Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1378627

SÁM HỐI THÌ ĐƯỢC CỨU RỖI

SÁM HỐI THÌ ĐƯỢC CỨU RỖI- Anmai, CSsr

Mở đầu những trang Thánh Kinh, chúng ta thấy trình thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trời đất muôn loài muôn vật. Đỉnh điểm của công trình tạo dựng của Thiên Chúa đó là Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài. Không chỉ dựng nên giống hình ảnh mình mà thôi, Thiên Chúa còn cho con người được ơn, được quyền sử dụng tất cả những tạo vật mà Chúa đã dựng nên ấy. Thiên Chúa một mực yêu thương con người ngay từ những ngày đầu tạo thiên lập địa nhưng con người, con người mãi quay lưng lại với Thiên Chúa.

Cũng ngay những chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa ban đầu cảm thấy vui khi tạo dựng con người. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, con người cứ mãi hận thù, ganh tỵ, chém giết lẫn nhau như Ca-in đã giết A-ben em mình. Không chỉ có như vậy mà lòng con người cũng bắt đầu thay đổi. Lòng con người không được như trước nữa mà lòng con người đã trở nên chai đá trước tình yêu của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế đã ghi lại: “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng.”(St 6, 5-7)

Giận thì giận mà thương thì thương. Thiên Chúa thấy Nôê là người công chính nên Ngài đã thương và Ngài đã bày tỏ tình thương của Ngài với Nô-ê và gia đình của ông.

Như sách Sáng Thế đã thuật lại, chúng ta thấy Thiên Chúa giận thì có giận đấy nhưng mà Ngài không nỡ bỏ con người. Ngài vẫn chờ đợi sự hoán cải, sự hối lỗi của con người.

Nhìn vào Thiên Chúa và con người, cách hành xử của Thiên Chúa và con người chúng ta thấy rất ư là buồn cười. Con người thì cứ mãi miết đi trong tăm tối, đi trong tội lỗi còn Thiên Chúa thì cứ mãi biểu lộ tình thương, sự tha thứ của mình. Một trong những người cảm nhận được lượng từ bi lân tuất, tình yêu thương hải hà của Thiên Chúa đó chính là vua Đa-vít. Vua Đa-vít hơn một lần đã dâng lời chúc tụng Chúa, chúc tụng về tình thương bao la của Thiên Chúa:

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,

thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,

khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

Chúa phân xử công minh,

bênh quyền lợi những ai bị áp bức,

mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,

cho con cái nhà Ít-ra-en

thấy những kỳ công Người thực hiện.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương,

chẳng trách cứ luôn luôn,

không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,

tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái,

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.  (Tv 103, 1-13)

Thiên Chúa là Cha hay thương xót, chạnh lòng thương và chờ đợi con người đáp trả.

Trở về với trường hợp của Nô-ê. Thiên Chúa giận, Ngài đã quyết định số phận mọi xác phàm và rồi Ngài bảo Nô-ê chuẩn bị cho quyết định ấy. Nô-ê tin tưởng vào lời của Thiên Chúa và ông đã thực hiện những gì Thiên Chúa bảo ông làm. Nếu như ông không tin tưởng và không kiên nhẫn chờ đợi trong trong 150 ngày thì số phận của ông cũng như những người kia. Thiên Chúa không những cứu sống cho đại gia đình của Nô-ê mà Thiên Chúa còn chúc phúc cho đại gia đình ấy nữa.

Để được sống, được hưởng chúc như ông Nô-ê không đơn giản như chúng ta nghĩ. Phải thật kiên nhẫn, phải thật tin tưởng, phải thật tín thác cuộc đời mình trong tay Chúa. Đâu có đơn giản để sống 150 ngày lênh đênh trên sóng nước? Phải chiến đấu, phải đối diện với biết bao nhiêu gian nan khốn khó của cuộc đời thì gia đình của Nô-ê mới được đi vào trong vinh quang với Thiên Chúa.

Trong thư của mình, Thánh Phêrô nhắc nhở mỗi người chúng ta về ơn cứu độ, về sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Ngài viết: “Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1 Pr 3, 18-19). Đức Kitô muốn vào vinh quang phục sinh với Cha của Ngài, Ngài cũng phải trải qua nhiều đau khổ và nhất là phải đón nhận cái chết và cái chết tủi nhục trên thập giá. Chúng ta thừa biết rằng, cuộc đời của Chúa Giêsu, từ khi sinh ra cho đến khi chịu chết, Ngài phải chấp nhận biết bao nhiêu đau khổ.

Để thi hành sứ vụ rao giảng công khai của mình về Nước Trời, Chúa Giêsu đã phải đối diện với biết bao nhiêu đau khổ, biết bao nhiêu là thử thách.

Để bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã vào hoang địa để chịu sự cám dỗ của ma quỷ. Không đơn giản để vượt qua những cám dỗ đó dẫu đó là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng mang trong mình phận của một con người yếu đuối, mỏng dòn, cũng biết cảm thương, cũng biết giận, biết hờn … Chúa Giêsu cũng có trong mình cảm nghĩ về sự đau khổ, về sự thử thách mà chúng ta đã từng được nghe Thánh Kinh thuật lại. Chúa Giêsu cầu xin với Chúa Cha là cất khỏi Ngài chén đắng mà Chúa Cha trao ban nhưng xin đừng theo ý của Ngài nhưng là theo ý Cha. Với tâm tình đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng quá vất vả, quá khó khăn khi đối diện với ma quỷ, với cám dỗ. Thế nhưng, chung cuộc, kết cục của cơn cám dỗ mà ma quỷ đưa ra đó Chúa đã thắng.

Tại sao Chúa đã thắng được những cơn cám dỗ của ma quỷ? Chúa đã sống kết hợp mật thiết với Cha, Chúa đã cầu xin Chúa Cha ban ơn cho mình và đặc biệt Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác cuộc đời mình trong tay của Cha. Hơn một lần chúng ta nghe Chúa Giêsu thỏ thẻ với Cha: “Lạy Cha! Nếu có thể được xin Cha cấy cho con khỏi chén này nhưng xin theo ý Cha chứ đừng theo ý con”. Qua câu thỏ thẻ ấy, chúng ta thấy tâm tình của Chúa Giêsu như thế nào. Chúa Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, Ngài phải đón nhận những cơn cám dỗ của cuộc đời nhưng Ngài đã thắng.

Bước vào Mùa Chay Tịnh, chúng ta bước vào hoang địa với Chúa Giêsu để sống thời gian đặc biệt: Thời gian sám hối.

Đừng như một số người suy nghĩ về cuộc đời họ thường nói là “kệ nó! tới đâu thì tới!” hay là “sao cũng được!”. Nếu nghĩ như thế, nếu nói như thế thì chẳng còn gì phải bàn, phải bận tâm nữa. Cuộc đời con người mau qua chóng tàn, nay còn mai mất. Mất và tàn ấy không phải là chuyện của chúng ta mà là của Thiên Chúa. Và nếu như người khôn ngoan thật thì luôn luôn hướng đến ngày mau qua chóng tàn ấy để cân chỉnh cuộc đời của mình cho tốt hơn.

Chúa luôn luôn chờ đợi, Chúa luôn luôn bao dung tha thứ. Phần chúng ta là ăn năn sám hối, sửa đổi cuộc đời.

Mùa Chay là mùa thuận tiện, mùa cơ hội để chúng ta hồi tâm quay về với Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót thương mở rộng vòng tay ra để ôm chầm chúng ta là những con người tội lỗi biết quay về với Chúa.

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY- Năm B

CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG- Trích Logos B

Ngày 28/6/1997, một trận đấu quyền anh đáng ghi nhớ được tổ chức tại Las Vegas, bang Neveda, Hoa Kỳ. Hai võ sĩ hạng nặng nổi tiếng thế giới đã thách đấu với nhau : đó là võ sĩ Mike Tyson và võ sĩ Evander Holifield.

Trận quyền anh được cả thế giới chú ý vì người thắng cuộc sẽ được một phần thưởng rất lớn : 35 triệu đôla và cái đai vô địch đầy

vinh dự.

Ở hiệp 3 của trận đấu, thừa lúc hai bên đang bị khóa chặt trong vòng tay của nhau, Mike Tyson đã cắn vào tai đối thủ của mình. Cái cắn mạnh đến nỗi võ sĩ Evander Holifield bị đứt một miếng tai, máu chảy đầm đìa. Ngay lập tức trọng tài cho ngưng trận đấu và tuyên bố Holifield là người thắng cuộc. Còn Mike Tyson bị cảnh sát dẫn đi. Là một võ sĩ đang ở trên đài cao vinh quang, nhưng chỉ vì một cái cắn tai đầy ô nhục, Mike Tyson đã đánh mất tất cả danh dự của một võ sĩ. Người ta đã ví “cái cắn tai” lịch sử đó giống như “vết cắn” của ông bà Nguyên Tổ trên trái táo nguyên tội.

Khi cắn vào tai đối thủ, Mike Tyson đã không cưỡng lại được lòng say mê bạo lực. Cũng vậy, khi ghé răng cắn vào trái táo, ông bà Nguyên Tổ cũng không cầm lòng được trước những lời dụ dỗ của con rắn. Tất cả những bi kịch xảy đến cho con người đều do con người đã chịu thua trước những cơn cám dỗ. Con người luôn phải đối đầu với những cơn cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày. Chúa Giêsu cũng không phải là một biệt lệ, Ngài cũng từng phải chiến đấu với những cơn cám dỗ.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa. Ngài ở đó suốt 40 đêm ngày và chịu Satan cám dỗ. Tin Mừng theo thánh Marcô không nói rõ đó là cơn cám dỗ nào và Chúa Giêsu chiến đấu ra sao. Nhưng theo các tác giả Tin Mừng khác (Matthêu và Luca) đã thuật lại, thì đó là cơn cám dỗ về cơm bánh, quyền lực và vinh quang trần thế. Có điều đáng nói là Chúa Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng.

Hoang địa, một nơi đầy thử thách

Chúa Giêsu đã được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa 40 đêm ngày để chịu thử thách. Cũng vậy, dân Do Thái cũng phải lang thang trong hoang địa 40 năm dài trước khi vào Đất Hứa. Trong thời gian này, họ đã phải chịu nhiều thử thách. Họ đã sa ngã trước những thử thách đó : bao lần họ đã nổi loạn, chống lại ông Môisen, kêu trách Thiên Chúa, muốn quay trở lại Ai Cập với kiếp sống nô lệ hơn là tiến về Đất Hứa.

Tuy nhiên, hoang địa cũng lại là nơi con người có thể gặp gỡ được Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh, hoang địa là nơi thoát tục, để con người gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa tình yêu. Chính Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 ngày để cầu nguyện và lãnh nhận thánh ý Chúa Cha trước khi xuất hiện để rao giảng Tin Mừng

công khai.

Mỗi khi bắt đầu mùa Chay, Giáo Hội lại mời chúng ta vào hoang địa với Chúa Giêsu, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mùa Chay là thời gian để chúng ta chịu thử thách, để chúng ta cầu nguyện và tĩnh tâm. Nhờ vậy, chúng ta có thể gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa.

Mùa Chay kéo dài 40 ngày, nhắc lại thời gian 40 năm dân Israel đi trong hoang địa, 40 ngày tiên tri Êlia ở trên núi Horeb, 40 đêm ngày Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa. Các ngài đã cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Trong mùa Chay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi hướng về nội tâm, để trong sâu thẳm của lòng mình, chúng ta gặp gỡ Chúa và để Chúa hoán cải cuộc đời.

Chúa Giêsu chiến đấu và chiến thắng

Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa để chịu Satan cám dỗ. Bốn mươi ngày sống trong cô tịch, giữa những loài dã thú, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu với những cơn cám dỗ do Satan đưa tới. Có lẽ cơn cám dỗ lớn nhất mà Chúa Giêsu phải đương đầu, đó là cơn cám dỗ làm theo ý mình, thay vì thực thi thánh ý Chúa Cha. Cơn cám dỗ này đã đeo đuổi Ngài cho đến tận vườn Cây Dầu, để rồi trong cơn thử thách, Ngài đã phải thốt lên : “Lạy Cha, nếu có thể, xin hãy cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con một theo ý Cha” (Mc 14, 36).

Sự thử thách của Chúa Giêsu trong hoang địa gợi lên sự thử thách của Ađam và Evà trong vườn địa đàng xưa. Ông bà Nguyên Tổ đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, đã ăn trái cấm để được bằng Thiên Chúa. Ông bà đã sa ngã trước thử thách và để lại hậu quả tội lỗi muôn đời cho con cháu loài người.

Bốn mươi năm trong hoang địa cũng là thời gian thử thách lâu dài đối với dân Do Thái. Họ cũng đã sa ngã trước thử thách, vì họ chỉ đi tìm ý riêng mà không tìm kiếm và thực thi ý Thiên Chúa.

Với sự thúc đẩy của Thánh Thần, Chúa Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng. Ngài đã từ bỏ con đường rộng rãi thênh thang để đi vào cửa hẹp và con đường chật chội. Ngài đã chấp nhận cái chết để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Ngài đã toàn thắng trong vinh quang Phục Sinh.

Hôm nay, sống trong mùa Chay Thánh, chúng ta cũng nhận thấy muôn vàn cám dỗ đang bủa vây chung quanh. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu dạy chúng ta biết luôn chiến đấu để chiến thắng chính mình : biết từ bỏ mình để sống theo ý Chúa mỗi ngày.

Bài đọc I, trích sách Sáng Thế kể lại : sau khi chiến đấu với phong ba bão táp trong trận đại hồng thủy kéo dài 40 ngày, Thiên Chúa đã lập giao ước với ông Nôê qua hình ảnh chiếc cầu vồng (St 7, 12). Cũng vậy, mỗi lần ta kiên quyết chiến đấu để chiến thắng một cơn cám dỗ, ta lại làm cho giao ước tình yêu giữa Chúa và ta được tươi sáng hơn với những sắc mầu rực rỡ.

Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng

Có một điều đặc biệt đáng cho chúng ta chú ý : đó là nếu Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa để chiến đấu với những cơn cám dỗ và chiến thắng vẻ vang, thì cũng chính Thánh Thần lại thúc đẩy Ngài lên đường đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa : “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Phải chăng, sứ điệp đó cũng dành cho chúng ta hôm nay ? Lòng sám hối ăn năn luôn phải dẫn đến việc làm của niềm tin : đó là tin vào Tin Mừng. Tin Mừng là gì nếu không phải là Đức Kitô ? Và tin vào Tin Mừng chính là tin vào Đức Kitô.

Mỗi người chúng ta cũng hãy để cho Chúa Thánh Thần thúc đẩy mình hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng chính là giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người.

Người ta kể lại một mẩu truyện trong thế chiến thứ hai như sau : ngày kia, trên chiến trường, một vị linh mục tuyên úy đi ngang qua một hố bom, chợt thấy một người lính đang rên rỉ và quằn quại vì thương tích đầy mình. Thấy anh ta đang hấp hối, vị linh mục tuyên úy hỏi :

Anh có muốn nghe vài trang sách trong cuốn Kinh Thánh này không ?

Người lính trả lời :

Tôi khát lắm, tôi muốn uống nước hơn.

Vị linh mục tuyên úy vội vàng mang nước đến cho anh. Người bị thương lại thều thào :

Ông có thể giúp kê đầu tôi lên cao hơn một chút không ?

Vị linh mục tuyên úy cởi chiếc áo khoác cuộn lại làm gối cho anh lính kê đầu. Người lính lại rên rỉ :

Bây giờ tôi mong có một cái gì đó để đắp. Tôi lạnh quá !

Vị linh mục lại cởi nốt chiếc áo nhà binh đắp cho anh ta.

Cuối cùng, người lính mới nói :

Nào, nếu trong cuốn sách đó có nói về một ai đó đã làm những việc như ông vừa làm cho tôi thì xin ông vui lòng đọc. Tôi thích nghe những điều đó.

Loan báo Tin Mừng chính là loan báo về tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa cho mọi người. Chớ gì trong mùa Chay Thánh này, để Sống Lời Chúa, chúng ta luôn biết ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, cũng như biến đời mình trở thành trang sách Tin Mừng mở ra cho mọi người một thế giới đầy yêu thương.

home Mục lục Lưu trữ