Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 69

Tổng truy cập: 1379765

PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG VÀ KHIÊM TỐN

Phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn.

(Trích trong ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)

Vừa bắt đầu chúng ta đã thấy ngay đây là cách hành văn của Luca. Vừa gợi lên cuộc lên đường vội vã liền sau đó đã cho thấy lý do. Nếu Đức Maria vội vã lên đường, thì không phải là để tìm xem, lời thiên thần có đúng không, nhưng là để “vui với người vui” và đưa tới ơn phúc Mẹ giúp đỡ. Mẹ Thiên Chúa đã trở nên đấng trung gian các ơn phúc. Miền núi, cuộc hành trình hướng về đây là dãy núi miền cao nguyên Giuđa, kéo dài từ vùng Samari. Ngày nay không ai biết rõ đích xác thành phố mà Maria nhằm tới, một truyền thống đã có trước thời thập tự quân cho là đất làng Ain-Karim ngày nay. Làng này cách thủ đô Giêrusalem khoảng bảy cây số về phía tây. Khách hành hương nay tới kính viếng một nhà nguyện mang tên Thăm viếng. Từ Nadaret, phải bốn ngày đường mới tới nơi.

Lời chào thăm biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa hướng về người được nhận lời chào, vì vừa nghe lời chào thai nhi trong bụng Elizabeth liền nhảy mừng và bà được tràn đầy Thánh Thần. Sự nhảy mừng này có một cái gì khác hẳn với sự cựa quậy của một thai nhi vào những tháng cuối cùng khi bà mẹ có một xúc động bất ngờ. Vì sự xúc động của Elizabeth không phải là nguyên nhân mà là kết quả của sự nhảy mừng của thai nhi Gioan. Thai nhi nhảy mừng vì tác động của ơn Chúa, là điều mà thiên sứ đã báo trước: “Con trẻ sẽ được đầy dẫy Thánh Thần ngay từ khi còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15), mà được thánh hoá nhờ sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể. Sau thai nhi, bà mẹ Elizabeth cũng được đầy tràn Thánh Thần, và lập tức bày tỏ niềm cảm xúc chẳng những bằng những lời được linh hừng mà còn bằng cả giọng nói xúc động. Vì bà nói lớn với Maria: “Em là người hạnh phúc nhất trong giới phụ nữ, và thai nhi trong lòng em là phước hạnh lớn lao”. Như thế bà đã diễn tả hai lời chúc phúc song song mà thiên sứ Gáprien đã nói với Đức Maria trước đó. Bà ca tụng cô em, đặt cô cao trọng hơn tất cả trong giới phụ nữ. Bà cũng cho thấy, ngay cả khi cô em chưa nói gì, bà đã biết Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế. Bà kính tặng cho thai nhi chưa được sinh ra danh hiệu “Chúa”, danh hiệu mà Thánh Vịnh áp dụng cho Đấng Mêsia trông đợi. Thật vậy, và đã thêm: “Thật vinh hạnh cho tôi được Mẹ Chúa đến viếng thăm”. Bà không chút nghi ngờ gì về điều đã xảy ra trong lòng cô em Maria và bà đã thấy rõ dấu chỉ: “Vì vừa nghe lời em chào, thai nhi trong bụng tôi đã nhảy mừng”. Như thế bà cho biết có mối liên hệ lệ thuộc giữa thai nhi Gioan nhảy mừng với chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, bà bày tỏ đây là “hãy nhảy mừng”, và còn hơn cả cảnh núi đồi nhảy mừng mà Thánh Vịnh đã diễn tả trước sự hiện diện của Đấng Toàn Năng, vì đây là một thai nhi nhảy mừng vì được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Thế nào những lời ca tụng vừa đưa ra, bằng một kiểu kết điểm Elizabeth chúc phúc: “Thiên Chúa ban phúc cho em, vì em tin lời Ngài hứa sẽ thành sự thật”.

Qua đoạn Lời Chúa này, chúng ta học được gương yêu thương của Đức Maria:

Vừa mới thưa với Chúa: “Tôi là tôi tớ của Chúa” Đức Maria đã hành động như thể là tôi tớ của loài người. Ngay sau khi được loan báo được chọn là Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria lên đường là vì muốn giúp đỡ và chia vui với người chị già. Qua lời loan báo, sứ thần cho thấy bà Elizabeth đang cần được giúp đỡ, vì bà sắp sinh con. Trong sứ điệp, sứ thần không bảo phải đi, chỉ gợi cho thấy. Thế là Maria thu xếp sẵn sàng ra đi, không để chậm trễ.

Dầu Maria có nhiều lý do để không ra đi, không tiến hành cuộc hành trình: nào là từ nay phải giữ gìn sức khoẻ nhằm lợi ích cho thai nhi. Nào là đường đi xa xôi, phải ít nhất bốn ngày dòng dã mới tới nơi. Lộ trình này có nhiều rủi ro nguy hiểm nhất là cho thân gái. Trước những trở ngại này và thêm vào đó không có một chỉ thị nào về phía Chúa bảo phải đi, để Maria có lý do để mà từ chối.

Những lý do trở ngại ấy không cản được Maria. Người ta dễ dàng né tránh lời mời gọi của đức ái, nại đến những lý do ít nhiều chính đáng. Nhưng lòng quảng đại của Maria quét sạch mọi chần chừ và lưỡng lự đó. Từ xưa, Đức Maria đã quen quan tâm đến người khác hơn nghĩ đến chính mình, thì lúc này, Mẹ cũng không phải đo lường cân nhắc sự bất tiện của chuyến đi xa, Mẹ chỉ nghĩ đến việc cần giúp đỡ bà chị già, và cứ như thế, Đức Maria lên đường.

Đó là gương mẫu về lòng mau mắn giúp đỡ, nghĩ tới người khác hơn nghĩ tới chính mình. Yêu thương luôn luôn đòi hỏi từ bỏ, đòi hỏi phải hao mòn chính bản thân mình. Khi xảy ra một việc cần giúp đỡ, có biết bao lý do nãi ra để từ chối! Nếu có được lòng yêu thương như Đức Maria, chúng ta sẽ sung sướng quên mình để nghĩ đến hạnh phúc của người khác.

Lại còn phải tránh cho ta những tính toán ích kỷ, những điểm tựa để khỏi phải giúp đỡ tha nhân, thay vì sáng kiến để tránh khỏi, hãy tìm cách làm nhẹ gánh nặng cho tha nhân, để giúp đỡ họ.

Thay vì phải ép lòng giúp đỡ vì không thể tránh được, hãy biểu lộ thái độ mau mắn thực sự. Mong ước sao ta luôn ở tư thế sẵn sàng giúp đỡ, phục vụ.

Nhưng phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn.

Chúa Giêsu rất yêu thương các môn đệ ở trần gian, Chúa Giêsu biết rõ Chúa Cha đã trao mọi quyền hành cho Ngài… Vì thế, Chúa đứng dậy, ra khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn quấn ngang lưng, Chúa đổ nước vào chậu, lần lượt rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1.3). Giờ đây chúng ta thấy Mẹ Chúa, người vừa được thiên sứ báo tin được chọn là Mẹ Đấng Cứu Thế, người tự tình đi làm đầy tớ bà Elizabeth. Qua lời thiên sứ Người biết Thiên Chúa đã ban cho Người địa vị cao cả hơn người chị họ nhiều, ý thức mình được chọn trong tất cả các phụ nữ Israel, một địa vị mà không một người phụ nữ nào có thể sánh ví. Với ý thức đó, Mẹ tự nguyện trong vòng ba tháng đi làm công tác của một người hầu hạ cho một người đàn bà trong lúc sinh nở nàng đảm đang luôn công việc của một gia nhân.

Đức Maria không thuộc loại người, bắt người khác phải nhận ra địa vị cao sang của mình, và đòi phải cúi đầu kính cẩn. Mẹ không muốn tỏ ra nhân vật quan trọng, dầu Mẹ quan trọng nhất trong các tạo vật. Không một ai có thể nhận ra trong những ngày phục vụ tại nhà Elizabeth một người thiếu nữ đã được Thiên Chúa ban cho một địa vị cao cả nhất. Người ta chỉ thấy nơi nhà ông bà già này một gia nhân ân cần tự trọng, làm hết mọi công việc tầm thường nhất, và làm cách tự nhiên như đó là phận sự của nàng. Mẹ làm những công việc đó cho bà chị già như là làm cho Chúa. Mẹ luôn tỏ ra nhỏ bé để dường như Elizabeth không lấy làm ngại ngùng khi nhờ Mẹ làm bất cứ việc hèn hạ nào. và Mẹ không đặt một giới hạn nào cho tình yêu Chúa, Mẹ cũng không có một hàng rào cho tình yêu tha nhân. Không bao giờ Mẹ thấy một việc nào là quá thấp, là quá thường, quá hèn hạ. Mẹ đã làm với tất cả sự vui vẻ dường như không có ai nhận ra sự vất vả và đôi khi ghê tởm mà Mẹ đã phải âm thầm khắc phục. Với nụ cười của niềm vui buổi gặp gỡ đầu tiên, Mẹ đã duy trì gìn giữ bên trong nhà người thân này.

Thái độ mau mắn sẵn sàng giúp đỡ đó, chẳng phải chỉ giới hạn nơi nhà bà Elizabeth, tất cả những ai cần được giúp đỡ, Mẹ rất sẵn sàng, trong điều kiện và thời giờ cho phép. Ngay từ đó Đức Maria đã biết từng hoàn cảnh mà “làm tôi thiên hạ”. Thái độ đó đối với chúng ta, cũng như hẳn xưa kia đối với bà Elizabeth, luôn là đối tượng của lòng ngưỡng mộ kính yêu. Ngày nay chữ tôi tớ đã mang một ý nghĩa hèn kém hạ giá, không dám dùng, và nhất là thực hiện ý nghĩa của từ ấy. Ước chi chúng ta cũng lấy làm hân hạnh được phục vụ tha nhân.

Chúng ta phải khó khăn lắm mới thực hiện được giáo huấn của Đức Kitô: Ai lớn nhất hãy làm như người nhỏ nhất, ai làm đầu phải hầu thiên hạ. Gương Đức Maria còn đó để khích lệ: ai là đầu, ai có phúc hơn mọi người nữ, thế mà Mẹ trở nên bé nhỏ, trở nên rốt hết. Ai dám thống trị kẻ khác khi thấy gương Mẹ tự tình phục vụ như thế?

Mẹ cũng dậy nghệ thuật phục vụ trong những công việc tầm thường, tự chọn lấy cho mình những công việc nhọc nhằn, tởm gớm, tự tình thi hành với nét mặt vui tươi. Đã từng có một người tớ nữ không hề than trách công việc đè nặng trên vai, không bao giờ càu nhàu trong công tác phục vụ, đó là gương mẫu cho chúng ta!

Ngày nay trong vinh quang thiên quốc, Mẹ vẫn ân cần giúp đỡ tất cả mọi người, chúng con vẫn tiếp tục nhận được sự trợ giúp của Mẹ, và Mẹ kêu gọi chúng ta cộng tác với Mẹ trong việc giúp đỡ mọi người.

 

54. Này con đến – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, Hội Thánh cho dân Chúa thấy những biến cố vô cùng trọng đại nhưng lại âm thầm diễn ra trong dòng lịch sử.

Này con đến để thực thi Ý Chúa

Biến cố Đức Maria cưu mang Ngôi Lời nhập thể, được thực hiện trong âm thầm tuy dù đó là biến cố vô cùng quan trọng “Ngôi Lời Thiên Chúa làm người và vĩnh viễn làm người”. Đức Yêsu đã sống “bình thường” như một người; chỉ khi Đức Yêsu sống lại, với ơn của Thánh Thần, các tông đồ mới nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể. Ngôi Lời nhập thể để làm gì? “Này con đến để thi hành Ý Chúa”.

Đâu là ý muốn của Thiên Chúa? Thiên Chúa muốn con người được cứu độ, được triển nở, được hạnh phúc, được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Con người phạm tội khi tìm mình, chọn mình trên Thiên Chúa và anh chị em mình, dùng tha nhân như phương tiện để thỏa mãn tham vọng riêng tư của mình. Chỉ khi nào con người sống trong tình yêu, tôn trọng tha nhân và Thiên Chúa, thì con người mới được bình an và hạnh phúc.

Làm sao để con người sống trong tình yêu? Làm sao để con người mở lòng ra với Thiên Chúa và với người khác? Đó là sứ mạng của Ngôi Lời, của Ngôi Lời nhập thể, của Đức Yêsu.

Em có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện điều đã nói với em

Mỗi một người có chỗ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sứ mạng của Yoan con ông bà Zacharia-Isave, là “trở thành tiếng kêu trong hoang địa”, kêu mời người ta chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai. Yoan Tẩy Giả đã làm trọn sứ mạng của mình.

Sứ mạng của Đức Maria, là thực hiện điều Thiên Chúa đề nghị, tuy âm thầm khiêm tốn nhưng rất gian nan, đó là “cưu mang và sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể”. Đức Maria đã chấp nhận, và đã trở thành người “cưu mang Thiên Chúa”, mang Thiên Chúa tới cho người khác, mang Thiên Chúa đến cho nhân loại.

Phụ nữ nào mà lại chẳng có con! Cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng một người con, không phải là chuyện “động trời” trên trái đất này. Chuyện đó vẫn xảy ra bình thường, thế nhưng ngay cả chuyện rất bình thường như vậy, cũng trở thành một biến cố “vô tiền khoáng hậu”! Mỗi người đều có thể “có phúc” hơn việc cưu mang và sinh hạ Đức Yêsu, vì “ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” (Lc.8, 21; 11, 28).

Để thực hiện được thánh ý Thiên Chúa, để có thể cưu mang Thiên Chúa trong lòng, Đức Maria đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Chính lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, mới giúp Đức Maria vượt qua được những khủng hoảng trong đời, như lúc sinh con trong chuồng chiên cừu (tại sao lại phải sinh trong cảnh cùng quẫn như vậy?), lúc sống nghèo tại Nazaret, và đặc biệt lúc đứng dưới chân thập giá (Thiên Chúa có giữ lời hứa với tôi khi thiên thần truyền tin không? Đâu là lời “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng Đavid tổ phụ Ngài?). Phúc cho những ai tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, và sẽ làm cho mình những điều tốt đẹp nhất.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Chúa tới, mang gì cho bà Isave, cho ông Zacharia và Yoan? (lúc đó và cuối đời)
  2. Ngôi Lời nhập thể để thi hành Ý Chúa Cha! Làm sao để con người yêu Thiên Chúa và yêu thương nhau?
  3. Bạn có nghĩ rằng Đức Maria hạnh phúc không (lúc sinh con trong chuồng chiên cừu, lạc mất con, và đứng dưới chân thập giá)? Hạnh phúc hệ tại đâu?
  4. Chúa tới, tôi được và mất gì?

 

55. Mẹ Maria.

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy nơi Mẹ Maria một mẫu gương tuyệt vời, giúp chúng ta sống tinh thần mùa vọng và chuẩn bị đón mừng Chúa đến.

Thực vậy, Mẹ Maria cũng như nhiều người Do Thái khác đã đọc và suy gẫm Kinh thánh, đã mòn mỏi trông chờ và mong đợi Đấng Cứu Thế.

Với một tâm hồn trong sạch và nhất là với lời xin vâng dưới mái nhà Nagiarét trong hoạt cảnh truyền tin, Mẹ đã trở thành người đầu tiên được diễm phúc đón nhận Chúa vào cõi lòng của mình.

Thế nhưng, có Chúa trong tâm hồn mà thôi chưa đủ, Mẹ còn đem Chúa đến cho người khác. Phúc âm thánh Luca kể lại rằng: Sau khi hay biết, nhờ hồng ân Thiên Chúa, bà chị họ của mình là Isave cũng đã có thai trong lúc tuổi già, Mẹ đã vội vã lên đường, băng qua đồi núi để viếng thăm và giúp đỡ bà chị họ trong những ngày tháng mang nặng đẻ đau.

Nhờ cuộc thăm viếng này, Mẹ đã đem đến cho gia đình bà Isave niềm hân hoan vui mừng, hay nói cách khác, nhờ cuộc thăm viếng này, Mẹ đã đem Chúa đến cho già đình bà Isave, và cùng với sự hiện diện của Chúa là niềm vui mừng và hy vọng tràn đầy. Chính vì thế, Gioan tiền hô đã nhảy mừng trong lòng bà Isave.

Còn chúng ta thì sao?

Trong mùa vọng này việc thứ nhất chúng ta cần phải làm ngay, đó là hãy sống thế nào để thực sự có Chúa ở trong tâm hồn.

Đúng thế, như chúng ta vồn thường nói:

– Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt vời, còn tôi chỉ là kẻ tội lỗi xấu xa. Giữa Đấng thánh thiện tuyệt vời và tội lỗi xấu xa sẽ không có thành phần thứ ba, sẽ không có vị thế trung lập. Tôi phải dứt khoát chứ không thể lửng lơ con cá vàng, chơi trò đi nước đôi và bắt cá hai tay với Chúa. Đấng thánh thiện tuyệt vời và tội lỗi xấu xa sẽ không thể nào đội trời chung và sánh vai cùng bước đi bên nhau. Nơi nào có tội lỗi ngự trị, thì nơi đó không có chỗ cho tình thương của Chúa. Trái lại, muốn cho tình thương của Chúa ngự trị thì cần phải quét sạch mọi bóng dáng của tội lỗi.

Chính vì thế, chúng ta phải khử trừ tội lỗi, phải uốn nắn sửa đổi những thói hư tật xấu, như lời kêu gọi của Gioan tiền hô:

– Hãy dọn đường Chúa đến. Quanh co uốn cho ngay. Gồ ghề san cho phẳng. Hố sâu lấp cho đầy và nơi cao phải bạt xuống.

Việc thứ hai chúng ta cần phải làm ngay trong mùa vọng, đó là hãy bắt chước Mẹ Maria mà đem Chúa đến cho người khác.

Đúng thế, qua hành động thăm viếng, Mẹ đã đem Chúa đến cho gia đình bà Isave thế nào, thì bằng những hành động bác ái và yêu thương, chúng ta cũng sẽ giới thiệu khuôn mặt đích thực của Đức Kitô cho những người chung quanh, để rồi cuối cùng, họ cũng sẽ nhận biết và tin theo Chúa.

Thánh Phanxicô Salêsiô nổi tiếng là một vị thánh hiền lành và nhân hậu. Ngài có một người giúp việc mắc phải tật nghiện rượu. Một hôm anh ta trốn nhà ra quán nhậu say bí tỉ, mãi tới khuya mới về, rồi nằm vật xuống ngưỡng cửa mà ngủ.

Nghe tiếng động, thánh nhân ra mở cửa. Thấy anh ta nằm đó thì nhẹ nhàng bồng anh về phòng, đặt anh ta trên chiếc giường của mình, còn mình thì nằm ngủ ở chỗ khác.

Ban sáng, vừa thức dậy, thấy mình nằm trên giường của thánh nhân, anh ta hoảng hốt vội chạy tới quì dưới chân thành nhân xin lỗi và hứa sẽ chừa bỏ rượu chè, hoán cải bản thân và làm lại cuộc đời.

Từ đó, anh ta đã dứt khoát với tật nghiện rượu và trở nên một người tốt lành.

Hãy khử trừ tội lỗi để trở nên người có Chúa trong tâm hồn, đồng thời bằng những hành động bác ái và yêu thương, hãy đem Chúa đến cho những người chung quanh. Đó là hai việc chúng ta cần phải làm ngay theo mẫu gương của Mẹ Maria trong mùa vọng này.

 

56. Viếng thăm chị họ Êlisabét.

Đoạn Phúc Âm mà Giáo Hội gởi đến cho chúng ta trong Chúa nhật IV Mùa vọng kể lại biến cố Mẹ Maria đến viếng thăm bà Elisabéth liền sau khi được thiên thần truyền tin cho biết Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Một Ngài.

Chúng ta có thể hình dung được niềm vui sâu xa của Mẹ Maria sau khi đã khiêm tốn thưa vâng, chấp nhận cộng tác với chương trình của Thiên Chúa để cứu rỗi nhân loại. Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Mẹ do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài là niềm vui và chắc chắn Mẹ Maria trong lúc cưu mang Con Thiên Chúa trong cung lòng mình, Mẹ được diễm phúc hơn ai hết, sống kết hiệp với Con Mẹ vừa là Con Thiên Chúa và cũng vừa là Chúa của Mẹ.

Do đó, khi được hưởng nếm niềm vui, Mẹ đã mau mắn bộc lộ niềm vui mừng đó trong bài ca tạ ơn: “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa”. Khi đến viếng thăm bà Elisabéth. Mẹ không giữ niềm vui đó cho chính mình, nhưng muốn chia sẻ với người khác. Sự hiện diện của Chúa nơi Mẹ càng giúp cho tâm hồn đã sẵn sàng quảng đại của Mẹ trở nên dịu dàng, quảng đại hơn nữa để nhìn thấy nhu cầu cần thiết được sự trợ giúp của anh chị em xung quanh.

Niềm vui và thái độ phục vụ quảng đại là hoa trái không thể chối cãi được của sự hiện diện của Thiên Chúa trong một người. Mẹ Maria là mẫu gương chỉ đường cho chúng ta, cho mọi đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô.

Điểm thứ hai đáng chúng ta chú ý trong lần gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Elisabéth là vai trò của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Mẹ điều mà không một quyền lực trần gian nào có thể làm được, đó là làm cho Mẹ trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa mà vẫn duy trì trọn vẹn sự đồng trinh. Và Chúa Thánh Thần cũng hiện diện nơi bà Elisabéth để soi sáng cho bà nhìn ra giờ ân sủng đã đến, nhìn ra nơi con người đến thăm mình kia là Mẹ của Thiên Chúa.

Nhìn ra hạnh phúc đích thực của một người không hệ tại ở điều gì khác hơn là sự vâng phục kính tin vào lời Thiên Chúa: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Thực tại mà Mẹ Maria và bà Elisabéth đang sống không phải là thực tại phàm trần do con người tạo nên, nhưng là thực tại siêu phàm, thiêng liêng do Thiên Chúa thực hiện và con người chỉ có thể nhận ra nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mà thôi, vừa đồng thời được mời gọi cộng tác vào đó nhờ qua thái độ khiêm tốn, vâng phục và kính tin.

 

home Mục lục Lưu trữ