Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1377561

Ơn Chữa Lành

Ơn Chữa Lành – Lm. Vũ Đình Tường

Đức Kitô mang lại nhiều an ủi, hy vọng và tình thương lại cho những ai may mắn đón nhận lời Ngài mời gọi trong cuộc sống. Phúc Âm thánh Marcô thuật lại rất nhiều trường hợp Ngài gặp gỡ, an ủi và chữa lành họ. Một người trong số đó là bà nhạc gia của ông Phêrô mắc bệnh sốt rét, nằm trên giường.

Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài c.31

Tiếng đồn lan nhanh, ngay tối hôm đó người ta kéo đến đông đảo xin Người chữa bệnh.

Đức Kitô chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỉ, nhưng không cho quỉ nói, vì chúng biết Người là ai c.34

Đức Kitô chữa lành không phải chỉ khỏi bệnh mà còn ban cho họ ơn đặc biệt, biết mình không những được bình phục và còn khoẻ hơn trước, tự tin hơn trước. Chương thứ hai Phúc Âm thánh Marcô ghi lại câu chuyện một người bị liệt giường nhiều năm, không thể di chuyển được phải nhờ bốn người bạn thương khiêng cả giường đến cho Đức Kitô chữa bệnh. Đến nơi người ta ngồi đông không thể chen vào được. Bốn người bàn nhau dỡ mái nhà thả chiếc giường có người bại liệt nằm trên đó. Đức Kitô chữa lành người bại liệt bằng cách ra lệnh cho anh đứng dậy vác chõng mà về. Ngay sau câu nói của Đức Kitô anh không cần thời gian hồi phục, lập tức đứng ngay dậy vác chõng ra về trước mặt mọi người chứng kiến. Anh không những được khỏi bệnh mà còn sạch tội trước mặt Chúa. Anh cảm thấy một sức mạnh nội tâm vươn lên như suối nguồn vô tận đến từ trong tâm hồn.

Không cần thời gian hồi phục đó cũng là kinh nhgiệm của bà nhạc gia ông Phêrô. Bà yếu liệt do sốt rét hành hạ, ngay sau khi được chữa khỏi bà đứng dậy phục vụ các ông, thực hành nhân đức bác ái. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong Phúc Âm thánh Marcô thực hành nhiệm vụ tông đồ - phục vụ người khác. Có nhiều thứ bệnh không phải chỉ làm cho con người suy nhược mà có khi nguy hiểm đến tính mạng, làm mất tự tin, bế tắc sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, tự mình không thể tiếp tực công việc kiếm sống, không tự lo cho mình mà phải nhờ đến người khác giúp đỡ. Bệnh tật cắt đứt mọi sinh hoạt xã hội và sinh hoạt trong cộng đoàn. Đức Kitô chữa không những cho họ khỏi bệnh mà còn giúp họ nối kết lại với những gì trước đây bị gián đoạn, ngăn trở. Tiếp tục lại công việc, tự mình lo cho mình và lo cho tha nhân, nối lại sinh hoạt với cộng đoàn đức tin mà có thời họ tích cực sinh hoạt.

Đức Kitô có thói quen tốt lành là sau một ngày làm việc mệt mỏi sáng sớm hôm sau Ngài luôn tìm nơi vắng vẻ cầu nguyện. Ngài bắt đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện, liên kết với Chúa Cha, hội í với Chúa Cha về chương trình cứu độ nhân loại. Nhớ lại trước khi bắt đầu rao giảng công khai Đức Kitô cũng đã ở trong hoang địa một thời gian lâu. Thời gian trong hoang địa là thời gian cầu nguyện. Thời gian trong hoang địa để nhìn lại mối liên kết với Chúa Cha, nhìn lại bước đường đã qua và hoạch định cho bước đường kế tiếp, là thời gian chuẩn bị cho chương trình chữa lành và quan trọng hơn là chương trình cứu độ.

Khác với các thế lực trần thế, họ dựa vào sức mạnh của vũ khí, vũ khí càng tân tiến, sức công phá càng mạnh họ càng có lợi thế trong cuộc chiến. Đức Kitô không nhờ vào sức mạnh của vũ khí chiến tranh. Vũ khí của Ngài chính là tình yêu, cải hoá con tim người ta bằng tâm tình yêu mến, và thực thi bác ái với tha nhân. Ngài thắng con tim người ta và ban cho con tim đó một sức sống mới, sức sống phát xuất tự tâm, thay đổi lối suy nghĩ và tìm nguồn vui trong phục vụ.

 

7. Đời sống thường nhật – An Phong, OP

Thánh Máccô trình bày một ngày làm việc của Chúa Giêsu, một ngày bận rộn với công việc chữa bệnh, rao giảng Tin mừng, nhưng vẫn dành thì giờ cho việc cầu nguyện; một ngày lo chuyện "gia đình" của những người thân thuộc, nhưng không quên ra đi "đến các làng xã chung quanh". Một bản văn tóm tắt như thế cho ta thấy những khía cạnh chính yếu của cuộc đời Đức Giêsu. Cuộc đời phong phú của Chúa Giêsu bao hàm nhiều khía cạnh: chiêm niệm và hoạt động, việc nhà và việc nước, với Chúa Cha và với con người... Đời sống đó trở nên nguồn mạch mẫu mực cho nhiều lối sống khác nhau, những ơn gọi khác nhau.

Ngày nay, trong Hội thánh, chúng ta thấy có nhiều ơn gọi khác nhau: ơn gọi gia đình, đơn gọi tu trì, ơn gọi giáo sĩ; chúng ta cũng thấy có nhiều linh đạo khác nhau, linh đạo chiêm niệm, linh đạo hoạt động, linh đạo bác ái, linh đạo rao giảng Tin mừng.... Tất cả những bậc sống và những linh đạo ấy đều bắt nguồn từ chính đời sống của Chúa Giêsu và đều phải lầy Chúa Giêsu làm mẫu mực cho mình. Như thế, nếu ta có nhận ra một ơn gọi, một tác vụ nào được Chúa kêu gọi và trao phó cho mình, thì đồng thời ta cũng phải hiểu rằng còn có nhiều ơn gọi và linh đạo khác trong Hội thánh của Chúa. Nhất là ta phải hiểu rằng những bậc sống ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, những tác vụ khác nhau ấy tương tác lẫn nhau cách mật thiết. Do vậy, những con đường khác nhau ấy cần tìm thấy mối liên đới hữu ích và sung mãn trong sự hiệp thông của Hội thánh Chúa.

Hội thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, chính Thánh Thần của Đức Kitô là nguyên lý sống của Hội thánh và Thánh Thần làm cho Nhiệm Thể cũng được liên kết, thống nhất với Đầu là Chúa Kitô, trong cách thức hiện hữu cũng như trong hoạt động. Như thế, có thể nói được rằng một bậc sống nào mà muốn loại trừ hoặc khinh thường bậc sống khác là không có Thánh Thần của Chúa; một linh đạo nào không thể chấp nhận hoặc không liên kết với một linh đạo khác thì chẳng thể xuất phát từ Thánh Thần của Chúa Kitô được.

Trong "một ngày sống" của Chúa Giêsu Kitô, có tất cả đời sống và hoạt động của Hội thánh Chúa; có tất cả mọi hoạt động và linh đạo của mỗi người và mỗi đoàn thể của Hội thánh hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã sống một cuộc đời phong phú

và hữu ích cho con người biết bao.

Ngày hôm nay, Chúa ngự vào lòng con,

Chúa ở với con và làm việc trong con,

xin cho con được cùng với Chúa

để sống, sống phong phú

và hữu ích cho anh chị em của con

như Chúa đã từng sống.

 

8. Sống hết mình vì mọi người

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Chúa Giêsu không sống vì mình hoặc sống cho mình, nhưng luôn luôn sống vì Chúa Cha và vì nhân loại.

Chúa Giêsu sống hết mình vì Chúa Cha

"Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa" nhưng vì yêu mến Chúa Cha và để cứu rỗi nhân loại, Người đã "hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ" (Pl 2, 6-7) sẵn sàng hoá thân làm người hèn mọn sống giữa nhân loại lầm than.

Người hiến thân trở thành một hiến lễ mới thay cho dê và bò, một hiến lễ rất đẹp lòng Chúa Cha để đền tội thay cho muôn người. Thư Do-Thái khẳng định điều đó:

"Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài." (Dt 10, 4-7)

Sở thích riêng, ước muốn riêng của mình, Chúa Giêsu sẵn sàng vứt bỏ, cốt để thực hiện ý Chúa Cha, sao cho đẹp lòng Chúa Cha:

"Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta" (Ga 6, 38)

Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người. Người nói với các môn đệ: "Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người" (Ga 4, 34)

Người quý trọng ý muốn của Chúa Cha hơn cả mạng sống mình. Vì thế, Người chấp nhận hy sinh mạng sống mình để ý muốn của Chúa Cha được thực hiện. Trong vườn Dầu, Ngài đã cầu xin cùng Chúa Cha trong van lơn và nước mắt, trong khổ đau đến toát mồ hôi máu:

"Abba, lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén nầy xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi." (Mt 26, 39)

Chúa Giêsu sống hết mình vì mọi người

Không chỉ sống hết mình vì Thiên Chúa là Cha của Người, Chúa Giêsu còn sống hết mình vì nhân loại là anh em của Người.

Tin Mừng Máccô hôm nay phác hoạ lại chân dung Đức Giêsu luôn cúi xuống trên những lầm than khốn khổ của kiếp người:

"Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai."

Và khi trời chưa kịp sáng, khi chưa có ai đến quầy rầy, Chúa Giêsu tranh thủ thời gian tĩnh lặng để gặp gỡ Chúa Cha.

"Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó."

Cầu nguyện chưa được bao lâu, "Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!"

Chúa Giêsu không khoanh vùng phục vụ của Người trong phạm vi nhỏ hẹp. Người muốn vươn đến nhiều nơi. Chúa Giêsu không giới hạn tình yêu của Người cho một thiểu số, nhưng ban phát cho hết mọi người.

Thế nên "Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ."

* * *

Người đời thường đặt bản thân mình làm trung tâm cho cuộc sống và tất cả mọi hoạt động của người ta đều quy về mình, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Trái lại, Chúa Giêsu chọn tha nhân làm trung tâm cho tình yêu của Người hướng tới; chọn mọi người làm đối tượng cho cuộc đời phục vụ tận tuỵ của Người và Người làm tất cả những gì có thể để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người chỉ biết sống vì người khác, sống cho phần rỗi của người khác đến độ hiến trao cả mạng sống mình.

* * *

Là một bộ phận trong cơ thể, quả tim không sống cho mình nhưng sống cho toàn thân, không ngừng bơm máu nuôi sống toàn thân. Phổi, gan, bao tử#cũng không sống cho mình, vì mình, nhưng là sống cho toàn thân, làm tròn chức năng được trao phó để phục vụ và nuôi sống toàn thể thân mình. Lẽ sống của mọi bộ phận trong cơ thể con người đều như thế cả.

Nếu một ngày nào đó, tim, gan, thận, phổi# không phục vụ cho toàn thân nữa mà chỉ quy hướng về mình, chỉ lo phục vụ riêng mình thì đó là ngày tận cùng của chúng.

Mỗi chúng ta cũng là những tế bào, những bộ phận của một Thân Thể lớn lao là nhân loại. Chúng ta không thể bo bo chăm lo cho riêng mình nhưng phải sống hết mình, phải cống hiến đời mình phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống hết mình vì Chúa Cha và vì mọi người.

Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, đừng chỉ biết quy về mình, chỉ biết mưu tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết hướng về tha nhân để mưu tìm hạnh phúc cho họ, vì hạnh phúc chỉ thật sự đến với chúng con khi chúng con biết đem lại hạnh phúc cho nhiều người.

 

9. Đức Giêsu mẫu gương tuyệt vời

Trong cuộc sống, con người luôn phải vất vả khó khăn chỉ nhằm mục đích đơn giản chính là đi tìm hạnh phúc. Nhiều khi hạnh phúc đó không tìm được mà lại bị đau khổ, vì "sinh - bệnh - lão - tử" không ai có thể thoát được trên cõi đời này. Đặc biệt là thời Đức Giêsu y học chưa được phát triển, mỗi căn bệnh có thể nói là một "cực hình" về thể xác lẫn tinh thần. Cực hình về thể xác làm cho họ đau khổ, không thuốc men, bị bệnh tật hành hạ. Nhưng so với đau khổ về tinh thần thì chưa thấm vào đâu. Vì quan niệm của người Do Thái cho rằng những người bị bệnh chính lò do họ tội lỗi, do bị phạt... cho nên bị cộng đoàn tránh xa và ruồng bỏ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã làm việc thật vất vả, chỉ nhằm cho con người được hạnh phúc, Ngài đã phá tan những bệnh tật ngăn cách con người với Thiên Chúa và với nhau. Ngài đã làm việc và cầu nguyện từ sáng sớm đến chiều hôm. Do đó, có thể nói Đức Giêsu là con người của công việc và cầu nguyện:

1. Con người làm việc.

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta dễ dàng nhận ra các mốc thời gian trong ngày mà Đức Giêsu sử dụng, Người không để một phút giây nào trôi qua mà không có ý nghĩa, không có ích lợi. Một điều hay là chính Đức Giêsu không phải sử dụng thời gian nhằm lợi ích cho mình nhưng Ngài đã sử dụng cho người khác. Ngài làm việc chỉ nhằm đem lại hạnh phúc cho con người, tiêu biểu chính là đem lại hạnh phúc cho bà mẹ vợ ông Simon "Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm trên giường". Chắc chắn bà sẽ rất đau khổ. Lúc khách đến nhà bà rất muốn để phục vụ nhưng không thể phục vụ, bà bị một lực cản bệnh hoạn không thể làm cho bà đến được với Chúa, để phục vụ Người. Đức Giêsu không những đã phá tan lực cản đó mà qua công việc làm của mình Ngài còn làm tăng thêm lòng tin và động lực cho bà mẹ vợ ông phêrô, để chính khi hết bệnh bà cũng đã biết làm việc như chính Đức Giêsu đã làm "Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài". Bà đã cộng tác với Chúa qua việc làm của bà để đem đến chút lợi ích nào đó cho người khác. Việc làm của đó nếu chỉ nhằm trả công cho Đức Giêsu thì nó thật không ý nghĩa. Điều mà Đức Giêsu muốn chính là phải biết phục vụ và làm trong tình yêu chứ không phải đặt trên bàn cân để so đo, để trả công, đó chỉ là những công việc tiêu cực chưa có ý nghĩa cao thượng. Vì trên trần gian này rất hiếm khi chúng ta gặp người nào lại tự ôm lấy vất vả, đón nhận vất vả, và làm bạn với vất vả. Cuộc đời người ấy từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời được dệt bằng những vất vả triền miên. Đó là Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc nhân trần. Định mệnh của ngài là sinh ra và chịu vất vả như chính Ngài đã nói: "Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc10,45)

Hơn nữa, ông bà ta thường hay dạy con cháu "Nhàn cư vi bất thiện", khi mà người ta ở không thì dễ nghĩ đến điều xấu, từ đó sẽ đưa đến hành động xấu. Chắc chắn điều này không phải hoàn toàn đúng, nhưng phần lớn ai cũng chấp nhận nó. và chính chúng ta những người Kitô hữu lại càng phải theo gương Đức Giêsu vì Người chính là mẫu gương tuyệt vời trong công việc. "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Do đó, theo gương Chúa Giêsu. Vâng! Chỉ khi nào chúng ta biết nhìn lên Chúa Giêsu để bằng lòng với cuộc sống của mình, thánh hóa nó và cho nó một giá trị cứu độ, thì lúc đó con người mới nhận được giá trị và yêu mến những vất vả của mình. Và lạ lùng thay, chính khi con người biết nhận ra những vất vả của mình, thì cũng là lúc những vất vả ấy biến thành niềm vui và hạnh phúc. Vì nó đã được thánh hoá và ban cho một giá trị cứu độ nhờ vào những vất vả của Chúa Giêsu.

2. Con người cầu nguyện.

Khi còn rất nhỏ, tôi vẫn còn nhớ như in câu giáo lý trong sách "Bổn đồng ấu" dành cho các em chuẩn bị rước lễ:

Hỏi: Đức Giêsu cầu nguyện khi nào và ở đâu?

Thưa: Đức Giêsu cầu nguyện mọi lúc và mọi nơi.

Thú thật ngày đó tôi vẫn chưa hiểu gì về việc cầu nguyện, nhưng chính cái hiểu đơn sơ đó đã khắc ghi vào trong tâm trí tôi hình ảnh cầu nguyện của Đức Giêsu rất đẹp. Tôi biết Ngài cầu nguyện là nói chuyện luôn mãi với Chúa Cha, mà ngày nay tôi tôi nhận ra sự cầu nguyện liên lỉ của Ngài với Chúa Cha. Thánh Marcô đã tường thuật: "Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó". Đó là một nét nổi bật trong cuộc đời Chúa Giêsu. Người luôn luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Người cầu nguyện để cho các việc làm của Người đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, trong việc loan báo Tin mừng, trong việc "chữa nhiều kẻ ốm đau bệnh tật, trong việc xua trừ ma quỷ". Vì vậy, mỗi người chúng ta cũng hãy biết cầu nguyện như Chúa Giêsu đã từng làm, Ngài cầu nguyện trước mỗi công việc xin Thiên Chúa ban ơn nâng đỡ, soi sáng. Trong công việc cầu nguyện xin Thiên Chúa ban sức mạnh, sự kiên trì. Và cuối cùng khi hoàn thành thì cầu nguyện tạ ơn. Đúng là một bài học cầu nguyện tuyệt vời mà không có nơi đâu chúng ta có thể học được.

Lạy Chúa, khi bước theo Chúa Giêsu chúng con nhận ra được mẫu gương làm việc và cầu nguyện, xin cho mỗi người chúng con nhận ra sự vất vả trong công việc chính là ơn Chúa ban, để từ đó chúng con luôn biết cầu nguyện và làm việc phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.

 

10. Cầu nguyện, yêu thương và phục vụ

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Tháng 8 năm 1995, Liên Hiệp Bệnh Viện Phong Quốc Tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn lãnh giải thưởng quốc Tế Ghandi. Bộ Trưởng Y Tế liền lệnh cho Bác Sĩ và các cơ quan nhanh chóng làm hồ sơ để kịp đi. Bác Sĩ Ngoạn trả lời trong một bức thư đề ngày 9 tháng 10 năm 1995: “Tôi công tác phục vụ bệnh nhân phong đã lâu, thấy người bệnh đang còn bao nỗi khổ mà bản thân mình vì nhiều lý do cũng chưa phục vụ họ được nhiều lắm. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ để tâm trí phục vụ họ nhiều hơn nữa. Khi nào thấy mình xứng đáng với giải thưởng lấy tên là Gandhi, lúc đó được Bộ cho phép làm hồ sơ nhận giải thưởng thì tôi vô cùng sung sướng và thanh thản.” Sau đó qua các cơ quan y tế và Vụ Hợp Tác Quốc Tế, Bác Sĩ Bộ Trưởng gởi kèm ít chữ sau đây cho Bác Sĩ Ngoạn: “Rất thông cảm với sự khiêm tốn của anh. Đề nghị anh làm hồ sơ để nhận vì vinh dự của đất nước, ngành và cá nhân. Sau này anh dùng số tiền đó cho cá nhân hoặc cho sự nghiệp đều có lợi cả. Nên làm sớm cho kịp.” Với bức thư này, Bác Sĩ đã rất ưu tư, tìm đến gặp tôi mong được soi sáng. Tôi chân thành góp ý nên đi, để nhiều bệnh nhân được nhờ. Bác Sĩ bèn nổi nóng, cho tôi biết: “Quỳnh Giao có biết Bộ Trưởng nói gì với tôi không? Anh nhận đi, một phần dành cho anh và phần còn lại cho Bộ.” (Giải thưởng là 30.000 USD). Tôi buộc phải trả lời: “Người đáng nhận giải thưởng này nhất, là các Nữ Tu Phan Sinh và các bệnh nhân của họ.” Và Bác Sĩ đã không làm hồ sơ nhận giải thưởng trên. Nhiều nhà báo sau đó đến phỏng vấn Bác Sĩ và muốn biết vì lý do gì mà Bác Sĩ không nhận. Bác Sĩ trả lời: “Nhiều năm sống và làm việc bên cạnh những người tu hành của dòng tu này mới biết họ có một lẽ sống đặc biệt. Họ chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, tự nguyện làm những việc thiện một cách âm thầm để phục vụ những người bất hạnh. Họ không muốn những lời ca tụng. Cuộc sống của họ tuân theo một nguyên tắc thật đơn giản: “bàn tay trái không được biết việc làm của bàn tay phải và ngược lại.” Nhiều tấm gương của dòng tu này đã được nhiều bệnh nhân truyền tụng. Họ kể về soeur Charles Antoine, nguyên là giám đốc trại, có lần đến thăm nơi ăn ở của bệnh nhân, thấy một hố xí bị tắc mà không ai dám dọn, Bà liền thọc tay xuống và moi từ dưới lên những mảnh giẻ mà họ đã vô ý vứt xuống. (Trần Thị Quỳnh Giao – FMM, Một con người, một bác sĩ, một tín hữu)

Trích đoạn trên thuật lại thời gian Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn bỏ tương lai, bỏ phố xá, bỏ cả gia đình, vợ con, để chuyên tâm phục vụ trại phung xa xôi, hẻo lánh. Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Marcô tường thuật một ngày trong đời rao giảng của Đức Giêsu. Vừa chữa xong nhạc mẫu ông Phêrô khỏi cơn sốt rét, Người còn tiếp tục chữa nhiều bệnh nhân và trừ quỷ. Sáng sớm hôm sau, Người đã ra nơi thanh vắng cầu nguyện. Rồi mời gọi các môn đệ tiếp tục lên đường rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện

Suốt cuộc đời Đức Giêsu luôn kết hiệp mật thiết, gặp gỡ Thiên Chúa Cha, luôn lắng nghe Thánh Ý qua những giờ cầu nguyện hằng ngày. Để chuẩn bị cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã vào hoang mạc trọn 40 ngày đêm chay tịnh và cầu nguyện (Mt 4, 2). Bước vào cuộc đời công khai rao giảng, Người cũng thường xuyên sớm tối cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1, 35)

Người còn sốt sắng cầu nguyện nhiều đêm liền trước khi quyết định chọn các Tông Đồ: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông, gọi là Tông Đồ.” (Lc 6, 12-13)

Sau khi làm phép hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người đàn ông no nê, “lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, về phía thành Betsaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.” (Mt 6, 45-46) Vì thế, Người luôn làm đẹp lòng Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1, 11) Đức Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha đến nỗi Người đã phán: "Bất kỳ ai thấy Ta là thấy Cha Ta" (Ga14, 9).

“Con hãy cầu nguyện luôn, bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” (Đường Hy Vọng, số 123)

Yêu thương & khiêm tốn phục vụ

Đức Giêsu không chỉ ân cần giảng dạy, mà còn thương yêu, gần gũi, chữa trị, phục vụ những ai đau yếu, bệnh hoạn tìm đến, hoặc chính Người tìm thấy: “Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.” (Mc 1, 30-31) Không cần lời van xin, không chần chừ e ngại đụng chạm, cứu nhân như cứu hỏa, Đức Giêsu hành động ngay, bằng một cử chỉ thân thương, gần gũi, nhân ái, giải thoát bà nhạc mẫu của ông Phêrô khỏi cơn sốt rét. Người cũng giải thoát mọi người khỏi ma quỷ ám hại, khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi và sự chết: "Này con, con đã được tha tội rồi." Người đã phán khi chữa lành người bất toại ở Capharnaum. (Mc 2, 5)

Hoàn toàn xả kỷ, vị tha, hy sinh, hiến mình cho tha nhân, Người chẳng nề hà liên tục chữa bệnh, trừ quỷ cho tất cả bệnh nhân nào tìm đến cả suốt buổi chiều cho đến tận tối khuya: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.  Cả thành xúm lại trước cửa.  Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” (Mc 1, 31-34) Khiêm tốn ẩn mình đằng sau những phép lạ, Đức Giêsu tránh khoa trương tự mãn theo thói đời. Cũng như không muốn các môn đệ nhiễm thói kiêu căng, tự phụ, tự đắc, Người bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.

“Con đừng nghĩ dấn thân là lao mình vào những hoạt động hăng say náo nhiệt. Con hãy hiểu dấn thân sâu hơn: “Theo gương Chúa, yêu thương đến mức độ quên mình hoàn toàn vì người khác, hiến mình hoàn toàn, hiến mình nhưng không, để hiệp nhất với kẻ khác, hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công.” (Đường Hy Vọng, số 605)

Quảng đại đi gieo

Ơn cứu độ vốn phổ quát cho mọi người, Không dành riêng độc quyền cho ai hay nhóm nào, cộng đoàn nào, hoặc dân tộc nào, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ nhanh chóng tiếp tục lên đường đến các cánh đồng mới. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ. (Mc 1, 38-39)

Ơn gọi truyền giáo là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn thể Dân Chúa. Hồng ân nhận biết Chúa được lãnh nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không.“Vậy anh  em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,” (Mt 28, 19)

“Chúa bảo con: “Hãy đi rao giảng Phúc Âm.” Chúa không ra thời khóa biểu, không vạch kế hoạch, Chúa để con sáng kiến thực hiện, niễn là con mang Phúc Âm.” (Đường HY Vọng, số 74)

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu chữa bệnh tật chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, xin dạy chúng con cầu nguyện liên lỷ và xin ban chúng con can đảm rao giảng Tin Mừng đến với mọi người, mọi nơi và mọi lúc.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu chúng con biết ăn năn, sám hối, canh tân cuộc đời. Xin Mẹ nhắc nhở chúng con siêng năng cầu nguyện, để luôn được sống bên Chúa, cũng như được trở nên ngọn đuốc giữa thế gian đen tối. Amen.

home Mục lục Lưu trữ