Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 63
Tổng truy cập: 1377086
ÔNG HÃY ĐI! VÀ CŨNG LÀM NHƯ VẬY
(Suy niệm của Lm Uyen Nguyen)
Lời chào từ giã của Đức Giêsu. Một lời tiễn chân độc đáo, ý nghĩa dành cho người thông luật. Ông gặp Đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem và hỏi Người một vấn đề rất cốt lõi. Đó là hành động để đạt sự sống trường sinh! Nhìn chung với người biệt phái, Đức Giêsu bị liệt vào hàng ngũ phá luật. Qua đó, người thông luật kín đáo hỏi thử Người:“Tôi phải làm gì để được sự sống trường sinh làm gia nghiệp”? Câu hỏi không mang tính viễn vông lý thuyết, nhưng rất cụ thể, biểu lộ chủ đích của hành động! Vì ông muốn chứng tỏ mình là kẻ đơn sơ chân chính.
Đức Giêsu hiểu cạn ý ông. Thay vì trả lời vào câu hỏi, Người hỏi lại ông:“Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào”? (c.26). Vị thông luật trả lời ngụ ý tỏ ra am tường bằng trích dẫn hai luật theo đó không ai không coi là hệ trọng:“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”(c.27). Câu đáp thật chính xác. Đức Giêsu ngợi khen ông và khuyến khích ông:“Cứ làm như vậy sẽ được sống”(c.28).
Tuy nhiên, do sự thúc đẩy bên trong, nhưng bên ngoài, để tỏ ra ngay chính, chưa muốn dừng lại, ông chuyển đổi câu hỏi sang đối tượng được nêu lên trong luật, cụm từ ‘người thân cận’? Rất cụ thể, Người nói với ông như để chỉ ông xem toàn cảnh câu chuyện dụ ngôn mô tả những nhân vật mà mỗi người theo cách ứng xử riêng trước một tình cảnh rất đáng thương tâm. Trên con đường từ Giêrusalem dẫn xuống Giêricô, một lộ trình nếu phải đi thì khá xa, cảnh trí thì hiểm trở. Con đường len mình đổ dốc xuống đến Giêricô. Xảy ra cảnh một người bị kẻ cướp đánh nhừ tử, bỏ nằm nửa sống, nửa chết bên đường giữa khung cảnh quạnh quẽ. Có hai người lần lượt đi qua, một vị tư tế, một vị Lêvi, cả hai trong cùng một tư thế. Họ gặp thấy người bị cướp, không dám để tâm, né tránh sang bên lặng lẽ đi. Sau đó một người samari lữ hành cũng qua, ông thấy, ông dừng ngựa, xuống chăm sóc nạn nhân rồi đưa về quán trọ. Đức Giêsu hỏi: “Ai trong ba người đó là người thân cận của kẻ bị cướp”? Không do dự, ông đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Nghe vậy, Đức Giêsu bảo ông thay vì đưa tiễn: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
Nội dung đàm đạo và các nhân vật trong toàn cảnh câu chuyện toát lên một yếu tố tương phản ngột ngạt ngầm ẩn bên trong. Bên này là những người lãnh đạo, giải thích luật, điều hành luật, thông luật, tư tế, Levi đền thờ. Bên kia là Đức Giêsu mà trong mắt họ thật đáng ghét, người Samari bội đạo, kẻ bị cướp nhơ nhớp. Tuy nhiên, khác xa với điều họ nghĩ, với Đức Giêsu thôi, Đấng đến không phải để hủy bỏ luật, dù một chấm phẩy, mà là để kiện toàn.
Riêng những lời nói, thì hai câu hỏi của Đức Giêsu và vị thông luật đặt cho nhau, đem so sánh, lối hành văn có sự khác biệt thật tế nhị mà dí dỏm. Một bên, kẻ giữ luật, nhiệm nhặt giữ khỏi ô uế, cấm sờ người thương tích sắp chết. Một bên là chủ của luật. Đàng khác, câu hỏi vị thông luật đặt lên ai là thân cận của tôi. Đức Giêsu đặt câu hỏi ai là thân cận của kẻ bị cướp. Từ hai cách đặt câu hỏi, với đại danh từ ‘của tôi’ và đối tượng của nó, cũng tỏ cho thấy đâu là não trạng dành cho vấn đề? Đại danh từ chỉ cái tôi phải chăng là ‘cái ngã’ làm nên tụ điểm trung tâm. Cái tôi mình đặt mốc xác định ‘thuộc về’ làm ra sự khác biệt hệ trọng. chính nó là sự minh định tính chất thân cận để có thể xác định tính cách đạo đức trong hành động thực thi luật yêu thương!
Dù sao, cuộc đàm thoại giữa Đức Giêsu và vị kinh sư cũng đã trải qua hơn 2000 năm. Câu chuyện Đức Giêsu kể thì rất đời thường, rất thời sự qua mọi buổi xưa nay. Điều đáng nói là vấn đề thực thi luật yêu thương, và âm vang của nó vẫn hằng vang vọng kêu gọi tỉnh thức.
Tuy hai thế hệ xưa và nay cách xa nhau. Tính chất người và người thì hằng đồng nhất chỉ cách xử trí thì khác biệt. Thế hệ xưa vốn dĩ vì lý do giữ luật để toàn vẹn, nên sinh ra những con người làm ngơ trước tình người, thế hệ nay làm sao quan tâm nổi khi có quá nhiều trào lưu trình làng quan điểm hấp dẫn như khuynh hướng hưởng thụ tích cực. Thời đại đổi thay nhưng bản tính con người vẫn không thay đổi. Luật yêu thương phú bẩm vào lương tri mang tính ràng buộc thì bất biến, luôn đòi hỏi người với người trong tinh thần trân trọng, đối xử đẹp và tiếp sức nhau. Đó là cốt lõi của luật.
Quan điểm của Đức Giêsu hướng đến tha nhân, là những kẻ thân cận không chỉ dựa vào Cựu Ước mà còn mới mẻ của Người. Người hướng đến với hết mọi người, người tốt như kẻ xấu, yêu hay ghét, gieo ơn hay phát tán khốn, vẫn phải cầu nguyện cho tất cả với tâm thức bao dung tha thứ... Đức Giêsu, trong tình yêu như vậy, vượt trên mọi rào cản luật lệ. Do vậy, thân cận không thu hẹp vào những người thân gần mà còn vượt tận xa bao quát.
Lý do để Đức Giêsu sống và dạy luật nội tâm kiểu mới của Người chính là Người đang tự quyết lên Giêrusalem, và còn nữa, vì vâng lệnh Cha Người trên đường loan báo“nước trời đang gần đến”, cứu khổ mọi người ví là nhân loại con Cha trên trời, như “mưa nắng trên kẻ lành người dữ”(x.Mt 5,45). Hơn nữa, Người nhìn luật yêu người là quy luật thực tiễn, thiết thân, vì đồng loại thì sát gần, trong nguyên lý muốn yêu xa, hãy bắt đầu gần từ những gì thực tế. Tình yêu của con người không thể chạm đến viễn vông, thiết nghĩ bắt đầu từ những gì gần gũi hay đã qua cảm nghiệm.
Hậu thế như Phaolô, một cách chí tình, ngài khuyên dạy các giáo đoàn tòng đạo từ ngài sống luật yêu thân cận, là hãy biết sống và tập sống:
“Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl. 2,4 ).
“Hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (Tx. 5,15b).
“Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Giêsu Kitô” (Pl. 2,5).
Lạy Chúa Giêsu, con xin lắng nghe, xin hãy dạy con sống chuẩn mực là ‘họa phẩm’ của Chúa.
32. Người Samari tốt lành – Flor McCarthy
(Trích dẫn từ ‘Phụng Vụ Chúa Nhật và Lễ Trọng’)
Suy Niệm 1. LÒNG NHÂN TỪ TỰ PHÁT
Alaska là một xứ sở hoang dã, cô độc, lẻ loi nhưng đẹp lạ lùng. Đó là một thánh địa cho những du khách thích phiêu lưu. Tuy nhiên vùng đất ấy không cho phép bạn xuống tinh thần. Các thị trấn ít ỏi và xa nhau. Những người sống ở đó phải đối diện với những thời kỳ cô lập lâu dài. Đặc biệt các chủ nông trại sống một đời sống rất lẻ loi.
Một lần kia, một người Mỹ đi du lịch Alaska trong một cái nhà di động (xe kéo) thì nỗi lo sợ kinh khủng nhất của ông đã ập đến: chiếc xe làm nhà bị gãy trục, và ông rơi vào tình huống khó khăn ở giữa một nơi không rõ là nơi nào. Ông cho gia đình rời khỏi căn nhà di động và quyết định đi bộ với hy vọng tìm được một ai đó có thể giúp đỡ họ. (Thời đó chưa có điện thoại di động).
Sau khi đi được ít dặm, ông đã gặp vận may: ông đến đúng một nông trại. Ông nói với chủ nông trại về tình trạng khó khăn của ông. Chủ nông trại rất thông cảm. May thay, ông này có máy hàn. Ông kéo căn nhà di động về sân nông trại với chiếc máy kéo của ông, và sửa chữa cái trục bị gãy. Khi công việc đã hoàn tất, người du khách lấy ví tiền và nói: “Tôi nợ ông bao nhiêu?”
“Ông không nợ tôi đồng nào” người chủ nông trại đáp.
“Nhưng tôi thấy tôi phải trả công cho ông”
“Ông đã trả công cho tôi rồi”, người chủ nông trại nói.
“Tôi không hiểu”, người du khách nói.
“Ông đã cho tôi niềm vui của gia đình ông trong mấy giờ liên”.
Người du khách ngạc nhiên nhưng vui sướng đã gặp một tấm lòng quảng đại như thế. Những người như thế làm chúng ta lấy lại niềm tin vào sự tốt lành, nhân từ của con người. Lòng nhân từ cũng là một mầu nhiệm như điều xấu. Nhưng ở đâu điều xấu làm đau buồn và chán nản thì lòng nhân từ làm vui sướng và đem lại cho chúng ta cảm hứng.
Tình trạng cao nhất mà chúng ta có thể đạt đến là khi lòng nhân từ trở thành một dòng nước ân sủng một cách dễ dàng, tự nhiên và không tính toán. Khi nó tuôn ra từ chúng ta mà chúng ta không nhận thấy, như môt chiếc lá từ cây mọc ra. Trong trường hợp của người chủ nông trại, rõ ràng chúng ta gặp được một hành động của lòng nhân từ tự phát. Cũng giống như trường hợp của người Samari. Rõ ràng lòng nhân từ của người Samari trở thành thói quen, tự phát, một bản tính thứ hai. Điều tốt đẹp mà người ấy làm cho người khác thì người ấy không coi là một việc gì đặc biệt. Đối với một số người, lòng quảng đại nằm trong những hành động lác đác, lẻ loi, đối với những người khác, đó là một cách sống.
Làm thế nào để một người đến được tình trạng hạnh phúc ấy? Nó không thể được hoàn thành một sớm, một chiều. Nó phải được học hỏi bằng sự thực hành lâu dài. Nó không được hoàn thành bởi một ít công việc vĩ đại nhưng bằng nhiều công việc nhỏ bé. Người ta làm những công việc vĩ đại không phải bởi sự bốc đồng nhưng bởi một loạt những công việc nhỏ được liên kết với nhau. Phần thưởng thật sự cho một hành động tốt là để làm cho việc tốt kế tiếp được dễ dàng hơn. Mỗi hành động nhỏ của ngày thường làm nên hoặc không làm nên nhân cách.
Điều gây khó chịu trong câu chuyện của Đức Giêsu không phải ở chỗ một người vô tội bị tấn công, nhưng ở sự kiện hai người mà bạn chờ đợi giúp đỡ người bị thương đi ngang qua không bày tỏ chút thương xót nào với người ấy. Một người Kitô hữu chân chính không dửng dưng trước sự đau khổ của người khác.
“Ai là người lân cận của tôi?” người thông luật hỏi. Câu trả lời chung của thời ấy sẽ là: Người lân cận của tôi ở trong cùng một bộ tộc hoặc cùng phe nhóm, tôn giáo của tôi. Nhưng lời đáp của Đức Giêsu đưa ra là: “Người lân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người lân cận”. Lời đáp thật sự là tôi không quan niệm ai là người lân cận của tôi nhưng ai là người mà tôi muốn đối xử như một người lân cận?
Tôi là loại người lân cận nào? Đây là một câu hỏi mà thỉnh thoảng mỗi người chúng ta phải tự hỏi, nhưng đó là một câu hỏi mà chính chúng ta không thể tự trả lời.
Suy Niệm 2. TRẮC NGHIỆM VỀ NHÂN CÁCH
Theo Tolstoy, một bi kịch không nói với chúng ta về toàn bộ đời sống của một con người. Điều nói gây ra là đặt con người vào một tình huống. Rồi tuy theo cách mà con người xử sự với tình huống ấy, nhân cách của người ấy được bộc lộ cho chúng ta.
Đây đúng là điều mà Đức Giêsu thực hiện trong câu chuyện của Người. Người đặt thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samari vào một tình huống. Họ được đặt trước một quyết định: hoặc dừng lại để giúp đỡ người bị thương, hoặc tiếp tục công việc riêng của họ? Không có lối thoát cho họ, không có chỗ để trốn tránh. Họ phải dấn thân vào con đường này hoặc con đường khác. Thầy tư tế và thấy Lêvi quyết định đi qua; người Samari quyết định dừng lại và giúp đỡ.
Khủng hoảng tạo ra nhân cách, nó hầu như làm biểu lộ nhân cách. Trong những thời kỳ khủng hoảng, con người bộc lộ điều đã có sẵn trong tâm hồn họ: con người quảng đại hay con người ích kỷ, anh hùng hay kẻ hèn hạ. Một lúc nào đó hoặc một biến cố nào đó có thể khiến một người bộc lộ bản chất của họ. Gặp một người bị thương tích là một thời điểm cho thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samari.
Điều đó đã bộc lộ điều gì về nhân cách của thầy tư tế và thầy Lêvi? Nó bộc lộ một điều rất đáng lên án, tức là họ là những người vị ngã. Họ không quên mình để giúp đỡ người khác. Khi có sự cố xảy ra, họ đặt họ lên hàng đầu.
Và điều đó đã bộc lộ điều gì về nhân cách của người Samari? Một điều rất đáng khâm phục đó là ông là một con người quan tâm chăm sóc cho người khác. Ông thuộc loại người không thể bỏ qua một người khác đang đau khổ và tìm cách làm vơi đi nỗi đau của họ.
Đời sống trắc nghiệm chúng ta liên tục. Mỗi ngày, chúng ta được trắc nghiệm bằng những cách nho nhỏ; và thỉnh thoảng bởi những cách lớn. Những trắc nghiệm ấy cho biết chúng ta là loại người nào: người có bản chất vị kỷ, hoặc người có bản chất vị tha.
Những cơ hội lớn thường hiếm hoi, mà ít người hoàn thành. Nhưng chúng ta có được nhiều cơ hội nhỏ, những cơ hội khó nhìn thấy hơn để chúng ta bày tỏ sự chăm sóc và mối quan tâm với người khác đang cần được giúp đỡ.
Sự trưởng thành về đức hạnh được xác định không phải bởi những điều chúng ta làm trong những trường hợp phi thường, nhưng bằng thái độ bình thường của chúng ta. Chính các sự việc khiêm tốn mỗi ngày thay vì là những biến cố to lớn bộc lộ tư cách rõ nhất. Mỗi sự việc nhỏ hình thành nhân cách của chúng ta.
CÂU CHUYỆN KHÁC
Larry Skutnik, 28 tuổi là một người đàn ông nhút nhát, làm việc trong văn phòng chính phủ ở Washington. Vào buổi chiều ngày 13 tháng Giêng năm 1982, một cơn bão tuyết nghiêm trọng tràn vào thành phố. Ông đang trên đường trở về nhà và chạy trên con đường tắc nghẽn băng qua một chiếc cầu trên sông Potomac Kiver. Ông bỗng nhận thấy nguyên nhân của sự việc – một chiếc máy bay với bảy mươi chín hành khách đã đâm sầm vào dòng sông. Ông ra khỏi xe, tìm kiếm và thấy có ba người, đang bám chặt vào đuôi máy bay chổng ngược bên trên mặt nước.
Một máy bay trực thăng đã đưa hai người trong số đó vào bờ, còn người thứ ba, một phụ nữ rơi xuống nước giá lạnh và bắt đầu chìm xuống. Không chút nghĩ ngợi, ông cởi giày và áo khoác lặn xuống nước và đưa người phụ nữ ấy lên bờ. Sau đó, ông nói ông chỉ muốn về nhà. Sau một chuyến đi ngắn đến bệnh viện, ông được phép về nhà.
Hành động mạo hiểm cứu người của ông được chiếu lên truyền hình. Sáng hôm sau, ông thức dậy thấy mình trở thành một anh hùng của quốc gia. Nhưng ông tránh né mọi sự quảng cáo. “Từ “anh hùng” làm tôi e thẹn” ông nói: “Tôi đã phản ứng một cách tự nhiên, thế thôi”.
Thật đẹp khi biết rằng người ta vẫn còn thừa nhận sự cao cả của một hành động như thế. Và cũng thật đẹp khi biết rằng người ta có thể làm một hành động như thế và coi đó như một việc bình thường và tự nhiên.
33. Giới luật yêu thương - R. Gutzwiller
1. GIỚI LUẬT
Như Đức Giêsu lên đường đi Giêrusalem, người ta cũng lên đường tiến về Giêrusalem trên trời. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào biết được con đường dẫn đến nơi đó và điều cốt yếu để đạt đích hệ tại điều gì.
Câu hỏi của luật sĩ nói lên 2 chủ đề ấy: ‘Lậy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?’. Câu trả lời quá rõ. Đức Giêsu để cho luật sĩ tự rút từ sách luật ra câu trả lời: đó là một mệnh lệnh kép về lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
+ Kính mến Thiên Chúa
Thiên Chúa là cùng đích. Yêu mến Thiên Chúa là con đường. Đây là tâm điểm của Cựu ước và Tân ước, của Lề Luật và Phúc âm, và xét từ bên ngoài, của ngoại giáo và Kitô giáo, qua môi miệng những đại biểu tốt nhất, đều đồng tâm nhất trí như vậy.
Yêu thương là mầu nhiệm thâm sâu nhất của nền đạo đức tự nhiên và của nền luân lý được đặt lên trên nền tảng siêu nhiên. Vì cả 10 giới luật không là gì khác hơn là nhiều phạm vi hoạt động của cùng một giới luật yêu thương. Các nhân đức chỉ là những nhánh phát sinh từ thân cây ấy thôi. Lời cầu nguyện một đàng phát xuất từ tình yêu, đàng khác lại cầu xin tình yêu. Phụng vụ chẳng qua chỉ là thờ kính Thiên Chúa, phát sinh do tinh thần hy sinh và đạo đức, đồng thời cũng là ân huệ Thiên Chúa ban cho con người trong tình yêu thương hợp nhất hay nói cách khác là ‘thông hiệp, hiệp lễ’.
Chính giáo luật cũng nói đến sự liên hệ căn bản với tình yêu. Vì luật là mệnh lệnh của tình yêu, là thân thể mà tình yêu sẽ gán cho một tâm hồn. Bởi vậy, tình yêu là nguyên lý thành lập, là sức mạnh sáng tạo, là thành tố cốt yếu của lòng kính tin, hợp nhất và đơn nhất hoá mọi điều.
+ Yêu thương tha nhân
Nhưng con người không phải là lữ khách độc hành, một mình lên đường đi về với Chúa. Như suốt lịch sử thế giới cho thấy, cuộc đời, theo kế hoạch của Thiên Chúa là một bước đi của các dân tộc đến cùng Thiên Chúa, một đoàn lũ hợp nhau trở về nơi định cư của mình. Đó là lý do tại sao một tu sĩ không nên rút lui vào nơi thanh vắng một mình. Sống cốt yếu là sống cộng đoàn. Thế nên, tình yêu chân thực đối với Thiên Chúa phải thực sự triển nở nơi tình yêu đồng loại.
Những thái độ sẵn lòng đối với Thiên Chúa mà ta có thể sánh như cái đà ‘hàng dọc’ sẽ triển khai thành ‘hàng ngang’ đối với đồng loại. Tôn giáo xét tự nền tảng vốn có tính xã hội, nó không phải là khu vực của một cá nhân mà ở đó có thể quan tâm đến anh em mình hay là không cũng được. Ngay cả một thày tu trong căn phòng nhỏ bé của tu viện, một ẩn sĩ trong sa mạc, tự bản chất vẫn hiện diện một cách ‘xã hội’ trong lời cầu nguyện và thành tâm sám hối.
Không ai có thể và được phép tách biệt khỏi cộng đoàn. Như tình yêu đối với Thiên Chúa nhất thiết phải sinh ra tình yêu đối với đồng loại, thì tình yêu đối với đồng loại cũng vậy phải do từ tình yêu chân thành đối với Thiên Chúa. Người ta có thể coi đó (và thực đã có như vậy) như một tình bằng hữu, một chủ nghĩa nhân đạo, nhưng tình yêu ấy không trợ giúp anh em dựa trên nền tảng chính yếu: cùng nhau bước tiến trên đường về với Chúa. Và vấn đề là ở chỗ đó.
Vậy, sau khi đề cập đến tình yêu kép đôi này, Đức Giêsu nhấn mạnh đến điểm căn bản sâu xa này: ‘hãy làm thế và ông sẽ được sống’. Nói cách khác: ‘anh đã đi đúng đường, đã tiến tới gần đích, ‘là sống trong Chúa’.
2. DỤ NGÔN
Luật sĩ muốn biện bạch. Xét cho cùng, ông chẳng thực tâm trong khi đặt vấn nạn mà cũng chẳng có tinh thần tìm tòi cho bằng ông muốn ‘thử’ Đức Giêsu. Thua cuộc rồi, ông cố tránh né yêu sách gắt gao và hỏi thêm để che đậy sự thất bại và dùng mọi mánh khoé để Chúa phải lúng túng.
Dẫu thế, Đức Giêsu vẫn giải đáp cho vấn nạn ông nêu ra. Ngài đưa ra một thí dụ, thí dụ về một con đường. Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị lũ cướp bóc lột và bị đánh đập dở sống dở chết. Ai trên đường đi về với Chúa ắt có thể cũng chịu chung một số phận như thế. Thực ra qua bao thế kỷ, cho thấy con người luôn gặp phải như thế trong suốt cả hành trình lịch sử của mình. Satan đã cướp phá nhân loại này, cướp mất đời sống siêu nhiên phong phú của nhân loại khi còn ở trong vườn Diệu quang xưa kia, khiến nhân loại phải chịu cảnh dở sống dở chết như bây giờ.
Những khả năng hiểu biết về mặt tôn giáo, hành động theo luân lý, đã bị giảm thiểu thật đáng kể. Những khả năng ấy không chết đi, mất đi mà là bị tổn thương trầm trọng. Có những người cũng bước qua con đường ấy và được coi là những người luôn có tình mến Chúa: các tư tế và Lêvi chẳng phải là những người luôn luôn phụng sự Thiên Chúa đó sao?
Họ từ đền thờ ra đi và vẫn khoác trên mình những dáng vẻ hoa mỹ và oai vệ của lễ nghi. Họ bước qua mà cứ phớt tỉnh chẳng màng chi đến những người không may gặp nạn và họ lại còn đấm ngực tự mãn cho rằng thái độ dửng dưng ấy bằng lòng mến yêu Thiên Chúa của họ. Vị tư tế tự nhủ rằng mình hiện diện chỉ để phục vụ Thiên Chúa chứ không để phục vụ nhân loại. Còn Lêvi lại tự nghĩ rằng mình phải cẩn thủ sự thuần khiết của bậc Lêvi, nhân danh tình yêu đối với Thiên Chúa, không để mất nó khi rờ tới một người có thể chết trong tay mình.
Hai thứ người này tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa mà không cần yêu đồng loại. Và những ai cư xử không dựa trên xã hội đang khi vẫn phát huy những việc đạo đức, những nghi tiết những việc phụng thờ, là những người đã muốn tách hẳn tôn giáo khỏi thế tục, muốn hoàn tất thái độ chẳng có chút gì là đạo đức, như các tư tế và Lêvi bỏ qua không màng tới nhân loại đang lâm cảnh đau thương.
Một lữ khách thứ ba xuất hiện, đó là một người ngoại, người xứ Samaria, người này hẳn là phải đi một đoạn đường dài và xa hơn những người kia; có thể là một thương gia, luôn bôn tẩu ngược xuôi. Con người đó hẳn là rất xa lạ với nạn nhân kia, khác quốc tịch, khác cả tôn giáo. Xét mối tương quan nào đi nữa, bên ngoài hay bên trong, dân sự hay tôn giáo, hắn cũng là một kẻ xa lạ hoàn toàn.
Nhưng chợt thấy một người bị lâm nạn nửa sống nửa chết như thế, hắn tiến lại gần ngay. Qua cử chỉ ấy, hắn trở nên một người rất thân cận của nạn nhân. Chính hắn đích thân mang nạn nhân đến quán trọ và vì gấp rút qua hắn đành ra đi; để lại số bạc cần thiết và hứa sẽ trả số còn lại khi trở về. Như thế hắn vẫn tiếp tục quan tâm đến nạn nhân xấu số và trong tâm hồn không thể quên người ấy được, trong khi mong mỏi sớm về gặp lại.
Một người khá xa lạ lại nên người gần gũi, thấy tha nhân lâm nạn, hắn nên bạn thân ngay. Và đó không phải đơn giản là một thứ bác ái cảm tình, màu mè, nhưng thật là một hành vi ra tay trợ giúp. Ta có thể nhận ra tính tốt của hắn qua các chi tiết sau:
‘Lại gần, băng bó thương tích, xức dầu và rượu, đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền ông trao cho chủ quán mà bảo: ông hãy săn sóc người ấy, và phải tiêu pha gì thêm thì khi trở về tôi sẽ trả cho ông’.
Người Samaria được đưa ra làm tiêu biểu ấy chính là Đức Kitô. Nhân loại đang cơn hấp hối, Ngài không bỏ rơi mà còn từ trời cao xuống thế, cất bước lên đường, ân cần săn sóc nhân loại, cúi xuống, đổ tràn dầu và rượu các nhiệm tích trên những vết thương do tội lỗi gây nên. Ngài đã dẫn đưa nhân loại vào Giáo Hội là quán trọ trong cuộc hành trình qua bao thế hệ, Ngài đã uỷ thác cho Giáo Hội việc ân cần chăm sóc chữa trị nhân loại; Ngài đã trả bằng giá máu Ngài và còn hứa thanh toán số còn lại trong ngày sau hết, tức là ngày Ngài Quang Lâm: khi ấy mọi thụ tạo được lành lặn toàn vẹn sẽ tiến về cùng đích của cuộc hành trình.
Để kết thúc dụ ngôn, Ngài khuyên bảo: ‘Hãy đi và làm như thế và ông sẽ được sống’.
Như thế, con đường lại được đặt thành vấn đề. Vì từ lúc này, con người biết: mình phải đi con đường nào và phải bước đi trên con đường ấy bằng tinh thần nào; điều chi sẽ xảy đến cho mình và người lữ khách sẽ nhìn rõ bổn phận nào phải thi hành đây. Bởi đó, câu chuyện này phải là một dấu định hướng thực sự.
34. Chú giải của Fiches Dominicales
THEO CHÂN ĐỨC GIÊSU, TRỞ NÊN NGƯỜI THÂN CẬN VỚI BẤT CỨ AI GẶP NẠN
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Một giới luật yêu thương
Đức Giêsu đã lên đường đi Giêrusalem, nơi Người sẽ tự ý dâng hiến mạng sống vì yêu anh em mình. Lúc đó có môt người thông luật đặt câu hỏi này để thử Người: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? ". Đức Giêsu đáp lại bằng một câu hỏi: "Trong luật đã viết gì? ông đọc thế nào? ". Giống như một cậu học sinh trả lời cho "người mà ông ta muốn thử tầm hiểu biết và tính chính thống về đạo lý, vị thông luật bắt đầu trích dẫn lệnh truyền của sách Đệ Nhị Luật 6,4, mà mọi người Do Thái đạo đức đọc mỗi ngày hai lần trong kinh Shema: "ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi". Và ông liền đọc tiếp Luật của sách Lêvi 19,l8: "Và người thân cận như chính mình ". Trích dẫn câu Kinh Thánh ấy hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Đức Giêsu. Người vừa "khen ngợi câu trả lời, lại vừa khuyên nhủ vị thông luật hãy thực thi giới luật yêu thương theo hai chiều kích ấy. "Làm" như vậy sẽ cho phép ông nhận được "sự sống đời đời " làm gia nghiệp, điều ông đã thắc mắc qua câu hỏi ban đầu.
2. Để đem ra thực hành
" Cuộc đối thoại ngay sau đó được chuyển sang một câu hỏi mới của vị thông luật, "muốn chứng tỏ mình là người công chính ": "Những ai là người thân cận của tôi? ". Ta càng hiểu rõ hơn tại sao có câu hỏi đó, nếu ta biết rằng có một vài khoản trong Lề Luật tương phản với nhau; trong một vài trường hợp - như phần tiếp theo của bản văn Tin Mừng sẽ cho thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng yêu người thân cận xem ra loại trừ nhau.
Đức Giêsu tránh trả lời trực tiếp, để khỏi sa vào cái "mớ bòng bong " của khoa giải các nố luật. Người nêu ra cho nhà thông luật ấy một dụ ngôn... mở ra cho giới luật yêu thương tha nhân một lãnh vực không giới hạn.
Sự kiện xảy ra trên quãng đường dốc rất thuận lợi cho đạo tặc phục kích; con đường sa mạc (dài 25 cây số) từ Giêrusalem đến Giêricô là nơi thấp hơn kinh đô đến 1090 mét.
Ngoài tên đạo tặc và người chủ quán, ba nhân vật hết sức điển hình là một "thầy tư tế’, rồi một "thầy Lêvi ". Cả hai là khách qua đường, sau cùng là "người Samaria ". Cả ba người đều bất ngờ gặp "người bị kẻ cướp trấn lột đánh nhừ tử, rồi bỏ lại nửa sống nữa chết ở bên đường"; ta không biết thân thế trong đạo ngoài đời của người đó ra sao. Lối hành văn theo một khuôn mẫu định sẵn của dụ ngôn càng làm nổi bật nét giống nhau và khác nhau trong cách xử sự của các nhân vật.
- Người đầu tiên đi trên đường này là một "thầy tư tế”, người của phụng tự, người của Đền Thờ. Ông trông thấy kẻ bị thương, nhưng ông cũng nhớ đến lệnh cấm trong sách Dân Số 19, 11 - 13, 16: "Ai chạm vào xác chết... vào một người bị ám sát…một người chết, sẽ mắc dơ trong cả ngày, ông quên mất lời Chúa trong sách ngôn sứ Ôsê 6,6: " Ta muốn lòng nhân từ chứ.không muốn hy lễ ". Ông "tránh qua bên kia mà đi ".
- Sau đó tình cờ có thầy Lêvi, một nhân vật tượng trưng cho giới lãnh đạo Do Thái giáo, ông "cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi ", chắc hẳn cũng vì những lý do vừa nói.
- Sau cùng, "một người Samaria đi đường " cũng tới chỗ ấy H. Cousin nêu rõ: "Người này là một người lạc giáo, chỉ cộng nhận bộ Luật viết, là Ngũ Kinh, mà phi bác Luật truyền khẩu. Dưới con mắt của vị thông luật, hẳn đó là người hoàn toàn đối chọi với hai vị tôi tớ đáng kính của Đền Thờ." ("L'evangile de Luc", Centurion, tr. 158).
"Vậy trong khi hai vị kia tránh xa người mà họ coi như một xác chết, và có thể khiến họ thành ra dơ, thì người Samaria "chạnh lòng thương " - giống như chính Đức Giêsu chạnh lòng thương trước nỗi đau của bà goá Naim ở 7,13 – khi thấy bà đau khổ. Trong khi hai vị giáo sĩ kia, vì tôn trọng luật về thanh tẩy đã tách rời lòng mến Thiên Chúa với lòng yêu tha nhân, và... đã tránh qua bên kia đường, thì người Samaria lại gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc ". Bằng hành động, ông đã chứng tỏ, ông hiểu rõ ý Thiên Chúa mà ngôn sứ Ôsê đã diễn tả, hơn những vị đại diện Do Thái giáo chính thống kia nhiều.
R. Meynet còn lưu ý thêm: "Không ai là người ngoại" trong số ba ứng viên cứu nạn kia, nhưng cả ba đều có đạo và tuân giữ luật. Nhưng thầy tư tế, và thầy Lêvi đứng về phía quân cướp...; vì cũng như bọn đó, các ông bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết, các ông còn mang tội không cứu giúp người bị nạn. Còn người Samaria, là quân lạc đạo bị người Do Thái khinh miệt và khai trừ, thì lại yêu người bị thương như chính mình: ông hy sinh bản thân, hy sinh vật cỡi, hy sinh tiền bạc " ("L'Evangile de Luc. ánalyse rhétorique", cuốn 2, trg 126).
3. Trở nên người thân cận với bất cứ ai gặp nạn.
Để kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu đổi ngược lại câu hỏi, mà vị thông luật đã đặt ra hồi nảy: "Vậy ai là người thân cận của tôi?". Đức Giêsu hỏi lại ông ta: "Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "
Không do dự, vị tiến sĩ luật đáp rất chính xác: " Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy ". Như vậy, theo ông, không cần biết ai là người thân cận của mình nữa, mà điều quan trọng là tìm cách nào để trở nên người thân cận, người gần gũi với bất cứ ai đang cần giúp đỡ. H. Cousin giải thích: "Hỏi ai là người thân cận của mình, vị thông luật tự đặt mình làm trung tâm thế giới, và nhìn mọi người như những vệ tinh quay chung quanh mình. Đức Giêsu đảo ngược vấn đề. Người thân cận là người thực thi lòng thương xót, chứ không phải người hưởng thụ lòng xót thương".
- Đến lúc này, Đức Giêsu chỉ cần kêu mời người đối thoại, hãy chứng tỏ tình thương huynh đệ nhưng-không, vô vị lợi, thực tế, giống như người Samaria lạc đạo " ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy! "
Chúa nhật XIII, chúng ta đã theo chân Đức Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Hôm nay, chúng ta hiểu rằng con đường lên Giêrusalem phải qua tình thương huynh đệ, là luật vượt trên mọi luật.
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Hãy là người thân cận của mọi người.
Mọi người đều biết dụ ngôn người Samaria cho ta chứng kiến một sự đảo ngược. Câu hỏi được đặt ra lúc đầu là: "Ai là người thân cận của tôi? " Cuối cùng lại trở thành "Ai đã là người thân cân với kẻ bị rơi vào tay bọn cướp? ".
Sự đảo ngược này mang đầy ý nghĩa và nhiều đòi buộc mới mẻ. Thật vậy, chỉ định trước ai, là đối tượng của lòng xót thương nơi ta, thiết tưởng là thuận tiện hơn đấy. Hãy để ý xem sinh tử sở hữu: "của tôi " (thân cận của tôi) được đặt ở chỗ nào. Người ta đã chỉ trích khá nhiều công việc từ thiện của một vài mệnh phụ, chuyên làm việc từ thiện, các bà ấy có khách hàng của các bà (xin tạm gọi vậy). Người thân cận không phải' một khách hàng, cũng không phải cơ hội để ta thực hành nhân đức. Người thân cận là người cải hoá ta, người bắt ta trở về với mình để kiến tạo ta nên một người thực sự gần gũi.
Trở nên gần gũi không dễ dàng đâu. Cần phải có trái tim, nếu không sẽ trở thành giả tạo. Cũng cần phải có sự sáng suốt và nhất là sự tế nhị cao độ đến nỗi có thể cho đó là một chút nhẹ dạ. Điều đẹp đẽ nhất trong cử chỉ của người Samaria là tính vô-vị-lợi của ông; ông không màng tới một lời cám ơn.
Có những người khiến người khác phải mang nặng quyền lực của họ. Nhưng kẻ đặt trên vai người khác gánh nặng bác ái từ thiện của họ, thiết tưởng còn trầm trọng hơn. Chỉ có bác thật sự khi nó giải thoát, khi nó khiến tôi trở nên người gần gũi, nên người anh em vì vốn chẳng ai mắc nợ ai điều gì. Hoàn toàn nhưng không.
2. Được mời gọi “hãy làm như vậy”, cùng với vị thông luật.
Sao lại trách cứ vị tư tế thánh thiện và vị "phó tế" nhiệt thành này? Họ là những người có trách nhiệm phục vụ để Thiên Chúa được tôn vinh và phụng thờ trên hết mọi sự. Hai người tôi tớ trung thành ấy có lý do chính đáng để giữ sự trong sạch theo luật định, bởi vì "ai chạm vào xác chết (...), hoặc một người bị ám sát, một người chết (....) sẽ mắc dơ trong 7 ngày " (Ds 19, 11-13. 16)... Trong trường hợp đó vị tư tế hoặc thầy Lêvi không được làm việc phượng tự.
Những người giữ luật như vậy lầm rồi. Vì khi giữ luật, họ lại phản bội luật. Khi tưởng rằng tôn kính Thiên Chúa, họ lại xúc phạm đến Người. Thiên Chúa ở đó kìa, Người ẩn mình dưới dạng một người bị thương nửa sống nửa chết trong cái hố bên đường.
Đấy không phải lúc tra ván xem nạn nhân thuộc tôn giáo nào, quốc tịch nào, chủng tộc hoặc ngôn ngữ nào, cũng không phải là lúc nhút nhát ẩn mình sau tấm bình phong truyền thống để được an toàn. Việc đạo đức và lòng sùng kính chỉ là những phương tiện non yếu và tạm thời phải nhường chỗ cho đức bác ái là cái tuyệt đối nhất định. Đức ái bày tỏ ra trong tình yêu thương người thân cận là bằng chứng cụ thể tình yêu chân thành của ta đối với Chúa.
Kết cục có hậu, cái bẫy đã không hoạt động và viên tiến sĩ luật đã hiểu ra bài học thực hành. Ông ấy, và sau ông, cả chúng ta nữa, đều được mời gọi hãy làm như vậy. Không phải Lề Luật có thể cứu độ, cũng không phải các nghi thức và việc tuân hành luật, nhưng chính là việc hoán cải tâm hồn và Tình Yêu được phục vụ trước hết.
Hiểu Luật theo cách của Đức Giêsu, không cần tìm xem ai là người thân cận, nhưng đúng là làm thế nào để "trở nên người thân cận của ai đó? ", là biết "chạnh lòng thương" biết gạt bỏ mọi thành kiến về giai cấp và chủng tộc, về địa vị và tôn giáo.
Khi cử hành tiệc Thánh Thể, ta đã nhận biết và tiếp đón Chúa (Lời Chúa và Bánh), thì khi ra về, hãy cố gắng đừng giả bộ không nhận ra hoặc lẩn tránh Chúa khi ta gặp Người bên vệ đường.
35. Ai là người thân cận của tôi? - Lm Vũ Phan Long
Trong lãnh vực yêu thương người thân cận, người ta không được nghĩ từ bản thân, nhưng phải khởi đi từ nhu cầu thực tế của bất cứ người nào ta gặp trên đường ta đi.
1. NGỮ CẢNH
Đức Giêsu vừa mới đặt đối lập các môn đệ như là “những người bé mọn” với “các bậc khôn ngoan thông thái” (10,21); Người tuyên bố rằng các môn đệ có phúc vì được thấy được nghe nhiều điều mà các ngôn sứ và vua chúa không được (10,23-24). Nay tác giả Lc tiếp tục phần tường thuật hành trình lên Giêrusalem bằng cách giới thiệu một trong các vị thông thái để ông này hỏi Đức Giêsu và trắc nghiệm giáo huấn của Người (10,25-28). Mối phúc được công bố trên các môn đệ nay được nối tiếp bằng một đoạn văn mang tính khuyến thiện nói về sự sống đời đời và tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Sau đó, do vị thông luật còn cật vấn, Đức Giêsu đã kể Dụ ngôn người Samari nhân hậu (10,29-37) để minh hoạ đòi hỏi của tình yêu.
2. BỐ CỤC
Bản văn có thể chia thành hai phần chính:
1) Điều kiện để được sống đời đời (10,25-28):- Người thông luật đặt câu hỏi (c. 25),
- Đức Giêsu trả lời bằng câu hỏi (c.26),
- Người thông luật trả lời bằng cách trích Kinh Thánh (c. 27),
- Đức Giêsu xác nhận (c. 28);
2) Dụ ngôn người Samari nhân hậu (10,29-37):
- Người thông luật cật vấn (c. 29),
- Đức Giêsu kể dụ ngôn để đưa tới câu hỏi (cc. 30-36),
- Người thông luật trả lời (c. 37a),
- Đức Giêsu xác nhận (c. 37b).
3. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- Thử (25): Động từ ekpeirazein, “test”, để diễn tả một thái độ thù nghịch. Chính câu hỏi về người thân cận mới là cái bẫy giăng ra cho Đức Giêsu.
- Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi (27): Trước tiên, vị thông luật trích Đnl 6,5 theo bản LXX. Đây là phần mở đầu của kinh Shema, tức là lời tuyên xưng đức tin mà người Do Thái đọc mỗi ngày hai lần.
Các phương diện của con người được nói đến ở đây phải được hiểu theo nghĩa Cựu Ước: kardia, “tim, lòng”, là những phản ứng cảm xúc nhanh nhạy của con người; psychê, “linh hồn”, là sinh lực và khả năng nhận thức; ischys, “sức lực”, là chiều hướng bản năng, và dianoia, “trí khôn”, là khả năng trí tuệ và lên kế hoạch. Tổng hợp lại, các phương diện này muốn diễn tả toàn thể con người.
- yêu mến người thân cận như chính mình (27): Câu đáp thứ hai này trích Lv 19,18b (vẫn theo bản LXX), nhưng nối với câu trước như một đơn vị duy nhất. Không có chỗ nào trong Cựu Ước liên kết hai điều này với nhau cả. Chính Đức Giêsu đã xác nhận cách làm này, và như thế Người đã đơn giản hoá mà cũng là đào sâu 613 qui định của Lề Luật.
Trong sách Lêvi, “người thân cận” ở thế song đối với “những con cái của dân ngươi”, nghĩa là người Ít-ra-en. Ở Lv 19,34, tình yêu có mở rộng đến cả “ngoại kiều” (gêr) trong xứ (x. Đnl 19,10), nhưng không mở ra với những người khác, chẳng hạn các gôyým, “các dân [ngoại]”.
- Cứ làm như vậy là sẽ được sống (28): nghĩa là được sống đời đời. Chỉ người nào đưa điều răn yêu thương ra thực hành thì mới đạt được sự sống. Động từ zêsê (“anh sẽ được sống”) rất có thể gợi đến Lv 18,5 là câu có lời hứa ban sự sống cho ai vâng phục các quy tắc và quyết định của Đức Chúa. Như thế, những lời Đức Giêsu nói đã thêm vào một lời khuyên cho lệnh truyền của Lề Luật vì lệnh truyền này vẫn còn có tính lý thuyết. Và đây chính là bài giáo lý tác giả Lc nhắm gửi đến cho độc giả Kitô hữu.
- từ Giêrusalem xuống Giêrikhô (30): Theo sử gia Gioxép (J.W. 4.8,3 § 474), còn đường này dài khoảng 150 stadia (khoảng mười tám dặm, một dặm [stadion] dài khoảng 185m) đi qua vùng “sa mạc và lởm chởm đá”. Giêrikhô, “thành phố chà là” (2 Sb 28,15), nằm kề ranh giới miền Pêrê, dọc theo một tuyến đường giao thông quan trọng, là một điểm chiến lược mà đế quốc Rôma quan tâm trong việc cai trị Giuđê. Tại đây người ta dễ gặp các nhân viên của đế quốc hoặc các sĩ quan, binh lính Rôma. Thành này không phải là Giêrikhô thời Cựu Ước (= Tell es-Sultan), mà là thành được Hêrôđê Cả thiết lập khoảng một dặm rưỡi về phía nam trên bờ tây của cánh đồng Giođan.
- một thầy tư tế (31): Rất có thể thầy đã xong thời gian phục dịch tại Đền Thờ Giêrusalem, nay đang đi về nhà. Truyền thống kinh sư sau này cho biết Giêrikhô là nơi có một số tư tế cư ngụ.
- một thầy Lêvi (32): Tên này lúc đầu chỉ một thành viên của chi họ Lêvi, tức một con cháu của người con thứ ba của Giacóp (St 29,34). Trong Cựu Ước, danh hiệu “thầy Lêvi” thường được dùng để gọi những người không thuộc dòng dõi Aharon, nhưng được giao cho làm những việc lặt vặt liên hệ đến việc phụng tự và các nghi thức ở Đền Thờ.
- người Samari (33; x. 9,52): tức dân cư Samari. Samari là kinh đô của vương quốc phía Bắc do vua Omri sáng lập vào khoảng năm 870 tr CHÚA GIÊSU. Sau này, tên gọi “người Samari” (hl. Samaritês) trở thành một tên gọi mang tính chủng tộc và tôn giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Giuđê và Galilê, về phía tây sông Giođan. Sự đoạn tuyệt giữa người Samari và người Do Thái được giải thích khác nhau tuỳ mỗi bên. Thường người ta cho rằng có sự chia lìa đó là do có việc đế quốc Átsua đưa người Do Thái đi lưu đày sau khi chiếm được đất nước năm 722 tr CHÚA GIÊSU và đưa những người không phải là Do Thái vào làm thực dân ở trong miền đó (2 V 17,24). Có lẽ cũng do đó mà sau này những người ở lại quê nhà đả phá những người Do Thái hồi hương khi những người này xây lại thành và Đền Thờ Giêrusalem (x. Er 4,2-24; Nkm 2,19; 4,2-9). Dù thế nào, những người Samari chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là Kinh Thánh và đã xây một đền thờ trên núi Garidim (Tell er-Râs) vào thời Hy-lạp (đền này đã bị phá huỷ dưới thời Gioan Hiếccanô, khoảng năm 128 tr CHÚA GIÊSU).
- chạnh lòng thương (33): Động từ splanchnizesthai có nghĩa là “đau lòng, lòng quặn thắt”.
4. Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN
* Điều kiện để được sống đời đời (25-28)
Chuyện xảy ra khi một vị thông luật hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Ông quan tâm đến sự sống đời đời. Ông xác tín rằng ông phải làm điều gì đó để có sự sống này, chứ sự sống đời đời không từ trời rơi xuống. Câu hỏi này đi xa hơn những mối bận tâm và lợi lộc hằng ngày. Câu hỏi này giả thiết là mọi sự không chấm dứt với cái chết, nhưng có một sự sống đời đời, không hề mai một, một sự sống vượt thắng cái chết. Với mối bận tâm có ý thức và với tinh thần trách nhiệm, vị thông luật hỏi: “Tôi phải làm gì để cuộc sống bên kia cái chết không trở thành cho tôi một hoàn cảnh bị phạt, nhưng là một sự sống vĩnh cửu đầy niềm vui?”.
Giống như Đức Giêsu, vị thông luật cũng đi từ tiền giả định là có một sự sống đời đời. Ông hoàn toàn đồng ý là để đạt được sự sống ấy, dứt khoát phải yêu mến Thiên Chúa và người thân cận trong cuộc sống hiện tại. Đức Giêsu đã đánh giá là ông trả lời đúng và đề nghị cứ làm như thế.
* Dụ ngôn người Samari nhân hậu (29-37)
Cảm thấy bị nhục vì phải tự tìm câu trả lời, vị thông luật chuyển sang bình diện suy lý: “Ai là người thân cận của tôi? Ai thuộc về khối những người mà tôi phải yêu thương như chính mình tôi?”. Dường như ông xác tín rằng phải có những giới hạn trong số những người mà ông phải yêu thương. Đối với người Do Thái, chỉ người đồng hương mới được coi như là người thân cận, và người ta mới phải yêu thương và giúp đỡ. Vẫn tỏ ra mình làm chủ cuộc tranh luận, Đức Giêsu coi câu hỏi của vị thông luật là quan trọng, và vì nhắm phục vụ công cuộc cứu độ các linh hồn, Người trả lời bằng dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”.
Con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô băng qua sa mạc. Cho đến cuối thế kỷ XX, đây là một con đường không an toàn, thường xuyên bị các đám cướp tấn công. Một người vô danh, không rõ địa vị, nòi giống, quốc tịch và tôn giáo, đã rơi vào tay bọn cướp. Ông bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc bên vệ đường giở sống giở chết: đây là một tình cảnh hết sức quẫn bách. Nói rằng một con người ở trong tình cảnh ấy cần được giúp đỡ, và ai giúp đỡ người ấy là thân cận của người ấy, điều này thật rõ ràng trước mắt mọi người. Thầy tư tế và thầy Lêvi đã thấy con người nằm đó dở sống dở chết, nhưng đã sang bên kia đường mà tiếp tục bước đi. Sự bận tâm đến sự an toàn và sự tiện nghi thì mạnh hơn lòng đồng cảm đối với người bị nạn. Lối xử sự của người Samari khác hẳn. Ông hành động cách gương mẫu, ông đẩy mọi sự khác vào bình diện thứ hai và chỉ còn thấy tình trạng cần kíp của con người đang nằm trên đường dở sống dở chết. Ông đau lòng trước tình cảnh đáng thương, ông tìm mọi cách để kéo anh ta ra khỏi tình trạng nguy kịch càng nhanh càng tốt. Ông đã tận dụng tất cả những gì ông có để cứu giúp người bị nạn (dầu, rượu, con lừa, bạc).
Đức Giêsu đã cố tình chọn một người Samari làm kiểu mẫu. Hạng người lạc đạo ấy, không hề có kiến thức của nhà luật học, cũng không có phẩm cách của vị tư tế hay thầy Lêvi, lại tỏ ra hết sức nhân ái và đạo đức. Ông đã thực hành hai điều răn lớn của Cựu Ước về đức mến. Do đó, chính ông mới đáng được gọi là người Ít-ra-en chân chính.
Đức Giêsu cho thấy rằng trong vấn đề yêu thương, không thể vạch ra một giới hạn chính xác. Người không nêu ra những tiêu chí, xác định một con số giới hạn gồm những kẻ mà ta phải yêu thương. Như trong những trường hợp khác, Người thay đổi hướng nhìn, mở rộng chân trời. Vị thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi, kẻ mà tôi phải yêu thương?”. Đức Giêsu đảo ngược câu hỏi: “Ai đã tỏ ra là [ai đã trở thành] người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Như thế, Người đã thay đổi tầm nhìn. Dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng của Đức Giêsu hoàn toàn trả lời cho câu hỏi đầu tiên của vị thông luật: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (c. 25).
+ Kết luận
Trong lãnh vực yêu thương người thân cận, người ta không được nghĩ từ bản thân, nhưng phải khởi đi từ nhu cầu thực tế của bất cứ người nào ta gặp trên đường ta đi. Chỉ khi đó, đời sống ta mới trở thành con đường đưa tới cuộc sống vĩnh cửu. Vị thông luật tưởng có thể giữ cuộc tranh luận trên bình diện lý thuyết, nào ngờ Đức Giêsu đã đưa được ông về bình diện những thực tại sống động và đặt ông trước một chọn lựa: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37).
5. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Có một thái độ ngược lại với thái độ của vị thông luật: “Tôi chẳng hề quan tâm tìm biết là sau cái chết, sự sống có tiếp tục chăng và chuyện này xảy ra như thế nào. Tôi đang có khá nhiều chuyện bận bịu với cuộc sống hiện tại rồi, nên không muốn nặng lòng với những mối bận tâm về sự sống đời đời. Đàng khác, người ta không biết được gì chắc chắn. Tôi tìm cách thoả mãn các nỗi niềm chờ mong của tôi trong đời sống hiện tại, chứ không quan tâm đến một sự sống đời đời có thể có”. Một thái độ như thế đã bị Đức Giêsu đánh giá là “ngu” (Lc 12,13-21). Người ta không thể giải quyết một câu hỏi bằng cách nhắm mắt lại và không muốn chấp nhận nó. Người ta tránh trả lời một cách có trách nhiệm câu hỏi về sự sống đời đời, bằng cách nói rằng người ta không muốn dính dáng gì đến nó. Ngược lại đối với Đức Giêsu, sự sống đời đời là một thực tại quyết định. Bởi vì nếu không có sự sống đời đời, nếu không có trách nhiệm trước Thiên Chúa hằng sống, thì rốt cuộc người ta xử sự thế nào trên con đường đưa tới Giêrikhô cũng chẳng quan trọng gì. Chẳng bao lâu người ta sẽ quên đi mọi sự. Sẽ chẳng có ai cật vấn tôi và tôi sẽ chẳng phải trả lẽ với ai cả. Nhưng trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa không phải là chuyện xa lạ với thế giới; trách nhiệm này đưa tới trung tâm của đời sống hiện tại của chúng ta và qui định hình thức của đời sống này. Nó qui định điều gì là đúng và điều gì là sai trên đường đưa tới Giêrikhô. Không có trách nhiệm này, chỉ còn một vấn đề duy nhất là làm thế nào sống càng lâu càng tốt và sống càng thoải mái càng tốt.
2. Ta không thể nói: “Người thân cận của tôi có thể còn là người bà con đời thứ ba; người cư ngụ cùng đường phố với tôi; người cùng làm việc trong một xí nghiệp với tôi; người có thiện cảm với tôi, v.v.”. Đức Giêsu không chấp nhận những giới hạn cho tình yêu thương đối với người khác. Tôi không được suy nghĩ khởi đi từ chính bản thân: “Tôi còn buộc phải làm cho ai điều gì? Tôi [còn] phải giúp đỡ ai? Kể từ điểm đó, chuyện ấy không còn dính dáng đến tôi nữa?”. Không phải là bậc họ hàng hoặc mối thiện cảm sẽ qui định ai là người thân cận của tôi, nhưng là tình trạng cần được giúp đỡ thực sự trong đó người kia đang lâm vào. Bất cứ ai xuất hiện trên đường tôi đi, mà đang ở trong tình trạng quẫn bách, đều là người thân cận mà tôi phải yêu thương và giúp đỡ.
3. Muốn thực sự giúp đỡ người lâm nạn, người ta phải dấn thân vào trọn vẹn. Việc ấy có thể làm cho ta phải mất thì giờ, tốn phí tiền bạc, gây phiền toái, làm xáo trộn sự yên tĩnh cũng như chương trình, thậm chí có thể kèm theo một nguy hiểm cho mình nữa. Nhưng đấy chính là thực sự yêu thương người thân cận, một tình yêu đưa đến sự sống đời đời. Như thế, phải luôn mở mắt và có trái tim sẵn sàng để nhận ra được rằng ai đang thật sự cần được tôi giúp đỡ và tôi phải giúp đỡ người ấy thế nào. Hôm nay trên đường đời, vẫn còn có vô số “kẻ cướp”, nên sẽ còn vô số người rơi vào tay “kẻ cướp”, nằm trên đường ta đi, và chờ đợi ta trợ giúp.
4. Câu hỏi về sự sống đời đời đưa thẳng vào cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về lộ trình chúng ta theo hằng ngày, sao cho lộ trình này trở thành hành trình đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Muốn thế, cần biết không vội vàng lo cho bản thân và lo cho những dự phóng riêng tư, nhưng biết dừng lại để mau mắn giúp đỡ những ai ở bên vệ đường đang cần được cứu giúp.
5. Đức mến phải phát xuất từ lòng của từng con người, phải thiết thực và hữu hiệu. Người Samari đã dừng lại, băng bó vết thương, thanh toán mọi chi phí cho chủ quán. Ông không cần tìm hiểu xem đây phải chăng là một người Do Thái, tức một kẻ thù không đội trời chung. Ông chỉ cần biết đây là một người đáng thương cần được cứu giúp, và ông đã cứu giúp.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam