Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1379510
PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI BẰNG ĐỜI SỐNG PHẢN CHIẾU TIN MỪNG.
PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI BẰNG ĐỜI SỐNG PHẢN CHIẾU TIN MỪNG.
Sau khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi ăn năn sám hối, nhiều người tỏ ra phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống sai lạc của mình. Họ xin thánh Gioan những lời khuyên: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”
Gioan Tẩy Giả đã đưa ra những lời khuyên thiết thực.
Đối với người khá giả thì ngài khuyên họ hãy chia cơm xẻ áo: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” (Lc 3,11)
Đối với người thu thuế thì ngài dạy họ đừng bắt chẹt ai: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Lc 3,13)
Đối với người nắm quyền lực trong tay thì đừng ức hiếp dân lành và đừng tham nhũng: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” (Lc 3,14)
Nói chung, các lời khuyên nêu trên đều khuyến khích mọi người thực hiện công lý, công bằng và bác ái.
Nhưng tiếc thay, những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả trên đây cũng như những lời Chúa dạy trong Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận và đem ra thực hành nên nhân loại phải sống triền miên trong bất công và nghèo đói.
Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Phát Triển của Liên Hiệp Quốc năm 2009, hiện nay những người giàu nhất trên thế giới tuy chỉ chiếm 2% số người trưởng thành trên địa cầu nhưng lại sở hữu tới hơn một nửa của cải toàn thế giới; trong khi hơn một nửa dân số nghèo trên thế giới chỉ chiếm chưa đầy 1% của cải trên toàn trái đất nầy!
Còn theo báo cáo của FAO (Tổ Chức Lương Nông Thế Giới) ngày 14 tháng 10 năm 2009 thì hiện nay có đến 1.02 tỉ người, chiếm 1/6 dân số toàn cầu, đang lâm nạn đói. Số người đói đã lên đến mức kỷ lục!
Trong hoàn cảnh số người lâm nạn đói tăng lên nhiều chưa từng thấy và sự chênh lệch giàu nghèo đạt tới khoảng cách chưa từng có trong lịch sử loài người, thì việc chia cơm xẻ áo, thực thi công lý và công bằng mà Thiên Chúa mời gọi, qua miệng ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, là việc làm khẩn thiết hơn bao giờ hết, để đem lại ấm no cho mọi người, đem lại công bằng cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho muôn dân.
Hơn ai hết, Kitô hữu phải là người đầu tiên đáp lời mời gọi của Thiên Chúa và Hội Thánh để thực thi bác ái, công bình trong xã hội.
Một số người cho rằng đạo và đời là hai lãnh vực cách biệt, chẳng có liên hệ gì với nhau nên bên nào thì chuyên lo việc bên đó. Thực ra, hai lãnh vực nầy gắn bó với nhau mật thiết như xác với hồn, bởi vì khi tôn giáo đào tạo nên một tín hữu tốt thì xã hội có thêm một công dân tốt; khi người tín hữu sống công bằng bác ái với người chung quanh, là họ đang làm cho xã hội nên tốt đẹp, vì họ cũng là công dân trong xã hội. Chính khi sống theo những lời khuyên dạy của Tin Mừng, Kitô hữu góp phần xây dựng và phát triển xã hội bằng chính đời sống của mình.
Vì thế, trong thư gửi cộng đồng dân Chúa dịp công bố năm thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI gửi cộng đồng dân Chúa: “Khi xây dựng đời sống mình trên nền tảng những giá trị Tin Mừng như bác ái, liêm chính và quý trọng công ích, anh chị em là những công dân tốt, tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Qua anh chị em, Giáo Hội đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện…” Nói tóm lại: bằng đời sống phản chiếu Tin Mừng, người giáo dân góp phần phát triển con người và xã hội.
* * *
Dù chỉ là một khối đất đá sù sì không có gì hấp dẫn nhưng mặt trăng trở nên cần thiết và mang vẻ đẹp tuyệt vời khi đón nhận ánh sáng mặt trời và phản chiếu ánh sáng đó soi chiếu nửa phần trái đất đang chìm trong bóng tối. Cuộc đời người Kitô hữu dù có tầm thường, cũng trở nên hữu dụng và có giá trị cao khi biết đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa và phản chiếu ánh sáng Tin Mừng đó cho những người chung quanh.
49. Sự sám hối chân thành – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền.
Người Việt Nam được coi là một dân tộc hiếu khách. Vì thế, khi khách đến nhà thì “không gà thì vịt” và cố gắng tiếp đón làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Thực vậy, khi có khách đến thăm, người ta thường thăm dò ý muốn sở thích của vị khách để tiếp đãi cho chu đáo. Khách càng sang, càng cao qúy người ta càng chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang trí nhà cửa, sân vườn đến các món ăn mà vị khách ưa thích. Cũng bởi sự hiếu khách đó, mà người Việt Nam thường tự trách mình thất lễ khi thiếu sự chuẩn bị mà khách lại đột xuất viếng thăm.
Cách đây hơn 2.000 năm người dân Palsetin cũng háo hức đón chờ một thượng khách đến viếng thăm. Một vị khách mà cả pho Cựu ước là bằng chứng sự trăn trở đợi chờ. Đó chính là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia sẽ đến để thực hiện lời hứa cứu độ cho nhân trần. Hôm nay họ nghe Gioan rao giảng Đấng đó đã đến nhân trần. Đấng mà cha ông họ ngày đêm mong chờ mà chưa có diễm phúc gặp gỡ, nay quả là phúc đức cho họ được diện kiến Đấng Thiên sai. Họ tràn ngập niềm hân hoan. Họ chạy đến Gioan để tư vấn, xem phải làm gì để vui lòng Đấng Messia? Từ những người nông dân chất phác đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn đến các nhà thu thuế và quan quyền đều muốn có một động tác chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp Đấng Messia. Nhưng lạ thay, Gioan không bảo họ trang trí nhà cửa phố xá cho nguy nga lộng lẫy. Gioan không bảo họ chuẩn bị các món ăn đặc sản của dân tộc để thiết đãi Đấng Messia. Gioan đề nghị họ một cung cách sống để vui lòng Đấng Messia. Đối với đám đông dân chúng hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Đừng chồng chất thêm gánh nặng cho dân bằng sưu cao thuế nặng. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với binh lính, Gioan đề nghị hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.
Nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp giòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.
Hôm nay, Giáo hội cũng gợi lại hình ảnh đó để nhắc nhở con người thời nay. Chúa đã đến với chúng ta hôm nay qua tha nhân, qua các bí tích. Chúa sẽ đến với chúng ta trong ngày cuối cùng của đời người dương gian, và Chúa sẽ đến trong uy nghi vinh hiển trong ngày quang lâm. Vậy có ai đó đã tự hỏi lòng mình: tôi phải làm gì để đón tiếp Chúa? Nếu chúng ta tin rằng Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, liệu rằng chúng ta có gì để dâng cho Chúa? Có lẽ Chúa không cần chúng ta xây nhà nguy nga lộng lẫy cho Chúa. Chúa cũng không cần chúng ta trải thảm lót đường cho Chúa. Chúa chỉ cần chúng ta dâng cho Chúa tấm lòng thanh sạch không vương vấn tội nhơ. Một con tim tràn đầy tình yêu thương đồng loại. Một tấm lòng muốn sửa đổi, muốn thăng tiến bản thân cho tốt hơn, cho đúng với giáo huấn và lề luật của Chúa.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Khi Chúa giáng sinh, muôn loài đều tới mừng Chúa. Mỗi loài đều dâng cho Chúa chút quà. Chị bò cái dâng sữa, cậu khỉ biếu Chúa mấy trái cây nhỏ, chú sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa. Chúa hài đồng vui vẻ nhận tất cả.
Đang lúc các thú vật quây quần bên Chúa, thì chàng cáo xuất hiện. Các con vật đều ghét cáo, vì hắn gian manh quỉ quyệt. Chúng chận không cho cáo đến gần Chúa và tự hỏi không biết cáo định âm mưu gì. Cáo nói rằng, cáo đến dâng lễ vật cho Chúa, nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật. Chúa ra hiệu cho cáo vào. Quì bên Chúa hài đồng chàng cáo thì thầm:
– Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa lòng quỷ quyệt của con!
Mọi con vật bỡ ngỡ:
– Dâng gì kỳ cục vậy?
Nhưng cáo vui cười hớn hở, còn Chúa đặt hai tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận chúc lành.
Có lẽ đó là món quà mà Chúa cần chúng ta dâng cho Chúa. Dâng lên Chúa chính tội lỗi, yếu đuối của mình. Dâng cho Chúa là hứa với Chúa từ nay sẽ thôi không theo đường cũ, quyết ăn ở ngay lành, sống công bình bác ái và thân ái với mọi người. Ước mong những ngày chuẩn bị mừng lễ giáng sinh với sự trang hoàng bên ngoài bằng hang đá, cây thông, đèn sao lấp lánh, mỗi người chúng ta cũng chuẩn bị một món quà từ tấm lòng sám hối ăn năn để từ trong sâu thẳm cõi lòng có thể rộn ràng lên câu hát “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Amen.
50. Loan báo Lòng Thương Xót
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Cuộc đời thật vui khi con người sống yêu thương nhau. Tình yêu sẽ giúp người ta sáng tạo ra muôn nghìn cách để làm vui lòng nhau. Mỗi nghĩa cử yêu thương sẽ mang lại cho đời muôn vàn nụ cười của sự mãn nguyện hạnh phúc.
Có một lần đến quán cơm Nghĩa Tình ăn cơm giá 5.000đ với thợ lao động. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt những người nghèo là một nụ cười hạnh phúc vì được ăn ngon và no. Vì ở đây cơm được bao no với cơm thịt, cơm cá thật phong phú. Đặc biệt ở đây còn có “Ngày thứ năm hạnh phúc”. Trong ngày này tất cả các món như: phở, hủ tíu, bún bò, bún bò huế… cũng đồng giá là 1.000 đồng/1 tô và mọi người ăn bao nhiêu tùy thích.
Nếu tình cờ đi ngang qua các bệnh viện, các nơi có đông những công nhân nghèo chúng ta cũng thấy rộ lên niềm vui trên khuôn mặt những người nghèo khi nhận được những chén cháo tình thương, những bát cơm nhân ái…
Và như vậy, nếu xã hội có nhiều người thiện tâm làm việc thiện, luôn quảng đại dấn thân cho mọi hạng người cùng đinh là chúng ta đang làm cho xã hội vui lên, nhất là cho những phận người bất hạnh vui lên.
Phụng vụ Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng mời gọi chúng ta cùng vui lên. Vui lên vì Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Vui lên vì giờ hồng phúc đã đến với con người chúng ta. Và niềm vui này càng được nhân lên khi Gioan mời gọi mọi thành phần hãy làm điều gì đó tốt cho anh em. Gioan bảo đám đông dân chúng hãy làm cho xã hội vui lên qua việc thực thi bác ái một cách quảng đại với tha nhân: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Xã hội sẽ vui hơn nếu con người biết sống công bình với nhau. Cuộc đời sẽ vui hơn nếu người nghèo được quan tâm, được giúp đỡ. Xã hội sẽ hòa bình trật tự nếu mọi người biết tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của nhau thay cho những hà hiếp, áp bức làm đau lòng nhau…
Có ai đó nói rằng: cuộc sống vốn đầy khổ đau rồi, đừng chồng chất gánh nặng lên nhau. Hãy sống làm vui lòng nhau hơn là đầy đọa nhau. Không ai lại vui khi nhìn thấy người khác khóc. Tại sao chúng ta không đối xử nhân ái với nhau thay vì cứ nói xấu, hay tìm cách loại trừ nhau? Làm đau lòng nhau đâu khiến ta vui lên?
Thế nên, điều quan yếu là hãy làm vui lòng nhau để gây tiếng cười cho nhân thế. Hãy thực thi lòng nhân ái trong Năm Lòng Thương Xót. Hãy thể hiện tình yêu một cách cụ thể chia cơm cho người đói ăn. Hãy tạo tình liên đới khi mời một gia đình nghèo hay di dân cùng ăn cơm với ta. Hãy sống khoan dung khi tha nợ cho những người bất hạnh đang gặp rủi ro, tai nạn trong làm ăn. Hãy sống tình tha thứ thay cho những đố kỵ ghen tương. Hãy xây dựng hòa bình thay cho những xung đột, hiềm khích lẫn nhau…
Đó là cách chúng ta loan báo Lòng Thương Xót Chúa cho anh em. Đó chính là lời chứng hùng hồn cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa mà chúng ta đã được hấp thụ, uốn nắn lên người loan báo tình thương.
Xin cho đời sống của chúng ta luôn mang lại niềm vui cho nhân thế qua việc bác ái, phục vụ. Xin cho lời loan báo tình thương của chúng ta luôn đi đôi với việc làm để muôn dân sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa, và cùng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa. Amen.
51. Thắp sáng đức tin
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng trăm cây nến được mang tới nhà thờ làm phép. Các cửa hàng bán nến xem ra “đắt như tôm tươi”. Vì người này rỉ tai người kia phải mua nến để chuẩn bị ngày “tận thế”. Người ta rỉ tai nhau “nếu không có nến được làm phép sẽ chịu cảnh tối tăm bao trùm trong ngày “tận thế”.
Có người còn xác định thật rõ ràng ngày định đoạt đó là ngày 21.12! Xem ra người ta rất sợ ngày đó. Đối với họ, đó không phải là ngày lành. Đó không phải là ngày họ chờ đợi mà là ngày họ không bao giờ muốn xảy đến trong cuộc đời của họ.
Theo niềm tin ky-tô giáo chúng ta vẫn xác tín sẽ có ngày “cánh chung” đối với con người và vũ trụ. Đó là ngày Chúa Ky-tô quang lâm để đưa vũ trụ tới thành toàn viên mãn. Nhưng đây không phải là ngày sợ hãi, mà là ngày tràn ngập niềm vui. Ngày mà muôn dân phải mong đợi. Vì trong ngày đó, Đức Ky-tô sẽ mang đến cho nhân trần niềm hạnh phúc viên mãn và trường cửu. Ngày đó con người sẽ không còn lo sợ chiến tranh, không còn lo âu vất vả, không còn những hỉ nộ ái ố. Ngày đó con người sẽ cùng nhau hát tiếng ca hoà bình. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thiết đãi các dân tộc một bữa tiệc hiệp nhất, một bữa tiệc tràn đầy hoan lạc và bình an.
Trong ngày cánh chung của vũ trụ và cũng là ngày Đức Ky-tô quang lâm lần thứ hai, Giáo hội vẫn nhắc nhở chúng ta phải luôn cầm nến sáng trên tay. Nhưng không phải là cây nến vật chất mau tan biến mà là cây nến tâm hồn chúng ta. Cây nến của đức tin luôn toả sáng giữa thế gian. Cây nến của cuộc đời luôn tràn ngập tình yêu với tha nhân.
Như Gioan đã đề nghị người Do Thái một cung cách sống để đón chờ Đấng Messia. Giáo hội cũng mượn lời Chúa hôm nay để nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa hãy có thái độ sẵn sàng chờ đón Chúa. Đối với tín hữu hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Đừng chồng chất thêm gánh nặng cho dân bằng sưu cao thuế nặng. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với quan quân hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.
Năm xưa dân Do Thái, nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp dòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.
Thế nhưng, thế giới hôm qua cũng như hôm nay vẫn còn đó những bất công và hận thù, những chia rẽ, dối gian vì con người vẫn chưa dám sống theo niềm tin của mình. Họ tin Chúa, tin đạo nhưng không thực hành đạo. Đức tin của con người chỉ dừng lại nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng không mang ra thực hành giữa cuộc đời. Đức tin của con người hôm nay đôi khi chỉ thể hiện trong nhà thờ nhưng không dám thể hiện trong thánh lễ cuộc đời.
Ước gì năm đức tin sẽ là dịp để chúng ta thể hiện đức tin của mình bằng hành động. Đức tin không dừng lại ở lời tuyên xưng nhưng thể hiện bằng cả đời sống tin cậy mến giữa cuộc đời. Ước gì ánh nến đức tin của chúng ta luôn sáng ngời, luôn được thắp sáng giữa thế gian còn đầy bóng tối của nghi nan, bóng tối của bất công và chia rẽ. Và ước gì chúng ta luôn là ngọn nến thắp sáng cho trần gian ánh sáng của tin yêu và hy vọng. Amen.
52. Suy niệm của McCarthy.
Suy Niệm 1. VĨ ĐẠI CỦA GIOAN TẨY GIẢ
Ngày kia, có một người thắp đèn kỳ lạ, tên là ông T. Ông là một người hoàn toàn đáng tin cậy và chính xác như một cái đồng hồ. Mỗi tối, khi trời vừa chập tối, thì các ngọn đèn dầu luôn luôn được thắp sáng lên. Bằng cách nào mà ông đoán biết được giờ giấc mà không một ai biết được, bởi vì ông không hề có đồng hồ.
Người ta thường nhìn ra cửa sổ đằng trước, khi ông đi lên đi xuống trên đường, để lại một vệt ánh sáng phía sau ông. Đối với tất cả mọi người, rõ ràng ông yêu mến công việc của mình. Ông sống chỉ vì một việc duy nhất: đốt lên những ngọn đèn. Cuộc sống của ông không phải là một cuộc sống dễ dàng, nhưng sáng rực một ý nghĩa.
Tất cả mọi người đều yêu quý ông, đặc biệt là các trẻ nhỏ. Khi bóng tối đến đe dọa kết thúc những trò chơi trên đường phố của chúng, thì ông T. đến, cùng với ngọn đèn, và chúng lại được tiếp tục chơi.
Điều gì làm cho ông T. trở nên lạ lùng đến thế? Rốt cuộc, có nhiều người yêu mến công việc của mình, và làm một cách trung thành. Tính cách vĩ đại của ông T. hệ tại ở sự kiện rằng ông bị mù lòa. Con người quá trung thành trong việc đem ánh sáng đến cho những người khác, nhưng lại không bao giờ nhìn thấy bản thân mình.
Cuối cùng, khi có đèn điện, và hiện nay, theo năm tháng, ông T. đã già yếu rồi, thì ông trở nên một người thừa. Cuộc sống của ông đột nhiên bị mất đi ý nghĩa. Ông cảm thấy mình vô dụng và không còn ai mong mỏi nữa. Thật đáng buồn. Những người đã từng quý mến ông, thì nay đã quên lãng ông. Ánh sáng mới vượt xa ánh sáng cũ quá nhiều, đến nỗi không còn ai tiếc nuối ánh sáng cũ nữa.
Ông T. nhắc nhở chúng ta về thánh Gioan Tẩy Giả. Tương tự như ông T., thánh Gioan Tẩy Giả đã làm việc cần cù, để mang đến cho mọi người ánh sáng của bản thân ngài. Ngài đã một nhân vật nổi tiếng, thống trị cả một vùng. Nhưng ngài luôn ý thức rằng có một ánh sáng vĩ đại hơn sắp đến, một ánh sáng mà bản thân ngài không được tiền định để đi vào. Khi ánh sáng đó xuất hiện qua con người của Đức Giêsu, thì ngài đứng sang một bên, để dọn đường cho Đức Giêsu. Đó là một tính cách vĩ đại.
Không một người nào đến, để làm nổi bật hoặc đạt được sự nổi tiếng cho bản thân mình. Bạn sẽ luôn luôn nhận thấy rằng ở sau hậu trường, có một người tạo điều kiện thuận lợi. Công việc của người đó là giúp đỡ, hướng dẫn và khích lệ bạn. Nói cách khác, để chuẩn bị đường cho bạn. Khi bạn đạt được sự nổi tiếng thì không ai nhìn đến người dọn đường nữa, và thường bị rơi vào quên lãng.
Để dọn đường, hoặc thậm chí chỉ để dọn phòng cho người khác, thì đòi hỏi phải có tinh thần khiêm tốn và quảng đại. Thật vậy, công việc này đòi hỏi một kiểu chết đi về bản thân mình. Khi rút lui khỏi một chức vụ cao, là chết đi một chút, thậm chí lại còn hơn cả một chút nữa. Một số người làm hư việc, khi nắm quyền lực trong một thời gian quá lâu dài.
Các bậc cha mẹ luôn dành ra những năm tháng tốt đẹp nhất cuộc đời mình, để chuẩn bị đường cho những đứa con của họ, theo ý nghĩa là mở lối cho chúng đi vào cuộc đời. Nhưng đến một thời điểm nào đó, cha mẹ phải rút lui, để con cái họ có thể tự đi trên đôi chân của chúng. Một khi đã đem cuộc sống đến cho con cái, thì cha mẹ cũng phải cho phép chúng được sống cuộc sống đó.
Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng thích được nổi tiếng. Có lẽ một cách đầy bất ngờ, chúng ta thường thống trị người khác, và loại bỏ họ vào bóng tối. Chúng ta phải cố gắng chiếu tỏa hết khả năng của mình ra, trong khi vẫn phải cẩn thận, để không ngăn cản đường đi của người khác. Và chúng ta cũng phải ý thức về món nợ đối với người khác, đó là những người đã chuẩn bị đường cho chúng ta.
Suy Niệm 2. BÍ QUYẾT CỦA HẠNH PHÚC
Một trong những chủ đề của các bài đọc hôm nay là chủ đề về hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều mong muốn có hạnh phúc. Nhưng bí quyết của hạnh phúc là gì?
Lần kia, có một người chăn chiên gửi con trai của ông đến với một người khôn ngoan, để học hỏi bí quyết của hạnh phúc. Khi tới tòa lâu đài đẹp đẽ, nơi sinh sống của con người khôn ngoan đó, người con trai đó nói với ông ta rằng anh mong muốn được biết về bí quyết của hạnh phúc. Tuy nhiên, thay vì giải nghĩa cho anh về bí quyết này, con người khôn ngoan đó lại đưa cho anh một cái muỗng chứa đầy dầu, nói rằng: “Con hãy nhìn khắp chung quanh tòa lâu đài. Trong đi vòng quanh, con hãy mang theo cái muỗng này, mà không được làm chảy dầu ra”.
Anh thanh niên bắt đầu đi vòng quanh tòa lâu đài. Trong khi đi, anh liên tục nhìn vào cái muỗng. Sau hai giờ, anh trở lại căn phòng, nơi có nhân vật khôn ngoan đó.
Người khôn ngoan hỏi “Tốt, thế con nhìn thấy cái gì?”.
Anh thanh niên tỏ ra bối rối, và thú nhận rằng anh không hề nhìn thấy gì cả. Mối quan tâm duy nhất của anh là không làm chảy dầu ra, theo như người khôn ngoan đã tin tưởng vào anh. Người khôn ngoan nói: “Vậy thì con hãy đi trở lại, và quan sát những quang cảnh tuyệt vời trong thế giới của ta. Con không thể tin tưởng vào một người nào, nếu con không biết gì về ngôi nhà của người đó”.
Trong tâm trạng khuây khỏa, anh thanh niên cầm lấy cái muỗng, và trở lại với công việc đi khám phá tòa lâu đài, lần này, anh quan sát tất cả những đồ đạc đẹp đẽ và những tác phẩm nghệ thuật trang trí các căn phòng của tòa lâu đài. Sau đó, anh thăm viếng khu vườn, với vòi nước nguy nga, những bông hoa và những bụi cây xinh đẹp, thưởng thức thị hiếu thẩm mỹ mà tất cả mọi đồ vật được bố trí theo đó. Khi trở về với nhân vật khôn ngoan, anh tường thuật lại từng chi tiết mọi thứ anh đã nhìn thấy.
Người khôn ngoan hỏi: “Nhưng những giọt dầu mà ta đã tin tưởng giao phó cho con đâu rồi?”. Anh thanh niên nhìn xuống cái muỗng, và nhận thấy không còn chút dầu nào cả.
Người khôn ngoan nói “À, ta chỉ có thể cho con một lời khuyên mà thôi: Bí quyết của hạnh phúc hệ tại ở khả năng nhìn thấy tất cả những điều tuyệt vời của thế giới, không bao giờ quên lãng những giọt dầu trong cái muỗng”.
Ngay tức khắc, anh thanh niên hiểu được điều mà nhân vật khôn ngoan đang nói. Người chăn chiên có thể ưa thích đi đây đi đó, nhưng người đó không bao giờ được quên đàn chiên của mình. Bí quyết của hạnh phúc bao gồm sự trung thành với những lời cam kết của mình và có tinh thần trách nhiệm, trong khi đồng thời vẫn thưởng thức được hương vị cuộc sống. Thật dễ dàng có hạnh phúc, khi chúng ta đang làm công việc mà mình mong muốn. Nhưng để tìm thấy hạnh phúc trong những công việc mà chúng ta phải làm, chứ không đơn giản là trong công việc mà chúng ta muốn làm, thì đây là một ân sủng của Thiên Chúa.
Hạnh phúc không phải là một cảm giác tự mãn nông cạn. Chúng ta không thể có hạnh phúc, nếu những công việc chúng ta làm đều khác hẳn so với những điều chúng ta tin tưởng. Và không thể có hạnh phúc, mà không có tình yêu. Khi chúng ta khước từ tình yêu, thì một cảm giác buồn phiền sẽ thấm nhập vào tâm hồn chúng ta.
Chúng ta cũng không được đánh giá sự vui mừng và lạc thú ngang hàng với nhau. Lạc thú thuộc về cơ thể, còn sự vui mừng thuộc về tinh thần. Bạn có thể nhanh chóng ngán ngẩm lạc thú, nhưng bạn không bao giờ chán ngán niềm vui.
Cuối cùng, chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng được trọn vẹn những giấc mơ của chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa chính là nguyên nhân đưa đến niềm vui cho chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã nói với dân chúng “Anh em hãy vui mừng lên”. Nguyên nhân của niềm vui đó là gì? Bởi vì “Thiên Chúa đang ở giữa anh em”. Và thánh Phaolô cũng nói với dân thành Philipphê: “Tôi mong muốn cho anh em được hạnh phúc”. Tại sao vậy? Bởi vì “Chúa rất gần rồi”. Niềm vui mà thế gian này không thể nào mang lại được, chính là niềm vui phát xuất từ ý nghĩ về Thiên Chúa và tình yêu của Người đối với chúng ta.
53. “Làm” – Lm. Vũ Xuân Hạnh
Làm! Một động từ rất ngắn gọn: chỉ có một tiếng, nhưng lại là một con đường dài, khởi đi từ suy nghĩ đến cái miệng hoặc cái tai rồi mới đến bàn tay. Làm! Một động từ mà bản thân nó chẳng nói lên điều gì tốt hay xấu. Nhưng khi nó trượt hết con đường dài đến được bàn tay, thì kết quả của nó có thể là hoa trái của tình yêu, nhưng cũng có thể gây ra không biết bao nhiêu hận thù, chết chóc. Làm! Đơn giản là thế, nhưng cũng phức tạp không ít. Vì chỉ một hành vi nào đó, có khi thể hiện ra bên ngoài là một nghĩa cử rất yêu thương, lại ẩn chứa bên trong nó là một thái độ mua chuộc, mưu lợi, tệ hơn: trả thù. Có khi nó là một sự che đậy giả tâm của một ai đó.
Những năm qua, khi mà nhân loại còn đang bắt đầu thời gian khai mạc ngàn năm thứ ba, cứ tưởng rằng, với mọi nỗ lực đi đến hòa bình của bao nhiêu tâm hồn thiện chí, sẽ mang lại bình an cho thế giới. Nào ngờ, hòa bình trên thế giới vẫn bị đe dọa và thách thức từng ngày.
Tại Đất Thánh, quê hương của Chúa Giêsu, người ta đổ máu nhau gần như mỗi ngày. Sự thù hận làm cho người ta trở nên những kẻ điên cuồng. Hết đánh bom cảm tử đến càn quét, cày xới nhà cửa, đất đai của nhau. Năm 2003, cũng tại Đất Thánh, người ta dựng lên bức tường ngăn cách. Nếu phải gọi tên cho bức tường này, có lẽ phải gọi nó là sự thất bại của con người cho một mơ ước rất đơn giản: hòa bình! Đơn giản là thế, vậy mà bao nhiêu năm rồi vẫn cứ giằn co, máu vẫn cứ thay nhau mà đổ, mà chảy, đỏ thắm cả niềm đau.
Tại Iraq, những cuộc đánh bom giết người, tàn phá tài sản liên tục xảy ra, mặc cho thế giới lên án, căm phẫn, mặc cho những bên có liên quan, những người trong cuộc, các nhà lãnh đạo và tất cả những ai yêu hòa bình lo sợ. Đã nhiều năm nay, nguy cơ vũ trang nguyên tử Bắc Triều Tiên vẫn chưa có lối mở nào giải quyết khả dĩ. Người ta vẫn chưa quên được sự xách động của thế giới Hồi giáo làm ồn ào và gây nhiều nguy hiểm cho nền hòa bình thế giới khi hô hào chống lại lời phát biểu của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI…
Đó mới chỉ là những con sự kiện nổi cộm. Nếu ước tính những vụ khủng bố và bạo động trong một năm qua hay xa hơn nữa, chắc không ai dám nghĩ tới, vì nó sẽ làm ta rùng mình khiếp sợ. Thật là trái ngược, trái ngược đến mức mâu thuẫn hoàn toàn, vì tận trong tâm, ai cũng yêu hòa bình, ai cũng muốn sống niềm vui và hạnh phúc. Nhưng tại sao khi hành động, thì việc làm của con người lại có quá nhiều nguy hiểm, đe dọa và giết chóc. Lòng người sao tàn nhẫn đến thế!
Người ta nhân danh sự lớn mạnh, sự giàu có của quốc gia mình để trút bao nhiêu bom đạn và huênh hoan rằng, sẽ dẹp yên bạo động, trừ vạ khủng bố. Không biết người ta đã trừ, đã dẹp đến đâu, đạt được những thành quả nào, chỉ biết rằng, hôm nay nhân loại vẫn đang mất bình an, thế giới càng đầy dẫy hận thù, nguy cơ của những cái chết tập thể không ai lường hết được.
Con người dường như không ngăn nổi sự điên cuồng của bản thân, hay cũng đã trở nên điên cuồng. Tất cả những điều đó đều gói trong một động từ duy nhất: LÀM. Và sử dụng động từ làm như thế, đã biến con người ta thành những kẻ say máu đến độ thèm khát giết chóc, lao mình vào giết chóc. Những kẻ đánh bom cảm tử là một điển hình.
Cũng cùng một động từ làm, nhưng đối với thánh Gioan Tẩy Giả, nó lại quásức thân thương, đáng yêu và đáng học đòi. Thánh Gioan đề nghị mọi người động từ LÀM, mà nếu ai sống như thế, chẳng những bản thân bình an, cuộc sống của mọi người xung quanh cũng sẽ hưởng bình an lớn lao.
Đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, ta sẽ cảm nhận tất cả tình cảm đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng của động từ làm mà thánh Gioan đề nghị: Dân chúng hỏi thánh Gioan, “Chúng tôi phải LÀM gì?” Thánh Gioan trả lời cho họ biết phải làm gì bằng những việc làm thật cụ thể, thật gần gũi, dính kết ngay trong bổn phận của mỗi một người. Và tùy từng đấng bậc, nhiệm vụ mà thánh Gioan dạy họ làm:
Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Nếu ở thời đại chúng ta, chắc chắn thánh Gioan cũng không đề nghị một cái gì khác hơn, nhưng vẫn chỉ là một động từ làm kết dính vào bổn phận của từng người, của chính bạn và chính tôi.
Điều cần chú ý ở đây là những gì thánh Gioan nói cũng chính là những gì Chúa Giêsu dạy. Trong Tin Mừng, động từ LÀM được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần. Chẳng hạn trước câu hỏi của người thanh niên giàu có: “Tôi phải làm gì để sống đời đời”, Chúa dạy: “Ngươi hãy bán tất cả của cải và phân phát cho người nghèo, rồi đi theo Ta”. Như vậy, điều cần làm ở đây, đó là sự trút bỏ để nên nghèo khó, là lòng bác ái với anh chị em nghèo.
Hay ở nơi khác, Chúa dạy người luật sĩ bằng dụ ngôn về người Samari tốt bụng, giúp đỡ người bị nạn trên đường đi. Và Chúa kết luận: “Anh hãy đi và LÀM như vậy” (Lc 6, 46). “Làm như vậy”, nghĩa là nếu người Samari trong dụ ngôn tốt bụng thế nào, thì người luật sĩ và cả chúng ta cũng hãy tốt bụng như thế. “Làm như vậy” còn là cúi xuống để nâng dậy những anh chị em khốn cùng, bất hạnh, đói rét… “Làm như vậy”, nghĩa là chấp nhận xóa mình, chấp nhận hao mòn sức lực, thời giờ, để hiến thân như chính Chúa đã hiến thân cho ta.
Dẫu biết rằng con đường dài nhất là con đường đi từ nói hoặc nghe đến làm. Đó là một con đường khó đi. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Chỉ cần chúng ta học lấy mỗi ngày một chút, chú ý thêm mỗi ngày một chút, chắc chắn không có gì khó đến mức không thể làm được. Đó là chưa kể tới ơn Chúa trợ giúp. Với ơn Chúa, chúng ta vững tin rằng, lòng mình sẽ được biến đổi để trở nên mềm mại hơn, đáng yêu hơn và dễ đến với anh em hơn. Bởi vậy động từ làm mà hôm nay thánh Gioan đề nghị sẽ là một từ ngữ đẹp hơn hết mọi thứ mà ta có thể cho là đẹp.
Chúng ta nói tới những việc làm gây chấn động thế giới bằng sự giết người tàn bạo. Nhưng cụ thể nơi tâm hồn mỗi người thì sao? Có lẽ bạn và tôi không ai dám nghĩ tới việc hãm hại anh chị em quanh mình, nhưng cách này cách khác, bằng sự đố kỵ, bằng thái độ chấp nhất, không tha thứ, không bao dung, nói không tốt về người khác, hoặc có khi trả đũa một người nào, không phải bằng giết người, nhưng bằng một hành động, một việc làm nào đó…, ta đã không LÀM tốt, không LÀM như Tin Mừng dạy. Vì thế, nhiều lần bản thân mỗi người đã xúc phạm đến anh chị em, gây đổ vỡ trong tình yêu, trong những mối tương thân tương ái, và làm mất bình an trong lòng người khác, nặng hơn: đào sâu thêm mối oán hận, thù nghịch nào đó…
Không biết có phải bi quan quá không, khi nói rằng: Nếu đi từ suy nghĩ đến hành động đã khó, thì từ suy nghĩ đến suy nghĩ đúng, lan rộng tới hành động: làm đúng, lại càng khó. Bởi thế, đứng trước mọi hiểm họa do lòng người độc ác đã tàn nhẫn gây nên, người Kitô hữu được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa, hãy sống những gì Tin Mừng dạy và làm những gì hợp Thánh ý Thiên Chúa để thế giới hòa thuận hơn, cuộc sống con người bình an hơn. Khi môi trường xung quanh có bình an, mỗi người cũng sẽ tràn ngập bình an.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam