Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1378863

QUA ĐAU KHỔ THẬP GIÁ TỚI VINH QUANG PHỤC SINH

QUA ĐAU KHỔ THẬP GIÁ TỚI VINH QUANG PHỤC SINH (*) Chú giải của Noel Quession

(Mc 14,1 – 15,47)

Trang Tin Mừng hôm nay muốn giúp mọi Kitô hữu đang ước ao sống trọn một tuần lễ “thánh”. Những lễ nghi trong tuần này là những lễ nghi đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất trong năm. Nhưng chúng ta chỉ thực sự sống những lễ nghi đó cách nội tâm, nếu cá nhân mỗi người trong ta đã suy gẫm những “biến cố” tạo nên “tuần lễ” này, chắc chắn, đó là những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Chúng ta đã làm nghiêng ngả dòng lịch sử và thay đổi bộ mặt hành tinh trái đất chúng ta.

Đọc bài thương khó một lần, cách phớt qua, là không đủ. Cần phải để cho nó thẫm nhiễm trong ta. Nên đọc đi đọc lại. Chúng ta chưa lưu ý đúng mức “vị trí” mà bài thương khó nắm giữ trong toàn bộ “Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”! Trong trình thuật của Mác-cô, bài thương khó là phần thứ năm của Tin Mừng. Ngày nay, chúng ta sẽ nghĩ gì về một tiểu sử, màphần quan trọng nhất trong đó, lại dành để kể lại cái chết của một nhân vật ta muốn nói tới? Ta lại càng ngỡ ngàng hơn khi những trình thuật đó đã được viết sau sự kiện sống lại, bởi những người đang sống trong ánh sáng của biến cố Phục sinh vinh hiển. Thế mà, các nhà trước tác lại không nhấn mạnh đến biến cố Phục sinh đó. Trong bản văn bằng tiếng Hy-Lạp của Mác-cô, bài thương khó đã chiếm tới 160 dòng chữ viết…và cuộc Phục sinh chỉ có 46 dòng, hay 19 dòng, nếu ta không kể những câu 16,9 đến 20, là những câu được một người khác với Mác-cô thêm vào văn bản sau đó.

Đúng vậy, cái chết cua Đức Giêsu phải là vấn đề chủ yếu: có một “bí mật” nào đó cần phai được khám phá.

Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!… Điều gì làm được thì cô đã làm: “Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14,8).

Toàn thể phần đầu Bài Thương Khó (14,1-42) kể lại “âm mưu ám hại Đức Giêsu”, “việc xức dầu tại Bê-ta-ni-a”, “Giu-đa phản bội”, “chuẩn bị mừng lễ Vượt qua”, “báo trước việc Giuđa phản bội”, “thiết lập Bí tích Thánh Thể và “cơn hấp hối tại Ghét-sê-ma-ni”… tất cả những chi tiết đó cho ta thấy, Đức Giêsu bắt đầu sống trong nội tâm Ngài Cuộc thụ Khổ, trước khi nó diễn ra trên thân xác cách cụ thể. Các bạn hãy đọc 42 dòng đầu chương 14 của Máccô. Trong khi đọc như thế, các bạn hãy tìm hiểu tư tưởng và tâm tình của Đức Giêsu. Phải, trước khi xảy ra cuộc bắt giữ, khởi đầu cho tiến trình thụ khổ bên ngoài, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn cuộc thụ khổ đó trong lương tâm, trong ý thức trước về việc tự nguyện dâng hiến của mình: Người đã thấy trước mình sẽ được “mai táng” (14,8), “bị phản bội” (14, 10.14,17), “phải đổ máu” (14,24), “bị mọi người bỏ rơi và bị Phêrô chối từ” (14, 27-30). “hấp hối” (14,34-36) Nhưng Đức Giêsu đã bắt đầu ý thức vấn đề sớm hơn nhiều. Thế thì Người đã nói đến cái chết sắp tới của Người từ lúc nào? Hiển nhiên hơn cả là lúc “Phêrô tuyên xuống Đức tin tại Xê-da-rê (Mc 8,31): kể từ ngày đó, đã ba lần Đức Giêsu nói với các bạn hữu Người về cái chết dữ dằn và khổ nhục của mình (Mc 8,3,31 – 9,30 – 10,33). Nhưng cũng cần phải ngược lên xa hơn. Các bạn hãy đọc câu 14 của chương I Tin Mừng Mác-cô: Đức Giêsu tiếp tục sự nghiệp của Gioan Tẩy Giả, khi Người biết rằng điều đã xảy đến cho cái ngôn sứ sẽ xảy đến cho ông và cũng xảy đến cho Người. Do đó, Đức Giêsu trải qua phần lớn đời Người, trong sự cảm nhận trước cái chết của mình. Phần chúng ta thì sao? Chúng ta có tìm cách tránh né khỏi phải nghĩ đến cái chết không? Đối với chúng ta, cái chết của ta không phải là “tác động” quan trọng nhất của đời người và hướng dẫn mọi hành động khác sao?

Bữa ăn vượt qua (Mc 14,12.13.14.16).

Trong đoạn này, đã bốn lần sử dụng từ “Vượt qua”. Lễ Vượt qua của người Do Thái là để tướng niệm công cuộc “giải phóng”! Một dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trong những đau khổ trần gian những gì áp đặt ta, không gì có thể hủy diệt ta, kể cả trong cái chết của mình… nhờ đức tin, chúng ta có thể tiếp gặp sự hiện diện tuy bí ẩn nhưng hiển nhiên của Thiên Chúa, để giúp ta vượt thoát nhưng khó khăn đó, tới hạnh phúc bát diệt. Đức Giêsu đã trải qua cái chết của Người như một cuộc “vượt qua”: thay vì trốn chạy thực tế đau đớn và nhục nhã của thân phận làm người, Người đã phó mặc cho số phận bằng một thái độ liên kết yêu thương với Thiên Chúa! Cảm nghiệm về cái chết như thế, Người đã “thay đổi ý nghĩa” cho nó: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pr 2,8). Lạy Chúa, Xin. cho con biết chấp nhập mọi trái ý trong cuộc sống: đau khổ, thử thách, bệnh tật, già nua, thất bại, cô đơn, tội lỗi… như một cuộc vượt qua, như một bước đường dẫn đến Chúa.

Đây là Mình Thầy… Đây là Máu Thầy… Đức Giêsu đã nói như thế, sau khi dâng lời chúc tụng Thiên Chúa.

Chúng ta hãy ghi nhận một số chi tiết lý thú: trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu “truyền phép rượu”, sau khi các môn đệ đã uống rượu đó (“tất cả đều uống” câu 23… Người bảo họ: “Đây là Máu Thầy câu 24…). Chi tiết này có thể dẹp bỏ những tranh cãi về phụng vụ và các nghi thức chặt chẽ… như thể tuyệt đối đọc những lời trên bằng tiếng La-tinh hay tiếng địa phương, rước lễ trên tay hay phải đặt Mình Thánh nơi miệng… Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá để ý đến những chuyện tầm phào đó, nhưng hãy tiến vào tình yêu mầu nhiệm của Chúa, Đấng đã phó mình trước, cách vui tươi, trong một thái (độ “tạ ơn” (câu 22) “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hi sinh mạng sống mình” (Mc 10,45; Ga 10.18). Còn chúng ta thì sao? Tại sao chúng ta không lợi dụng việc suy niệm cuộc thướng khó để “ngay từ bây giờ và một cách tự nguyện hiến dâng” cái chết của ta, hợp ý cùng cái chết của Đức Giêsu? Đó là cách thế tuyệt diệu giúp chúng ta không còn sợ cái chết nữa, nhưng có thể bình thản nhìn nó đến, trong bình an, như Đức Giêsu và cùng với Người.

Chẳng bao giờ Thầy còn uống rượu nho này nữa, cho đến ngày được uống thứ nrợu mới trong nước Thiên Chúa.

Đó là niềm vui, sự yên tĩnh, an bình biết bao! Đó là thái độ thanh thản chờ đợi “ngày đó”, ngày của Thiên Chúa, ngày mà Thiên Chúa cuối cùng sẽ hiển trị, ngày mà tất cả sẽ là sự sống, tình yêu, hạnh phúc, bữa tiệc mới, rượu mới… ngày đó “sẽ không còn sự chết, cũng chẳng. còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, nhưng là tiệc cưới của con chiên” (Kh 21,4)… đó là “ngày cuối cùng”, kết thúc thời gian, hoàn tất công trình của Thiên Chúa, ngày thế mạt… và tất cả chúng ta đang tiến tới ngày đó. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa. Chớ gì mỗi bữa tiệc thánh thể là bước chuẩn bị dẫn chúng con tới bữa tiệc? rượu mới trong nước của Chúa Cha”, trong tình yêu.

TIẾN ĐẾN TÌNH TRẠNG CÔ ĐỘC HOÀN TOÀN.

Chúng ta hãy theo sát Đức Giêsu. Người báo trước: “mọi người ” sẽ bỏ rơi Người (Mc 14,27), Phêrô, người có trách nhiệm, sẽ chối từ Người (Mc 14,30). Người chọn “ba ” người trong các môn đệ để ở bên Người trong cơn hấp hối, và ba lần Người trở lại với họ để nài xin họ cùng thức, nhưng họ đều “ngủ” cả (Mc 14,33-37.40–41), tất cả đều “bỏ Người trốn chạy hết” (Mc 14,50)… và trên thập giá, người cảm thấy ngay Thiên Chúa cũng bỏ rơi Người (Mc 15,34). Thật là cô độc hoàn toàn. Mọi người đều phải chết cách cô lẻ. Đức Giêsu đã không tìm cách tránh né. Người vâng theo định mệnh con người”.

Anh em ngồi lại đây. Thầy đi cầu nguyện (Mc 14,32)… Lạy Cha Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (14,36).

Vào lúc ba giờ chiều, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “ê-lô-I, Ê-lô-i, La-ma-sa-bác-tha-ni!” nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Mc 15,34).

Như thế, trong cuộc thụ khổ, Đức Giêsu không ngừng cầu nguyện. Trên đây là hai lối cầu nguyện: cầu nguyện tại Ghét-sê-ma-ni và cầu nguyện tại Gôn-gô-tha. Máccô còn cho ta biết, Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ tiếng A-ra-mên, thứ tiếng mà khi Người còn là cậu bé, Đức Maria đã dạy Người cầu nguyện: “Ap-ba” có nghĩa là “Ba ơi”, “Ê-lô-i” có nghĩa là “Thiên Chúa của con”… Lạy Chúa, xin giúp con khi gặp đau khổ dám cầu nguyện thưa gửi như Chúa:

  1. Xin cho con khỏi đau khổ này!
  2. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.

Nếu tôi có sách Kinh thánh (nhưng một gia đình Công giáo đã chắc gì có Kinh thánh!), tôi sẽ đọc lại trọn Thánh Vịnh 21. Đức Gỉêsu đã dùng Thánh Vịnh này để cầu nguyện trên thập giá. Khởi đầu Thánh Vịnh hoàn toàn có tính chơ vơ cô lẻ nhưng khi kết thúc thì lại hớn hở mừng vui một cách hết sức nghịch lý. Đây là một trong những chìa khóa bí mật của huyền nhiệm mà ta đang tìm hiểu trong cuộc thương khó này.

HAI LỜI TỐ CÁO ĐỂ NÓI TRƯỚC MẶT THIÊN HẠ RẰNG: ĐỨC GIÊSU LÀ “CON THIÊN CHÚA” VÀ LÀ “VUA”.

Trong Tin Mùng Mác-cô, có hai lời tố cáo Đức Giêsu: Một lời tố cáo có tính “tôn giáo” (Mc 14,53-65), trước Thượng hội đồng, trước “tất cá các vị Thượng tế… và một lời tố cáo mang tính “chính trị ” (Mc 1 5, 1 -20), trước Phi -la-tô, viên tổng trấn đại diện cho Rôma…để “bí mật ” về căn tính đích thực của kẻ bị kết án đó, Đức Giêsu Na-da-rét, được công bố trước mặt thiên hạ.

Ông có phải là Đấng Kitô, con Đấng chí tôn không?

Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy con người ngự bên hữu Đấng toàn năng, và còn thấy Người ngự giá mây trời mà đến.

Ông là Vua dân Do Thái sao? Đúng như Ngài nói đó.

Bây giờ “bí mật” đã được tiết lộ. Cuối cùng thì Đức Giêsu cũng đã nói ra Người là ai. Trong suốt đời sống công khai của mình, Đức Giêsu đã yêu cầu mọi người đoán nhận ra bí mật này phải im lặng, bởi vì con người chỉ có thể “hiểu được” Thiên Chúa, khi nhìn lên thập giá: Người là “Con”, nhưng không như con người nghĩ tưởng. Người là “Vua”, nhưng không như người ta chờ mong. Người con đó hoàn toàn yêu thương, không giữ lại cho mình chút nào: Đó là tình yêu tuyệt đối, liều chết cho “kẻ khác”… ông Vua này yêu thương trọn vẹn, không dành quyền thống trị: mà trở nên “tôi tớ”, tặng ban mạng sống mình cho “muôn dân”.

Đây là một điều hết sức mới lạ, hết sức gây ngo ngàng, đến nỗi không ai có thể hiểu được: những kẻ qua đường thì “lắc đầu” trước ông Vua người Do Thái này (Mc 15,29-30), những người tố cáo thì tiếp tục buộc Người muốn phá Đền thờ (14,58), các thượng tế vẫn nghĩ rằng’nếu là Thiên Chúa thì hẳn là sẽ xuống khỏi thập giá (15,31-32), hai tên trộm cướp bên tả và bên hữu thì sỉ nhục Người (15,32), còn các tông đồ thì chẳng thấy mặt mũi đấu cả!

Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, ông này là con Thiên Chúa”.

Ta cần ghi nhận, cách Đức Giêsu chết đã làm phát sinh thái độ Đức tin trên… chứ không phải biến cố “Phục sinh” xảy ra sau này. Phải, trước khi suy niệm về cuộc sống lại vinh hiển, cần phải suy gẫm về “cái chết” của Đức Giêsu: Cái chết này nói lên nhiều điều. Lạy Chúa, qua cái chết đó, Chúa nói gì với con? Con sẽ đọc lại trình thuật này… Con sẽ lắng nghe… bí mật của Chúa.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY- Năm B

THẬP GIÁ LÀ “VINH QUANG” CỦA THIÊN CHÚA (*)- Suy niệm của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào việc tưởng niệm cuộc Thương Khó Đức Giê-su theo chu trình Phụng Vụ năm B.

Is 50: 4-7

Trước tiên, ngôn sứ I-sai-a hé mở cho chúng ta Người Công Chính đau khổ, dưới dung mạo của Người Tôi Trung của Đức Chúa. Dù bị nhạo báng, bị lăng nhục, nhưng Người Tôi Trung không hề đả kích mà lại đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.

Pl 2: 6-11

Tiếp đó, chúng ta suy niệm mầu nhiệm tự hạ và tôn vinh của Đức Giê-su mà thánh Phao-lô họa lại trong thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê dưới hình thức một bài thánh thi Ki-tô học. Đây là bằng chứng quý báu của Giáo Hội tiên khởi.

Mc 14: 1-15: 47

Sau cùng, chúng ta sống lại cuộc thương khó của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô. Thánh ký nhắc cho chúng ta nhớ rằng qua con đường thương khó và tử nạn, Đức Giê-su dẫn chúng ta đến sự sống.

BÀI ĐỌC I (Is 50: 4-7)

Với đoạn trích nầy, chúng ta dự phần vào niềm xác tín của vị ngôn sứ. Chính vì thường hằng chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa, hằng ngày gẫm suy Lời Chúa, nên ông chẳng những không tránh né sứ mạng của mình mà còn “biết lựa lời mà nâng đỡ ai mệt mỏi chán chường”. Vị ngôn sứ đã không nhận được bất cứ lòng biết ơn nào, nhưng trái lại chỉ toàn những lời lăng mạ và sỉ nhục. Ông bị đánh đòn, tra tấn (giật râu là một hình phạt rất nhục nhã), chịu những lời mắng nhiếc, phỉ nhổ vào mặt, khinh bĩ đến tột cùng.

Chân dung của “Người Tôi Tớ chịu đạu khổ”:

Nhưng “người tôi trung” đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Đức Chúa; ông “trơ mặt ra”, nghĩa là “kiên vững không hề nao núng”. Thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng “Đức Giê-su đã trơ mặt ra” khi Ngài lên Giê-ru-sa-lem để chịu cuộc Tử Nạn của Ngài, nghĩa là Ngài thu hết mọi can đảm và khẳng định ý muốn của Ngài.

Đoạn trích này thuộc bài ca thứ ba trong số bốn bài ca “Người Tôi Trung chịu đau khổ”, trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vị ngôn sứ thời lưu đày Ba-by-lon, vào giữa thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.

Chân dung của “Người Tôi Trung” nầy gợi lên lúc thì dân Ít-ra-en (ngôn sứ I-sai-a đệ nhị thường gọi dân Ít-ra-en “người tôi trung của Đức Chúa”) lúc thì một cá nhân biệt phân đón nhận một sứ mạng đặc biệt. Vả lại, cách giải thích theo chiều kích tập thể và cách giải thích theo chiều kích cá nhân không loại trừ nhau; cả hai đều chồng chéo lên nhau trong nhiều đoạn văn.

Người tôi trung nầy xử sự với một cung cách dịu dàng và khiêm tốn (bài ca thứ nhất). Ông được giao phó sứ mạng giải phóng dân Ít-ra-en và hoán cải muôn dân (bài ca thứ hai). Ông phải chịu những bách hại và những lăng nhục (bài ca thứ ba). Ông bằng lòng chịu chết một cách ô nhục, đoạn được tôn vinh (bài ca thứ tư).

Một sứ điệp mới:

Với dung mạo “Người Tôi Trung chịu đau khổ”, chúng ta ở một khúc quanh rất quan trọng của Mặc Khải. Cho đến lúc đó những viễn cảnh Mê-si-a nhắm đến dung mạo của một vị vua vinh quang, thuộc dòng dõi Đa-vít, Đấng sẽ thiết lập một triều đại công lý và hòa bình. Ấy vậy, vào lúc nầy không còn vua; vương triều Đa-vít đã bị nhận chìm vào trong phong ba bảo táp; Đền Thờ Sa-lô-mon bị thiêu hủy, dân thành Giê-ru-sa-lem phải chịu cảnh đời nô lệ và một phần lớn dân thành bị lưu đày. Đây là thời điểm thuận tiện để loan báo một sứ điệp mới. Qua trực giác của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa tiến một bước vĩ đại. Những sấm ngôn thuở xưa không hề bị hủy bỏ (Đấng Mê-si-a vẫn sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít), nhưng điều mà những viễn cảnh mới hé mở, chính là sự can thiệp của “một người Thiên Chúa tuyển chọn”, của “một người Đức Chúa xức dầu tấn phong”, Đấng nầy sẽ âm thầm hành động, bên ngoài trông có vẻ thất bại, chịu nhiều đau khổ và bị giết chết, nhưng rồi sẽ được tôn vinh.

Vị ngôn sứ bị lăng nhục:

Ở nơi nhân vật chịu nhục nhã ê chề nầy, phải nhận ra chính vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Được Thiên Chúa trao phó sứ mạng an ủi những người lưu đày bất hạnh, mệt mỏi chán chường, ông không lẫn tránh công việc phụ bạc nầy; ông cố giúp cho họ hiểu ý nghĩa của sự thử thách mà họ đang phải chịu, kêu mời họ hoán cải, hứa với họ một cuộc cứu thoát. Ấy vậy, ông vấp phải sự vô tri, ngờ vực và giận dữ của những người đã nếm mùi đắng cay của một cuộc lưu đày dài lâu.

Người Công Chính bị bách hại:

Bên kia dung mạo của một vị ngôn sứ hiện hình dung mạo của Người Công Chính thập toàn, bản văn vang lên cung giọng Mê-si-a. Cũng chính Đức Giê-su sẽ thực hiện sứ mạng được giao phó cho Ngài trong một thái độ hoàn toàn vâng phục. Cũng chính Ngài sẽ đem Tin Mừng đến cho những người nghèo hèn khốn khổ. Như vị ngôn sứ vô tội, thay vì biết ơn, Ngài sẽ bị đánh đập, nhục mạ, khổ hình mà “chẳng hổ ngươi và trơ mặt ra như đá vì biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.

Bài ca thứ ba nầy cho chúng ta cảm thấy trước bài ca thứ tư bi thương về Người Tôi Trung sẽ được đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)

Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Phi-líp-phê là một bài thơ sáu khổ, theo thể văn xuôi có vần có điệu. Ba khổ thơ đầu tiên họa lại việc Đức Giê-su tự nguyện hạ mình (2: 6-8), và ba khổ thơ còn lại, theo một chiều hướng ngược lại, thuật lại ba giai đoạn Thiên Chúa Cha tôn vinh Ngài (2: 9-11).

Trong bức thư chất chứa giọng nói nồng nàn rất thân quen nầy, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi chúng ta gặp thấy những câu thơ khôn sánh như tuôn trào từ ngòi bút nầy. Người ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay thánh nhân chỉ trích dẫn bài thánh thi giàu hình tượng nầy. Dù sao chúng ta cũng vẫn có một chứng liệu đáng chú ý, một trong những bản văn cổ xưa nhất về thần học Đức Ki-tô; nhất là bài thơ nầy mang đến một lời chứng quý báu đầu tiên (trước cả Tựa Ngôn của Tin Mừng Gio-an) về niềm tin nguyên thủy vào cuộc sống tiền hữu của Đức Giê-su.

Ba giai đoạn tự hạ (2: 6-8):

1-Đức Giê-su, tuy vẫn là Thiên Chúa, từ bỏ không chỉ Thiên Tính nhưng còn cả vinh quang vốn dĩ nội tại ở nơi Ngài.

2-Ngài tự hủy mình ra hư không, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn, sống kiếp phàm nhân, để chia sẻ tận cùng những cảnh đời cơ cực yếu hèn của con người (ngoại trừ tội lỗi).

3-Ngài còn tự hạ hơn nữa khi vâng lời chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá.

Ba giai đoạn vinh quang (2: 9-11):

1-Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng cho Ngài danh hiệu. Danh hiệu ở đây mang lấy một ý nghĩa tuyệt đối, nghĩa là chỉ dành riêng cho một mình Ngài. Đây là danh hiệu của Đức Chúa, danh hiệu mà trong truyền thống Do thái dành riêng để chỉ danh khôn tả của Thiên Chúa như phần tiếp theo chỉ cho thấy: “trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”, vì thế, “vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”.

2-Diễn ngữ “cả trên trời dưới đất và trong cõi âm ty” chỉ toàn thể vũ trụ. Điều nầy muốn nói rằng không chỉ nhân loại, nhưng ngay cả toàn thể mọi loài thọ tạo đều phải cung kính thờ lạy Ngài. Đó cũng là chủ đề được gặp thấy trong sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi tạo vật trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên  lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời” (Kh 5: 13).

3-Sau cùng, người Ki-tô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Giê-su Ki-tô danh hiệu “Đức Chúa” mà Cựu Ước dành riêng cho Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Đây là nét đặc trưng của lời tuyên xưng đức tin nguyên thủy. Cũng như thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phao-lô nhiều lần nhấn mạnh Thiên Tính của Đức Giê-su.

Mẫu gương của Đức Giê-su:

Thánh Phao-lô rất mực yêu mến Giáo Đoàn Phi-líp-phê mà thánh nhân đã thiết lập vào năm 49-50 và là cộng đồng Ki tô hữu đầu tiên trên vùng đất Châu Âu. Phi-líp-phê là một thành phố quan trọng của miền Ma-xê-đoan, thành phố mang tên vua Phi-líp-phê, thân phụ của đại đế A-lê-xan-đê, người đã xâm chiếm thành nầy vào năm 360 trước Công Nguyên.

Khi viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đang bị giam cầm có thể ở Ê-phê-xô. Thánh nhân mong ước các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài sống trong sự hiệp nhất và nhất là trong sự khiêm hạ sâu xa. Thánh nhân lấy Đức Ki-tô làm mẫu gương cho họ noi theo.

TIN MỪNG (Mc 14: 1-15, 47)

Bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (14: 1-15: 47)

Như các thánh ký khác, thánh Mác-cô dành một vị thế quan trọng cho bài trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta có bằng chứng cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã hiểu: biến cố đồi Can-vê không là một tình tiết xấu hổ và nhục nhã mà biến cố Phục Sinh đến để tẩy xóa đi, nhưng trái lại là tuyệt đỉnh công trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, là nơi Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng cứu độ. Các Ki tô hữu tiên khởi đảm nhận sự thách đố của Thập Giá, bất chấp Thập Giá gây nên sự kỳ chướng đối với dân ngoại.

Thánh Mác-cô đặc biệt dọi chiếu sự mâu thuẩn của những hoàn cảnh: dù bị nhạo báng, nhục mạ, bị kết án khổ hình ô nhục, nhưng Đức Giê-su vẫn khẳng định quyền năng và tính siêu việt của Ngài với một phẩm chất cao vời.

KHÚC DẠO ĐẦU (14: 1-31)

Khúc dạo đầu của bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô gồm có hai phần: phần thứ nhất (14: 1-11) nêu bật câu chuyện người phụ nữ vô danh xức dầu thơm cho Đức Giê-su ở Bê-ta-ni-a và phần thứ hai (14: 12-31) nêu bật việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể.

ÂM MƯU VÀ XỨC DẦU Ở BÊ-TA-NI-A (14: 1-11).

Phân đoạn này được dàn dựng theo kiểu văn chương: “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”, nghĩa là, câu chuyện “các nhà lãnh đạo Do thái bài mưu tính kế hãm hại Đức Giê-su được một người môn đệ thân tín của Ngài là ông Giu-đa cộng tác bằng việc phản bội Ngài” (14: 1-2 và 10-11) được chen vào giữa bởi câu chuyện “người phụ nữ vô danh xức dầu cho Đức Giê-su” (14: 3-9). Câu chuyện này vừa tỏ lộ tấm lòng quảng đại của cô tương phản với sự mù quáng của các nhà lãnh đạo Do thái (14: 1-2) và sự phản bội của ông Giu-đa (14: 10-11), đồng thời cũng nhắm đến tước vị của Ngài là Đấng Mê-si-a, “Đấng được xức dầu” (“Đức Ki tô”) và hướng đến cuộc mai táng của Ngài. Phân đoạn này được cấu trúc như sau:

A.Âm mưu (14: 1-2)

B.Việc xức dầu và ý nghĩa (14: 3-9).

A’.Giu-đa phản bội Thầy (14: 10-11).

A.Âm mưu (14: 1-2):

-“Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men”: Trước đây, lễ Vượt Qua là một dịp lễ hội lễ của các dân du mục. Vào mùa xuân, khi gia súc đã qua mùa sinh sản, người ta dâng cúng cho các vị thần thánh các con chiên sinh ra đầu tiên (x. Xh 12: 1-11). Đến khi dân Ít-ra-en đã định cư, họ tổ chức một lễ hội khác, gọi là lễ Bánh Không Men, lễ hội nông nghiệp vào mùa xuân. Họ mừng mùa gặt mới. Hai lễ hội này: Vượt Qua và Bánh Không Men, nhanh chóng được làm một với nhau. Thay vì tổ chức mừng đón thiên nhiên đâm chồi nẩy lộc khi xuân về, họ lại tưởng nhớ việc được giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập (x. Xh 12: 15-20; 34: 18-20) và thiết lập dân Thiên Chúa (Đnl 16: 1-8). Ở Ít-ra-en, lễ Vượt Qua đã trở thành lễ hội quan trọng và lớn nhất của dân Do thái. Lễ bắt đầu vào đêm 15 trăng tròn của tháng Ni-san (tháng Ba-tháng Tư) và kéo dài trong tám ngày, trong thời gian đó, tất cả men phải cất khỏi nhà, và cấm dùng bánh không men (Xh 12: 15-20). Khi tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, dân Ít-ra-en không chỉ kỷ niệm về một quá khứ nhưng còn hiện tại hóa những ơn lành Thiên Chúa thương ban vf ngưỡng vọng Đấng Mê-si-a Cứu Độ. Do đó không phải ngẫu nhiên mà bản tường thuật Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giê-su được đặt vào khung cảnh của lễ hội này. Nó tạo nên một bầu khí phụng vụ rõ nét.

– “Các thượng tế và kinh sư”: Trước đây chúng ta thấy đã có một âm mưu chống lại Chúa Giê-su, dù mới chỉ là nét phác họa sơ sài chỉ liên quan đến nhóm Biệt Phái và các kẻ thuộc phe Hê-rô-đê (3: 6). Nhưng khi Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, nhất là khi Ngài xua đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ, thì các thượng tế và kinh sư vạch ra kế hoạch bắt Ngài một cách chính xác hơn (11: 18; 12: 12). Đến bây giờ, họ đang cố nghĩ ra cách thức cụ thể để bắt Chúa Giê-su.

-“Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động”: Họ tìm cách bắt Ngài như thế nào đừng làm kích động dân chúng. Lễ Vượt Qua là ngày đại lễ hành hương lôi kéo dân chúng rất đông từ khắp mọi miền đến thành thánh Giê-ru-sa-lem để mừng lễ. Việc bắt và hành hình Đức Giê-su công khai có nguy cơ gây ra một cuộc náo động. Điều này cho thấy Ngài rất được lòng dân chúng. Vì thế tốt hơn nên đợi khi kỳ lễ chấm dứt, lúc đó mới ra tay hành động. Tuy nhiên, những biến cố xảy đến nhanh hơn họ mong muốn, nhất là khi một trong các môn đệ thân tín của Ngài là ông Giu-đa, tên phản bội, sẵn sàng hợp tác với họ.

Xức dầu và ý nghĩa (14: 3-9):

-“Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi”: Câu chuyện xảy ra ở Bê-ta-ni-a, một làng nhỏ gần Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa Giê-su thường ghé lại nghỉ ngơi khi rời thành Giê-ru-sa-lem (11: 11). Người tiếp đón Ngài được gọi là Si-mon Cùi. Chúng ta không biết ông này là ai, nhưng chắc chắn ông không còn bệnh cùi nữa, bởi vì ông đón tiếp khách vào nhà của mình. Vì thế, thánh Giê-rô-ni-mô giả thiết rằng ông đã được Chúa Giê-su chữa lành bệnh, vì thế Ngài là vị ân nhân của ông.

– “Giữa lúc Người đang dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền”: Chỉ một mình Mác-cô ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và một người phụ nữ đang khi Ngài ngồi ăn ở nhà một người bạn. Thánh ký không cho chúng ta biết tên của người phụ nữ ấy. Tác giả Tin Mừng không chú trọng đến con người, mà là hành động của cô ta. Cô mang một bình dầu thơm quí giá được đánh giá là ba trăm quan tiền (14: 5), quả thật đây là thứ dầu thơm hảo hạng rất đắt (x. Mt 20: 2).

– “Đổ dầu thơm trên đầu Người”: Người phụ nữ không ngần ngại đập bể bình để có thể đổ dầu thơm trên đầu Ngài thật nhiều và thật nhanh. Chuyện đổ dầu thơm lên đầu Chúa Giê-su là việc quá dể dàng: Chúa Giê-su ngồi vào bàn theo lối xưa, nghĩa là Ngài nằm duỗi dài nghiêng qua một bên, tựa đầu vào bàn tay chống cạnh bàn tiệc. Cử chỉ bất ngờ của cô mang ý nghĩa gì? Trong số những nghi thức tỏ lòng hiếu khách, việc thức dầu thơm trên đầu khách là dấu hiệu gia chủ tỏ lòng kính trọng và vinh hạnh. Về phía người phụ nữ, chắc chắn đó là một cử chỉ tỏ lòng tôn kính Ngài. Theo văn hóa Do thái, khi xức dầu lên đầu cho ai, người ta xác định kẻ ấy là vua (x. 2V 9: 6). Hơn nữa, Đấng Mê-si-a mà mọi người đang mong đợi có nghĩa là “Đấng được xức dầu” (x. Is 61: 1). Việc người phụ nữ đổ dầu thơm trên đầu của Đức Giê-su đã chỉ rõ Ngài là Đấng Mê-si-a. Vì thế, trong đám thực khách, chỉ duy mình chị nhận biết chân tính của Ngài và sự hiện diện đặc biệt của Ngài, tương phản với các thượng tế, các kinh sư và thậm chí cả ông Giu-đa.

“Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: ‘Phí dầu thơm như thế để làm gì?”: Người ta quên rằng ngoài ông Si-mon, Chúa Giê-su và người phụ nữ còn có nhóm Mười Hai nữa chứ. Vài người môn đệ (trong số đó có ông Giu-đa, theo Tin Mừng Gioan) chỉ thấy việc làm của cô là quá phí phạm.

“Dầu có thể đem bán lấy ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”: Họ ước tính bình dầu thơm đó phải hơn 300 đồng: tương đương với 300 ngày công vất vả của một người lao động chứ đâu phải gì! Thà ràng đem bán lấy tiền mà bố thí cho kẻ khó còn hơn. Lời phê bình này cũng thấu tình đạt lý đấy chứ.

“Cứ để cho cô ấy làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa”: Lời này giải thích thái độ khoan dung của Đức Giê-su và việc Ngài mô tả hành vi của người phụ nữ là một việc nghĩa.

“Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình…Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!”: Người ta chẳng thiếu gì người nghèo để mà giúp đỡ. Hẳn thực là theo luật Mô-sê thì Thiên Chúa đã đòi hỏi dân Ngài phải ra tay cứu giúp kẻ bần hàn, xóa bỏ bất công: “Ước chi kẻ nghèo khó sẽ không có nơi ngươi” (Đnl 15: 4). Nhưng cũng không nên quá nhiều ảo tưởng. “Vì sẽ không hề thiếu người nghèo khó trong xứ đâu. Bởi thế, Ta truyền dạy rằng: ngươi phải mở rộng tay ngươi cho anh em ngươi, cho kẻ bần cùng và nghèo hèn trên đất ngươi” (Đnl 15: 11). Chúa Giê-su không hề phủ nhận ra tay giúp đỡ người nghèo. Ngoài ra, ngay chính trong đám môn đệ, vẫn có một người đặc trách việc bố thí. Theo Gioan, đó chính là phận vụ của Giu-đa, thủ quỷ của nhóm Mười Hai (Ga 12: 4-6). Vậy rõ ràng là ông Giu-đa, một trong vài môn đệ, đã phê bình chỉ trích việc làm của cô là quá phí phạm.

“Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng”: Chúa Giê-su bất ngờ mặc cho hành động của cô ta một ý nghĩa cao cả hơn thế nữa. Chúa Giê-su muốn nói đến hành động mang tính ngôn sứ của cô. Thân thể mà cô xức dầu thơm chẳng bao lâu sẽ bị giết chết, đoạn được mai táng vội vàng nên không đón nhận những vinh dự khâm liệm như tập tục dành cho những người qua đời. Cô đã tham dự trước nghi thức mai táng của Ngài. Đây là cách thức mới Chúa Giê-su loan báo cuộc Tử Nạn sắp đến của Ngài. Như vậy, Chúa Giê-su đã không ngần ngại liên kết hành động của người phụ nữ vô danh đó với thảm kịch Ngài sắp phải chịu.

“Hễ Tin Mừng được loan báo đến đau trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”: Thánh Mác-cô cũng không bỏ qua việc kết thúc bài tường thuật bằng cách ghi nhận lời tuyên bố long trọng của Thầy mình là: Khắp cả thế giới hễ nơi nào được loan báo Tin Mừng, thì biến cố này cũng sẽ được biết đến. Khi ghi lại cảnh tượng này, thánh ký biết rằng việc xức dầu ở Bê-ta-ni-a hẳn sẽ được nối kết với lời rao truyền “Tin Mừng” loan báo cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su. Ta nhận thấy Mác-cô rất quan tâm đến việc thông truyền Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho cả thế giới (1: 1; 8: 35; 10: 29; 13: 10). Tâm điểm của Tin Mừng này là cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đấng Mê-si-a, và dĩ nhiên, cử chỉ khiêm hạ của người phụ nữ kia phải chiếm một vị trí thích hợp ở đó.

A’.Giu-đa phản bội (14: 10-11):

-“Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong nhóm Mười Hai”: Qua những từ ngữ giản dị này: “Một người trong nhóm Mười Hai”, thánh ký nêu bật sự ghê tởm của hành động phản bội. Đây là một trong những đau khổ thấm thía nhất của Đức Giê-su, vào đêm bi thảm này: một trong số các môn đệ thân tín của Ngài, một trong những người đồng hành mà Ngài đã chọn, đã nộp Ngài. Nhiều lần Ngài đã để lộ những nỗi khổ tâm này và cũng nhiều lần Ngài nhắc khéo ông để ông biết hối lỗi mà từ bỏ ý định gian ác ấy, như vào lúc rửa chân và vào lúc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể.

Ông Giu-đa toan tính gặp các thượng tế để tính chuyện nộp Chúa Giê-su cho họ. Ông tìm đúng người đúng chỗ. Chính ở nơi nhóm người này mà lòng căm thù sôi sục trong họ. Chính xác là họ vừa mới quyết định là thủ tiêu Đức Giê-su làm cách nào không làm kinh động đến dân chúng.

Như đã nói trên, trong số các môn đệ chống đối việc người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa Giê-su, chắc chắn có “Giu-đa Ít-ca-ri-ô, một trong nhóm Mười Hai”. Nhờ vào Tin Mừng Gioan, chúng ta biết thêm rằng chính y là ngươi quản lý tiền bạc cho nhóm tông đồ. Ngoài việc lo lắng chi tiêu cho cả nhóm, y còn đảm trách luôn việc bố thí cho người nghèo. Vậy mà y chẳng bận tâm gì đến nhiệm vụ ấy, bởi lẽ “y là một tên trộm cướp…y ăn cắp” hết thảy những gì người ta cho cho vào trong túi y (Ga 12: 4-6). Thực tế cho thấy rằng chính y là kẻ “đã đi gặp các thượng tế, để tính chuyện nộp Chúa Giê-su cho họ”. Bù lại, y sẽ nhận được tiền. Các thánh ký khác làm rõ những động cơ phản bội của Giu-đa, đối với Mát-thêu là tham tiền (Mt 26: 15), còn đối với Lu-ca là do Xa-tan (Lc 22: 3).

“Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền”: Những kẻ bày mưu tính kế hãm hại Ngài gặp thấy ông Giu-đa là một kẻ cộng tác bất ngờ, vfi thế hứa cho ông tiền. Như thế mưu mô mà họ đã âm thầm nuôi dưỡng (14: 1b) nay có thể thực hiện được. Tiền làm sáng mắt tên phản bội, kẻ hám lợi. Với vài hàng đơn sơ, thánh Mác-cô đã cho thấy rằng chỉ vì một lợi lộc bẩn thỉu một tên phản bội đã len lỏi vào hàng ngũ bạn hữu của Chúa Giê-su. Các tác giả Tin Mừng khác làm rõ động cơ phản bội của Giu-đa, đối với thánh Gioan, y “tên ăn cắp” (Ga 12: 6), đối với thánh Mát-thêu, y là “kẻ tham tiền” (Mt 26: 15), còn đối với thánh Lu-ca, “y do Xa-tan xúi dục” (Lc 22: 3). Cần ghi nhớ rằng một trong những nguyên nhân dẫn Chúa Giê-su đến cái chết lại đến từ một trong các kẻ thân cận với Ngài. Sự phản bội của ông tương phản với sự trung tín của người phụ nữ. Sáng kiến của ông cho phép các thượng tế và kinh sư thực hiện mưu đồ của họ.

– “Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện”: Bây giờ Giu-đa chỉ còn việc tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giê-su. Dịp này sẽ xảy ra trong vài giờ nữa, không cần phải chờ đến hết ngày.

BỮA ĂN VƯỢT QUA VÀ BÀN TIỆC THÁNH THỂ (14: 12-31).

2.1.Chuẩn bị (14: 12-16)

Bản văn này được tường thuật với văn phong gần như kiểu chuyện “thần kỳ”. Các môn đệ hỏi Chúa Giê-su về địa điểm dọn tiệc. Chúa Giê-su trả lời khá kỳ lạ. Có hai điểm nổi bật trong đoạn này. Điểm thứ nhất là các môn đệ sẽ gặp một người đội vò nước. Lẽ thường thì chỉ có phụ nữ mới đi lấy nước. Như vậy, Chúa Giê-su đã mặc cho đặc điểm kỳ lạ này một dấu chỉ trù định trước. Điều kỳ lạ thứ hai, đó là việc tìm được một căn phòng “đã sắp sẳn” cho bữa tiệc. Hình như Thiên Chúa đã Quan Phòng hết mọi sự, và Chúa Giê-su được coi như là một ngôn sứ biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra, biết từng chi tiết một. Làm sao giải thích điều này? chắc hẳn là thánh Mác-cô đã được linh hứng khi viết những trang này, theo kiểu viết Kinh Thánh thông thường hồi đó. Trong sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, ngôn sứ Sa-mu-en đã thấy trước được những lần gặp gỡ (theo thánh ý Thiên Chúa) với chàng trai trẻ Sa-un. Những cuộc gặp gỡ này phải chứng tỏ được rằng Thiên Chúa đã chọn chàng trai này để làm vua Ít-ra-en (1Sm 10: 1-10). Cũng tương tự như thế, cuộc gặp gỡ được báo trước hai người môn đệ với người đàn ông đội vò nước sẽ là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã chọn Chúa Giê-su làm Vua-Mê-si-a. Đoạn này còn được xác quyết chắc chắn bằng đoạn khác của Mác-cô: chuyện kể về việc Chúa Giê-su khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem (11: 1-11), theo đó, Chúa Giê-su cũng phái hai môn đệ đi trước để tìm gặp con lừa con. Biến cố này rõ rệt là mang tính chất Mê-si-a. Trong cả hai lần, sự việc cũng xảy ra y như những lời dặn dò trước của Chúa Giê-su. Mọi sự đều diễn ra phù hợp với nhận định ngôn sứ của Thầy.

-“Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua”: Hai ngày lễ này tự nguồn gốc thì khác nhau: lễ Vượt Qua, lễ của những người chăn nuôi; vào ngày lễ này, người ta sát tế một con chiên non để mừng lễ. Còn vào ngày lễ Bánh Không Men, lễ của những người trồng trọt, người ta dâng hiến những sản phẩm đầu mùa và ăn bánh không men từ những lúa mạch đầu mùa. Từ lâu, hai lễ này  được cử hành thành một đại lễ, bắt đầu với lễ Vượt Qua và kéo dài suốt một tuần lễ (Đnl 16: 1-8). Việc hiệp nhất hai lễ này trở nên dể dàng hơn vì bữa ăn Vượt Qua cũng bao gồm bánh không men. Việc sát tế xảy ra vào buổi chiều ngày 14 tháng Ni-san trước khi ngày thứ nhất bắt đầu lúc mặt trời lặn. Quả thật, các môn đệ được sai đi ra ngoài để chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua được cử hành vào đêm 15 trăng tròn của tháng Ni-san (theo cách tính ngày của người Do thái, một ngày mới bắt đầu vào buổi chiều).

– “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”: Theo luật, lễ Vượt Qua phải được mừng ở Giê-ru-sa-lem. Vì thế, con chiên bị sát tế trong khuôn viên Đền Thờ và bữa ăn Vượt Qua được tổ chức ở trong thành. Điều này khiến các môn đệ bận tâm. Đức Giê-su là một nhà giảng thuyết lưu động; thêm nữa, các môn đệ và Thầy đều là người Ga-li-lê-a.

-“Sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh”: Hoạt cảnh ở đây giống đến kỳ lạ với hoạt cảnh xảy ra trước đó khi chuẩn bị cho việc Chúa Giê-su tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a. Trong cả hai hoạt cảnh, Chúa Giê-su sai hai môn đệ đi thi hành sứ mạng trong đó họ sẽ gặp thấy mọi việc như Ngài đã mô tả. Trong trường hợp thứ nhất: một con lừa đang cột sẵn ở đó; còn ở đây: một người mang vò nước đến gặp hai ông.

-“Một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng”: Trong cả hai lần, những sự cố xảy ra đúng như Chúa Giê-su định liệu: trong trường hợp trước, người ta để cho hai ông dắt con lừa đi; trong trường hợp này, người mang vò nước dẫn hai ông vào nhà và chỉ cho hai ông một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng cho Ngài và các môn đệ cử hành bữa ăn Vượt Qua.

Qua những điều này, thánh Mác-cô muốn nói rằng Đức Giê-su đã dự liệu tất cả. Chính Đức Giê-su tổ chức lễ Vượt Qua sau cùng này với các môn đệ như trước đây Ngài đã tổ chức cuộc tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Thánh Mác-cô đồng hóa bữa cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ Ngài với bữa ăn Vượt Qua theo nghĩa nhặt, nghĩa là xảy ra vào đúng buổi chiều ngày 15 tháng Ni-san. Hai thánh ký Nhất Lãm khác đã theo niên biểu của Mác-cô. Tuy nhiên, Ga 19: 14 đặt cuộc Tử Nạn của Chúa Giê-su vào buổi chiều ngày 14 tháng Ni-san, vì thế, bữa ăn sau cùng của Chúa Giê-su là bữa Tiệc Ly, bữa tiệc áp lễ Vượt Qua. Niên biểu của Gioan xem ra cụ thể hơn, vì việc các thượng tế và kinh sư đã ra tay hành động vào ngày thứ nhất lễ Vượt Qua thì thật đáng ngờ. Bởi lẽ theo luật lệ tòa án vào thời đó, người ta không thể kêu án và xử tử bất kỳ ai một khi lễ Vượt Qua đã bắt đầu. Về phương diện lịch sử, trình tự thời gian mà Gioan ghi lại có lẽ hợp lý hơn. Năm ấy, lễ Vượt Qua Do thái xảy ra vào ngày thứ bảy, tức ngày Sa-bát (Ga 19: 31). Chúa Giê-su đã bị đóng đinh vào hôm trước đó, vào ngày thứ Sáu, vào giờ  mà người ta cắt tiết chiên để ăn mừng lễ (Ga 18: 28). Như thế Chúa Giê-su dùng bữa tiệc ly cùng với các môn đệ vào ngày thứ Năm. Sở dĩ các thánh ký Nhất Lãm làm bữa tiệc ly thành bữa ăn Vượt Qua chính là muốn đối chiếu cuộc tử nạn của Chúa Giê-su với những chủ đề hy tế và giải phóng của lễ Vượt Qua. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su gắn liền với lễ “Vượt Qua Mới”: việc giải phóng khỏi ách nô lệ của sự Ác và sự Chết. Thánh Phao-lô là người đầu tiên có thể phát biểu: “Đức Ki-tô, chiên Vượt Qua của tá, đã bị sát tế. Ta hãy mừng lễ, đừng với mem cũ…nhưng với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5: 7-8).

Trong đoạn văn này, chúng ta lưu ý đến việc lập lại đến hai lần tỉnh từ “Vượt Qua” (14: 12b và 12d) và danh từ “Vượt Qua” (14: 14, 16), là nhằm mục đích kêu mời độc giả chú ý đến ý nghĩa tối hậu của bữa ăn Chúa Giê-su sắp đồng bàn với các môn đệ. Bữa ăn này là dịp lễ tưởng niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai-cập, đồng thời chính là dịp loan báo sự chết và sống lại của Đấng Mê-si-a Cứu Thế.

2.2.Thắp sáng việc tự hiến của Đức Giê-su (14: 17-31).

Toàn bộ bản văn này được dàn dựng theo kỷ thuật “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”, nghĩa là câu chuyện “Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể” được xen vào giữa câu chuyện Chúa Giê-su loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy (14: 17-21) và ông Phê-rô chối Thầy (14: 26-31). Nhờ Kỷ thuật văn chương này, thánh Mác-cô thắp sáng việc Đức Giê-su hiến dâng mạng sống, tương phản với thái độ của hai ông Giu-đa và Phê-rô.

A.Loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy (14: 17-21)

B.Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể (14: 22-25)

A’.Loan báo ông Phê-rô chối Thầy (14: 26-31).

A.Loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy (14: 17-21):

-“Chiều đến, Đức Giê-su tới cùng với nhóm Mười Hai”: Khi màn đêm buông xuống, người Do thái mới cử hành bữa ăn Vượt Qua. Từ trước cho đến nay, thánh Mác-cô vẫn dùng từ “các môn đệ”, nhưng bây giờ, vào lúc trang trọng này, ông gọi họ chính xác là “nhóm Mười Hai”. Hiển nhiên là muốn nói đến các Tông Đồ, những kẻ đã gắn bó với Chúa Giê-su và với sứ vụ của Ngài. Nhóm người đang quây quần dự tiệc với Chúa Giê-su là hình ảnh tượng trưng cho toàn thể dân Thiên Chúa Mới (12 chi tộc Ít-ra-en).

-“Có người trong anh em sẽ nộp thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy”: Họ được coi là một cộng đoàn thống nhất, tuy nhiên ở đây từ trong nội bộ đã xuất hiện sự chia rẽ. Chúa Giê-su đã loan báo rất rõ ràng rằng Giu-đa sẽ phản bội, tuy nhiên Ngài không nêu đích danh. Ngài nói đến đề tài có trong Kinh Thánh nói về người công chính bị bách hại, về kẻ bị người thân cận nhất phản bội: “Cả người bạn hữu tín cẩn của tôi, kẻ tôi thường san sẻ cơm bánh, cũng đã vùng lên chống lại tôi” (Tv 41: 10).

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại sự kiện này và đều nhấn mạnh Giu-đa “đang cùng ăn với Thầy” (thánh Gioan xác định “chia sẻ cùng một miêng bánh”). Theo quan niệm xưa, “đồng bàn” đồng nghĩa “đồng hội đồng thuyền”, tức “đồng sinh đồng tử”, sống chết có nhau. Như vậy, hành vi phản bội nêu bật nhân cách vô liêm sĩ của ông Giu-đa.

-“Các môn đệ đâm ra buồn rầu”: Bầu khí trang trọng thân tình giữa Thầy trò bổng trở nên ngột ngạt. Lời loan báo của Chúa Giê-su khiến các ông sửng sờ.

 – “Lần lượt hỏi Người: ‘Chẳng lẽ con sao?”: Bởi lẽ Chúa Giê-su không thẳng thừng lột mặt nạ kẻ phản bội nên các tông đồ dồn dập hỏi nhau cho biết ai là kẻ phản bội. Chắc chắn Mác-cô muốn hết thảy mọi Ki-tô hữu cũng phải tự đặt câu hỏi này mỗi lần họ tham dự bữa ăn của Chúa.

-“Chính là một trong trong nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy”: Câu trả lời này cũng thật mơ hồ, vì theo tập quán, mọi người đều cùng chấm chung một đĩa. Lại một lần nữa, Chúa Giê-su vẫn chưa chịu nêu đích danh kẻ phản bội, chỉ xác nhận đó là một người trong họ. Ngài cứ để cho các ông thắc mắc.

-“Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người”: Trong những hoàn cảnh nghiêm trọng như thế, Chúa Giê-su thường gợi lên tước hiệu “Con Người” để nói về sứ mạng của mình. Dưới tước hiệu này, Ngài ẩn dấu mầu nhiệm của Ngài.

Rồi, Chúa đã nêu rõ rằng đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Dù việc ứng nghiệm Cựu Ước là chủ đề chính trong câu chuyện Thương Khó của Mác-cô, nhưng không có đoạn văn nào nói về những đau khổ của “Con Người”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su viện đến Kinh Thánh để làm cơ sở cuối cùng hầu giải thích cho các môn đệ những điều sắp xảy đến với Ngài. Chỉ vì kế hoạch của Thiên Chúa đang làm việc ở nơi cuộc tử nạn của Đức Giê-su. Chúng ta rất thường gặp các lý do tâm lý trong biến cố Khổ Nạn. Điều gì thúc đẩy Giu-đa phản bội Thầy mình? Các Ki-tô hữu sơ khai không hề quan tâm tới câu hỏi này. Đối với họ điều quan trọng là hiểu cho được việc Đấng Mê-si-a bị các môn đệ chối bỏ lại đã hoàn thành chương trình của Thiên Chúa ra sao (x. Is 53: 7-9).

– “Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”: Chúa Giê-su kết thúc bằng những lời rất dể gây ngộ nhận. Qua những lời này, người ta muốn biết liệu Chúa Giê-su có rõ ràng xác quyết rằng Giu-đa có bị kết án đời đời hay không. Chúng ta không thể nào nghĩ đây là lời nguyền rủa thốt ra từ miệng Đức Giê-su vào giờ Ngài ý thức rất rõ là Ngài sắp đổ máu mình để xóa tội nhân loại. Đúng hơn là lời ghi nhận đượm nỗi buồn phiền. Giả như hắn đừng sinh ra, thì không phạm một tội ác tày trời như vậy. Đừng quên rằng Chúa Giê-su đã phát biểu theo lối than vãn thường gặp trong văn phong Kinh Thánh. Ngài không xét xử kẻ phản bội, cũng không kết án y. Ngài chỉ thương hại y theo cách các ngôn sứ thường than vãn về sự bất trung của toàn thể dân Chúa: “Khốn nạn! Dân tội lỗi! Dân chất đầy tội vạ! Nòi giống ác độc! Phường con hư đốn!” (Is 1: 4). Chúng ta cũng đã thấy Chúa Giê-su đã có lần sử dụng lối nói này để quát đuổi quỷ ma (x. Mc 9: 19). Thực vậy, chúng ta không thể nào kết luận được rằng Chúa Giê-su than van như thế là Ngài đã đày Giu-đa xuống hỏa ngục. .

Sự cố đầu tiên ở bài trình thuật Tiệc Ly nhấn mạnh Đức Giê-su biết trước Giu-đa âm mưu phản bội Ngài và Đức Giê-su sẵn sàng vâng phục ý muốn Chúa Cha chấp nhận cuộc thương khó và tử nạn.

Thiết lập bí tích Thánh Thể (14: 22-26):

Bản văn Mác-cô nối kết bánh và rượu của bữa ăn sau cùng của Đức Giê-su với cuộc Tử Nạn ngay liền sau đó của Ngài (x. Mt 26: 26-29; cf. 1Cr 11: 23-25; Lc 22: 15-20), và giải thích chúng trong ánh sáng của các truyền thống hy tế Cựu Ước (x. Xh 24: 8; Is 53: 12) và niềm hy vọng bàn tiệc Mê-si-a trong Nước Thiên Chúa.

-“Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông”: Chúa Giê-su đã làm một cử điệu mang tính nghi thức rất quen thuộc đối với người Do thái khi tham dự bữa ăn Vượt Qua với nhau trong gia đình hay trong nhóm. Như người cha chủ toạ bữa ăn trong gia đình, Ngài cầm lấy bánh và chúc tụng thiên Chúa về những ơn phúc Người đã ban cho. Lời kinh “Chúc Tụng” của người Do thái không phải là một lời nguyện chiếu lệ, trái lại rất trang trọng, bởi vì qua đó dân Ít-ra-en dâng lên Thiên Chúa lời “ca ngợi và tạ ơn” Thiên Chúa vì đã giải thoát không chỉ ông bà tổ tiên xa xưa của họ nhưng cả chính họ ngày hôm nay. Trong kinh Haggada mừng lễ Vượt Qua (nghi thức ăn mừng đại lễ Vượt Qua), người ta cũng đọc thấy “Ta mắc nợ này: là phải cảm tạ, ngợi khen…chúc tụng Đấng đã ban cho cha ông chúng ta và cả cho chúng ta hằng hà dấu chỉ. Ngài đã kéo ta ra khỏi ách nô lệ đến nơi tự do, từ cõi u sầu đến miền hoang lạc, từ chốn tan tác vào nơi vui vẻ, từ tối tăm ra ánh sáng và từ chỗ bị áp bức tới nơi giải phóng. Và trước nhan Người ta hãy hát lên bài ca mới Alleluia”. Sau khi đã hát xong lời nguyện, Chúa Giê-su bẻ bánh. Ngài phát cho các vị đồng bàn mỗi người một miếng. Vừa trao ban cho từng người, Ngài vừa nói:

– “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”: Trong tiếng A-ram, ngôn ngữ Chúa Giê-su dùng, tiếng “mình” không phải chỉ nói riêng đến phần thân xác, mà là đến “con người”, nghĩa là toàn bộ cuộc sống của Ngài. Như thế, Chúa Giê-su không chỉ ban ban phát thân xác của Ngài làm của ăn cho chúng ta, như kiểu giải thích duy vật của Tây Phương, nhưng toàn bộ cuộc sống của Ngài. Ngài loan báo rằng toàn bộ cuộc sống của Ngài sẽ được giải thoát khỏi sự chết và chúng ta sẽ được dự phần vào cuộc sống được giải thoát này.

-“Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông”: Ý nghĩa của món quà tặng này còn được Ngài làm rõ hơn ngay sau đó, qua cử chỉ và lời nói của Ngài khi cầm lấy chén rượu. Mọi lời nói ở đây đều cô động lạ thường. Chúa Giê-su cầm chén rượu nho lên cao, rồi dâng lời “tạ ơn” Thiên Chúa một lần nữa. Chính từ ngữ Hy-lạp này đã phát sinh ra từ “Eucharistie” (“hành vi tạ ơn”) trong tiếng Pháp, rồi từ đó người ta dùng thuật ngữ này để chỉ về toàn bộ các nghi thức liên quan đến bàn tiệc Thánh Thể.

-“Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì mọi người”: Ngài trịnh trọng tuyên bố. Kiểu nói: “máu Thầy” trong ngôn ngữ Do thái có nghĩa là “cuộc đời Thầy” (Lv 17: 14). Khi uống rượu đã được thánh hiến, các môn đệ không phải là đã uống máu người. Họ đâu có phải là những kẻ ăn thịt người. Họ thông phần với con người Đức Ki-tô, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình trên thập giá (1Cr 11: 17-34).

Những lời Chúa Giê-su nói tiếp theo sau đó đã giải thích rất minh bạch ý nghĩa cái chết của Ngài. Máu Ngài đổ ra sẽ là “Máu Giao Ước”. Thuở xưa trên núi Xi-nai, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với dân Ít-ra-en, dân được tuyển chọn. Sau khi đọc lề luật Thiên Chúa cho dân Ít-ra-en nghe xong, ông Mô-sê đã ghi dấu giao ước đầu tiên này bằng máu của những tế vật (Xh 24: 3-8). Lúc này đây, qua cái chết của mình, Chúa Giê-su sẽ thiết lập điều mà Phao-lô (1Cr 11: 25) và Lu-ca (22: 20) gọi rất chính xác là “Giao Ước Mới” giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại. Thực vậy, việc Chúa Giê-su hiến mình chịu chết đã đem lại một ý nghĩa “cứu độ” và phổ quát. Máu Ngài “đổ ra cho nhiều người”. “Nhiều người” là một lối nói trong tiếng Do thái để chỉ toàn thể nhân loại và kiểu nói này đã ám chỉ chắc chắn đến “Người Tôi Tớ đau khổ” sắp lãnh nhận cái chết để hòa giải các dân thiên hạ với Thiên Chúa như các ngôn sứ đã loan báo trước đó (Is 53: 12). Như thế, Chúa Giê-su đã nâng sự chết Ngài sắp phải chịu lên một tầm mức cứu độ phổ quát. Ngài hiến thân mình và mạng sống của mình để cứu chuộc thế giới.

-“Cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”: Rồi khi kết thúc bữa ăn, Chúa Giê-su đã mở ra một viễn cảnh cánh chung. Ở đây, Chúa Giê-su loan báo Ngài sẽ chiến thắng sự chết. Ngài hứa hẹn Nước Thiên Chúa sẽ đến qua hình ảnh một bữa tiệc, ở đó rồi mọi người sẽ được ăn no uống đủ. Ở đó, “rượu mới” sẽ tuôn tràn cho mọi người, một khi sự chết đã bị tiêu diệt (chướng ngại tối hậu), hết thảy mọi dân nước trên địa cầu này sẽ thông phần với Thiên Chúa hằng sống (Is 25: 6-9).

Lễ Vượt Qua Do thái mà Chúa Giê-su tham dự cùng với các môn đệ, biến thành lễ Vượt Qua Ki-tô giáo bởi việc Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể như một Giao Ước Mới với Dân Thiên Chúa Mới. Như vậy, lễ Vượt Qua Ki-tô giáo vừa nối tiếp, nhưng cũng vừa đoạn tuyệt và mới mẻ tận căn đối với lễ Vượt Qua Do thái.

Nếu khung cảnh bữa ăn Vượt Qua soi sáng sự biến đổi kỳ diệu của bữa ăn Thành Thể như thế nào, thì bữa ăn này, cũng là bữa Tiệc Ly, bữa ăn chia tay, mặc khải tất cả khía cạnh thống thiết của nó như thế. Đức Giê-su sắp từ biệt các môn đệ của mình, những người mà Ngài yêu thương cho đến cùng, những người mà Ngài trao gởi sứ mạng truyền đạt sứ điệp của Ngài cho hậu thế. Trong giờ phút ly biệt kẻ ở người đi này, Chúa Giê-su gặp thấy một phương tiện để ở với họ, bằng cách thiết lập bàn tiệc Thánh Thể như một kỷ vật kỳ diệu này, quà tặng của chính bản thân mình; nhờ đó các Tông Đồ cũng như những người kế nghiệp các ngài có thể lưu truyền mãi mãi sự hiện diện của Ngài. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể vừa ra đi vừa ở lại được.

Các cộng đoàn Ki-tô hữu đều sử dụng các câu trích dẫn từ bản trình thuật trên. Mác-cô cho thấy rằng Chúa Giê-su đã thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Đối với các Ki-tô hữu, bữa tiệc này đã được lặp lại để “tưởng nhớ” cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Cứu Độ. Khi cùng nhau “bẻ bánh” và “uống rượu chúc tụng”, người Ki-tô hữu ý thức được họ phải loan truyền cho anh em biết đến các biến cố cứu độ này. Họ biết rằng bí tích này phải thực thi sống động mầu nhiệm Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại. Cũng như các anh em Do thái cử hành lễ Vượt Qua thế nào thì các môn đệ Chúa Giê-su cũng lặp lại những lời nói, nghi lễ này thế ấy, đó là “Từ thời nay tới thời khác, khi con người ra khỏi đất Ai-cập, họ đã mắc nợ. Ta hãy chúc tụng Thiên Chú Chí Thánh, Đấng không chỉ giải thoát cha ông chúng ta mà cả chúng ta nữa. Trong Ngài, chúng ta được cứu thoát!”.

A’.Báo trước việc ông Phê-rô chối Thầy (14: 27-31).

Việc báo trước ông Phê-rô sẽ chối Thầy trở lại với việc loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy trước đó (14: 17-21). Thật khó tưởng tượng rằng những Ki-tô hữu tiên khởi sáng tác một câu chuyện Phê-rô chối Thầy một cách gay gắt đến như thế.

-“Hát thánh vịnh xong…”: Chi tiết quý báu này cho thấy bữa tiệc ly mà Chúa Giê-su đồng bàn với nhóm Mười Hai kết thúc như một bữa ăn Vượt Qua của người Do thái. Đây chính là thánh thi tạ ơn được gọi là “Hallel”, trích từ Tv 115-118, mà người Do thái hát để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Khi hát xong bài ca tán tụng này, người ta hát “Alleluia”: “Hãy ca tụng Thiên Chúa”.

– “Chúa Giê-su cùng các môn đệ lên núi Ô-liu”. Đức Giê-su và các môn đệ rời phòng tiệc; họ cùng nhau đi xuống thung lũng Xe-ron nằm giữa thành thánh Giê-ru-sa-lem và núi Ô-liu. Đây là nơi Thầy trò dể dàng tìm được nơi nương náu an toàn, tránh được mối đe dọa đang rình rập họ ở trong thành.

– “Tất cả anh em sẽ vấp ngã”: Trên đường đi, Chúa Giê-su báo trước những gì sẽ xảy đến cho họ. Bầu khí hân hoan hội hè nơi bàn tiệc nay nhường chỗ cho bầu khí nặng nề, u uất. Không phải là Ngài không biết đến hậu quả nặng nề sẽ giáng xuống trên các ông một khi Ngài bị bắt đem đi.

– “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác”: Ngài loan báo là các môn đệ sẽ tản mác và sẽ vấp ngã sa ngã nữa bằng cách trích dẫn sấm ngôn Dcr 13: 7-9 này.  Vị ngôn sứ này đã loan báo rằng thời kỳ cứu độ sẽ đi trước bởi một cơn thử thách lớn lao giáng xuống trên một phần dân Thiên Chúa để thanh tẩy họ; nhóm còn sót lại này bất ngờ không có người chăn dắt, vào lúc họ sẵn sàng đón nhận Giao Ước Mới. Như vậy, thử thách đang chờ đợi nhóm Mười Hai xem ra quá ư khốc liệt.

– “Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”: Để an ủi các ông, Chúa Giê-su loan báo cho các ông rằng Ngài sẽ gặp lại các ông ở Ga-li-lê-a, một cách gián tiếp Ngài báo trước cuộc Phục Sinh của Ngài. Như vậy, Ngài đã cho các ông một cuộc hẹn gặp trước khi bước vào con đường thương khó và tử nạn rồi, nghĩa là, khi “sống lại”, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục qui tụ và dẫn dắt họ.

-“Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”: Vị thủ lãnh nhóm Mười Hai là Phê-rô, hăm hở đứng ra tuyên xưng lòng trung thành với Thầy mình.

-“Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần”: Lời tuyên xưng của Phê-rô phát xuất từ tấm lòng quảng đại bộc trực. Nhưng Chúa Giê-su không hề lạ lẫm gì sự yếu đuối của các ông.

-“Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”: Thánh Phê-rô lại càng quả quyết hơn và tất cả mọi người đểu đồng thanh quả quyết như ông. Mãi đến bình minh hôm sau mới ứng nghiệm lời tiên báo của Chúa Giê-su về việc sẽ xảy đến cho Phê-rô (x. 14: 66-72). Lúc này ông vẫn khăng khăng rằng mình và các bạn hữu sẽ một lòng một dạ trung thành với Thầy cho dù phải chết đi nữa. Mác-cô nhấn mạnh đến sự mù quáng của các Tông Đồ trước cái chết sắp đến của Thầy. Tới lúc đó rồi mà họ vẫn hoàn toàn không biết rằng họ sẽ phải làm gì cả.

Để kết luận, ta nên nhớ rằng, Mác-cô đã lồng ghép hai đoạn văn loan báo sự hèn nhát của những kẻ rất thân cận với Chúa Giê-su như bức bình phong để thắp sáng hoạt cảnh Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể (14: 22-25):  đó là tội phản bội của Giu-đa (14: 17-21) và tội chối Thầy của Phê-rô (14: 26-31).

home Mục lục Lưu trữ