Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 34
Tổng truy cập: 1379268
NỐI KẾT VỚI CHÚA KITÔ
Nối kết với Chúa Kitô
(Suy niệm của Lm. Gioan Cao Vũ Nghi, CMC)
Truyện kể về một người sống trong một làng hẻo lánh thuộc miền thượng du. Nhờ một cơ hội hiếm có, ông được đặt chân lần đầu tiên đến một thành phố. Tuy không có nhiều tiền, nhưng ông cũng muốn đem về một cái gì đó để khoe với dân làng. Sau khi đã thăm nhiều nơi trong thành phố, một trong những cái làm ông thích thú nhất là các ánh đèn chiếu sáng trong phố. Với số tiền trong túi, ông đã mua một ít bóng điện và công tắc điện. Vừa khi trở về tới làng, việc đầu tiên là ông treo những bóng đèn đó trong nhà ngoài ngõ trước nhà ông. Làng xóm qua lại thấy lạ nên hỏi, nhưng ông chỉ trả lời: "Chịu khó chờ đi. Đến tối sẽ biết." Khi ánh mặt trời vừa ngả bóng, ông trịnh trọng bật các công tắc. Nhưng lạ quá, bóng đèn chẳng sáng gì cả. Tội nghiệp cho ông. Chẳng ai bảo cho ông biết là cần phải có điện lực, thì bóng đèn mới chiếu sáng được.
Hồi nhỏ tôi có anh bạn rất giỏi về khoa nói. Chuyện gì hắn cũng nói vào được. Một hôm hắn nghe bài hát “Thầy là cây nho, các con là cành” hắn liền nhái ngay ra “Thầy là con cua, các con là càng. Càng nào kết hợp cùng cua sẽ bò nhanh hơn cáy...” Cả bọn chúng tôi vỗ tay hoan hô, nhưng ông thầy dạy giáo lý nghe được gọi hắn lên cho hắn một bài ‘moral’ khá dài. Ngày nay nghĩ lại, ông thầy hơi nghiêm nghị. Những nơi như ở Việt nam thời xưa, biết cây nho thế nào đâu. Nhưng nói con cua thì ai cũng biết. Nên càng cua cần liên kết với thân cua, chúng ta cần liên kết với Chúa Giêsu.
"Không có Thầy, các con không thể làm gì được" (Ga 15:5). Sống trong cuộc đời, nhiều người nghĩ rằng họ có tất cả: bằng cấp có, việc làm có, gia đình có, nhà cửa xe hơi có. Nhưng khi bóng chiều của cuộc đời buông xuống, khi nhắm mắt lìa đời, họ mới biết họ chỉ có hai bàn tay trắng. Họ có thể thành công trong cuộc đời, nhưng vì không được nối kết với nguồn gốc sự sống đích thực, nên "lời lãi cả thế gian, mà thiệt hại phần linh hồn thì được ích gì?" (Mt 16:26).
Nếu họ đã biết liên kết với Chúa Kitô, thì họ đã "sinh nhiều trái" (Ga 15:5). Tuy là theo giáo lý của Chúa Kitô, để có thể "sinh nhiều trái", điều đòi buộc là phải hy hiến chính mình. Hoa quả đầu tiên phát sinh do sự hy hiến bản thân này chính là tình yêu. Một tình yêu dám hy hiến bản thân mình vì người mình yêu. Vì là những cành cây được nối liền với thân cây là Chúa Kitô, chúng ta tin rằng sức mạnh và ân sủng của Chúa đang tuôn chảy vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta có thể sống tình yêu hy sinh như Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.
Qua Bí tích Rửa tội, các Kitô hữu đã được nối kết với Chúa Kitô. Nhưng nối kết với Chúa Kitô mà thôi thì chưa đủ. Chúng ta cũng cần phải cắt tỉa những cành, những nhánh cây đang cản trở chúng ta sống đời yêu thương. Những cành cây cần phải cắt tỉa là những thành kiến, những ác cảm thù hận, những lối sống buông thả ích kỷ.
Cắt tỉa những cành cây độc hại rồi, chúng ta cũng cần phải củng cố những cành cây tốt mỗi ngày mỗi nối kết chặt chẽ hơn với thân cây. Chúng ta cần năng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, để chúng ta được nuôi dưỡng bởi ân sủng của Chúa, giúp chúng ta tăng triển trong niềm Tin Yêu. Ngoài ra, Lời Chúa là kho tàng quan trọng cho đời sống tâm linh của chúng ta. Lời Chúa soi đàng hướng dẫn chúng ta sống theo gương lành Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta trong Phúc Âm.
Thế giới chúng ta đang sống có thể đem đến cho con người một cuộc sống thoải mái, đến nỗi nhiều người nghĩ rằng họ không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng khi chúng ta để tâm nhìn lại bản thân, chúng ta biết rằng chúng ta rất cần Chúa. Một cuộc sống xem ra thoải mái, thường thì lại bị xen lẫn với lắm khổ đau. Chỉ với ơn Chúa, chúng ta mới tìm được sức mạnh để chịu đựng, tìm được ý nghĩa cho những khổ đau và gánh nặng trong cuộc đời. Nếu chúng ta có Chúa trong cuộc đời, và nếu chúng ta để cho Chúa thanh tẩy con người của mình, chúng ta có thể trở nên những cành cây với nhiều hoa trái tốt tươi. Những hoa trái không những làm tươi mát cuộc sống của chính mình, mà còn nuôi dưỡng lòng tin yêu mến Chúa của nhiều tâm hồn.
38. Hiệp thông với Đức Kitô
(Suy niệm của Lm. Bùi Mạnh Tín)
Những sinh hoạt liên quan đến nghề trồng nho và ép rượu đã trở thành quen thuộc trong đời sống của người dân tại Palestina. Chúa Giêsu dùng những sinh hoạt này để diễn tả mối liên quan và sự hiệp thông giữa Ngài và các môn đệ. Đây là sự hiệp thông tuyệt đối cần thiết phải có, nếu con người muốn lãnh nhận sức sống thần linh và được cứu độ. Ngài khẳng định: "Như cành nho tự nó không thể sinh trái, nếu không dính liền với cây nho. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh hoa trái". Lời tuyên bố này là một chân lý, một điều kiện, một định luật. Thật vậy, con người được Thiên Chúa tạo dựng, mang trong mình hình ảnh của Ngài và cùng đích phải đạt tới chính là được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, mang theo những khát vọng cao vời, những tiềm năng thánh thiện và những chiều kích vĩnh cửu. Do đó, con người phải quy hướng về Chúa, phải tiến dần về đích điểm của mình, dù còn đang sống trên trần gian. Khi chưa đạt được khát vọng này, con người vẫn cảm thấy bất an thiếu thốn, đúng như Thánh Augustinô đã nhận định: "Linh hồn tôi được tạo dựng cho Thiên Chúa, nên nó cứ băn khoăn xao xuyến bao lâu chưa gặp được Ngài".
Nhưng làm cách nào để đạt được sự hiệp thông trọn vẹn này, khi nhân loại đã thực sự xa lìa Thiên Chúa và đã chết trong sự bất trung của nguyên tổ, như Thánh Phaolô nói, "Tội lỗi đã vào thế gian, mang theo sự chết" (Rom 5,12) bởi vì "những đam mê của xác thịt luôn phản lại Thiên Chúa, không vâng phục lề luật Thiên Chúa" (Rom 8,7)? Chúa Kitô, Đấng Cức Độ nhân loại, chính là câu trả lời và là giải đáp cho vấn đề của chúng ta. Nói cách khác, Đức Kitô đã đến trần gian, đã gặp gỡ nhân loại, đã giáo huấn con người, đã dùng chính tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để tái lập sự hiệp thông này. Một phương thế nổi bật nhất trong kế hoặch được dự liệu, chính là việc thiết lập các bí tích, trong đó, bí tích Thánh Thể được coi là hữu hiệu nhất để dẫn tới sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa. Chúa Kitô tuyên bố: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ có sự sống đời đời".
Ngày 18 tháng 11-2005 tại Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã gặp các em bé mới rước lễ lần đầu. Một em tên là Andrea hỏi Đức Thánh Cha:
- Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có kỷ niệm gì về ngày rước lễ lần đầu của Đức Thánh Cha không?
Đức Thánh Cha trả lời:
Đó là một ngày Chúa Nhật cuối tháng Ba, năm 1936, cách đây 69 năm. Trong ngày đó, Cha hứa với Chúa Giêsu, theo khả năng của Cha: "Con muốn luôn ở với Chúa". Và Cha đã xin Ngài: "Nhưng trước hết, xin Chúa hãy ở với con". Từ đó, Chúa Giêsu đã luôn nắm tay Cha, dắt Cha đi trong những tình huống khó khăn.
Ở lại với Chúa và Chúa ở lại với ta. Đó chính là sự hiệp thông mang lại hoa trái siêu nhiên, như Chúa đã ước mong và diễn tả trong dụ ngôn về cây nho. Do đó, lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha phải là lời cầu nguyện thường xuyên và tha thiết nhất của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta thực sự muốn trở thành những cành nho luôn sinh hoa trái.
39. Thoái hoá làm mất phẩm chất – Lm Tạ Duy Tuyền
Ngày nay người ta đang nói nhiều về sự thoái hoá đạo đức của một số phần tử trong xã hội. Họ tự đánh mất căn tính của mình. Họ không còn giữ được phẩm chất của chính mình. Sự thoái hoá đã làm cho họ biến chất từ tốt ra xấu. Từ thanh sạch ra dơ bẩn. Từ hữu dụng ra vô dụng. Sự thoái hoá đạo đức có thể đến với bất cứ ai. Và cũng có thể làm băng hoại đủ mọi thành phần, cho dù là hàng trí thức hay dân hèn, một khi đã bị thoái hoá là họ đã đánh mất căn tính con người là "nhân chi sơ tính bản thiện". Sự thoái hoá có mặt trong mọi ngành nghề, trong mọi cấp bậc. Sự thoái hoá làm mất đi đạo đức nghề nghiệp, mất đi lương tâm trong sáng chỉ còn là những tham sân si vô độ.
Trong năm giáo dục gia đình, chúng ta cũng không thể không đau lòng trước những hiện tượng thoái hoá đạo đức và nhân cách của con người hôm nay như: cô giáo hành hung và xúc phạm học trò; học trò đánh thầy giáo, mẹ đánh chết con ruột, cháu nội hành hạ bà nội cho đến chết. Tại sao lại có những chuyện phi nhân thất đức như vậy? Văn hoá đạo hiếu Việt Nam có còn giá trị hay đã bị tha hoá bởi đời sống vô tâm của con người hôm nay?
Có một câu chuyện ngày xưa kể rằng: một lần vua Nước Bắc muốn làm nhục sứ giả Nước Nam qua triều cống. Ông đã bắt một người dân Nước Nam vừa ăn trộm ra trước mặt sứ giả để làm nhục. Vua Nước Bắc bảo rằng: "Phải chăng người Nước Nam hay ăn trộm?". Sứ giả Nước Nam khiêm tốn trả lời: "Thưa bệ hạ! Cây táo trồng ở Nước Nam thì ngọt nhưng khi mang qua Nước Bắc trồng thì quả lại chua. Phải chăng người này ở Nước Nam thì tốt nhưng khi qua Đất Bắc đã biến chất rồi chăng?"
Nhìn lại phận người chúng ta đôi khi cũng giống như Cây Táo được trồng ở Đất Bắc. Con người là hình ảnh Thiên Chúa đôi khi cũng bị biến chất khi trồng vào thế gian. Con người cũng bị những thói đời sa đoạ làm băng hoại tâm hồn. Con người cũng bị những đam mê của danh lợi thú làm huỷ hoại danh giá, nhân phẩm của chính mình. Con người dễ bị đánh mất căn tính của mình là "nhân linh hơn vạn vật". Con người dễ bị bị thoái hoá bởi tưởng mình chỉ là một loài vật: sinh ra - lớn lên - rồi chết nên cứ việc lao vào những cuộc truy hoan trác táng, những thói đời hưởng thụ tầm thường.
Các tiên tri thời Cựu ước đã từng tiếc nuối cho dân tộc Israel là "vườn nho của Chúa" đã bị biến chất. Tiên tri Isaia đã thất vọng vì vườn nho nhà Israel đã bị hoang tàn. Tiên tri Giê-rê-mi-a đau buồn vì dân tộc ông đã "biến thành một cây nho lạ, thoái hoá thành một cây khác". Còn Ô-sê thì kêu lên trong đau đớn: "Israel là một cây nho trơ trụi". Tất cả những từ ngữ đó đều diễn tả một đời sống thoái hoá đạo đức của một số phần tử Do Thái. Họ đã không sống theo đường lối Chúa. Họ đã thờ ngẫu tượng. Họ sống hình thức dẫn đến giả hình, giả dối. Họ bị men biệt phái kiêu căng làm biến chất. Họ thờ Thiên Chúa trên môi miệng nhưng thực chất họ đã xa lìa Chúa từ trong tâm hồn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kín múc nguồn sống đích thực từ Thiên Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy để cho sự sống của Chúa tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta. Hãy sống gắn bó với Chúa, kết hợp với Chúa như cành liên cây để có thể sinh hoa kết trái là những việc lành phúc đức. Hãy ở lại trong Chúa để hiểu rằng con người chúng ta có một phẩm giá vô cùng cao quý là "giống với thần linh, là hình ảnh Thiên Chúa". Hãy biết gìn giữ phẩm giá cao quý ấy bằng việc chế ngự những đam mê tội lỗi, những thói đời truỵ lạc. Hãy làm chủ hành vi của mình bằng việc: biết sống theo lẽ phải, biết thể hiện phẩm giá của mình là tạo vật biết thiện và ác, thế nên phải biết làm điều thiện và tránh điều ác. Hãy bám vào Thiên Chúa hơn là bám vào những phù vân mau qua đời này. Hãy khiêm tốn cúi mình thờ lạy Chúa hơn là thờ lạy tạo vật. Hãy vì Chúa mà sống cao thượng hơn là vì tiền, vì tình, vì quyền mà sống thấp hèn. Hãy nhớ rằng: trần gian là tạm bợ. Thiên đàng mới là vĩnh cửu. Đừng vì những vinh hoa phú quý phù hoa này mà xa lìa Thiên Chúa. Xa lìa Thiên Chúa như cành lìa cây sẽ bị thoái hoá và héo khô.
Nguyện xin Chúa Giê-su Phục sinh luôn ở lại trong cuộc đời chúng ta để dẵn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Xin cho nguồn thánh ân Chúa tưới gội tâm hồn chúng ta mãi thanh sạch xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Amen.
40. Tinh thần khô – Lm Vũ Đình Tường
Tinh thần héo hon, khô cằn xảy đến khi Kitô hữu tự hào nói tôi mặc dù không đến thánh đường, không tin đạo nhưng sống theo tâm linh. Tâm linh đó không thể đến từ Đức Kitô. Đó là loại tâm linh khô cằn, héo hon, gầy gò.
không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi- Gioan 15,6.
Con người xã hội cần tình yêu để để yêu và được yêu. Có hai loại tình yêu: một là tình yêu từ trời cao hai là tình yêu từ xã hội. Tình yêu từ trời cao đến từ Đức Kitô và tình yêu xã hội đến từ thế giới.
Đón nhận tình yêu từ trời cao, từ Đức Kitô, người đó sẽ nhìn đời bằng con mắt của Thiên Chúa và suy nghĩ cũng như hành động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa. Đón nhận tình yêu từ xã hội người đó sẽ nhìn sự vật qua lăng kính xã hội. Người đó sẽ sống và hành động theo phong cách của xã hội. Tình yêu từ trời cao là tình yêu vô vị lợi và không có điều kiện kèm theo trong khi tình yêu xã hội bị giới hạn với những điều kiện đi kèm. Cả hai loại tình yêu đều xén tỉa cuộc sống người đón nhận nó bởi xén tỉa là cách làm cho mới và trong sáng để sinh hoa trái tốt hơn. Cuộc sống không sinh hoa trái không sinh ích cho ai. Kitô hữu tin tưởng bất cứ hình thức xén tỉa nào Thiên Chúa dùng đều có chung một mục đích là làm cho ta trở nên tốt lành hơn, thăng tiến trên đường lành thánh. Chúa chăn nuôi, chăm sóc để ta sinh hoa trái tốt hơn. Mục đích xén tỉa trong xã hội cũng có chung mục đích là làm thế nào có lợi cho công ti. Làm thế nào để cuối năm tính sổ thâu lợi nhuận nhiều hơn. Nếu lợi nhuận nhiều thì người đó sẽ được hưởng một phần của lợi nhuận như được thăng chức với bổng lộc kèm theo; trái lại nếu công ti thua lỗ việc xén tỉa gây lo lắng khôn nguôi vì không biết ai sẽ là nạn nhân của xén tỉa, sa thải. Đuổi việc, giảm công nhân, hoặc tăng sản phẩm, đòi lao động hết mức là cách công ti xén tỉa, đổi mới và mong cuối năm thu thêm lợi nhuận.
Thân nho cung cấp thực phẩm cho cành lớn nhỏ vì thế cành phải dính vào thân để được sống và sinh hoa trái. Đức Kitô trong dụ ngôn ví mình như thân nho và Chúa Cha là người trồng và tất cả Kitô hữu liên kết với Đức Kitô như hình ảnh cành liên kết với thân. Sự liên kết xảy ra khi Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Ngài yêu thương luôn những ai liên kết với Chúa Con. Cuộc sống tâm linh bị cạn dần, kiệt quệ khi điều gì đó ngăn cản, nối kết tình yêu Thiên Chúa với con người. Liên kết mật thiết với Thiên Chúa để sự sống được dồi dào bởi cành cần thuộc vào thân để sống và sinh hoa trái.
Để tạo thân nho mới người ta cắt cành rồi trồng cành đó ở nơi khác. Thân nho mới không còn lệ thuộc vào gốc cũ nữa nhưng nó tự sống và cuộc sống của nó ảnh hưởng bởi điều kiện đất đai, nước, khí hậu và phân bón. Những điều kiện trên ảnh hưởng đến mùa thu hoạch và phẩm chất nho. Đối với thiên nhiên là như thế. Kitô hữu nếu chọn cắt đứt liên hệ với Đức Kitô sẽ không chết về mặt thân xác nhưng chết về mặt tâm linh. Tâm linh bị khô héo dần. Muốn được sống lành, mạnh thì cần liên kết mật thiết với Chúa. Liên kết mật thiết với Chúa không có nghĩa chúng ta tránh khỏi mọi khó khăn trên đời. Khó khăn vẫn xảy đến và đau khổ vẫn tồn tại. Đau khổ, khó khăn trong đời không phải Chúa dùng để phạt con người nhưng nhìn cách tiêu cực chúng ta học qua đau khổ để trở nên tốt hơn, dễ thương hơn, là cơ hội để ta sinh hoa trái tốt và nhiều hơn.
41. Gợi nhớ – Lm Vũ Đình Tường
Gợi lại trí nhớ là điều ai trong chúng ta cũng cần bởi vì trong cuộc sống, hứa hẹn đến từng giờ nên cần có cách giúp nhớ để thực hiện điều đã hứa. Thông thường cuốn sổ tay ghi lại công việc sẽ làm giúp nhớ lại điều đã hứa. Không phải ai cũng có sổ tay nên đôi khi cần người nhắc nhớ lại công việc sắp làm trong tương lai. Lại cũng có người có sổ tay nhưng công việc bề bộn cần có người nhắc chừng khi người kia quên điều ghi trong sổ tay. Nhắc nhau nhớ lại công việc cần thực hiện là điều cần thiết. Nhắc nhau đi hội họp là điều tốt. Nhắc nhau sống đạo là điều cần cho đức tin. Nhắc nhau siêng năng lãnh nhận các bí tích là bổn phận của các Kitô hữu. Bổn mạng của người làm công việc nhắc nhớ có nguồn gốc từ xa xưa. Thánh bổn mạng đó không xa lạ gì với người Thiên Chúa giáo, đó chính là Thánh Thần Thiên Chúa. Đấng làm công việc nhắc nhớ lại những điều Đức Kitô đã rao giảng về tình yêu Chúa, việc Đức Kitô đã thực hiện và tiếp nối công việc mặc khải, hướng dẫn, giảng dậy cho các Kitô hữu hiểu thấu đáo hơn, thâm sâu hơn điều đã nghe, đã biết. Đấng này Đức Kitô đã hứa với các môn đệ và những ai tin theo Ngài.
Thầy sẽ gởi Thánh Thần đến, Đấng sẽ hướng dẫn, giảng dạy, chỉ dẫn cho các con mọi điều.
Thánh Thần đến đóng vai trò hướng dẫn, giảng dậy, chỉ bảo, mặc khải và thánh hoá trong cuộc đời tín hữu vì thế Thánh Thần đóng vai trò người gia trưởng trong đời sống đức tin. Chúng ta làm công việc nhắc nhớ lại, gợi lại những gì có thể quên sót. Thánh Thần Chúa làm công việc gợi nhớ. Gợi nhớ vì tiếng nói và hướng dẫn của Thánh Thần thể hiện cho những ai thành tâm, hướng thượng và tìm kiếm sự thật, sự sống, sự bằng an trong tâm hồn. Khi tâm hồn bình thản, bình an nhất lúc đó ân sủng Thánh Thần đánh động tâm hồn giúp ta nhận biết tiếng nói của Thánh Thần.
Đức Kitô Phục Sinh đặt nặng trọng tâm trong vấn đề này vì thế chúng ta thấy mỗi lần hiện ra với các Tông Đồ Đức Kitô luôn hướng dẫn họ bằng cách nhắc giúp họ nhớ lại các điều họ đã nghe từ các bài giáo huấn của Ngài. Những bài giáo huấn và các lời tiên tri đều nhắc đến Đức Kitô Phục Sinh và món quà lớn lao nhất Ngài mang đến cho nhân loại chính là món quà Thánh Thần. Cái chết của Ngài là món quà tình yêu cao cả của người thí mạng mình vì bạn hữu trong cuộc đời tại thế của Ngài. Thánh Thần là món quà trọng đại nhất Đức Kitô Phục Sinh trao tặng cho những tín hữu tin theo làm môn đệ và nhân chứng cho Đức Kitô Phục Sinh sau khi Ngài về trời.
Lần gợi nhớ rõ ràng nhất là lần xuất hiện cùng đồng hành với các môn đệ trên đường về làng Emmaus. Trên đường đi Ngài đã giải thích cho các môn đệ về việc các tiên tri, khởi đầu là Môisen và các tiên tri sau đó nhắc đến các tiên đoán về việc Đấng Cứu Thế giáng trần sẽ chịu đau khổ, bị ruồng bỏ, bị bắt, kết án và đóng đinh trên thập giá nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại từ cõi chết. Các tông đồ lắng nghe và nhận ra Ngài khi cuối ngày Ngài cùng các ông bẻ bánh tạ ơn. Chính lúc đó các ông nhận ra Ngài cũng là lúc Ngài biến khỏi các ông. Các ông đã tự nói với nhau chúng ta không nhận ra Ngài vì lòng chúng ta chai đá khi Ngài nhắc nhớ chúng ta những tiên đoán về Đức Kitô Phục Sinh. Tấm lòng chai đá không nhận biết ơn gọi nhớ của Thánh Thần.
Người đầu tiên được hưởng ơn nhắc nhớ này chính là người môn đệ già kính yêu. Nhớ lại trong bữa Tiệc Li Đức Kitô tiên đoán cùng các môn đệ là các ông sẽ phản bội Ngài. Mọi người đồng thanh hứa là sẽ trung thành. Trong số những người xác tín trung thành thì Phêrô là người mạnh bạo, rõ ràng nhất. Ông tuyên bố dù tất cả các bạn hữu phản bội mình ông nhất quyết trung thành cùng Thầy. Không lâu sau đó trong khi nghe lén người ta xử Thầy, có người đầy tớ gái nhận ra ông là một trong nhóm mười hai liền hô hoán lên ông này cùng bọn với ông Kitô. Phêrô liền chối không biết. Lát sau có người nhận dạng Phêrô lại chối. Ba lần bị nhận diện, ba lần chối. Ngay lúc đó Đức Kitô ngước mắt nhìn ông, đồng thời tiếng gà gáy nhắc ông điều Đức Kitô tiên đoán chiều qua trong bữa Tiệc Li: trước khi gà gáy con chối Ta ba lần. Phêrô nhớ lại điều đó và ăn năn thống hối.
Nhắc nhớ lại trong Kinh Thánh có một mục đích rõ ràng, không phải để khỏi quên công việc mà để củng cố đức tin, để tăng thêm niềm tin của người Kitô hữu vào Đức Kitô Phục Sinh và để thành nhân chứng trung thành hơn cho Đức Kitô giữa đời.
Chúng ta cầu xin ơn khôn ngoan biết lắng nghe tiếng Thánh Thần Chúa hướng dẫn cuộc sống hành trình đức tin và xin ơn biết trung thành trong việc làm chứng nhân cho Chúa giữa đời.
42. Cắt và xén – Lm Vũ Đình Tường
Thầy là cây nho và Cha Thầy là người trồng nho.
Cắt đứt hay xén tỉa. Con người thích cắt đứt, chặt bỏ. Thiên Chúa không cắt nhưng xén tỉa, làm đẹp. Khó biết cắt đứt đau hơn hay xén tỉa đau hơn. Cả hai đều làm cho nhựa chảy lã chã. Sáp đóng đen ngòm. Cắt đứt hay xén tỉa đều đau đớn. Cả hai cùng đau nhưng kết quả khác nhau. Cắt đứt là chia lìa, phá huỷ, làm chết đi. Trái lại, xén tỉa mang lại sự sống dồi dào. Xén tỉa làm cho sinh hoa nhiều hơn và trái cũng tốt hơn.
Thực tế cho thấy không phải mọi đau đớn đều có lợi, đều là ý Chúa. Đau đớn gây nên bởi chia rẽ, phá huỷ, hận thù, bất công, gây nên do lòng ích kỉ, bè phái, chủ thuyết hay do bất cẩn. Đau khổ trên không phải ý Chúa. Giết chết và phá huỷ là sáng kiến của con người. Trái lại, đau đớn mang lại sự sống trường sinh, dẫn ta về với Chúa. Đau đớn sinh bởi hy sinh vì tình yêu, vì nước trời vì Phúc Âm. Đau đớn sinh hoa trái tốt, kiến tạo là sáng tạo của Thiên Chúa.
Đối nghịch
Con người sáng chế phương cách tàn bạo, vô nhân đạo, gây đau khổ, tàn nhẫn giết hại nhau. Hành động bất nhân, thất đức gieo đau thương sầu khổ cho nạn nhân, đồng thời để lại tang thương, tàn phá khốc liệt từ đời con lê dài sang đời cháu, gia đình thân nhân, thân hữu nạn nhân. Hành động như thế dù nguỵ biện hợp lí cách nào đi nữa cũng làm mất lòng Chúa.
Thiên Chúa là Đấng đầy yêu thương sáng tạo ơn sống lại, tái tạo hạnh phúc thật, ban bình an tâm hồn và thưởng cuộc sống trường sinh cho những ai lưu lại trong Ngài. Điều này vượt quá trí hiểu và trí tưởng tượng của con người. Vì không thể hiểu nên từ chối chấp nhận lời Chúa hứa ban. Thật là nghịch lí, con người mong trường thọ. Chúa ban ơn sống trường sinh, kẻ từ chối, kẻ coi thường, kẻ đón nhận.
Những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa hưởng ơn lộc ngay cuộc đời này. Dù sống nơi có chiến tranh; tâm hồn họ vẫn bình an. Dù bị ngược đãi, đối xử bất công; lòng họ vẫn thư thái. Dẫu có bị tù; họ vẫn hưởng tự do và gần kề cái chết; họ vẫn nhận được sự sống trường sinh.
Tin trước hiểu sau
Hiểu trước tin sau là điều không thể thực hiện. Tin trước hiểu sau là điều có thể xảy ra. Đòi hỏi hiểu rồi mới tin không phải là đức tin. Niềm tin đó không cần thiết vì không dẫn đến ơn cứu độ. Đức tin thuộc thế giới tâm linh, không thể cân đo, không thay hình đổi dạng, bất biến với thời gian. Ánh sáng bộ óc, ánh sáng khoa học soi sáng những gì thuộc về vật thể hữu hình, thuộc về khoa học. Ánh sáng tâm linh soi sáng những gì thuộc về tâm linh. Để có được ánh sáng tâm linh bước đầu tiên cần có là đức tin. Vì thế đức tin được coi là nền tảng cần thiết giúp học hỏi, khám phá tình yêu Chúa. Điều này thực hiện được vì những ai tin vào Thiên Chúa được Thần Khí Chúa hướng dẫn, soi sáng chỉ cho biết Thiên Chúa. Người có đức tin không cậy vào trí khôn, thông minh cá nhân nhưng dựa vào hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa. Mà Thánh Thần Chúa chỉ hoạt động trong những tâm hồn có đức tin.
Làm sao trí óc nhỏ nhoi con người hiểu thấu mầu nhiệm tình yêu. Nhờ đức tin hướng dẫn, giúp ta nhận ra tình yêu Chúa. Đây là bước khởi đầu dẫn vào đời sống tâm linh. Đức tin không đòi hỏi chúng ta hiểu nhưng đòi chúng ta yêu. Càng yêu mến nhiều càng hiểu nhiều. Càng lí luận nhiều càng gặp bế tắc. Tình yêu chân chính ẩn hình khi có cãi lí, tranh biện. Trái lại tình yêu chân chính xuất hiện nơi đâu có hy sinh và phục vụ không vị lợi.
Tình yêu Chúa vừa soi sáng vừa thanh tẩy làm trong sáng tâm trí nhận biết sự thật. Từ chối tình yêu Chúa là từ chối ơn thanh tẩy giúp tâm trí trong sáng. Vì thiếu ánh sáng nên tâm hồn sống trong tối tăm. Sống trong tối tăm vì từ chối chấp nhận ánh sáng chân lí là sự thật. Từ chối sự thật sẽ không biết sự thật. Vắng bóng sự thật sao có đời sống công chính? Muốn sống công chính cần nhận ơn Chúa. Muốn nhận ơn Chúa cần phải gắn bó mật thiết với Chúa, như cành nho dính liền thân nho.
Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sanh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
43. Cây nho và nhánh.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Mở đầu cho vở kịch mang tên: "Chiếc hài bằng Satin" của Paul Rolden, một văn thi sĩ người Pháp đầu thế kỷ XX là một cảnh thật xúc động. Một trận cuồng phong bỗng dưng kéo dài tới nhận chìm chiếc tàu đang di chuyển đơn độc giữa đại dương. Chiếc tàu vỡ nát và mọi người trên tàu đều bị mất tích, ngoại trừ một vị thừa sai sống sót nhờ cột chặt người vào chiếc cột buồm.
Nhận thấy chiếc cột buồm đang chồm nổi với cơn sóng ác nghiệt và mình cũng đang gần kề cái chết, vị thừa sai đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện như sau: "Ôi lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã cho con đón nhận cái chết như thế này. Cuộc đời con không ít lần con cảm thấy lời dạy của Chúa quá khó khăn và con đã cưỡng lại lời mời gọi của Chúa. Giờ đây con đang gần Chúa hơn lúc nào hết, thân thể con đang bị trói chặt vào chiếc giá gỗ và con sắp chết trên chiếc giá gỗ này. Con có thể tháo gỡ thân thể con khỏi sự trói buộc, nhưng con không muốn, vì sự trói buộc sẽ cho con cảm giác được gần và giống Chúa hơn".
Anh chị em thân mến!
Được gần và giống Chúa, được hiệp nhất với Chúa, không đơn thuần chỉ là những ước mơ trong cuộc sống của người Kitô hữu, mà chúng là những điều kiện căn bản cho sự sống Kitô hữu như lời Ngài dạy cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
"Vườn nho" hay "cây nho" là hình ảnh quen thuộc của Kinh Thánh Cựu Ước. Vườn nho được ví là nhà Israel. Các tiên tri lớn như Isaia, Giêrêmia, Ézekiel đều nhìn mối liên lạc giữa người trồng nho và cây nho để nói lên sự quan tâm của Giavê Thiên Chúa đối với dân Ngài, cũng như để khiển trách dân tộc Israel vì vườn nho đã trở nên hoang tàn, dây nho biến thành dây nho dại không còn sinh hoa kết trái.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lấy hình ảnh "cây nho" để ví Ngài như là cây nho: "Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho". Vườn nho của Thiên Chúa phát xuất từ một gốc duy nhất là Chúa Giêsu. Ngoài Ngài không có sự sống: "Thầy là cây nho, các con là ngành". Ngành không thể sống, nếu tách lìa xa thân cây.
"Ở trong Thầy và Thầy ở trong các con", đó là điều mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc đi nhắc lại. Cần thông hiệp với Ngài để có sự sống. Tuy nhiên, một khi đã có sự sống từ thân chuyển sang thì ngành cần phải sinh hoa trái. Sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, và đây cũng là điều kiện cho ngành tồn tại. Ngành nào không sinh trái sẽ bị chặt đi ném vào lò lửa. Muốn được sinh hoa trái, ngành nho phải được cắt tỉa. Chẳng có sự cắt bỏ nào mà không gây đau đớn, dù cho phần cắt tỉa chỉ là phần thừa thãi tác hại đến cơ thể. Thế nhưng, chẳng thấy được hoa trái nếu không chấp nhận sự đau đớn của việc cắt tỉa. Chắc hẳn người trồng nho sẽ đau lòng khi cắt tỉa, sẽ xót xa vì phải bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích của cây nho nên chẳng thế nào làm khác đi được.
Khi thông hiệp vào Đức Kitô, đời sống của người môn đệ sẽ được cắt tỉa nhờ lời của Ngài. Lời của Ngài sẽ đặt các môn đệ trước những quyết định chọn lựa. Chọn lựa con đường hẹp nhọc nhằn, chọn lựa Thập Giá khổ đau. Những hy sinh đau đớn ở đời này sẽ mang lại phần thưởng mai sau. Và những hy sinh ấy tạo cho họ có cơ hội để được trở nên giống Thầy: "Họ ở trong Thầy và Thầy ở trong họ".
Thật thế, mọi đau khổ sẽ trở nên phí phạm, nếu không hướng về Thập Giá Đức Kitô, nguồn ơn cứu độ. Cắt tỉa chỉ là cắt bỏ, nếu không nhằm mục đích sinh hoa trái. Mọi hy sinh của người tín hữu cũng sẽ không mang lại hoa trái, nếu từ đầu không vì Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là cây nho đích thực. Xin cho chúng con luôn gắn chặt và hiệp thông với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Ngài. Chúng con vẫn biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con sẽ phải đón nhận sự cắt tỉa, phải chấp nhận hy sinh. Xin cho chúng con xác tín rằng: cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái. Đó là điều làm vinh hiển cho Cha, Đấng ngự trên trời. Amen.
44. Anh em hãy lưu lại trong tôi
(Suy niệm của Lm. Đặng Quang Tiến)
Là một trong những diễn từ ly biệt từ chương13,31 đến cuối chương 17, đoạn 15,1-16,4a có thể phân ra như sau: 1- Chúa Giêsu là cây nho thật (15,1-8); 2- Giới răn yêu thương (15,9-17); 3- Sự ghét bỏ của thế gian (15,18-16,4a). Căn cứ trên cụm từ “Tôi là cây nho” (cc. 1.5), đoạn 15,1-8 được chia cách thành hai: 15,1-4 và 15,5-8. Hơn nữa, những chữ “Cha tôi” (cc.1.8) đóng khung đoạn nầy; như thế, câu 1 và 8 được xem như nhập đề và kết luận của đoạn nầy.
Đặc điểm của đoạn nầy là dùng những hình ảnh ẩn dụ như cây nho, cành, sinh trái… để nói lên những điều có thực tương ứng là Chúa Giêsu, các môn đệ, kết quả... Về đại danh từ, ngôi thứ nhất dùng cho Chúa Giêsu tương ứng với ngôi thứ hai số nhiều chỉ đến các môn đệ. Về chủ đề, nhấn mạnh liên tục việc “lưu lại” và “sinh trái”. Mục đích là kêu gọi các môn đệ lưu lại trong Người và lời của Người khi xem ra Người sẽ vắng mặt.
Về cụm từ “Tôi là” (c. 1), xem bài chú giải tuần IV Phục Sinh B. Trong Cựu Ước cây nho là hình ảnh tiêu biểu chỉ dân Israel (Os 10,1–2; Isa 5,1–7; Ger 2,21; Tv 80,8–18). Dân nầy bây giờ được thu tóm trong cá nhân Chúa Giêsu; bởi đó, chỉ trong Người, Israel mới, mọi dân tộc mới tìm thấy ơn cứu độ. Tính từ “thật” được dùng cho “cây nho” nêu rõ tính cách duy nhất (x. 10,11). Đây là yếu tố tiêu biểu của Gioan (x. 1,9; 6,32; 8,16; 6,55). Chỉ Người là cây nho thật, nên phải lưu lại trong Người. Hình ảnh Chúa Cha là người trồng nho được dùng trong cả Cựu Ước và Tân Ước (x. Mc 12,1-12; Is 5,1; Tv 8,8). Tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là hậu cảnh cho tương quan giữa Người và các môn đệ, được xem là chủ đề cốt yếu của đoạn nầy.
Sau những xác định nhập đề (c. 1), nguyên tắc đầu tiên được đưa ra (cc. 2-3) là trong Chúa Giêsu, cành nào không sinh trái thì bị loại ra, cành nào sinh trái thì được cắt tỉa để sinh nhiều trái hơn. Như thế, ai đó dù ở trong Người mà không sinh trái, bị kể là không có Người ở trong họ. Ở đây tuyệt đối cần một quan hệ “ở lại” hỗ tương giữa Chúa Giêsu và người ấy (x. 15,4a.5a). Trong khi, đối với người sinh trái, lời đã rao giảng cho họ luôn là nguồn thanh tẩy để họ có thể sinh trái nhiều hơn (x. 6,63). Nguyên tắc thứ hai (c. 4a) là không ai có thể tự mình sinh trái, mà chỉ có thể sinh trái trong Chúa Giêsu. Do đó, Người đưa ra mệnh lệnh duy nhất trong phân đoạn nầy: “Anh em hãy lưu lại trong tôi” (c. 4a). Ở thể mệnh lệnh động từ “lưu lại” biểu thị một hành động hơn là một trạng thái. Đó là một cố gắng liên tục bước vào trong hiệp thông với Người, điển hình như hai môn đệ đầu tiên tìm đến và lưu lại với Người (1,39).
Hai nguyên tắc trên được diễn giải và áp dụng cho các môn đệ trong đoạn 15,5-8. Trong câu 5, tìm thấy những từ ngữ tương tự đoạn trên, tóm kết những điều đã nói là ở trong Người thì sinh nhiều trái, và không có Người thì không thể làm được gì cả. Câu 6 và 7 tương đương với hai mệnh đề của câu 2. Ở câu 6, Gioan trình bày một giả thiết có tính tiêu cực, nhấn mạnh những hậu quả sẽ xảy đến nếu không lưu lại trong Người. “Bị quăng ra ngoài”, “bị đốt cháy” là những hình ảnh chỉ sự loại bỏ và hủy diệt. Trong khi câu 7 đưa ra những điều kiện tích cực nhưng mang tính treo lửng: “Nếu anh em lưu lại trong tôi và nếu lời của tôi ở trong anh em” (c. 7a), nghĩa là chỉ khi nào hội đủ những điều kiện nầy, thì những điều Người nói ở vế thứ hai mới được thực hiện; đó là “Anh em hãy xin bất cứ điều gì anh em muốn, điều ấy sẽ được thực hiện cho anh em” (c. 7b). Mệnh lệnh “Anh em hãy xin”, kết thúc lý luận của Gioan, tương ứng và không thể tách lìa với mệnh lệnh ở trên (c. 5) như thế nầy: Anh em hãy ở lại trong tôi và anh em hãy xin bất cứ điều gì anh em muốn. Đoạn 15,1-8 được kết luận (c. 8) với khẳng định là Chúa Cha được tôn vinh bởi việc sinh nhiều trái và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chữ “môn đệ” xuất hiện ở vị trí cuối cùng của câu kết nầy tóm tắt tất cả những gì được đề cập ở trước: trở nên môn đệ của Chúa Giêsu là lưu lại trong lời của Người và qua đó sẽ sinh hoa kết trái trong Người.
Đây là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh cho thấy Chúa Cha, người trồng nho, không những hài lòng mà còn được tôn vinh bởi cây nho của mình. Chính bởi vì cây nho ấy là Con của Người luôn sinh trái ngon ngọt theo ý muốn của Người; và cũng thế tất cả những ai lưu lại trong Người Con ấy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam