Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1378224

ƠN GỌI

Ơn gọi

Chúa nhật hôm nay có thể được coi là Chúa nhật của ơn gọi.

Thực vậy, bài đọc một ghi lại câu chuyện Chúa gọi Samuel một cách đích danh và cậu đã đáp lại tiếng gọi ấy: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.

Đoạn Tin Mừng ghi lại câu chuyện Chúa Giêsu thâu nhận những môn đệ đầu tiên, được ghi lại trong Phúc âm theo thánh Gioan, thì mọi sự dường như đã bắt đầu từ các môn đệ. Các ông đến với Chúa trong những trường hợp khác nhau. Có người đang là môn đệ của Gioan tiền hô. Có người được anh rủ tới. Có người đến với Chúa sau lời giới thiệu: Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Cũng có người đến vơi Ngài sau lời xác quyết Ngài là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế. Tin Mừng còn nói là họ đã đến với Ngài và sau khi đã xem chổ Ngài ở, họ đã ở lại với Ngài.

Chỗ Ngài ở, hiển nhiên không phải là đền đài nguy nga lộng lẫy, bởi vì chính Ngài đã từng tuyên bố: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. Họ đến với Ngài chỉ vì Ngài và chỉ vì được Ngài lôi cuốn. Chúa Giêsu đã lôi cuốn họ và sự lôi cuốn này có sức biến đổi hẳn con người của ho.

Chúa Giêsu không muón thực hiện sứ mạng của Ngài một cách đơn độc và lẻ loi, trái lại Ngài luôn mong muốn sứ mạng ấy phải được thực hiện bởi chính Ngài và được tiếp nối bởi những người đã từng chứng kiến những việc Ngài đã làm. Sứ mạng ấy là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Chúng ta cũng đã đến với Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Chúng ta cũng đã trở thành Kitô hữu bằng nhiều cách khác nhau: qua sự giới thiệu của một người bạn hay của một người thân, sau một biến cố đáng ghi nhớ trong đời hay sau khi đọc xong một cuốn sách. Và thông thường nhất đó là chúng ta được diễm phúc sinh ra trong một gia đình Kitô hữu. Vấn để thiết yếu của mỗi người chúng ta, đó là đi theo Chúa và ở lại với Ngài. Nghĩa là trở thành môn đệ của Ngài, trở thành người được Ngài mời gọi và sai đi, trở thành người loan báo Tin Mừng về tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

Sự gắn bó với Chúa cũng như với lời Ngài, sự lắng nghe để nhận ra ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa trong từng sự kiện, trong gừng biến cố của cuộc sống thường ngay phải là thái độ người môn đệ trung tín của Chúa Giêsu cần phải có.

 

2. Gặp gỡ Tin Mừng

Tin Mừng là để được loan báo, và chia sẻ cho người khác.

Thực vậy, trong đêm giáng sinh, các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng: Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đavít. Còn đối với các đạo sĩ Phương Đông, con đường dẫn đến Tin Mừng lại là một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.

Thực vậy, có muôn ngàn cách thế và nẻo đường khác nhau để Thiên Chúa hướng dẫn con người nhận ra Tin Mừng, Lời Chúa hôm nay cũng muốn gợi lên cho chúng ta ý tưởng đó.

Gioan Tiền Hô đã gặp Chúa Giêsu và giới thiệu Ngài cho các môn đệ: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Và các môn đệ đã từ giã Gioan là thầy mình, để đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Ngài suốt ngày hôm đó. Rồi đến lượt Andrê đã trở về và dẫn anh mình là Simon đến gặp Chúa Giêsu và đã được Ngài đổi tiên cho ông là Kêpha.

Những cuộc gặp gỡ trong Tin Mừng luôn có những diễn tiến như vậy. Một người nào đó gặp Chúa, họ trở về và loan báo cho người khác. Như các mục đồng chăn chiên, như ba nhà đạo sĩ phương Đông, như Andrê với Simon, như Philipphê với Nathanael...

Hoặc nếu không qua trung gian, thì chính Chúa Giêsu lại gặp gỡ con người trong chính cuộc sống của họ: Người thì đang giặt lưới dưới thuyền, kẻ thì đang trầm tư suy nghĩ dưới gốc cây vả, kẻ khác thì đang ngồi ở bàn thu thuế hay đang ở trên cây cao như ông Giakêu...

Thiên Chúa luôn đến với chúng ta qua một trung gian: Trung gian của một người đã gặp Chúa, trung gian của một cuộc sống hay của một biến cố nào đó. Có thể nói: Bao nhiêu cuộc gặp gỡ và biến cố trong cuộc sống là bấy nhiêu dịp để nhận ra Tin Mừng, là bấy nhiêu dấu chỉ mời gọi để gặp gỡ Chúa.

Thánh Phanxicô Xaviê đã nhận ra con đường Chúa muốn ngài đi qua lời nhắc bảo của thánh Ignatio: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi. Thi sĩ Paul Claudel đã nhận ra tiếng Chúa trong tiếng hát của lời kinh Magnificat vào buổi chiều ngày lễ Giáng sinh. Văn sĩ Andrê Frossard cảm nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa qua ánh nến lung linh trên bàn thờ. Đức Hồng Y Lustiger vào năm 14 tuổi, đã nhận ra Đấng Cứu Thế trong một buổi chiều thứ sáu Tuần Thánh. Còn chúng ta thì sao?

Chúng ta có nhận ra tiếng Chúa mời gọi qua những biến cố, qua những sự việc của đời thường hay không? Và hơn thế nữa, liệu bản thân và cuộc đời chúng ta có trở nên là một dấu chỉ cho sự hiện diện và tình thương của Chúa hay không?

 

3. Tôi đã gặp

Là người đạo gốc, chúng ta vốn thường xuyên đọc kinh xem lễ, nhưng rồi một ngày nào đó chúng ta băn khoăn tự hỏi: Liệu chúng ta đã thực sự gặp gở Chúa hay chưa? Vậy thế nào là gặp gỡ Chúa? Kinh Thánh đã kể lại biết bao nhiêu sự gặp gỡ.

Trong Cựu ước, qua bài đọc một, chúng ta thấy Samuel đã gặp gỡ Chúa ngay từ buổi thiếu thời và đã bước theo tiếng gọi của Ngài trong suốt cuộc đời.

Trong Tân ước, trước tiên là các môn đệ. Các ông đã đi theo Chúa, nhất là khi đã cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng mặc bao gian truân nguy hiểm trên con đường thực hiện sứ vụ.

Tiếp đến là những người phụ nữ. Chẳng hạn như người đàn bà ngoại tình đã được Chúa che chở bình an trước những kẻ cực đoan định ném đá chị. Hay như Madalena, ngay từ buổi gặp gỡ Chúa đã đoạn tuyệt với cuộc đời tội lỗi để sống xứng đáng với ơn tha thứ chị đã nhận lãnh.

Đặc biệt nhất là thánh Phaolô. Kể từ khi bị ngã ngựa trên đường đi Đamas, ông đã bừng tỉnh. Từ một kẻ say sưa bắt bớ các tín hũu, ông đã trở thành một tông đồ nhiệt thành và xác tín: Đức Kitô sống trong tôi… và không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Ông đã cảm nhận mình là chi thể của Đức Kitô, là đền thờ của Thiên Chúa, và trong suốt cuộc đời còn lại ông đã trung thành với ơn gọi của mình, là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại.

Trong lịch sử Giáo Hội, sự gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời đã được thể hiện qua hình ảnh của thánh Augustinô, thánh Ignatiô và nhiều vị thánh khác. Từ một cuộc sống sa ngã trác táng, họ đã trở nên những con người thánh thiện, nhiệt thành với sự nghiệp Nước Chúa.

Một câu nói của Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi, đã làm chuyển hướng cả cuộc đời của Phanxicô. Một câu trong Phúc âm: Hãy bán tất cả, làm phúc cho kẻ nghèo rồi đến mà theo Ta, đã thay đổi hẳn con người của Antôn.

Và gần đây, Mẹ Têrêxa thành Calcutta, mẹ đã gặp Chúa nơi những người nghèo khổ mà mẹ đã đem cả cuộc đời mình để phục vụ. Cha Lelotte trong cuốn “Những người trở lại trong thế kỷ 20” ghi lại hơn ba mươi khuôn mặt từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân và cả những người ngoài Kitô giáo, cha trình bày kinh nghiệm gặp gỡ Chúa một cách độc đáo, riêng biệt của từng người. Và từ ngày ấy cuộc đời của họ đã biến đổi một cách sâu sắc. Nhưng dẫu bởi cách thức nào đi chăng nữa, thì qua lần gặp gỡ đầu tiên ấy, tất cả đều cảm nhận được Chúa một cách rất cụ thể, Ngài thực sự hiện diện mà họ có thể nhìn thấy, có thể trao đổi. Đồng thời cũng họ cảm nhận được tình thương cao cả của Ngài đối với con người qua hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế, chia sẻ thân phận của con người, chịu mọi khổ nhục và cuối cùng chịu chết trên thập giá để làm chứng cho tình yêu.

Qua sự gặp gỡ yêu thương ấy, con người chỉ có một cách đáp trả duy nhất là thực hiện lời dạy của Ngài: Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con.

Đó là một ơn huệ lớn lao và cũng là một đòi hỏi triệt để của Chúa đối với con người. Dấu chứng của sự gặp gỡ Chúa là một cuộc sống biến đổi tích cực được thể hiện qua sự an bình và tình yêu thương. Và như thế, chúng ta đã thực sự gặp Chúa hay chưa?

 

4. Giới thiệu Chúa cho anh em mình

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ của Thiên Phúc)

Nhiều nhóm binh sĩ có vũ trang từ Syrie xâm chiếm đất Israel. Sau khi bắt dân Israel làm tù binh, chúng tàn phá thành phố và làng mạc. Chúng bắt những tù binh này làm việc như những đầy tớ trên đất Syrie. Trong số những người bị bắt, có một bé gái. Người ta không nói tên của cô ta.

Cô trở thành đầy tớ của viên sĩ quan nổi tiếng người Syrie, tên là Naaman. Vua Syrie rất hài lòng về Naaman vì ông là một sĩ quan rất gan dạ. Rủi thay ông vừa mắc bệnh phong.

Một ngày kia, cô tớ gái nói với bà chủ: “Giá mà ông chủ Naamna được gặp tiên tri Elisa, đang sống ở Samaria, thì ngài sẽ chữa cho ông chủ tôi khỏi bệnh”. Nghe vậy, Naaman xin vua Syrie viết thư giới thiệu cho vua Israel. Ông cũng mang theo vải vóc, vàng bạc làm quà tặng.

Khi vua Israel đọc thư, ông rất lo, vì ông nghĩ vua Syrie muốn gây chiến. Nhưng Elisa nghe biết, ông xin nhà vua dể mình chữa bệnh cho Naaman. Elisa không gặp Naaman, nhưng chỉ gởi một lá thư: “Hãy đi tắm trong dòng song Giodan 7 lần và ông sẽ được khỏi”.

Naaman rất tự ái, ông không chịu tắm, nhưng đây tớ khuyên ông cứ làm như lời nhà Tiên tri. Và quả nhiên, Naaman đã được chữa khỏi, da của ông trở nên mịn màng như da đứa trẻ. Naaman dâng cho Elisa quà tặng, nhưng người của Thiên Chúa không nhận, chỉ chúc cho ông “Hãy về bình an”.

Chúng ta đừng bao giờ quên đứa tớ gái nhỏ bé ở đầu câu chuyện, em đã mau mắn giới thiệu tiên tri Elisa cho Naaman. Nếu cô bé giữ im lặng, thì Naaman sẽ không bao giờ được chữa lành.

Hôm nay, Anrê cũng giới thiệu Phêrô em mình cho Đức Giêsu: “chúng tôi đã gặp Đấng Mesia” (Ga 1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu.

Dường như mỗi lần Tin Mừng Gioan đề cập đến Anrê thì liền sau đó Anrê lại dẫn một ai đó đến với Đức Giêsu. Anrê đã trở nên nổi tiếng vì ông đã dẫn cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá” giới thiệu với Đức Giêsu. Để rồi, sau khi cầu nguyện tạ ơn, Người đã biến bữa ăn trưa của cậu bé trở nên bữa ăn tập thể nuôi sống hơn năm ngàn người.

Lần thứ ba, chúng ta gặp lại Anrê lúc Đức Giêsu vào Giêrusalem lần cuối. Có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Người. Cũng chính Anrê là người đã giới thiệu họ với Đức Giêsu. Và chắc hẳn đó là điều làm Người hài lòng, vì sau đó Người phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).

Nếu Anrê không giới thiệu Phêrô với Đức Giêsu thì có lẽ chẳng bao giờ có tông đồ Pherô đá tảng của Hội thánh.

Nếu Anrê không giới thiệu cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, thì có lẽ chẳng có phép lạ đầy ngoạn mục hứng khởi nhất trong Thánh Kinh.

Vậy bài học của Anrê là hãy giới thiệu cho mọi người đến với Đức Giêsu. Đó là con đường rao giảng từ người này đến người kia, từng người một. Đức Giêsu rất cần những người giàu tình bạn chân thành, những bước chân mang dấu vết của thân thiện, những lời nói luôn chứa đầy nhiệt huyết, những chứng nhân ra đi kể câu chuyện: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia”.

Lạy Chúa, trên trái đất này, chúng con là đôi tay, là tiếng nói, là trái tim của Chúa. Xin cho chúng con trở nên những người nhiệt thành giới thiệu Đức Giêsu cho thế gian. Amen.

 

5. Hãy đến mà xem – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Vào khoảng năm 1965 về trước, thời bấy giờ chưa có vô tuyến truyền hình, nên mỗi lần có trận giao đấu bóng đá giữa hai đội mạnh, thính giả toàn quốc chỉ được nghe tường thuật về trận đấu qua làn sóng của đài phát thanh.

Thật khó hình dung nổi diễn tiến trận đấu với những pha đi bóng gay cấn, những cú sút ngoạn mục khi chỉ được nghe bằng tai.

Hiện nay, chuyện theo dõi trận đấu qua đài phát thanh đã thuộc về quá khứ vì ưu thế vượt trội của kỹ thuật truyền hình. Nhờ đủ dạng sóng truyền hình hiện đại bao trùm trái đất, người hâm mộ bóng đá từ phần nửa bên nầy địa cầu có thể chứng kiến, như thể tận mắt, từng chi tiết, từng pha đi bóng của những cầu thủ trong những trận đấu diễn ra ở nửa bên kia trái đất.

Thế là từ khi có truyền hình, không ai mê bóng đá lại theo dõi trận đấu qua đài phát thanh nữa. Từ kỹ thuật truyền thanh chuyển qua truyền hình là cả một bước tiến vượt bậc.

* * *

Tiến trình mặc khải cũng trải qua hai chặng đường như thế.

Khởi đầu, Thiên Chúa không trực tiếp tỏ mình cho loài người nhưng chỉ phán dạy qua các ngôn sứ, - như thể qua xướng ngôn viên trên các đài phát thanh - nên chân dung của Thiên Chúa còn rất mờ mịt đối với loài người.

"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ" (Dt 1,1a).

Tiến sang giai đoạn hai, Thiên Chúa không còn mặc khải Người bằng lời qua trung gian các ngôn sứ nữa, nhưng đã bày tỏ chính Mình qua Con chí ái là Đức Giêsu Kitô.

"Nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử." (Dt 1,1b)

Thế là từ đây, Lời của Thiên Chúa - tức Ngôi Lời - không còn là tiếng nói từ cõi xa xăm vọng lại, nhưng đã mặc lấy một hình hài, một thân xác để cho mọi người không những được nghe tiếng mà còn có thể nhìn ngắm, đụng chạm, tiếp xúc với Ngôi Lời.

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta." (Ga 1,14)

"Người là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa" (Dt 1,3)

Thế là chương trình mặc khải của Thiên Chúa đã chuyển sang một khúc quanh mới: giai đoạn mặc khải qua hình ảnh, qua chân dung - như kỹ thuật vô tuyến truyền hình hiện nay - đã khai mở. Nhờ đó, nhân loại không những có thể "nghe", mà còn "thấy tận mắt, được chiêm ngưỡng và được chạm đến Lời" của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. (thư IGa 1,1)

* * *

Hãy đến mà xem

Trăm nghe không bằng một thấy. Nghe tường thuật về một trận bóng sao bằng tận mắt xem trận đó, ít nữa qua chiếc TV.

Chính vì thế nên khi Anrê và một môn đệ khác của Gioan Tẩy Giả được giới thiệu cho biết Đức Giêsu là chiên Thiên Chúa, hai ông liền tìm gặp Chúa Giêsu để tìm hiểu Người.

Chúa Giêsu quay lại hỏi: "Các anh tìm ai?". Họ thưa Ngài: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?". Chúa Giêsu đáp: "Hãy đến mà xem".

Hai anh em nầy đến với Chúa Giêsu, ở lại với Người, rồi mới sống gắn bó và trở thành môn đệ của Người.

* * *

Chúa Giêsu mời gọi "hãy đến mà xem", nhưng chúng ta có thể nhìn xem Chúa ở đâu?

Trước hết là trong Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô dạy: "Không biết kinh thánh là không biết Chúa Giêsu". Từng trang, từng dòng trong kinh thánh đều hoạ lại chân dung Chúa Giêsu và âm vang lên sứ điệp của Người. Biết bao nhiêu người nhờ thường xuyên nhìn ngắm cuộc đời và lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu trong Tân Ước, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã được diễm phúc cảm nghiệm được Chúa là Đấng tuyệt vời khôn tả.

Dostoievski, đại văn hào trứ danh người Nga ở thế kỷ 19, cũng là ngôi sao sáng trong trong làng văn học thế giới, từng viết nhiều tác phẩm đồ sộ có giá trị vượt thời gian và không gian, thường chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong Tin Mừng nên mới cảm nhận được nét đẹp cao quý tuyệt vời của Chúa Giêsu và đã tuyên xưng Người qua bức thư gửi cho bà Von Vizine. Bức thư nầy thường được gọi là kinh tin kính của Dostoievski: "Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Kitô, và hơn thế nữa, nếu ai chứng minh với tôi rằng Đức Giêsu ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Kitô hơn là chiều theo chân lý".

Ước gì chúng ta thường xuyên "đến mà xem" Chúa Giêsu trong kinh thánh, "ở lại với Người" nơi bí tích thánh thể, để rồi say mê Người như Dostoievski và trở thành môn đệ Người như Anrê và người bạn của ông.

home Mục lục Lưu trữ