Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1364352

QUAN TÂM ĐẾN TƯƠNG LAI VĨNH CỬU

QUAN TÂM ĐẾN TƯƠNG LAI VĨNH CỬU(*)-  Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết tận dụng của cải ở đời này mà lo toan đến của cải tinh thần, vì của cải tinh thần mới là của cải chân thật, không hề hư hoại, và mới có thể đưa chúng ta vào Nước Trời.

Am 8, 4-7

Ngôn sứ A-mốt phê phán thói tham lam của những phú thương Sa-ma-ri:  thay vì cử hành những ngày đại lễ để kính Đức Chúa, thì họ lại lợi dụng các ngày đại lễ để mà gian lận đầu cơ trục lợi từ những người cùng khốn và những kẻ nghèo hèn trong xứ.

1Tm 2, 1-8

Lời cầu nguyện được định vị vào số những của cải mà người Ki-tô hữu sở hữu. Thánh Phao-lô xin ông Ti-mô-thê quan tâm đến tính phổ quát của lời cầu nguyện trong những buổi họp phụng vụ của Giáo Đoàn Ê-phê-xô, vì Đức Ki-tô là Đấng Trung Gian duy nhất hoàn vũ của ơn cứu độ.

Lc 16, 1-13

Qua dụ ngôn người quản gia bất lương, Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ Ngài hãy tỏ ra khôn khéo trong việc phân phát của cải tinh thần mà Ngài giao phó cho họ cai quản. Họ phải chứng tỏ cho thấy mình xứng đáng với sự tín nhiệm của chủ: “Ai trung tín trong những việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong những việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”.

BÀI ĐỌC I (Am 8, 4-7)

A-mốt là vị ngôn sứ bút ký đầu tiên. Ông công bố sứ điệp báo oán ở vương quốc miền Bắc (miền Ga-li-lê, thủ đô là Sa-ma-ri) vào giữa thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Tuy nhiên, ông xuất thân ở vùng Tơ-cô-a, gần Bê-lem, thuộc vương quốc miền Nam, sống bằng nghề chăn cừu (1, 1) và chăm sóc cây sung (7, 14).

1/.Ơn gọi:

A-mốt được Chúa gọi làm ngôn sứ của Ngài. Đây không lần đầu tiên cũng không là lần cuối cùng Thiên Chúa chọn một người chăn chiên để truyền đạt sứ điệp của Ngài. Chúng ta không biết Chúa gọi ông A-mốt trong hoàn cảnh nào, nhưng vị ngôn sứ nói về ơn gọi làm ngôn sứ của ông như không thể nào cưỡng kháng lại được: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri?” (3, 8).

Vốn là một người giản dị, quen với cuộc sống thanh đạm, gần gũi với thiên nhiên, A-mốt được Chúa sai đến vương quốc miền Bắc, vào lúc đó rất phồn vinh, để nhắc cho dân chúng nhớ những huấn lệnh của Thiên Chúa: thực thi công chính, sống khiêm hạ, bảo vệ những người bị áp bức và những kẻ nghèo hèn trong xứ.

2/.Bối cảnh vương quốc miền Bắc:

Vào thời đó, dưới triều đại vua Gia-róp-am II, vương quốc miền Bắc trở nên thịnh vượng và thanh bình. Thời kỳ cực thịnh này kéo dài suốt bốn mươi năm, có thể được sánh ví với thời kỳ hoàng kim dưới triều đại vua Sa-lô-môn.

Tuy nhiên, chỉ lớp có quyền có thế mới hưởng được sự thịnh vượng nầy. Những quan lại, điền chủ và tầng lớp thương gia cấu kết với nhau ra sức áp bức bốc lột những kẻ nghèo hèn và thấp cổ bé miệng trong xứ. Giai cấp nầy huênh hoang tự đắc rằng chính nhờ tài trí của họ mà đất nước được vui hưởng cảnh thanh bình thịnh trị và nhờ vào tiền đóng góp của họ mà việc phụng tự ở những đền thánh trong vương quốc, như Bết Ên hay Ghin-gan, có được vẻ huy hoàng rực rỡ. Họ cho rằng Thiên Chúa phải hài lòng với họ, vì mọi việc diễn tiến tốt đẹp.

Vì thế, thực hành tôn giáo đã trở thành những buổi phụng tự phô trương và những lễ hội linh đình, nhưng chỉ là trống rỗng, bởi vì chúng không tác động đến lương tâm của quần chúng. Tôn giáo không có bất cứ ảnh hưởng nào trên đời sống luân lý, chỉ như một loại ngụy trang cho phép những kẻ quyền thế làm bất cứ điều gì họ muốn và như một thứ thuốc phiện để ru ngủ quần chúng quên đi nhưng cảnh cùng khổ và bất công mà họ phải chịu. Hậu quả rõ nét là sự bất công xã hội tràn lan, tương phản với những phẩm chất của dân Thiên Chúa.

3/.Nhân cách ngôn sứ của A-mốt :

Đây là hoàn cảnh vương quốc miền Bắc mà ông A-mốt được sai đến để loan báo sứ điệp của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh bi thương như thế, vị ngôn sứ không thể không công kích dữ dội giai cấp cầm quyền thối nát và những kẻ giàu có hám lợi (5, 7.10-12; 6, 1-14). Trong đoạn trích hôm nay, vị ngôn sứ tố cáo những phú thương lợi dụng các ngày đại lễ để gian lận đầu cơ trục lợi từ những kẻ bị áp bức và những người nghèo hèn trong xứ (8, 4-6). Vị ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa mà tuyên án : “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (8, 7).

Trong hoàn cảnh xã hội suy thoái về mặt luân lý như vậy, không thể nào khác hơn là phải công kích bằng những lời lẽ thẳng thắn, bộc trực, không vì bất kỳ ân ban lợi lộc nào có thể làm thay đổi cung giọng của vị ngôn sứ được và cũng không bất kỳ chống đối hay hăm dọa nào có thể làm cho vị ngôn sứ phải nao lòng mà chùn bước được. Không bao lâu sau đó những thành phần bị công kích phản ứng.

Hoàn cảnh được gói gọn vào một buổi chiều giữa ngôn sứ A-mốt và tư tế đền thờ Bết Ên là ông A-mát-gia. Trước đó, tư tế A-mát-gia đã mật báo với vua rằng ông A-mốt âm mưu chống lại vua ngay trên lãnh thổ của vua bằng cách tố cáo sự bất công và hăm dọa án phạt của Thiên Chúa. Trong cuộc gặp gỡ này, tư tế A-mát-gia bảo ngôn sứ A-mốt đừng đến đây quấy rầy họ và hãy trở về đất Giu-đa làm nghề ngôn sứ mà kiếm ăn.

Sự căng thẳng giữa lời rao giảng của vị ngôn sứ và sự bác bỏ của vị tư tế tham dự trước đến tám trăm năm việc các vị lãnh đạo tôn giáo chống đối sứ vụ của Đức Giê-su. Trong trường hợp Đức Giê-su cũng vậy, giai cấp lãnh đạo tôn giáo phải vận động đến chính quyền dân sự để khai trừ “tên phản động” dám phê bình chỉ trích tình trạng hiện hành.

 Nhân cách của ngôn sứ A-mốt có thể được tóm gọn trong những lời nhận xét sau đây : “Không một ngôn sứ nào gần gũi với thế giới ngày nay bằng A-mốt. Ông đã can đảm tố cáo những bất công trong xã hội nước Ít-ra-en ở thế kỷ thứ tám. Ông đã trở nên lương tâm của đất nước và cất tiếng nói thay cho những người thấp cổ bé miệng. Bài học quan trọng mà A-mốt vẫn còn muốn nhắc nhở các Ki-tô hữu hôm nay đó là: công bằng xã hội là chuyện của tôn giáo. Lòng đạo đức thật sự được đo lường bằng lối sống ở phố chợ hơn là ở nhà thờ” (Nhóm phiên dịch CGKPV, Dẫn Nhập Các Ngôn Sứ, tr. 702).

BÀI ĐỌC II (1Tm 2, 1-8)

Ti-mô-thê vừa là một môn đệ vừa là cộng sự viên trung tín của thánh Phao-lô. Thánh nhân đã gặp người môn đệ này ở Lýt-ra, miền Tiểu Á, trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của thánh nhân. Sách Công Vụ nói với chúng ta ông được cộng đồng chứng nhận là một người Ki-tô hữu đạo hạnh (Cv 16, 2). Thánh Phao-lô muốn ông đồng hành với thánh nhân trong những cuộc hành trình truyền giáo.

Cha ông là người Hy-lạp, mẹ và bà ngoại của ông là người Do-thái. Ngay từ thuở nhỏ ông đã được mẹ và bà ngoại nuôi nấng dạy dỗ Kinh Thánh, vì thế ông hiểu biết thấu đáo Kinh Thánh, như lời nhận định của thánh Phao-lô trong thư thứ hai gởi Ti-mô-thê: “Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2Tm 1, 5). Thánh Phao-lô và ông Ti-mô-thê đã cộng tác với nhau mật thiết đến độ trong số những thư của thánh nhân có đến sáu bức thư đều có ông Ti-mô-thê đồng kính gởi.

Thánh Phao-lô đã ký thác cho ông Ti-mô-thê Giáo Đoàn Ê-phê-xô. Thánh Phao-lô rất yêu quý Giáo Đoàn này mà ngài đã thành lập và đổ nhiều công sức. Qua vị đứng đầu Giáo Đoàn, thánh nhân thăm hỏi hết thảy mọi thành viên trong Giáo Đoàn.

Thật khó để xác định niên biểu thư này, vì những năm tháng sau cùng cuộc đời của thánh Phao-lô chỉ được phỏng đoán. Tuy nhiên, thư thứ hai gởi cho Ti-mô-thê được viết chẳng bao lâu trước cuộc tử đạo của thánh nhân (năm 67), thư thứ nhất chắc chắn được viết sau thư thứ hai độ hai hay ba năm.

1/.Ơn cứu độ phổ quát:

Thánh Phao-lô khuyên nên cầu nguyện không ngừng. Ở đây thánh nhân nhấn mạnh tính hoàn vũ mà lời cầu nguyện phải mặc lấy trong các buổi họp cộng đoàn. Phải cầu nguyện cho hết mọi người, vì Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Chính vì mục đích này mà lời cầu nguyện phải là cầu xin, khẩn nguyện và nài van.

Thánh Phao-lô còn thêm “tạ ơn cho tất cả mọi người”, thái độ này hoàn toàn phù hợp với truyền thống Kinh Thánh, theo đó người tín hữu tin chắc rằng lời cầu nguyện của mình được nhận lời. Nhưng thánh nhân định vị mình cách đặc biệt vào trong tinh thần Giáo Hội hướng lời cầu nguyện cộng đoàn theo chiều kích tạ ơn và gọi phụng vụ cốt yếu của mình là tạ ơn.

2/.Cầu nguyện cho tất cả những người cầm quyền:

 Thánh nhân đã bày tỏ – và giải thích – bổn phận của người công dân trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Thật thế, làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ…” (Rm 13, 1-7).

Đừng quên rằng thánh Phao-lô xưa kia là một kinh sư; lập trường của ngài được sáng tỏ nếu chúng ta nhớ lại một sự kiện lịch sử quan trọng. Kể từ thời hoàng đế Âu-gút-tô, người Do thái được hưởng đặc ân là không bị buộc phải thờ lạy hoàng đế như một thần linh, nhưng được phép cầu nguyện với Thiên Chúa của mình cho hoàng đế, mà không bị buộc phải kêu cầu thần Jupiter hay vị thần linh dân ngoại nào. Bao lâu đế quốc Rô-ma vẫn còn, dân Do thái được đặc quyền này.

Vì thế, thánh Phao-lô không thể nghi ngờ rằng người Ki-tô hữu, xuất thân từ Do-thái giáo, bị chối từ được hưởng đặc ân này. Tuy nhiên, câu cuối cùng để cho thấy một mối lo lắng nào đó về tương lai: “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”.

3/.Chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng Trung Gian là Đức Ki-tô.

Lời nguyện phổ quát mà thánh Phao-lô căn dặn đặt nền tảng trên sự duy nhất của Thiên Chúa và Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Ki-tô. Lời tuyên tín mà thánh nhân công bố có thể là lời trích dẫn của một bản văn phổ biến trong Giáo Hội tiên khởi. Khởi đầu là lời khẳng định: “Vì Thiên Chúa thì chỉ có một”, tương tự với lời khẳng định khởi đầu lời kinh nguyện hằng ngày của người Do thái (shema).

Tiếp đó, thánh nhân nhấn mạnh phẩm chất duy nhất của Đức Ki-tô: “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người cũng chỉ có một: đó là Đức Giê-su Ki-tô”. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giê-su vừa là con người vừa là Thiên Chúa; vì thế, với tư cách là con người, chỉ duy một mình Ngài mới có thể “tự hiến làm giá chuộc mọi người”.

Diễn ngữ thánh Phao-lô dùng cũng là diễn ngữ mà Chúa Giê-su đã dùng theo Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Mác-cô: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28; Mc 10, 45).

Việc thánh Phao-lô nhấn mạnh phẩm chất của Đức Giê-su, Đấng Trung Gian duy nhất và phổ quát chắc chắn là lời đáp trả cho những niềm tin Do-thái giáo vẫn còn sống động giữa vài người Ki-tô hữu xuất thân từ Do-thái giáo, theo niềm tin này, các thiên thần được gán cho một vai trò cầu bầu. Thánh Phao-lô dựa những lời khuyên bảo của mình trên ơn gọi làm Tông Đồ dân ngoại của ngài.

Câu cuối cùng trở lại với động cơ cầu nguyện (kỷ thuật văn chương đóng khung). Thánh nhân đòi hỏi rằng cử chỉ giơ tay lên khi cầu nguyện phải tương xứng với tư thế sẵn sàng bên trong: “tâm hồn thánh thiện và đức ái huynh đệ”.

TIN MỪNG (Lc 16, 1-13)

Trong suốt cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su giáo huấn những phẩm chất cần phải có để làm môn đệ Ngài, nhằm một mục đích duy nhất là được gia nhập Nước Trời: siêu thoát những của cải trần thế, từ bỏ bản thân, mang lấy thập giá của mình, sẵn lòng chịu trách nhiệm nghiêm trọng và xem ơn cứu độ như là của cải tối thượng, kho tàng không hề hư hoại. Chương 16 nêu lên vấn đề về thái độ đối với tiền bạc. Chương này bắt đầu với dụ ngôn “người quản gia bất lương” và hoàn tất với dụ ngôn “ông phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó”. Hai dụ ngôn này phụ thuộc lẫn nhau và soi sáng cho nhau.

Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần thứ nhất là dụ ngôn “người quản gia bất lương”, phần riêng của thánh Lu-ca; phần thứ hai, có chung với thánh Mát-thêu, là giáo huấn của Chúa Giê-su về việc quản lý của cải tinh thần, phần này hoàn tất với một suy tư về của cải.

1/.Vấn đề:

Dụ ngôn “người quản gia bất lương” nêu lên nhiều vấn đề cho các nhà chú giải, nhất là vấn đề biết ai là người phú hộ. Danh xưng “kurios” được dùng ở đây có thể được hiểu là “Chúa”, như thế chỉ Đức Giê-su (thánh Lu-ca sử dụng tước hiệu này nhiều lần, trái với thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu), nhưng cũng có thể được hiểu là “ông chủ”, như thế chỉ gia chủ giàu có, ông đã thuê viên quản gia này. Theo tập quán Do thái thời đó, viên quản gia là người được toàn quyền thay chủ trông coi gia sản của chủ. Các nhà chú giải chia thành hai do “từ hai nghĩa” này.

Nhưng ngay liền sau đó, câu tiếp theo lại nêu lên vấn đề, ai đã có thể nói: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” nếu không là Đức Giê-su? Hơn nữa, khởi đi từ những lời: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”, không có gì phải phân vân nữa. Đây rõ ràng là biểu thức Chúa Giê-su sử dụng trong bài giảng trên núi.

Mặt khác, chúng ta nhớ rằng trong các sách Tin Mừng, đây không là trường hợp duy nhất Chúa Giê-su quy chiếu đến hạnh kiểm không gì tốt đẹp của nhân vật để từ đó Ngài rút ra bài học, ví dụ như viên quan tòa bất chính, “ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Viên quan tòa này, sau một thời gian dài từ chối biện hộ cho một bà góa, nhưng cuối cùng đành phải bênh vực bà góa này vì bà cứ năm phen bảy lượt van xin mãi đến đinh tai nhóc óc (Lc 18, 1-8). Nếu như Đức Giê-su không nhấn mạnh tính bất chính của viên quan tòa này, liệu nhân tố kích thích của dụ ngôn có thể được sinh động hay không. Cũng trường hợp như vậy đối với viên quản gia bất lương. Có một bài học mâu thuẩn phải rút ra từ sự khôn khéo của y.

2/. Bận lòng đến tương lai trần thế:

Viên quản gia đã biển thủ của cải của chủ mình. Chuyện đến tai ông chủ, ông liền gọi anh đến và nói với anh: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy thanh toán sổ sách công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa?”. Vì thế, anh bị lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, nếu không tìm được một lối thoát. Anh tự nhủ: “Mình biết phải làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”; lúc đó anh vận dụng thủ đoạn xảo trá mà dụ ngôn mô tả. Anh biết tận dụng thời gian đương nhiệm còn lại của mình, nhờ của cải không phải của anh để mà sau này những con nợ của chủ biết ơn anh và hậu tạ anh.

Anh được chủ khen ngợi không phải tính bất lương của anh, nhưng sự khôn khéo, biết lo toan, tính toán làm sao cho tương lai của mình được đảm bảo sau này. Chính ở nơi những nổ lực này mà Chúa Giê-su muốn thính giả của Ngài để tâm lưu ý đến. Ngài chuyển dụ ngôn từ tương lai trần thế sang tương lai vĩnh cửu. Nếu con cái ánh sáng để hết tâm trí vào ơn cứu độ của mình cũng sinh động như người quản gia bất lương này thì tốt biết mấy. Họ sẽ sử dụng tối đa cuộc sống tràn thế của mình để đảm bảo cho mình được tiếp đón trong Nước Trời: không phải tên biển thủ của dụ ngôn đã bày tỏ sự khinh miệt của anh đối với tiền của khi sử dụng nó như phương tiện để đạt cho bằng được mục đích của anh là đảm bảo cho mình một tương lai sao?

3/.Quan tâm đến tương lai vĩnh cửu:

Chúa Giê-su phát biểu như một ông chủ sở hữu của cải tinh thần mà môn đệ của Ngài sẽ là những quản gia: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”. Họ phải biết tỏ ra khôn khéo trong việc phân phát của cải tinh thần mà Ngài giao phó cho họ cai quản. Của cải tinh thần này mới là của cải chân thật duy nhất, không hề hư hoại. Họ phải chứng tỏ cho thấy mình xứng đáng với sự tín nhiệm của chủ: “Ai trung tín trong những việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong những việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”.

Cuối cùng, Chúa Giê-su cảnh giác coi chừng đừng làm tôi hai chủ: “Thiên Chúa hay Thần Tài”.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – C

CÁCH QUẢN LÝ TIỀN CỦA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

I/. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Trong thời đại kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ ngày nay, tiền bạc là một cám dỗ rất lớn, tiền bạc có thể làm cho người ta quên mất tình nghĩa với anh em và xa rời tình yêu Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy chúng ta biết sử dụng tiền bạc như thế nào để nó luôn là đầy tớ phục vụ mình, chứ không bao giờ là ông chủ bắt ta nô lệ nó.

II/. Gợi ý sám hối

  • Chúng con quá mải mê kiếm tiền đến nỗi nhiều khi lơ là bổn phận đối với Chúa. 
  • Chúng con quá coi trọng tiền bạc đến nỗi nhiều lần lỗi công bình và bác ái. 
  • Chúng con chưa yêu mến Chúa trên hết mọi sự. 

III/. Lời Chúa

1/. Bài đọc I (Am 8, 4-7)

Ngôn sứ Amos mạnh mẽ lên án những tội lỗi của người giàu:

  • Họ mê kiếm thêm tiền đến nỗi ngay trong những ngày lễ như mồng một và sabát họ chỉ mong cho ngày lễ ấy chóng qua để họ tiếp tục làm ăn kiếm thêm tiền. 
  • Khi làm ăn, họ dùng đủ cách gian lận “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm”. 
  • Đặc biệt họ khai thác và bóc lột những người nghèo. 

2/. Đáp ca (Tv 112)

Ca ngợi Chúa vì đã cứu giúp và nâng đỡ những người nghèo.

3/. Tin Mừng (Lc 16, 1-13)

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy môn đệ mình cách xử dụng tiền bạc của cải vật chất. Trước tiên Ngài dùng một dụ ngôn (người quản gia), và sau đó nói về cách xử dụng tiền của.

a/. Dụ ngôn người quản gia: đối với dân Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. BJ nói quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.

– Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ? cho vay ăn lời cắt cổ? hay là sửa đổi giấy nợ?. . . ).

– Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của: Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.

b./ Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của:

  • Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”. 
  • Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau. 
  • Phải coi tiền của là đấy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ. 
  • Chính những người được coi là đạo đức như biệt phái mà cũng mang tính tham lam. 

4/. Bài đọc II (1 Tm 2, 1-8) (Chủ đề phụ)

Thánh Giacôbê khuyên tín hữu mình đừng ganh tị tranh chấp với nhau:

  • Nguồn gốc của tranh chấp là lòng tham
  • Thay vì tranh chấp, hãy tích cực xây dựng hòa bình. 

IV/. Gợi ý giảng

* 1/. Dùng tiền của hiện tại để mua bảo đảm cho tương lai

Dụ ngôn này nói tới một người quản gia kia bị tố cáo là phung phí tài sản của chủ nên bị chủ báo tin là sẽ cho thôi việc. Anh ta lo sợ trước viễn tượng một tương lai bấp bênh nên đã tìm cách xoay sở, để sau này khi anh mất việc thì có nhiều người giúp đỡ anh.

Mấu chốt của câu chuyện là cách xoay sở của anh: anh gọi những người thiếu nợ đến và sửa lại giấy nợ, nghĩa là giảm bớt phần nợ mà họ phải trả. Làm như thế họ sẽ biết ơn anh và sau này sẽ giúp anh để đền ơn.

Thế nhưng cách xoay sở bằng cách sửa lại giấy nợ như thế có lương thiện hay không? Hiện có hai lối giải thích:

– Giải thích thứ nhất cho rằng anh ta không lương thiện: lẽ ra con nợ thứ nhất phải trả cho chủ 100 thùng dầu thì anh bớt đi chỉ còn phải trả 50 thùng thôi; con nợ thứ hai lẽ ra phải trả 1000 thùng lúa thì anh bớt đi chỉ còn 800. Như thế là làm thiệt hại cho chủ. Anh ta lấy một phần tài sản của chủ để mua lấy tình cảm cho bản thân anh. Nói nôm na hơn, anh ta “mượn đầu heo nấu cháo”.

– Giải thích thứ hai cho rằng anh lương thiện: Theo tục lệ Do Thái, người quản gia không được trả lương, nhưng bù lại, chủ thường uyển chuyển hoặc làm ngơ để cho người quản gia dùng tài sản của chủ mà kiếm ăn riêng, miễn sao không hại đến tài sản của chủ thôi. Người quản gia này đã lấy 50 thùng dầu của chủ để cho người ta vay nhưng trong giấy nợ anh ghi là 100 thùng, tức là có thêm 50 thùng mà anh ta sẽ hưởng; cũng thế anh lấy 800 thùng lúa của chủ để cho vay nhưng trong giấy nợ lại ghi là 1000 nghĩa là có phần của anh 200 thùng. Đến lúc cần mua lòng người ta, người quản gia này đã hy sinh phần lời mà anh được hưởng, anh dùng phần đó để mua tình cảm của những người thiếu nợ. Nói nôm na, anh này đã “bỏ con tép để bắt con tôm”. Như thế, anh xoay sở cách lương thiện.

Hai giải thích trên, giải thích nào cũng có phần đúng. Chúng ta không biết chọn theo giải thích nào. Nhưng điều đáng chúng ta lưu ý, mà cũng là điều chính Chúa Giêsu bảo chúng ta học theo, đó là anh biết dùng của cải vật chất hiện tại để mua sắm những thứ bảo đảm cho tương lai: đối với người quản gia này, để mua lấy bảo đảm cho tương lai, anh không tiếc phải hy sinh tài sản hiện tại. Hiện tại, anh làm ơn cho những người thiếu nợ anh, để sau này những người đó sẽ trả ơn cho anh.

* 2. Những việc nhỏ dẫn đến việc lớn

Người ta không phạm một tội lỗi tày trời ngay trong một sớm một chiều; người ta cũng không làm một việc tốt vĩ đại ngay trong một sớm một chiều. Việc lớn là hậu quả hay kết quả của những việc nho nhỏ mà người ta đã bắt đầu làm từ rất lâu trong quá khứ.

Như người quản gia trong dụ ngôn này, có lẽ khi mới được chủ chọn làm người coi sóc tài sản, anh đã làm rất tốt. Dần dần đồng tiền có sẵn trong tay cám dỗ anh ăn bớt ăn xén, khởi sự là một số tiền nhỏ, dần dần lớn hơn… Rất có thể đôi khi lương tâm anh cũng sống lại, khiến anh biết điều mình làm là sai trái. Nhưng vì đã quen ham tiền và quen kiếm tiền cách bất chính nên anh không dừng lại được, trái lại càng ngày càng lún sâu hơn trong tội lỗi. Cho đến một ngày kia, sự việc đổ bể, chủ gọi anh đến và cất chức anh.

Tục ngữ có câu “Túi tham không đáy”. Chúng ta đừng tự lừa dối mình rằng “Chỉ một ít này thôi, chỉ một lần này thôi”, bởi vì một khi đã dùng cách bất chính để bỏ vào túi tham của mình một ít tiền thì cái túi ấy chẳng những không đầy, trái lại nó càng sâu thêm, lòng tham của mình đói khát thêm và lại đòi ăn thêm nữa.

Hằng ngày đọc báo, nghe đài và xem truyền hình, chúng ta thấy nhiều người phải ra tòa rồi vào tù vì tội ăn cắp tài sản của người khác hoặc của công. Đáng chú ý là thủ phạm của những vụ ăn cắp lớn không phải là những người nghèo mà là những người giàu. Họ đâu có túng thiếu, họ còn dư thừa nữa là đàng khác. Nhưng căn bệnh nguy hiểm của họ là tiền bạc họ có thay vì thỏa mãn họ thì lại làm cho họ thèm khát hơn.

Cách tốt nhất để không bị đồng tiền làm hại là hãy kiếm tiền cách chân chính và đừng bao giờ bắt đầu một hành vi gian tham dù rất nhỏ nhặt.

* 3. Nhận lãnh để trao ban

Có một nhà kia tính mời vài đạo sĩ tới lập đàn giải trừ tai nạn. Một đạo sĩ nọ tham lam, muốn một mình hưởng trọn số tiền chủ nhà trả ông, liền nhận bao thầu hết việc lập đàn cúng bái.

Ông ta chẳng kể ngày đêm. Làm việc luôn tay luôn chân, không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì kiệt sức, đơ tay, ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông ta chết, mang hoạ, liền thuê người khiêng ông về miếu. Đạo sĩ nghe vậy, cố ngước đầu lên thì thào:

Ông hãy đưa tiền thuê người cho tôi, tôi tự mình lần về miếu cũng được.

*

Những người coi đồng tiền to hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Người khen ông quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Ông khôn khéo vì ông biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu.

Nếu “con cái đời này” biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để to liệu cho ngày mai, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở tương lai?

Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu lại không biết sử dụng của cải phù dù, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời.

Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để biết được lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta lại không “trung tín trong việc nhỏ” là sử dụng tiền của để bảo đảm cho ta của cải chân thật đời sau?

Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. Tác giả Augier còn viết: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quĩ của người nghèo”. Vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý chủ, những quản gia trung tín và khôn ngoan. Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thựïc sự “làm tôi Thiên Chúa”.

*

Lạy Chúa, trong khi chúng con đang bôn ba tìm kiếm những của cải tạm bợ đời này, xin cho chúng con cũng biết khôn ngoan tích trữ cho mình gia tài vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời. Amen. (TP)

4/. Chuyện minh họa

a/ Cửa sổ hoặc tấm gương

Một người Do Thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh đến bên cửa sổ và nói: “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và tôi biết ông thấy gì. ” Không một chút do dự, người giàu có trả lời: “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại. ” Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự: “Nào, bây giờ ông thấy gì trong tấm gương?” – “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi”.

Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học: “Này nhé, tấm gương được làm bằng kính, phía sau phủ một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đàng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ, ông đã thấy được những người khác. (Trích “Món quà giáng sinh”)

b/ Loại tiền cho đi

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

– Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

– Chỉ một đồng thôi. 

– Còn tô lớn kia?

– Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

– Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không?

Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:

– Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được. 

– Thế tiền-cho-đi là tiền gì?

– Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

c/ Đạo một mắt

Bác sĩ A. J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không có nguy cơ bị mù. Ông hỏi:

– Nhưng giá bao nhiêu?

– Chữa mỗi mắt là 100 đô.

Ông nhà giầu phân vân giữa tiền bạc và mù loà. Rồi ông nói với bác sĩ: “Tôi chỉ chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn!”

Nhiều người vẫn cầu nguyện: “Xin mở mắt con để thấy kì công của Chúa. . . ” Nhưng xem ra nhiều Kitô-hữu chỉ muốn Chúa mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn phải để mà trông coi gia sản!

d/ Đổi tiền

Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

  1. Mảnh suy tư

a/ Tiền

Người công nhân đồ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoang phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó cho vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Người hấp hối lìa bỏ nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm để dành nó

Người keo kiệt thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chộp lấy nó

Người giàu gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó (Quote)

b/ Khả năng thật của tiền bạc

Tiền có thể mua được cái vỏ nhưng không mua được cái nhân

Nó có thể mang đến cho bạn thức ăn, nhưng không mang đến khẩu vị

Nó giúp bạn có nhiều người quen, nhưng không giúp bạn có bạn bè

Nó giúp bạn có những đầy tớ, nhưng không giúp bạn có được lòng trung thành của họ. 

Nó ban cho bạn những tháng ngày hưởng thụ, nhưng không cho bạn bình an và hạnh phúc (Henrik Ibsen)

c/ Những thứ mà tiền không mua được

Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn.

Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:

Tiền không mua được tình bạn chân thực. 

Tiền không mua được lương tâm trong sạch. 

Tiền không mua được niềm vui lành mạnh.

V/. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Đấng yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin:

1/. Hội thánh là dấu chỉ ơn cứu độ cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh / biết luôn quan tâm đến việc rao giảng Tin mừng cho mọi nước mọi dân.

2/. Hiện nay / vẫn còn có biết bao người không nhà không cửa / nghèo khổ cùng cực / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc xóa đói giảm nghèo / mang lại hiệu quả thiết thực cho những người bất hạnh trong xã hội.

3/. Tiền bạc là một người đầy tớ tốt / nhưng luôn luôn là một ông chủ xấu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết sử dụng của cải Chúa ban theo đúng tinh thần nghèo khó của Tin mừng.

4/. Giúp mọi người sống xứng với nhân phẩm của mình / là bổn phận cao quý của người Kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết rộng rãi giúp đỡ những ai thật sự khó nghèo / để họ có thể sống xứng với thân phận con người.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. Xin cho chúng con chỉ biết tôn thờ một mình Thiên Chúa, và chỉ sử dụng tiền của như một phương tiện Chúa ban để nuôi sống bản thân và gia đình, đóng góp vào việc công ích và chia sẻ cho những người nghèo khổ. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI/. Trong Thánh Lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta sắp nói với Chúa Cha rằng “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lời nguyện này không nhằm xin cho có của ăn cho bằng xin có tinh thần phó thác vào Chúa quan phòng thay vì óc tham lam tích trữ.

– Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt xin cứu chúng con khỏi tính tham lam và sự nô lệ tiền của, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”

VII/. Giải tán

Trước khi ra về, chúng ta hãy ôn lại một lời Chúa nói hôm nay “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Trong tuần này, chúng ta hãy cố gắng làm chủ tiền của và làm tôi Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ