị tàn tật đang phải sống nhờ vào sự bố thí của xã hội, những người vô gia cư đang lang thang đầu đường xó chợ hay những tội phạm và thân nhân của họ, v.v....

Có lẽ con người trong bất cứ thời đại hay trong bất cứ xã hội nào cũng phải mang ơn những người bệnh phong cùi, những người đang bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bởi vì nhờ họ bệnh mà chúng ta mới biết được rằng mình còn có quá nhiều may mắn và hạnh phúc là không bị nhiễm những thứ vi trùng của những căn bệnh độc hãi đó. Và cũng nhờ vậy mà chưa bị xã hội cô lập, tẩy chay, chưa bị đẩy ra ngoài lệ xã hội.

Tuy nhiên, ai tự quá đề cao mình, cho mình là quan trọng, là “cái rốn “ của vũ trụ, người đó đương nhiên coi kẻ khác là đối thủ nguy hiểm của mình và không thể chấp nhận cùng cho đứng trên một chiến tuyến với mình đươc, nhưng tìm cách gạt bỏ ra ngoài lề xã hội. Vâng, theo tâm lý, khi thấy có ai đó có lối sống khác với chúng ta, tư duy khác với chúng ta, có tư tuởng chính trị khác với chúng ta hay giao lưu với những người chúng ta không quen biết,nhất là với những người chúng ta không ưa, v.v... tự nhiên chúng ta cảm thấy anh ta là người xa lạ, cảm thấy mình đang bị đe dọa và rôi tìm cách xa lánh, cô lập anh ta và tìm cách đẩy anh ta ra ngoài lề: Loại người này không thể chấp nhận được, y không thuộc về quỉ đạo của chúng tôi. Tiếp đế, vì không ưa nên đổ thừa cho bỏ ghét, cốt tìm cách loại trừ cho bằng được loại đối tượng mà chúng ta không ưa như thế!

Trong khi đó, Đức Kitô, Đấng mà chúng ta được mang trên mình tên gọi của Người - Kitô hữu - lại có quan điểm và cách cư xử hoàn toàn khác hẳn. Đối với Người, trước hết tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa dựng nên, được Thiên Chúa vô cùng yêu thương và đã được Người kêu mời hưởng ơn cứu rỗi. Đức Giêsu không chỉ dạy cho con người biết rằng họ đều là anh chị em với nhau, bởi vì họ có một Cha chung trên Trời, nhưng chính Người đã sống như thế. Sự cố Đức Giêsu chữa lành người bệnh cùi được tường thuật lại trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay là một ví dụ điển hình về thái độ và cách xử sự đầy nhân bản của Đức Giêsu.

Trước hết, một cuộc sống như người bị bệnh phong này đang sống, kể như là không còn sống nữa, sống mà cũng như đã chết. Đó là cái chết về mặt tinh thần, cái chết “xã hội, trước khi chết thực sự về mặt y khoa. Do đó Đức Giêsu đã thương cho số phận của anh ta nên đã giơ tay ra và nói với người bệnh đáng thương đang đứng trước mặt mình: “Tôi muốn cho anh nên sạch và khỏi bệnh!” Vâng, tình thương của Đức Giêsu đối với loài người chúng ta không chỉ bằng lời nói suông, không chỉ bằng tâm tình thông cảm và an ủi lý thuyết, nhưng bằng chính việc làm cụ thể, bằng sự dấn thân trọn vẹn.

Bởi vậy, chúng ta cần phải thành thực tự hỏi lòng mình:

- Làm thế nào để những người mắc phải những thứ bệnh khủng khiếp như phong hủi hay Xi-đa - xưa kia cũng như ngày nay - có thể tin tưởng được rằng họ vẫn được chấp nhận, khi chính họ lại không cảm nghiệm được điều đó trong đời sống hằng ngày?

- Làm thế nào để cho vợ con và thân nhân của của những người phạm pháp còn tin tưởng vào sự thiện hảo và lòng tốt của đồng loại được, khi họ đang bị người láng giềng lối xóm nghi kỵ, tránh né và cô lập?

- Làm thế nào để những người vợ/chồng ly dị nhau và nay lại lập gia đình với người khác, còn tin tưởng vào lòng thương xót và khoan dung vô bờ của Thiên Chúa, khi họ bị chính nghững người Kitô hữu khác đối xử một cách bất khoan dung với họ, xua đuổi họ, nhất là tẩy chay không cho họ được lãnh nhận các Phép Bí Tích?

- Làm thế nào để một người luôn bị thất bại trong cuộc đời, luôn chỉ gặp đau khổ và cảm thấy mình bỏ rơi, còn có thể sống lạc quan và tin tưởng vào hạnh phúc được, khi không có lấy một người còn biết thông cảm và chia sẻ số phận hẩm hiu của anh ta, cùng đồng hành và động viên anh ta, giơ tay mắn chặt tay anh ta và thăm hỏi thân tình?

Chắc chắn rằng xã hội chúng ta, Giáo Hội chúng ta cũng như mỗi người Kitô hữu chúng ta sẽ không bị mất mát hay thiệt hại gì cả, nếu chúng ta biết gạt bỏ những định kiến và cố gắng đem đến cho cuộc sống xã hội thêm chút tình người, thêm chút tình nhân bản nữa, một chút nữa thôi! Nếu được như thế, bài Tin Mừng về biến cố Đức Giêsu chữa lành người phong cùi trong Chúa Nhật hôm nay khi được đọc trong tất cả các nhà thờ trên toàn thế giới sẽ không trở thành uổng công vô ích! Nếu được như thế, phép lạ Đức Giêsu đã làm để chữa lành bệnh xưa sẽ còn được tái diễn mãi, ít là được “lành bệnh“ về mặt tinh thần, và giải cứu “người bị bệnh phong“ ra khỏi chốn ngục tù sự chết và đem anh ta trở lại cuộc sống mới trong tin tưởng và an hòa.

 

15. Tôi muốn anh được sạch

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Từ câu 1:39, Marcô ghi nhận là Chúa Giêsu đã bắt đầu mở rộng hoạt động khắp miền Galilê. Tiếp theo là câu chuyện chữa lành người phong hủi. Và trong câu kết (1:45), Marcô cho thấy dân chúng ở Galilê cũng bị thu hút mạnh mẽ bởi Chúa Giêsu. Họ đến với Người từ mọi vùng, như dân chúng ở Capharnaum đã làm (1:35-37). Câu chuyện chữa lành người phung hủi được thuật lại riêng, không chung với các bệnh nhân khác. Hầu hết các bệnh nhân đều được mang đến cho Chúa Giêsu để được chữa lành (1:32-34), chỉ có bệnh nhân phung hủi nầy tự mình tìm đến với Người. Lý do là vì sợ bị ô uế, mà chẳng ai dám đụng đến người phung hủi. Hành động và lời nói của người phung hủi đã được làm nổi bật cách đặc biệt trong trình thuật nầy.

Hành động đầu tiên của bệnh nhân là đến lại gần và quỳ gối trước mặt Người. Theo luật Môisen, bệnh phong hủi là một bệnh ghê tởm. Người mắc bệnh bị xem như người ô uế, bị loại ra khỏi hàng ngũ của dân Thiên Chúa thánh thiện, và phải xa lánh mọi người (Lv 13). Bệnh nầy bị đánh giá như là một sự hủy hoại không những thân xác, mà cả mọi tương quan của bệnh nhân với Thiên Chúa và xã hội. Do đó, đến gần và quỳ gối trước Chúa Giêsu là một thái độ đức tin. Ông đến với Chúa Giêsu vì đã thấy Người đã chữa lành nhiều người (1:21-28; 32-34). Và ông cũng thấy Người có quyền năng hơn cả các luật sĩ (x.1:22), nên ông bất kể luật Môisen mà đến với Người. Ông đến để cầu xin chữa bệnh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Lời cầu xin nầy xác nhận đức tin thúc đẩy ông đến với Chúa Giêsu (x. 1:15). Ông tin Người có quyền năng, và Người có thể làm được nếu Người muốn. Ông phó thác vào ý muốn của Người. Lời cầu xin cũng phản ánh hiện trạng của ông: bệnh phong hủi làm cho ông bị ô uế, bị ruồng bỏ và chỉ có Chúa mới làm cho ông được sạch.

Đáp lại cử chỉ đức tin của người phong hủi, Chúa Giêsu đưa tay đụng đến anh và nói lời chữa bệnh. Đưa tay ra là dấu hiệu hành động của quyền năng Thiên Chúa (Xh 3:20; 7:5; Tv 138:7), hoặc hành động nhân danh Thiên Chúa (Xh 14:16.21.27). Đụng đến người phung hủi theo Luật là vấy uế. Nhưng vì Chúa Giêsu ở trên Luật Môisen (x. 2:10-12), nên khi đụng đến ông, Người không bị ô uế. Ngược lại, Người làm cho người bị kể là ô uế được lành sạch hoàn toàn. Cũng đáp lại lời tuyên xưng đức tin của người phung hủi, Chúa Giêsu dùng lại lời của ông mà chữa ông lành:”Tôi muốn, anh sạch đi!”.

Lý do Chúa Giêsu muốn người phung hủi ra về trong thinh lặng là để ông có thể cảm nghiệm lâu dài và cách cá nhân quyền năng của Thiên Chúa, biểu lộ trong Chúa Giêsu, đang thực hiện trong ông. Quyền năng ấy đã chữa ông lành bệnh phong hủi, đã đưa ông vào lại trong tương quan và hiệp thông với Thiên Chúa và con người (x. Lv 14:1-32). Nhưng Chúa Giêsu không thành công. Người không thể kiềm hãm được người phong hủi. Ông được chữa lành, và ông kinh nghiệm bản thân về lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa quá lớn lao trong ông, khiến ông chỉ có một cách là “rao giảng” kèrussò, tin mừng ấy cho mọi người biết. Sau Gioan (1:4), Chúa Giêsu (1:14.38. 39), ông là người thứ ba rao giảng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa (1:45), và những người khác sau ông (3:14; 5:20; 6:12; 7:36).

Chúa Giêsu đến để hội nhập lại những người ngoài trật tự của con người và Thiên Chúa. Người thực hiện điều ấy với quyền năng và lòng thương xót, nên danh Người vẫn được loan truyền giữa con người.

home Mục lục Lưu trữ